P7 - Chương 5: Người mẹ của ký ức
Mấy hôm sau, Họa Long và Bao Triển mua ít quà lái xe đưa giáo sư Lương đến trại trẻ mồ côi. Xe chạy một mạch đến trước cổng trại, Họa Long kể cho giáo sư Lương nghe một chuyện, khi họ từ thành phố trở về huyện Đại Trạch thì phát hiện cứ cách một đoạn thì hai bên đường lại xuất hiện một tấm biển, nội dung viết trên đó rất đáng chú ý.
Từ đằng xa, cua xe vào địa phận của huyện Đại Trạch, Họa Long đã nhìn thấy một tấm biển hình chữ nhật rất lớn ghi "Kính chào quý khách đến huyện Đại Trạch – kinh đô của trúc!" Lái xe thêm một đoạn nữa thì cứ cách một trăm mét lại thấy một tấm biển hình chữ nhật bằng sắt đó không phải biển quảng cáo, cũng không phải biển đề biểu ngữ, mà chỉ viết đơn giản mấy chữ như sau:
Đại đội Cảnh sát giao thông huyện Đại Trạch xin thông báo: Lái xe qua đoạn đường này chú ý! Phía trước có một trại trẻ mồ côi tư nhân!"
Phòng Dân chính huyện Đại Trạch xin thông báo: "Viện trưởng của trại trẻ mồ côi là một bà lão cô đơn, đến nay bà lão đã thu nhận 350 trẻ mồ côi!"
Phòng Giáo dục huyện Đại Trạch xin thông báo: "Trong trại trẻ mồ côi này có 109 em đã thi đỗ đại học và 6 em hiện đang là nghiên cứu sinh."
Ủy ban nhân dân huyện Đại Trạch xin thông báo: "Nếu quý khách có lòng muốn quyên góp hoặc mua hoa giống cho trại trẻ mồ côi, thì xin dừng xe ở đây!"
Giáo sư Lương, Họa Long và Bao Triển liền xuống xe. Đây là một biệt viện không hề bắt mắt dẫu ở ngay ven đường, trên cánh cổng sắt hình vuông gắn tấm biển hình vòng cung viết năm chữ "Viện phúc lợi Ánh Dương", biệt viện nằm trên khu đất rộng năm mẫu, trước cửa đặt hòm công đức bằng tôn, bên cạnh treo chuông và búa gõ. Mấy chục năm nay, hòm công đức bị mưa gió bào mòn đến hoen gỉ, trầy tróc, ngay cả quả chuông và chiếc búa cũng bị ăn mòn loang lổ, dẫu vậy chúng vẫn tỏa sáng lấp lánh, chúng tôi biết trên cõi đời tồn tại một thứ ánh sáng không thể quan sát bằng mắt thường mà chỉ dùng trái tim mới cảm nhận được nó.
Thứ gì trên thế giới này quý giá hơn vàng?
Thứ gì trên cõi đời này chói mắt hơn vàng?
Trong sân trại trẻ mồ côi có một gốc hòe già, ánh mặt trời vàng như mật ong rót đầy sân trại, cây hòe vươn cành lá xum xuê đón nắng, mỗi khi có cơn gió ghé thăm, cây hòe lại ngân lên khúc ca êm dịu của mẹ thiên nhiên!
Bà lão La lấy chiếc ghế gấp đặt dưới gốc cây, bà bắt đầu kể cho nhóm giáo sư Lương nghe về cuộc đời mình. Giờ bà chẳng khác nào ngọn nến sắp tàn, ngọn đèn sắp cạn đầu. Từ nhỏ bà đã mồ côi mẹ, bước vào tuổi thiếu niên lại mồ côi cả cha, bà chưa từng có được hạnh phúc cắp sách đến trường như bao trẻ em khác. Đến tuổi trưởng thành bà lấy chồng và chuyển về huyện Đại Trạch, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chồng bà không may bị bom nổ tan xác trong một lần đi khai thác đá trên núi. Đó là năm 1978. Từ đó bà kiếm sống bằng nghề nhặt đồng nát sắt vụn và làm ruộng, cũng bắt đầu từ thời điểm ấy bà nhận nuôi sáu đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi dựa vào nguồn thu nhập ít ỏi của mình. Rồi càng ngày người đàn bà bất hạnh ấy càng thu nhận nhiều trẻ mồ côi, bất kể bản thân ngậm đắng nuốt cay vất vả làm việc và chắt chiu từng đồng bạc lẻ để nuôi những đứa trẻ không phải máu mủ của mình. Nhiều đứa trẻ là trẻ sơ sinh bị vứt bỏ trong thùng rác của bệnh viện, bà thương xót mang chúng về nuôi. Sau khi đài báo đưa tin tấm gương người tốt việc tốt của bà lên phương tiện thông tin đại chúng, xã hội cảm động trước tấm lòng của bà liền ồ ạt quyên góp, thế là viện phúc lợi Ánh Dương được thành lập. Sau đó, bà lão La làm rất nhiều nghề để có thêm tiền nuôi lũ trẻ, nào là bán kem, nào là mở hàng bán đậu phụ, lại còn mở xưởng làm găng tay bằng phương pháp thủ công, ngặt nỗi con người lương thiện ấy không giỏi làm ăn, nên làm gì hỏng nấy. Trong khi đó trẻ mồ côi đến viện phúc lợi Ánh Dương càng lúc càng đông hơn, cùng với đó gánh nặng kinh tế đè lên vai bà càng trĩu xuống. Cuộc sống của bà và lũ trẻ vất vả hơn tất cả những gì người ta có thể tưởng tượng.
Một ngày nọ có anh tài xế chở một người đàn ông nom có vẻ là người quyền cao chức trọng đến trại trẻ của bà. Anh ta lấy búa gõ chuông nhưng lại không quyên góp gì cho viện.
Bà lão La tưởng anh tài xế nọ muốn chơi khăm nên bà giận ra mặt: "Đi chỗ khác mà chơi! Tôi có mấy trăm đứa con, không rảnh tiếp anh!"
Lúc bấy giờ người đàn ông ngồi sau xe mới bước xuống và nói: "Cháu không góp tiền nhưng cháu muốn nói với bà một câu, câu ấy đáng giá ngàn vàng."
Bà lão La xua tay đuổi khách: "Không rảnh! Không rảnh nghe các người huyên thuyên!"
Anh tài xế khuyên nhủ: "Bà ơi! Chỉ phiền bà năm phút thôi mà! Cháu đảm bảo gợi ý của anh ấy có giá trị hơn quyên tiền quyên bạc rất nhiều!"
Người đàn ông sang trọng nói rằng bà lão có năm mẫu đất, trong khi thu nhập từ việc trồng trọt canh nông lại rất ít ỏi, nếu sử dụng mảnh đất này để trồng hoa ươm cây mang bán thì đảm bảo sinh lời, vì ở đây có ưu thế lớn về vị trí địa lí, nằm ngay gần đường quốc lộ, tài xế lái xe qua không tranh nhau mua mới lạ, thế là tiền chảy về túi bà khác nào suối đổ vào sông, nhờ thế trại trẻ mồ côi cũng thoát khỏi cảnh túng thiếu, cùng quẫn như hiện tại. Bà lão nghe thấy có lí nhưng bảo mình không giỏi kinh doanh, không biết giá cả thị trường thế nào mà mua đi bán lại.
Người đàn ông đó nói: "Sao bà phải để ý đến vấn đề giá cả? Lương tâm con người tự khắc sẽ biết nên trả bà bao nhiêu, bà chỉ cần trồng hoa, bày ra ven đường, không cần đề giá, khách mua hoa muốn đưa bà bao nhiêu tiền thì bà nhận bấy nhiêu tiền. Bà cứ yên tâm, không ai nỡ trả ít tiền cho bà đâu!"
Bà lão La ngạc nhiên hỏi người khách lạ đang đứng trước mặt mình: "Cậu là ai?"
Anh tài xế vội chen lời giới thiệu: "Đây là tân bí thư huyện ủy của huyện Đại Trạch chúng ta đó ạ! Anh ấy vừa mới được bổ nhiệm."
Bí thư huyện ủy giúp bà lão La làm hai việc. Thứ nhất là cử mấy nhân viên kĩ thuật xuống trại trẻ chỉ cho bà các kĩ thuật ươm trồng, sửa sang trại trẻ mồ côi thành cơ sở ươm và trồng hoa giống. Thứ hai là dựng biển sắt suốt dọc đường huyện Đại Trạch, ông còn đặc biệt yêu cầu nội dung viết trên tấm bảng không được quan cách, văn hoa mà phải hết sức mộc mạc, dễ hiểu.
Những khách du lịch đường dài chịu khó quan sát sẽ lập tức thấy một vài điểm khác thường khi đi qua các địa danh, ví như một huyện nào đó dùng sơn để phủ xanh đất trống đồi trọc, một thành phố nào đó xây rất nhiều bức tường đẹp đẽ, mỹ quan dọc hai bên đường, nhìn những bức tường đó trông giống một phần của khu biệt thự xa hoa, nhưng thực tế phía sau bức tường lại là những ngôi nhà lụp xụp, rách nát của người dân thôn quê.
Một số thông tin có thể khiến chúng ta suy ngẫm mãi về sự đời, chúng khiến ta phải bật lên câu hỏi: "TẠI SAO?"
Giáo sư Lương nói với bà lão La: "Chị nhiều tuổi hơn em nên cho phép em gọi chị là chị. Lần này chúng em đến đây không phải với cương vị của cảnh sát mà chỉ muốn đến thăm chị như những người bạn thôi. Ngoài ra em có việc muốn tìm hiểu một chút, làm sao chị đào được sợi dây chuyền vàng đó? Chị La, chị cứ yên tâm! Em sẽ không viết phần này vào trong bất kì báo cáo nào của cảnh sát đâu. Chúng ta chỉ nhân tiện nói chuyện phiếm thôi!"
Bà lão thành thật đáp: "Chuyện này đúng là rất kì lạ! Tôi đang trồng hoa trong thì đào được một đống dây chuyền vàng và cả hộp sọ người nữa."
Giáo sư Lương gật đầu bảo: "Năm nay chị La chắc ngoài bảy mươi rồi nhỉ? Chị có nhớ trước giải phóng đây là khu vực chuyên xử tử phạm nhân không?"
Bà lão nói: "Ba tháng nữa tôi tròn tám mươi, nghe bố chồng đã quá cố của tôi nói trước giải phóng đây làn khu vực chiến tranh, là nơi tạo nghiệt đấy! Không biết bao nhiêu người phải nằm xuống, quân Quốc dân cày xới đất này không biết bao nhiêu lượt. Vào lần tấn công cuối cùng, chúng bắn chết rất nhiều người ngay tại căn phòng trong rừng trúc. Quân Quốc dân bắt phạm nhân phải đào một hố thật sâu, sau đó bắn chết họ rồi chôn xuống chính cái hố do họ tự đào. Xử lí phạm nhân xong, chúng liền bỏ trốn, chẳng may chúng gặp quân Cộng sản. Hai bên đánh nhau suốt một ngày một đêm ròng rã, quân Quốc dân gần như chết hết, người ta cũng vùi chúng xuống dưới những gốc trúc. Bởi vậy đây là mồ chôn tập thể của hàng ngàn người!"
Nghe xong câu chuyện, tổ chuyên án trở về, Bao Triển nói: "Qua suy đoán và phân tích, tôi cho rằng bọn chúng ra lệnh cho phạm nhân đào hố, rồi chôn hết số vàng tịch thu được, sau đó bắn chết phạm nhân. Chẳng ngờ giữa đường lại gặp Cộng sản nên bị diệt toàn quân, số người biết chuyện chôn vàng trong rừng trúc chắc không nhiều, có thể lúc ấy chỉ còn một người sống sót, hắn ta chạy trốn sang Đài Loan, mấy chục năm sau con trai hắn – chính là Thanh sói vượt biển sang Trung Quốc để tìm lại báu vật năm xưa, y cố ý xây trại nuôi chó giống để che mắt thiên hạ."
Họa Long bổ sung thêm: "Thanh sói và đội trưởng Ngưu là bạn thân của nhau qua bức ảnh có thể nhận thấy mối quan hệ giữa họ rất thân mật."
Ba tháng sau, bộ đội biên phòng đã vô tình tóm được Thanh sói khi y đang lênh đênh trên một con tàu vượt biển ra nước ngoài. Trên thực tế rất nhiều hung thủ trong các vụ trọng án đã sa lưới vì những nhân tố ngẫu nhiên, ví dụ phạm nhân cướp của giết người Ngụy Trấn Hải vượt ngục thành công, nhưng y bị cảnh sát tóm được vì quần chúng tố cáo y bắn súng loạn xạ nhân lúc pháo nổ chào đón năm mới, phạm nhân Cung Nhuận Bách – hung thủ của vụ giết hàng loạt trẻ em vì tham của mà để cậu bé đã biết rõ bộ mặt sát nhân của y và y ôm suốt một đêm về nhà lấy tiền, sau khi cậu của cậu bé báo án, cảnh sát liền ập đến vây bắt.
Huyện Đại Trạch đệ trình lên tổ chuyên án ba tập hồ sơ bảo mật ghi chép lại toàn bộ quá trình diễn ra vụ án này.
Giám đốc Bành bị Ngải Mang sát hại. Trong thời gian thi hành án trong trại giam, giám đốc Bành thấy cậu thanh niên trẻ tuổi đẹp trai, cơ thể săn chắc thì nảy sinh tà ý bà ta thường gọi Ngải Mang vào văn phòng, lấy cớ kiểm tra xem có giấu chất cám trong người không để sờ soạng. Ban đầu bà ta tìm đủ mọi cách để khiêu khích hắn, rồi cuối cùng thẳng thừng ngỏ ý quan hệ. Ngải Mang từ chối, nhưng giám đốc Bành lại cười dâm đãng uy hiếp: "Cậu em! Cậu chiều chị một tí, chị sẽ không để em thiệt đâu mà sợ! Nhưng nếu không nghe lời, thì chị sẽ báo em muốn vượt ngục chạy trốn, lúc ấy việc bắn chết em thực dễ đàng chẳng khác nào bắn chết con chim sẻ... Cậu em, nghe lời chị nào! Ngoan nào!..."
Ngải Mang bị nhiễm bệnh đường tình dục từ giám đốc Bành, sau khi được thả khỏi trại giam, hắn lập tức đến một phòng khám tư nhân trong huyện, bác sĩ bảo rất có khả năng hắn nhiễm HIV giai đoạn đầu. Ngải Mang lo lắng, sợ hãi vội lên bệnh viện tuyến tỉnh kiểm tra lần nữa, bệnh viện tỉnh nói rằng các triệu chứng còn đang trong thời kì tiềm tàng nên không biểu hiện rõ, cần quan sát một thời gian mới biết có nhiễm HIV hay không. Trong suốt thời gian theo dõi tiến triển của mầm bệnh, nỗi khiếp sợ mắc phải căn bệnh thế kỉ HIV xen lẫn nỗi căm hận giám đốc Bành khiến Ngải Mang quyết định âm thầm hẹn bà ta ra rừng trúc gần trại giam rồi ra tay giết hại một cách tàn nhẫn.
Trước đó mấy ngày, đống xương người xếp trước cổng bốn đơn vị cảnh sát huyện Đại Trạch là do đội trưởng Ngưu bày ra, dãy số được xếp bằng xương người chỉ tọa độ bí ẩn hướng về trại giam cũng do một tay đội trưởng Ngưu giải mã.
Đội trưởng Ngưu có máu đỏ đen, Thanh sói lợi dụng nhược điểm này nên cố ý kết bạn với ông ta. Nhiều lần Thanh sói dẫn đội trưởng Ngưu ra ngoại thành tham gia các cuộc đấu chó. Đấu chó cũng là một hình thức cá độ, người đặt cược lớn thường là các đại gia nhà giàu, tiền cược đôi khi lên đến hàng triệu tệ. Ban đầu đội trưởng Ngưu cũng thắng được một vài món kha khá, sở dĩ ông ta thắng cược là nhờ Thanh sói chơi gian, y cho sói giả dạng thành chó rồi ra thi cùng những chú chó khác, đương nhiên con sói lai chó kia hễ xông trận là chiến thắng, mà dẫu y mang chó thật ra thi thì con chó đó cũng đã trải qua bao nhiêu buổi tập săn người. Bởi vậy y muốn thắng là nhất định sẽ giành chiến thắng.
Càng ngày đội trưởng Ngưu càng lún sâu vào hố bùn đỏ đen, Thanh sói cố tình để chó của mình thua cuộc nên chẳng mấy chốc đội trưởng Ngưu đã lâm vào cảnh khánh kiệt, càng thua lại càng máu cá cược, Thanh sói xúi giục kẻ đang thua bạc đến khuynh gia bại sản là đội trưởng Ngưu chiếm dụng công quỹ của phòng cảnh sát tiếp tục đổ vào những canh bạc mà mình tất thua. Đội trưởng Ngưu không thể rút chân ra được nữa! Ông ta luôn nơm nớp lo sợ việc chiếm dụng công quỹ bị phát hiện, khi ấy Thanh sói xuất hiện với mặt nạ của ân nhân cứu mạng, y tiết lộ cho ông ta một thông tin bí mật: Xung quanh trại giam chôn rất nhiều vàng thỏi và dây chuyền vàng. Thanh sói thề thốt rằng thông tin này do chính cha y nói cho y biết nên tuyệt đối không thể sai, sau khi đào được vàng thì hai người sẽ chia đôi.
Đội trưởng Ngưu nóng lòng muốn bù lại khoản công quỹ mà mình đã chiếm dụng và tiêu vào việc cá nhân, nên ông ta khổ công bày ra thế trận tọa độ xương người, hướng tọa độ chính là trại giam. Chỉ làm như vậy thì ông ta mới được phép đến thực địa điều tra với cương vị là một cảnh sát. Khu vực quanh trại giam là khu vực cấm, không ai được phép xây dựng bất kì công trình nào trong phạm vi nhất định xung quanh trại, càng không được phép đào bới, khai quật với quy mô lớn, bởi vậy ông ta cần một lí do hợp lý để cấp trên dễ dàng thông qua. Sau khi bày thế trận tọa độ xương người, vừa hay giám đốc Bành bị Ngải Máng giết hại ở trong rừng trúc, thế là đội trưởng Ngưu càng có lí do mượn cớ phá án để khai quật hiện trường.
Trưởng phòng cảnh sát huyện mời tổ chuyên án đến giúp đỡ, đội trưởng Ngưu liền nổi trận lôi đình, bởi ông ta lo sợ rất có khả năng tổ chuyên án sẽ lần ra hành vi bí mật của mình, đồng thời biết được mục đích thực sự của việc khai quật rừng trúc. Thấy đội trương Ngưu phản đối kịch liệt, trưởng phòng cảnh sát đành gợi ý hai tổ thi nhau phá án, ý tưởng này rất hợp ý ông ta, thế là ông ta liền đánh cược với tổ chuyên án, bởi cá độ là căn bệnh thâm căn cố đế của ông ta.
Đội trưởng Ngưu miệt mài đào bới trong rừng trúc suốt hai ngày hai đêm, ông ta tách khỏi đồng nghiệp, tự mình đào đất tìm vàng. Khi tìm được kha khá vàng, ông ta chạy một mạch đến trại nuôi chó giống tìm Thanh sói ngay trong đêm. Đội trưởng Ngưu thay bộ quần áo mới, đeo kính râm và đội mũ, định bụng đi tàu lên thành phố đổi vàng thành tiền mặt. Thanh sói tiễn ông ta ra bến tàu khi cả hai ngồi đợi tàu bên bờ sông, Thanh sói nói một câu khiến đội trưởng Ngưu cảm động rụng rời: "Số vàng này không nhiều như tôi tưởng. Thôi! Cho cậu tất. Cậu đổi thành tiền, rồi mau lén bù vào công quỹ cậu đã chiếm dụng. Sau này đừng bao giờ cá độ nữa!"
Đội trưởng Ngưu cảm kích nói: "Suốt đời tôi chỉ có cậu là người bạn tốt duy nhất. Người anh em, chuyến này trở về tôi nhất định sẽ bái thiên địa kết nghĩa anh em với cậu!"
Tuy đội trưởng Ngưu là cảnh sát hình sự lão luyện nhưng bởi đang cảm kích trước sự rộng lượng của Thanh Sói, coi y là ân nhân cứu mạng nên ông ta không hề cảnh giác, mặt khác khi ấy trời còn chưa sáng rõ, nên ông ta không phản ứng kịp khi Thanh sói đột nhiên rút khẩu súng giắt ở eo đội trưởng Ngưu ra, thần tốc mở chốt, lên đạn, giết chết đội trưởng Ngưu rồi đoạt lại số vàng.
Sau đó, Thanh sói nhanh chóng xử lí hết số chó trong trại, định bụng trốn về Đài Loan. Trước ngày khởi hành một hôm, tổ chuyên án gồm giáo sư Lương và Tô My cùng viên cảnh sát trên sở đến trại nuôi chó giống điều tra. Khi nghe tiếng Tô My đánh vỡ bình đun nước ở văn phòng, Thanh sói lập tức hiểu ra ba người khách mới đến là cảnh sát, y quyết đoán nổ súng giết viên cảnh sát rồi lôi Tô My bị trúng đạn ở bả vai và giáo sư Lương trói gà không chặt vào chuồng chó. Xong đâu đấy y cuống cuồng bỏ trốn.
Tổ chuyên án mời một chuyên gia đến giải thích về việc vàng chạy từ trại giam sang trại trẻ mồ côi. Vị chuyên gia khẳng định nếu chôn vàng dưới đất, vàng hoàn toàn có khả năng di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.
Vàng có đặc tính di chuyển và kéo dài, một gram vàng có thể kéo dài đến bốn ngàn mét, mật độ của vàng rất lớn nên chỉ một thỏi vàng nhỏ như quân mạt chược nhưng cầm trên tay thấy rất nặng. Vì mật độ lớn nên khi chôn thỏi vàng xuống đất, vàng sẽ tự động chìm xuống và di chuyển. Số vàng mà bọn Quốc dân đảng chôn dưới đất đã trải qua hơn nửa thế kỉ nên nó chịu tác động của hoàn cảnh môi trường địa chất như hóa học, vật lí và các nguyên nhân khác như sự vận động của lớp vỏ trái đất nên số vàng chôn dưới đất năm đó đã "chạy" sang vườn ươm hoa của bà lão La. Đó là điều có thể hiểu được.
Bao Triển nghe một hồi, mặt nghệt ra bảo: "Tôi không hiểu những điều chuyên gia vừa giải thích cho lắm. Cá nhân tôi cho rằng đó là do bà lão ở hiền gặp lành."
Giáo sư Lương nói: "Đôi khi người ta có thể lấy lí do ý trời để giải thích cho nhiều chuyện kì bí."
Sau khi Thanh sói sa lưới pháp luật mấy hôm, bà lão La chợt nghe thấy tiếng ồn ào ngoài cổng viện, rồi sau đó là rất nhiều tiếng gõ cửa dồn dập.
Bà lão chậm chạp ôm tấm lưng còng ra mở cửa. Bà đi qua vườn, mái tóc bạc phơ run rẩy bay theo chiều gió, bộ quần áo bà mặc bạc thếch và giản dị. Bà đi về phía cổng giống như người mẹ khấp khởi ra mở cổng cho những đứa con!
Đó là người mẹ trong kí ức của mỗi chúng ta!
Đám người xôn xao đứng ngoài cổng là những đứa con của bà, chúng từ mọi miền đất nước trở về đây để mừng thọ tám mươi tuổi mà chính bà đã lãng quên.
Bà lão mở cửa, rồi bà mỉm cười, ánh cười hiền hậu và ấm áp như ngọn gió xuân. Chúng ta chẳng có lí do gì không tin bà có thể sống bách niên giai lão.