P2 - Chương 4: Hung thủ

Chi đội trưởng cảm thấy cái tên này rất quen. Người từng ngủ lại một đêm tại phòng "giấu xác" không ai khác mà chính là bạn của anh – Nhà điêu khắc!

Người này bị tình nghi hàng đầu về hành vi gây án. Việc chụp ảnh chứng tỏ anh ta hoàn toàn biết bên trong bức tường có giấu xác người, thậm chí còn cố ý ở lại căn phòng đó một đêm. Trong đêm hôm đó, anh ta đã làm gì? Liệu có phải cả đêm ngồi đó nhìn chằm chằm vào bức tường, hoặc lấy tay gõ gõ vào tường rồi nói chuyện cùng "người trong tường" cho vui?

Trong bộ môn tâm lý phạm tội, những tên biến thái thường có một đặc điểm chung, đó là giết người chỉ là một sự bắt đầu, chứ không phải kết thúc.

Hung thủ sẽ thường xuyên nhớ lại quá trình gây án. Đối với những kẻ thần kinh biến thái đó, giết người giống như là một bộ môn nghệ thuật.

Tên "sát nhân dã thú Serhiy Tkach" từng gây hàng trăm vụ giết người, thậm chí còn tham gia cả lễ tang của nạn nhân. Hắn ta giống như đang đến tham gia một bữa tiệc âm nhạc lớn vậy, thật trang nghiêm, thật đĩnh đạc, lẳng lặng quan sát "thành quả" của mình mà không hề rơi một giọt lệ.

Khi Họa Long và Chi đội trưởng nhận được lệnh truy bắt, nhà điêu khắc đã đưa vợ và con cao chạy xa bay. Trước khi đi, hắn còn nói với hàng xóm rằng gia đình mình đi ngoại ô nghỉ mát, và còn mang theo toàn bộ những giải thưởng mình có. Ngay ngày hôm sau, bức ảnh một tác phẩm điêu khắc đã được đăng trên trang báo của tỉnh. Tác phẩm đó chính là bức tượng khắc bê tông có xác chết. Có lẽ hôm đó, nhân lúc phía cảnh sát lơ là, hắn đã dùng điện thoại chụp lại được xác nạn nhân. Tô My liên lạc với biên tập viên của tờ báo. Phía biên tập tờ báo không hề biết bên trong "bức tượng điêu khắc" có một xác người. Họ chỉ biết nhà điêu khắc này là nhân vật có tiếng trong tỉnh, nên đã đồng ý đăng bức hình điêu khắc đó. Ông ta nói, đây là tác phẩm đẹp nhất của mình, có thể làm rúng động cả thế giới!

Hôm đó, tất cả số báo đã được bán hết sạch, tiếng của nhà điêu khắc bị tình nghi giết người cũng lan như sấm chớp. Chỉ trong một đêm, anh ta đã trở thành nhân vật tiêu điểm. Bức ảnh về bức tượng bê tông chứa xác người là chủ đề sôi nổi nhất tại các bàn trà, quán rượu. Phóng viên khắp nơi đổ về Hoàng Thành, khách sạn nơi xảy ra vụ án ngày nào cũng có phóng viên đến chụp ảnh đăng tin. Ông cụ sửa giày phải trả lời cả trăm lượt phỏng vấn. Cục trưởng Cục công an Hoàng Thành dưới áp lực dư luận không thể không mở cuộc họp báo.

Trước hôm diễn ra cuộc họp báo, các bên đăng tin đều đã chuẩn bị các loại thiết bị chuyên nghiệp nhất để đón chờ, nhưng họ chờ mãi, chờ mãi, vẫn không thấy ai của Cục cảnh sát đến.

Cục trưởng Cục công an Hoàng Thành, Chi đội trưởng, cảnh sát Hồ và tổ chuyên án xảy ra bất đồng ý kiến.

Cục trưởng cho rằng nên lợi dụng sức mạnh truyền thông, gửi đi lệnh truy nã mức độ B, để tiến hành vây bắt nhà điêu khắc trên phạm vi cả nước.

Cảnh sát Hồ lại cho rằng nên hủy buổi họp báo. Trước khi bắt được hung thủ, không nên để tiết lộ quá nhiều thông tin liên quan.

Chi đội trưởng là bạn của nhà điêu khắc, rất hiểu các mối quan hệ xã hội của anh ta. Anh có ý muốn tự mình dẫn một đội truy bắt tìm ra ngoại thành để điều tra tung tích của nghi phạm, như thế cơ hội bắt sống hoặc dụ được nghi phạm ra là rất cao.

Mỗi người một ý kiến, không ai muốn thay đổi. Tổ chuyên án không ai lên tiếng. Bao Triển ngáp ngắn ngáp dài. Đã mấy ngày nay anh chưa được ngủ. Tô My và Họa Long đều có phần mất tập trung. Giáo sư Lương nhìn vào tập hồ sơ vụ án, hình như đang suy nghĩ gì.

Phía cảnh sát hỏi ý kiến của tổ chuyên án. Giáo sư Lương lên tiếng một cách quyết đoán: "Nhà điêu khắc đó không phải là hung thủ."

Kết luận của giáo sư Lương như một quả bom làm nổ tan hết mọi công sức của phía cảnh sát. Các cảnh sát đã cố gắng rất nhiều ngày mới tìm được một nghi phạm, nay lại bị một câu nói của tổ chuyên án phủ nhận tất cả.

Cục trưởng lên tiếng hỏi: "Nếu không phải là hung thủ, làm sao hắn biết được trong bức tường có người chết?"

Giáo sư Lương giải thích: "Chỉ có một khả năng duy nhất... Anh ta là người chứng kiến sự việc."

Cảnh sát Hồ cũng hỏi thêm: "Nhà điêu khắc này là một nghi phạm, hơn nữa hiện giờ mọi bằng chứng đều đang chỉ về phía anh ta, các nhà báo cũng cho rằng anh ta chính là kẻ đã giết chú Lỗ. Nếu anh ta chỉ là một người chứng kiến vô tội, thì tại sao lại phải bỏ chạy? Còn lừa gạt biên tập báo, đăng ảnh bức tượng bê tông. Mọi thứ rõ ràng như thế, tôi nghĩ đây chính là hành động điên cuồng của kẻ giết người khi biết mình đã hết đường thoát."

Tô My nói: "Nhà điêu khắc coi xác người trong tường là một tác phẩm nghệ thuật."

Họa Long chen vào: "Lúc đó, Chi đội trưởng gọi nhà điêu khắc đến giúp đỡ đó là một nhân tố ngẫu nhiên. Nếu anh ta đúng là hung thủ giấu xác trong tường, sau thời gian hơn nửa năm, cảnh sát lại tìm ta đến để dỡ bỏ lớp bê tông bên ngoài ra, thì thực sự là trùng hợp quá mức."

Giáo sư Lương lên tiếng: "Tại sao anh ta lại chụp trộm cái xác? Rồi lại cho công khai đăng trên báo chí nữa? Câu trả lời là: Anh ta muốn trở nên nổi tiếng."

Bao Triển hỏi: "Còn một điều quan trọng nữa, chiếc nhẫn trên tay chú Lỗ là ở đâu ra? Chúng ta còn chưa làm rõ vấn đề này."

Chi đội trưởng lật qua lật lại hồ sơ vụ án, rồi nói: "Đó là chiếc nhẫn của con dâu chú Lỗ, còn cụ thể nguyên nhân thì không rõ."

Giáo sư Lương cũng lật xem hồ sơ rồi bỗng nói chắc nịch: "Rõ rồi! Đi thôi, chúng ta đi ra chỗ cuộc họp báo đã."

Cục trưởng không hiểu có chuyện gì xảy ra vội hỏi: "Rõ cái gì hả?"

Giáo sư Lương đáp: "Tôi biết hung thủ là ai rồi."

Cục trưởng nói vẻ đầy thách thức: "Thôi được, tổ chuyên án của các anh cứ đi mà họp báo, chúng tôi không tham gia, tội vạ đâu các anh tự chịu."

Trong buổi họp báo, tổ chuyên án cho mọi người học một tiết học trinh thám suy luận vô cùng đặc sắc. Tô My dùng máy chiếu trình chiếu hết hình ảnh những chứng cứ mà cảnh sát hiện đang có, và có kèm phần giải thích cụ thể. Bao Triển chỉ cho mọi người biết những điểm mấu chốt trong đó, ví dụ như: Trong phân có nấm kim châm, mũi tên hung thủ để lại, chiếc nhẫn trên tay nạn nhân, v.v...

Giáo sư Lương hỏi mọi người: "Trong phân của nạn nhân vì sao lại có nấm kim châm?"

Một kí giả bật cười trả lời: "Thì tại ông ta ăn vào chứ sao!"

Giáo sư Lương nói tiếp: "Đúng như thế! Đây chính là hướng suy luận đơn giản nhất."

Một nhà địa chất học không nhất thiết phải nhìn thấy thác nước Takakkaw mà chỉ từ một giọt nước cũng có thể phán đoán rằng trên đời có thể đang tồn tại một thác nước như thế. Dùng một đồng tiền xu có thể tính toán được khoảng cách trung bình từ trái đất đến mặt trăng. Giả thuyết của Goldbach và "thuyết nhật tâm" của Cô-péc-ních cũng chính là dựa vào việc suy luận mà có. Mặc dù kết quả từ việc suy luận không nhất định chính xác, nhưng đó là con đường quan trọng giúp chúng ta tìm ra chân lí.

Trong quá trình trinh thám điều tra, suy luận là một phương thức phá án không thể thiếu.

Việc suy luận được xây dựng thông qua phân tích các đầu mối và các nhân chứng vật chứng, rồi đưa ra kết luận. Vụ án cháy nổ ở Công ty Edison là một trong những vụ án suy luận tiêu biểu trên thế giới. Tiến sĩ, nhà tâm lí học tội phạm Brussels chỉ bằng một bức thư nặc danh của hung thủ, mà có thể đoán được giới tính, lứa tuổi, nơi ở của kẻ tội phạm, thậm chí còn biết kẻ đó mắc bệnh gì nữa. Cuối cùng, đã giúp ích rất nhiều cho cảnh sát trong việc bắt giữ hung thủ.

Giáo sư Lương đưa chiếc nhẫn của chú Lỗ ra để mọi người quan sát. Các nhà báo thi nhau chụp hình. Giáo sư Lương hỏi: "Ai có thể cho tôi biết, ông ta ăn trộm chiếc nhẫn của con dâu để làm gì?"

Một nhà báo lên tiếng: "Có thể ông ta hết tiền, nên lấy trộm đi bán chăng?"

Một nhà báo khác nói: "Cũng có thể ông ta lấy để làm quà cho ai đó."

Giáo sư Lương trả lời: "Không sai! Cả hai trường hợp trên đều có khả năng xảy ra. Chúng ta phải loại trừ đi một phương án. Đầu tiên, tôi có thể chắc chắn rằng, thời gian tử vong của nạn nhân là vào khoảng mười giờ tối..."

Chi đội trưởng lắc đầu phản đối: "Thi thể bị chôn giữa tảng bê tông lâu ngày, đến bác sĩ pháp y còn không thể phán đoán được thời gian tử vong, giáo sư dựa vào bằng chứng nào để có kết luận như thế?"

Giáo sư Lương giải thích tiếp: "Các loại thức ăn khác nhau, thời gian tiêu hóa cũng khác nhau. Nấm kim châm thông thường sẽ bị phân giải sau hai giờ đồng hồ. Từ hình dạng của nấm kim châm tìm thấy được, có thể thấy hệ tiêu hóa của nạn nhân không được tốt. Hung thủ không thể nào nhét xác nạn nhân vào trụ cột thép lúc trời còn sáng vì trên công trường có rất nhiều người. Nên chỉ còn một khả năng, đó là nạn nhân bị hại lúc trời tối. Khi cộng thời gian ăn tối mùa hè, với thời gian tiêu hóa thức ăn, chúng ta có thể phần nào đoán được thời gian nạn nhân tử vong. Hơn thế nữa, khoảng thời gian nạn nhân thường đi tìm các cô gái trong tiệm cắt tóc gội đầu trá hình cũng đều vào khoảng mười giờ tối."

Một nhà báo hỏi tiếp: "Thế tại sao nạn nhân lại ăn trộm chiếc nhẫn?"

Giáo sư Lương trả lời: "Vào khoảng mười giờ tối, các cửa hàng vàng bạc đều đã đóng cửa cả rồi, nên có thể loại trừ khả năng chú Lỗ đi đổi chiếc nhẫn lấy tiền. Như vậy, thì còn một khả năng nữa, đó là chiếc nhẫn được dùng làm quà, tặng sinh nhật cho một kĩ nữ."

Giáo sư Lương sử dụng phương pháp suy luận mắt xích trong phá án. Sau khi chứng minh xong một giả thiết, sẽ sử dụng kết quả đó làm tiền đề suy luận cho giả thiết tiếp theo. Cứ như thế từng bước từng bước suy luận vấn đề cho tới khi có được kết luận cuối cùng.

Các sự việc về sau đã chứng tỏ rằng suy luận của giáo sư Lương là hoàn toàn chính xác. Chiếc nhẫn đó chú Lỗ muốn mang làm quà sinh nhật cho Mao Mao. Hôm sinh nhật tròn mười tám tuổi của Mao Mao, chú Lỗ lấy trộm chiếc nhẫn của con dâu mình định mang tặng cho cô bé vui lòng. Sau này Mao Mao khai với phía cảnh sát về việc này như sau:

Chú Lỗ hỏi Mao Mao: "Cháu có biết chú không rửa mặt bao lâu rồi không?"

Mao Mao trả lời cộc lốc : "Hai tuần?"

Chú Lỗ: "Sai rồi!"

Mao Mao: "Hai tháng?"

Chú Lỗ lắc đầu, nói: "Cho đoán lại!"

Mao Mao thấy thật vô vị, chẳng buồn đoán nữa. Chú Lỗ cười híp mắt nói: "Lần rửa mặt trước là vào lần tắm trước, là từ hồi tết rồi. Hôm nay chú rửa mặt rồi, còn lau người sạch sẽ nữa. Chú trả tiền rồi, hôm nay sinh nhật cháu, chú phải đưa cháu ra ngoài đi chơi chứ. À, đây, chú còn mua cho cháu cả cái nhẫn nữa này, xem xem, đẹp không?..."

Chú Lỗ đeo chiếc nhẫn vào ngón giữa cho Mao Mao.

Mao Mao bĩu môi, nói: "Cháu không cần, ai mà biết là đồ thật hay đồ giả."

Một nhà báo nữ lên tiếng nói: "Chú Lỗ này cũng lãng mạn đấy chứ."

Lúc này, các nhà báo bắt đầu chuyển sang vấn đề về nhà điêu khắc. Giáo sư Lương không muốn nói vấn đề này, ra hiệu cho Bao Triển và Họa Long lên tiếng nói sang vấn đề khác.

Bao Triển nói: "Hung thủ có ba người, hoặc trên ba người!"

Một nhà báo đã có tuổi hỏi: "Làm sao các anh biết hung thủ có ba người? Cũng là bằng cách suy luận sao?"

Bao Triển không trả lời, Họa Long đưa mũi tên ra, các nhà báo lại bắt đầu chụp ảnh. Họa Long nói: "Hung thủ có trong tay loại mũi tên này."

Các nhà báo như bắt được vàng, vội tranh nhau hỏi thông tin về ba hung thủ, nhưng bốn người trong tổ chuyên án đều không tiết lộ thêm điều gì nữa.

Khi buổi họp báo kết thúc, giáo sư Lương nói với các nhà báo: "Chúng tôi muốn mượn sức ảnh hưởng của giới truyền thông, khuyên hung thủ nên ra đầu thú. Đây là mong muốn lớn nhất của chúng tôi. Chúng tôi chỉ có thể đợi trong vòng bảy ngày. Sau thời gian đó, nếu hung thủ vẫn không ra đầu thú, thì chúng tôi sẽ tiến hành vây bắt. Cho dù kẻ đó có chạy đến cùng trời cuối biển, cũng chỉ trốn được trong thời gian ngắn. Kẻ đó sẽ phải mang trên mình bản án truy nã, đêm ngủ không yên cho tới khi chúng tôi bắt được kẻ đó về quy án. Trên thực tế chúng tôi đã có những thông tin chi tiết về hung thủ, tiếp theo đây, chúng tôi sẽ đợi hung thủ tự ra đầu thú, cho hung thủ một cơ hội để được hưởng khoan hồng."

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện