P10 - Chương 3: Định đoạt trần ai
Vậy là bao nỗi trần ai của vụ án băm xác 11.9 đã hạ màn, hôm sau tổ chuyên án định rời khỏi thành phố Lam Kinh, nhưng vụ án này vẫn còn rất nhiều điều bỏ ngỏ bởi hung thủ đã chết, người ta chỉ có thể suy đoán và phân tích về những ẩn số còn lại. Cảnh sát thành phố Lam Kinh tiếp tục đi sâu điều tra hơn về thân thế của Hoàng Bách Thành, trong lí lịch của gã ghi rằng năm 1996, gã thực tập tại một bệnh viện ở thành phố Lam Kinh, khi ấy gã thuê nhà trọ ở gần trường đại học Lam Kinh. Những thông tin mới khiến cảnh sát lập tức liên hệ gã với hung thủ trong vụ băm xác Điêu Ái Thanh.
Cựu giám đốc sở cảnh sát nói: "Ngay từ lúc ấy chúng tôi đã nghi ngờ hung thủ sát hại Điêu Ái Thanh hành nghề bác sĩ ngoại khoa hoặc đầu bếp."
Giáo sư Lương hỏi: "Có thể tìm thấy nơi Hoàng Bách Thành thuê trọ năm 1996 hiện ở chỗ nào không?"
Cựu giám đốc sở đáp: "Năm ngoái người ta đã phá dỡ khu dân cư đó rồi!"
Bao Triển nói: "Có thể trước khi khu nhà bị phá dỡ, Hạ Vũ Bình đã đến đó điều tra, không biết cô ta đã phát hiện thấy điều gì."
Tô My nêu nghi vấn: "Trong thư điện tử, Hạ Vũ Bình viết cô ta biết chút ít nội tình về vụ án băm xác 19.1. Không hiểu nội tình mà cô ta muốn ám chỉ là chuyện gì nhỉ?"
Họa Long bổ sung thêm: "Hạ Vũ Bình tốt nghiệp trường đại học Lam Kinh, lại là bạn học cùng khóa với Điêu Ái Thanh. Chúng ta cần hết sức lưu ý đến điểm trùng hợp ngẫu nhiên này."
Tuy có nhiều điều nghi vấn nhưng trên thực tế chẳng hề có bất kì chứng cứ nào chứng thực Hoàng Bách Thành và Hạ Vũ Bình có liên quan đến vụ án băm xác 19.1 xảy ra vào mười năm trước, có điều rất nhiều điểm trùng hợp khiến người ta không thể không đặt dấu hỏi. Liệu có phải một trong hai người Hạ Vũ Bình hoặc Hoàng Bách Thành chính là thủ phạm giết Điêu Ái Thanh? Liệu có phải Hạ Vũ Bình chỉ đơn thuần muốn mô phỏng vụ án thảm khốc đó?
Còn một điểm nữa, tại hiện trường vụ án 11.9, cũng chính là tại nhà của Hạ Vũ Bình, cảnh sát phát hiện bốn đôi đũa đặt trên bàn ăn, trong khi trên hiện trường chỉ có ba xác chết. Phải giải thích thế nào về chuyện này?
Trong lúc ăn trưa, vấn đề đôi đũa thứ tư đã tìm thấy lời giải đáp!
Vụ án băm xác 11.9 đại cáo thành công, sở cảnh sát thành phố Lam Kinh tổ chức buổi tiệc mừng công để chúc mừng tổ chuyên án và các chiến sĩ cảnh sát, tất cả các thành viên đều tham dự đầy đủ. Giám đốc sở cảnh sát long trọng đứng lên phát biểu, ông ta bày tỏ lòng cảm ơn và trân trọng sâu sắc đối với những gì lực lượng cảnh sát trong cả thành phố đã thể hiện. Trong tiếng vỗ tay vang dội như sấm dậy, các thành viên của tổ chuyên án cũng được mời lên phát biểu, giáo sư Lương và Tô My nói một vài câu khách sáo thể hiện tổ chuyên án không dám coi đây là công lao của riêng mình, mỗi một vụ án được phá giải đều dựa trên sự nỗ lực và công lao của mỗi thành viên trong đội.
Họa Long chỉ nói một câu: "Cảnh sát luôn có hai danh xưng là "anh hùng" và "anh hùng rơm", muốn chọn danh xưng nào tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi cảnh sát."
Toàn bộ cảnh sát dưới khán đài đều im phăng phắc, rồi sau đó từng tràng pháo tay rộ lên vang dội, mọi người đều hô lên khen hay.
Họa Long đưa micro cho Bao Triển. Anh bước lên khán đài với vẻ thẹn thùng vì không biết nói gì trước bao nhiêu người thế này. Mọi người đều im lặng chờ đợi, Bao Triển khẽ hắng giọng rồi nhắc lại nguyên văn lời tuyên thệ anh từng đọc khi gia nhập tổ chuyên án.
"Thề trước quốc kì, từng lời nói hành động của cảnh sát tuyệt đối không dây bẩn sao vàng. Thề trước hiến pháp, từng suy nghĩ ý thức của cảnh sát tuyệt đối không phạm tới tôn nghiêm của pháp luật. Thề trước nhân dân suốt đời suốt kiếp của cảnh sát tuyệt đối không phụ sự kì vọng của nhân dân. Trước quốc kì và quốc huy, tôi xin thề: Sẽ đấu tranh không ngừng nghỉ đến giọt máu cuối cùng với mọi hoạt động phạm tội vì sự hưng thịnh của quốc gia, vì an ninh của nhân dân! Tôi thề sẽ làm tất cả vì sứ mệnh thần thánh, vì sự hi sinh cao cả của các chiến hữu. Được làm cảnh sát và đứng ở đây là vinh dự của cả đời tôi!"
Mặc dù lời tuyên thệ ấy không hợp thời hợp lúc nhưng vẫn lay động bầu nhiệt huyết của tất cả cảnh sát có mặt ở hiện trường, mọi người vỗ tay vang dội.
Bốn thành viên của tổ chuyên án trở lại bàn tiệc, giám đốc sở cảnh sát Lam Kinh và cựu giám đốc sở cảnh sát liền đến chúc rượu. Ly thứ nhất, cựu giám đốc sở tưới lên mặt đất, ông xúc động nói: "Tuy vụ án này đã được phá giải, nhưng tôi vẫn không thể vui nổi. Ly rượu này tôi dành cho những nạn nhân vô tội. Cháu bé trong vụ án 11.9 đáng thương quá, cả cô Điêu Ái Thanh nữa, suốt mười hai năm ròng vất vưởng ở dương gian, biết lúc nào mới có thể an lòng mà nhắm mắt xuôi tay?"
Giám đốc sở cảnh sát thành phố Lam Kinh thở dài bảo: "Tôi nhận được bưu kiện do một sinh viên gửi tới. Cậu ta không phải cảnh sát nhưng từ mấy năm trước luôn âm thầm ra sức điều tra vụ án 19.1. Bắt đầu từ khi vào cấp ba đến giờ, cậu ta đã thu thập tất cả tư liệu liên quan đến vụ án mà mình biết, từ việc cắt tin tức đăng tải trên báo cho đến tự ghi chép những nhận định của mình, thậm chí cậu ta còn ghi chép cả những điều mà bản thân điều tra được. Tất cả tư liệu này phải nặng đến chục cân. Đối diện thùng bưu kiện, tôi thấy rất xấu hổ."
Tô My nói: "Rất nhiều người tham gia mạng xã hội quan tâm đến vụ án này. Có thể nói đó là vụ án đạt tỉ lệ quan tâm cao nhất trên mạng. Tôi cảm thấy hung thủ... Chỉ là suy đoán của cá nhân tôi thôi nhé..."
Giáo sư Lương cắt ngang: "Tôi thấy thế này, chúng ta hãy nêu phân tích và suy đoán của mình, nghĩ thế nào cứ mạnh dạn nói ra, không cần phải chịu trách nhiệm về những phán đoán đó, cũng không cần nghĩ đến chứng cứ hay tính thận trọng làm gì. Chúng ta cứ nói ra tự nhiên giống như cư dân mạng thảo luận với nhau ấy!"
Tô My gật đầu bảo: "Vâng! Thế thì tôi xin nói tiếp. Lẽ thường không khảo thì ba năm sau kẻ trộm cũng xưng, nhưng hung thủ giết Điêu Ái Thanh vẫn không bị sa lưới, đến giờ y vẫn tiêu dao tự tại ngoài vòng pháp luật chắc chắn y cảm thấy rất đắc ý, bao nhiêu năm trôi qua, y cho rằng mình đã an toàn bởi vậy y mới hùng hồn lên mạng bàn tán tình hình vụ án với các cư dân mạng khác, thậm chí còn cố tình hé lộ một số tình tiết vụ án. Hồ như y rất thích phân tích và thảo luận. Một số suy luận của cư dân mạng khiến hắn cũng hơi hoảng, vì cẩn tắc vô áy náy nên y lặn mất tăm. Nhưng một thời gian sau, y không chịu được cô đơn nên lại tái xuất giang hồ... Có lẽ hung thủ là một trong những cư dân mạng tham gia thảo luận về vụ án. Tôi để ý và thấy rằng cứ cách một thời gian thì lại có người đăng bài hoặc chia sẻ những topic liên quan đến vụ án, rất có khả năng kẻ làm việc đó chính là hung thủ. Chỉ có điều chúng ta không thể khảo chứng được trong nguồn tin tức khổng lồ xuất hiện trên mạng.
Bao Triển phản bác: "Tôi lại nghiêng về nhận định hung thủ là kẻ chuyên giết mổ gia súc. Có thể y là một tay bán thịt lợn ngoài chợ, còn độc thân hoặc đã li dị, y sống một mình trong ngôi nhà có vườn bao quanh, trong khu vườn hoang tàn ấy đựng chiếc xe ba bánh. Một số người suy đoán phương tiện vận chuyển mà hung thủ sử dụng khi đi phi tan thi thể nạn nhân là xe đạp hoặc xe hơi loại nhỏ, vì không ai nghĩ đó là xe mô tô ba bánh nhỉ? Loại xe nông dụng này rất phù hợp với những tay chuyên giết mổ gia súc hoặc bán thịt gia súc ngoài chợ. Có lẽ chiếc xe đó rất cũ kĩ, không có đèn, phanh không ăn. Ngày 19 tháng 1 năm 1996, nhiệt độ ngoài trời hạ xuống âm bốn độ C, thành phố Lam Kinh bị tuyết bao phủ hoàn toàn, vì trước đó vừa xảy ra trận tuyết lớn. Rất có khả năng Điêu Ái Thanh mất tích vì bị tai nạn giao thông. Hung thủ lái mô tô ba bánh, vì khi ấy trời vô cùng giá rét, mặt đất đóng băng nên hung thủ vô tình đâm phải Điêu Ái Thanh đang đi tản bộ vào buổi tối. Điêu Ái Thanh không chết nhưng bị thương nặng, hung thủ lấy lí do đưa cô ấy đến bệnh viện để bế cô lên xe. Nhưng giữa đường y chợt thay đổi ý định, y kéo nạn nhân vào trong nhà giết người diệt khẩu. Vì bệnh nghề nghiệp nên y chọn cách phi tang thi thể bằng cách chặt xác nạn nhân. Căn cứ vào loại ba lô kiểu dáng xưa cũ, ta có thể đoán cuộc sống của hung thủ không lấy gì làm dư dả và hoàn toàn phù hợp với thân phận của một kẻ giết mổ gia súc hoặc bán thịt ngoài chợ."
Họa Long cũng đưa ra nhận định: "Đối với vụ án 19.1, tôi có suy đoán thế này: Nạn nhân Điêu Ái Thanh mất tích ngày mùng 10 tháng 1 năm 1996, thi thể được phát hiện vào ngày 19 tháng 1, trải qua chín ngày thi thể mới được phát hiện, nhưng tại sao lại là chín ngày? Sau khi giết người, việc hung thủ muốn làm nhất là tiêu hủy xác chết, vậy mà mãi chín ngày sau y mới đi vứt xác. Phải chăng thời gian chín ngày là hơi dài? Liệu trong đó có ẩn chứa uẩn khúc nào không? Điều đáng phải đặt một dấu hỏi là hai con số 110 và 119[3]. Mọi người đều biết hai con số này đại diện cho điều gì phải không? Đó chính là hai số điện thoại khẩn cấp báo cảnh sát chúng ta. Điều này có nghĩa gì? Chúng ta có thể lí giải động cơ của hung thủ thông qua thông điệp mà y gửi đến không? Theo tôi y chính là một phạm nhân đã ra tù từng phải chịu sự đối xử bất công hoặc chịu một cú sốc nào đó do các cơ quan pháp luật gây ra, y lợi dụng vụ án giết người này để thách thức và khiêu khích cảnh sát!"
Cựu giám đốc sở phá lên cười: "Ha ha! Tôi thấy suy đoán vô căn cứ này khá thú vị đấy! Nói thực tôi luôn nghi ngờ một người, nhưng cũng chẳng có chứng cứ xác thực nào cả. Mọi người đã mạnh dạn nói ra phỏng đoán của mình thì tôi cũng không ngại chia sẻ suy nghĩ của mình với mọi người. Tôi cảm thấy trong quá trình điều tra phá án và thăm dò dư luận chắc chắn chúng ta từng chạm trán với hung thủ, nhưng vì quá ít manh mối nên chúng ta đã để y lọt mất. Tôi cho rằng hiện trường vụ án thứ nhất là ở một ngõ nhỏ hoặc ở một đoạn nào đó trên đường Thanh Đảo. Khi ấy chúng tôi cũng tiến hành điều tra, rà soát tại hai vị trí trọng điểm trên, cảnh sát gõ cửa từng nhà tìm kiếm nghi phạm. Khi ấy chúng tôi nghĩ rằng mặc dù manh mối nắm trong tay vô cùng ít ỏi nhưng chỉ cần rà soát đại trà là có thể thu hẹp phạm vi. Lúc lục soát một quán mì, tôi đặc biệt để ý đến chủ quán, đó là người đàn ông ngoài ba mươi tuổi. Theo dân quanh vùng phản ánh thì anh ta là kẻ vô cùng ki bo, keo kiệt, tinh thần cũng hơi bất bình thường, dáng người khá cao, vai rộng, da đen nhẻm. Nếu nhìn bề ngoài thì nom anh ta không hề nanh ác hay nham hiểm, nhưng không hiểu sao khi nhìn anh ta, tôi lại thấy lạnh người. Tôi làm cảnh sát từng ấy năm, gặp biết bao loại tội phạm, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy sợ như thế. Hai mắt anh ta nhìn chằm chằm vào người đối diện, ánh mắt ngây dại. Chúng tôi tìm thấy một cuốn sổ tay trong nhà anh ta, đó là một cuốn sách cổ đã cũ kĩ, chữ bên trong được viết bằng bút lông, nom đã khá nhiều năm rồi. Nội dung cuốn sổ là các thủ pháp lăng trì, giảng giải khá chi tiết về các thao tác tiến hành kiểu khổ hình này. Sau khi tra hỏi, anh ta khai ông nội của ông nội anh ta là đao phủ, chuyên lăng trì phạm nhân. Cuốn sổ này do tổ tiên truyền lại đến đời anh ta. Khi ấy, trong đầu tôi chợt nảy ra một suy nghĩ, liệu hậu thế của tay đao phủ đó có tiện tay tóm cổ một người bất kì rồi thực hiện xử phạt người đó bằng khổ hình lăng trì giống như nội dung ghi trong cuốn sổ hay không?"
Họa Long cắt ngang: "Quán mì đó bán những loại mì gì?"
Cựu giám đốc sở đáp: "Nhiều loại lắm! Mì thịt sợi rau cải, còn có cả thịt xiên nướng nữa! Ta không thể định tội cho một người chỉ vì người ấy có cuốn sổ chép tay ghi các nội dung liên quan đến lăng trì nên chuyện cũng chỉ dừng lại ở đó. Nhưng đến tận giờ tôi vẫn nhớ như in ánh mắt của kẻ đó. Sau khi thành lập đội án tồn, tôi liền dẫn cảnh sát đến đó thăm dò lần nữa nhưng quán mì đó không còn nữa, khu dân cư đã bị phá dỡ từ lâu, không rõ kẻ đó chuyển đi đâu? À mà đúng rồi! Khi ấy Hoàng Bách Thành thuê trọ chính trong khu dân cư đó."
Giám đốc sở cảnh sát đưa ra quan điểm của mình: "Tôi cho rằng khả năng tập thể gây án không lớn lắm. Một vụ án nghiêm trọng như thế này không thể do một tập thể cùng thực hiện được bởi một miệng thì kín chín miệng thì hở, chẳng ai dám đảm bảo đối phương sẽ vĩnh viễn giữ được bí mật, càng chẳng biết lúc nào những ân oán cá nhân sẽ bùng phát, chẳng ai dám tin bí mật này sẽ mãi mãi được đào sâu chôn chặt cùng thời gian. Bởi vậy vụ án này do một người gây ra, nói cách khác, hung thủ là một cá nhân chứ không phải một tập thể. Mà thời điểm ấy, Điêu Ái Thanh vừa mới vào năm thứ nhất, các mối quan hệ vô cùng đơn giản, có khả năng hung thủ và cô ấy không hề quen nhau. Đây chỉ đơn thuần là vụ án mạng ngẫu nhiên, mà loại án mạng này lại khó phá giải nhất. Điêu Ái Thanh thích văn học, hung thủ có thể là một ông chủ hiệu sách, khi cho cô ấy mượn sách, hai bên xảy ra mâu thuẫn nên ông chủ đã lỡ tay giết người, sau đó tìm cách phi tang vật chứng. Ngoài ra còn một khả năng nữa, khi ấy nhà trường còn rộ lên phong trào trao đổi nhật kí, trước khi gặp nạn, Điêu Ái Thanh từng nói mình quen một nhà văn, có lẽ gã nhà văn đó và cô ấy từng viết thư qua lại cho nhau, rồi hẹn gặp mặt. Vào ngày hai người gặp nhau, gã nhà văn đã cưỡng bức cô và giết người diệt khẩu. Y làm tất cả những việc còn lại với tử thi chỉ vì muốn tiêu hủy tang chứng mà thôi."
Giáo sư Lương nói: "Còn tôi thấy vụ án này xuất hiện hai nghi vấn mà nghĩ nát óc mãi vẫn không ra. Thứ nhất là gã gù làm việc trong nhà hỏa táng, tên này có thói quen biến thái ăn thịt người. Căn cứ theo điều tra của chúng ta thì năm 96 hắn làm nghề phu xe, nhưng trong quá trình thẩm vấn hắn lại phủ nhận điều này, hắn nói mình nối nghiệp cha từ khi tốt nghiệp cấp hai và làm việc tại nhà hỏa táng liên tục từ đó đến nay. Vì sao hắn lại cố tình giấu giếm thời gian đi kéo xe đó? Liệu có phải khi hắn đang kéo xe trên phố thì Điêu Ái Thanh đã vô tình lên xe hắn, để rồi vụ án 19.1 xảy ra ngay sau đó? Còn một điểm nghi vấn nữa..."
Trên bàn tiệc có sáu người với sáu đôi đũa, giáo sư Lương cầm một đôi đũa, đặt lên bàn, rồi chậm rãi nói: "Trong vụ án 11.9 lại thừa một đôi đũa, điều này có nghĩa gì? Ai có thể nói cho tôi biết được không?"
Sau một lát ngây người nhìn đôi đũa, cuối cùng Họa Long ngẩng mặt lên nói: "Tôi biết đáp án."
Bao Triển vội hỏi: "Nó có nghĩa gì?"
Họa Long nâng ly rượu uống cạn, vẻ mặt thoáng nét bi thương, anh kể: "Trước đây, tôi cũng tham gia một bữa tiệc mừng công, lẽ ra bữa tiệc ấy phải có ba cảnh sát tham gia, chúng tôi là một nhóm cảnh sát nằm vùng, nhưng hai đồng nghiệp ấy đều hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, chỉ còn mình tôi sống sót. Bữa tiệc mừng công diễn ra rất rôm rả, nhiều cảnh sát tham gia giống như hôm nay, chỉ có tôi lặng lẽ rời khỏi bữa tiệc, một mình tìm quán rượu nhỏ, gọi mấy món nhậu. Hôm ấy, tôi uống say khướt, rồi khóc tu tu như trẻ con. Mặc dù chỉ uống rượu một mình, nhưng tôi lại đặt ba đôi đũa trên bàn ăn, tôi cảm thấy hai người kia vẫn còn sống, họ đang ngồi ngay cạnh tôi..."
Tô My hỏi: "Ý anh là đôi đũa thừa ra đó dành cho người chết sao?"
Giáo sư Lương trầm ngâm tiếp lời: "Người chết! Lẽ nào đôi đũa ấy để cho Điêu Ái Thanh?"