HỒI 4: HỐ QUẶNG SỐ 111
Nấm mồ xanh nói ý đồ của hắn là để hội Tư Mã Khôi phá giải câu đố, nhưng khi thấy mọi người nảy lòng nghi ngờ muốn bỏ chạy, thì hắn đành xuất hiện và đích thân tiết lộ bí mật về tấm bia đá.
Hội Tư Mã Khôi biết rõ chẳng lời nào thốt ra từ miệng Nấm mồ xanh có thể là sự thật, dẫu ép phải nói sự thực thì phía sau chắc chắn cũng phải gài đặt rất nhiều hố bẫy không đáy chết người, bởi vậy không ai dám tin lời hắn. Cả hội nấp trên xà đá, quan sát tình hình, thầm nghĩ phen này bất kể thế nào cũng không được để đối phương chạy thoát lần nữa.
Có điều, bí mật mà Nấm mồ xanh định tiết lộ lại chính là điều hội mấy người Tư Mã Khôi muốn biết nhất, họ thầm thắc mắc, không hiểu tấm bia Bái Xà có thể giết chết người bằng cách nào? Vì sao không được nhìn cũng không được nói về bí mật đó? Những logic cổ quái tồn tại trong vô vàn ẩn số khiến người ta không thể suy đoán được từ bất kể góc độ nào, giờ không rõ Nấm mồ xanh sẽ giải mã “đáy đại dương” như thế nào đây, nên ai cũng nóng ruột được muốn nghe xem rốt cuộc nguồn cơn là thế nào.
Nấm mồ xanh trốn trong góc tối dưới đáy hố và nói:
“Sở dĩ trước đây ta không nói rõ nội tình là vì thời cơ chưa chín muồi, giờ đây dù sao các ngươi cũng đã đến trước tấm bia đá, nên cũng không cần tiếp tục che giấu nữa. Những lời ta nói hôm nay tuyệt đối không có nửa lời giả dối, các ngươi nghe xong tự khắc sẽ hiểu. Dãy số khắc trên tấm bia Bái Xà là do xà nữ nói ra từ mấy ngàn năm trước, bất kể là ai, chỉ cần biết hết nội dung của dãy số, thì sẽ chết ngay tức khắc, ngay cả ta cũng không dám nhìn, do vậy chỉ có thể nói cho các ngươi biết bản chất của bí mật mà thôi, ví như vì sao nó có thể khiến người ta sợ quá mà chết, rồi vì sao nhất định phải hủy bỏ nó? Ta tin hễ các ngươi hiểu được nguồn gốc của nó, thì không cần ta nói nhiều, các ngươi cũng nhất định tìm cách để bí mật khắc trên tấm bia biến mất hoàn toàn, bởi bí mật lớn nhất cõi đất trời này hoàn toàn nằm ngoài khả năng chịu đựng của tâm trí loài người. Muốn hiểu rõ chân tướng bí mật cổ xưa này một cách thực sự, thì phải bắt đầu từ câu chuyện “hố quặng số 111” ở Tân Cương, Trung Quốc.
Tư Mã Khôi, Hải ngọng và Cao Tư Dương đều chưa từng nghe nói đến hố quặng số 111 ở Tân Cương bao giờ, chẳng lẽ hắn muốn ám chỉ kính viễn vọng Lopnor?
Riêng Thắng Hương Lân đã từng nghe nói đến nó khi còn làm việc trong phân đội trắc họa, cô biết hố quặng số 111 nằm ở lưu vực sông Irtysh thuộc dãy núi Altai, phía bắc Tân Cương. Nghe nói, ngay từ thời Sa hoàng, một phần của hố quặng đã được người Nga phát hiện, dưới mỏ quặng có nhiều nguyên tố quý hiếm và nhiều loại đá quý. Hàng chục hố quặng khác nhau phân bố theo hình xoắn ốc trong lòng đất từng bị Nga hoàng cướp trắng trong suốt nhiều năm. Mãi sau giải phóng, mỏ quặng mới được Trung Quốc thu hồi về và đặt tên là “hố quặng số 3”, hố quặng này hoàn toàn không liên quan đến kính viễn vọng Lopnor.
Thời kỳ quan hệ Trung Xô bước vào giai đoạn đối đầu, đất nước mới thành lập phải gánh một khoản nợ khổng lồ, cộng thêm liên tiếp ba năm thiên tai hoành hành, nhân dân cả nước phải thắt lưng buộc bụng sống qua ngày mới trả được 60% khoản nợ nước ngoài, vậy mà chỉ cần khai thác số đá quặng quý hiếm trong hố quặng này là đủ trả nốt số nợ còn lại. Không những vậy, nó còn có công lao to lớn trong việc thiết lập quốc phòng, từ đó có thể thấy nguồn tài nguyên phong phú tiềm tàng trong hố quặng số 3, nó chính là hố quặng lớn nhất thế giới, những tư liệu về nó trở thành hồ sơ tuyệt mật tầm cỡ quốc gia, người ngoài hiếm ai biết được. Giáo sư Tống Tuyển Nông từng có thời gian làm việc trong hố quặng, bởi vậy Thắng Hương Lân cũng biết sơ sơ về nó, nhưng cô hoàn toàn không biết vị trí chính xác cũng như phân bố các tầng quặng trong hố. Tuy vậy, từng đó thôi cũng đủ để cô hiểu những gì Nấm mồ xanh vừa nói về địa điểm hố quặng là hoàn toàn chính xác, có điều thời Sa hoàng nó có tên là “hố quặng số 111”, chứ không phải “hố quặng số 3”, điều đó chứng tỏ câu chuyện Nấm mồ xanh sắp kể ít nhất phải xảy ra trước năm 1949.
Quả nhiên, Nấm mồ xanh nói: “Dã tâm của Sa hoàng rất lớn, lãnh địa ông ta thống trị đã vô cùng rộng lớn, nhưng lòng tham xâm chiếm lãnh thổ của ông ta thì mãi mãi không có điểm dừng. Thời kỳ Pyotr đại đế I(1) còn tại vị, ông ta đã coi kế hoạch chinh phục vùng Trung Á và xâm chiếm Tân Cương là quốc sách, ông ta vũ trang cho một đội qụân gồm toàn dân thất nghiệp và tội phạm vượt núi Altai, qua sông Irtysh, không ngừng xâm nhập vào vùng rốn bắc Tân Cương, đồng thời mượn cớ là khảo sát, thám hiểm để tiến hành trắc họa bản đồ và khai thác mỏ vàng ở khắp mọi nơi.
Tuy quân đội Sa hoàng xâm chiếm Tân Cương suốt nhiều năm và đội thám hiểm của Sa hoàng cũng đã phát hiện thấy hố quặng 111, nhưng khi đó đã là gần cuối thời kỳ thống trị của Sa hoàng, chế độ Sa hoàng ở Nga đang hứng chịu khá nhiều phong ba bão táp, bị thảm bại trong chiến tranh Nga – Nhật, lại chịu đòn nặng nề do cách mạng giai cấp tư sản giáng xuống, có thể nói giai đoạn này chế độ Sa hoàng phải trải qua tình cảnh quốc sự nhiễu nhương, ngoài nạn trong loạn.
[1] Pyotr đại đế: hay còn gọi là Pie đại đế.
Khi ấy có một sĩ quan quý tộc Sa hoàng mạt vận tên là Rasputin, ông ta là người học rộng tài cao, có chí hướng, thông hiểu thiên văn địa lý, ngặt nỗi không có đất dụng võ, nên đành theo đội quân đi tìm vàng tiến về dãy Altai ở Tân Cương, mong may mắn trúng quả lớn kiếm món tiền. Đoàn người men theo rừng rậm núi cao thuộc lưu vực sông Irtysh, tìm kiếm suốt mấy tháng ròng, nhưng không phát hiện ra mỏ vàng nào, trong khi đó trời mỗi lúc một lạnh, tuyết sắp rơi và những ngày tháng giá rét khắc nghiệt dài dặc đang đến gần, nếu trời đổ tuyết thì đường vào núi sẽ bị bịt kín, khi đó đừng hi vọng tìm thấy mỏ vàng nữa. Tối đó, mọi người cắm trại nghỉ ngơi trong một hẻm núi, ai nấy đều chán chường mệt mỏi, nhưng vẫn quyết tâm sáng sớm mai sẽ tiến sâu vào trong lòng núi.
Rasputin sầu não vì tiền đồ mờ mịt của mình, ông cuốn thảm ngồi uống rượu làm ấm cơ thể trước ánh đom đóm. Qua ánh sáng chập chờn nhàn nhạt, ông đột nhiên nhìn thấy nơi lõm vào trên vách đá đối diện dường như có một hình vẽ gì đó, tựa hồ một chuỗi những bức họa bằng đá nguyên thủy, lòng hiếu kỳ thúc giục khiến ông đứng dậy kiểm tra. Ông phát hiện bức hình vẽ một con quái vật mà ông chưa từng nhìn thấy bao giờ, con quái vật đó mình dê, đầu chim, nó ngẩng đầu giơ chân như thể đang bị một luồng sáng trói chặt, treo lơ lửng giữa không trung. Trên thế giới chưa từng phát hiện thấy loài động vật nào có thân hươu đầu chim, lẽ nào con vật được mô tả trên vách đá nguyên thủy từng tồn tại trong khu rừng rậm núi cao này trước thời tiền sử? Rasputin thầm nghĩ, nếu săn được vật sống rồi làm thành tiêu bản hoặc đào được xương hóa thạch của nó thì cũng không uổng công một chuyến lặn lội vào chốn rừng thiêng nước độc.
Rasputin vội vàng hỏi thăm người hướng đạo của cả đội, người hướng đạo này vốn là dân chăn thả gia súc bản địa, anh ta từng nhìn thấy nhiều bức bích họa bằng đá vẽ những hình họa quái dị trong núi. Nghe người hướng đạo nói, trong ngọn núi này có rất nhiều điều kỳ lạ, vào những ngày thời tiết vô cùng khắc nghiệt, đôi lần có người còn nhìn thấy con quái vật đầu chim mình hươu bay lượn trên bầu trời mây đen vần vũ, sấm rung chớp giật. Đến khi trời trong nắng vàng trở lại, mọi người đổ xô đi tìm thì thấy trên mặt đất có những con ngựa và con hươu mất đầu, có lẽ đã bị yêu quái trên trời ăn mất. Mấy năm trước cũng có người tận mắt nhìn thấy cảnh tượng này, còn về niên đại cụ thể của bức họa đá ấy thì không ai biết rõ, có thể nó đã có ở đó từ thời cổ đại.
Rasputin nghe vậy, liền nhớ lại câu chuyện “Thiên liệp” mà một vị trí giả từng kể cho nghe.
Ở vùng sơn khu nọ có người tận mắt chứng kiến cảnh nhiều con vật bị luồng sáng thẳng đứng hút lên không trung, rồi sau đó bị ném xuống chết tươi. Hiện tượng nhiều con vật bị thế lực thần bí săn giết gọi là “Thiên liệp”, nghĩa là “trời săn”. Hình ảnh con quái thú đầu chim mình hươu khả năng là một con hươu, lúc bị hút lên trời thì áp lực của dòng khí đối lưu đã kéo dài phần mõm hươu thành hình mỏ chim, từ xa nhìn lên lại tưởng đó là con quái vật mình hươu đầu chim chăng? Trong mắt của người cổ đại khó tránh khỏi ngộ nhận hiện tượng này là yêu quái trên trời ăn mất đầu hươu trên không trung, thực tế đó chỉ là một hiện tượng tự nhiên. Việc xuất hiện dòng khí đối lưu mạnh như thế chứng tỏ dưới lòng đất có hang động, nghĩ vậy Rasputin bảo người hướng đạo dẫn đường cho đoàn mình vào trong sơn cốc nơi từng xảy ra hiện tượng “Thiên liệp” để tìm hiểu rõ ngọn nguồn.
Mờ sáng hôm sau, nghe theo chủ kiến của Rasputin, cả đoàn chuyển hướng đi vào sơn cốc. Rasputin tin rằng những khu vực có sương mù và ánh sáng dị thường, thì phía dưới chắc chắn phải tàng trữ mỏ vàng hoặc mỏ pha lê. Mọi người không từ gian khổ, đội trời lạnh giá, lùng sục suốt sáu ngày, cuối cùng họ phát hiện một gò cao trơ đất trụi cỏ trong khi xung quanh nó là rừng rậm um tùm. Cả đội liền khoan một hố sâu, lấy mẫu đá kiểm định thì phát hiện trong núi quả nhiên có đá quý màu sắc vô cùng hiếm có, còn người hướng đạo xấu số kia chẳng bao lâu sau liền bị lũ người Nga giết người diệt khẩu.
Từ đó, bất kể mùa đông giá rét khắc nghiệt thế nào, Rasputin đều dẫn đoàn người vào núi khai thác đá quặng, ông ta tiến hành bước đầu thám trắc mỏ quặng, đồng thời đặt tên cho mỏ quặng này là “mỏ quặng số 111”. Một lần nọ, sông Irtysh xảy ra lũ lụt, lòng núi gần hố quặng bị sạt lở với quy mô lớn, lộ ra một huyệt động rất sâu, dưới đó có mấy phiến đá bằng phẳng, bên trên khắc đầy kí hiệu kỳ quái tựa hình nòng nọc, khi ghép lại thì dường như nó là một tấm bia đá cổ đại đã bị vỡ nát.
Rasputin cảm thấy tấm bia đá được người cổ đại vùi trong động, rất có khả năng sẽ ghi chép nhiều dữ liệu về kho báu trong núi, với lòng tham không đáy, ông ta muốn tìm mọi cách để phá giải ý nghĩa những dòng chữ này. Kỳ thực, đây chính là nửa còn lại của tấm bia Bái Xà đã bị hủy hoại, cho dù cố gắng lắm cũng chỉ nhận ra được bốn, năm chữ trên tấm bia là cùng. Thời đó, vẫn còn rất ít người bản địa lai vãng ở vùng núi Altai, tổ tiên của họ chắc có tiếp xúc với người Bái Xà, nên đến ngày nay vẫn giữ gìn được hệ ngôn ngữ và chữ viết tượng hình nguyên thủy của mấy ngàn năm trước, những người này có thể căn cứ vào dòng chữ trên tấm bia đọc được chữ triện cổ, nhưng chẳng ai có thể lý giải được ý nghĩa hàm chứa trong đó. Rasputin như bị ma xui quỷ khiến, trong lòng ông ta không thể quên được tấm bia đá như một ẩn số kia. Vậy là, ông ta ghi lại tỉ mỉ quá trình phát hiện và mày mò tìm hiểu về tấm bia. Nhưng lúc Rasputin chuẩn bị tiến hành bước tiếp theo để kiếm tìm đáp án, thì cách mạng Nga bùng nổ, trong tiếng pháo bắn ầm ầm vào cung điện Mùa đông, chế độ thống trị Sa hoàng hủ bại và chuyên quền cuối cùng cũng bị lật đổ. Rasputin đành phá hủy tấm bia còn sót lại đó, buông tay về nước. Trước lúc về nước ông ta dùng thuốc nổ phá tan tành hố quặng số 111. Suốt nhiều năm sau, không ai còn biết đến sự tồn tại của hố quặng ở bắc Tân Cương nữa, mãi đến năm 1935, cục thám trắc Liên Xô bất ngờ phát hiện thấy tài liệu mà Rasputin để lại, họ phát động cuộc tìm kiếm hố quặng số 111 ở Tân Cương, đồng thời tổ chức khai thác với quy mô lớn, do công nhân khai thác đến đây quá nhiều nên bản địa dần dần hình thành thị trấn khu quặng với nhân khẩu khá đông.
Người đầu tiên phát hiện ra hố quặng số 111 là sĩ quan Sa hoàng Rusputin cũng đã kiếm được món tiền lớn, nhưng ông ta lại không có phúc hưởng nó, vì một thời gian sau, ông ta bị ép phải về nước tham chiến; sau khi quân Nga thất bại, ông ta phải tháo chạy sang nước khác, tuy trở thành triệu phú dắt lưng vô số tài sản, không cần lo lắng về cuộc sống lưu vong chốn đất khách quê người, nhưng bí mật ghi chép trên tấm bia đá giống như một cơn ác mộng đeo bám ông ta mãi mãi không chịu buông tha.
Hội Tư Mã Khôi thầm thấy tình hình không ổn, Nấm mồ xanh tiết lộ toàn bộ tiền nhân hậu quả của bí mật này một cách tường tận như vậy, tựa hồ muốn kéo dài thời gian để đợi một điều gì đó sắp xảy ra. Có điều, cả hội không thể kiềm chế được lòng hiếu kỳ, chỉ muốn nghe kết quả. Họ nghĩ rốt cuộc chỉ mình hắn mới nắm được bí mật của tấm bia Bái Xà, nếu bỏ qua cơ hội trước mắt, e rằng vĩnh viễn không bao giờ còn biết được đáp án, mà nếu không hiểu được đáp án của ẩn số, thì sẽ không thể tìm ra cách đối phó với Nấm mồ xanh.
Lúc này chỉ nghe thấy giọng lạnh lùng, khàn đục của Nấm mồ xanh đang tiếp tục nói: Vì muốn tìm kiếm mỏ quặng lớn hơn dưới lòng đất, viên sĩ quan Sa hoàng Rasputin tìm trăm phương ngàn kế phá giải dòng chữ khắc trên tấm bia đá tìm thấy ở núi Altai, nhưng cuối cùng vẫn không tìm được bất cứ manh mối nào có giá trị, tuy nhiên trên thực tế ông ta đã vô tình giải được bí mật của tấm bia đá Bái Xà, mà cái giá để giải được bí mật ấy chính là cái chết.