P3 - Chương 2: Chốn đào nguyên
Vầng tịch dương đỏ ối đã lặn về tây, sắc chiều hoang hoải cô liêu, tiếng sáo đâu văng vẳng vọng lại từ cõi xa xăm, nghe vừa thê thiết, não nùng lại vừa nhàn nhạt, man mác tựa màn sương mỏng. Bóng đèn hoa sen lắp gần đình bỗng dưng bật sáng, liền sau đó cả khu cảnh quan trên núi đều bừng sáng. Những đốm sáng lấp lánh trải khắp núi rừng, nom thật tráng lệ. Gió đêm hiu hiu thổi, làn không khí trong lành còn mang theo vị ngọt của trái đào khe khẽ len lỏi vào trong lồng ngực.
Giáo sư Lương điềm tĩnh nói: "Cậu chết rồi!"
Người đó kinh ngạc kêu "Hả?" một tiếng, rõ ràng anh ta cảm thấy rất bất ngờ.
Họa Long cảnh giác theo dõi anh ta, nếu người đó không phải trưởng ban Dương thì anh ta là ai? Chẳng lẽ lại là hung thủ sao? Bao Triển đi đi lại lại trong đình như thể đang quan sát gì đó. Rất hiển nhiên đây chính là hiện trường gây án, chỉ có điều nó đã bị người ta cố ý che đậy và ngụy trang. Nền nhà và các trụ cột đều đã được lau rửa sạch sẽ.
Giáo sư Lương chỉ tay vào bàn cờ, nói lại: "Cậu chết rồi! Chưa nhận ra sao?"
Người đó ném quân cờ xuống, thốt lên: "Ối! Đúng thế thật! Cháu thua rồi!"
Giáo sư Lương bồi tiếp một đòn: "Cậu không phải trưởng ban Dương."
Người đó hỏi: "Sao chú biết?"
Giáo sư Lương đáp: "Trong hồ sơ ghi rõ trưởng ban Dương là kì thủ hạng nhất cấp quốc gia. Kì thủ quốc gia mà chơi dở thế này sao?"
Người đó thành thật nhận lỗi: "Chú đoán không sai! Cháu chỉ là người giả mạo. Cháu không phải trưởng ban Dương mà là thầy Tần, giáo viên trường tiểu học thôn Đào Hoa."
Giáo sư Lương quan sát người đàn ông trung niên đó thật kĩ. Anh ta chừng ngoại tứ tuần, đeo cặp kính cận, trông không giống kẻ nói dối. Muốn giao tiếp thành công thì chân thành là biện pháp hữu hiệu nhất, bởi vậy giáo sư Lương nói thẳng mình là cảnh sát, đồng thời giới thiệu ba thành viên còn lại của tổ chuyên án với thầy Tần. Chẳng ngờ thầy Tần không hề ngạc nhiên, anh ta nói mình đã biết từ trước, anh ta ngồi đây chính để đợi tổ chuyên án đến.
Tô My ngạc nhiên hỏi: "Sao thầy lại biết chúng tôi?"
Thầy Tần lấy điện thoại di động trong túi quần ra đưa cho tổ chuyên án, trên đó hiển thị một mẩu tin ngắn: "Phòng cảnh sát huyện Vũ Lăng thông báo: Gần đây có tin đồn nói rằng huyện ta xảy ra một vụ án đặc biệt quan trọng, nhưng sau quá trình điều tra và chứng thực cơ quan công an xác định tin đồn đó hoàn toàn không có thật, những người chịu trách nhiệm có liên quan đã bị xử lí, nếu ai còn tung tin đồn nhảm sẽ bị trừng trị nghiêm minh. Ngoài ra, những công dân tham gia vụ chặn đường đến thôn Đào Hoa xảy ra vào ngày 22 tháng 9 năm 2007 hãy đến cơ quan công an tự thú để được khoan hồng. Sắp đến lễ trung thu, phòng cảnh sát huyện Vũ Lăng chúc bà con đón tết trung thu vui vẻ, vạn sự như ý!"
Rõ ràng đoạn tin nhắn do phòng cảnh sát địa phương nhắn đi, có lẽ tất cả người dân ở huyện đều nhận được.
Giáo sư Lương cười lạnh lùng: "Đúng là có tật giật mình, càng cố giấu lại càng thò cái đuôi ra!"
Bao Triển hỏi: "Vụ chặn đường đến thôn Đào Hoa rốt cuộc là vụ gì thế?"
Thầy Tần ngước mắt nhìn ánh trăng, anh ta khẽ thở dài trả lời: "Chuyện dài lắm! Đến nhà tôi trước đi, hôm nay vừa đúng là đêm trung thu."
Thầy Tần ở trong trường tiểu học thôn Đào Hoa, mọi người lái xe đến đó, đường núi gập ghềnh, nhấp nhô, thấp thoáng phía trên những rặng đào rừng mọc ngập tràn hai bên đường là ánh trăng như dát vàng tròn vành vạnh. Cây đào ở đây rất thấp, chỉ cao hơn đầu người một chút, từng chùm quả nặng trĩu trịt nằm vắt vẻo trên thân cây, kéo cả cành xuống, hồ như chỉ cần giơ tay ra là có thể với tới.
Đình Lan Khả cách trường tiểu học thôn Đào Hoa không xa lắm, chỉ đi một lát đã tới. Mọi người vừa xuống xe đã nhìn thấy một ngôi trường cũ nát, tường bao xung quanh bị sụt lở mấy chỗ, cánh cửa phòng học chắp vá, cửa sổ được dán bằng giấy báo, trên đó là những mẩu tin đăng tải từ vài năm trước. Giữa sân trường có một gốc đào già trên trăm tuổi, cành lá xum xuê đan cài vào nhau, thân cây to khỏe, thô ráp, trên đó có hai sợi dây thừng buộc một thanh sắt rút ra từ đường ray, khi gõ lên đó sẽ có hiệu quả giống như tiếng chuông vào học. Trên cây kết rất nhiều trái đào mật to tròn, mỡ màng. Đào mật là giống đào rất ngọt và thơm, còn được gọi là đào tiên.
Thầy Tần mang mấy chiếc bàn học ra kê dưới gốc cây dưới ánh trăng thu, anh bày một bữa tối khá thịnh soạn trên bàn có đầy đủ thịt rượu, các loại hoa quả đủ màu sắc, các loại rau củ có ở vùng thôn quê này. Giáo sư Lương vốn định trả tiền cho thầy Tần nhưng nom lời ăn tiếng nói của thầy không phải hạng phàm phu tục tử nên đành xua ý nghĩ đó đi, tránh để thầy tổn thương lòng tự trọng.
Thầy Tần giơ ly rượu lên kính: "Mọi người là khách, hôm nay lại là đêm trung thu nên tôi xin uống cạn ly này trước!"
Giáo sư Lương và Họa Long cũng uống cạn ly. Tô My không biết uống rượu, còn Bao Triển không hiểu sao luôn giữ thái độ cảnh giác với thầy Tần nên anh cũng lấy lý do không biết uống rượu để khước từ.
Thầy Tần lại nâng ly rượu lên, rồi ngâm một bài thơ:
Dưới ánh trăng trước gió cắt dây tình
Mây đen vần vũ vùi hoa xinh
Rượu say ngã trước đình Lan Khả
Lên núi Lương Sơn đạp bất bình!
Giáo sư Lương hỏi: "Thơ cậu viết à?"
Thầy Tần gật đầu.
Một con dế ở góc tường chợt kêu rả rích, liền sau đó những con dế khác dưới góc cây cũng cất tiếng kêu theo.
Theo lời giới thiệu của thầy Tần thì trường tiểu học thôn Đào Hoa rất nhỏ, chỉ có hai thầy giáo, một thầy hiệu trưởng và mấy chục học sinh. Các học sinh đều là con em trong thôn. Ngoài thầy Tần ra thì ở đây còn có một thầy giáo nữa là thầy Đào. Cả hai thầy đều là giáo viên nghĩa vụ, không được trả lương, chỉ có khoản trợ cấp ít ỏi chẳng đủ chi tiêu, nên thường ngày họ phải trồng cây ăn quả để kiếm thêm thu nhập.
Chúng ta nên ngả mũ kính phục trước tinh thần trồng người của những thầy giáo tình nguyện ở vùng núi nghèo khó này. Những con người vô danh ấy đã cống hiến to lớn cho nền giáo dục của Trung Quốc.
Sau khi Đào Uyên Minh viết bài kí "Đào Hoa Nguyên", hàng trăm hàng ngàn năm nay không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách từng khảo chứng rốt cuộc chốn đào nguyên thần tiên này ở nơi nào, nhưng cuối cùng vẫn không đưa ra được kết luận. Hiện nay trên cả nước có hơn ba mươi địa phương đang tranh danh hiệu "Đào Hoa Nguyên", thậm chí ngay cả ở Đài Loan cũng có Đào Hoa Nguyên. Họ đều hi vọng thu được lợi nhuận kinh tế cho địa phương nhờ vào danh hiệu ấy.
Huyện Vũ Lăng là đơn vị đầu tiên đệ trình lên Liên hợp quốc đề nghị công nhận nơi đây là di sản văn hóa Đào Hoa Nguyên.
Ủy ban địa phương nỗ lực hết sức để phát triển ngành du lịch, họ đổ nguồn vốn khổng lồ để xây dựng khu cảnh quan Đào Hoa Nguyên. Huyện Vũ Lăng lấy mỹ danh "Thế ngoại đào nguyên" làm chiêu bài phát triển du lịch địa phương, thu hút khách du lịch, cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ vốn đầu tư khai thác. Cả khu cảnh quan chia ra làm ba giai đoạn xây dựng, tạo dựng nên mấy chục điểm vãn cảnh, ví dụ như đình Lan Khả, động Thái Nhân, đài Hoặc Nhiên, hồ Đào Tiên, sơn trang Hoa Đào, thư viện Hoa Cúc, hành lang trúc chín khúc quanh, hồ Ngũ Liễu, hồ câu cá, bến Mê Tân...
Phá dỡ và sắp xếp nơi an cư là trọng điểm của giai đoạn xây dựng đầu tiên. Thôn Đào Hoa sắp nằm trong phạm vi tháo dỡ và xây dựng lại. Chính phủ hứa đảm bảo cho người dân rất nhiều điều kiện ưu đãi theo nguyên tắc "lấy nhà trả nhà". Họ sẽ đền bù cho người dân nơi ở mới ở trong thành phố, không những vậy còn nộp bảo hiểm trọn đời dành cho người già, hỗ trợ tiền thuê phòng. Vậy mà dân địa phương lại nhất quyết không định di dời, không người nào chịu kí tên vào tờ đơn, thậm chí trưởng thôn còn dẫn đầu đoàn biểu tình phản đối chính sách phá dỡ.
Dân thôn Đào Hoa rất dữ dằn, họ từng đánh chết một kẻ trộm dám lẻn vào thôn ăn trộm bò. Anh của nạn nhân đến nhận xác em về cũng bị họ đánh.
Khi ủy ban nhân dân huyện lần đầu thực thi chính sách cưỡng chế, người dân còn cầm cuốc xẻng dọa cán bộ bỏ chạy, không những vậy họ còn chặn đường, đánh bị thương nhiều cán bộ. Phía cảnh sát liền bắt trưởng thôn tạm giam lên ủy ban nhân dân huyện, người dân thấy vậy lập tức rủ nhau tập trung tại sân ủy ban kháng nghị, nhưng bị công an ép buộc giải tán.
Tô My cầm một trái đào, cô vừa ăn vừa hỏi: "Vì sao họ lại từ chối? Chẳng phải điều kiện sống ở thành phố tốt hơn ở đây sao?"
Thầy Tần hừ lạnh lùng vẻ coi khinh: "Cô cho rằng ai cũng nghĩ giống người thành phố các cô cả sao?"
Thầy Tần bắt đầu giảng giải cho Tô My như đang phân tích bài kí "Đào Hoa Nguyên" cho học sinh tiểu học: Người xưa có câu: "Hiếp dân loạn kỉ cương, hiền sĩ lánh thế đời", chốn đào nguyên là nơi kí thác giấc mơ của tất cả người dân Trung Quốc. Nơi đó không có chiến tranh, đàn ông cày cấy đàn bà dệt vải. Nơi đó không có sự huyên náo của chốn phồn hoa đô hội, không có những phiền muộn của thế sự. Vì sao Đào Hoa Nguyên Ký lại nổi tiếng như vậy? Bởi chốn đào nguyên thần tiên ấy là thế giới lí tưởng trong lòng tất cả người dân Trung Quốc.
Người dân thôn Đào Hoa trồng đào làm kế sinh nhai, tuy họ không giàu có nhưng sống rất hạnh phúc.
Những người sống ở thành phố luôn luôn cảm thấy lo lắng và bất an. Họ ở trong những tòa nhà bằng bê tông cốt thép khô cứng, lạnh lẽo, sống cạnh nhau bao nhiêu năm mà vẫn không biết hàng xóm ngay bên trái và bên phải mình là ai. Nhà sát vách xảy ra án mạng mà họ vẫn đóng cửa im ỉm, chẳng buồn chạy sang hỏi thăm nhau một câu.
Cho dù người dân thôn Đào Hoa vào thành phố thì họ vẫn là những người nông dân sống ở thành phố.
Họ dựa vào núi để kiếm ăn, dựa vào sông để sinh tồn, chuyển vào thành phố đồng nghĩa họ sẽ mất nhân tố đảm bảo cho cuộc sống. Ở thời đại mà ngay cả sinh viên tốt nghiệp đại học cũng khó tìm việc làm như hiện nay, ở nơi mà những người bán rong bày hàng trên phố luôn nơm nớp nỗi lo sợ bị quản lí trị an đuổi đi như thế, thì người dân thôn quê phải làm sao mới thích ứng được với cuộc sống nơi thành đô khắc nghiệt? Họ sẽ làm gì để tồn tại?
Giáo sư Lương nhìn xung quanh một lát rồi nói: "Đây đúng là nơi ẩn cư tuyệt vời. Vào mùa xuân chắc cảnh sắc đẹp lắm phải không thầy Tần?"
Thầy Tần không trả lời ngay, anh nhắm mắt mãi mới nói: "Đâu chỉ riêng mùa xuân mà quanh năm bốn mùa đều đẹp đến ngỡ ngàng. Nói ra chắc chú không tin chứ cháu chỉ cần nhắm mắt là có thể nhìn thấy hoa cúc nhuộm vàng hai bên đường, thấy những rặng trúc bên hồ nước, thấy đào mọc khắp núi khắp rừng."
Tô My xúc động nói: "Tôi tin là thế!"
Bao Triển đột ngột chuyển chủ đề: "Tôi đoán bù nhìn rơm da người cắm trong vườn đào không phải để dọa chim mà là để doạ người!"
Họa Long hỏi: "Rốt cuộc ai đã giết trưởng ban Dương nhỉ?"
Mặt Thầy Tần biến sắc, thoáng nét hoảng hốt, thầy gật đầu, rồi kể một câu chuyện.
Trước hôm xảy ra vụ án mạng bù nhìn da người, một nhà đầu tư người Hồng Kông cùng với ông Ngô – chủ tịch xã Đào Nguyên, ông Dương – trưởng ban quy hoạch phòng du lịch và chủ nhiệm đội phá dỡ đi khảo sát cụ thể tiềm năng phát triển ngành du lịch của thôn Đào Hoa. Họ nhất trí rằng tạo dựng tuyến cảnh quan Đào Hoa Nguyên là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng để tạo phúc cho đời sau, không những thế còn khiến kinh tế địa phương phát triển nhanh chóng.
Phóng viên đài truyền hình huyện chĩa máy quay về phía những cán bộ bụng phệ, phía sau họ còn có người đứng che dù, họ chống nạnh, chỉ chỉ trỏ trỏ trông rất oai phong.
Nhưng đến lúc phát sóng trên bản tin tối thì có một hình ảnh đã bị cắt đi. Đó là khi phóng viên phỏng vấn đám người đang ngồi chưng cất dầu nhựa thông ở ven đường, một người đàn ông đội mũ đeo khẩu trang, mặc quân phục màu xanh lá lọt vào ống kính. Ống kính máy quay hướng vào anh ta, nhưng ánh mắt anh ta lại hướng vào chủ tịch Ngô, trưởng ban Dương và chủ nhiệm đội phá dỡ. Phóng viên hỏi anh ta suy nghĩ thế nào về việc phát triển du lịch tại địa phương, anh ta phá lên cười, rồi nói gọn lỏn: "Ai dỡ nhà tôi, tôi lột da kẻ đó!"
Giáo sư Lương hỏi: "Sao cậu biết chuyện này?"
Thầy Tần ngượng ngùng nói: "Lúc đó tôi cũng có mặt tại hiện trường, tôi đứng sau lưng chủ tịch Ngô, cầm ô che cho ông ta."
Bao Triển hỏi: "Nguời nấu dầu thông kia là ai?"
Thầy Tần lắc đầu đáp: "Anh ta bịt khẩu trang và đội mũ nên tôi không nhận ra, nghe giọng thì thấy không giống dân địa phương."
Bao Triển lại hỏi: "Thế đêm xảy ra án mạng, anh ở đâu?"
Thầy Tần cầm một tấm vé tàu và hóa đơn thu phí của bệnh viện đưa cho Bao Triển, rồi giải thích: "Ngôi trường này sắp bị đập đi đến nơi rồi. Thầy Đào là người ngoại tỉnh, hôm ấy tôi lên thành phố tiễn thầy ấy về quê. Lúc về đến huyện đã mười giờ đêm, tôi lại vào bệnh viện ngồi cả đêm vì thầy hiệu trưởng bị thương trong lần đầu tiên cưỡng chế phá dỡ."
Họa Long thắc mắc: "Sao anh lại mạo nhận mình là trưởng ban Dương?"
Thầy Tần đáp: "Bên công an yêu cầu tôi làm vậy!"
Sau khi huyện Vũ Lăng xảy ra vụ trọng án, nhất thời khiến lòng người bàng hoàng, vì muốn giấu thông tin nên phòng cảnh sát đã nhắn tin cho tất cả dân trong vùng để an ủi họ bớt sợ, nhưng trong lúc đó thì đội cảnh sát xã đã báo cáo tình hình vụ án cho cảnh sát cấp cao nhất. Uỷ ban huyện lo rằng nếu để cấp trên tham gia vào vụ này thì sẽ ảnh hưởng đến tiến trình phá dỡ nên họ đã mở cuộc họp thảo luận, cuối cùng quyết định giấu kín vụ án này đến cùng và đuổi khéo tổ chuyên án đi.
Ở rất nhiều địa phương, khi xảy ra một sự vụ có số lượng thương vong lớn thì việc đầu tiên chính quyền địa phương làm là giấu nhẹm chân tướng.
Trước khi tổ chuyên án đến huyện Vũ Lăng, họ đã làm xong một bộ hồ sơ giả và thanh minh rằng đây chỉ là trò đùa ác ý của người dân. Sau khi tổ chuyên án rời khỏi phòng cảnh sát, thì cảnh sát giao thông địa phương liền bí mật bám theo tổ chuyên án. Thấy tổ chuyên án lái xe đến xã Đào Nguyên, họ liền hoảng hốt triệu tập cuộc họp khẩn cấp, có người đề xuất để thầy Tần mạo xưng trưởng ban Dương vì thầy Tần cũng tầm tuổi trưởng ban Dương, hơn nữa trông mặt lại hao hao giống, thậm chí chính quyền địa phương còn thông đồng với gia quyến nhà trưởng ban Dương, đồng thời buộc đội công an xã phải lánh đi. Tóm lại chính quyền địa phương phải vắt óc khổ sở mới nghĩ ra được màn kịch lừa đảo này.
Giáo sư Lương nhận xét: "Nhưng cậu giả mạo không thành công lắm, có phải chuyện này gây bất lợi cho cậu chăng?"
Thầy Tần đáp: "Ngày mai ngôi trường này bị đập đi rồi, thôn Đào Hoa cũng vĩnh viễn không còn tồn tại nữa, cá nhân tôi thế nào cũng đâu quan trọng gì!"
Thầy Tần kể tiếp với tổ chuyên án, sau cuộc cưỡng chế phá dỡ lần đầu thất bại, chính quyền địa phương quyết định sẽ phối hợp với các lực lượng như phòng cảnh sát, trị an thành phố, tổ bảo vệ và công ty xây dựng ngày mai lại đến thôn Đào Hoa cưỡng chế phá dỡ, quy mô lần này rất lớn, không phá được thôn Đào Hoa, họ quyết không buông tay.
Bốn thành viên của tổ chuyên án đều cảm thấy ngày mai chắc chắn sẽ xảy ra chuyện lớn. Đêm hôm đó họ nghỉ tại trường tiểu học của thôn.
Canh khuya sâu thẳm, thầy Tần cô độc ngồi thổi tiêu trong vườn trường trống tênh, âm thanh vang lên nghe buồn đến da diết. Sau đó thầy Tần về phòng mình lấy hai chiếc gối đưa cho Tô My và giáo sư Lương ngủ trong xe.
Họa Long và Bao Triển ngủ trong lớp học. Hai người thao thức mãi, bần thần nhìn dòng chữ viết bằng phấn trắng hiện trên nền bảng đen. Dòng chữ ấy là: "Nơi cần xây dựng nhất chính là trường học!"
Họa Long kể cho Bao Triển nghe những chuyện trong quá khứ của mình. Anh bảo trước đây có lần anh cùng hai đồng nghiệp bị mắc kẹt trên một hòn đảo hoang, đảo trơ trụi không hề có cây cối, ngay cả ngọn cỏ cũng chẳng có, chỗ nào cũng nhẵn thín. Họa Long dừng lại hỏi Bao Triển: "Chú biết bọn anh làm cách nào để thoát ra khỏi đó không?"
Bao Triển nghĩ một lát rồi đáp: "Chịu!"
Họa Long nói: "Chú làm sao mà nghĩ ra nổi! Bọn anh lấy rùa làm thuyền đấy!"
Bao Triển hỏi: "Ai nghĩ ra cách này?"
Họa Long đáp: "Một ông anh là lính binh chủng đặc biệt đã giải ngũ nhiều năm và một cảnh sát trưởng thành trong ngành cảnh sát..."
Bao Triển hỏi thăm: "Thế giờ hai người họ đâu?"
Họa Long không kể tiếp nữa, anh miên man nghĩ về quá khứ. Mãi hồi sau mới mơ mòng chìm vào giấc ngủ. Họa Long uống khá nhiều rượu nên thấy hơi nhức đầu. Trong mơ, anh thấy ba người cưỡi con thuyền rùa biển dập dềnh trôi theo sóng ra đại dương, một con cá chuồn màu vàng kim nhảy vọt lên rồi rơi tõm xuống nước, biến mất không tăm tích.
Tờ mờ sáng hôm sau, lúc trời chưa tỏ mặt người, bên ngoài hãy còn nhập nhoạng tối, thì gà trống đã gáy ầm ĩ, tiếng gáy đánh thức Họa Long tỉnh giấc. Anh bước ra sân trường, mắt vẫn lờ đờ ngái ngủ. Bỗng anh mơ hồ nhìn thấy một người treo mình trên cây. Họa Long vội vàng dụi mắt giật thót người, rồi từ từ bước đến gần. Anh kinh hoàng tột độ, tóc gáy tự nhiên dựng cả lên, bất luận thế nào anh cũng không thể tin vào cảnh tượng đang diễn ra trước mắt mình.
Người bị treo lủng lẳng trên cây không ngờ lại là Bao Triển.