Chương 31: Học Sinh Yếu Kém
Tuyệt vọng vì thế giới này, điều đó dễ như trở bàn tay.
Tha thiết yêu thế giới này, điều đó thực khó khăn vô chừng.
Học sinh yếu kém Vương Tuệ, vì một bạn nam, đã không hề nao núng, mở đường máu xông lên!
Năm 2012, tôi tiếp đón Vương Tuệ, một người bạn cấp ba ở thị trấn Sô-cô-la (Chocolate Ville), ngoại ô Băng Cốc, Thái Lan.
Đó là một nhà hàng đẹp như trong cổ tích, màu sơn trắng tinh khiết, tọa lạc trên một thảm cỏ thanh bình. Khi màn đêm buông xuống, ánh nến rực rỡ hắt xuống tận mặt sông.
Vương Tuệ thả tóc dài lượn sóng, trang điểm nhẹ nhàng, nụ cười ngọt ngào, lúc cô đi qua các chàng trai ngoại quốc không ngừng dõi mắt theo cô.
Hôm sau, tôi phải đi tàu hỏa về Chumphon, còn Vương Tuệ bay thẳng về Hồng Kông, vì thế chúng tôi không có nhiều thời gian để trò chuyện. Thực ra cũng không cần nói gì nhiều, chúng tôi cứ uống hết cốc này đến cốc khác, rồi nhìn nhau cười ha hả như những kẻ ngốc.
Tôi bảo:
- Tuệ Tử này, cậu không còn là học sinh yếu kém nữa, cậu là học sinh xuất sắc.
Năm 1997, Vương Tuệ ngồi bàn phía trên tôi, cô ấy mặc áo sơ mi kẻ ca-rô, tóc cắt ngắn đến mang tai.
Một hôm cô nói với tôi, cô thầm yêu một người. Tôi hỏi: ai thế. Cô bảo: cậu đoán thứ xem.
Lớp chuyên ban xã hội của tôi có tổng cộng mười tám bạn nam. Tôi kể tên mười bảy người đều không phải, vậy chỉ còn tôi mà thôi. Tôi hồi hộp lắm, tim đập loạn lên. Mặc dù cô ấy quê mùa, cục mịch, nhưng tuổi trẻ mà, ai được tỏ tình mà lòng không phơi phới hát ca.
Cô ấy ngập ngừng một lát, nói là Viên Hâm lớp bên cạnh.
Đừng đùa! Lớp bên cạnh à?
Băng rôn chào mừng Hồng Kông được trả về Trung Quốc treo trên cổng chính của trường.
Ngày 1 tháng 7, chúng tôi tổ chức cuộc thi hùng biện với chủ đề Tổ quốc ơi, tôi đã trở về. Cả tôi và Vương Tuệ đều tham gia. Hơn bốn mươi thí sinh tập trung trong hội trường để nghe phát biểu động viên trước cuộc thi. Chủ tịch hội sinh viên Viên Hâm bước lên bục, trò chuyện với chúng tôi.
Cậu ta đến bên Vương Tuệ, cau mày, nói:
- Tuệ Tử, tham gia thi hùng biện bạn nên chú ý đến cách ăn mặc một chút.
Tuệ Tử thoáng sững sờ, cô ấy buồn bã nói:
- Thế này là chú ý lắm rồi đấy.
Cô ấy chỉ có vài chiếc sơ mi kẻ ca-rô, mức độ cao nhất của việc "chú ý" chỉ có thể là giặt cho nó sạch sẽ, tinh tươm mà thôi.
Sau này tôi mới biết, cô ấy đã giặt chúng rất kỹ, đến mức bạc cả màu.
Viên Hâm nói chuyện vui vẻ với một bạn nữ để tóc đuôi sam. Họ bàn luận từ lịch sử Trung Quốc cận đại, cho đến cải cách mở cửa. Sau cùng, Viên Hâm nói với bạn gái bện tóc đuôi sam kia: Cố lên, bạn nhất định sẽ đoạt giải quán quân.
Tuệ Tử cắn bút, hậm hực nói với tôi:
- Nếu cậu thắng cô ta, tôi hứa sẽ đấm bóp cho cậu.
Tôi hào hứng lắm, bắt cô ấy ký tên vào bản cam kết, và dán lên báo tường của lớp.
Tôi đã học thuộc lòng lịch sử cận đại Trung Quốc, và nghiên cứu kỹ lưỡng về cải cách mở cửa. Hôm sau, tôi tham dự cuộc thi đầy tự tin, phấn chấn. Kết quả đã đánh bại tóc đuôi sam.
Sau giờ tự học buổi tối, trong tiếng thở dài của cả lớp "chiến thắng chẳng vinh quang gì", tôi đắc chí nằm bò ra bục diễn thuyết, chờ được mát-xa.
Vương Tuệ mím môi, bắt đầu công cuộc bóp vai cho tôi. Tôi gắt:
- Chưa ăn cơm à, mạnh tay vào!
Vương Tuệ quát lại:
- Thế này đủ chưa? Bóp chết cậu bây giờ!
Tôi cười sằng sặc:
- Ha ha, chẳng có cảm giác gì cả, cậu bóp rồi đấy à? Mạnh lên cô bé!
Kỳ thực cô ấy vừa mới miết một cái là người tôi đau ê ẩm như bị sét đánh trúng, suýt nữa tôi đã nhảy dựng lên. Đầu óc tôi đang kêu gào;... Đau chết đi được...Cứ như bị xe bò cán qua ấy...Đau quá, ối mẹ ơi...Xương kêu răng rắc rồi này...Gãy xương tôi rồi...Đau quá mẹ ơi...Các bạn nữ con nhà nông dân khỏe dã man...Đốt sống cổ thứ ba chọc vào gan tôi rồi...
Đúng lúc tôi sắp không chịu đựng nổi thì Tuệ Tử nhỏ nhẹ nói với tôi:
- Trương Gia Giai, theo cậu, nếu tôi bện tóc đuôi sam, liệu Viên Hâm có thấy là tôi rất xinh đẹp không?
Làm sao tôi biết được? Lẽ nào vẻ đẹp của một người không phải do chính người ấy quyết định sao?
Năm 1998, mái tóc ngắn của Tuệ Tử biến thành tóc bện đuôi sam.
Điều duy nhất ở Tuệ Tử khiến tôi khâm phục là nghị lực của cô ấy.
Thành tích học tập của cô ấy không tốt, cô ấy đánh vật với các bài kiểm tra, nhưng dù cố gắng thế nào kết quả cũng không khởi sắc. Nhưng cô ấy là bạn nữ kiên trì nhất mà tôi từng biết. Cô ấy có thể làm đi làm lại các bài kiểm tra từ sáng đến tối. Cho dù không đúng câu nào, nhưng cô ấy không bỏ sót bài nào. Cô ấy có thể áp dụng năm trăm công thức toán chỉ để giải ra một đáp án sai. Và điều đó khiến tôi không khỏi thán phục. Tuệ Tử thiếu mấy chục điểm mới đỗ vào đại học chuyên ngành. Cô ấy gọi điện cho tôi, vừa khóc vừa bảo muốn học lại, nhưng gia đình không cho. Vì họ không trả nổi học phí. Vì thế cô ấy đành chuyển sang học cao đẳng ở Liên Vân Cảng.
Còn tôi thì sao? Hồi đó đang mùa World Cup, giữa mùa thi đại học, tôi ngồi xem bóng đá trong phòng khách, gào thét:
- Vào rồi, vào rồi!
Mẹ tôi ngồi chơi mạt chược trong phòng ăn, gào thét:
- Ù rồi! Ù rồi!
Đội Hà Lan đá hỏng quả penalty, nhìn họ cúi đầu buồn bã mà nước mắt tôi tuôn như suối. Tôi lao vào phòng ăn, lật bàn mạt chược, phá hỏng cuộc vui của mẹ.
Sau đó thì sao? Sau đó, tôi thi đại học lần hai.
Tháng 5 năm 1999, đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ bị đánh bom. Tôi trốn học theo các bạn cấp ba mà giờ đã là sinh viên năm thứ nhất tham gia đoàn biểu tình. Tuệ Tử cũng từ Liên Vân Cảng chạy đến, nhưng không đi biểu tình mà chỉ xuất hiện trong vụ tụ tập ăn nhậu sau đó.
Chúng tôi ăn uống vui vẻ trong nhà ăn sinh viên. Tuệ Tử ngập ngừng hỏi:
- Viên Hâm đâu?
Tôi sững người:
- Ừ nhỉ. Cậu ấy cũng học đại học Nam Kinh!
- Sao cậu ấy không đến?
- Có lẽ không tham gia biểu tình.
Tuệ Tử tỏ ra khá thất vọng. Tôi bảo, sao cậu không đi tìm cậu ấy. Tuệ Tử lắc đầu:
- Thôi.
Tôi ngủ nhờ trong ký túc xá của cậu bạn học cũ. Còn về phần Tuệ Tử, nghe nói cô ấy đứng chờ suốt đêm ở bến xe khách, bắt chuyến sớm nhất của ngày hôm sau và quay về Liên Vân Cảng.
Đối với cô ấy, có lẽ đây chỉ là cái cớ để đến Nam Kinh. Bỏ ra một khoản sinh hoạt phí không nhiều, nhưng chẳng được gặp mặt, cô ấy đã lặng lẽ chờ đợi đến khi trời sáng.
Gia cảnh không tốt, học lực không tốt, vóc dáng không đẹp, logic không ổn, Tuệ Tử là cô gái chẳng có ưu điểm gì.
Tôi đã nghĩ, nếu cuộc đời này đều là những trường học thì hẳn là Tuệ Tử đã bị khuyên bỏ học rất nhiều lần. Cuộc sống, tình yêu, học tập lĩnh vực nào cô ấy cũng là người kém cỏi nhất. Điều duy nhất cô ấy là được, đó là, đến một nơi không ai nhìn thấy, cắn răng chịu đựng, tiếp tục kiên trì, tiếp tục nghiên cứu những công thức mà cô ấy chẳng hiểu gì về nó.
Bất kể đáp án là đúng hay sai, cô ấy nhất định phải giải cho bằng được.
Năm 2000, ký túc xá đại học thịnh hành ca khúc Những bông hoa ấy. Trong đêm diễn văn nghệ chào mừng khóa sinh viên mới, các bạn sinh viên chơi guitar, cất cao tiếng hát bi thương: "La la la, hãy đi đi. Gió đã cuốn họ đi, xa lắc nơi chân trời...".
Tôi xách chai bia, đi dạo vòng quanh trường. Lúc về ký túc xá thì nhận được điện thoại của Tuệ Tử. Cô ấy phấn khích hét tướng lên:
Trương Gia Giai, tôi được chuyển tiếp lên đại học. Tôi đã đến Nam Kinh, và sẽ học ở Đại học Sư phạm Nam Kinh.
Học sinh nữ yếu kém Vương Tuệ, vì một bạn nam, đã không hề nao núng, mở đường máu xông lên.
Ngày 7 tháng 10 năm 2001, đội tuyển quốc gia Trung Quốc thắng Oman trên sân nhà Thẩm Dương tại giải vô địch bóng đá Asia Cup.
Mọi giống đực đều giống như hóa điên. Đám sinh viên nam hò hét, đốt ga trải giường trong ký túc xá, ném ra ngoài cửa sổ.
Một đám nam sinh viên khác điên cuồng hò nhau xông vào sân ký túc xá nữ.
Tôi ở tầng hai tòa số 7, thấy họ đang vây quanh Viên Hâm.
Viên Hâm hướng mặt lên ban công tòa số 6, phấn khích gọi lớn:
- Hà ơi, đội tuyển Trung Quốc lọt vào vòng trong rồi!
Cả đám nam sinh viên cùng hét lên:
- Lọt vào vòng trong rồi!
Viên Hâm lại gào tiếp:
- Làm bạn gái của anh nhé?
Đám nam sinh lại hò hét:
- Làm bạn gái của anh nhé!
Chứng kiến khung cảnh vui vẻ, hạnh phúc dưới kia, trong đầu tôi bỗng hiện lên gương mặt tươi cười của Tuệ Tử. Cô ấy mặc chiếc áo sơ mi kẻ ca-rô và vẫn bện tóc đuôi sam đến tận bây giờ. Không biết lúc này cô ấy đang ở đâu.
Cuối năm 2002, dịch SARS xuất hiện và kéo dài đến tận tháng 3 năm 2003. Tôi làm thêm ở đài truyền hình, bị thầy chủ nhiệm gọi về trường. Đến tháng 4 tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, thông tin bị bưng bít. Các trường cấm sinh viên ra khỏi trường, nghiêm cấm mọi sự tiếp xúc với bên ngoài.
Tôi chán quá, ngồi lì trong phòng chơi điện tử. Tuệ Tử gọi điện thoại đến, bảo:
- Ra ngoài ăn tối với tôi.
Tôi bảo:
- Không ra được.
- Không sao, tôi đang ở trường cậu mà.
Tôi rất tò mò. Còn cô ấy thì cười thật tươi:
- Trong thời gian thực tập, tôi đã thuê một phòng dành cho nghiên cứu sinh của trường cậu.
- Sao trường cậu lại cho cậu ra ngoài?
- À thì tại vì tôi đã thuê phòng trọ đó trước khi có lệnh phong tỏa. Giáo viên chủ nhiệm gọi điện, tôi nói dối là đi thực tập ở tỉnh khác. Vì thế cô ấy bảo tôi cứ ở yên đó, không được đi lại lung tung.
Chúng tôi đến nhà ăn sinh viên. Tôi bảo:
- Viên Hâm có bạn gái rồi.
Cô ấy có chút bối rối, không dám nhìn tôi, vờ chuyển chủ đề.
Tôi im lặng. Cuối cùng, cô ấy ngẩng lên, nói:
- Tôi vẫn muốn ở gần cậu ấy. Cho dù không bao giờ gặp được nhau, nhưng chỉ cần chúng tôi ở chung trường là tôi vui rồi.
Cô gái ấy, bất chấp người cô thích không hề biết đến sự tồn tại của mình, vẫn nỗ lực hết năm này sang năm khác, xích lại gần cậu ấy. Không thể trò chuyện với cậu ấy, nỗ lực của cô chỉ là: chạy đến điểm xa nhất, để được nhìn thấy phía bên kia đại dương.
Điều này giống hệt những bài kiểm tra toán thời cấp ba. Cô ấy đã vận dụng vô số công thức, nhưng không bao giờ được cho điểm. Thượng Đế khuyên học sinh yếu kém nghỉ học, nhưng học sinh yếu kém vẫn kiên trì, tiếp tục ghi đáp án, không đạt thành tích cũng không sao, chỉ cần đừng bắt cô ấy phải xa lớp học.
Tôi nhìn gương mặt đỏ lựng của cô ấy và bàn tay cầm đũa hoang mang gẩy thức ăn của cô ấy mà muốn ứa nước mắt.
Năm 2004, Tuệ Tử chạy đến quán bar của tôi đúng lúc ti vi đang phát sóng trực tiếp vòng chung kết cuộc thi Người đẹp học đường lần thứ nhất.
Chúng tôi uống đến say mềm. Tuệ Tử nâng cốc, nhìn ra cửa sổ:
- Chúc anh hạnh phúc!
Hôm đó là ngày Viên Hâm kết hôn.
Tôi nhìn đôi má tươi rói của cô ấy in trên cốc thủy tinh, thầm nghĩ, học sinh yếu kém cuối cùng đã bị đuổi học.
Năm 2005, Tuệ Tử chạy đến quán bar, nằm bò ra bàn khóc tức tưởi, không ai biết vì sao.
Cô ấy quệt nước mắt, nói:
- Chắc anh ấy buồn lắm.
Nghe đồn, Viên Hâm đã ly hôn.
Từ hôm đó, chúng tôi không gặp lại Tuệ Tử. Gọi điện thì cô ấy bảo đã xin thôi việc, bỏ về Tứ Xuyên tìm việc khác.
Năm 2006, một nhóm khách vào quán. Khi nhìn thấy hai người đi đầu, chiếc cốc trong tay Quản Xuân rơi xuống đất, vỡ "choang". Bạn bè há hốc miệng, tròn xoe mắt. Tuệ Tử ngại ngùng nói:
- Xin giới thiệu với mọi người, đây là bạn trai tôi, chúng tôi vừa từ Tứ Xuyên về Nam Kinh.
Dường như có một tiếng nổ vang trong đầu tôi. Có lẽ sau ngày ly hôn, Viên Hâm đã đến Tứ Xuyên và Tuệ Tử đã lập tức theo cậu ta đến đó khi biết tin.
Chúng tôi ngồi xuống nói chuyện. Thì ra năm ngoái Viên Hâm theo người thân đến Tứ Xuyên mở chuỗi nhà hàng phục vụ các món lẩu. Và giờ họ dự định phát triển chuỗi nhà hàng đó ở Nam Kinh. Viên Hâm trò chuyện với người bạn quản lý tài chính. Chúng tôi không hiểu chủ đề họ nói, chỉ nghe được số liệu các khoản đầu tư. Người bạn xua tay, nói:
- Đầu tư năm triệu, áp dụng nguyên lý đòn bẩy tài chính, tỉ lệ 1/6, sau đó lại áp dụng đòn bẩy một lần nữa với tỉ lệ 1/6, chúng ta sẽ có doanh thu xấp xỉ hai trăm triệu.
Viên Hâm gật gù:
- Xấp xỉ hai trăm triệu.
Quản Xuân chấn động dữ dội:
- Hai... hai trăm triệu?
Tôi kinh ngạc:
- Hai... hai trăm triệu?
Hàn Ngưu kinh ngạc:
- Nhiều hơn cả tinh trùng của tôi.
Tuệ Tử cũng không hiểu, cô ấy chỉ biết ân cần rót rượu, rót rượu cho từng người bạn của Viên Hâm. Cô ấy tập trung cao độ vào việc chú ý xem xó cốc rượu của ai vơi đi hay không, để có thể lập tức rót cho thật đầy.
Tuy họ nói về hai trăm triệu, nhưng lúc thanh toán cả mấy gã đàn ông đều vờ như không trông thấy tờ hóa đơn. Và Tuệ Tử đã phải giành lấy phần thanh toán về mình.
Năm 2007, Tuệ Tử và Viên Hâm đi nhận giấy đăng ký kết hôn. Họ đến Ủy ban nhân dân thành phố làm thủ tục, cán bộ yêu cầu cung cấp chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu.
Tuệ Tử ngạc nhiên:
- Sổ hộ khẩu?
Cán bộ khinh khỉnh nhìn cô ấy. Viên Hâm bảo:
- Để anh về lấy.
Viên Hâm về nhà lấy sổ hộ khẩu còn Tuệ Tử chờ ở Ủy ban.
Cô ấy chờ từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều. Giờ giải lao buổi trưa, một cán bộ tốt bụng rót cho cô ấy cốc nước.
Tuệ Tử thầm nghĩ, Viên Hâm từng kết hôn, lẽ nào anh ấy không biết phải mang theo sổ hộ khẩu? Chắc chắn anh ấy phải biết.
Có lẽ đây là lần trì hoãn, dây dưa cuối cùng. Nhiều người thích làm vậy, họ cứ lần lữa, trì hoãn cho đến lúc không thể lần lữa, trì hoãn mới chịu ra đi, để lại bãi chiến trường ngỗn ngang, không thu dọn được. Họ chỉ cốt bản thân không rơi nước mắt, còn những người khác muốn rơi bao nhiêu cũng mặc.
Tuệ Tử gần như không đứng nổi, toàn thân run lên bần bật. Cô ấy gọi điện cho tôi. Không chờ cô ấy nói hết câu, tôi và Quản Xuân lập tức lái xe ô tô tới đó.
Tuệ Tử về nhà, Viên Hâm đã dọn đồ đi từ lúc nào. Trên bàn là sổ tiết kiệm cậu ta để lại, trị giá một trăm ngàn và một mảnh giấy: Chúng ta không hợp nhau. Em hãy giữ gìn sức khỏe.
Chúng tôi im lặng. Tuệ Tử chầm chậm đứng lên, đi ra ngoài.
Tuệ Tử chìa tay ra, Quản Xuân đưa chìa khóa xe cho cô ấy. Cô ấy lái xe đi trước, chúng tôi theo sau, đến một quán lẩu.
Quán lẩu rất đông khách, ngoài cửa có rất nhiều người đang chờ để được xếp bàn.
Trong quán rất náo nhiệt, nhân viên phục vụ chạy lăng xăng, khách khứa ăn uống nhiệt tình. Tuệ Tử gào lên:
- Viên Hâm!
Nhưng tiếng gọi của cô ấy lập tức bị nhấn chìm giữa biển âm thanh huyên náo.
Tuệ Tử vơ bừa một cốc bia, ném mạnh xuống đất, lại cầm tiếp một cốc khác ném xuống đất.
Quán lẩu im bặt.
Tuệ Tử nhìn thấy Viên Hâm, cô chậm rãi bước đến trước mặt cậu ta và nói:
- Không định chào tạm biệt sao?
Viên Hâm có vẻ hoảng hốt, cậu ta đưa mắt nhìn khắp lượt quan khach đang chăm chú lắng nghe. Cậu ta nói:
Chúng ta không hợp nhau.
Tuệ Tử nhìn cậu ta trân trân:
- Tôi chỉ muốn cho anh hay, chúng ta không tình cờ gặp nhau ở Thành Đô năm 2005. Tôi thích anh từ năm 1997, và đến tận năm giờ chiều hôm nay, tôi vẫn còn yêu anh, hơn bất cứ ai khác trên đời.
Cô ấy nhìn xoáy vào Viên Hâm:
- Với tôi, năm vừa qua là năm hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Nhưng anh không hề thích tôi. Vậy tôi mong rằng, năm vừa qua đối với anh không hẳn là một năm tồi tệ. Thật tiếc vì không thể trở thành vợ anh. Chào anh!
Viên Hâm ngẩn ngơ đáp:
- Chào em!
Tuệ Tử cúi xuống, nhìn chăm chăm vào đầu ngón chân mình, nói:
- Tạm biệt!
Tuệ Tử giam mình trong căn phòng trọ nhỏ bé, trải qua lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch cô đơn nhất trong đời. Chúng tôi muốn chia sẻ với cô ấy, nhưng cô ấy không chịu mở cửa.
Vào dịp năm mới, một trận bão tuyết hy hữu đã xảy ra, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Tôi gọi cho Tuệ Tử, cô ấy vẫn tắt máy.
Bước sang năm 2008.
Hơn nửa năm sau đó, đúng vào ngày Cá tháng Tư, Tuệ Tử gọi điện cho từng người trong số chúng tôi, bảo tất cả tập trung ở nhà cô ấy.
Mặt cô ấy phù to, cái bụng bự tướng, chúng tôi không khỏi bàng hoàng sợ hãi.
Mao Mao xúc động nói:
- Tuệ Tử, chị có thai à? Bố đứa trẻ là ai?
Mao Mao thấy sắc mặt của chúng tôi tái dại thì chớp mắt, rồi òa khóc thảm thiết, túm lấy cánh tay Tuệ Tử , gào lên:
- Sao lại như vậy?
Tuệ Tử xoa đầu Mao Mao:
- Lúc chia tay thì được ba tháng rồi. Còn đứng đó làm gì, ngồi ghế đi.
Chúng tôi chen nhau ngồi trên sofa. Tuệ Tử hắng giọng, nói:
- Tháng sau tôi sinh cháu, cần sắm những gì, các cậu góp ý đi.
Cô ấy sai Quản Xuân mở một cái túi nilon to tướng, bên trong toàn bỉm trẻ em. Cô ấy chau mày, nói:
- Loại nào phù hợp với em bé của tôi nhỉ? Hay là thế này, mỗi người trong số các cậu thử mặc một loại khác nhau. Loại nào gây cảm giác khó chịu, tôi sẽ không dùng.
Tôi ôm một bọc, run rẩy hỏi:
- Phải mặc trong bao lâu?
Tuệ Tử ngẩn người, vỗ vỗ bọc bỉm trên tay tôi, tôi cúi xuống, trên bọc bỉm có ghi: Một trăm ngày đẹp đẽ khi bé vừa chào đời.
Tôi suýt khóc:
- Phải mặc đủ một trăm ngày?
Tuệ Tử nói:
- Em bé sẽ mặc một trăm ngày, các cậu chỉ cần mặc một ngày thôi. Ngày mai gửi báo cáo cho tôi, phải mô tả thật chi tiết cảm giác của các cậu, tốt nhất là dưới một trăm chữ.
Chúng tôi đã trò chuyện rất lâu. Tuệ Tử phân công công việc cho từng người, những việc mà chúng tôi có thể giúp. Tất cả đều gật đầu lia lịa.
Nhưng, Mao Mao vẫn chưa nín khóc.
Tuệ Tử mỉm cười:
- Không dám gặp mọi người vì tôi muốn sinh đứa bé này.
Tôi nói:
- Sinh hay không là việc của cậu. Nuôi nấng bé là việc của chúng tôi.
Tuệ Tử lắc đầu:
- Nuôi con cũng là việc của tôi.
Lúc ra về, Mao Mao ngoái lại, thấy Tuệ Tử vẫn bình thản đứng đó, Mao Mao khóc nấc lên:
- Tuệ Tử, chị đã vượt qua những ngày tháng đó thế nào? Tuệ Tử, hãy nói cho em biết, chị đã vượt qua bằng cách nào?
Quản Xuân rảo bước đi trước, lao xuống hầm để xe, rồi thình lình dừng lại, gào lên:
- Viên Hâm, đồ chó chết!
Tiếng hét của cậu ta vang động, nước mắt của tôi cũng chực trào ra.
Hôm sau.
Quản Xuân nộp bài: Thích lắm thích lắm! (Lặp đi lặp lại năm mươi lần).
Tôi nộp bài: Thích lắm. Chỉ có điều lúc đi vệ sinh không cẩn thận làm rách bỉm, thế là vướng vào khóa quần.
Đi vệ sinh lần thứ hai thì không kéo được khóa quần xuống, tôi uống quá nhiều, đành tè vào bỉm. Haiz, quả là một chuyện nhân quả đáng buồn.
Hàn Ngưu nộp bài: Lớp giấy mỏng manh ấy chạm vào làn da thô ráp của tôi, mềm mại tựa không khí. Tôi từng vuốt ve rất nhiều phụ nữ, đây là lần đầu tiên tôi được vuốt ve bỉm trẻ em, tâm hồn tôi như đang run lên trong mỗi phút giây. Tôi cảm nhận được sự sống mới, tôi cảm nhận được sự đẹp đẽ, thậm chí tôi còn cảm nhận được cả linh hồn của cái mông tôi.
Tuệ Tử sinh thường, chúng tôi đứng ngồi không yên. Đến khi nhìn thấy đứa bé, cả bọn òa khóc nức nở, chỉ có Tuệ Tử là vẫn mỉm cười dù đã kiệt sức.
Mao Mao chăm sóc Tuệ Tử suốt thời gian cô ấy ở cữ. Lần nào chúng tôi mang đồ ăn đến cũng thấy hai người phụ nữ cười khanh khách với em bé.
Hàn Ngưu tỏ ra rất thành thạo trong việc thay bỉm.
Vâng, đúng thế, chính là Hàn Ngưu. Không phải chúng tôi lười biếng, mà là cậu ta không muốn chia sẻ niềm vui ấy với chúng tôi.
Năm 2009, Hàn Ngưu gửi tin nhắn cho cả nhóm: Ai có mối nào tìm được người bán nhà quanh khu trường học không?
Tôi hỏi: Chưa kết hôn mà đã mua nhà? Ghi tên ai?
Hàn Ngưu: Anh đây dù kết hôn hay không cũng đều ghi tên phụ nữ.
Năm 2012, thị trấn Sô-cô-la ở Thái Lan, bạn học cấp ba Tuệ Tử ngồi trước mặt tôi. Thời tiết vùng Đông Nam Á nóng nực nhưng thoải mái, hoàng hôn nơi đây giống hệt miếng bánh pizza vàng ươm.
Tuệ Tử không để tóc ngắn, không bện đuôi sam mà thả tóc dài, lượn sóng.
Tuệ Tử cho tôi xem một đoạn clip mà Hàn Ngưu gửi cho cô ấy.
Hàn Ngưu và một cậu bé năm tuổi đang cãi nhau trong gương. Hàn Ngưu nói:
- Con trai, bố nghèo lắm.
Cậu bé nói:
- Nghèo có chết được không?
- Có chứ, nghèo chết đi được. Bố chẳng có gia tài gì cả, chỉ để lại nửa cuốn truyện.
- Con sẽ viết giúp bố.
- Không được, truyện này có tên là Trốn nợ. Con không viết được đâu.
Cậu bé òa khóc, vừa khóc vừa nói:
- Bố đừng sợ, con sẽ viết truyện Trả nợ giúp bố...
Vương Tuệ vui lắm.
Trong ký ức của tôi, cô ấy từng hỏi:
- Tôi bện tóc đuôi sam thì có đẹp không?
Bây giờ cô ấy thả tóc dài lượn sóng, hoàng hôn vùng ngoại ô Bangkok tôn thêm vẻ đẹp của cô ấy, đó là một buổi chiều màu lam thẫm, rực rỡ ráng chiều, lấp lánh ánh sáng, hắt bóng trên mặt nước ấm áp.
Tuyệt vọng vì thế giới này, điều đó dễ như trở bàn tay.
Thiết tha yêu thế giới này, điều đó thực khó khăn vô cùng.
Bạn phải học cách tiếp tục dấn bước. Dòng người qua lại như mắc cửi, như những thước phim loang loáng lướt qua bạn, còn bạn, vẫn ôm khư khư sắc màu của riêng mình, kiên trì đi về nơi bạn muốn đến.
Ngoảnh lại, bạn có thể thấy những đứa trẻ thả diều. Có đứa chạy trên quảng trường hò hét ầm ĩ, có đứa trốn trong góc khuất âm thầm buồn bã. Càng đi càng xa, những bóng dáng đó càng mờ nhạt. Những thứ chúng cần chúng muốn, không còn giống bạn nữa.
Radio chuyển sang bài hát mới.
Nghe hết bài hát này, bạn rẽ sang một con đường khác, trải qua một buổi tối khác, đến một thành phố khác, thay một bảng chỉ dẫn khác. Dẫu nhọc nhằn, gian nan, bạn vẫn muốn làm một người tha thiết yêu thế giới này.
Tóc bện đuôi sam hay tóc thả lượn sóng, đẹp hay không đẹp, chẳng phải đều do chính bạn quyết định hay sao? Vì thế, Tuệ Tử à, cậu không phải học sinh yếu kém, cậu là học sinh xuất sắc!