P2 - Chương 5: Đêm mưa

Trên người nạn nhân chú Lỗ có ba vết thương chí mạng: Đỉnh đầu bị vật tù đập vào, trước ngực có vật sắc đâm vào, và một mũi tên xuyên từ trực tràng lên đến khoang bụng.

Khả năng một hung thủ mang theo ba thứ hung khí giết người là rất ít, vì thế có thể dễ dàng phán đoán được rằng hung thủ gồm có ba người.

Tổ chuyên án lợi dụng báo giới để tiết lộ kết luận "hung thủ có ba người", đây là một kế sách sáng suốt.

Sau khi lập giả thiết, bây giờ đến việc kiểm chứng giả thiết đó. Cho dù việc đưa ra giả thiết là đúng hay sai thì điều đó cũng giúp việc phá án có được bước đột phá quan trọng. Nếu điều giả thiết là đúng, thì người thân, bạn bè, hàng xóm của hung thủ có thể thông qua những vật chứng mà phía cảnh sát cung cấp, để nhận ra hung thủ, phía cảnh sát sẽ có được những đầu mối quan trọng trong việc phá án. Nếu giả thiết là sai, thì người chứng kiến sự việc, chính là nhà điêu khắc kia, có thể sẽ bị áp lực mà nói hết sự thật với phía cảnh sát. Tổ chuyên án khẳng định rằng hung thủ có ba người, nhà điêu khắc đi ra ngoại ô mang theo cả vợ và con gái, anh ta sẽ rất dễ cho rằng phía cảnh sát đang nghi ngờ cả gia đình mình là hung thủ. Để tránh bị truy nã, rửa sạch oan cho cả gia đình, người đàn ông thích nổi tiếng kia sẽ phải chủ động liên lạc với phía cảnh sát.

Chiêu một mũi tên trúng hai đích này của giáo sư Lương vừa có thể dùng giới truyền thông để ép nhà điêu khắc lên tiếng, vừa có thể khiến hung thủ thực sự suy nghĩ về hoàn cảnh hiện tại của mình. Cho dù những suy đoán trên là đúng hay sai, phía cảnh sát vẫn có thể có được những đầu mối mới về hung thủ.

Ngay ngày hôm sau, một vị lãnh đạo trong cục thể dục thể thao đưa con trai mình đến tự thú.

Sang ngày thứ hai, thêm thiếu niên mười tám tuổi nữa cũng được phụ huynh đưa đến thú tội.

Vài ngày sau, nhà điêu khắc xuất hiện trước cửa phòng công an tỉnh. Sau một hồi do dự, nhà điêu khắc dùng chân dập tắt điếu thuốc đang hút dở, bước vào bên trong.

Sau khi phá xong vụ án, mọi người mới biết được dụng ý sâu xa và lòng nhân từ của giáo sư Lương. Ba hung thủ giết người đều còn ở tuổi vị thành niên. Việc ra đầu thú có thể giúp chúng có cơ hội được hưởng khoan hồng của pháp luật. Sau thời gian giáo dục cải tạo, chúng vẫn có thể trở về hòa nhập lại với xã hội.

Những giọt nước mắt của chúng ta lẽ ra nên rơi kể từ trận mưa rào đầu tiên.

Trong kí ức của mỗi người chúng ta đều có một ngày mưa như vậy. Một trận mưa lớn nhất trong đời, mãi mãi không quên.

Mỗi người đều từng đi ngang qua những quán gội đầu cắt tóc như vậy. Những người ngồi trong đó, và cả những cô gái đứng ở ven đường vẫy khách kia cũng chỉ là vì cuộc sống. Họ nở nụ cười không phải vì vui vẻ, mà chỉ là để che giấu đi sự chua chát trong lòng. Rất nhiều câu chuyện về những cô gái làng chơi đáng thương hơn là đáng trách. Số phận của Mao Mao cũng vậy.

Mao Mao cũng là một cô gái bán hoa.

Cô thích những ngày mưa, nó khiến cho không khí có một vẻ bi thương lạ kì và vô cớ. Mỗi khi trời mưa, khách đến tìm cô cũng ít, và cô có thể được yên tĩnh một hồi. Khi ngoài đường không còn ai đi lại, cô giống như một cái cây trồng trong phòng kín, chỉ biết nhìn ra cơn mưa bên ngoài. Đường phố vắng, cô đơn, cũng giống như nội tâm nàng thiếu nữ. Chỉ có những giọt mưa không ngừng rơi xuống, giúp cô thả hồn theo nước trôi đi. Có rất nhiều câu hỏi cô không tìm nổi câu trả lời, chỉ cảm thấy mê man và u uất, giống như những gì cô viết trong cuốn nhật kí của mình: "Đời người thực sự là bể khổ sao? Hay chỉ có những đứa trẻ là phải chịu như thế?"

Lẽ ra ở tuổi này, cô đang phải bù đầu với bài tập, nhưng giờ lại phải ngồi đây suy nghĩ về nỗi khổ của đời kĩ nữ. Một cô bé mới mười tám tuổi, một cô bé đáng thương.

Nếu một người con gái quá khổ cực, nước mắt chảy quá nhiều thì thượng đế từ bi sẽ ban cho cô một người trong mộng, để cô không còn cảm thấy cô đơn.

Đêm đó trời mưa tầm tã, Mao Mao đứng trước cửa tiệm ngây ngô không biết nghĩ gì. Một cậu bé đẹp trai đeo ba lô bước vào. Nước mưa làm ướt mái tóc phía trước của cậu. Cậu cảm thấy hơi lạnh, nhưng trên mặt vẫn nở nụ cười rạng rỡ đến mê hồn. Mao Mao nhìn cậu, ra ngoài khóa cửa, rồi dẫn cậu vào trong.

Một thiếu nữ luôn thích những thiếu niên anh tú.

Một kĩ nữ cũng luôn thích những khách làng chơi ưa nhìn.

Cậu bé là một học sinh, tuổi đời cũng tầm Mao Mao. Cậu ngồi trên giường, vẻ mặt bình tĩnh, dường như không hề có chút căng thẳng nào.

Mao Mao có chút cảm tình với vị khách trước mặt, nên nói năng cũng có phần e thẹn: "Bóp vai năm mươi tệ, đấm lưng một trăm tệ."

Cậu bé có phần ngạc nhiên, hỏi: "Cái gì mà đấm lưng, bóp vai cơ?"

Mao Mao hơi ngượng ngùng: "Sao cậu lại hỏi thế, biết rồi còn cứ hỏi."

Cậu bé thấy lạ lùng, nói: "Ơ, tớ không hiểu thật mà!"

Mao Mao bực mình hỏi: "Thế cậu vào đây làm gì? Cậu đến đây lần đầu tiên đúng không?"

Cậu bé vội giải thích: "Tớ chỉ vào đây trú mưa thôi, bên ngoài mưa to quá."

Mao Mao hơi giận dữ, bảo: "Cậu nhanh nhanh lên đi đừng lãng phí thời gian nữa. Chỗ chúng tôi có phải chỗ trú mưa đâu. Trả tiền trước đi!"

Cậu bé lấy ra tờ một trăm tệ nói: "Tớ không bóp vai, cũng không đấm lưng gì cả, chúng ta ngồi nói chuyện thế này thôi được không?"

Mao Mao cầm lấy tiền. Đây là lần đầu tiên cô bé gặp một vị khách làng chơi lại không cần phục vụ. Hai người ngồi đó, Mao Mao không biết nên nói gì, đành giữ im lặng. Cả hai có vẻ ngượng ngùng, bên ngoài tiếng sấm vẫn vang rền, mưa càng rơi càng nặng hạt.

Cậu bé rút điện thoại, mở một bài hát. Cả hai chỉ ngồi yên lặng lắng nghe. Về sau, mỗi khi trời mưa, Mao Mao vẫn thường ngâm nga bài hát đầy kỉ niệm này.

"Câu chuyện dù đẹp rồi cũng có hồi kết

Em ra đi là hồi kết của tôi

Nhìn bóng em xa dần rồi xa mãi

Như số kiếp này trời đã định vậy thôi!

Nhưng em ơi, tôi muốn nói bao lời

Rằng tôi nhớ, rằng nhớ em nhiều lắm!

Em trong đời tôi là thiên thần trái đắng

Trọn kiếp này cũng chẳng thể lãng quên.

Cho dù mưa không ngừng trút trong đêm

Cho dù em bỏ tôi trong giấc mộng.

Thì em ơi, tôi vẫn luôn khát vọng

Giấc mộng này, là giấc mộng thiên thu.

...

Mưa tạnh, cậu bé ra về, bóng cậu khuất dần trong đêm thanh vắng.

Đây là câu chuyện truyền thuyết lãng mạng chỉ dành cho nàng kĩ nữ. Vào một ngày, trời bỗng đổ mưa, một chàng trai tuấn tú bước tới trước mặt cô bé. Không phải khách làng chơi, không làm bất cứ điều gì, họ chỉ ngồi đó, nói chuyện, những câu hỏi và những câu trả lời bâng quơ. Ánh mắt họ không dám nhìn thẳng vào nhau, họ ngồi cùng nghe nhạc, tiếng nhạc lẫn trong tiếng mưa thì thào.

Mao Mao cảm thấy cậu bé này không giống những người khác. Nhưng chị họ nhắc cô bé phải cẩn thận, rất có thể đó là một tên công tử bột giả nai.

Mao Mao lại có thêm niềm hy vọng mới. Mỗi khi đứng ngoài cửa chào khách, ngoài việc vẫy tay mời chào, giờ đây cô còn mong được gặp lại chàng trai kia một lần nữa.

Vài hôm sau, chàng trai lại đi ngang qua cửa tiệm. Mao Mao nhìn trộm cậu một cái rồi lập tức cúi người nấp sau cánh cửa. Trái tim cô thiếu nữ đập liên hồi, mặt bỗng dưng ửng đỏ, đến hơi thở cũng thấy không còn bình thường nữa. Chàng trai liếc mắt nhìn vào trong tiệm mát-xa chân, nhưng phải đợi cậu đi khuất, Mao Mao mới dám đứng dậy nhìn theo.

Cô bé vui mừng khoe với người chị họ: "Em nhìn thấy cậu ấy rồi! Nhìn rõ mồn một. Cậu ấy trông thật đẹp trai. Hi hi!"

Nhưng rồi cô lại lập tức buồn rầu nói: "Nhưng cậu ấy không vào đây. Em... Em cũng mong cậu ấy vĩnh viễn đừng bao giờ tới nơi này. Chỗ của chúng ta không phải là nơi để cậu ấy đến. Nhưng... Nhưng em vẫn muốn được gặp cậu ấy lần nữa. Không biết bao giờ mới tới lúc ấy nhỉ? Ai ya, cậu ấy lẽ ra không nên xuất hiện thì hơn."

Kể từ đó mỗi lần bâng khuâng nhìn về một nơi xa xăm, cô bé lại mường tượng ra một khu vườn, nơi mọc đầy những khóm hoa mà chỉ cô mới có thể nhìn thấy, ngửi thấy. Trong tim mỗi nàng thiếu nữ đều có một vườn hoa đầy sắc màu như vậy.

Mưa, được làm từ hai thành phần không thể tách rời, ấy là nước và nỗi nhớ.

Mỗi khi có mưa đêm, biết bao nhiêu người sẽ mất ngủ, sẽ hướng mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, vô hồn, rồi bỗng vô cớ cảm thấy cô đơn, buồn tủi. Tất cả những điều ấy đều vì trong lòng đang nhớ đến một ai đó.

Lần mưa thứ hai, Mao Mao nhìn thấy chàng trai đang bước về phía cửa tiệm. Cô cảm thấy vô cùng căng thẳng, đôi chân nhẹ vò lên nhau, trong lòng nghĩ: "Đừng đến, đừng đến, đừng có đến!"

Nhưng chàng trai đã bước vào. Cậu rút ra tờ một trăm tệ đưa cho Mao Mao rồi lại cùng cô ngồi trên chiếc giường nhơ nhám. Lần này Mao Mao không giới thiệu những dịch vụ của cửa tiệm cho cậu nữa. Cô căng thẳng đến suýt khóc, trong lòng vừa chỉ mong chàng trai mau mau rời khỏi nơi bẩn thỉu này, vừa hy vọng cậu sẽ ngồi lại mãi.

Chàng trai kể về những câu chuyện trong trường học, kể về những người bạn của mình.

Mao Mao chỉ cúi đầu lắng nghe, trong lòng bỗng cảm thấy vô cùng buồn tủi. Từ nhỏ đến lớn, dường như cô chưa từng có người bạn nào.

Chàng trai nói: "Ngưỡng mộ cậu thật đấy, cậu chẳng cần phải đi học."

Mao Mao buồn bã đáp: "Thực ra, tớ muốn được đi học lắm!"

Chàng trai nói tiếp: "Nếu thế, chúng ta học cùng lớp, ngồi cùng một bàn là được rồi."

Mao Mao càng hụt hẫng, nói: "Nhưng... Nhưng tớ..."

Chàng trai an ủi: "Trong trường không có ai bắt nạt được cậu đâu. Bạn bè của tớ nhiều lắm, đánh nhau cũng rất giỏi nữa."

Mao Mao tủi thân đáp: "Tớ... Tớ không được đi học. Tớ chỉ có thể ở đây thôi, đến bạn bè cũng chẳng có."

Chàng trai cười đáp: "Tớ là bạn của cậu là đủ rồi."

Mao Mao do dự: "Ừ! Nhưng cậu biết không, tớ là một..."

Chàng trai chen ngang quả quyết: "Chẳng sao cả!"

Sau lần nói chuyện đó, Mao Mao biết tên chàng trai là Tiểu Bắc. Trong cuốn nhật kí bí mật của mình, cô dũng cảm gọi cậu là Bảo Bối. Hai người trở nên thân thiết rất nhanh, chàng trai mỗi lần đến lớp và tan trường đều cố ý đi qua trước cửa tiệm nhà Mao Mao. Cả hai chỉ nhìn nhau cười rồi chia tay bằng ánh mắt. Cũng có lúc Tiểu Bắc đến tiệm chơi. Mao Mao nói dối mẹ rằng cậu ta chỉ vào bóp vai thôi, vì lo tốn tiền của cậu. Nhưng Tiểu Bắc lại rất phóng khoáng, lúc nào cũng trả đủ tiền chỉ để được nói chuyện một cách "vụng trộm" với cô bạn.

Chàng trai thích được ngồi cùng cô gái.

Với họ tình yêu là thứ lớn lao hơn rất nhiều điều tầm thường khác trên đời.

Có lần, cô gái lấy hết can đảm nói với chàng trai: "Cậu biết không, tớ có hơi thích cậu đấy!"

Một tháng sau, trong ngày sinh nhật của Tiểu Bắc, Mao Mao lén lút lấy tiền rồi chạy đi mua rất nhiều quà sinh nhật cho cậu. Không biết Tiểu Bắc thích quà gì, Mao Mao liền mua một dây móc treo điện thoại, một con gấu bông đáng yêu, một chiếc áo mưa, và cả một bông hoa hồng giống như người lớn hay tặng nhau nữa. Tất cả được đặt trong một chiếc túi bóng bình thường, đưa cho Tiểu Bắc. Theo Tiểu Bắc đến quán karaoke cùng bạn bè cậu, Mao Mao cảm thấy hơi ngượng ngùng, ngồi nép vào một góc ghế, chỉ im lặng. Tiểu Bắc và bạn bè mải mê hát hò, uống rượu cùng nhau. Đến khi tiệc sắp tàn, Tiểu Bắc mới để ý thấy bông hoa trong chiếc túi đã bị đè gần nát.

Tiểu Bắc kéo Mao Mao sang một bên, cầm lấy micro, dõng dạc tuyên bố với những người anh em của mình: "Giới thiệu với các bạn, Mao Mao là bạn gái của tôi!"

Mao Mao cảm động muốn khóc. Cô bé chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như lúc này, nhưng trong lòng lại càng cảm thấy tự ti.

Hôm đó cô nấp sau áo mưa của bạn trai, khom người, bám vào vai cậu. Lúc qua đường, tiếng còi ô tô inh ỏi, nhưng cô không hề cảm thấy sợ hãi. Bố mẹ của Tiểu Bắc đều đi công tác cả, cậu đưa Mao Mao về nhà chơi.

Bình nóng lạnh nhà Tiểu Bắc hỏng, nhưng Mao Mao nhất quyết đòi đi tắm. Cô nói rằng, dù phải tắm nước lạnh, cô cũng muốn mình gột sạch bụi trần, vì người trước mặt là người cô yêu.

Mối tình đầu của một cô bé kĩ nữ và cậu học sinh cấp ba thật đẹp nhưng cũng thật buồn.

"Mối tình đầu" là một từ rất đẹp, những cảm xúc đặc biệt trong kí ức, những buồn thương không thể phai mờ. Một trận mưa rơi trên tâm hồn của mỗi con người, từng giọt, đều kéo chúng ta trở về với những tháng ngày ngây dại ấy.

Khi một chàng trai đang trong mối tình đầu, rất dễ vì một chút chuyện nhỏ nhặt mà có hành động điên cuồng. Tại Đài Loan từng có vụ án một chàng trai đâm chết người yêu giữa phố vì ghen tuông, hay vụ hai học sinh vị thành niên ở Mỹ xả súng giết chết một giáo viên và mười hai bạn khác, rồi cũng tự kết liễu đời mình, mà đến nay vẫn không rõ nguyên nhân vụ việc. Nhưng phía cảnh sát phán đoán rằng hai học sinh lúc đó đang thất tình nên đã có những hành động quá khích.

Trong ngày sinh nhật của Mao Mao, Tiểu Bắc và hai người bạn của cậu đã chuẩn bị cho cô một bữa tiệc.

Chú Lỗ hôm đó đến tiệm yêu cầu bao cả đêm. Sau khi đàm phán giá đã trả tiền trước luôn cho tiệm. Chú Lỗ đưa Mao Mao đến khách sạn thuê phòng. Trên đường đi, Tiểu Bắc và hai người bạn chặn đường chú Lỗ. Mao Mao không muốn đến khách sạn cùng chú Lỗ nhưng không có cách nào để bỏ chạy, suốt chặng đường chỉ nghĩ đến Tiểu Bắc, trong lòng vô cùng đau khổ. Tiểu Bắc muốn đưa Mao Mao đi, nhưng chú Lỗ nhất quyết không đồng ý, còn buông lời chửi mắng ba cậu học trò. Mao Mao chỉ khóc, không biết phải làm gì khác. Chú Lỗ kéo Mao Mao sang một bên, rồi mắng ba cậu bé: "Nó chỉ là một đứa con gái tiệm mát-xa, tao đã trả tiền. Ba thằng oắt chúng mày khôn hồn thì tránh ra, đừng có làm lỡ việc của tao."

Ba cậu học sinh định xông vào cướp Mao Mao. Tiểu Bắc hét lên: "Đánh lão ta đi!"

Chú Lỗ không phải tay vừa, lôi trong túi ra một chiếc dao cạo từ thời xưa, giơ về phía ba cậu bé, cảnh cáo: "Nói tử tế chúng mày không nghe hả? Thích thì vào đây!"

Ba cậu học trò chạy về nhà Tiểu Bắc ở gần đó lấy vũ khí rồi quay trở lại. Cha Tiểu Bắc là lãnh đạo Cục thể dục thể thao. Tiểu Bắc cầm theo chiếc cung do hội bắn cung tặng cha mình đi làm vũ khí. Hai người bạn còn lại một cầm dao, một cầm ống thép. Ba cậu đằng đằng sát khí đi tìm chú Lỗ nhưng không thấy ông ta đâu nữa, chỉ thấy Mao Mao đang đứng một mình bên cạnh một công trường đang xây dựng. Mao Mao nói chú Lỗ đau bụng, phải đi vệ sinh. Ba cậu bé tìm thấy chú Lỗ trong công trường, giết chết ông ta và quẳng xác vào một cột trụ chưa kịp đổ bê tông. Tất cả quá trình đó đã bị một người nhìn thấy.

Tối hôm đó, nhà điêu khắc đến công trường lấy ít đất sét, vì chỉ có ở công trường xây dựng khi người ta đào đất xuống dưới sâu mới có. Nhà điêu khắc định làm một tác phẩm bằng chất liệu này. Khi đến công trường, anh ta vô tình nhìn thấy vụ xung đột và cả quá trình phi tang xác của ba cậu học sinh.

Anh ta không đi báo án, vì thực tế rất nhiều người lựa chọn phương án đó. Một viên cảnh sát hình sự từng phát biểu trước báo chí rằng, đứng trên góc độ cá nhân, người chứng kiến sự việc nhưng không tự nguyện báo án là một sự thật rất nhiều người đều hiểu. Chủ yếu là do sợ bị trả thù hoặc gây khó dễ, đây cũng là tâm lý chung của nhiều người trong xã hội.

Sau khi vụ án được đăng báo, hai cậu học sinh đã ra đầu thú, còn một cậu đã bỏ trốn khỏi nhà.

Bố mẹ của Tiểu Bắc nhận ra mũi tên trong các bức ảnh trên báo là của gia đình mình, hơn nữa hộp mũi tên lại vừa hay thiếu một chiếc. Cậu con trai Tiểu Bắc dạo gần đây tinh thần bấn loạn, không dám đến trường, không dám xem ti vi. Bố mẹ cậu sau nhiều lần gặng hỏi mới thuyết phục được cậu con trai kể ra toàn bộ sự tình. Sau khi suy nghĩ kĩ, bố mẹ cậu đã đưa con ra đầu thú.

Bố mẹ Tiểu Bắc nói với cậu con trai đang đeo còng tay của mình: "Con vẫn chỉ là một đứa trẻ, đưa con đi đầu thú tốt hơn là bao biện để con ở nhà. Bố làm thế này là vì yêu con. Có thể con chưa hiểu thế nào là yêu. Sau mấy năm cải tạo, trở lại với cuộc sống đời thường, nếu con vẫn yêu cô bé ấy, bố mẹ sẽ tôn trọng chọn lựa của con."

Tổ chuyên án nói cho Mao Mao biết việc Tiểu Bắc đã đến tự thú. Mao Mao vô cùng lo lắng, hỏi: "Liệu cậu ấy có bị xử tử hình không?"

Giáo sư Lương trả lời chân thành: "Cậu ấy tự ra đầu thú nên sẽ được giảm nhẹ tội, không bị xử tử hình đâu."

Mao Mao lại hỏi: "Thế cậu ấy sẽ bị giam giữ bao nhiêu năm ạ?"

Bao Triển nghĩ một hồi, rồi trả lời bằng một con số đại khái.

Mao Mao nói: "Em sẽ đợi cậu ấy, cho dù là mười năm hay hai mươi năm."

Họa Long lên tiếng: "Mọi tính toán của con người đều có thể thay đổi theo thời gian cô bé ạ!"

Mao Mao trả lời: "Em sẽ không bao giờ thay đổi. Làm sao em có thể thay đổi được chứ?"

Tô My hỏi: "Nhưng đến lúc đó, có khi cả hai đều đã thành mấy bác trung niên rồi."

Mao Mao trả lời: "Cậu ấy dám bảo vệ em, em nhất định phải đợi cậu ấy. Nếu cậu ấy vẫn còn muốn lấy em, em sẽ làm vợ cậu ấy."

Tổ chuyên án rời khỏi phòng thẩm vấn, bên ngoài mặt trời chói lọi, không một làn gió, cũng chẳng có mưa. Mao Mao vẫn ngồi một mình trong phòng thẩm vấn, miệng ngâm nga khúc hát kỉ niệm:

Câu chuyện dù đẹp rồi cũng có hồi kết

Em ra đi là hồi kết của tôi

Nhìn bóng em xa dần rồi xa mãi

Như số kiếp này trời đã định vậy thôi!

Nhưng em ơi, tôi muốn nói bao lời

Rằng tôi nhớ, rằng nhớ em nhiều lắm!

Em trong đời tôi là thiên thần trái đắng

Trọn kiếp này cũng chẳng thể lãng quên.

Cho dù mưa không ngừng trút trong đêm

Cho dù em bỏ tôi trong giấc mộng.

Thì em ơi, tôi vẫn luôn khát vọng

Giấc mộng này, là giấc mộng thiên thu.

----------------------------------------

Serhiy Tkach: Cựu cảnh sát điều tra hình sự, tại Nga, sinh 1952. Năm 2010 bị bắt tại Ukraina vì tội giết người hàng loạt.

Thác Takakkaw: Thác nước tại vườn quốc gia Yoho, Canada. Chiều cao 381m, được đánh giá là một trong những thác nước hùng vĩ nhất hành tinh.

Goldbach (1690 – 1764): Tên đầy đủ là Christian Goldbach, là nhà toán học nổi tiếng với học thuyết mang tên mình.

Thuyết Nhật Tâm: Học thuyết cho rằng Mặt trời là trung tâm của vũ trụ/hay của hệ mặt trời.

Cô-péc-ních (1473-1543): Tên đầy đủ là Ni-cô-lát Cô-péc-ních, là nhà Thiên văn học nổi tiếng của Ba Lan.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện