Chuyện thứ nhất: Hoa anh đào [1]
1
“Này, trông cứ như tuyết rơi ấy nhỉ,” Akari nói. Chuyện đã mười bảy năm rồi, đó là hồi chúng tôi vừa bước vào lớp Sáu. Hai đứa vẫn thường đi bộ dọc khu rừng nhỏ trên đường về nhà, cặp sách nặng trĩu vai. Dạo ấy là mùa xuân, hoa anh đào đang độ mãn khai. Vô vàn cánh hoa lặng lẽ chao lượn trên không trước khi phủ trắng con đường nhựa dưới chân. Không khí ấm áp, trời nhẹ và trong như được màu xanh gột rửa. Cách đấy không xa là tuyến tàu điện Odakyu và tuyến đường dành cho tàu cao tốc, nhưng những âm thanh ở đó dường như không thể chạm tới chúng tôi. Cả khu rừng chỉ vọng vang tiếng chim ca hót đón chào mùa xuân. Ngoài chúng tôi, xung quanh không còn ai nữa. Thật chẳng khác gì một bức họa xuân tuyệt đẹp.
Phải, ít nhất trong kí ức của tôi, cảnh tượng hôm ấy có thể nói là đẹp như tranh. Hoặc như phim. Mỗi lần cố chạm tay vào kỉ niệm xưa cũ, tôi luôn có cảm giác mình đứng hẳn ra ngoài, tách rời khung tranh mà ngắm lại tuổi thơ. Cậu nhóc tròn mười một và bên cạnh là cô nhóc cùng tuổi, cao xấp xỉ nhau. Thế giới chứa chan ánh sáng ôm ấp trọn vẹn bóng dáng họ. Phải, bức họa lúc nào cũng chỉ lưu giữ được bóng dáng, và lúc nào cô bé cũng chạy bứt lên trước. Chút cô đơn thoáng qua cõi lòng cậu bé thuở ấy ghi khắc trong tôi đến tận hôm nay và khiến tôi, dù đã lớn vẫn còn cảm thấy buồn man mác.
Tóm lại là lúc đó, Akari ví những cánh hoa bay rợp trời với tuyết rơi. Tôi khó lòng hình dung tương tự. Bởi với tôi, anh đào mãi mãi là anh đào, và tuyết chỉ có thể là tuyết.
“Này, trông cứ như tuyết rơi ấy nhỉ…”
“Ừm, thế hả? Giống tuyết thật sao?”
“Mà thôi, chẳng có gì.”
Akari ngắt lời tôi, tiến lên hai bước rồi xoay phắt người lại. Dưới ánh nắng, mái tóc màu hạt dẻ của em bắt sáng lấp lánh. Liền đó, em thốt ra một câu chẳng đâu vào đâu.
“Này, tớ nghe nói vận tốc là năm centimet trên giây.”
“Gì cơ?”
“Cậu thử đoán xem.”
“Tớ chịu.”
“Động não một chút nào, Takaki.”
Có động não tôi cũng không tìm được đáp án, nên đã trả lời thành thật rằng mình không biết.
“Vận tốc rơi của hoa anh đào đấy. Năm centimet trên giây.”
Năm-centimet-trên-giây. Mắt tôi mở to kinh ngạc. Không, phải nói là mở to khâm phục, “Chà chà, Akari, cậu biết nhiều thật đấy!”
“Hì hì…” Akari cười sung sướng, “Còn nhiều nữa cơ. Này nhé, vận tốc của mưa là năm mét trên giây. Còn mây chỉ được một centimet mỗi giây.”
“Mây? Ý cậu là mây trên trời á?”
“Ừ, những đám mây trên trời.”
“Mây cũng rơi được à? Chẳng phải là nó đang trôi thôi sao?”
“Mây cũng rơi. Không phải là đang trôi đâu nhé. Bởi mây là tích tụ của những hạt mưa li ti. Chỉ có điều, nhìn từ xa có cảm giác đám mây khổng lồ đó đang trôi lơ lửng. Những hạt mây rơi chậm, rất chậm, đồng thời lớn dần lên, hóa thành mưa, thành tuyết và chạm xuống mặt đất.”
“Ái chà chà…” Đến đây thì tôi thực sự cảm phục, hết nhìn lên bầu trời lại nhìn xuống những cánh hoa. Nghe cách Akari thủ thỉ trò chuyện, nghe giọng nói đầy phấn khích của em, có cảm giác hai đứa vừa khám phá ra được một chân lí vĩ đại của vũ trụ.
Năm centimet trên giây sao?
“Ài chà chà…” Akari nhai lại điệu bộ cảm thán của tôi, rồi bất ngờ lao đi.
“Ơ kìa, chờ tớ đã, Akari!” Tôi gọi với theo.
Thuở ấy, tất cả những kiến thức thu lượm từ sách vở hoặc ti vi đều được chúng tôi coi là quan trọng. Ví như vận tốc một cánh hoa rơi, tuổi thọ của vũ trụ hay nhiệt độ nóng chảy của bạc… Chúng tôi thường xuyên trao đổi thông tin với nhau trên đường đi học về. Chẳng khác gì hai chú sóc nhỏ đang ra sức nhặt nhạnh hạt sồi để chuẩn bị cho kì ngủ đông. Hay như những nhà du hành dong buồm phiêu lãng khắp thế gian, cặm cụi chắt chiu từng mảnh tri thức, thậm chí có thể nhớ được cách đọc tên từng vì tinh tú đang tỏa sáng lấp lánh trên bầu trời đêm. Và không hiểu sao lúc đó tôi có một suy nghĩ rất nghiêm túc là những tri thức, dù nhỏ bé đến đâu, cũng sẽ có ích cho cả quãng đời sau này của hai đứa.
Phải! Thuở ấy tôi và Akari ghi nhớ rất nhiều thứ. Chúng tôi biết được vị trí các ngôi sao theo từng mùa, hay phải quan sát từ đâu, với cường độ ánh sáng thế nào để thấy được Mộc Tinh. Chúng tôi còn biết tại sao nhìn bầu trời lại xanh, tại sao trái đất phân chia ra các mùa, người Neanderthal bị tuyệt chủng vào thời kì nào, tên những loài động vật đã biến mất từ Kỉ Cambri… Cả hai say mê các hiện tượng kì thú và có phần xa xôi vĩ đại như thế hơn hẳn những thứ hiện hữu quanh mình. Nhưng giờ đây, khối kiến thức xưa cũ đã phai nhạt trong tôi. Điều duy nhất tôi còn nhớ được là quả thật chúng tôi từng biết rất nhiều, rất nhiều thứ.