P8 - Chương 3: Kẻ thích mặc dị hợm
Giáo sư Lương lập tức triệu tập cuộc họp khẩn cấp yêu cầu tất cả cảnh sát, dân phòng trong thị trấn đều phải có mặt đầy đủ. Giáo sư Lương nói: "Hiện trường vụ án chắc chắn xảy ra trong thị trấn chúng ta. Phán đoán này không có gì đáng phải nghi ngờ. Thị trấn Ô Đường không lớn lắm nên việc phá án chỉ là vấn đề sớm muộn mà thôi. Công việc tiếp theo tương đối vất vả, đầu tiên chủ tịch thị trấn cần thông báo với toàn thể dân chúng rằng trong thời gian tới mọi người không được phép mặc những trang phục có màu đỏ tuy chúng ta làm vậy thì chẳng khác nào rút dây động rừng, khiến hung thủ càng đề cao tinh thần cảnh giác nhưng chúng ta là cảnh sát, ngoài nhiệm vụ phải phá án ra thì việc chúng ta cần làm hơn cả là cố gắng để tránh xảy ra những vụ thảm sát tương tự thêm lần nữa."
Bao Triển tiếp lời: "Vụ án này tồn tại rất nhiều điểm nghi vấn, đợi khám xét toàn diện xong xuôi, chúng tôi sẽ đi sâu điều tra."
Giáo sư Lương gật đầu rồi bảo: "Tổ chuyên án chúng tôi đã chỉnh lí mười điểm đáng ngờ, chỉ cần giải quyết được mười nghi vấn đó thì chân tướng sự việc tức khắc lộ rõ."
Họa Long lên tiếng: "Xin các đồng chí tuyệt đối giữ bí mật, nếu ai dám tiết lộ nội tình vụ án thì chúng tôi sẽ bắt giữ kẻ đó trước tiên."
Tô My chốt lại: "Hung thu rốt cuộc là ai sẽ sớm lộ diện ngay thôi, chiến sĩ nào tóm được hung thủ sẽ được cấp trên trao huân chương biểu dương và giải thưởng."
Tổ chuyên án đã nêu ra mười điểm nghi vấn của vụ án như sau:
1 Trong ba cô bé bị mất tích, hiện giờ mới chỉ xác định Hoàn Ngọc đã bị hại, vậy hai cô bé còn lại hiện giờ còn sống hay đã chết?
2 Ba chiếc váy đỏ phát hiện trên sông đều có vết máu, ngoại trừ váy của Hoàn Ngọc ra, thì vết máu dính trên hai chiếc váy còn lại có trùng khớp với nhóm máu của Mạc Phi và Triệu Tiêm Tiêm hay không?
3 Vụ án Triệu Tiêm Tiêm bị mất tích ba năm về trước được chứng thực vì tổ chuyên án đã tìm thấy bút lục ghi chép lại vụ án trong tập hồ sơ lưu trữ của cảnh sát địa phương, vụ án kì lạ này đến giờ vẫn còn là dấu hỏi chấm. Vậy Triệu Tiêm Tiêm xuất hiện ở thời điểm hiện tại liệu có phải do kẻ khác mạo danh hay đó chính là Triệu Tiêm Tiêm thực sự sau ba năm mất tích đã trở về nơi cũ?
4 Mạc Phi và Triệu Tiêm Tiêm mất tích cùng một thời điểm, nếu hung thủ là một người thì y đã khống chế hai cô bé đang đi trên phố bằng cách nào?
5 Hoàn Ngọc bị chuột gặm, muốn gặm hết một người thì cần rất nhiều chuột. Vậy chuột ở đâu ra mà nhiều đến thế?
6 Hiện trường vụ án đầu tiên xảy ra ở đâu?
7 Những kẻ tình nghi đã xuất hiện cho đến thời điểm hiện tại gồm có họa sĩ tóc dài, bác sĩ thú y, gã trung niên biến thái, ông lão mù và đứa cháu trai, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số kẻ tình nghi tiềm tàng cần phải điều tra thêm như cha dượng của Hoàn Ngọc, cha mẹ của Triệu Tiêm Tiêm, liệu kẻ tình nghi nào hàm chứa khả năng giết người lớn nhất?
8 Có thể hung thủ đã dùng một số loại dược phẩm, cũng có khả năng còn dùng cả lồng hoặc thùng gì đó. Vậy hung thủ dùng cách nào để khống chế người bị hại?
9 Triệu Tiêm Tiêm sống ở đâu? Ba năm trước, cô bé đến thị trấn học vẽ, cô bé đã sống ở đâu? Còn Triệu Tiêm Tiêm của thời điểm hiện tại sống ở đâu?
l0. Hung thủ nén xương cốt của Hoàn Ngọc vào trong hũ sành. Vậy đối với hung thủ chiếc hũ đó có ý nghĩa đặc biệt gì.
Sau khi giải thích rõ ràng từng điểm nghi vấn, giáo sư Lương bắt đầu phân công nhiệm vụ. Chủ tịch thị trấn và các dân phòng lập tức bắt tay hành động.
Chủ tịch thị trấn dẫn người đi tìm hiện trường vụ án thứ nhất. Thị trấn chỉ có bấy nhiêu dân cư, nên hiện trường vụ án chỉ có thể ẩn giấu trong một những ngôi nhà nằm trong thị trấn này. Giáo sư Lương đặc biệt dặn dò chủ tịch thị trấn rằng công tác khám xét cần làm hết sức cẩn trọng, không được bỏ sót một hộ nào, không được bỏ sót một người nào, trọng điểm điều tra là các nơi kín đáo như căn gác, tầng hầm, các hầm chứa, dưới nắp cống... Chủ tịch thị trấn xin được lệnh lục soát liền lập tức đến nhà bác sĩ thú y và lão mù lục soát theo hình thức cuốn chiếu.
Trong sân nhà bác sĩ thú y chôn rất nhiều xương cốt động vật, bác sĩ thú y giải thích những con vật này chết do bệnh, nếu vứt ra ngoài rất có thể bệnh dịch sẽ lây lan và gây ô nhiễm môi trường, nên anh ta đành chôn sâu xác động vật ngay dưới gốc cây trong vườn nhà mình.
Nhà lão mù nghèo rớt mùng tơi, ông lão chỉ sống nhờ vào khoản trợ cấp xã hội ít ỏi của chính phủ, đứa cháu trai đã phải nghỉ học từ lâu, thường ngày nó đi làm thuê cho một xưởng gốm trên thị trấn, nó phụ trách công việc đào bùn ở ven sông rồi mang đến xưởng chế ra thành các đồ gốm mĩ nghệ. Cửa hàng bán đồ gốm nằm cùng một tuyến phố với lớp học vẽ, đồng thời cách cửa hàng thêu Chữ Thập không bao xa. Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng hai ông cháu vẫn nhận nuôi rất nhiều mèo lang thang từ nhiều năm nay. Trước hôm Triệu Tiêm Tiêm mất tích mấy ngày cô bé cùng Mạc Phi từng mang một chú mèo nhỏ bị thương đến nhà lão mù.
Giở sổ hộ khẩu nhà lão mù, chủ tịch thị trấn phát hiện năm nay đứa cháu của lão mù đã hai mươi tuổi, có lẽ vì nhiều năm thiếu ăn khiến cậu bé trông ốm o, còm nhom như trẻ vị thành niên.
Chủ tịch thị trấn và dân phòng sang những hộ xung quanh dò hỏi, trong số đó có một người hàng xóm ấp úng muốn nói gì đó lại thôi.
Chủ tịch thị trấn dọa: "Vụ án này rất nghiêm trọng, trung ương đã cử người xuống điều tra, nếu anh biết manh mối nào của vụ án mà không thành thật khai báo thì khắc biết hậu quả."
Anh hàng xóm nọ hơi khiếp, liền kể một chuyện. Vào tối hôm Mạc Phi và Triệu Tiêm Tiêm mất tích, anh ta nghe thấy ông lão mù liên tục kéo nhị, ông kéo một ca khúc mà anh ta chưa nghe thấy bao giờ, khi ông lão kéo đến nửa chừng thì anh hàng xóm nghe thấy một tiếng thét thảm thiết, ông lão ngừng kéo một lát, rồi sau đó tiếng nhị lại réo rắt cất lên. Anh ta không thể phân biệt được tiếng kêu đó phát ra từ nhà bác sĩ thú y hay từ nhà lão mù.
Chủ tịch thị trấn liền báo cáo manh mối mới tìm được cho tổ chuyên án, tổ chuyên án nghiên cứu và quyết định cho điều tra toàn diện đối với hai đối tượng là lão mù và bác sĩ thú y, ngay cả người thân của họ cũng phải điều tra kĩ lưỡng.
Tổ chuyên án đã tìm ra nơi ở của Triệu Tiêm Tiêm trong tập hồ sơ lữu trữ ba năm trước, trong hồ sơ còn ghi rõ khi ấy Triệu Tiêm Tiêm còn làm tiểu phẫu vá màng trinh, đối chiếu nhóm máu ghi trong hồ sơ và nhóm máu từng thấy trên chiếc váy vớt ở ven sông thấy hoàn toàn trùng khớp, điều này khiến tổ chuyên án nghiêng về nhận định Triệu Tiêm Tiêm từng mất tích ba năm trước đã quay trở lại thị trấn Ô Đường, trở lại lớp học vẽ mà trước đây cô bé từng theo học.
Có điều tổ chuyên án không thể giải thích nổi vì sao cô bé lại làm vậy.
Hồ sơ còn ghi rằng ba năm trước Triệu Tiêm Tiêm sống trong căn gác nhỏ ở phía sau vườn gần lớp học vẽ. Đó là căn gác có chiếc giường lớn mang hơi hướm cổ xưa, có cả ô cửa sổ bằng gỗ, vườn phía dưới căn gác là nơi bọn trẻ học vẽ, học hát. Điều trùng hợp là tay họa sĩ tóc dài nọ hiện giờ lại đang ở trong chính căn gác mà Triệu Tiêm Tiêm từng ở khi xưa.
Họa sĩ tóc dài là kẻ ưa cuộc sống ẩn dật, ngoài vẽ tranh ra, anh ta chẳng có bất kì sở thích nào khác, những ngày không phải lên lớp, anh ta ngồi lì cả ngày trong phòng, đóng cửa tự nhốt mình, chẳng ai hay biết anh ta làm gì trong đó cả.
Bao Triển và Họa Long đột kích căn gác tiến hành kiểm tra lục soát, đa số đồ đạc trong phòng đều là đồ gỗ cũ kĩ, ngay cả vách tường cũng làm bằng gỗ, căn phòng mờ tối, góc tường chăng đầy mạng nhện. Họa Long phát hiện một ổ chuột phía sau tủ quần áo, rất nhiều trang phục biểu diễn bị cắn nát nằm trong góc tủ. Bao Triển còn phát hiện một dòng chữ được khắc trên vách gỗ. Rõ ràng người nào đó đã dùng vật sắc nhọn khắc nó lên tấm vách làm bằng gỗ.
Lần này em rời xa tôi là sẽ khiến em không bao giờ rời xa tôi thêm nữa!
Bao Triển chụp ảnh làm tang vật, cười lạnh lùng hỏi: "Ai viết dòng chữ này?"
Tay họa sĩ cũng trả lời lạnh tanh: "Sao tôi biết được?"
Bao Triển liền hỏi dồn: "Học sinh của anh có thích anh không? Có yêu thầm anh không? Anh có thích học sinh của mình không?"
Họa sĩ tóc dài đáp: "Nhiều cô bé thích tôi, sùng bái tôi, có điều chưa bao giờ tôi để xảy ra mối quan hệ tình cảm nam nữ giữa thầy với trò."
Bao Triển lại hỏi: "Cô bé Triệu Tiêm Tiêm học sinh của anh sống ở đâu?"
Họa sĩ tóc dài đáp: "Kí túc xá của học sinh ở gác dưới, Triệu Tiêm Tiêm cũng ở dưới đó."
Bao Triển đính chính: "Ý tôi muốn hỏi cô bé Triệu Tiêm Tiêm từng đến đây học ba năm về trước cơ! Anh có biết không?"
Họa sĩ tóc dài chối: "Làm sao tôi biết chuyện xảy ra ba năm về trước. Lẽ nào có đến hai Triệu Tiêm Tiêm sao? Năm ngoái tôi mới đến thị trấn này."
Bao Triển phủ định bằng giọng chắc nịch: "Anh nói dối!"
Họa sĩ tóc dài đành thú thật: "Thôi được! Ba năm trước tôi đã ở đây rồi nhưng khi ấy tôi không sống ở đây mà ở chung phòng cùng một người khác."
Bao Triển lập tức hỏi: "Anh sống với ai?"
Họa sĩ tóc dài thở dài đáp: "Với một ca sĩ!"
Họa sĩ tóc dài không hề có ấn tượng gì với cô bé Triệu Tiêm Tiêm của ba năm về trước, để phủi sạch tội tình nghi của mình, anh ta thú nhận một chuyện hết sức riêng tư của mình. Ba năm trước anh ta sống thử với một người, đó chính là cô ca sĩ hát trong quán trà mà lần trước từng bị ông chú biến thái quấy rối tình dục ngay trên phố. Điều mà mọi người đều không hay biết là thực ra "cô" ca sĩ đó là đàn ông, anh luôn cải trang thành nữ giới và sống trong thị trấn nhỏ này. "Cô" ca sĩ và họa sĩ tóc dài sống chung với nhau suốt ba năm, cuối cùng anh họa sĩ tóc dài muốn kết thúc mối quan hệ yêu đương chẳng lấy gì làm đẹp đẽ này nên giờ đây hai người họ đường ai nấy đi.
Bao Triển trầm ngâm suy nghĩ về dòng chữ khắc trên vách gỗ, sau đó thông qua việc kiểm định chữ viết, anh được biết dòng chữ đó do chính Triệu Tiêm Tiêm viết trước khi cô bé mất tích mấy ngày. Những bức tranh do Triệu Tiêm Tiêm vẽ cũng thu hút sự chú ý của tổ chuyên án, ngoại trừ những bức vẽ phong cảnh và tĩnh vật ra thì cô bé chỉ vẽ hai người, một là bản thân, cô bé ôm chiếc hũ sành đứng bên bờ sông, người còn lại chính là họa sĩ tóc dài, có những bức tranh vẽ anh đang hút thuốc, có cả những bức phác họa anh ta cúi đầu trầm ngâm suy tư.
Trong những bức tranh vẽ phong cảnh và tĩnh vật của Triệu Tiêm Tiêm có một số bức vẽ phác thảo, có một số lại vẽ kí họa vài công trình kiến trúc trong thị trấn bao gồm cả nhà lão mù và vườn nhà bác sĩ thú y.
Tổ chuyên án triệu tập "cô" ca sĩ đến văn phòng Giáo sư Lương và Tô My đích thân thẩm vấn.
"Cô" ca sĩ mặc quần áo phụ nữ, để lộ bờ vai gầy mảnh, trên người còn phảng phất mùi nước hoa thanh mát, cô ta bôi son, bờ môi đỏ thắm, hàm răng trắng bóng, bất kể nhìn ngoại hình hay nghe giọng nói thì đều thấy cô ta chẳng khác nào một phụ nữ thứ thiệt.
Tô My lên tiếng hỏi trước: "Xin hỏi mạo muội một chút chúng tôi nên coi cô là nam hay nữ?"
"Cô" ca sĩ đáp tỉnh queo: "Nữ!"
Giáo sư Lương nói: "Chúng tôi đã tiến hành điều tra và biết chứng minh thư mà cô đang sử dụng là giấy tờ giả. Chúng tôi cũng đã tìm hiểu lai lịch trong quá khứ của cô."
"Cô" ca sĩ nói: "Ồ! Tôi cho rằng đó là quyền tự do cá nhân."
Tô My hỏi: "Cô thích làm phụ nữ sao? Tôi chú ý thấy cô có yết hầu."
"Cô" ca sĩ thản nhiên trả lời: "Tôi chính là phụ nữ! Trong lòng tôi luôn nghĩ mình là phụ nữ."
Giáo sư Lương không nén được tò mò hỏi: "Thế bình thường cô đi nhà vệ sinh dành cho nam hay nhà vệ sinh dành cho nữ?"
"Cô" ca sĩ đáp chỏng lỏn: "Nhà vệ sinh nữ!"
Giáo sư Lương nói: "Làm vậy là vi phạm đạo đức. Tuy bề ngoài nhìn cô có vẻ rất giống phụ nữ, hơn nữa lại khá xinh đẹp nhưng đặc trưng sinh lí của cô vẫn là nam giới."
"Cô" ca sĩ không lấy làm bực tức, chỉ nói: "Tôi chưa hề làm tổn thương bất kì ai, ngoại trừ bản thân."
Giáo sư Lương hỏi tiếp: "Cô rất yêu anh họa sĩ đó có phải không?"
"Cô" ca sĩ quả quyết: "Đúng vậy! Tôi sẵn sàng giết người vì anh ấy."
Tô My hỏi: "Khoảng tám giờ tối ngày mùng một tháng bảy và cả ngày mười lăm tháng bảy, anh ở đâu?"
Cô ca sĩ đáp: "Tôi hát trong quán trà."
Giáo sư Lương hỏi: "Cô quen Triệu Tiêm Tiêm không? Ý tôi là cả Triệu Tiêm Tiêm mất tích ba năm trước và Triệu Tiêm Tiêm mới mất tích mấy hôm trước."
Cô ca sĩ đáp: "Có quen! Ba năm trước, cô ấy theo tôi học diễn kịch. Tôi rất thích diễn kịch. Có cần tôi hát một đoạn cho ông nghe không?"
Giáo sư Lương gật đầu: "Được thôi! Nếu cô có nhã hứng."
Cô ca sĩ bắt đầu ngây dại nhìn ra ngoài ô cửa sổ phòng thẩm vấn và cất cao tiếng hát, giọng hát thánh thót mượt mà và uyển chuyển.
Ra hoa đã nở muôn hồng nghìn tía, diễm lệ nhường kia, kiều mị nhường kia mà mọc ngay nơi giếng đổ tường nghiêng. Cao xanh hỡi! Buổi sớm trong lành thế? Phong cảnh hữu tình thế! Ta biết phải làm sao? Chẳng rõ chốn tiên bồng tiêu hoang này là vườn nhà ai?
Sau khi buổi thẩm vấn kết thúc, giáo sư Lương liền triệu tập tất cả thành viên của tổ chuyên án vào văn phòng, ông nói: "Tôi đã biết hung thủ là ai!"