P7 - Chương 4: Đào thoát
Sau khi Thanh sói bắn chết viên cảnh sát y chỉ mải nghĩ đến việc chạy trốn, Tô My trúng đạn, giáo sư Lương chỉ là ông già tàn tật ngồi xe lăn. Y nghĩ hai người đó không thể gây trở ngại cho mình nên để tiết kiệm thời gian, y bỏ mặc Tô My và giáo sư Lương nhốt vào chuồng chó, rồi cuốn quýt thu dọn hành lý, bước thấp bước cao lao ra xe đi vun vút.
Trại nuôi chó giống nằm ở vị trí khá hoang vắng, tuy trại trẻ mồ côi và trại giam cách đó không xa nhưng dẫu hét to hô cứu cũng chẳng ai nghe thấy.
Màn đêm dần bao trùm lên trại, chuồng chó tĩnh mịch đến rợn người, Tô My vẫn rơi vào trạng thái hôn mê, nằm bất động trên sàn, hơi thở thoi thóp, nếu không kịp đưa cô đến bệnh viện thì hậu quả thật khôn lường.
Giáo sư Lương bắt đầu quan sát chuồng chó thật kĩ, đây là phòng đỡ đẻ cho chó cái, trên nền nhà là cái bát từng đựng thuốc sát trùng, giáo sư Lương gõ đũa vào miệng bát, con chó xích ngoài cửa bắt đầu sủa cuồng loạn nhảy xổ lên như sắp phát rồ.
Muốn thoát ra khỏi căn phòng này chỉ có bốn hướng: trèo lên mái nhà, xuyên qua tường, mở cửa ra ngoài và chui xuống lòng đất.
Công cụ dùng để thoát hiểm chỉ có một cái bát và đôi đũa!
Đầu tiên giáo sư Lương loại trừ khả năng vượt tường hoặc xuyên tường để thoát hiểm, bởi vách tường này được làm bằng gạch chín và xi măng, dùng bát và đũa để đào tường hẳn không phải chuyện dễ dàng, mà lỡ bát vỡ, đũa gãy thì con đường thoát hiểm duy nhất sẽ hoàn toàn rơi vào bế tắc vì đã mất công cụ thoát hiểm.
Phía dưới tường là nền đất trải cát, khả năng đào được thông đạo xuyên lòng đất bằng cái bát và đôi đũa quả không phải khả năng lớn.
Hiện giờ chỉ còn hai con đường thoát thân là trèo lên mái nhà và đi qua cửa để ra ngoài.
Mái nhà cách mặt đất tầm ba mét, xe lăn của giáo sư Lương lại bị Thanh sói vứt ở ngoài cửa, ông chỉ có thể dùng đôi tay chống trên mặt đất di chuyển chậm chạp từng bước trong phòng, một ông già liệt chân làm sao có thể leo lên được mái nhà đây? Mà nếu có leo lên được mái nhà thì làm sao mà leo xuống vách tường bên kia được?
Đầu tiên ông nghĩ đến việc cởi áo ra, xé thành sợi, bện vào giống như dây thừng. Thế là ông có thêm một một công cụ thoát hiểm nữa. Muốn thoát ra ngoài dây thừng là vật không thể thiếu được.
Có điều sau khi bện dây thừng xong thì lại nảy sinh một vấn đề mới, đó là làm thế nào để mắc dây thừng lên xà nhà được làm bằng giá ba chạc thép bây giờ?
Giáo sư Lương liếc nhìn đôi đũa và cái bát trên sàn nhà lòng thầm nghĩ nếu xếp chéo đôi đũa thành hình chữ thập rồi đặt lên trên miệng bát rồi buộc chặt thì có thể vắt dây thừng lên xà nhà và trở thành chiếc móc ngược giúp cố định đầu dây trên xà nhà.
Nhưng một vấn đề tàn khốc lại bày ra trước mắt ông: Một ông già tóc bạc đâu còn sức để leo lên xà nhà chỉ với hai cánh tay!
Ông cầm đôi đũa lên, tỉ mỉ nghiên cứu, đây là đôi đũa tre, trông có vẻ rất chắc chắn.
Ông lại nghĩ ra một cách mới: Quẳng dây thừng lên viền ba chạc tại vị trí lợp cỏ tranh gần với mái nhà nhất sau đó dùng đũa gỗ khoan lên cánh cửa tạo ra lửa, rồi châm vào dây thừng, đầu dây thừng bén cháy sẽ ăn lan lên tận chỗ mái tranh gây ra hỏa hoạn, ngọn lửa bốc cao có thể sẽ khiến mọi người chú ý đến và lao tới cứu, nhưng làm vậy vô cùng nguy hiểm, chẳng khác nào tự thiêu, lửa bén lên mái nhà chắc chắn sẽ cháy rất nhanh, khói tỏa ra mù mịt, không khéo mọi người chưa kịp đến cứu thì hai người trong chuồng chó đã chết cháy hoặc chết ngạt.
Giáo sư Lương bắt đầu chuyển sự chú ý đến cánh cửa, ngay bên kia cánh cửa là con chó lai sói từng ăn thịt người, muốn thoát khỏi đây buộc phải giải quyết con quái thú kia trước đã. Nếu dùng đũa khoan cửa gỗ lấy lửa rồi dùng dây thừng dẫn cháy, liệu ngọn lửa có thể thiêu cháy con chó không?
Cánh cửa chính là tấm bình phong ngăn cách giữa người và chó, nếu chó không chết mà cửa lại cháy rụi trước thì rất có thể hai người họ phải đối mặt với hậu quả là bị ăn thịt!
Chết cháy và bị chó săn ăn thịt, cái chết nào dễ chịu hơn đây?
Càng nghĩ giáo sư Lương càng lo lắng, ông biết nếu không thể thoát ra khỏi đây thì chắc chắn Tô My sẽ chết. Con người thậm chí có thể ăn thịt đồng loại nếu họ quá đói.
Giáo sư Lương lại gõ đũa vào bát, con chó đói khát đứng canh cửa lại điên cuồng cào móng vuốt sồn sột lên cửa, phát ra những âm thanh nghe đến rùng mình.
Giáo sư Lương ép mình phải trấn tĩnh lại, ông nghĩ đến ba vấn đề.
Nếu không có chó canh bên ngoài thì phải làm gì để thoát ra ngoài?
Phải giết chết chó bằng cách nào?
Có thể lợi dụng sức mạnh của con chó không?
Ông trầm ngâm suy ngẫm hồi lâu, hiển nhiên cửa là lối thoát thân an toàn nhất, chỉ cần giết chết chó là có thể nghĩ đến việc phá cửa lao ra ngoài.
Nhưng một ông lão tàn tật muốn giết một con chó to khỏe, dữ dằn nhường kia đâu phải chuyện dễ, huống hồ con chó đó còn cách ông một cánh cửa.
Đột nhiên giáo sư Lương nghĩ đến việc làm cách nào để dụ con chó tự dẫn xác vào trong phòng.
Ý tưởng như tia sét lóe lên giữa màn đêm dẫn đường cho ông đi đúng hướng. Sau khi suy nghĩ thật chín muồi, giáo sư Lương đã tìm ra cách thoát khỏi nơi này.
Ông quyết phen này "Trạng chết Chúa cũng băng hà", rồi đập vỡ bát, lấy mảnh sành vót đầu đũa nhọt hoắt. Giáo sư Lương đo đạc sơ qua rồi vẽ một vòng tròn sau cánh cửa. Tô My vẫn bất tỉnh nhân sự, vì muốn thoát khỏi nhà tù tử thần này, ông quên cả xấu hổ, đại tiện vào vòng tròn mà mình vừa vẽ, sau đó thút nút đầu dây thừng thành mối nối linh hoạt có thể kéo ra thít vào dễ dàng, rồi đặt xung quanh đống phân. Như vậy ông có bốn công cụ có thể sử dụng để thoát hiểm, bao gồm: bát, đũa, phân và dây thừng.
Mảnh bát vỡ và cây đũa nhọn hoắt có thể dùng làm vũ khí, đống phân dùng để thu hút con chó, nếu không có đống phân thì có lẽ ông buộc lòng phải cắt thịt trên người mình ra để làm mồi câu nó, dây thừng có vai trò giống như chiếc thòng lọng sẵn sàng thít chặt cổ chó. Đây là những bước tất yếu nếu muốn giết con chó dữ ngoài kia.
Giáo sư Lương không ngừng gõ đũa vào bát, con chó sủa ông ổng với vẻ đầy bất an, cái mũi cực thính của nó đã ngửi thấy mùi phân, móng vuốt bắt đầu bới đất phía dưới cánh cửa, sàn nhà là nền đất trải cát. Trước đây vì muốn tránh nước chảy vào chuồng nên Thanh sói đã đôn vách nhà cao hơn mặt đất, bởi vậy chân cửa còn cách mặt đất một khoảng nhỏ, khoảng cách ấy đủ để con chó đào hố chui vào. Chó có bản năng đào hố. Con chó đói mõm ruột ra sức lấy móng vuốt bới đất vì nó muốn được ăn món hấp dẫn đang ở trong chuồng. Cuối cùng nó cũng đào được một đường rãnh nhỏ đủ để chui đầu vào, có điều chiều dài sợi xích có hạn nên con chó với mãi vẫn không tới bãi phân, nó cố hết sức thò đầu vào đường rãnh, vừa lúc ấy giáo sư Lương tung dây thừng chòng vào cổ nó và thít chặt.
Con chó vẫy vùng muốn thoát, nó định rụt cổ ra khỏi đường rãnh, nhưng giáo sư Lương đã thần tốc kéo mạnh sợi dây thừng về phía mình rồi buộc vào tay cầm.
Tiếp theo đó, giáo sư Lương lấy cây đũa nhọn và mảnh bát vỡ cố gắng giết chết con chó. Văng vẳng vang lên giọng lẩm bẩm ngắt quãng của giáo sư Lương: "Hồi trẻ tao có biệt danh là Thợ săn, biệt danh này... không phải hữu danh vô thực đâu đấy! Nhưng tao thích đồng nghiệp gọi tao là đồ tể hơn... Muốn tao đầu hàng à? Đừng có mơ... Mày còn dám cào tao... Tao phải thít cổ mày... Tao phải lột sạch quần áo của mày... Chết đi!"
Cuối cùng, giáo sư Lương sức cùng lực kiệt gục xuống con chó nằm im bất động, nó đã chết. Giáo sư Lương gắng gượng nhõm người dậy tháo xích và dây thừng khỏi cổ con chó, đẩy nó ra khỏi đường rãnh, sau đó ông cố kéo Tô My bò theo đường rãnh chui ra ngoài. Khi ấy bầu trời chi chít ánh sao, vầng trăng khuyết treo vắt vẻo giữa không trung.
Đêm đó, bà lão ở trại trẻ mồ côi nghe thấy tiếng gõ cửa, bà trở dậy chậm chạp bước ra cổng, vừa mở ra thì thấy một ông lão khắp người dính máu, hồ như ông không mặc gì trên người, trước ngực ông có mấy vết cào rất sâu, ông ngồi trên xe lăn, trong lòng ôm một cô gái thở thoi thóp, chiếc xe lăn vốn khá nhỏ nên không chịu được sức tải của hai người. Có lẽ ông lão phải khó khăn lắm mới lăn được từng vòng xe đến trước cổng trại trẻ mồ côi. Ông mệt đến nỗi thở không ra hơi, mãi lát sau mới vừa thở hổn hển vừa thốt ra được hai từ: "Bệnh viện..."
Trại trẻ mồ côi của bà lão La không có điện thoại nên bà vội vàng gọi mấy đứa lấy xe ba bánh chở hai người họ đến bệnh viện. Bà lão không hề biết hai người khách lạ mặt này là ai nhưng vẫn giúp họ làm thủ tục nhập viện, lúc nộp viện phí thì xảy ra một vấn đề nhỏ: Bà không mang đủ tiền.
Bà lão liền lấy một sợi dây chuyền vàng ra bảo với y tá rằng: "Cứu người là việc quan trọng! Mong cô cầm giúp vật này!"
Thu ngân của bệnh viện nói: "Chúng cháu chỉ thu tiền mặt, sợi dây chuyền của bà vừa nhìn đã biết là đồ giả, trên đó còn dính bùn kia kìa!"
Bà lão nói: "Tôi đảm bảo sợi dây chuyền này làm bằng vàng thật. Tôi là bà La ở trại trẻ mồ côi, tôi đào thấy sợi dây chuyền này trong lần ươm hoa."
Lúc này, cô nhân viên thu ngân của bệnh viện mới nhận ra người đang đứng trước mặt: "Thì ra bà là bà La ạ? Cháu đã nghe kể rất nhiều về bà, mọi người đều bảo bà chẳng khác nào mẹ Teresa. Thôi! Bà cứ cho bệnh nhân nhập viện trước đã!"
Khi Tô My tỉnh lại, cô phát hiện Họa Long và Bao Triển đang ngồi bên cạnh, giáo sư Lương nằm ở giường kế bên. Ngoài cửa sổ ánh nắng chói ngời rực rỡ. Ba người thấy Tô My đã tỉnh liền mỉm cười với cô, Tô My nói: "Sao tôi lại ở đây... Ô! Tôi nhớ ra rồi... Nói thật, chưa bao giờ tôi cảm thấy giáo sư Lương, anh và cậu Triển lại quan trọng với tôi như lúc này."
Bao Triển nhẹ nhàng bảo: "Chị My, chị cứ yên tâm nằm đây dưỡng bệnh, vụ án này cứ để chúng tôi lo liệu."
Họa Long thông báo tình hình vụ án: "Ngải Mang đã bị chúng tôi bắt tại thành phố, hắn khai giám đốc Bành đã lây virus HIV sang hắn, hắn có nhiều điểm tình nghi nên chúng tôi bắt hắn vào trại giam đợi xét hỏi."
Giáo sư Lương bổ sung thêm: "Vật mà đội trưởng Ngưu muốn tìm trong rừng trúc không phải hài cốt cũng không phải bất kì manh mối nào liên quan đến vụ án giám đốc Bành bị sát hại, thực ra vật ông ta muốn tìm là vàng. Rất có khả năng trước khi tháo chạy sang Đài Loan, bọn Quốc Dân đảng đã chôn rất nhiều vàng ở quanh khu vực trại giam. Thanh sói chính là hung thủ giết chết đội trưởng Ngưu, rồi y dùng chính khẩu súng từng giết đội trưởng Ngưu để giết viên cảnh sát đi theo bảo vệ chúng ta. Tiểu My, cháu phúc dày mạng lớn nên chỉ bị trúng đạn vào bả vai đấy! Hiện tại cảnh sát đã phát lệnh truy nã Thanh sói."
Bao Triển thắc mắc: "Cháu thấy có một điểm rất kì lạ bà lão họ La lấy đâu ra sợi dây chuyên vàng đó nhỉ?"
Giáo sư Lương giải thích: "Cậu Triển cậu có biết vàng chôn dưới đất, vàng sẽ biết chạy không?"
Họa Long tròn mắt hỏi: "Vàng mọc chân ạ?"
Giáo sư Lương phá lên cười: "Đúng vậy! Tôi tin rằng gieo nhân nào ắt gặt quả nấy, người tốt sẽ được trời thương. Những sợi dây chuyền vàng đó vốn được chôn gần trại giam, vậy mà sau năm mươi năm chúng lại mọc chân chạy sang vườn ươm hoa của bà lão La. Vài ngày nữa, chúng ta sẽ đi thăm bà lão, tiện thể hỏi rõ thực hư câu chuyện này là thế nào."