Chuyện thứ hai: Phi hành gia [1]

1

Mặt trời đỏ từ từ nhô lên ở rìa đại dương mênh mông, nước biển như dát bạc, sáng lấp lánh. Bầu trời trong, xanh thăm thẳm, đẹp đến không thể nào đẹp hơn được nữa. Làn nước ấm áp mơn man trên da thịt, cơ thể tôi nhẹ­­ bỗng, bập bềnh trên mặt biển sóng sánh. Những lúc ở một mình giữa đại dương bao la thế này, tôi thấy sự có mặt của mình trở nên “đặc biệt” hơn, cảm giác lâng lâng vì hạnh phúc, dù trong lòng còn trăm mối lo toan.

“Thế này là đủ sung sướng rồi.” Chính kiểu suy nghĩ lạc quan, tưng tửng như thế khiến tôi toàn chuốc lấy rắc rối cho mình. Nhưng trong lòng tôi vẫn ngập tràn niềm hân hoan, xoải tay đón những con sóng tiếp nối nhau. Bình minh trên biển lúc nào cũng đẹp, hàng ngàn con sóng chuyển động nhịp nhàng, xô nhau vào bờ, khó có lời nào để diễn tả sắc màu của biển lúc này. Tôi nhô người trên ván trượt, sẵn sàng cưỡi con sóng đang tiến đến gần mình. Sắp đứng thẳng được rồi thì “ùm”, tôi mất thăng bằng ngã nhào xuống, ngụp sâu dưới những con sóng. Thất bại toàn tập! Vị nước biển mặn chát xông lên mũi, mắt cũng tối sầm.

Vấn đề đầu tiên của tôi. Suốt nửa năm qua, tôi vẫn chưa cưỡi được con sóng nào, dù chỉ một lần.

Tôi quay về bờ và tiến lại gần bãi đỗ xe (thực ra chỉ là một khoảng đất trống, cỏ mọc um tùm, cao hơn bãi cát một chút). Nấp sau bụi cây cao đến đầu người, để ý xung quanh không có ai, tôi cởi bỏ tấm áo bảo vệ và bộ đồ bơi, giội sạch người bằng nước ngọt, sau đó mặc lại bộ đồng phục. Gió biển táp vào người thật khoan khoái biết bao! Tóc tôi cắt ngắn chưa bao giờ đến vai nên chẳng mấy chốc đã được hong khô. Cây cỏ phất phơ trong nắng sớm in bóng lên bộ đồng phục thủy thủ màu trắng của tôi. Tôi yêu biển vô cùng, và càng yêu hơn những sáng sớm mùa hạ trong lành như thế này. Nếu là mùa đông, việc thay đồ sau mỗi buổi luyện tập chẳng khác gì cơn ác mộng.

Đang thoa son dưỡng cho bờ môi khô nẻ của mình thì nghe tiếng còi xe Stepwagon quen thuộc của chị gái, tôi vội ôm ván trượt và ba lô, chạy ra đón chị. Chị mặc bộ đồ thể thao màu đỏ, trông thấy tôi liền hạ cửa kính, gọi, “Kanae, buổi tập hôm nay ổn chứ?”

Trông chị lúc nào cũng xinh đẹp. Mái tóc suôn dài, phong thái dịu dàng. Không những thế, chị còn rất thông minh và hiện đang dạy trường cấp III nơi tôi theo học. Chị lớn hơn tôi tám tuổi. Thực ra, ngày xưa tôi không thích chị lắm. Lí do thì tôi muốn giữ cho riêng mình thôi, nhưng thử tưởng tượng xem, một đứa nhóc vừa tầm thường vừa hậu đậu như tôi suốt ngày bị đem ra so sánh với mẫu người hoàn hảo như chị, hỏi có khó chịu không? Nhưng bây giờ thì khác, tôi đã yêu mến chị rồi. Chẳng biết tự lúc nào tôi đã thầm ngưỡng mộ vì hiếm có ai như chị, tốt nghiệp đại học xong quyết định về quê làm việc. Giá như không phải mặc bộ đồ thể thao quê một cục đó, chị sẽ còn xinh đẹp hơn gấp trăm lần. Tôi rất muốn cho chị biết nhận xét của mình, nhưng có lẽ xinh đẹp và nổi bật quá sẽ khiến chị thành ra lạc lõng ở hòn đảo nhỏ bé này.

Tôi cất ván trượt vào thùng xe rồi đáp, “Lại hỏng rồi chị ạ. Hôm nay gió cứ thổi ra phía biển hoài.”

“Cừ từ từ em ạ. Buổi chiều sau giờ học có tập nữa không?”

“Em có. Chị đi được không?”

“Chị đi được. Nhưng em cũng phải lo học đi đấy.”

“V-â-n-g.”

Tôi đáp rõ to làm ra vẻ ngoan lắm, rồi chạy biến ra chỗ dựng xe máy. Đó là chiếc Super Cub của hãng Honda, chị nhận của trường lúc đi làm, giờ không dùng nữa nên cho tôi. Trên đảo không có tàu điện, xe buýt cũng không nhiều nên học sinh chủ yếu chạy xe máy. Đủ mười sáu tuổi là có thể thi lấy bằng lái. Chạy xe máy vừa tiện vừa thoải mái nhưng không mang được ván trượt nên mỗi lần ra biển luyện tập, tôi lại phải nhờ chị lái ô tô chở nó đi. Sau đó chúng tôi cùng đến trường, tôi phải học, còn chị thì dạy học. Tôi mở khóa xe và nhìn đồng hồ. Bây giờ là 7 giờ 55 phút. May quá, vẫn còn kịp. Giờ này chắc hẳn cậu ấy vẫn ở bãi tập. Tôi nổ máy chạy theo chị, để lại bờ biển đầy nắng và gió phía sau lưng.

Tôi bắt đầu với bộ môn lướt ván năm lớp Mười, muốn bắt chước chị vì hồi sinh viên chị có gia nhập câu lạc bộ lướt ván của trường. Ngay ngày đầu tiên, tôi đã bị nó mê hoặc. Nhưng mà nhé, lướt ván không thời thượng lắm đâu, nó đòi hỏi sự khổ luyện (bước đầu tiên là luyện tập cơ bản trước khi luyện tập trên biển. Suốt ba tháng liền, từ sáng sớm đến xế chiều, tôi chỉ học chèo xuồng, rồi học ngụp lặn với tấm ván trượt). Tôi không biết vì sao nhưng tôi thích cảm giác đương đầu với những con sóng, với đại dương bao la và vĩ đại. Có hình ảnh nào đẹp hơn thế? Lên lớp Mười một, tôi thành thục hơn trong việc sử dụng ván trượt, vào một ngày hè, trong đầu bất chợt nảy ra ý nghĩ mình phải đứng được trên những con sóng. Tôi phải lựa chọn giữa ván trượt dài và ván trượt ngắn. Nói đến lướt ván, người ta nghĩ ngay đến ván ngắn và là một đứa thích chạy theo mốt nên tôi chọn ngay ván ngắn. Hồi đầu, không hiểu ăn may thế nào, tôi có thể đứng trên ván trượt mấy lần nhưng về sau, tôi bị vấp hoài không đứng lên được. Có lúc tôi đã nghĩ hay là bỏ quách môn ván ngắn khó nhai này đi, quay lại với ván dài. Nhưng vẫn mắc kẹt với ý nghĩ đâm lao thì phải theo lao. Trong lúc còn dùng dằng nửa bỏ nửa không, tôi bước vào năm học cuối cấp, vèo một cái đã đến hè. Tôi vẫn chưa cưỡi được con sóng nào. Đó là một trong những nỗi khổ tâm lớn nhất của tôi.

Vấn đề thứ hai, tôi sẽ kể ngay đây.

Phựt!

Âm thanh phát ra thật đanh, hòa cùng tiếng chim ca đón chào buổi sáng. Đó là tiếng mũi tên vừa đâm xuyên qua tấm bia giấy. Bây giờ là 8 giờ 10 phút. Tôi đứng nép vào chỗ bóng đổ của khu học xá, lòng hồi hộp. Ban nãy, tôi đã ló đầu ra len lén quan sát, vẫn chỉ có mình cậu ấy trên bãi tập bắn cung như mọi khi.

Thực ra việc tôi tập lướt ván từ sáng sớm một phần cũng vì cậu ấy. Tôi biết sáng nào cậu cũng tập bắn cung một mình ở trường. Chỉ cần cậu say mê một cái gì, tôi cũng muốn có niềm say mê tương tự. Dáng giương cung của cậu ấy đẹp tuyệt. Thú thật, tôi chưa bao giờ dám lại gần để quan sát, cậu ấy mà phát hiện thì ngượng lắm. Nên lúc nào tôi cũng đứng ở một khoảng xa thế này, cách cậu ấy chừng một trăm mét và dõi theo. Nói đúng hơn là “nghía trộm”.

Tôi chỉnh lại đầu tóc, trang phục, vuốt cho phẳng nếp váy, hít một hơi thật sâu. Xong rồi! Phải tỏ ra thật tự nhiên mới được. Nhớ là thật tự nhiên! Tiến lên nào, đi về phía bãi tập bắn cung.

“Ồ, xin chào!”

Như mọi khi, trông thấy tôi tiến lại gần, cậu ấy sẽ ngừng tập và cất tiếng chào. Ôi, chết mất. Cậu ấy thật dịu dàng. Giọng nói trầm ấm quá!

Tim đập thình thịch nhưng ở ngoài mặt tôi vẫn cố tỏ ra bình thản, tiếp tục bước, thật chậm. Làm như mình chỉ tình cờ đi ngang qua đây. Tôi đáp lại cẩn trọng và rành mạch, cố không để bị vấp.

“A, Toono. Chào cậu. Hôm nay, cậu đến sớm nhỉ?”

“Sumida cũng thế mà. Vừa tập ở biển về đúng không?”

“Ừ.”

“Cậu chăm quá!”

“S-ao c-cơ…” Quá bất ngờ vì được khen. Chết rồi, tai tôi chắc đỏ lựng mất? “À, là… làm gì có đâ… đâu. À, ờ… Gặp sau nhé, Toono!” Vừa hạnh phúc, vừa xấu hổ, tôi muốn chạy khỏi đây, càng nhanh càng tốt.

“Ừ, hẹn gặp lại,” giọng nói ấm áp của cậu ấy vang lên sau lưng tôi.

Vấn đề thứ hai của tôi. Tôi thích đơn phương một người. Suốt năm năm trời, tôi chỉ thích mình cậu ấy. Tên cậu là Toono Takaki.

Thực tế, thời gian được ở cạnh cậu ấy từ giờ đến lúc tốt nghiệp chỉ còn nửa năm nữa thôi.

Tiếp theo, vấn đề thứ ba. Đó là tờ giấy trên bàn, trước mặt tôi. 8 giờ 35 phút sáng. Đang giờ sinh hoạt lớp. Tôi ngồi lơ mơ nghe thầy Matsuno, thầy chủ nhiệm của chúng tôi dặn dò. “Nghe này, đến lúc các em phải đưa ra quyết định rồi. Hãy bàn bạc thật kĩ với gia đình và viết vào đây…” Đại khái thế. Tờ giấy có ghi “Khảo sát nguyện vọng hướng nghiệp lần thứ 3.” Tôi gần như không có chút ý tưởng sẽ viết gì nữa.

12 giờ 50 phút. Một bản hòa tấu vang lên giữa giờ nghỉ trưa. Nghe rất quen, hình như tôi nghe bản này ở đâu rồi thì phải? Không hiểu sao tôi lại nhớ đến mấy con chim cánh cụt biết trượt băng. Vấn đề là bản nhạc có mối dây liên hệ với những thứ đang hiện ra trong đầu tôi lúc này không? Tên bản nhạc là gì nhỉ? Tôi cố nhớ nhưng không được, đành quay lại với món trứng rán trong hộp cơm mẹ làm cho. Thơm và ngon quá. Hương vị ngọt ngào của nó đủ làm tôi thấy hạnh phúc. Tôi, Yukko, và Saki ngồi chụm đầu vào nhau cùng ăn cơm trưa, hai cô bạn của tôi nãy giờ vẫn say sưa nói về những dự định sau khi rời ghế nhà trường.

“Nghe nói Sasaki sẽ thi đại học ở Tokyo đấy.”

“Sasaki nào, ý cậu là Kyoko hả?”

“Nhầm rồi, Sasaki lớp 12-1 cơ mà.”

“À, Sasaki thuộc câu lạc bộ văn nghệ chứ gì. Có gì lạ đâu?”

Chỉ nghe đến lớp 1, tim tôi đã đập thình thịch. Cùng lớp Toono. Trường tôi mỗi khóa đều có ba lớp, lớp 1 và 2 học giáo trình phổ thông, đặc biệt lớp 1 tập trung những bạn có nguyện vọng thi đại học. Lớp 3 học theo chương trình đào tạo bổ túc, nghĩa là sau khi tốt nghiệp sẽ thi tiếp vào trường dạy nghề hoặc xin việc luôn, phần lớn các bạn đều ở lại đảo. Tôi học lớp 3. Chưa hỏi chuyện trực tiếp nhưng tôi nghĩ Toono sẽ thi đại học. Tôi có linh cảm kì lạ rằng cậu ấy muốn quay lại Tokyo. Nghĩ đến đây, vị trứng rán bỗng như tan biến.

“Kanae thì sao?” Yukko bất ngờ quay sang phía tôi, làm tôi rối như gà mắc tóc.

“Định xin việc sao?” Saki nhanh nhảu tiếp lời.

“Ưm…” Tôi ậm ờ cho qua, bởi chính tôi cũng không biết mình sẽ làm gì.

“Con bé này, đến giờ còn chưa nghĩ gì là sao?” Saki có vẻ thất vọng lắm.

“Chỉ suốt ngày Toono, Toono…” Yukko bồi thêm.

“Cậu ta có bạn gái ở Tokyo rồi,” được cả Saki nữa.

Thế là tôi hét ầm lên, nổi cáu thực sự. “Làm gì có chuyện…”

Hai người cười phá lên. Hóa ra bọn họ đi guốc trong bụng tôi.

“Thôi. Tớ đi mua sữa chua đây,” tôi phụng phịu đáp rồi đứng phắt dậy. Bị lôi ra làm trò cười cũng chẳng sao, nhưng nghe chuyện Toono có bạn gái ởTokyo, sao tôi chịu nổi.

“Lại uống nữa hả?! Hộp thứ hai rồi còn gì?”

“Khát thì phải uống chứ sao!”

“Quả là Cô gái Lướt Ván!”

Bỏ ngoài tai những lời châm chọc của hai đứa, tôi một mình bước dọc hành lang, để gió xoa dịu cơn bực tức. Tự dưng tôi để ý có mấy tấm áp phích dán trên tường in hình những cột khói khổng lồ bay lên từ bệ phóng tên lửa. “Tên lửa H2 số 4, phóng lên lúc 10 giờ 53 phút, ngày 17 tháng Tám năm Bình Thành thứ 8[1]” “Tên lửa H2 số 6, phóng lên lúc 6 giờ 27 phút, ngày 28 tháng Mười một năm Bình Thành thứ 9”… Tôi nghe đồn rằng mỗi lần phóng tên lửa thành công, ai đó thuộc tổ chức NASDA[2] lại mang mấy tấm áp phích đến đặt ở đây.

[1] Bình Thành (Heisei) là niên hiệu hiện tại của Nhật Bản. Thời kỳ Heisei bắt đầu từ ngày 8 tháng Giêng năm 1989, ngày đầu tiên sau cái chết của Thiên hoàng Chiêu Hòa (Showa) đồng thời là ngày con trai ông, Akihito lên nối ngôi. Năm Bình Thành thứ 8, 9 tương ứng với năm 1996, 1997.

[2] National Space Development Agency of Japan: Cục Phát triển Vũ trụ Nhật Bản.

Tôi chứng kiến vụ phóng tên lửa cũng mấy lần rồi. Đứng ở vị trí nào trên đảo cũng dễ dàng nhìn thấy những quả tên lửa bay vụt lên, đẩy cột khói trắng lại phía sau. Nói mới nhớ, hình như mấy năm gần đây tôi không thấy có thêm đợt phóng tên lửa nào nữa.

Toono mới đến hòn đảo này được năm năm, trong năm năm đó, đã lần nào cậu ấy trông thấy cảnh phóng tên lửa chưa? Tôi ước ao được một lần ngắm cùng cậu ấy. Nếu là lần đầu tiên, hẳn cậu ấy xúc động lắm đây. Hơn nữa chỉ có hai người, chẳng phải là khoảng cách giữa chúng tôi sẽ xích lại gần nhau sao! Nhưng nghĩ mà xem, cuộc đời học sinh của chúng tôi chỉ còn sáu tháng. Trong sáu tháng ngắn ngủi đó, liệu có đợt phóng tên lửa nào không? Phải rồi, liệu tôi có kịp cưỡi được những con sóng? Sẽ có một ngày tôi cho Toono thấy hình ảnh mình lướt ván cừ khôi đến thế nào. Chỉ còn sáu tháng để chứng tỏ mình trong mắt Toono, nhất định không được để cậu ấy nhìn thấy những lần mình thất bại thảm hại. Phải cho cậu ấy thấy những khoảnh khắc đẹp nhất của mình. Còn sáu tháng nữa thôi. Nhưng khoan, có khả năng cậu ấy vẫn ở lại đảo sau khi tốt nghiệp. Nếu thế, tôi vẫn còn vô khối cơ hội và coi như tương lai của tôi được định đoạt: tôi sẽ ở lại đảo xin việc. Nhưng tôi không hình dung nổi hình ảnh của Toono nếu ở lại đây. Cậu ấy có vẻ không hợp với hòn đảo này. Người như cậu ấy…. Ừ… m…

Cứ mỗi lần nghĩ đến Toono, đầu óc tôi lại xoay như chong chóng, dù biết rằng không thể cứ mãi ưu phiền về cậu ấy như thế được. Chính vì vậy, tôi đi đến một quyết định quan trọng: khi nào cưỡi được sóng, tôi sẽ tỏ tình với Toono

7 giờ 10 phút tối. Không rõ tự lúc nào, tiếng ve gấu rền rĩ khắp nơi đã nhường chỗ cho tiếng kêu inh ỏi của ve sậy[3]. Và chỉ chốc lát nữa thôi, lũ dế sẽ thi nhau gáy. Nắng chiều rơi rớt nhuộm vàng cả một góc trời, những đám mây càng trở nên cao và xa vời vợi. Quan sát kĩ một chút sẽ thấy chúng đang trôi chầm chậm về phương Tây. Hồi hôm lúc tập ở biển, gió thổi ngược chiều – gió từ ngoài khơi thổi vào khiến hình thù những con sóng không được như ý. Giá lúc này đang ở biển, có lẽ tôi đã vượt sóng dễ dàng hơn. Nhưng dù sao, tôi vẫn chưa đủ tự tin đứng thẳng trên đầu sóng.

[3] Hai loài ve sầu phân bố chủ yếu ở Đông Á nói chung và Nhật Bản nói riêng. Ve gấu (kumazemi) là loài ve sầu tương đối lớn, thân dài 60-70mm, sắc đen. Ve sậy (higurashi) nhỏ hơn, kêu nhiều vào sáng và tối, thân dài 28-30mm, sắc đỏ nâu điểm xanh lá, tiếng rất chói tai.

Lại như ban sáng, tôi nấp ở góc khuất nhòm vào chỗ để xe. Chỉ còn lác đác vài chiếc xe máy, phía cổng trường đã vắng bóng học sinh. Cũng chẳng còn câu lạc bộ nào hoạt động vào giờ này. Cứ sau giờ học tôi lại ra biển luyện tập thêm một lần rồi mới quay lại trường. Mục đích chính vẫn là âm thầm chờ đợi một người, chờ cho đến khi người ấy xuất hiện ở bãi đỗ xe (nghĩ lại thấy sợ chính mình).

Biết đâu giờ này hôm nay cậu ấy đã về nhà mất rồi. Giá mình quay lại trường sớm hơn. Vừa tự trách móc bản thân, vừa nuôi chút hi vọng mong manh, tôi nán lại chờ thêm chút nữa.

Thử thách với môn lướt ván, mối tình đơn phương với Toono, và quyết định hướng đi trong tương lai, chính là ba vấn đề trọng đại nhất của tôi lúc này. Nhưng đâu chỉ có thế, tôi còn vô vàn những vấn đề khác. Làn da đen sạm vì cháy nắng chẳng hạn. Tôi đâu có bị đen bẩm sinh (có lẽ thế), nhưng bôi trát bao nhiêu kem chống nắng lên người thì so với các bạn cùng trang lứa, tôi vẫn nổi bần bật vì làn da cháy nắng khác thường của mình. Chị gái tỏ ra thông cảm, còn bảo ai luyện môn lướt ván cũng bị thế thôi. Yukko với Saki thì ra sức an ủi “làn da rám nắng trông khỏe mạnh mà vẫn dễ thương”. Nhưng thử ngẫm mà xem, còn gì đáng buồn hơn khi mình đen hơn cả người con trai mình thích cơ chứ. Da của Toono trắng trẻo, mịn màng lắm.

Thêm một vấn đề nữa, ngực tôi phát triển chậm hơn bình thường (chị gái lại có vòng một rất đáng ngưỡng mộ. Tại sao? Chúng tôi có cùng DNA cơ mà?!). Rồi thì điểm môn toán lúc nào cũng bét bảng, không có khiếu thẩm mỹ về thời trang, ngay cả việc quá khỏe mạnh không bao giờ ốm vặt cũng thành khuyết điểm (hình như tôi hơi thiếu nữ tính thì phải). Ôi còn nhiều lắm, những vấn đề của tôi phải gọi là chất cao như núi.

Nhưng thôi mặc kệ, người tính không bằng trời tính, trước hết tôi cứ ngó qua khu để xe một lần nữa. Không lẫn đi đâu được, quả là có một bóng hình quen thuộc đang từ xa tiến lại gần. Tuyệt quá! Tôi biết chờ đợi sẽ mang lại hạnh phúc mà. Kể ra tôi cũng có biệt tài tiên tri đấy chứ. Tôi nhanh chóng hít một hơi thật sâu rồi tiến về phía bãi đỗ xe, cố tỏ ra thật tự nhiên và tình cờ.

“Ơ, Sumida? Giờ mới về sao?” Vẫn chất giọng quá đỗi dịu dàng. Bóng dáng Toono dần hiện lên rõ ràng dưới ánh đèn khu nhà xe. Dáng người mảnh khảnh, mái tóc dài gần như che mất một bên mắt. Và bước đi của cậu ấy lúc nào cũng vững vàng bình thản.

“À ừ, Toono chưa về à?” Giọng tôi hình như hơi run. Ôi, không thể chấp nhận được. Giá mà mình luyện tập thành thục hơn.

“Ồ, thế thì cùng về đi!”

Lúc đấy tôi mà có đuôi như cún thì tôi thề là nó đang ngoáy tít lên vì sung sướng. Rất may tôi không phải là cún, và nếu có đuôi thì chắc chắn mọi sự bại lộ mất rồi. Tôi thấy ngạc nhiên với chính mình vì trong đầu chỉ nghĩ được những chuyện như thế. Nhưng nói thật là còn gì hạnh phúc hơn khi được về chung đường với Toono.

Người trước người sau, chúng tôi chạy xe băng băng qua con đường nhỏ nằm giữa cánh đồng mía. Tôi cứ thế, gặm nhấm niềm hạnh phúc được ngắm nhìn Toono từ phía sau. Lồng ngực nóng ran, hệt như cái cảm giác ê chề, cay cay nơi sống mũi khi ngã xuống biển trong lúc tập luyện. Tại sao nỗi buồn và niềm vui lại có hình hài giống nhau đến thế?

Ngay từ đầu tôi đã biết Toono không giống như những cậu bé khác cùng trang lứa. Mùa xuân năm lớp Tám, cậu ấy chuyển từ Tokyo về hòn đảo nhỏ này. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh Toono trong lễ khai giảng năm đó. Cậu nam sinh lạ hoắc đứng nghiêm trang trước bảng đen, không có vẻ gì đắn đo hay sợ hãi. Gương mặt cậu phảng phất một nụ cười nhẹ.

“Mình tên là Toono Takaki. Do công việc của ba, cả gia đình mình đã chuyển từ Tokyo đến đây, cũng được ba hôm rồi. Mình đã quen với việc chuyển trường nhưng chưa quen với cuộc sống trên đảo, mong các bạn giúp đỡ!”

Giọng nói bình thản, không quá nhanh cũng không quá chậm. Đặc biệt từng âm tiết phát ra theo đúng âm chuẩn của người Tokyo, phải nói là hoàn hảo. Giống giọng của mấy anh chị làm truyền hình. Cứ thử đặt mình vào trường hợp của cậu ấy mà xem, chuyển từ nơi đô hội bậc nhất đến nơi nhà quê bậc nhất (một hòn đảo tách biệt thế này), hay thử đặt tình huống ngược lại, mặt tôi sẽ đỏ bừng lên, đầu óc trống rỗng, lại còn cái giọng quê một cục của mình nữa chứ. Chỉ bằng tuổi mình thôi sao cậu ấy có thể phát biểu trước cả lớp mà không hề run sợ, cứ như đang nói ở chỗ không người vậy? Cuộc sống trước kia của cậu ấy thế nào? Bên trong cậu bé mặc bộ đồng phục đen là con người thế nào? Lần đầu tiên trong đời tôi có khát khao được biết về một người nhiều đến vậy. Và gần như ngay lập tức tôi nhận ra, tôi đã yêu cậu ấy, định mệnh của tôi.

Từ dạo đó, cuộc sống của tôi gần như bị xáo trộn. Hình ảnh Toono xuất hiện ở bất cứ đâu, trên phố hay trên trường, hiện thực hay trong mơ. Tôi tìm kiếm bóng dáng cậu ấy mọi lúc mọi nơi, trong giờ học, lúc tan trường, trên biển, hay thậm chí cả lúc dẫn chú cún nhà tôi đi dạo. Thoạt nhìn cậu ấy có vẻ lạnh lùng nhưng kì thực, cậu ấy hòa đồng, nhanh chóng kết thân với mọi người. Cậu ấy lại không xớn xác hay thích đàn đúm như đám con trai cùng khóa, nên có cơ hội là tôi liền bắt chuyện với cậu.

Lên cấp III chúng tôi không còn học chung lớp, nhưng vẫn chung trường. Với tôi điều đó như một phép màu. Mà thực ra, chúng tôi đâu có nhiều chọn lựa trên hòn đảo nhỏ bé này. Với thành tích xuất sắc của mình, Toono có thể vào bất cứ trường nào, nhưng có lẽ cậu đã chọn học ở trường cấp III gần nhà cho tiện.

Lên cấp III, tình cảm tôi dành cho Toono không hề phai nhạt. Không đúng, phải nói là nó còn mãnh liệt hơn nhiều lần. Tất nhiên tôi muốn mình cũng là một nửa đặc biệt của cậu ấy, nhưng nói thật, nguyên việc giữ gìn tình cảm yêu mến dành cho cậu ấy cũng đủ khiến tôi kiệt sức rồi. Tôi thậm chí không dám nghĩ đến chuyện mình được hẹn hò với cậu ấy, một chút xíu thôi cũng không. Dù ở trường hay đi trên phố, cứ mỗi lần trông thấy bóng dáng Toono, tôi lại càng thích cậu hơn. Mỗi ngày của tôi luôn tràn đầy cảm xúc, vừa sợ hãi, vừa đau đớn, lại vừa hạnh phúc. Chính tình trạng này làm tôi bế tắc.

7 giờ 30 phút. Trên đường về chúng tôi ghé cửa hàng tiện lợi[4] tên là Ai Shop. Trung bình một tuần khoảng 0.7 lần (nghĩa là may ra thì một tuần một lần, không may thì hai tuần một lần), chúng tôi lại về cùng nhau. Không biết từ bao giờ, Ai Shop trở thành điểm đến quen thuộc của chúng tôi trên đường về nhà. Nói là cửa hàng tiện lợi nhưng Ai Shop đóng cửa lúc 9 giờ tối, ngoài rất nhiều các loại bánh kẹo, cửa hàng bán cả hạt giống hoa tươi và củ cải đường còn dính nguyên đất mà bà cụ sống gần đấy trồng. Chiếc vô tuyến phát đi những bản J-pop đang thịnh hành. Gian hàng nhỏ bé sáng choang nhờ dãy đèn nê ông trên trần nhà.

[4] Convenience shop, hay convenience store: cửa hàng tạp hóa hay siêu thị dạng nhỏ, thường mở cửa rất khuya, thậm chí 24/24 ở một số nước.

Như mọi lần, Toono đều đã xác định là sẽ mua gì, nên chọn ngay cho mình cà phê pha sẵn đóng trong bịch giấy. Ngược lại, tôi luôn phân vân không biết mua gì. Nói cách khác, vấn đề của tôi là không biết phải mua gì để làm ra vẻ nữ tính. Hay là thử uống cà phê như cậu ấy (thực ra tôi muốn lắm rồi đây), sữa tươi thì có phần trẻ con quá, cái hộp nước quả màu vàng trông dễ thương đấy nhưng vị của nó chẳng ra gì. Tôi còn muốn uống nước giấm đen nữa nhưng hình như thế thì nam tính quá.

Trong lúc tôi còn chần chừ, chọn tới chọn lui thì Toono đến bên nói, “Sumida, tớ đi trước nhé,” rồi tiến lại quầy thanh toán. Ơ, không được, mất công chờ đợi để về cùng cậu ấy… Thế là tôi quơ đại một thứ, hóa ra lại là sữa chua uống. Hộp thứ mấy trong ngày rồi nhỉ? Hết tiết hai một hộp, giờ nghỉ trưa hai hộp, nghĩa là hộp này là hộp thứ tư. Cứ tình trạng ngày cơ thể tôi sẽ có một phần hai mươi làm bằng sữa chua mất.

Ra khỏi cửa hàng, vừa quẹo sang bên thì bắt gặp Toono ngồi trên yên xe, cậu ấy đang nhắn tin điện thoại cho ai đó. Bất giác tôi đứng nép vào sau hòm thư. Bầu trời đã chuyển sang màu xanh thẫm, mây còn nhuộm chút ánh đỏ từ những vạt nắng cuối ngày, đang lững thững trôi. Hòn đảo sắp chìm vào bóng đêm. Tiếng xào xạc từ cánh đồng mía và tiếng côn trùng kêu râm ran vây bọc chúng tôi. Tôi hít hà mùi thức ăn thơm lừng từ ngôi nhà gần đấy. Trời tối nên không nhìn rõ nét mặt Toono. Chỉ thấy màn hình điện thoại đang bật sáng.

Tôi làm vẻ mặt tươi cười, tiến về phía cậu. Thấy tôi, cậu ấy ra chiều tự nhiên cất điện thoại vào túi và nhẹ nhàng hỏi, “Cậu mua gì thế, Sumida?”

“À, lúc đầu tớ hơi lưỡng lự nhưng rốt cuộc vẫn mua sữa chua uống. Đây là hộp thứ tư trong ngày của tớ rồi đấy. Ghê không?”

“Thật hả? Cậu thích đến thế cơ à? Mà đúng là lúc nào Sumida cũng mua loại này nhỉ?”

Miệng thì nói chuyện, nhưng đầu óc tôi cứ luẩn quẩn quanh chiếc điện thoại cất trong ba lô sau lưng Toono. Giá mà cậu ấy vừa nhắn tin cho mình. Tôi đã ước điều đó đến cả trăm, cả nghìn lần, nhưng tôi chưa nhận được tin nhắn của cậu ấy bao giờ cả. Chính vì vậy, tôi cũng không dám gửi tin đi. Và tôi quyết định rằng mai này, dù hẹn hò với người như thế nào, tôi cũng sẽ dành toàn tâm toàn ý khi ở bên người ta, không chúi mũi vào màn hình điện thoại, không để họ phải lo lắng hay hoài nghi xem tâm trí tôi đang hướng về ai khác chứ không phải người đang ngồi ngay bên cạnh.

Những vì sao đầu tiên lác đác xuất hiện trên nền trời đen sẫm. Được trò chuyện cùng người con trai mình cảm mến bấy lâu mà lòng tôi vẫn thổn thức không yên. Tôi lại càng thêm quyết tâm thực hiện điều mình vừa nghĩ đến.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện