Chương 52: Luân Đôn
Keira không rời khỏi thư viện Học viện. Chúng tôi ghé qua để dẫn cô ấy đi ăn tối, nhưng Keira muốn chúng tôi để mặc cô ấy ngồi một mình đọc nốt cho xong. Cô ấy chỉ hạ cố ngẩng đầu lên trong khi phác tay ý bao chúng tôi đi đi.
- Hai anh cứ ăn tối với nhau đi, em đang bận việc, đi nào, đi cho khuất mắt em nào.
Walter nói với cô ấy đã đến giờ thư viện đóng cửa nhưng chẳng ích gì, cô ấy không muốn để vào tai; anh bạn đồng nghiệp của tôi đành phải xin người gác đêm thông cảm cho Keira được ở lại nghiên cứu chừng nào cô ấy muốn. Cô ấy hứa lát nữa sẽ về nhà gặp tôi.
Năm giờ sáng vẫn chưa thấy bóng dáng cô ấy đâu. Tôi đứng dậy và đi lấy xe trong tâm trạng lo âu.
Đại sảnh của Học viện vắng tanh vắng ngắt. Người gác đêm đang ngủ gà ngủ gật trong chòi gác. Gã giật nảy người khi nhìn thấy tôi.
Keira không thể rời khỏi tòa nhà, những cánh cửa ra vào đều đã được khóa kỹ và nếu không có mật khẩu cô ấy sẽ không thể mở cửa.
Tôi rảo bước trong hành lang dẫn tới phòng đọc lớn của thư viện, người gác đêm theo sát gót.
Keira thậm chí không nhận ra sự có mặt của tôi; đứng đằng sau cánh cửa ra vào bằng kính, tôi nhìn cô ấy đang mải miết đọc. Thỉnh thoảng, cô ấy ghi chép vào một cuốn vở. Tôi ho khẽ để đánh động, cô ấy nhìn tôi và mỉm cười.
- Trời đã tối muộn rồi ạ? Cô ấy vừa hỏi vừa vươn vai.
- Hoặc sớm, cái đó còn tùy. Bình minh rồi mà.
- Em nghĩ là mình đói chết đi được, cô ấy vừa nói vừa khép cuốn sách lại.
Cô ấy sắp xếp lại các ghi chép, cất sách vào đúng chỗ trên giá rồi khoác tay tôi, hỏi liệu tôi có muốn đưa cô ấy đi ăn sáng không.
Thành phố trong bầu không khí tĩnh lặng của buổi sớm mai toát lên vẻ đẹp huyền ảo. Chúng tôi gặp một chiếc xe tải nhỏ của người bán sữa đang bắt đầu chuyển giao hàng thường nhật; tại Luân Đôn, mọi thứ vẫn còn chưa thay đổi.
Tôi đỗ xe trên khu đồi Primrose. Tấm cửa cuốn của một quán trà vừa được nâng lên và bà chủ quán đang kê những chiếc bàn đầu tiên ra mảnh sân hiên. Bà đón chúng tôi vào mở hàng.
- Cuốn sách đó có gì hấp dẫn mà khiến em đọc một lèo cả đêm như vậy?
- Em còn nhớ là linh mục không nói với anh về những kim tự tháp phải khám phá, mà là những kim tự tháp ẩn, hai thứ đó không giống nhau. Chuyện đó khiến em tò mò và em đã tra cứu nhiều cuốn sách nói về chủ đề này.
- Anh xin lỗi, nhưng anh không hiểu khác nhau ở chỗ nào.
- Trên thế giới có ba nơi còn tồn tại các kim tự tháp ẩn. Ở Trung Mỹ, một vài đền đài được khám phá và lập tức rơi vào quên lãng, thiên nhiên lại phủ lên đó một lần nữa, tại Bosnia, các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy sự xuất hiện của các kim tự tôi háp, người ta vẫn chưa biết ai đã xây dựng chúng, cũng không rõ chúng được xây nên nhằm mục đích gì; và tại Trung Quốc, tại đó thì là cả một câu chuyện hoàn toàn khác.
- Trung Quốc cũng có kim tự tháp sao?
- Người ta đếm được hàng trăm kim tự tháp. Thế giới phương Tây hoàn toàn không biết đến chúng cho tới những năm 1910. Phần lớn trong số đó nằm trong tỉnh Thiểm Tây, trong bán kính một trăm kilômét quanh thành phố Tây An. Những kim tự tháp đầu tiên được Fred Meyer Schroder và Oscar Maman khám phá vàonăm 1912, những kim tự tháp khác được phái bộ Segalen phát hiện. Năm 1945, một viên phi công quân sự Mỹ đang bay từ Ấn Độ sang Trung Quốc, khi bay qua núi Tần Lĩnh đã chụp được một bức ảnh về cái mà anh ta gọi là kim tự tháp trắng. Kể từ đó, người ta chưa bao giờ có thể xác định được vị trí chính xác của nó, nhưng nó hẳn phải lớn hơn kim tự tháp Kheops. Bài báo viết về nó được đăng tải trong một ấn bản của tờ New York Sunday News hồi mùa xuân năm 1947.
Trái ngược với những người chị họ Maya hay Ai Cập của nó, phần lớn các kim tự tháp Trung Quốc không được xây dựng bằng đá mà bằng đất và đất sét. Người ta biết rằng như ở Ai Cập, kim tự tháp được dùng làm mộ phần cho các hoàng đế và các danh gia vọng tộc.
Các kim tự tháp luôn mê hoặc những người mộ đạo, chúng làm xuất hiện không ít những giả thiết kỳ cục. Trong suốt hàng nghìn năm, chúng là công trình lớn nhất được xây dựng bằng đất, giống kim tự tháp đỏ của ngôi mộ cổ vĩ đại Dahshur trên bờ Tây sông Nil, hay kim tự tháp Kheops, kỳ quan duy nhất trong số bảy kỳ quan của Thế giới Cổ đại còn tồn tại cho đến ngày nay. Tuy nhiên có điều này vẫn luôn khiến người ta bối rối không biết lý giải ra sao: các kim tự tháp quan trọng nhất đều được xây dựng hầu như cùng một thời, mà không ai hiểu được làm thế nào những nền văn minh xa cách nhau đến thế lại có thể tái tạo nên một mô hình kiến trúc đồng nhất.
- Có lẽ thời đó người ta chu du nhiều hơn chúng ta tưởng, tôi đánh liều gợi ý.
- Đúng, điều anh nói có lẽ không đến mức phi lý đâu. Em đã tra cứu trong thư viện một mục của Bách khoa thư Britannica năm 1911. Những mối liên hệ giữa Ai Cập và Êtiôpia được củng cố vào triều đại pharaon thứ hai mươi hai; kể từ triều đại thứ hai mươi lăm, thậm chí hai nước này còn có cùng chính quyền cai trị; thủ đô của cả hai đế chế được đặt tại Napata, thuộc phía Bắc lãnh thổ Suđăng hiện nay. Nhưng bằng chứng đầu tiên về mối quan hệ giữa Êtiôpia và Ai Cập còn cổ hơn nữa. Ba nghìn năm trước Công nguyên, giới thương gia thường nhắc đến xứ Pount, phần lãnh thổ phía Nam Nubie. Chuyến đi đầu tiên tới xứ Pount đã diễn ra dưới triều pharaon Sahourê. Nhưng anh nghe cho kỹ nhé, những bức tranh tường của thế kỷ mười lăm trước Công nguyên được tìm thấy trên chính điện Deir el-Bahari, miêu tả một nhóm dân du mục mang theo hương, vàng, ngà voi, gỗ mun, và nhất là nhựa trám hương. Mà chúng ta vẫn biết rằng, ngay từ những triều đại đầu tiên, người Ai Cập đã rất ưa chuộng nhựa trám hương. Điều này cho phép suy đoán rằng cách hoạt động giao thương với Êtiôpia được đẩy mạnh từ khi Ai Cập mới hình thành.
- Toàn bộ chuyện này thì có liên hệ gì đến tòa kim tự tháp Trung Quốc của em?
- Em sắp nói tới đoạn đó rồi đây. Cái chúng ta đang tìm cách thiết lập, đó là mối quan hệ có thể tồn tại giữa bản văn này và chiếc mặt dây chuyền của em. Bản văn được viết bằng tiếng Guèze cổ này nói với chúng ta về các kim tự tháp. Anh hãy nhớ lại câu thứ ba: Để không ai biết điểm viễn địa nằm ở đâu, đêm của một là người gác của khúc dạo đầu. Max đã nói với chúng ta, vấn đề ở đây không phải là dịch từng chữ mà là hiểu tổng thể bản văn. Từ "khúc dạo đầu" có thể chỉ "điểm gốc". Vậy thì câu đó sẽ phải hiểu như sau: Để không ai biết tuyệt đỉnh nằm ở đâu, đêm của một tuyệt đỉnh là người gìn giữ nguồn gốc.
- Quả là như thế nghe xuôi hơn, nhưng anh rất tiếc, anh vẫn chưa hiểu ý em là gì.
- Ta đã tìm thấy chiếc mặt dây chuyền của em ở giữa hồ cách tam giác Ilemi vài kilômét, còn xứ Pount trứ danh là biên giới giữa Êtiôpia, Keny avà Suđăng. Anh có biết người Ai Cập gọi xứ Pount là gì không?
Tôi chẳng hiểu chút khái niệm gì về chuyện đó cả, Keira nhìn tôi ngạo nghễ và tiến lại gần tôi.
- Họ vẫn gọi nó là "Ta Nétérou" nghĩa là "Đất của các vị thần", hay còn nữa "xứ sở cội nguồn". Vùng này cung có sông Nil Xanh, khởi nguồn của sông Nil; chỉ cần xuôi dòng nước là đến Djoser, kim tự tháp đầu tiên và cổ nhất trong số các kim tự tháp Ai Cập tại Saqqarah. Có lẽ chiếc mặt dây chuyền của em đã trôi theo dòng nước xuống đến trung tâm hồ Turkana. Giờ thì hãy quay trở lại với Trung Quốc, em đã dành nửa đêm còn lại để nghiên cứu về đề tài này. Nếu lời chứng của viên phi công người Mỹ là xác thực - vì sự tồn tại của kim tự tháp trắng này vẫn gây tranh cãi -, kim tự tháp mà người này đã chụp ảnh lại sẽ đạt đỉnh cao nhất vào khoảng hơn ba trăm mét, và nó sẽ là kim tự tháp cao nhất thế giới.
- Em muốn chúng ta sang Trung Quốc đến đến tận núi Tần Lĩnh?
- Có lẽ đó là thông điệp của bản văn viết bằng tiếng Guèze. Những kim tự tháp ẩn... Trung Mỹ, Bosnia hoặc Trung Quốc! Em sẽ chọn kim tự tháp cao nhất trong số đó, đây là một vụ cá cược, một phần ba cơ hội! Nhưng ba mươi ba phần trăm cơ may đã là quá nhiều đối với một nhà khoa học, vả lại em tin vào linh tính bản năng của mình.
Tôi hầu như không thể hiểu nổi việc Keira quay ngoắt thái độ như vậy. Cách đây ít lâu, hễ có dịp là cô ấy không ngừng nhắc đi nhắc lại với tôi cô ấy nhớ Êtiôpia biết chừng nào. Tôi biết cô ấy phải thường xuyên tự kiềm chế để không gọi cho Éric, anh bạn đồng nghiệp đang chỉ đạo nhóm cộng sự thay cô ấy. Mỗi ngày trôi qua, tôi lại càng thấy sợ cái khoảnh khắc cô ấy sẽ thông báo với tôi là mọi việc đã trở lại bình thường trong thung lũng Omo, và cô ấy sẽ lại lên đường quay trở về đó. Thế mà cô ấy lại đang đề nghị tôi rời châu Phi thân thương và những bãi khai quật của cô ấy xa hơn nữa.
Lẽ ra tôi phải vui sướng với ý nghĩ được cùng sang Trung Quốc với cô ấy, được chia sẻ nỗi phấn khích với cô ấy, nhưng khi cô ấy gợi ý với tôi chuyến đi này, kế hoạch lại khiến tôi lo ngại vì vô vàn lý do.
- Dẫu sao em cũng phải thừa nhận là chúng ta đang bới cả bó cỏ khô chỉ để tìm một cây kim. Và bó cỏ khô của em lại còn ở tận Trung Quốc nữa chứ!
- Anh có làm sao không đấy? Anh không buộc phải tới đó, Adrian ạ; nếu anh thích dạy dỗ dám sinh viêm ngoan ngoãn của mình thì cứ việc ở lại Luân Đôn, em hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm, ít ra anh cũng có cuộc sống riêng tại dây.
- Ý em là sao, ít ra anh cũng có cuộc sống riêng tại đây là sao?
- Là hôm qua em đã gọi cho Éric, cảnh sát Êtiôpia đã tìm đến khu trại và nếu bây giờ em quay trở lại đó thì sẽ phải lập tức đến trình diện trước tòa theo giấy triệu tập. Điều này có nghĩa là chính nhờ chuyến khứ hồi ngắn ngủi đến hồ Turkana em đã có nhã ý đi cùng anh, em vừa bị đánh bật khỏi các hố khai quật của mình lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm! Em chẳng còn việc làm, không có chỗ nào để đi, và chỉ vài tháng nữa là em phải trình báo cáo lên tổ chức đã trao cho em cả một gia tài. Anh bảo em làm được gì nữa nào? Ở lại Luân Đôn để sắm vai nội trợ trong lúc chờ đợi anh đi làm về chắc?
- Lúc còn ở Paris nơi em ở đã bị trộm viếng thăm, phòng khách sạn của chúng ta tại Đức bị lục lọi, một linh mục đã bị ám sát ngay trước mắt chúng ta, và đừng nói với anh là em không băn khoăn chút nào về nguyên nhân cái chết của vị tộc trưởng. Em không thấy là chúng ta đã gặp đủ rắc rối kể từ khi quan tâm đến cái mặt dây chuyền đáng nguyền rủa này sao? Và nếu chính em lãnh phát đạn của tay súng đó? Nếu cái gã lái xe ẩu thả ở Nebra không bỏ lỡ mục tiêu? Em đúng là vô tư lự chả khác gì Walter!
- Nghề của em vốn mạo hiểm, Adrian ạ, thường xuyên phải đối mặt với rủi ro. Anh nghĩ những người phát hiện ra bộ xương của Lucy có sẵn trong tay tấm bản đồ của khu nghĩa địa hay những tọa độ GPS từ trên trời rơi xuống chắc? Dĩ nhiên là không! Cô ấy nổi cáu. Bản năng chính là cái tạo nên những nhà khám phá, sự nhạy bén, giống như ở các điều tra viên vĩ đại vậy.
- Nhưng em đâu phải điều tra viên hả Keira.
- Cứ làm những gì anh muốn, Adrian, nếu anh sợ, em sẽ đi một mình. Nếu chúng ta chứng minh được chiếc mặt dây chuyền của em thực sự có bốn trăm triệu năm tuổi, anh có nhận ra tầm quan trọng của khám phá này không? Anh có nhận thấy chuyện này sẽ kéo theo điều gì không? Nó sẽ làm đảo lộn những gì? Em sẵn sàng đào bới lục lạo tất tật mọi bó cỏ khô trên Thế giới để làm được điều đó, miễn là người ta cho em cơ hội. Nên nhớ, chính anh đã đề nghị em chinh phục ba trăm tám mươi lăm triệu năm trong cuộc tìm kiếm nguồn gốc của chúng ta. Vậy mà bây giờ anh lại muốn em đầu hàng ư? Anh sẽ từ chối chứng kiến khoảnh khắc đầu tiên hình thành Vũ trụ, chỉ với lý do duy nhất là chiếc kính viễn vọng cho phép anh làm điều kỳ diệu này có vẻ khó tiếp cận ư? Anh suýt chết ở độ cao năm nghìn mét với hy vọng duy nhất là được quan sát các ngôi sao từ khoảng cách gần hơn. Cứ việc ở lại trong cuộc sống nhiều mưa tầm thường và không nguy cơ của mình, đó là quyền của anh, điều duy nhất em yêu cầu anh là giúp em một tay, em không có tiền trang trải chuyến đi này, nhưng em hứa một ngày kia sẽ trả lại cho anh đầy đủ.
Tôi không nói gì, bởi vì tôi đang giận điên, giận vì đã kéo cô ấy vào chuyện này, giận vì cảm thấy có lỗi trong tổn thất về công việc của cô ấy, và không thể đưa cô ấy tránh xa những hiểm nguy mà tôi đã dự đoán được. Tôi đã ôn lại hàng trăm lần cuộc tranh luận này, nhớ lại hàng trăm lần cái giây phút tôi sợ sẽ mất cô ấy nếu làm cô ấy thất vọng. Mỗi ngày tôi lại giận dữ hơn vì đã tỏ ra hèn nhát như vậy.
Tôi đã đi gặp Walter, như người ta đi tìm một người bạn để cầu cứu. Nếu tôi không thể thuyết phục Keira từ bỏ chuyến đi này, có lẽ hắn sẽ tìm ra lời lẽ để khuyên can cô ấy. Nhưng lần này, hắn từ chối giúp tôi. Thậm chí hắn còn hài lòng khi thấy chúng tôi rời Luân Đôn. Hắn bảo, ít ra, không ai nghĩ đến chuyện truy lùng chúng tôi tại Trung Quốc. Thế rồi hắn nói thêm rằng quan điểm của Keira là hợp lẽ; hắn còn khích tôi, hỏi tôi có phải tôi đã mất sạch sở thích phiêu lưu rồi hay không. Chẳng phải tôi đã chấp nhận những hiểm nguy khôn lường trên cao nguyên Atacama đó sao? Hay là hắn cùng đi?
- Phải rồi, nhưng chính tôi mới là người đối mặt với nguy hiểm, không phải cô ấy!
- Thôi cái trò cứu khổ cứu nạn đi, Adrian, Keira là một cô gái vĩ đại, trước khi gặp cậu, cô ấy vẫn sống một mình giữa châu Phi, xung quanh đầy rẫy sư tử, hổ báo và những kiểu hàng xóm nào khác tôi không biết nữa. Cho đến nay vẫn chưa có con dã thú nào trong số đó xé xác được cô ấy! Vậy thì cái khía cạnh "mình tôi lo tất" chỉ thú vị ở nhà mẹ anh thôi, còn đối với một cậu trai ở tuổi anh, biết nói thế nào nhỉ, như thế vẫn còn quá sớm!
Tôi đã mua vé máy bay. Tại hãng lữ hành theo lời khuyên của Walter, hãng nào đã rất chu đáo trong chuyến đi của hắn tới Hy Lạp, đã báo trước là cần phải đợi ít nhất là mười ngày chúng tôi mới nhận được thị thực. Tôi hy vọng việc trì hoãn này sẽ cho tôi thêm thời gian để thuyết phục Keira đổi ý, nhưng hai hôm sau hãng lữ hành đã gọi lại; chúng tôi gặp may vì đại sứ quán Trung Quốc đã xử lý xong hồ sơ của chúng tôi, hộ chiếu của chúng tôi đang đợi sẵn. Bạn cứ gọi đó mà may mắn đi.