Đã ước mơ phải ước mơ đến cùng!
ĐÃ ƯỚC MƠ THÌ PHẢI ĐI ĐẾN CÙNG !
Ước mơ tuổi trẻ của tôi ...
Tôi trưởng thành sau năm 1975, thời điểm đất nước giải phóng tôi 15 tuổi.
Với khí thế của một đất nước vừa thống nhất, tôi cùng với thế hệ thanh niên lứa tuổi mình hừng hực lao vào cuộc sống một cách rất đơn giản. Sau 1975, ước mơ của mỗi thanh niên, mỗi con người đều hòa chung mơ ước của đất nước, của toàn dân tộc là làm sao dựng xây đất nước sau chiến tranh, đưa nhanh đất nước tiến lên và có vị trí tốt đẹp trên thế giới.
Lúc đó mỗi người đều hòa quyện trong ước mơ chung. Nói thì lớn lao nhưng ở thời điểm đó là bình thường, hiển nhiên. Lúc bấy giờ mỗi người một việc, riêng lớp thanh niên thì sẵn sàng lên đường đi bất cứ đâu. Nhiều bạn là sinh viên, trí thức trẻ cũng gác bút nghiên, xếp công việc lên đường làm thanh niên xung phong, về nông thôn, miền núi để dựng xây cuộc sống.
Với ước mơ như vậy, chúng tôi lao vào cuộc sống một cách đơn giản, nhẹ nhàng, giống như người nông dân đứng trước thửa ruộng của mình. Đi vào đó có gian lao cực nhọc nhưng hạnh phúc là được sống, cày bừa trên mảnh đất mình yêu thương. Cũng có những lúc thất bại, đôi lúc thấy đớn đau với những mùa vụ thất bại. Tuy nhiên, mùa sau, khi hạt lúa nảy mầm thì mình thấy hạnh phúc khi được bù đắp lại.
Chọn là một người bình thường?
Ta đang sống trong một xã hội bình yên bình thường. Do đó trước hết hãy chọn là một người bình thường. Đó là phải được học tập, có việc làm, có một gia đình bình yên trong một đất nước bình yên.
Bình yên ở đây không có nghĩa "sáng cắp ô đi tối cắp về", mà ở dưới mỗi mái ấm bình yên đó phải có những con người có lý tưởng, biết đóng góp cho cuộc sống, cho xã hội.
Hãy là một người bình thường nhưng hãy chọn cho mình một lĩnh vực, và trong lĩnh vực của mình hãy là một chuyên gia giỏi. Là bình thường, nhưng khi đã ước mơ thì phải quyết liệt.
Xã hội, tổ chức thanh niên, trường học phải góp phần nuôi dưỡng, hun đúc ước mơ trong mỗi bạn trẻ. Ai có điều kiện thì xã hội phải hun đúc.
Tôi đánh giá thanh niên bao giờ cũng tốt, trong sáng. Thanh niên bây giờ biết sống đúng cách thanh niên. Họ biết mình muốn gì, cần gì trong cuộc sống. Đó không phải là ích kỷ, thực dụng.
Cuộc sống phải cụ thể, sắc nét như vậy mới ra được vấn đề, thanh niên là phải vậy chứ không thể tròn tròn như nhau, sao cũng được. Ngày xưa chúng tôi hiểu xã hội cần gì ở mình nhưng không biết mình muốn gì.
Có một điều phải công nhận: thanh niên ngày nay hiểu xã hội chưa sâu. Giới trẻ nước ngoài cũng thế. Nhưng thanh niên nước ngoài hiểu rất sâu về trách nhiệm xã hội của chính mình và họ chuẩn bị rất nghiêm túc để trở thành một công dân tốt. Còn giới trẻ ở ta, nói gì thì nói, hiểu mình cần gì, muốn gì nhưng điều cũng cần thiết nữa là hiểu sâu hơn về xã hội và trách nhiệm xã hội của mình.
Tham vọng hay khát vọng?
Ước mơ, khát vọng, tham vọng đôi khi ranh giới của nó rất mong manh. Khi không có trái tim, lý trí dẫn dắt thì đó là tham vọng. Có trái tim đó là khát vọng, là ước mơ. Sống có trái tim thì được mọi người hiểu và chia sẻ. Khi trái tim ta chân thành mà bị bội bạc, ít nhất người bội bạc cũng sẽ ray rứt.
Nhưng ước mơ, khát vọng luôn cần có sự bao dung, để khi thất bại cũng tìm thấy ở đó những ý nghĩa và bắt đầu một hành trình mới. Nhưng ước mơ chỉ bằng trái tim không thì không đủ sắc. Quá nặng về trái tim thì dễ ngả nghiêng. Trái tim và khối óc phải hòa quyện, dẫn dắt nhau.
Cái khác nhau giữa hai nền văn hóa Đông - Tây ở đây cũng vậy. Với chúng ta, đằng sau thành công thấp thoáng bóng dáng gia đình, cha mẹ, bạn bè. Nhưng với phương Tây, phần lớn đó là "thành công của tôi". Ở đó không có tham vọng thì khó có thể thành công.
Có sự công bằng?
Khó tìm kiếm một sự công bằng tuyệt đối trên bất cứ quốc gia nào, thời đại nào. Nhưng mọi sự phấn đấu đều không thừa trong cuộc sống. Có sự phấn đấu thì không có cánh cửa nào khép lại với chúng ta.
Ngay cả tôi, không phải không có lúc thác ghềnh, không phải lúc nào cũng thuận lợi.
Nhưng tôi vẫn khuyên một điều: phải dũng cảm trong cuộc sống, khi ta mất không thể cam chịu. Phải biết đấu tranh với cái chưa tốt để bảo vệ mơ ước và khát vọng của mình. Và đã ước mơ thì phải đi đến cùng.
~ Theo những trao đổi của PGS -TS Phan Thanh Bình, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM về khát vọng tuổi trẻ.