Chương 5: Hoa dành dành nở rộ

Kẻ sát nhân sống trong một con phố yên bình, hai bên đường trồng hai rặng hoa dành dành, những cánh hoa trắng muốt ướp bầu không khí của khu phố thơm ngan ngát. Khi ấy, y có một ngôi nhà nhỏ. Y và trái tim của y lặng lẽ nghỉ ngơi trong ngôi nhà đó suốt quãng thời gian dài, tuổi thơ vụt trôi đi như bóng câu qua thềm. Sau đó cha mẹ đều rũ áo về trời, y lấy vợ sinh con, kết hôn rồi li hôn, cuộc sống lạt như nước.

Dây nho trong vườn do vợ y trồng. Sau khi li hôn, y thường thần người nhìn dây nho, y ngồi dưới giàn nho râm mát, rồi lại đứng dưới giàn nho râm mát chờ đợi con trai đi học về. Con trai y tên là Tam Chùy. Nơi góc vườn ấy, mùa đông rau cải kề vai xanh mơn mởn, mùa hè dưa hấu chen chúc như lợn con. Thời gian như nước chảy qua cầu, cứ thế nhẹ nhàng trôi hết năm này qua năm khác. Bất kể tuyết rơi la đà hay mưa đổ như thác thì trong đầu y vẫn chẳng hề tồn tại ý niệm tái hôn.

Phần lớn thời gian cuộc đời y dành cho bánh lái ô tô. Y lái đủ loại xe, từ động cơ ba bánh đến máy ủi, xe khách đường dài, xe phun nước, cần cẩu, máy xúc, xế hộp Santanal rồi cuối cùng là xe taxi.

Y chỉ làm một nghề duy nhất, đó là nghề lái xe.

Đồng nghiệp lái taxi thường gọi y là Giản sư phụ. Giản sư phụ rất kiệm lời, nhưng lại hay trêu chọc bạn bè, ví như y thích bất ngờ đập vào vai phải người khác rồi sau đó đứng sang bên trái. Ngoài ra y còn có một sở thích duy trì suốt nhiều năm, ấy là mua xổ số, có điều từ trước đến giờ chưa bao giờ may mắn trúng lấy một giải.

Cuộc sống của dân lái vô cùng tẻ nhạt và khô khan, bởi vậy nhiều bác tài rất hay chuyện. Tài xế lái taxi phần đông đều là người có văn hoá, họ đi nhiều hiểu rộng, nên khi tụ tập ngồi chém gió với nhau thường bật ra rất nhiều chân lý chói ngời khiến người ta phải giật mình, ví như đoạn hội thoại dưới đây:

Tài xế A: Vũ trụ là gì? Shit! Chẳng qua là trái thuốc nổ.

Tài xế B: Đúng thế!

Tài xế A: Nói cách khác trái thuốc nổ chính là vũ trụ khi bị nổ tung. Nếu có máy quay phim ghi lại quá trình hình thành và ra đời của vũ trụ rồi phóng to nhiều lần trên màn hình tivi, sau đó lại nhân lên gấp nhiều lần nữa, ta sẽ tìm thấy hệ mặt trời trước, sau đó tìm thấy trái đất, cuối cùng sẽ thấy khuôn mặt ngốc nghếch của chính mình.

Tài xế taxi cũng thích tám chuyện, nhưng điểm khác biệt giữa họ và những cư dân bình thường khác là họ thường nhìn thấu bản chất vấn đề. Ví dụ một tài xế taxi thảo luận với hành khách về xung đột biển giữa Đại Lục và Đài Loan như sau:

Hành khách: Sắp đánh nhau to đến nơi rồi!

Tài xế: Họ muốn cho Đài Loan nổ tung thì cứ để họ cho nổ tung đi. Họ muốn tiêu diệt người Nhật, thì cứ để họ tiêu diệt. Vua mất thì dân hóa bụi trần ai, chẳng khác nào lông ngỗng dập dềnh trên dòng sông xanh, tro cốt bị nước cuốn về đông. Bất luận bác hay em sống ở thời Thanh hay thời Minh, thậm chí thời Nguyên, thời Tống hoặc thời Đường vàng son cũng vậy, chúng ta đều chỉ là những kẻ vô danh tiểu tốt, chúng ta chẳng thể thay đổi được gì, cũng chẳng thể ngăn cản được gì.

Giản sư phụ thích lái xe trong mưa. Đôi lúc y còn dừng xe bên con đường ven rừng âm u, mặc mưa đổ xuống mui, y thẫn thờ ngồi sau vô lăng rít điếu thuốc, rồi hạ cửa kính xuống tạo thành một khe hẹp cho khói bay ra ngoài và để không khí ẩm ướt của làn mưa chui vào trong. Quyện lẫn tiếng mưa đổ ào ào dường như càng khiến tiếng nhạc trong xe trở nên giàu cảm xúc hơn, mưa gột rửa hết hình hài của thành phố này làm nó trở nên khi mờ ảo khi rõ nét.

Y thích đùa ác ý. Y cho rằng làm thế sẽ chứng tỏ mình chưa già.

Mưa luôn gắn liền với nhiều câu chuyện lãng mạn, tuy Giản sư phụ không phải là người lãng mạn, nhưng đôi lúc y cũng có những ý tưởng giàu chất thơ, ví dụ như một ngày y dừng xe ở vệ đường, mặc áo mưa rồi chui ra khỏi xe mua bao thuốc lá. Y đứng giữa ngã tư và nghĩ thế này:

Nếu mưa to hơn một chút, nếu mưa cứ thế không ngớt thì nơi y sống sẽ trở thành một cái hồ, mặt hồ - cũng chính là vị trí đầu gối của y sẽ nở ngập tràn hoa sen. Y đứng giữa hồ, nhìn thuyền bè lượn vòng quanh đầu gối mình.

Đôi lúc Giản sư phụ rất hài hước, ví như có lần một du khách ngoại tỉnh không đi taxi mà chọn cách đợi xe bus, Giản sư phụ liền nói với người khách đó rằng: "Hầm chín gà rồi mà còn tiếc tí muối à?"

Tài xế taxi giống như một lữ khách, họ nhìn dòng người dòng xe qua lại mà chẳng khác nào dòng thời gian đang trôi chảy. Họ đưa người khác về nhà, rồi sau đó tự về nhà mình. Ngày nọ nối tiếp ngày kia với một điệp khúc quen thuộc như vậy. Đó chính là cuộc sống của y. Ngồi yên một chỗ nhưng lại xuyên qua huyên náo của bao thành phố. Bất kể là gã đàn ông tục tằn mặc áo may ô sau khi đánh mạt chược hay những cô nàng quyến rũ tỏa ra thứ mùi lạ của lẩu tê cay trộn lẫn mùi nước hoa đậm đặc, bất luận là ai, ở đâu khi nào vẫy tay gọi, y đều phải đến đó và mang theo chiếc xe của mình. Y cảm thấy xe chính là cơ thể, là da thịt mình. Y thường liếc xéo mắt để quan sát từng hành khách, gặp người hay chuyện y sẽ hưởng ứng đôi câu, gặp người trầm lặng, y cũng chẳng nói câu nào.

Một lần, Giản sư phụ gặp một người khách rất lạ lùng ở đầu đường bệnh viện Nhân Dân. Đó là một người phụ nữ mặc áo đánh số dành cho bệnh nhân, khuôn mặt cô trắng bệch, dung nhan tiều tụy, điều kì quặc nhất là người phụ nữ đó không có tóc, một người đàn bà trọc.

Y hỏi: "Cô đi đâu?"

Người phụ nữ đáp: "Nơi nào ít người nhỉ? Anh cứ đi loanh quanh đâu đó mấy vòng. Tôi cũng chưa biết đi đâu! Gần đây có núi không?"

Y bảo: "Không có!"

Người phụ nữ lại hỏi: "Thế hồ? Có hồ không?"

Y trả lời: "Có một con sông."

Người phụ nữ quyết định: "Thế thì cho tôi đến bờ sông... nhưng mà... tôi sợ nước!"

Hai người không nói câu gì nữa, cả đoạn đường chìm trong im lặng, xe dừng lại bên bờ sông, người phụ nữ định xuống, Giản sư phụ nhắc cô vẫn chưa trả tiền, người phụ nữ quẳng lại tập bệnh án và bảo: "Tiền của người chết mà anh cũng muốn lấy ư?"

Giản sư phụ nhìn bệnh án y không tiếp tục đòi tiền xe nữa. Thì ra người phụ nữ ấy là bệnh nhân mắc bệnh máu trắng, có lẽ vì đang hóa trị nên tóc rụng sạch.

Giản sư phụ nhìn người phụ nữ trọc đầu một lần nữa. Cô ấy bước ra khỏi xe, môi nhoẻn nụ cười nhẹ nhưng đôi mắt lại nhòa lệ. Người phụ nữ bước tới bờ sông.

Giản sư phụ cho rằng cô ấy chỉ ra bờ sông đi dạo cho nhẹ lòng, nhưng chẳng ngờ mấy hôm sau người ta vớt được một tử thi đàn bà mặc áo đánh số của bệnh viện dưới lòng sông lên. Y ý thức rất rõ rằng - Người phụ nữ ấy đã tự sát!

Chuyện này khiến y chấn động mãnh liệt. Bắt đầu từ hôm ấy, ngày nào y cũng nghĩ đến một vấn đề, nghĩ đăm chiêu đến nỗi đôi lúc y như người mất hồn ngay khi lái xe.

Vấn đề ấy thực ra là vấn đề mà bất kì ai trong chúng ta đều có khả năng phải đối mặt:

Nếu ta chẳng may mắc bệnh nan y trong khi bản thân lại không đủ sức trả tiền viện phí cao ngất ngưỡng, thì ta nên làm thế nào?

Chẳng lẽ ta chỉ còn cách lặng lẽ chờ đợi thần chết đến đón xuống âm ti địa phủ?

Có lẽ tự sát cũng là một cách giải thoát! Kết liễu tính mạng của mình để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, để nỗi đau của bản thân và nỗi thống khổ của người nhà sẽ chấm dứt theo sự chấm dứt của một sinh mệnh.

Chuyện này xảy ra đã khá lâu mà Giản sư phụ vẫn còn tự lẩm bẩm một mình: "Chắc người phụ nữ đó có con... cô ấy chỉ muốn tìm một nơi cô tịch để lặng lẽ giã biệt cõi đời."

Giản sư phụ chợt nhớ đến ngày y và vợ li hôn. Con trai y đem giày của bố mẹ giấu trong chăn, y và vợ tìm hoài không thấy, mãi đến khi hoàn thành thủ tục li hôn, một mình y từ tòa án trở về mới phát hiện hai đôi giày bị giấu kín.

Khi ấy Tam Chùy mới sáu tuổi, nó đứng ở cổng, dưới giàn nho, không khóc cũng không cười, chỉ bình thản hỏi: "Mẹ đâu hả bố? Mẹ còn về nhà không?"

Y câm lặng, nỗi xót xa nhoi nhói tâm can, nước mắt y vô thức tuôn trào.

Từ đó hai cha con nương tựa vào nhau mà sống, y thề sẽ cho con trai một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tam Chùy trưởng thành, nó bắt đầu mặc những trang phục kì quặc, để kiểu đầu quái đản, nhưng y không lấy thế làm bực mình, mà chỉ cho rằng không bắt kịp với thời đại nữa rồi! Có điều y thấy nỗi buồn trong đáy mắt con trai.

Sự phản nghịch và bất cần ánh lên từ đôi mắt cậu thiếu niên là thứ không thể ngụy trang nổi.

Có điều có một chi tiết không thể không kể đến. Vào hôm Tam Chùy và lũ bạn phát hiện ra cỗ tử thi ở trên đỉnh tháp, cậu ta đi xe bus về nhà, trên xe có một bà lão chống nạng, xe chật như nêm, không còn một chỗ trống, Tam Chùy - cậu thiếu niên xăm trổ đầy mình, tai đeo vòng khuyên, đầu tóc bù xù như vừa thoát ra từ trận bom napan - liền đứng lên lễ phép nói: "Bà ơi! Bà ngồi chỗ cháu đây này!"

Mọi người xung quanh đều cười thầm, họ cảm thấy cậu thanh niên này thật đáng yêu!

Từ trái tim trồng rau ban đầu đến trái tim giết người sau này là một quá trình, trong quá trình ấy đã xảy ra biến động ghê gớm gì?

Mùa đông năm 2006, Giản sư phụ mắc bệnh trĩ, ban đầu múi trĩ chỉ bằng hạt lạc, y định uống thuốc để tự phục hồi, nào là xoa dầu cao, nào là ngâm nước nóng, nào là uống thuốc tiêu trĩ, nào là uống thuốc bắc. Hàng ngày, cứ đến chập choạng tối, khi người ta bắt đầu hết giờ làm cũng là lúc bắt đầu giờ làm của y. Y uống thuốc xong, vứt bát lên mặt bàn đang kết băng ở trong vườn, hà hơi vào tay cho đỡ lạnh rồi mở máy đi làm.

Chiếc ghế y ngồi luôn cách đất nửa thước và luôn cân bằng với ống xả.

Rất nhiều tài xế mắc bệnh trĩ nên chuyện này cũng chẳng có gì to tát, chỉ có điều mỗi lần đạp phanh hoặc côn thì một cơn đau lại lộng lên tận óc.

Gần đến tết thì múi trĩ hóa ác tính, từ hạt lạc ban đầu giờ trở thành khối u to tướng. Cắt trĩ xong cũng vừa sang xuân, y nén chịu đau gói sủi cảo, một mình lủi thủi đợi cậu con trai về. Đêm giao thừa, con trai chơi game thông đêm trong quán internet. Sáng hôm sau nó dắt theo một đứa con gái về.

Y không giận, ngược lại y rất mừng vì cảm thấy con trai đã trưởng thành.

Tam Chùy và Hoa Lệ bắt đầu sống thử, Giản sư phụ tế nhị cảnh báo con trai: "Bầu bí tùm lum thì phiền phức lắm đấy!"

Tam Chùy đáp: "Bố yên tâm! Không có chuyện đó đâu!"

Hoa Lệ cũng nói đế theo bằng giọng lạnh tanh: "Chúng cháu chỉ chơi bời thôi, chưa nghĩ đến chuyện cưới xin con cái đâu mà chú lo!"

Đến hạ năm 2007, bệnh trĩ của y lại tái phát, lần này vô cùng nghiêm trọng, bụng đau dữ đội, nôn ra máu, đại tiện ra máu, phân thải ra không phải hình thuôn tròn mà hình trăng khuyết, điều đó chứng tỏ trong ruột có khối u. Y cứ ngỡ chỉ là trĩ nội, nào ngờ đi bệnh viện kiểm tra, bác sĩ lại kết luận: Ung thư trực tràng giai đoạn cuối, tế bào ung thư đã chạy sang gan và phổi!

Bác sĩ an ủi: "Ung thư trực tràng không đáng sợ như các loại ung thư khác, chỉ cần phẫu thuật, rồi cắm ống vào người, làm hậu môn nhân tạo là xong."

Giản sư phụ lo lắng hỏi: "Tế bào ung thư đã lan sang gan và phổi, vậy tôi còn sống được bao lâu?"

Bác sĩ đáp: "Còn phải xem hiệu quả hóa trị, sống thêm ba đến năm năm chắc không có vấn đề, nhưng nếu không điều trị thì chắc chắn chỉ duy trì được ba tháng nữa là cùng!"

Giản sư phụ liếm môi: "Thế hết khoảng bao nhiêu tiền hả bác sĩ?"

Bác sĩ đáp: "Chi phí cho phẫu thuật thì không đắt lắm, chỉ có điều phải tiến hành mười mấy lần hoá trị, xạ trị hậu kì còn phải..."

Giản sư phụ sốt ruột cắt lời: "Gộp lại hết tất cả bao nhiêu?"

Bác sĩ nói một con số.

Giản sư phụ không tin vào tai mình, trước đây có lần y bị viêm tai giữa, nên tai thường chảy mủ, bác sĩ phải nói lại lần nữa, khi y nghe thấy con số này mây đen ngoài cửa sổ ùn ùn kéo đến, một tiếng sấm nổ ùng ùng chui thẳng vào màng mủ trong tai y. Y run bắn! Bác sĩ khuyên y nên nhanh chóng tiến hành phẫu thuật, nhưng y chỉ lặng lẽ quay người, ra khỏi bệnh viện, thất thểu lạc vào màn mưa.

Từ tỉ phú đến khuynh gia bại sản chỉ cách nhau một tòa bệnh viện, huống hồ y chỉ là dân thường?

Một cư dân bình thường đến không thể bình thường hơn ở thành phố nhỏ mà mắc bệnh hiểm nghèo thì phải làm sao?

Một con kiến luôn bận rộn kiếm miếng ăn cả ngày sẽ phải làm gì khi đối diện với số mệnh?

Bao nhiêu năm nay, y mải miết làm ăn, cực khổ tích cóp nhưng vẫn chẳng tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Quyền sở hữu ngôi nhà này thuộc về đơn vị của cha y, y chỉ được quyền ở, không có quyền bán.

Bị ung thư thì chỉ còn đường chết!

Trong thời gian này, y gầy rộc đi, từ một người đàn ông trung niên to béo trở thành gã gầy nhẳng, trước khi bị bệnh và sau khi bị bệnh nom y như hai người hoàn toàn khác nhau.

Cạnh nhà Giản sư phụ có ông lão lắm tiền, vừa mới tổ chức sinh nhật tròn sáu mươi tuổi.

Ông già từng thay tim, nên ông lấy ngày mình cấy ghép tim thành công là ngày sinh nhật của mình. Trái tim mới đem lại cho ông cuộc sống mới, nhưng ông tuyệt đối không bao giờ mở miệng tiết lộ người bán tim cho mình, nghe một người biết nội tình kể rằng trái tim của ông già vốn của một tội phạm giết người. Vài chuyên gia đầu ngành y cho rằng não không phải cơ quan duy nhất sở hữu chức năng lưu giữ kí ức mà tim cũng có khả năng này. Họ đưa ra một ví dụ điển hình chứng tỏ suy luận này là hoàn toàn có căn cứ như sau: Một bé gái tám tuổi ở Mỹ sau khi thực hiện ca thay tim của một bé trai mười tuổi bị sát hại, thì bé gái ấy liên tục nằm mơ thấy ai đó muốn giết mình.

Giản sư phụ hỏi ông già vừa thay tim nọ vài vấn đề mình quan tâm, ví như: "Hậu môn nhân tạo là gì?"

Ông già đáp: "Túi đựng phân chứ còn gì nữa!"

Giản sư phụ lại hỏi: "Trái tim mới thay xong của ông dùng có ổn không?"

Ông già trả lời với giọng rất lạ: "Nói thật là tôi rất muốn giết người!"

Có lẽ câu nói ấy đã gợi cảm hứng cho y, một con dơi màu đen chợt bay qua óc y. Dẫu sao mình cũng sắp chết, y quyết định giết người để kiếm ít tiền dành dụm cho con trai. Y đỗ xe trước cửa quán sauna, khách đến đây tiêu khiển toàn hạng lắm tiền nhiều của. Kim Quế mang chiếc túi dày côm cộp, nhưng sau khi lấy súng bắn đinh giết Kim Quế xong, y mới phát hiện trong túi chẳng có mấy đồng. Đây là lần "tác nghiệp" đầu tiên trong cuộc đời nên y hoàn toàn chưa có kinh nghiệm, việc thủ tiêu xác chết cũng còn nhiều sơ suất, chính vì thế y quyết định di chuyển xác chết khỏi đỉnh tháp nước.

Tài xế lái taxi nào cũng phải thủ sẵn vũ khí phòng thân như dao găm, búa phòng cháy, dao phay khi lái xe ca đêm. Nhiều tài xế đều biết vũ khí phòng thân của Giản sư phụ là một khẩu súng bắn đinh. Chỉ cần cảnh sát tìm thấy thi thể thì họ sẽ phát hiện được hung khí giết người và rất có khả năng sẽ tra ra Giản sư phụ. Xuất phát từ suy nghĩ muốn che đậy tội ác, y đã di chuyển xác chết từ đỉnh tháp nước về chôn trong vườn nhà mình sau khi gây án.

Lúc cõng xác chết đội mưa về nhà, y nghĩ đến điều gì?

Y nghĩ đến đứa con trai của mình, y nhớ đến lúc nó bị co giật hồi còn bé, y ôm con chạy vào bệnh viện, khi về nhà thằng nhỏ ngủ gà ngủ gật, y cõng nó trên lưng, bóng đèn đường vàng vọt kéo dài bóng hai cha con.

Trong đêm mưa đó, y đã cõng tử thi của nạn nhân xuống khỏi đỉnh tháp nước và không quên nói với người chết rằng: "Ông anh! Tôi cũng chẳng còn cách nào khác cả! Giờ ông đã được hưởng phúc ở nơi đó rồi mà tôi vẫn còn phải chịu tội ở nơi này!"

Y nhét xác chết vào cốp xe, hoàn toàn không để ý thấy một cậu thiếu niên đang nấp ở bụi cây gần đó. Đôi mắt nó mở to nhìn y. Nó chính là đứa con trai tên Tam Chùy của y. Khi y đào hố chôn cái xác trong vườn xong, cậu con trai bước vào, miệng nó lắp bắp nói: "Bố... Con nhìn thấy hết rồi..."

Giản sư phụ im lặng một hồi, rồi quay sang nhìn con hỏi một câu tưởng như chẳng hề liên quan: "Bố làm tất cả đều vì con. Nếu bố chết, con sẽ sống ra sao?"

Đứa con ngây người đáp: "Con không biết!"

Giản sư phụ lại hỏi: "Con có thể tự chăm sóc bản thân không?"

Đứa con trai lại ấp úng trả lời: "Con... con không biết!"

Giản sư phụ nói: "Sau này con sẽ nhớ bố chứ? Nhưng đừng nhớ những điểm xấu của bố, chỉ nhớ những điểm tốt thôi, được không con?"

Con trai không nói nên lời: "Con..."

Giản sư phụ tiếp lời: "Tất cả tội lỗi để một mình bố gánh! Vì con, bố nguyện xuống địa ngục, chỉ cần con được sống tốt là bố nhắm mắt cũng yên lòng!"

Đứa con trai thổn thức bật ra tiếng gọi: "Bố..."

Giản sư phụ vỗ về con: "Thôi! Từ nay con phải làm lại cuộc đời! Hãy làm một người tốt con nhé!"

Đứa con cúi thấp đầu, nước mắt thi nhau bò xuống sống mũi.

Tình yêu sâu và lặng như sóng ngầm của người cha luôn khó diễn đạt thành lời. Y là tội phạm giết người, nhưng đồng thời y còn là một người cha.

Dẫu thường ngày rất ít khi y nói chuyện, tâm sự cùng con, nhưng tình yêu của y dành cho con chất cao hơn núi, một tình yêu câm lặng. Vào đêm y chôn xác người trong vườn nhà, hai cha con chỉ trầm mặc ngồi đó chẳng ai nói với ai câu nào, người cha rút điếu thuốc rẻ tiền, cúi đầu rít, đốm sáng đỏ lập lòe giữa đêm tối, còn cậu con trai cứ muốn nói một câu ghim mãi nơi đáy lòng với người cha, nhưng mãi không thốt thành lời, câu ấy là: "Bố ơi! Con sợ... Nhưng bố... con yêu bố!"

Khi trời hửng sáng, người cha đã nghĩ ra một kế sách, y biết xác chết trên đỉnh tháp nước đã bị bạn bè của Tam Chùy nhìn thấy, sớm muộn gì phía cảnh sát cũng biết việc này, bởi vậy y chọn cách chủ động báo án.

Hôm ấy, Hoa Lệ từ quán internet về nhà Tam Chùy định ngủ, Giản sư phụ giả như mình vừa mới đi làm về, y liền cùng Hoa Lệ đưa Tam Chùy giả bệnh vào bệnh viện, sau đó gọi điện báo cảnh sát.

Trong rất nhiều vụ án, kẻ báo án chính là hung thủ. Năm 2004 xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn ở Trùng Khánh, kẻ phóng hỏa Thôi Ấu Bình đã gọi điện báo cảnh sát sau đó còn ở lại hiện trường tham gia cứu hỏa. Năm 2006, người ta phát hiện ra một người bị chặt đứt hai chân trên con đường nhỏ phía sau nhà kho nào đó tại đường Hoàn Thành, thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, người đó tên là Tăng Kình Thanh, sau khi tự chặt hai chân mình, hắn gọi điện cho cảnh sát hòng mưu chiếm tiền bảo hiểm nhân thọ.

Giản sư phụ bảo con trai giả điên trong bệnh viện, sau đó y lấy điện thoại di động của nạn nhân nhắn tin kiểu ma đòi mạng cho đám bạn của Tam Chùy, y làm vậy nhằm mục đích phân tán sự chú ý và làm sai lệch sự phán đoán của cảnh sát, từ đó khiến cảnh sát bỏ qua những đầu mối thực sự, giúp y có thêm thời gian tiếp tục giết người cướp của.

Thực ra bệnh của Tam Chùy không phải giả vờ, đứa trẻ vốn có tiền sử động kinh ấy làm sao có thể chịu đựng được khi phát hiện kẻ cõng tử thi trên lưng trong công viên lại chính là cha mình? Hơn nữa cậu ta còn biết dưới gốc nho giữa vườn nhà mình chôn một xác chết, lại biết chắc chắn sẽ còn cỗ xác thứ hai, thứ ba nữa cũng sẽ được chôn xuống đây.

Giản sư phụ nói với con trai thế này: "Tay đã nhúng chàm rồi thì bố phải làm đến cùng, giết một người cũng bị tử hình mà giết nhiều người thì cũng vẫn chỉ tử hình mà thôi!"

Mấy hôm đợi chờ cơ hội giết người cướp của, y thường nghĩ vài năm sau chẳng biết con trai có kế thừa tật xấu hút thuốc nghiện rượu của y không? Rồi sau đó nó sẽ cai rượu? Liệu sau khi kết hôn nó có li hôn giống cha nó không? Có biến một gia đình đang yên ấm trở thành hồi ức vỡ nát tan tành? Y nghĩ cô bạn gái tên Hoa Lệ của con trai, mới nứt mắt mà đã lẳng lơ. Mỗi sáng nó chào y một tiếng "Chú!" rồi dắt tay con trai y chui tọt vào phòng ngủ, đôi lúc con trai y không có nhà, con bé lại gọi điện thoại cho gã thiếu niên khác, nom có vẻ rất thân mật, điều đó khiến Giản sư phụ cảm thấy kinh tởm đến cực điểm, bởi vậy y phải giết chết Hoa Lệ.

Y muốn tặng cho con trai một cuộc sống hoàn toàn mới, một cuộc sống không còn vướng víu chút nào với quá khứ.

Giản sư phụ lấy súng bắn đinh giết hại cô kế toán nhà máy thuốc lá ngay trong xe taxi của mình. Hôm ấy, lúc tiết lộ mật mã thẻ ngân hàng trước khi chết cô kế toán đã thảm thiết cầu xin y tha mạng, nhưng y vẫn không nương tay cho người vô tội. Mật mã thẻ chính xác, cô kế toán đã không gạt y, điều đó khiến y dằn vặt lương tâm và quyết định hoàn lương.

Ngay ngày hôm đó, y đón con trai ra khỏi bệnh viện, mua vé tàu hỏa, nhét tất cả tiền vào trong ba lô đưa cho con trai.

Đứa con trai hỏi: "Con đi đâu bây giờ?"

Người cha đáp: "Đi đâu cũng được! Con lớn rồi mà!"

Con trai lại hỏi: "Thế bố có đi cùng con không?"

Người cha xua tay: "Con cứ kệ bố! Bố là người sắp chết! Con đi đi! Đi càng xa càng tốt!"

Con trai bịn rịn: "Bố, con..."

Người cha dặn dò: "Con hãy nhớ, vĩnh viễn không được trở lại đây!"

Cậu con trai xúc động nói trong nước mắt: "Bố! Nếu có kiếp sau, con vẫn muốn làm con trai của bố!"

Người cha lặng đi trong giây lát, rồi y cảm thấy tinh thần bất an như thể vừa quên mất thứ gì. Bần thần một lúc y mới nhớ ra: "Thôi chết! Quên không khóa cửa, chìa khoá cửa cũng không mang

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện