P6 - Chương 4: Bức thư gửi từ thiên đường

Tổ chuyên án lập tức mở cuộc họp khẩn cấp ngay trong đêm, mỗi người một ý kiến, các điểm nghi vấn có thể khái quát như sau:

Cô bé Kỉ Đóa mười ba tuổi, mới vào lớp sáu. Với sức lực của một đứa trẻ, cô bé không thể nào vặn gãy cổ một người trưởng thành, còn bỏ cái xác ngồi trên rào chắn đường cao như thế được, nhưng... Kỉ Đóa có phải là đồng phạm hay không?

Nếu Kỉ Đóa là đồng phạm, liệu cha cô bé có phải là hung thủ không? Nhưng cả hai cha con đều không có động cơ giết người, họ chẳng có lí do gì để sát hại Khuyển Nha cả.

Hình mặt cười Kỉ Đóa vẽ trên giấy và khuôn mặt bằng máu để lại tại hiện trường vì sao lại giống nhau đến kì lạ như thế? Phải chăng đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Hình mặt cười tại hiện trường có phải do Kỉ Đóa vẽ hay không?

Bao Triển một tay cầm bức ảnh chụp hình mặt cười bằng máu tại hiện trường gây án, một tay cầm tờ giấy có hình vẽ của Kỉ Đóa lên, hai hình vẽ giống nhau như đúc. Trong lúc mọi người vẫn đang bàn bạc phân tích, Bao Triển bỗng đưa tờ giấy vào sát mũi, ngửi hết một lượt rồi lại giơ tờ giấy lên, quan sát thật kĩ, bỗng lên tiếng: "Mọi người trật tự! Tôi vừa có một phát hiện mới!"  

Mọi người trong phòng họp đều im bặt, quay lại nhìn Bao Triển một cách tò mò. 

Bao Triển cẩn thận đặt tờ giấy lên trên bàn, cứ như đó là một quả mìn, chỉ cần sơ suất sẽ phát nổ luôn ấy. Sở trưởng Phùng cũng cúi lại gần quan sát một hồi, trên mảnh giấy chỉ có mỗi hình mặt cười Kỉ Đóa vẽ, chẳng còn nội dung gì khác. Tờ giấy đó mọi người đều đã xem rất nhiều lần, không ai thấy có gì bất thường cả. 

"Sao? Mặt cười này có vấn đề gì hả?" Sở trưởng Phùng hỏi. 

"Mọi người đừng tập trung vào hình vẽ, nhìn kĩ cả tờ giấy xem." Bao Triển nói. 

Họa Long cũng nhìn kĩ lại một lượt, nói: "Đây chỉ là một tờ giấy binh thường thôi!"

"Xung quanh hình vẽ là gì?" Bao Triển hỏi. 

"Trắng trơn!" Sở trưởng Phùng trả lời. 

"Trên vùng trắng trơn đó có gì." Bao Triển tiếp tục hỏi.

"Chẳng có gì cả." Sở trưởng Phùng trả lời. 

"Không!" Bao Triển quả quyết: "Trên vùng trắng trơn đó là rất nhiều những con chữ." 

Mọi người bấy giờ mới để ý, trên tờ giấy có rất nhiều vết hằn của bút viết. 

Đây có lẽ là những vết hằn từ tờ giấy bên trên khi Kỉ Đóa viết. Do cô bé viết tương đối nhẹ tay nên những nét chữ để lại không rõ ràng, mắt thường khó mà phát hiện được. 

Trong muôn vàn các vụ án lớn nhỏ, thường xuyên nhắc tới vết hằn chữ viết. Với những vụ án đó, cảnh sát đều phải tiến hành giám định vết hằn. Để hiển thị được các vết hằn trên giấy, trước tiên cảnh sát có thể sử dụng kĩ thuật chụp tạo khối bằng ánh sáng xiên. Sau khi chụp từ các góc sáng khác nhau, sẽ tiến hành quan sát độ lồi lõm hai bên vết hằn, cuối cùng sử dụng sự khúc xạ ánh sáng để hiển thị các vết hằn này. Với những trường hợp khó, cần phải sử dụng đến thiết bị tĩnh điện chuyên dụng. Một bộ phận những nét chữ quá mờ, chỉ còn cách suy luận từ các nét bút còn thấy được, hướng đi và cách giao cắt giữa các nét, độ rõ mờ của từng nét bút để suy đoán về nội dung ẩn giấu trên giấy. 

Những con chữ trên mảnh giấy này có thế chẳng có tác dụng gì, nhưng đối với công tác điều tra phá án, những việc vô ích hơn thế này còn nhiều hơn nữa, những chiến sĩ cảnh sát phải đi qua rất nhiều "đường vòng", mới có thể vén màn sương che phủ sự thật. 

Bao Triển và Tô My bận rộn suốt một đêm, đến tận khi gần sáng mới hoàn thành công việc giám định vết chữ. 

Bao Triển từ tốn nói: "Chị Tô My, chị nghỉ một lát đi, để tôi in nội dung ra cho." 

Tô My vươn vai một cái thật dài, vừa ngáp vừa đưa tay vỗ vỗ miệng, nói; "Cậu không mệt à? Thế tôi ra ghế nghỉ một lát nhé!" 

Bao Triển in xong phần nội dung, quay ra đã thấy Tô My nằm co ro trên ghế bành như một chú mèo con hai mắt nhắm tịt, chìm vào giấc ngủ. Hình ảnh Tô My khi ngủ khiến người ta phải say đắm, mái tóc mềm mượt chảy xuống che nửa khuôn mặt, tiếng thở đều đều và nhẹ nhàng, đôi môi hồng như trái anh đào vừa chín, lớp mi dài khiến khuôn mặt càng thêm quyến rũ. Bao Triển bất giác chìm đắm trong vẻ đẹp đó, rồi bỗng thấy xót xa, vội cởi chiếc áo khoác cảnh sát trên người xuống, nhẹ nhàng đắp lên cho Tô My. 

Tô My lim dìm mắt, cười đùa: "Nhìn tôi chằm chằm làm gì hả? Mặt dày!" 

Bao Triển bỗng đỏ mặt, ấp a ấp úng không biết phải trả lời ra sao. 

Khi mọi người đã đến đầy đủ, buổi họp lại tiếp tục. Các buổi họp là một trong những "món đặc sản" của các cảnh sát hình sự mỗi khi phá án. Những cảnh tượng được vẽ ra trong các cuốn tiểu thuyết trinh thám cũng chỉ có thể nằm trong tiểu thuyết, không thể nào xuất hiện ngoài thực tế. Đại đa số các vụ án tại Trung Quốc đều được phá bằng những buổi họp khô khan và vô vị như thế này. 

Nội dung trên tờ giấy đã được in ra, dưới đây là những gì mà Kỉ Đóa đã viết: 

"Xin chào! 

Chắc chắn cô (chú) đang thấy rất lạ khi nhận được bức thư này phải không? Vì cô (chú) không biết cháu là ai và cháu cũng chưa bao giờ quen cô (chú) cả. Thật đấy! Thậm chí cháu còn không biết bức thư này sẽ về tay ai, là nam hay nữ, còn trẻ hay đã có tuổi, tất cả đều chỉ là sự tình cờ. 

Cô (chú) có thể cho cháu biết tên được không ạ? À phải rồi, cháu xin tự giới thiệu, cháu là Kỉ Đóa, qua sinh nhật sắp tới đây cháu sẽ tròn mười ba tuổi. Cháu đang học lớp sáu, là con gái trong một gia đình ở nông thôn, nhưng sau này khi tốt nghiệp cháu mong muốn có cơ hội lên thành phố để phát triển, đến khi đó chắc phải nhờ cô (chú) giúp đỡ nhiều. Cháu không có máy di động, nhà cũng không có điện thoại bàn, nên cháu chỉ có cách viết thư... 

Cha mẹ cháu đều là nông dân, trong nhà chẳng có mấy tiền bạc, chỉ đủ sống qua ngày. Nhưng cũng may, cháu có một gia đình hạnh phúc, chắc cô (chú) cũng thế chứ ạ? Cháu cũng không muốn vòng vo nhiều, thực ra cháu muốn mượn của cô (chú) năm mươi tệ, vì các thứ tiền phải dùng ở trường học rất nhiều, mà cháu thì không muốn xin cha mẹ, thế nên... không biết có được không ạ? Cứ cho đây là bí mật nho nhỏ của cô (chú) cháu mình, không tiết lộ cho ai biết có được không ạ? Thực ra cháu rất thích vẽ, từ trước tới giờ cháu luôn ước có một chiếc giá vẽ nhưng vì điều kiện kinh tế eo hẹp nên chưa thể mua được. Không biết cô (chú) có giúp được không? Cô (chú) cứ yên tâm, cháu không phải là một đứa trẻ lừa đảo, cháu chỉ là một học sinh thôi ạ. 

Cháu hi vọng cô (chú) sẽ bớt chút thời gian bận rộn để trả lời thư của cháu, nhưng phải nhanh lên nhé! Về thời gian trả tiền, chắc phải đợi tới khi cháu kiếm ra tiền có được không ạ? Tháng lương đầu tiên cháu sẽ dùng để trả tiền đã mượn của cô (chú). Xin hãy tin tưởng cháu! Cháu học lớp 6A6 trường trung học cơ sở số một thị trấn Thành Quan, huyện Bội. Cô (chú) cứ ghi người nhận là Kỉ Đóa là được ạ. Cháu tin cô (chú) là một người nhiệt tình, cô (chú) nhất định phải gửi tiền cho cháu đấy nhé!

À, mà cháu muốn thay đổi một chút! Cháu muốn mượn một trăm tệ có được không ạ? Mong cô (chú) giúp đỡ! Chân thành cảm ơn! 

Cô (chú) nhớ gửi sớm nhé, nếu tiện có thể chuyển phát nhanh được không ạ? 

Chúc cô (chú) có nhiều sức khỏe, vạn sự như ý!" 

Nội dung bức thư khiến mọi người đều vô cùng khó hiểu, chẳng lẽ Kỉ Đóa viết thư cho một người lạ để... mượn tiền? Cô bé còn nói dối rằng cha mẹ mình là nông dân, sự thực mẹ cô bé đã mất từ lâu. Kỉ Đóa mượn tiền mua giá vẽ có thể cũng chỉ là một lí do ngụy tạo, cần phải điều tra kĩ hơn nữa mới có câu trả lời chính xác. 

Vì sao cô bé lại viết thư cho người lạ? 

Bức thư này gửi cho ai? 

Kỉ Đóa mượn tiền để làm gì? 

Giáo sư Lương một lần nữa phân chia công việc Tô My và Sở trưởng Phùng quay lại nhà Kỉ Đóa một lần nữa, còn Bao Triển và Họa Long tới trường của cô bé điều tra, nhất định phải làm rõ tất cả các điểm nghi vấn liên quan đến cô bé này.

Nhà Kỉ Đóa không có ai, gọi cửa không có tiếng trả lời. Một người phụ nữ trung niên sống bên cạnh cho cảnh sát biết một thông tin bất ngờ Kỉ Đóa tự sát. Kỉ Đóa mở bình ga trong phòng, khi cha cô bé phát hiện ra, cô bé đã hôn mê bất tỉnh, hiện vẫn đang cấp cứu tại bệnh viên. 

Tô My hỏi người hàng xóm: "Tại sao lại tự sát? Bác có biết nguyên nhân không?" 

Sở trưởng Phùng hỏi tiếp: "Lần này lại là vì trộm tiền sao?" 

Người phụ nữ trung niên thở dài, giọng trầm xuống: "Đứa bé đó và cha nó có mối quan hệ bất bình thường. Tôi biết ngay là sớm muộn gì cũng có chuyện mà." 

Người phụ nữ này có lần hỏi Kỉ Đóa một câu rất nhiều người từng bị hỏi. Một số người khi sắp đến tuổi già thường thử thái độ của con cháu với tình thân gia đình, bằng cách hỏi một câu cũ rích: "Nếu cha và bạn trai cùng rơi xuống nước nhưng chỉ có thể cứu một người thì bạn sẽ cứu ai?" 

Kỉ Đóa chẳng ngần ngại trả lời: "Bạn trai!" 

Người phụ nữ hàng xóm lắc đầu, cho rằng đứa trẻ này chẳng có chút hiếu thuận nào. 

Kỉ Đóa trước khi rời đi còn nói thêm một câu. "Cha cháu chính là bạn trai của cháu!" 

Lời kể của người phụ nữ hàng xóm khiến cả hai đều vô cùng kinh ngạc. Tô My nhớ ra căn phòng Kỉ Đóa không thể khóa trái của từ phía trong, không biết giữa hai cha con có xảy ra chuyện gì hay không. Sở trưởng Phùng thì cho rằng, Kỉ Đóa tự sát có thể do không thể nhẫn nhịn mãi những hành động đi quá giới hạn của người cha. Một cô bé đang tuổi dậy thì như Kỉ Đóa cần có không gian riêng tư và những sự tôn trọng nhất định về mặt thể xác cũng như tinh thần. Những hành động có thể chỉ vì thương yêu của người cha đã khiến cô bé đi từ sợ hãi đến buông xuôi, từ mơ hồ đến ngượng ngùng khó xử, để đến cuối cùng cô bé mới lớn lựa chọn con đường tiêu cực nhất - tự sát. 

Trong lớp học, chỗ ngồi của Kỉ Đóa giờ trống không, Bao Triển và Họa Long sau khi điều tra biết được Kỉ Đóa và cô bạn cùng bàn từng có đoạn nói chuyện thế này: 

Kỉ Đóa: "Ở đâu nhiều người có tiền nhất?" 

Bạn cùng bàn: "Cậu hỏi cái đó làm gì?" 

Kỉ Đóa: "Cậu đừng quan tâm chuyện đó." 

Bạn cùng bàn: "Cậu muốn có viên trợ sao?" 

Kỉ Đóa: "Viện trợ là sao cơ?" 

Bạn cùng bàn: "Ha ha! Cậu còn non và sượng lắm. Cái đó mà cũng không hiểu. Thế cậu tìm người có tiền làm gì." 

Kỉ Đóa: "Tớ muốn mượn tiền mua đồ ăn cho Tommy, nó ốm rồi, mỗi ngày phải ăn một cái xúc xích với uống sữa mới khỏe lại được." 

Bạn cùng bàn: "Tommy là ai?" 

Kỉ Đóa: "Là một chú chó lang thang tớ nhặt về. Cái tên Tommy là do tớ đặt đấy, có hay không? Tommy còn nhỏ lắm, trông rất đáng thương, tiền tiêu vặt của tớ ít quá không đủ dùng." 

Bạn cùng bàn: "Cậu biết chỗ làm của cha tớ không? Ở Cục Tài Chính ấy, có rất nhiều người giàu có." 

Kỉ Đóa: "Tớ muốn viết một bức thư gửi cho một người giàu có nào đó." 

Bạn cùng bàn: "Gửi kiểu gì bây giờ?" 

Kỉ Đóa: "Tớ sẽ thả thư dưới đất, hi vọng sẽ có ai đó giàu có nhặt được, nếu đó là người tốt, họ nhất định sẽ cho tớ mượn tiền." 

Sau này khi điều tra ra mới biết, cô bé Kỉ Đóa ngây thơ viết một bức thư mượn tiền cho một người lạ mặt. Cô bé đứng thập thò bên ngoài Cục Tài chính một hồi định thả thư xuống đất, hi vọng có ai đó nhặt được sẽ cho cô bé mượn một trăm tệ. Nhưng cô bé lại lo những người làm vệ sinh sẽ vứt bức thư của mình vào thùng tác, như thế thì thành công cốc, và cô bé quyết định nhét bức thư vào trong hòm thư góp ý trước cửa Cục Tài Chính.

Mục đích viết thư mượn tiền của Kỉ Đóa vì muốn cứu giúp một chú chó lang thang. Từ một góc độ nào đó bức thư của Kỉ Đóa chính là bức thư đến từ thiên đường, đến từ lòng từ bi bác ái của Thượng Đế.

Thế nhưng, hòm thư góp ý của Cục Tài Chính chưa bao giờ được mở ra kể từ khi nó có mặt ở đó. 

Cục trưởng Cục Tài chính, vị lãnh đạo đã lãi được cả một căn nhà nhờ bao nuôi một cô bồ nhí, chính ông ta có lẽ cũng chẳng còn nhớ rằng trước cửa cơ quan của mình còn có một hòm thư như vậy. 

Tại hầu hết các thành phố đều lắp đặt những hòm thư dành cho quần chúng, ví như hòm thư Chủ tịch huyện, hòm thư Viện trưởng, hòm thư kỉ luật, hòm thư tố cáo.v.v... Những hòm thư này sau một thời gian đều bắt đầu hoen gỉ, vì chúng chưa bao giờ được ai đụng tới. Sau những tháng ngày "ngủ yên", trên mặt các hòm thư đã phủ những lớp bụi dày. Những hòm thư hoan gỉ đó dần trở thành "vành tai thằng điếc", chỉ còn tác dụng trang trí mà thôi. Mục đích xuất hiện của những hòm thư công cộng như thế này là để nhân rộng và công khai quyền lợi tự do ngôn luận của nhân dân, thế nhưng sau khi đã treo chúng lên tường, chẳng còn ai của cơ quan chức năng thèm để mắt tới, như thế sự xuất hiện của chúng nào còn ý nghĩa gì nữa? 

Hòm thư tố cáo có lẽ chỉ còn hai mục đích, một là để tự lừa người tự lừa mình, hai là để chúng tự hoen gỉ.

Tác dụng duy nhất của hòm thư Chủ tịch huyện là để người ta nhìn vào đó mà thở dài. Khi chúng ta ngang qua đó ngày hôm qua, thấy nó nằm im lìm, ngày hôm nay ta lại ngang qua đó, thấy chiếc hòm bắt đầu hoan gỉ, ngày hôm sau khi chợt nhìn thấy, chúng ta mới phát hiện hòm thư đó thực ra chưa từng được mở khóa.

Lúc chuẩn bị rời khỏi trường học, Bao Triển bỗng nhớ ra điều gì quan trọng, anh lôi tay Họa Long chạy một mạch quay lại lớp học. Trên chiếc bảng tin treo cuối lớp, có treo những bài làm văn xuất sắc của học sinh, trong đó có một bài viết của Kỉ Đóa. Cha Kỉ Đóa từng nói với tổ chuyên án, rằng con gái ông được cô giáo tuyên dương về bài viết xuất sắc. Kỉ Đóa trước đây vốn là một cô học trò vừa học giỏi vừa ngoan ngoãn, nhưng sau này vì lí do nào đó không ai rõ, thành tích học tập của cô bé ngày càng giảm sút, đời sống tâm lí cũng gặp nhiều vấn đề.

Bao Triển đọc một lượt bài viết của Kỉ Đóa, cảm thấy rất ư kinh ngạc, anh chỉ vào bài văn viết về đoàn xiếc của Kỉ Đóa mà nói: "Hung thủ... nằm trong chính bài văn này." 

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện