Chương 44: Francfort

Vừa xuống máy bay, Vassily lần lượt tìm tới cả bốn quầy cho thuê xe hơi nằm trong sân bay quốc tế. Ông đưa cho mỗi nhân viên trực tại quầy một bức ảnh, hỏi họ có nhận ra cặp đôi trong ảnh hay không. Ba người trong số đó đã trả lời không, người thứ tư cho rằng loại thông tin này cần phải được bảo mật. Giờ thì Vassily biết những kẻ ông tìm kiếm đã không vẫy một chiếc taxi để vào thành phố, và điều quan trọng hơn nhiều, họ đã thuê một chiếc xe. Mệt nhoài với kiểu bài thực hành này, ông tiến về phía một buồng điện thoại công cộng và gọi cho người nhân viên ông vừa bỏ rơi; ngay khi người này nhấc máy, ông giải thích với anh ta bằng thứ tiếng Đức gần như hoàn hảo rằng một tai nạn đã xảy ra trên bãi đỗ và anh ta cần có mặt càng sớm càng tốt. Vassily chờ cho người đàn ông giận dữ gác máy rồi vội vã chạy về phía thang máy dẫn xuống tầng hầm. Ngay khi anh nhân viên khuất dạng, Vassily quay lại quầy, cúi xuống bàn phím máy tính và máy in tức thì kêu lạch xạch. Vassily rời khỏi quầy với một bản sao hợp đồng thuê xe của Adrian trong túi áo.

Sau khi đã bấm số điện thoại tìm thấy trong chiếc phong bì tại phòng giữ hành lý của ga Matxcơva, ông biết rằng chiếc Mercedes màu xám mang biển kiểm soát KA PA 521 đã bị camera giám sát ghi hình trên đường quốc lộ B43, rồi đường quốc lộ A5 theo hướng Hannovre; rồi một trăm hai mươi lăm kilômét sau người ta lại thấy chiếc xe xuất hiện trên quốc lộ A7 nơi nó rẽ ra lối 86. Cách đó một trăm mười cây số, chiếc Mercedes phóng đi với tốc độ một trăm ba mươi cây số giờ trên quốc lộ A71, một lúc sau nó xuất hiện trên một đường quốc lộ thẳng hướng Weimar. Vì không có thiết bị giám sát trên các tuyến đường kém quan trọng hơn, chiếc xe dường như đã biến mất giữa thiên nhiên, nhưng nhờ có camera lắp tại một cột đèn giao thông, nó đã lại xuất hiện tại một ngã tư thuộc địa phận Rothenberga.

Vassily thuê một chiếc ô tô hòm to rồi rời khỏi sân bay Freancfort, cẩn thận lần theo hành trình mà ông vừa ghi chép lại.

Ngày hôm đó, vận may đứng về phía ông, chỉ một con đường duy nhất kéo dài từ nơi chiếc Mercedes được quan sát thấy lần cuối cùng. Chỉ mười lăm cây số sau, khi lái xe xuyên qua Saulach ông mới phải băn khoăn với việc lựa chọn hướng đi tiếp theo. Đại lộ Karl Marx dẫn tới Nebra, trong khi con đường phía bên trái lại dẫn tới Bucha. Ông thấy việc đi theo Karl Marx chả có gì là hay ho cả, ông đi theo hướng Bucha; con đường dẫn vào rừng, trước khi xuyên qua những cánh đồng cải dầu rộng mênh mông.

Tới Memleben, khi tới gần một con sông, Vassily đổi ý, ông không thích cho xe chạy về hướng Đông nữa, ông ngoặt lái đột ngột để quay về phố Thomas Muntzer. Quãng đường ông đã đi hẳn đã tạo thành hình tam giác cho đến khi biển chỉ đường lại một lần nữa chỉ đến thành phố Nebra. Khi nhìn sang phải thấy bãi đỗ xe của một viện bảo tàng khảo cổ, Vassily mở cửa kính xe và tự thưởng cho mình điếu thuốc đầu tiên trong ngày. Tay thợ săn đã đánh hơi thấy những con mồi trong đám ruộng, ông không cần nhiều thời gian nữa để xác định vị trí của chúng.

Viên quản đốc bảo tàng tới tận khách sạn tìm gặp chúng tôi. Nhân dịp này, ông mặc một bộ com lê nhung kẻ, sơ mi ca rô cùng cà vạt hàng dệt kim. Ngay cả với những thứ quần áo thoát nạn từ một chuyến đi tại châu Phi, chúng tôi cũng có dáng vẻ lịch sự hơn ông. Ông dẫn chúng tôi tới một quán ăn và đợi cho Keira và tôi ngồi xuống để vui vẻ hỏi xem chúng tôi đã quen biết nhau trong hoàn cảnh nào.

- Chúng tôi là bạn từ thời phổ thông! Tôi đáp.

Keira đá cho tôi một cú dưới gầm bàn.

- Adrian còn hơn cả một người bạn, anh ấy đối với tôi gần giống như một người dẫn đường; vả lại anh ấy còn thường xuyên dẫn tôi theo trong những chuyến đi để giúp tôi khuây khỏa, cô ấy vừa nói vừa dùng gót giày cào nát những ngón chân tôi.

Viên quản dốc muốn chuyển sang chủ đề khác. Ông gọi phục vụ bàn đến và gọi món.

- Có lẽ hai vị sẽ hứng thú với điều tôi sắp nói, ông nói. Khi thực hiện nghiên cứu riêng về đĩa Nebra, và Chúa mới biết tôi đã nghiên cứu về nó được bao nhiêu, tôi tìm được một tài liệu tại Thư viện Quốc gia. Có thời gian tôi những tưởng nó có thể giúp cho công việc của tôi, thực chất đó là một hướng tìm tòi sai lầm, nhưng có lẽ với quý vị thì không phải vậy. Tôi đã tìm kiếm cả buổi chiều nay trong hồ sơ lưu trữ mà không thể tìm ra, nhưng tôi còn nhớ khá kỹ nội dung của nó. Đó là một bản văn viết bằng tiếng Guèze, một ngôn ngữ rất cổ của châu Phi có những chữ tương đối gần gũi với bảng chữ cái Hy Lạp.

Keira bỗng tỏ ra quan tâm.

- Tiếng Guèze, cô nói tiếp, là một ngôn ngữ thuộc nhóm Sémite phục vụ cho sự phát triển của tiếng Amara tại Êtiôpia và của tiếng Tigrinya tại Érythrée. Những chữ viết tạo nên ngôn ngứ Guèze xuất hiện từ cách đây gần ba nghìn năm. Thực ra, điều gây ngạc nhiên nhất là nét tương đồng không chỉ ở bảng chữ cái mà còn ở một vài cách phát âm giữa tiếng Guèze và tiếng Hy Lạp cổ. Theo tín ngưỡng của Giáo hội chính thống Êtiôpia, tiếng Guèze là một sự thần khải xảy ra với Enosh. Theo Sách của Génèse, Enosh là con trai của Seth, cha của Kenan và cháu của Adam, trong tiếng Do Thái cổ, Enosh ám chỉ khái niệm loài người. Trong Kinh chính thống Êtiôpia, Enosh được sinh ra trong năm thứ ba trăm hai mươi lăm từ thời điểm loài người xuất hiện, ngược lên ba mươi tám thế kỷ trước Công nguyên, thời kỳ tiền Hồng thủy trong huyền thoại Do Thái cổ. Sao, có chuyện gì nào?

Tôi hẳn phải nhìn Keira một cách kỳ dị bởi cô ấy đang kể thì ngừng lời trước khi nói thêm rằng cô ấy thấy nhẹ cả người khi rốt cuộc tôi cũng nhận thấy rằng nghề nghiệp của cô ấy không chỉ gói gọn trong việc giúp tôi viết lại cuốn Cẩm nang bạn đường.

- Ông còn nhớ bản văn viết bằng tiếng Guèze nội dung thế nào không? Keira hỏi viên quản đốc bảo tàng.

- Chúng ta hãy nói rõ đã, nếu bản văn gốc viết bằng tiếng Guèze, thì bản văn tôi có trong tay chỉ xuất hiện vừa mới đây, đó là một bản sao có từ thế kỷ thứ năm hoặc sáu trước Công nguyên. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì bản văn đó nói về một chiếc đĩa phản chiếu bầu trời, một dạng bản đồ mà mỗi mảnh trong đó dùng để hướng dẫn sự định dân trên thế giới. Bản dịch khá mơ hồ, nó mở ra nhiều cách diễn giải khác nhau. Nhưng, ở đoạn giữa xuất hiện từ "hợp nhất", cái này thì tôi nhớ đinh ninh, và khái niệm này lạ thay lại được gắn với khái niệm phân chia. Không thể biết được liệu khái niệm này hay khái niệm kia tiên báo sự lên ngôi hay sự hủy diệt của thế giới. Chắc đó là một bản văn ít nhiều mang tính tôn giáo, hơn nữa là một lời tiên tri, tôi cho là thế. Dẫu sao, bản văn này cũng quá cổ để quy chiếu tới đĩa Nebra. Các vị phải tìm tới DNB 1. Hãy tự tra cứu bản văn và có ý kiến của riêng mình. Tôi không thể mang đến cho quý vị những hy vọng hão huyền, khả năng bản văn này có mối liên hệ nào đó với vật mà cô đang đeo trên cổ là khá nhỏ, nhưng nếu ở vào vị trí của cô, dù sao tôi cũng đến xem sao, chúng ta không bao giờ biết được.

- Và làm thế nào để tìm lại tài liệu này? Thư viện quốc gia thì rộng mênh mông như thế.

- Tôi chắc chắn đã tra cứu nó trong những chi nhánh thư viện tại Francfort, tôi cũng đã nhiều lần tìm đến thư viện Munich và Leipzig, nhưng tôi chắc chắn bản thảo viết tay này được lưu trữ tại Francfort. Mặt khác, bây giờ tôi còn nhớ thêm điều này nữa, nó nằm trong một cuốn dược điển, nhưng cuốn nào nhỉ? Toàn bộ chuyện này xảy ra cách đây đã ngót chục năm rồi. Đúng là tôi cần phải sắp xếp lại công việc. Ngay tối nay tôi sẽ bắt tay vào làm, và nếu phát hiện ra điều gì đó, tôi sẽ gọi cho hai vị ngay.

Sau khi viên quản đốc để chúng tôi lại với nhau, Keira và tôi quyết định đi bộ về khách sạn. Thành phố Nebra cổ kính không thiếu vẻ duyên dáng và một cuộc dạo chơi sẽ giúp chúng tôi tiêu hóa bữa ăn quá đỗi thịnh soạn này.

- Anh lấy làm tiếc, anh nghĩ anh đã lôi em vào một cuộc phiêu lưu chẳng ra đầu ra đũa gì cả.

- Em hy vọng anh đang đùa, Keira đáp lại. Anh sẽ không tự vùi dập bản thân khi chuyện đã bắt đầu trở nên thú vị chứ? Em không biết sáng mai anh định làm gì, nhưng em thì em sẽ đi Francfort.

Chúng tôi đang lặng lẽ băng qua một quảng trường nhỏ ở chính giữa có đài phun nước xinh xắn thì một chiếc xe với ánh đèn pha gây lóa mắt bất thần xuất hiện.

- Khỉ thật, gã ngốc này đang lao thẳng về phía chúng ta! Tôi gào lên với Keira.

Tôi chỉ kịp đẩy cô ấy vào một chiếc cổng cho xe vào đang được gia cố lại, chiếc xe chạy với vận tốc nhanh sượt qua tôi rồi trượt về giữa quảng trường trước khi lao đi mất dạng trên con phố lớn. Nếu gã điên đó muốn dọa cho chúng tôi sợ khiếp vía thì hắn đã thành công. Tôi thậm chí không kịp nhìn biển số xe. Tôi giúp Keira đứng dậy, cô ấy nhìn tôi kinh ngạc; cô ấy vừa mơ hay gã lái xe kia cố tình cán chết chúng tôi? Tôi phải thừa nhận câu hỏi của cô ấy khiến tôi bối rối không biết trả lời sao.

Tôi đề nghị dẫn Keira đi uống một chầu cho phấn chấn tinh thần. Cô ấy đã bị một phen sợ hết hồn nên muốn về thẳng khách sạn. Khi về đến tầng của chúng tôi, tôi ngạc nhiên khi thấy thềm nghỉ chìm trong bóng tối. Nếu một bóng đèn bị cháy thì còn có thể cho qua, nhưng cả dãy hành lang tối om thì... Lần này, chính Keira đã nhanh trí giữ tôi lại.

- Đừng đi vội.

- Phòng của chúng ta ở cuối hàng lang này, chúng ta thực sự không được quyền lựa chọn.

- Đi cùng em xuống lễ tân đã, giờ không phải lúc chơi trò anh hùng, có cái gì đó không ổn, em cảm thấy thế.

- Cầu chì bị nổ, đó là cái không ổn đấy!

Nhưng tôi cảm thấy Keira đang lo lắng nên chúng tôi cùng đi xuống.

Nam nhân viên lễ tân xin lỗi không ngừng, chuyện này chưa bao giờ xảy ra. Chuyện này cũng thật lạ lùng vì tầng một và tầng trệt được đấu chung một dây cầu chì và ở đây rõ ràng là đèn đuốc vẫn sáng trưng. Anh ta vớ lấy một cái đèn pin, yêu cầu chúng tôi đợi trong sảnh và hứa sẽ quay lại ngay khi khắc phục xong sự cố.

Keira kéo tôi về phía quầy bar, cuối cùng thì một ly nhỏ rượu trắng có lẽ sẽ giúp cô ấy dễ ngủ hơn.

Nam nhân viên lễ tân của khách sạn đã đi khỏi được hai mươi phút.

- Em cứ ngồi lại đây nhé, anh đi xem có chuyện gì, mà nếu năm phút nữa không thấy anh quay lại, em nhớ báo cảnh sát.

- Em đi cùng anh.

- Không, em ở lại đây, Keira, lần này hãy nghe lời anh, hoặc một trong những ngày này, anh sẽ thực sự mở được cánh cửa. Và chớ có nói câu gì, anh hiểu bản thân mình rất rõ mà!

Tôi cảm thấy có lỗi vì đã để người lễ tân đi một mình như vậy, trong khi Keira đã dự cảm thấy mối nguy hiểm nhưng tôi không tin. Tôi leo thang gác, nấp kín ngay khi nghe thấy bất kỳ tiếng động nào dù là nhỏ nhất; tôi đã gọi tất cả những cái tên Đức mà tôi biết, dò dẫm tiến lên trong bóng tối hành lang và thoạt tiên, tôi tìm thấy cái đèn pin sau khi giẫm phải nó, và tiếp đó là người nhân viên lễ tân đang nằm sóng soài trên mặt đất. Đầu của anh ta tắm trong một vũng máu đang chảy nhỏ giọt từ một vết thương hở hoác trên sọ. Cửa ra vào phòng chúng tôi mở toang, cả cửa sổ cũng vậy. Hành lý của chúng tôi bị dỡ tung, đồ đạc vương vãi trên sàn.

Nhưng trừ một chút lòng tự ái, người ta không lấy đi của chúng tôi bất cứ thứ gì.

Viên sĩ quan cảnh sát đọc lại lời khai của tôi; tôi không có gì khác cần khai thêm. Tôi ký vào dưới tờ khai, Keira cũng ký vào đó rồi chúng tôi rời khỏi đồn cảnh sát.

Chủ khách sạn đã giúp chúng tôi tìm phòng tại một khách sạn khác trong thành phố. Cả Keira lẫn tôi đều không thể chợp mắt. Sự hung bạo trong quãng thời gian gần đây kéo chúng tôi lại gần nhau. Đêm đó, trên chiếc giường nơi chúng tôi thu mình trong vòng tay nhau, Keira đã phản bội lời hứa, chúng tôi đã hôn nhau.

Nói đúng ra đó không phải là bối cảnh lãng mạn mà tôi hằng mơ, nhưng điều bất ngờ đôi khi cũng tiết lộ những kho báu quá sức mong đợi; khi ngủ thiếp đi, Keira cầm tay tôi và cử chỉ âu yếm này còn quyến rũ hơn cả một nụ hôn.

Sáng hôm sau, chúng tôi dùng bữa sáng tại sân hiên của một quán bia.

- Có chuyện này anh cần phải nói để em biết. Hôm qua không phải lần đầu tiên anh trải qua một chuyện không may. Anh vừa tự hỏi liệu cửa ra vào phòng khách sạn của chúng ta có bị phá khóa bởi một tên trộm thường hay không và anh cũng băn khoăn về cái gã lái xe ẩu thả suýt thì đâm phải chúng ta.

Keira đặt chiếc bánh ngọt đang cầm trên tay xuống, cô chăm chú nhìn tôi và tôi có thể đọc thấy trong mắt cô ấy điều gì đó khác với sự ngạc nhiên.

- Ý anh là có ai đó đang bám theo chúng ta?

- Dù thế nào đi nữa thì cũng là bám theo chiếc mặt dây chuyền của em; trước khi anh quan tâm đến nó, cuộc sống của anh yên ổn hơn nhiều... ngoại trừ một cơn giảm ôxy trong máu khi ở trên cao.

Rồi tôi kể lại cho Keira nghe chuyện đã xảy ra với tôi và Walter tại Héraklion, cái cách vị giáo sư đã muốn chiếm đoạt chiếc dây đeo cổ của cô ấy, Walter đã làm thế nào để ngăn cản ông ta và hành trình truy đuổi diễn ra sau đó.

Keira chế giễu tôi, cô ấy phá lên cười, tuy nhiên, tôi chẳng thấy có gì đáng cười trong câu chuyện tôi vừa kể.

- Các anh đã đấm vỡ mặt một người chỉ vì ông ấy muốn giữ lại chiếc dây đeo cổ của em để nghiên cứu thêm vài tiếng đồng hồ ư, các anh đã hạ gục rồi còng tay một nhân viên an ninh, các anh đã trốn chui trốn lủi như lũ trộm và các anh tưởng mình đang là nạn nhân của một vụ mưu phản ư?

Tôi tin là Keira đang giễu cợt cả Walter nữa, tôi không vì thế mà vững lòng hơn, nhưng cũng nguôi ngoai hơn một chút.

- Và trong khi anh đã nghĩ được đến thế, cái chết của vị tộc trưởng bộ lạc Mursis cũng không phải là một tai nạn sao?

Tôi lặng im không đáp.

- Anh nghĩ vớ vẩn rồi. Làm sao họ có thể biết chúng ta đang ở đâu chứ? Cô ấy tiếp.

- Anh không rõ, anh không muốn phóng đại chuyện gì cả, nhưng anh nghĩ chúng ta nên đề cao cảnh giác.

Viên quản đốc bảo tàng đã nhận ra chúng tôi từ đằng xa, ông bước vội đến chỗ chúng tôi. Chúng tôi mời ông ngồi cùng bàn.

- Tôi đã được biết về chuyện không may xảy ra cho hai vị hồi đêm qua. Ghê rợn thật, ma túy tàn phá nước Đức mất rồi. Với cái giá đủ mua một liều hê rô in, đám thanh niên sẵn sàng phạm bất cứ tội ác nào. Chúng tôi đã gặp nhiều vụ cướp giật, một vài phòng khách sạn bị trộm viếng thăm, như tất cả những địa phương đón tiếp số lượng lớn khách du lịch, nhưng cho đến nay chưa từng có vụ nào bạo lực đến thế.

- Có lẽ đó là một lão già lên cơn vật thuốc, những người lớn tuổi thường ra tay độc ác hơn, Keira xẵng giọng.

Tôi kín đáo thúc đầu gối cô ấy dưới gầm bàn.

- Tại sao lúc nào cũng đổ vấy mọi tội lỗi lên đầu những người trẻ nhỉ? Cô ấy tiếp.

- Bởi vì người lớn tuổi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi nhảy xuống từ cửa sổ tầng hai khách sạn để chạy trốn, viên quản đốc bảo tàng đáp.

- Ban nãy ông cũng chạy cực kỳ hoạt bát khỏe mạnh mà ông thì đâu có phải là một chú gà gô non tuổi, Keira vặc lại, bướng bỉnh hơn bao giờ hết.

- Anh không nghĩ là ngài quản đốc bảo tàng đây đã ghé thăm phòng khách sạn hồi tối qua, tôi vừa nói vừa cười ngượng nghịu để cứu vãn tình thế.

- Ý em đâu phải thế, Keira đáp.

- Tôi e cuộc trò chuyện của chúng ta chệch hướng mất rồi, viên quản đốc cắt ngang. Bất chấp tất cả những phiền nhiễu này, dẫu sao tôi cũng có hai tin tốt lành đây. Tin đầu tiên là nhân viên lễ tân đã qua cơn nguy kịch. Tin thứ hai là tôi đã tìm lại được mã số của cuốn dược điển tại Thư viện Quốc gia. Chuyện này khiến tôi tốn khá nhiều công sức, tôi đã mất gần hết đêm qua để mở các hộp và thùng các tông, cuối cùng cũng tìm ra cuốn sổ ghi chép nhỏ trong đó tôi có ghi phần tra cứu theo vần tất cả các tài liệu đã từng tra cứu. Khi nào tới thư viện, các bạn chỉ cần hỏi số phiếu này, ông nói rồi đưa cho chúng tôi một mẩu giấy. Dạng sách này đã quá cổ và rõ ràng là quá nhạy cảm để đông đảo công chúng có thể tiếp cận, nhưng tư cách nghề nghiệp sẽ cho phép hai bạn làm điều đó. Tôi đã mạo muội gửi một bức điện đến cô bạn đồng nghiệp hiện là thủ thư của thư viện Francfort, các bạn sẽ được tiếp đón nhiệt tình.

Chúng tôi cảm ơn vị chủ nhà đã cất công giúp đỡ rồi rời khỏi Nebra, để lại đằng sau cả những kỷ niệm đẹp lẫn xấu.

Trong chuyến hành trình lần này Keira có phần hoạt bát hơn. Về phần mình, tôi nhớ tới Walter, thầm hy vọng hắn sẽ trả lời bức thư điện tử tôi vừa gửi cho hắn. Chúng tôi tới Thư viện Quốc gia vào cuối giờ sáng.

Tòa nhà mang nét kiến trúc hiện đại gồm hai tầng. Ở đằng sau, mặt tiền bằng kính chạy dọc theo một khuôn viên rộng rãi. Chúng tôi đến quầy đón tiếp và tự giới thiệu, chỉ một lát sau, một phụ nữ trong bộ quần áo may đo bó sát ra gặp chúng tôi. Bà tự giới thiệu mình là Helena Weisbeck và mời chúng tôi theo vào văn phòng làm việc của bà. Bà mời chúng tôi dùng cà phê và bánh quy không đường. Chúng tôi chưa kịp ăn bữa trưa nên Keira lập tức ngấu nghiến thứ bánh đó.

- Rõ ràng là cuốn dược điển này bắt đầu khiến tôi tò mò rồi đấy, hàng năm trời trôi qua không ai quan tâm đến nó, hôm nay bỗng dưng các vị là những người thứ hai muốn tra cứu nó.

- Ai đó đã ghé thăm bà trước chúng tôi sao? Keira hỏi.

- Không, nhưng sáng nay tôi vừa nhận được một yêu cầu qua thư điện tử. Cuốn sách này hiện không có ở đây, nó đã được chuyển về lưu trữ tại Berlin. Trong tòa nhà này chúng tôi chỉ còn những tài liệu mới hơn. Nhưng những bản văn này, cũng như những tác phẩm khác, đã được số hóa để đảm bảo độ bền của nó. Các vị cũng có thể gửi yêu cầu qua thư điện tử, tôi sẽ gửi lại một bản sao từng trang mà các vị quan tâm.

- Tôi có thể biết ai có cùng yêu cầu tra cứu với chúng tôi được không?

- Yêu cầu đó xuất phát từ ban giám hiệu của một trường đại học nước ngoài, tôi không thể tiết lộ cho hai vị chi tiết hơn, tôi đành ký vào giấy phép. Chính thư ký của tôi đã xử lý đề nghị tra cứu này, nhưng cô ấy lại đi ăn trưa mất rồi.

- Bà không nhớ trường đại học này của nước nào ư?

- Hà Lan, tôi nhớ mang máng thế, đúng rồi, tôi tin chắc đó là Đại học Amsterdam. Dù thế nào đi nữa, yêu cầu đến từ một vị giáo sư, nhưng tôi không nhớ được tên người này, mỗi ngày tôi ký nhiều loại giấy tờ mà, xã hội của chúng ta đã trở thành những chuỗi tai họa hành chính thực sự.

Bà thủ thư đưa cho chúng tôi một phong bì giấy bồi, bên trong có một bản sao màu của tài liệu chúng tôi đang tìm kiếm. Bản thảo rõ ràng được viết bằng tiếng Guèze; Keira đọc chăm chú. Bà thủ thư ho khẽ rồi nói bản sao bà vừa đưa cho chúng tôi hoàn toàn thuộc về chúng tôi. Chúng tôi có thể tùy ý sử dụng. Chúng tôi cảm ơn bà trước khi rời khỏi thư viện.

Phía bên kia con phố là một nghĩa trang rộng mênh mông, nó nhắc tôi nhớ đến nghĩa trang Old Brompton của Luân Đôn, nơi tôi thường đi dạo. Đó không chỉ là một nghĩa trang mà còn là một công viên cây xanh hết sức xinh xắn, phong cảnh hiếm có và thanh bình giữa một thủ đô rộng lớn.

Chúng tôi đến ngồi trên một băng ghế; một thiên thần trắng muốt đậu chênh vênh trên bệ dường như đang dò xét chúng tôi. Keira dứ dứ nắm đấm về phía thiên thàn rồi cúi xuống đọc bản văn. Cô ấy so sánh các dấu hiệu với câu dịch tiếng Anh khá sơ lược đi kèm. Bản văn cũng đã được dịch sang tiếng Hy Lạp, tiếng Arập, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Tây Ban Nha, nhưng những câu chú thích tiếng Anh cũng như tiếng Pháp chúng tôi đang đọc đều vô nghĩa:

Dưới các tam giác sao, tôi đã phó thác cho thầy pháp chiếc đĩa của những quyền hạn, đã được tách các phần hợp trại.

Để chúng được giấu dưới các cây cột của sự phồn vinh. Để không ai biết điểm viễn địa nằm ở đâu, đêm của một là người giữ gìn tiên triệu.

Để con người không đánh thức nó, tại nơi hợp giao của các thời đại ảo đang nổi rõ kết quả của khu vực.

- Chúng ta tiến bộ nhanh gớm! Keira vừa nói vừa nhét tài liệu vào phong bì; em hoàn toàn không hiểu những lời này có nghĩa gì và bản thân em cũng không thể luận ra nổi. Ông quản đốc bảo tàng Nebra bảo đã tìm ra dược điẻn này ở đâu nhỉ?

- Ông ấy chưa nói. Chỉ nói là nó có từ thế kỷ thứ năm hay thứ sáu gì đó trước Công nguyên thôi. Và ông ấy đã nói rõ rằng bản thảo này cũng chỉ là một bản sao của một bản văn còn cổ hơn nữa.

- Vậy thì chúng ta rơi vào ngõ cụt thật rồi.

- Em không quen ai đọc được bản văn này à?

- Có chứ, em quen một người có thể giúp chúng ta, nhưng anh ấy đang ở Paris.

Keira nói ra điều này với thái độ không hào hứng cho lắm, như thể viễn cảnh nhờ vả này không khiến cô vừa ý vậy.

- Adrian này, em không thể tiếp tục chuyến đi này nữa, em không còn một xu và chúng ta không biết mình đang ở đâu, thậm chí cũng không biết nguyên do.

- Anh có vài khoản dành dụm và anh còn khá trẻ để không phải lo lắng về kỳ hưu của mình. Chúng ta đang cùng nhau chia sẻ chuyến phiêu lưu này, Paris không còn xa nữa, thậm chí chúng ta có thể đi tàu tới đó nếu em muốn.

- Chính thế, Adrian, anh đã nói là cùng nhau chia sẻ mà em thì không còn tiền để chia sẻ bất cứ thứ gì nữa rồi.

- Nếu em muốn, chúng ta cùng thỏa thuận nhé. Hãy hình dung anh tìm ra một kho báu, anh hứa sẽ khấu trừ phân nửa chi phí cho chuyến đi từ phần của cải em sắp được chia.

- Và nếu chính em tìm ra kho báu của anh, dẫu sao thì chính em mới là nhà khảo cổ cơ mà!

- Vậy thì anh đổi chác có lãi rồi.

Cuối cùng Keira cũng chấp nhận để chúng tôi cùng tới Paris.

Chú Thích

1 Thư viện quốc gia Đức (chú thích của tác giả).

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện