P1 - Chương 5: Nơi sâu của địa ngục
Nếu vụ án đầu tiên không thể phá giải thì tổ chuyên án sẽ đứng trước nguy cơ bị giải tán!
Mọi người đều ngồi trong văn phòng chờ đợi kết quả khám nghiệm của bác sĩ pháp y, chẳng ai nói với ai câu nào.
Lần đầu tiên trong đời Bao Triển hút thuốc. Đối với anh, được gia nhập tổ chuyên án là cơ hội mà cả đời anh mơ cũng không thấy. Từ nhỏ đến lớn anh đã phải chịu đựng biết bao khổ cực. Những năm tháng khó khăn ấy đã nuôi dưỡng thói quen nhẫn nại và ý chí kiên cường. Khi vấp phải khó khăn, dẫu cúi đầu thì vẫn phải ưỡn ngực. Tuy vậy cũng vì thế nên anh luôn cảm thấy tự ti trong lòng, chưa bao giờ anh cất tiếng cười lớn, dẫu mỉm cười cũng nhíu hai đầu mày lại. Anh tự hỏi mình, chẳng lẽ lại phải về đội cảnh sát xã làm một viên cảnh sát thực tập quèn hay sao?
Trên thế giới này không có kẻ phạm tội thông minh, mà chỉ có cảnh sát kém cỏi. Không vụ án nào có thể che đậy kín bưng. Không phá được án là vì cảnh sát chưa làm tốt, nguyên nhân chưa làm tốt là vì cảnh sát vẫn chưa đi sâu sát thực tế.
Bất kì tử thi nào cũng biết nói, chỉ cần tìm cách để nghe nó nói mà thôi.
Một mình Bao Triển đến hiện trường. Anh thẫn thờ trong gian phòng xử lý nước thải xộc mùi hôi thối rất lâu. Anh ngồi suy ngẫm giữa bóng tối mênh mông của đường hầm, nhưng vẫn không phát hiện ra manh mối nào. Lúc trở lại văn phòng thì đã có kết quả thẩm định của phòng kĩ thuật và phòng vật chứng. Vật chứng được phát hiện tại hiện trường phạm tội không nhiều, tại hiện trường không thấy dấu vết vật lộn, cũng không lấy được dấu vân tay hay vân chân. Ngoại trừ một đôi giày ra, thì không hề có vật khả nghi nào khác. Cỡ chân của người công nhân xử lý nước thải là bốn mươi bốn, trong khi đôi giày phát hiện tại hiện trường vụ án mạng lại mang số bốn mươi hai.
Giáo sư Lương xem đi xem lại bức ảnh hiện trường rồi lại cầm đôi giày lên quan sát tỉ mỉ. Ông gật đầu nói: "Đôi giày này là của hung thủ để lại!"
Đây là đôi giày vải rất phổ thông, có thể tìm mua ở bất cứ cửa hàng, cửa hiệu nào.
Giáo sư Lương lại hỏi: "Có lấy được ADN từ đôi giày ấy không?"
Nhân viên phụ trách phòng vật chứng nói: "Nước ta vẫn chưa thành lập được kho số liệu AND, cho nên dẫu lấy ADN thì cũng không thể tìm ra một người thông qua ADN lưu lại trên đôi giày này."
Trên ti vi thường xuất hiện hình ảnh cảnh sát ngồi ung dung trong phòng thí nghiệm, vừa nói chuyện vừa lắc ống thí nghiệm, sau đó liền phá được án. Đúng là nực cười!
Từ một đôi giày đi tìm một người thực chẳng khác nào mò kim đáy bể. Vậy mà tên tội phạm nổi tiếng Bạch Bảo Sơn bị phát hiện nhờ bao đựng súng mà y vứt lại; cảnh sát có thể truy bắt Đông Bắc Nhị Vương cũng chỉ dựa vào một chiếc xe đạp, khi đó phán đoán ra tuyến đường chạy trốn của y.
Bao Triển đeo găng tay, lấy chiếc giày trong túi đựng vật chứng ra, anh làm một động tác khiến tất cả mọi người có mặt tại hiện trường đều trố mắt kinh ngạc – Ngửi đế giày!
Tô My và Họa Long ngớ người nhìn Bao Triển.
Bao Triển nhắm mắt, chóp mũi gí sát vào đế giày, hít mạnh một hơi, rồi ngẩng đầu lên. Vẻ mặt như thể đang say sưa trong hương thơm bất tận.
Tô My cảm thấy lợm giọng.
Họa Long hỏi: "Người anh em! Ngửi thấy mùi gì không?"
Bao Triển lộ vẻ mặt hoan hỉ, đáp: "Mùi phân lợn!"
Giáo sư Lương nghe Bao Triển nói vậy liền vô cùng hưng phấn, ông hỏi dồn: "Cậu chắc không?"
Bao Triển gật đầu xác nhận. Mùi này khiến anh nhớ lại rất nhiều chuyện từng xảy ra trong quá khứ.
Giáo sư Lương yêu cầu phòng kĩ thuật kiểm nghiệm lại chất vi lượng dưới đế giày để chứng thực xem có đúng là phân lợn thật hay không. Rất nhiều vụ án bị lãng phí thời gian do quá trình kiểm chứng kéo dài, dẫn đến việc lỡ cơ hội quý giá bắt tội phạm. Giáo sư Lương không ngồi đợi kết quả kiểm định, ông lập tức bảo Tô My dùng máy tính tìm kiếm. Nếu phán đoán của Bao Triển chính xác thì chắc chắn hung thủ sống ở trại chăn nuôi hoặc giết mổ gia súc, tóm lại đó là một nơi có phân lợn. Hung thủ đã khôn khéo ẩn mình trốn tránh các tài liệu lưu hồ sơ của cục thuế, cục kiểm dịch vệ sinh giết mổ gia súc, đơn vị quản lý hộ khẩu của ngành giết mổ trong thành phố.
Trong thành phố này không có nhiều nơi nuôi lợn, bởi đa số người dân chỉ nuôi lợn ở vùng ngoại ô, nhờ vậy phạm vi điều tra được thu hẹp rất nhiều. Tô My sử dụng kĩ thuật của tin tặc để vào trộm mạng nội bộ các ban ngành như cục chăn nuôi, trạm kiểm dịch. Đối với cô chuyện này dễ như trở bàn tay, vậy mà cô không tìm thấy bất kì thông tin có giá trị nào. Giáo sư Lương đưa ra chỉ thị: "Tôi cần danh sách bệnh viện thú y trong thành phố này! Tôi còn cần tất cả địa chỉ những nơi có thể giẫm phải phân lợn nữa!"
Tô My nói: "Giáo sư đợi một chút! Xâm nhập vào máy tính của họ ở khoảng cách xa chắc chưa đến mười phút."
Sau khi kiểm tra trên diện rộng, Tô My đã tìm thấy hóa đơn thu phí khám bệnh thời gian gần đây trong hồ sơ lưu trữ trên máy tính của các bệnh viện thú y. Tất cả đều không có giá trị gì! Có điều cô lại tìm thấy sổ chuyên cần, ở đó ghi lại địa chỉ của các khách hàng. Trong số các địa chỉ có một địa điểm nuôi lợn rất khả nghi, bởi nó nằm tại một thôn ngay gần sân bay. Giáo sư Lương lập tức gọi điện thoại cho ủy ban xã. Chủ nhiệm trị an xã giới thiệu qua điện thoại: "Chủ khu nuôi lợn đó tên là Cát Đinh, thường ngày rất ít nói, chưa từng có tiền án tiền sự, năm nay ba mươi tám tuổi, cao tầm một mét bảy mươi. Vợ anh ta mắc bệnh tâm thần, không biết mua ở đâu về hay lấy từ đâu về, ngoài ra còn có cậu con trai câm điếc bẩm sinh nữa. Trại nuôi lợn nhà anh ta có mười mấy đầu lợn."
Đột nhiên Bao Triển chợt nhớ đến lời của người đàn ông bán báo, anh ghé sát điện thoại hỏi: "Ông Cát Đinh đó có phải bị tật ở tai không?"
Chủ nhiệm trị an đáp: "Đúng vậy! Hồi trẻ trong một lần uống rượu say, anh ta ngã cắm đầu vào chuồng lợn và bị lợn gặm mất nửa bên mặt, nên thường ngày toàn đội mũ, thỉnh thoảng còn đội cả mũ giáp nữa."
Các thành viên tổ chuyên án lập tức hứng khởi hẳn, tim đập nhanh như trống trận, cuối cùng nghi phạm nặng kí Cát Đinh cũng lộ diện.
Trong truyện cổ tích, hoàng tử tìm thấy cô bé Lọ Lem yêu dấu nhờ vào đôi giày thuỷ tinh. Còn trong vụ án này, các thành viên tổ chuyên án lấy vụn mủn dưới đế giày mang đi xét nghiệm ADN, rồi đối chiếu với ADN của Cát Đinh là có thể biết y có xuất hiện tại hiện trường hung án trong đường hầm hay không.
Họa Long và Bao Triển thông báo với phó cục trưởng. Ba người dẫn đội cảnh sát vũ trang xuất phát.
Hơn một tiếng sau, Họa Long gọi điện cấp báo cho giáo sư Lương. Họa Long hậm hực nói: "Có một tin xấu, thưa giáo sư!"
Giáo sư Lương hỏi: "Tin gì?"
Họa Long tiếp: "Còn một tin tốt nữa!"
Giáo sư Lương bảo: "Vậy cậu nói tin tốt trước đi!"
Họa Long hồ hởi: "Chúng ta đã tìm thấy cô An Kỳ trong tầng hầm trại nuôi lợn nhà Cát Đinh. Cô ta vẫn còn sống và đã được giải cứu."
Lương giáo sư hỏi: "Thế tin xấu thì sao?"
Họa Long đáp: "Tên Cát Đinh trốn mất rồi! Chúng tôi đã bao vây toàn bộ khu vực nuôi lợn, nhưng chẳng ngờ y lặng lẽ chuồn ngay trước mũi cảnh sát."
Tô My không tham gia vào vụ truy bắt hung thủ.
Vì lòng hiếu kì của phụ nữ, cô rất muốn biết bộ dạng khi bị giam cầm dưới tầng hầm của tiểu thư An Kỳ. Nếu kết hợp hình ảnh giữa một thiên kim tiểu thư như hoa như ngọc và mụ nuôi lợn xấu xí, nhếch nhác, giữa người đẹp và ác thú thì sẽ tạo ra hiệu ứng rúng động lòng người đến mức nào. Chẳng bao lâu sau, Tô My đã tận mắt nhìn thấy các bức ảnh được chụp tại hiện trường.
Cô lật giở từng tấm hình, bàn tay bắt đầu run rẩy. Trong ảnh hiện rõ một miền quê trồng rất nhiều bạch dương, hai bên con đường đổ xi măng là những ngôi nhà mái ngói đỏ thẫm thấp lè tè. Nhà của Cát Đinh là một trong số những ngôi nhà đó. Cánh cổng sắt ngoài vườn loang lổ, han gỉ, từ khe cửa có thể nhìn thấy một con chó, chắc chính nó đã tạo cơ hội giúp chủ nhân trốn thoát. Trong vườn có hai khu vực quây tròn để nuôi lợn, nước bẩn chảy thành dòng. Sau đó, một cảnh tượng chợt vụt loé lên, cửa vào đường hầm xuất hiện. Qua màn hình có thể nhìn thấy Họa Long đang cầm súng, vẻ mặt đầy cảnh giác. Trong hầm chứa đầy bánh đậu và lạp xưởng. Một cánh cửa gỗ hiện giữa đống đồ chất đầy dưới hầm...
Tô My nôn nóng lật xem các tấm hình tiếp theo. Cuối cùng cô cũng nhìn thấy tiểu thư An Kỳ. Bức ảnh khiến cô dựng tóc gáy, cơn ớn lạnh từ đâu bỗng chạy dọc theo sống lưng. Bức ảnh đủ khiến công chúng cảm thấy rùng rợn. Một cô gái đang yên đang lành đi trên tàu điện ngầm, bỗng nhiên mất tích thần bí, sau đó cô gái bất chợt biến thành bộ dạng giống như nô lệ thời trung cổ.
Tô My ôm mặt, cô không dám nhìn tiếp.
Trong những ngày bị Cát Đinh giam giữ, chuyện gì đã xảy ra với tiểu thư An Kỳ vậy?
Bức ảnh cuối cùng cho thấy dưới tầng hầm có một thùng phân lẫn nước tiểu đầy xâm xấp, lẫn lộn cả giấy vệ sinh...
Vụ án này sắp đi đến hồi kết, nó khiến chúng ta bừng lửa giận khi bước vào nội tâm của một tên tội phạm biến thái. Đó chính là nơi sâu thẳm của địa ngục.
Thực ra cảm giác ưu việt của người Trung Quốc đều được xây dựng trên việc khinh miệt người khác.
Người thành phố khinh miệt người nông thôn. Người khỏe mạnh khinh miệt người tàn tật.
Nguyên nhân khiến Cát Đinh không lấy được vợ rất đơn giản, bởi y là người tàn tật, là một kẻ bị hủy hoại dung nhan.
Mấy năm trước Cát Đinh "lấy" được cô vợ từ miền núi xa xôi về. Rất nhiều người trong thôn đoán già đoán non chắc anh ta bỏ tiền ra mua về, chứ làm gì có ai chịu lấy một người dị hợm như Cát Đinh. Tuy đoán thế nhưng chẳng ai báo cảnh sát. Cát Đinh nói dối rằng vợ y mắc bệnh tâm thần. Để vợ không chạy trốn, y đã lấy xích sắt khóa chân vợ lại, rồi nhốt dưới tầng hầm.
Năm 2008, tòa án cả nước xử 1353 vụ án dụ dỗ, lừa bán phụ nữ và trẻ em, tăng 9.9l% so với năm 2007. Những số liệu này chỉ là một phần của tảng băng trôi. Trong khi cuộc sống ở thành phố vừa hiện đại vừa giàu sang, thì hiện tượng phạm tội mua bán phụ nữ trẻ em tại vùng nông thôn và ngoại ô vẫn diễn ra vô cùng nghiêm trọng.
Người vợ đã sinh cho y một đứa bé trai. Hai mẹ con cô đều bị nhốt dưới tầng hầm, họ dựa vào nhau mà sống. Đứa bé không hề bị câm, nhưng cậu bé chưa bao giờ mở miệng nói. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy cuộc sống của hai mẹ con họ bi đát đến chừng nào. Đứa con là hi vọng duy nhất của người mẹ ở nơi cuộc sống như địa ngục này. Trong tầng hầm tăm tối, không một tia sáng mặt trời, da người phụ nữ nọ trở nên trắng bệch như bị bạch tạng, cơ thể nhanh chóng béo múp míp chẳng khác nào phù nề. Nếu bảo cô ấy nom giống một con lợn nái thì cũng chẳng quá lời. Không cần nghĩ cũng biết một gia đình như vậy chắc chắn chẳng bao giờ có được khoảnh khắc ấm áp, nhưng từ việc người mẹ thêu chiếc giày đầu hổ cho đứa con trai và đan áo cho cậu bé, ta cũng có thể cảm nhận được một điều rằng dẫu con người sống trong địa ngục, thì họ vẫn ngẩng đầu lên hướng về thiên đường.
Sau khi Cát Đinh chắc chắn vợ mình sẽ không bao giờ chạy trốn nữa, thỉnh thoảng y lại để vợ dắt con trai rời khỏi tầng hầm, ngồi trong vườn tắm nắng một lát. Ta có thể tưởng tượng ra cảnh vào một chiều xuân ấm áp nào đó cô ấy ngồi trên chiếc ghế dài, ôm chặt con trai vào lòng, chuyển nó từ gối trái sang gối phải, hai mẹ con đều không nói gì, chỉ lẳng lặng ôm ấp nhau mặc cho ông chồng dị hợm đang ném ánh mắt chán ghét về phía mình. Càng ngày cơ thể cô càng béo tròn, nếu xuất hiện giữa thôn chắc hẳn sẽ khiến bọn trẻ con bu quanh trêu ghẹo.
Cả thế giới của hai mẹ con họ chính là cái trại lợn này!
Đôi lúc Cát Đinh vứt cho mẹ con họ bát mỳ vằn thắn trộn ít vụn thịt lợn, hoặc thỉnh thoảng lại là bát canh lòng lợn, rồi hất hàm bảo: "Ăn đi!", "Uống đi, lợn sề!" Khi y buồn bực hoặc say rượu, y lại thượng cẳng chân hạ cẳng tay không thương tiếc với con lợn nái sề, còn đứa bé đứng cạnh nhìn trân trân cha nó đánh mẹ nó, khuôn mặt non nớt, tái mét hoàn toàn vô cảm.
Ý nghĩa thực sự của cuộc sống vợ chồng thật ra là ngủ cùng nhưng không làm gì cả.
Sau khi vợ Cát Đinh sinh con, y hoàn toàn không còn chút cảm hứng nào với vợ, thậm chí còn không thấy hứng thú bằng việc ướp thịt lợn.
Tầng hầm là nơi Cát Đinh dùng để ướp thịt lợn. Khi xây hầm, y vô tình đào thấy một giếng ngầm ăn thông với đường hầm của tàu điện ngầm.
Đường hầm tàu điện ngầm có một vài phân nhánh bí mật, ví như đường sắt ở New York, Mỹ có đường ray ngầm dùng để chuyên chở vật tư quân sự, đường sắt ở London, Anh có đường hầm bí mật dành cho thủ tướng lúc khẩn cấp. Bất kì quốc gia nào khi đào đường hầm dành cho tàu điện ngầm đều suy xét đến nhân tố chiến tranh. Một số giếng ngầm ăn thông với các công trình phòng không chưa được khởi động, mà những hầm phòng không này đều liên thông với cả hệ thống đường sắt ngầm.
Rồi giá thịt lợn trên thị trường ngày một tăng cao khiến trại lợn của Cát Đinh kiếm được khá nhiều tiền. Dân gian thường bảo "no cơm ấm cật, dậm dật chân tay", lòng y lại mơ tưởng, càng nhìn vợ mình, y càng thấy xấu xí; càng nhìn con gái trên phố, y lại càng thấy họ xinh đẹp. Một ngày, y vô tình đào thông tới đường sắt ngầm ở phía dưới tầng hầm của trại lợn. Khi đứng trên sân ga, nhìn những cô gái xinh đẹp đi qua đi lại, lúc là nữ công chức thanh lịch, lúc lại là các thiếu nữ e thẹn, các thiếu phụ gợi tình, các cô gái ăn mặc thiếu vải lộ đường cong, nơi thành đô có đủ những bóng hồng mĩ miều. Những tà váy đủ màu sắc, kiểu dáng khiến người ta hoa mắt phấp phới bay theo từng bước chân, giày cao gót như nghiền nát tim y.
Đinh Cát theo chân các thiếu nữ trong mộng bước vào toa tàu. Đầu tiên y chỉ dám quấy rối một cách vô cùng thận trọng, sau đó phát triển thành yêu râu xanh tàu điện ngầm to gan ngông cuồng. Ngày nào y cũng ngồi tàu đi xuyên qua hết thành phố này đến thành phố khác dưới lòng đất, đứng sau các mỹ nữ dần dần trở thành nguồn vui lớn nhất trong cuộc sống của y. Giống như người thích xem phim, thích đá bóng, thì y thích quấy rối tình dục vậy!
Tai y bị tật nên thường phải đội mũ, nhưng mùa hè mà đội mũ thì có vẻ hơi dị nên mỗi lúc ngồi tàu điện ngầm y thường đội mũ bảo hộ lao động, ăn mặc sao cho giống với thợ điện hoặc công nhân xây dựng. Chiếc mũ bảo hộ lao động ấy y nhặt được ở dưới đường tàu.
Trí tưởng tượng của Cát Đinh vô cùng phong phú, đôi lúc khi máy bay lướt qua bầu trời thôn, y lại ngẩng đầu lên tưởng tượng ra dáng điệu yểu điệu, gợi cảm của các nữ tiếp viên hàng không.
Thực ra trong lòng mỗi người đều cất giấu một tòa địa ngục!
Còn trong lồng ngực của Cát Đinh thì giam giữ một con dã thú. Nó thành hình, rồi dần dần lớn lên, cuối cùng trở nên vô cùng nanh ác. Y đã có thể mua một người vợ, thì tại sao không thể cướp một người vợ nhỉ?
Y tự hỏi mình như vậy! Cát Đinh cảm thấy một trong số những cô gái xinh đẹp ngoài kia mới là vợ mình. Y đánh giá từng cô gái mà mình gặp hàng ngày trong tàu điện ngầm bằng ánh mắt của một đế vương đang tuyển chọn cung nữ. Vô số mỹ nữ đã đi lướt qua vai y để lại cho y vô số hối tiếc và ngậm ngùi. Quá trình vạch kế hoạch gây án của y được thôi thúc và hình thành cũng từ những lần tiếc nuối đó.
Đôi khi một vụ án hiếp dâm lại bắt đầu từ tiếng huýt sáo vang lên khi một cô gái xinh đẹp bước qua đám công nhân xây dựng hoặc người đưa hàng!
Trong thời gian này không ai để ý vợ của Cát Đinh đã biến mất, y nói với hàng xóm rằng vợ y về nhà mẹ đẻ để chữa bệnh.
Tuy nhiên y vẫn chưa đủ can đảm để gây án, mãi đến khi trong đầu lóe lên một ý tưởng. Y mua cây gậy chích điện, đầu tiên y đem thử nghiệm trên cơ thể lợn, con lợn bị gậy chích điện chạm vào người liền quay lơ ra đất. Như vậy chứng tỏ cây gậy này đủ sức hạ gục một người trong nháy mắt.
Đúng như ông chủ bán gậy chích điện giới thiệu: Ai bị đèn pin chích điện này chạm phải sẽ hôn mê trong vòng mười lăm phút mới tỉnh. Trong thời gian này, người đó sẽ hoàn toàn mất khả năng kháng cự và tấn công.
Công cụ gây án của y là mũ bảo hiểm, gậy chích điện, băng dính và găng tay.
Y cất tất cả dụng cụ vào trong ba lô, nhét trái tim đầy độc ác vào trong lồng ngực rồi bắt đầu hành động săn mồi.
Thành phố thoắt biến thành rừng rậm, có lẽ Cát Đinh vẫn hoài niệm thời viễn cổ, thích ai thì đánh ngất người đó, lôi vào trong động sống cả đời.
Phòng vệ sinh trong tàu điện ngầm là một điểm mù không bị camera giám sát. Cát Đinh lấy gậy chích điện làm An Kỳ ngất xỉu, rồi kéo vào một gian vệ sinh, trói chặt tay cô ta lại, vác lên vai, rồi đứng đó. Đây là chuyến tàu cuối cùng, đợi khi hành khách đều đi hết, y mới cõng con mồi của mình đi về phía đường tàu. Trong đường hầm, điện thoại di động của An Kỳ chợt reo vang khiến Cát Đinh hết hồn. Y ném điện thoại đi, tiếp tục sải chân tiến về phía trước. Phía trước xuất hiện một người lạ mặt làm y lại giật nảy mình. Cát Đinh lấy ngay gậy chích điện ra gí vào người công nhân xử lý nước thải, sau đó bóp cổ anh ta đến chết. Mặc dù cả quá trình diễn ra đúng là kinh hồn bạt vía nhưng đối với y mà nói thì chẳng qua chỉ mất tí sức mà thôi.
Lúc này, Cát Đinh mới chợt nhớ trên đường ray ngầm tích điện cao thế. Đúng là chuẩn bị trăm đường vẫn sơ hở mất một đường. Trong đống dụng cụ gây án của y không có giày cách điện trong khi đôi giày mà người công nhân xử lý nước thải nọ đang đeo lại vừa hay là giày cách điện, bởi vậy y không chần chừ thay luôn giày của nạn nhân. Chính hành động ấy sau này đã trở thành điểm đột phá của phía cảnh sát.
Một thiên kim tiểu thư con gái tỉ phú từ thiên đường bỗng nhiên bị rớt xuống địa ngục.
Cát Đinh cõng An Kỳ về sào huyệt của mình. Ai có trí tưởng tượng phong phú đều đoán ra trong những ngày ấy đã xảy ra những chuyện gì. Quá trình từ thích nhìn đàn bà tắm đến ngày hôm đó là quá trình phạm tội của y.
Y thích hát.
Cát Đinh lim dim nhìn An Kỳ và bảo: "Ai hát hay hơn anh? Làm gì có ai!"
Y không chỉ thích hát mà còn thích vừa hát vừa nhảy, các động tác của y xấu xí y như giọng hát, y điên cuồng và say sưa thể hiện đủ mọi kiểu với thân hình béo ú, thô kệch của mình. Hôm ấy, câu y hát nhiều nhất là: "Ơi người dân! Vui lên đi! Á hà ha... Ơi người dân! Ứ hừ hư..."
Ngày đầu tiên An Kỳ bị giam giữ, cô gái thường ngày kiêu kì cao ngạo giờ quỳ mọp trước mặt y, khóc lóc như mưa, thảm thiết van xin Cát Đinh thả mình ra. Cát Đinh thờ ơ. Thậm chí cô tiểu thư nhà giàu còn chủ động cởi áo, mong sau đó được thả ra, không những thế cô ta còn khua chân múa tay y như mụ nông dân thề thốt với y rằng sau khi cô ta đi sẽ tuyệt đối không báo chuyện này với cảnh sát.
An Kỳ run rẩy nói: "Anh cần bao nhiêu? Nhà tôi có rất nhiều tiền."
Cát Đinh không nói, chỉ lắc đầu.
An Kỳ lại lập cập hỏi: "Thế anh muốn gì? Chỉ cần thứ tôi có tôi sẵn sàng cho anh."
Cát Đinh ngoác miệng cười, lộ ra hàm răng vàng khè, y lấy ngón tay gại gại lên ngực của An Kỳ. Đối với y động tác này rất giàu ý thơ vì hướng y chỉ không chỉ là ngực cô ta mà còn là vị trí của trái tim. Động tác tiếp theo thì thực sự vô liêm sỉ, y lật váy của An Kỳ lên.
An Kỳ run lẩy bẩy, lấy hết can đảm hỏi tiếp: "Được rồi! Vậy anh hãy nói cho tôi biết, rốt cuộc anh muốn gì ở tôi?"
Cát Đinh cười nanh ác, buông tà váy xuống, ôm mỹ nữ trước mặt vào lòng, y đang ôm hương ấm ngọc êm. Dường như bị kích thích quá độ, y cố gắng cất giọng khàn khàn thể hiện sự dịu dàng và thẹn thùng: "Làm vợ..."
Hôm ấy, gã nuôi lợn đó còn làm một chuyện có lẽ là lãng mạn nhất trong cuộc đời y.
"Vợ này!" – Cát Đinh nói với An Kỳ – "Chúng ta chính thức kết hôn nhé! Tôi sẽ đi làm giấy chứng nhận kết hôn."
An Kỳ hoàn toàn quỵ ngã, cô ta đờ đẫn không nói nên lời, nước mắt thi nhau tuôn rơi. Cát Đinh liếm nước mắt trên mặt An Kỳ như một con sói khát nước, sau đó y dịu dàng và nâng niu hôn cô ta.
Cát Đinh đứng trước bức tường, trên vách tường ghi đầy các loại thông tin quảng cáo vớ vẩn như làm giấy tờ, vay tiền, báo thù, hóa đơn v.v...
Y gọi điện cho một tên chuyên làm giấy tờ giả, nói rằng mình cần làm giấy chứng nhận kết hôn.
Không cần kể cũng biết gã chuyên làm giả giấy tờ ngạc nhiên và hoài nghi thế nào khi nhận được cú điện thoại của y. Bọn chúng từng làm đủ mọi loại giấy tờ giả như bằng tốt nghiệp, bằng công chức, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận tài sản nhà đất và thậm chí cả giấy phép kinh doanh... nhưng đây là lần đầu tiên chúng nhận được hợp đồng làm giả giấy chứng nhận kết hôn.
Cát Đinh yêu cầu: "Tôi muốn giấy tờ phải đóng dấu thiếc."
Gã làm giả giấy tờ bảo: "Thế thì phải thêm tiền đấy! Mà nói thật sao anh chị không đi ủy ban làm thủ tục đăng kí kết hôn thật cho rẻ?"
Cát Đinh đáp cộc lốc: "Bao nhiêu tiền cũng chi!"
Gã làm giả giấy tờ nghe thế chỉ hỏi: "Anh và vợ tên là gì để tôi điền vào