HỒI 3: BOM HẸN GIỜ
Bí mật trên tấm bia là một dãy số mang theo lời nguyền chết chóc, cũng bởi sự tồn tại của dãy số này nên thứ sống trong động không đáy mới bị nhốt chặt, không cách nào thoát ra được. Một khi bí mật này bị tiết lộ ra ngoài, không biết sẽ hại chết bao nhiêu người vô tội, bởi vậy Tư Mã Khôi không dám chép nó ra giấy, chỉ lấy bút viết vào lòng bàn tay phòng khi cần dùng đến, nhưng rào dậu trăm mẫu vẫn hở một khe, không ngờ dòng chữ lại bị mồ hôi ngấm vào, bây giờ lòng bàn tay lem mực, chẳng còn sót lại chữ nào.
Tuy Tư Mã Khôi vốn mưu trí, nhưng lúc này nhất thời cũng không nghĩ ra nổi cách gì, anh đành bảo Hải ngọng trông chừng Nhị Học Sinh.
Thắng Hương Lân thấy ánh sáng ngọn đuốc trong tay mỗi lúc một yếu hơn, cô nói thầm với Tư Mã Khôi: “Đuốc sắp cháy hết rồi đấy, động đạo tối quá khiến công cụ chiếu sáng tiêu hao nhanh gấp mấy lần, số đuốc còn lại và pin đèn cùng lắm cũng chỉ duy trì được một ngày nữa, đến lúc dùng hết sạch mọi nhiên liệu, hoàn cảnh của chúng ta sẽ khó khăn hơn bây giờ nhiều!”.
Tư Mã Khôi đành bảo mọi người tắt hết đèn quặng, chỉ thắp đuốc soi sáng, vừa đi vừa ngẫm kế sách. Anh nghĩ kỹ những sự việc đã xảy ra kể từ khi bước chân vào động đạo đến giờ, xâu chuỗi theo thứ tự thời gian và cố gắng phân tích từng hiện tượng, nhưng vẫn có nhiều điểm không thể lý giải nổi, ví dụ như tấm bia đá rốt cuộc đang ngăn không cho thứ gì thoát ra ngoài? Vì sao chỉ cần Nhị Học Sinh chết đi thì thời gian trong động đạo lập tức quay như bay về thời điểm mười một giờ đúng? Anh thực sự không thể tìm ra nguyên nhân, trong lòng lo lắng nghĩ cả hội đã rơi vào một hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo, không biết phải làm cách nào mới vượt qua được nguy hiểm?
Tư Mã Khôi không lần ra được manh mối, nhưng nếu muốn trốn thoát thì chí ít họ cũng phải biết được thứ đang bị nhốt trong động đạo là sinh vật gì.
Thắng Hương Lân trầm ngâm suy nghĩ giây lát, rồi nói: “À, mọi người đã nghe kể về truyền thuyết ‘núi Lan Khả’ bao giờ chưa?”
Hải ngọng và Cao Tư Dương chưa bao giờ nghe, liền hỏi: “Núi Lan Khả là núi gì thế?”
Tư Mã Khôi thì biết sơ qua về truyền thuyết này, tương truyền ngọn núi ấy từ thời cổ xưa đã là động phủ của Đạo giáo, đó là nơi ở của thần tiên. Vào thời lưỡng Tấn, có một tiều phu hàng ngày lên núi đốn củi, một lần anh ta vào trong núi sâu, tiện tay bổ rìu vào thân một cây cổ thụ, rồi ngồi xuống nghỉ ngơi, uống nước suối, gặm mẩu lương khô mang theo, đột nhiên anh ta phát hiện giữa những dãy núi trùng điệp ẩn hiện một ngôi nhà đá.
Anh tiều phu nọ không ngờ giữa chốn rừng sâu nước thẳm vẫn có người sinh sống, lòng nghĩ thầm nếu có thể xin chén trà nóng để uống chẳng phải tốt hơn uống nước suối lạnh buốt hay sao, thế là anh ta liền bước lại gần, vừa nhìn vào ngôi nhà đá đã thấy bên trong có hai ông lão râu tóc bạc phơ đang ngồi đánh cờ vây. Anh tiều phu cũng hiểu chút ít về cờ vây, bèn ngâm một đoạn thơ, xin chén trà và mấy quả táo, rồi ngồi xổm xuống bên cạnh xem thế cờ. Hai ông lão một người giữ quân đen, một người giữ quân trắng, thế cờ biến hóa khôn lường, anh ta quan sát say sưa, quên cả thời gian, đến khi ván cờ kết thúc mới nhớ ra mình phải nhanh chóng xuống núi về nhà nhân lúc trời còn sáng. Thế là, anh ta vội vàng cáo từ, ra khỏi gian nhà bằng đá, vừa nhìn cái rìu của mình trên thân cây thì thấy thân cây gỗ vốn xanh tươi bỗng trở nên mục nát từ bao giờ, ngôi nhà đá trong núi cũng biến mất tự lúc nào, lòng nghĩ chắc mình vừa gặp tiên, ngặt nỗi lại lỡ mất cơ duyên, nên đành tìm đường xuống núi, khi về đến nhà mới phát hiện bãi bể xưa, nay đã hóa thành nương dâu, vật đổi sao dời, bao nhiêu triều đại đã thay cũ đổi mới. Người tiều phu không ngờ thời gian chỉ đủ đánh một ván cờ trong ngôi nhà bằng đá ở lòng núi lại bằng mấy chục năm tuế nguyệt dài đằng đẵng ở bên ngoài, ngọn núi mà người tiều phu năm đó ngồi xem đánh cờ được hậu thế gọi là “núi Lan Khả”
Tư Mã Khôi kể tóm tắt nội dung câu chuyện cho Hải ngọng và Cao Tư Dương nghe, anh biết Thắng Hương Lân nhắc đến chuyện anh tiều phu vào nhầm động tiên là ý muốn ám chỉ quỹ tích thời gian trong và ngoài ngôi nhà đá không giống nhau, thời gian trôi chảy trong động đạo mà đội khảo cổ đang bị nhốt ở đó giống như một hố xoáy khép kín, đến chết cũng không thể thoát ra nổi, hoàn cảnh mọi người đang phải đối mặt lúc này chính là như vậy.
Thắng Hương Lân nói, lý giải của Tư Mã Khôi cơ bản không hề sai, căn cứ vào cảnh ngộ hiện tại của đội khảo cổ, có thể đưa ra giả thiết: Động không đáy phía trong tấm bia là một kẽ hở thời gian, mọi người đi xuyên qua tấm bia đá vào trong động đạo, bắt đầu từ thời điểm Tư Mã Khôi ném hộp thiếc xuống đất, mọi người không ngừng trải qua những chuỗi sự kiện giống nhau lặp lại hết lần này đến lần khác, những sự kiện này bị chìm sâu vào kẽ hở thời gian.
Thời gian trong động không đáy giống như một hố nước xoáy tĩnh lặng chảy xuống và không ngừng tuần hoàn, chỉ cần Nhị Học Sinh chết đi, mọi thứ trong động đạo lập tức quay về xuất phát điểm, điều đó đồng nghĩa với việc đội khảo cổ ở trong kẽ hở thời gian sẽ phải xoay chuyển theo vòng tuần hoàn trong động đạo, kẽ hở có thể chỉ cách quỹ tích thời gian thông thường một giây, nhưng hố xoáy giống như động không đáy này lại kéo dài khoảng cách thời gian một giây ấy đến vô hạn.
Tuy hội Tư Mã Khôi không hoàn toàn hiểu hết những gì Thắng Hương Lân phân tích, nhưng nói một cách đơn giản, muốn tìm được lối ra của động không đáy thì đầu tiên buộc phải bước qua một giây đang bị kéo dài vô hạn, vấn đề là phải thực hiện bước này bằng cách nào?
Hải ngọng lại lanh trí vỗ đùi đét một cái, rồi nói: “Quá đơn giản, xử đẹp Nhị Học Sinh phát nữa là xong chứ gì!”
Thắng Hương Lân lắc đầu, cái chết của Nhị Học Sinh chỉ có thể khiến thời gian trong động đạo nhanh chóng quay về thời điểm mười một giờ đúng, sau đó đội khảo cổ sẽ nhìn thấy hộp thiếc bị vứt lại ở điểm xuất phát và rồi gặp Nhị Học Sinh lần nữa, tuy thời gian sau đó vẫn tiếp tục trôi chảy, nhưng vĩnh viễn không bao giờ có thể đến được thời điểm mười một giờ một phút một cách đích thực, bất luận chúng ta ở đây bao lâu, thì cũng chỉ là thời gian trong hố xoáy.
Hội Tư Mã Khôi nghe Thắng Hương Lân giải thích, ai nấy đều cảm thấy nỗi tuyệt vọng dâng trào, họ từng nghe Phật pháp dạy rằng: “Một hạt cải có thể đựng được cả núi Tu Di(1)”, nhưng chẳng ngờ một giây lại dài lê thê chừng ấy.
1 Núi Tu Di hay còn gọi là núi Sumeru, là ngọn núi truyền thuyết, cao hơn một triệu kilomet, là nơi ở của các đấng thần linh tối cao, là trạc đứng của toàn vũ trụ, là trung tâm của thế giới.
Hải ngọng thở dài, nghĩ bụng phen này chắc hỏng hẳn, nếu đuốc và pin đèn đều dùng hết, thì nửa đời còn lại của họ sẽ mò mẫm trong bóng tối, đợi ngày Diêm Vương gọi về âm tào địa phủ.
Tư Mã Khôi nói: “Cậu nghĩ gì mà xa thế? Lương khô chẳng đủ ăn mấy bữa, cùng lắm duy trì được ba ngày đã mãn nguyện lắm rồi, làm gì còn những nửa đời người?”
Hải ngọng chỉ Nhị Học Sinh nói: “Chẳng phải vẫn còn thằng cha này sao? Chết một thằng lại mọc ra một thằng, sợ gì đói”.
Nhị Học Sinh nghe Hải ngọng nói vậy, mặt vàng như nghệ, nằm bẹp xuống đất, không dám thở mạnh.
Cao Tư Dương nghe xong cũng sợ hết hồn, không biết Tư Mã Khôi và Hải ngọng có làm thế thật không, không ngờ bọn họ còn tính ăn thịt người, cô âm thầm kêu khổ, quay sang hỏi Thắng Hương Lân: “Nhớ lúc chúng ta ngồi thuyền độc mộc, trôi nổi trên thủy thể 30° vĩ Bắc vô bờ vô bến ở dưới lòng đất mà vẫn tìm thấy lối thoát trong đường tơ kẽ tóc, chẳng lẽ lần này không thể ra được thật sao?”
Thắng Hương Lân trầm ngâm nói: “Có cách, nhưng không biết khả thi hay không, nếu muốn thời gian trôi một cách bình thường, thì cần phải tạo ra một vụ nổ trong động đạo. Sự biến hóa của nguồn năng lượng cực mạnh có lẽ sẽ đẩy thời gian ra khỏi quỹ đạo một phút”.
Hải ngọng nói: “May mà tớ chuẩn bị một cuốn thuốc nổ phòng lúc cần dùng, không những vậy còn là loại bom hẹn giờ nữa chứ”, nói xong, anh móc cuộn thuốc nổ đang định ra tay dẫn nổ. Loại ống kíp này không phải nguyên liệu dẫn nổ đơn thuần, mà là loại bom chùm tự chế, có thể trực tiếp dùng để tác nghiệp phá nổ, vì bề ngoài hình ống mang theo kíp nổ, nên gọi chung là ống kíp.
Tư Mã Khôi vội vàng ngăn lại: “Chớ động thủ, lỡ đánh sập tấm bia đá thì phải tính sao?”
Hải ngọng nói: “Tớ thấy nơi đây chân không tới đất, cật không tới trời, chơi vơi chỗ nào chả biết, có thấy bia đá ở đâu đâu? Tuy sức công phá của cuộn thuốc nổ khá lớn, nhưng tấm bia đá cũng chẳng phải loại giấy hồ, chỉ cần không kích nổ gần chỗ tấm bia đá, thì chắc không vấn đề gì đâu”.
Thắng Hương Lân đã sớm nghĩ đến cách dẫn nổ ổng kíp, nhưng do dự mãi không nói ra, vì cô cũng sợ lỡ đâu chấn động do vụ nổ tạo ra sẽ tác động đến tấm bia. Sở dĩ Nấm mồ xanh dụ đội khảo cổ bước vào đây cũng chỉ vì muốn họ giúp hắn phá hủy tấm bia.
Bốn người không cam tâm ngồi bó gối đợi chết, cả hội đều cảm thấy việc dùng thuốc nổ để thoát thân tuy mạo hiểm nhưng cũng đáng để thử, chỉ khi thời gian khôi phục như bình thường, thì mới có cơ hội thoát khỏi động đạo không điểm đầu, không điểm cuối. Lúc này, mọi người đã hạ quyết tâm và chuẩn bị bắt tay hành động.
Tư Mã Khôi thấy lai lịch Nhị Học Sinh quái dị, gã này dứt khoát là loại bám dai như đỉa đói, nói không chừng hắn chính là thứ bị tấm bia đá nhốt trong động biến thành, ngặt nỗi, giờ không có tấm bia trước mặt để thử nghiệm, anh chỉ còn cách bảo Hải ngọng trói Nhị Học Sinh lại đề phòng bất trắc.
Hải ngọng y lời, móc trong ba lô ra một đoạn dây thừng, đặt Nhị Học Sinh quay ngược lại, rồi trói chặt như buộc lạt bánh trưng,
Nhị Học Sinh không rõ tại sao họ làm vậy, chỉ biết đau khổ cầu xin: “Thủ trưởng, làm ơn làm phúc đừng bỏ rơi tôi ở đây, nếu các anh bỏ tôi lại một mình trong động, tôi biết phải làm sao…”
Hải ngọng nói: “Sao mày lắm lời thế, còn nói nữa tao nhét tất vào mồm đấy, biết chân ông đây mấy ngày chưa rửa rồi không?’’
Nhị Học Sinh há hốc mồm, nhưng không dám phát ra tiếng, mắt đăm đăm nhìn Cao Tư Dương, mong cô niệm tình đồng chí, giúp mình chừa lại con đường sống.
Cao Tư Dương vốn đã không nhìn lọt mắt hành động của hội Tư Mã Khôi, cô nói với anh: “Giết người đâu giỏi giang gì, mà sao lúc nào các anh cũng thích giết thế. Nói gì thì nói Nhị Học Sinh đã cùng đội khảo cổ đi chung quãng đường dài, dẫu không có công lao thì cũng chịu bao nỗi vất vả, bây giờ cậu ấy lâm vào hoàn cảnh người không ra người ma chẳng ra ma, ngay cả mình đã chết mấy lần cũng chẳng biết, làm gì có số phận nào đáng thương và bi thảm hơn thế, bây giờ chúng ta để mặc cậu ấy ở đây là được rồi, sao phải trói ngoéo người ta lại như trói trộm làm gì? Cách các anh hành xử thực khiến người khác ghê tởm đến lanh cả người”.
Tư Mã Khôi đâu dễ bị mấy lời của Cao Tư Dương thuyết phục, tuy Nhị Học Sinh xuất hiện trong động không đáy này có máu có thịt, còn có cả hơi thở như người sống, mọi lời nói hành động cũng không có điểm gì khác thường, nhưng cả hội vẫn không được nhẹ dạ cả tin, để tránh đêm dài lắm mộng. Anh bảo Cao Tư Dương đừng giải thích dài dòng nữa, rồi lập tức khoác súng lên vai, cầm lấy ống kíp Hải ngọng đưa cho, kiểm tra cẩn thận một lượt, giơ đuốc lại gần chuẩn bị châm ngòi dẫn nổ.
Căn cứ theo giả thiết của Thắng Hương Lân, năng lượng cực mạnh mà vụ nổ sản sinh trong phút chốc sẽ khiến thời gian trong động đạo khôi phục lại bình thường, như vậy cả hội mới có khả năng trở lại phía ngoài tấm bia đá hoặc sẽ đi đến điểm tận cùng của động đạo, trong khi đó ống kíp là loại phát nổ trong thời gian khá dài, không lo tạo thành mối nguy hiểm cho tấm bia đá.
Tư Mã Khôi thấy dây dẫn cháy xì xì, thì lập tức bảo mọi người nằm sấp xuống, chuẩn bị vứt cuộn thuốc nổ ra xa, đợi nó phát nổ. Nhưng lúc này cây đuốc bất ngờ trở nên tối mờ, mọi người thấy từ miệng Nhị Học sinh đang bị trói gô trên đất phát ra âm thanh quái đản, chẳng khác nào tiếng củi mục gẫy vụn, ánh lửa yếu ớt khiến khuôn mặt trắng bệch của hắn như biến thành màu xanh, dị hợm nhất là từ hai hốc hai mắt hắn chảy ra hai dòng máu đen.
Mọi người kinh hãi, hét lên rồi lũ lượt lùi ra sau né tránh, Hải ngọng đứng gần Nhị Học Sinh nhất, cuống cuồng giơ súng săn bóp cò, một tiếng “pằng” vang lên, đạn ghém cỡ tám bắn trúng cánh tay Nhị Học Sinh, tiện luôn thành hai mảnh, cơ thể hắn bắn sang một bên lăn lông lốc, xung quanh lại chùn vào khoảng tối đen ngòm và vô biên.
Tay chân Tư Mã Khôi không thể động đậy, trước mắt là màn đêm tối đen như mực, nhưng trong lòng anh lại sáng như đèn pha, gã Nhị Học Sinh kia quả nhiên đáng nghi, chỉ bị súng bắn gẫy tay, làm gì đến nỗi chí mạng, thực ra trước khi bị súng bắn, hắn đã chết rồi, hắn làm vậy để thời gian quay ngược trở lại, có điều giây phút đó vẫn bị niêm phong trong vòng tuần hoàn khép kín của thời gian, đồng nghĩa với việc vụ nổ chưa hề tác động đến tấm bia đá chặn ngoài cửa động, vậy rốt cuộc hắn làm thế nhằm mục đích gì?
Anh còn chưa kịp nghĩ ra nguyên nhân thì ánh sáng đã trở lại, phạm vi chiếu sáng của ngọn đuốc còn rộng hơn cả đèn quặng. Lúc Tư Mã Khôi mở to mắt thì nhìn thấy làn khói nhả ra từ khẩu súng săn của Hải ngọng vẫn chưa kịp tan hết, dưới chân không còn cái hộp thiếc, trong khi đó tấm bia đá Bái Xà cao lớn vẫn đang đứng sừng sững cách chỗ anh đứng mấy bước chân, nếu vứt thuốc nổ xuống thì đúng là không kịp, lúc này dẫu có kích nổ ở cự ly xa, thì dòng khí đối lưu sản sinh trong động đạo cũng sẽ ảnh hưởng đến tấm bia, tình hình này có lẽ là khoảnh khắc ống kíp sắp phát nổ, khe nứt trước đây đã biến mất, thời gian vùn vụt trở về thời điểm mười một giờ của thực tại.