Chương 6: CÁI LỌ ĐỰNG NƯỚC
Sắp hết hạn hai mươi hôm phạt quay tơ, tôi bắt đầu lo. Chữ nghĩa tôi chỉ nhớ mờ mờ. Có cái lồng tơ thì tôi nhớ rõ lắm. Quay lên nó kêu lóc cóc . . . lóc cóc . . . Và tôi chỉ thạo có một lối đánh bẫy chuột, nhà thầy đồ tôi có rất nhiều chuột. Có khi bà ngồi quây tơ mà nó rúc rích ra gặm cả chân. Kham và tôi, mỗi đứa mượn bà một cái bát chiết yêu, để làm hai cái bẫy. Tôi úp bát xuống chỗ đất phẳng, lấy cái que đóm, để dựng một mé bát lên hở thành một cái khe vừa một con chuột nhắt chui lọt. Tôi lấy tơ xe một sợi dây dài một đầu buộc vào lưng cái que, một đầu buộc vào ngón chân cái tôi. Bỏ một mảng cháy cơm hay một mẫu hẹo bột - hoặc bất cứ một vật gì chuột có thể xơi được - để làm mồi, ấy thế là tôi đã có một cái bẫy chuột tươm tất.
Cái bát bẫy để tận trong góc nhà, tôi ngồi cách xa tới bốn sải chân. Các chú chuột dập dìu đến nghe ngóng, xem xét từng ly từng tý. Chúng tưởng như chúng khôn lắm, nhưng rồi thế nào, háu ăn quá, cũng có anh men chân vào cạm. Tôi liếc mắt vào xem các anh làm ăn ra sao. Cái anh chuột đã trông thấy miếng mồi, bước mon men, mon men rất rụt rè, hắn chỉ nhấc chân dịch đi từng một chút. Một mắt trông vào mồi, một mắt trông ra ngoài, xem có người hay có mèo ngó thấy mình không. Cẩn thận lắm, nhưng anh chàng quên không trông lên cái bát úp lừng lững trên đầu. Tôi cứ lờ đi như không biết và không thấy gì, tay tôi càng càng xóc ống tơ cho chạy khoẻ, kêu lóc róc ầm nhà. Anh chuột yên chí chui tọt hẳn vào trong bát, tôi chỉ việc hất một ngón chân cái, kéo căng cái dây, đổ chiếc que đóm là cái bát úp chụp ngay xuống. Anh chuột khờ dại rối rịt, chạy nhặng lên ở trong bát. Mỗi ngày sa bẫy tới ba con là ít; bắt được, tôi đem về nhà tôi cho mèo ăn.
Chơi trò bẫy chuột thích lắm, rất ham. Lắm lúc tôi tưởng thầy tôi cho tôi đến nhà ông đồ để quay tơ và để bắt chuột. Còn việc học hành là việc phụ; muốn thì muốn, không thôi, cũng được - chẳng hề gì. hưng một buổi, Kham tính đốt ngón tay, bảo tôi:
- Ngày kia chúng mình đã phải đọc bài. Tớ học đến ngọc bất trác, bất thành khí rồi. Đằng ấy đến gì ?
- Quên mất, để về thử mở ra xem đã.
Thấy cái sự mở sách ra xem, ra học là một hình phạt nặng nề, khó nhọc làm sao - cái việc đi học. Ai sinh ra chữ nghĩa làm chi, để cho bây giờ tôi khổ thế này !
Một bữa kia tôi vừa thò đầu vào nhà dưới, bà đồ bảo tôi:
- Hôm nay đến lượt anh Cang xách nước.
Tôi "dạ" một tiếng, chạy tót ra sân. Nhà thầy đồ tôi có mỗi một cái vại đựng nước, hễ khi nào cạn, chúng tôi - những "tên" bị phạt - phải thay phiên nhau đi lấy nước đổ cho đầy. Nhà không có thùng quảy, chỉ có một cái lọ, da đỏ như da chum, dài thòng lõng như một quả bầu, đem lọ ấy ra giếng mà lấy nước. Được cái giếng cũng gần, ngay lối đầu xóm, nên cũng không khó nhọc mấy, chừng mười lăm, hai mươi lọ thì đầy vại. Nghĩa là dùng cả một buổi học để xách nước thì vừa.
Tôi xách lọ ra giếng, giếng này lấy nước rất dễ, bỡi vì là giếng đất. Nó là một cái ao, có xây bậc gạch, ở giữa cắm một cành tre, tôi chỉ việc lội xuống nước, vục lọ xuống, lấy được nước ngay.
Tôi vừa đi vừa chúm miệng lại huýt còi, tôi bắt chước con chào-mào đương hót trên cây. Hót tò toe . . . Hót tò toe . . . Vui lắm !
Chỉ một loáng mắt, tôi đã xách được năm lọ. Đã khá mệt, tôi phải ngồi nghỉ dưới bóng mát một cây bàng. Trời cuối mùa hạ, nắng vàng hoe hoe, có gió mát lùa rào rào trong những ngành tre xanh om. Bỗng tôi thấy bóng thằng Mực đi từ trong ngõ đi ra. Tôi đoán: "Hẳn thằng chó đen xin phép thầy cho đi giải rồi chuồn ra ngoài này chơi mát. Ranh thực !"
Tôi xách lọ xuống giếng vục nước, bởi tôi không muốn giáp mặt Mực. Từ hôm phải đòn tuy chưa dám làm gì tôi, nhưng mỗi khi gặp, nó vẫn nhìn tôi bằng cặp mắt gườm gườm rất đáng sợ.
Chiếc lọ đựng nước có cái cổ loe ra, cho nên muốn xách, tôi phải xoạc cẳng; bưng hai tay, và đi lặc lặc như con vịt bầu. Vừa đi lên khỏi bờ được mươi bước, tôi đổ xuống nghỉ để bưng lại. Tay tôi trơn quá, Mực đã đi quá ngang mặt tôi. Hắn nhìn tôi, hai mắt tròn xoe, hắn xuống giếng, lấy hai tay múc nước uống.
Hai tay xách lọ lên, chân tôi bước lạch bạch. Bỗng tôi nghe đằng sau có tiếng vút vút rồi:
- Ẳng ! ẳng ! ẳng !
Hoảng hốt, tôi giật nẩy mình, rụng rời. Thế là:
- Toang !
Thôi vỡ mất lọ nước rồi, tôi rú lên, hai tay ôm mặt. Mực chạy tới. Tôi khóc:
- Mày đánh chó để chó làm cho ông sợ, ông đánh vỡ lọ rồi . . . nào . . .nào nào . . .
Mực múa hai tay, hai chân lên:
- Tình tướm ! I hi hi ! Tình tươm. Mày cầm không vững tay thì vỡ. Con chó nó chạy chứ ông có đánh nó đâu. Chuyến này thì gọi là mày cứ tù mọt gông ! tù mọt gông ! Cả nhà thày có mỗi một cái lọ ! Mà lại cái lọ cổ, rất quý của thầy.
Tôi càng khóc già, Mực hoa cả chân lẫn tay lên mà doạ tôi. Nó lại túm chặt lấy tay tôi:
- Mày chết ! Ông lôi mày vào cho thầy. Đi ! vào . . . vào ngay.
Tôi thun người lại. Trong óc tôi thoáng hiện ra một cái roi mây, một anh học trò mặt mày tái xanh, bị cái gông bằng gỗ lim bọc sắt nặng vô cùng, đeo khư khư vòng quanh cổ. Chao ơi !
Tôi giựt tay thằng Mực, ù té chạy miết.
Bỏ cả sách vở, bút nghiên, từ đấy tôi không dám đến trường thầy đồ Biền nữa ! Tôi lại sợ, không dám gặp cả những học trò của thầy. Tôi sợ chúng nó lôi tôi về giao cho thầy thì tôi đến phải tù mọt gông.
* * * *
Cho tới ngày nay, tôi đã rời quê hương, đã mài mòn đũng quần mười năm trời ở các trường tiểu học, trung học trên Hà Nội, mà tôi vẫn không bao giờ được học hết quyển Tam tự kinh. Tôi hối hận lắm, nhưng còn biết làm thế nào ! Ngày ấy, tôi nhất định không dám đến trường học nữa. Thầy tôi, u tôi, bà tôi dỗ dành, nạt nộ tôi hết cách cũng không được. Sau đành phải thôi.
Và chỉ có mươi hôm, tôi lại mon men ra đằng sân sau, hát cái bài bồ cu, bồ các cho lũ gà, lũ vịt, lũ ngan, lũ chó nghe. Những bộ hạ trung thành của tôi đấy, tôi có thể bắt nạt được chúng dễ như bỡn.
Nhưng quái lạ làm sao, một con ngan cái, cứ nhìn tôi mà kêu kíu kíu rầm rĩ. Vừa kêu, vừa co ra rụt vào cái cổ. Tiếng nó, tôi nghe khác lạ. Phải, rất khác. Dường như con ngan cái nó bảo tôi rằng:
- Kíu kíu ! cậu là một cậu bé rất nhát và rất lười. Kíu kíu ! Hèn lắm ! Nhát lắm !