4

KHÔNG TRẢ LẠI KHOẢN PHỤ PHÍ BA KRONA

Ông đem cho bà hai chậu hoa. Dĩ nhiên ông không định mua những hai chậu. Cái gì cũng có mức độ của nó. Nhưng đây là một vấn đề thuộc về nguyên tắc, ông giải thích với bà. Thế nên rốt cuộc ông đành mua hai chậu hoa.

— Mọi thứ thật chẳng ra làm sao khi bà không có nhà. - Ove lẩm bẩm, chân đá nhẹ mặt đất lạnh cứng.

Vợ ông không trả lời.

— Tối nay tuyết sẽ rơi. - Ông nói tiếp.

Trên bản tin, họ nói là tuyết sẽ không rơi, nhưng như ông thường chỉ ra, những dự đoán của họ hay bị ngược với thực tế. Bởi vậy ông mới phải cảnh báo bà. Bà không đáp. Ông đút tay vào túi quần và khẽ gật đầu.

— Thật không bình thường khi quanh quẩn một mình trong nhà cả ngày mà bà không có ở đó. Sống như vậy không phải là sống. Tôi phải nói như thế.

Bà vẫn không đáp.

Ove gật đầu và đá nhẹ mặt đất lần nữa. Ông không thể hiểu được những người luôn mong ngóng đến lúc được nghỉ hưu. Làm sao người ta có thể suốt ngày mơ tưởng đến cái ngày họ trở thành thừa thãi kia chứ? Đi loanh quanh luẩn quẩn, trở thành gánh nặng cho xã hội, ai lại có thể mơ ước chuyện đó? Ru rú trong nhà chờ chết, hoặc thậm chí tệ hơn: chờ người ta tới đón và tống mình vào viện dưỡng lão. Đến cả đi vệ sinh cũng phải phụ thuộc vào người khác. Ông không thể nghĩ ra điều gì tồi tệ hơn nữa. Vợ ông thường trêu rằng ông là người duy nhất bà biết thà nằm xuống đất còn hơn phải di chuyển trên loại xe dành riêng cho người già và tàn tật. Có lẽ bà nói đúng.

Ove thức giấc lúc sáu giờ kém mười lăm phút. Pha cà phê cho hai vợ chồng xong, ông đi quanh nhà kiểm tra các máy sưởi để bảo đảm bà không lén vặn lớn chúng. Tất cả đều y nguyên như ngày hôm qua, nhưng ông vặn nhỏ chúng thêm một chút cho chắc ăn. Rồi ông lấy chiếc áo gió từ cái móc duy nhất không bị treo đầy áo khoác của vợ ông, và lên đường đi tuần. Trời đã bắt đầu lạnh, ông tự nhủ. Đã sắp đến lúc ông thay thế chiếc áo gió màu xanh biển bằng chiếc áo khoác màu xanh biển.

Ông luôn biết khi nào sắp có tuyết, đó là lúc vợ ông bắt đầu kỳ kèo đòi ông tăng nhiệt độ trong phòng ngủ. Rồ dại. Năm nào ông cũng nói như thế. Sao lại để cho giám đốc công ty năng lượng xoa tay kiếm lợi từ một chút trái gió trở trời? Tăng nhiệt độ thêm năm độ sẽ làm tiêu tốn hàng ngàn krona mỗi năm. Ông biết vì ông đã tự mình làm phép tính. Do vậy, mỗi mùa đông ông lại lôi cái máy phát điện chạy dầu cũ kỹ từ trên gác mái xuống. Ông đã đổi một máy hát cũ lấy nó trong một dịp bán đồ cũ. Ông dùng nó để chạy cái quạt sưởi mua với giá ba mươi chín krona. Khi máy phát điện sạc đầy bình ắc quy nhỏ mà ông Ove đã gắn cho cái quạt, quạt sẽ chạy ba mươi phút, và vợ ông có thể đặt nó ở phía bên giường của mình. Bà có thể bật nó vài lần trước khi đi ngủ, nhưng chỉ vài lần thôi, không cần thiết phải lãng phí. Dẫu không phải là miễn phí. Và trung thành với thói quen, bà vợ của ông luôn gật đầu cho rằng có lẽ ông có lý. Sau đó suốt cả mùa đông bà sẽ lén vặn to các máy sưởi trong nhà. Năm nào cũng như năm nào.

Ove lại đá đá vào mặt đất. Ông đang cân nhắc việc kể với bà về con mèo. Nếu có thể gọi sinh vật bẩn thỉu xơ xác đó là mèo. Nó lại ngồi đó lúc ông đi tuần tra về, gần như ngay trước cửa nhà họ. Ông chỉ tay vào nó và quát to đến nỗi giọng ông vang vọng giữa các ngôi nhà. Con mèo chỉ ngồi đó nhìn ông. Rồi nó từ tốn đứng dậy, như thể muốn cho thấy rằng nó không bỏ đi vì ông, mà vì nó có những việc hay ho hơn để làm, và biến mất sau góc tường.

Ông quyết định không kể với vợ chuyện con mèo. Ông cho rằng bà sẽ chỉ cằn nhằn ông vì đã xua đuổi nó. Nếu bà là người toàn quyền quyết định, trong nhà sẽ đầy muông thú đi hoang, bất kể bộ lông của chúng thế nào.

Ông mặc bộ com lê màu xanh biển với một chiếc áo sơ mi trắng cài nút kín cổ. Bà bảo ông mở nút áo trên cùng nếu không thắt cà vạt, nhưng ông bảo rằng mình không phải là một thằng nhóc cho thuê ghế ở bãi biển và cương quyết cài nút kín cổ. Ông đeo cái đồng hồ móp méo cũ kỹ, cái mà bố ông đã thừa hưởng từ ông nội năm mười chín tuổi. Cái đồng hồ trở thành của Ove sau sinh nhật lần thứ mười sáu, vài ngày sau khi bố ông qua đời.

Vợ ông thích bộ trang phục này. Bà luôn nói trông ông rất đẹp trai khi mặc nó. Như bất kỳ người nhạy cảm nào, ông Ove quan niệm rằng chỉ có những gã bịp bợm mới mặc bộ cánh đẹp nhất của mình vào các ngày trong tuần, nhưng sáng nay ông quyết định mở một ngoại lệ. Thậm chí ông còn mang đôi giày đen sau khi đánh bóng nó với một lượng xi thích đáng.

Lúc lấy chiếc áo gió từ trên móc xuống, ông đưa mắt trầm ngâm nhìn bộ sưu tập áo khoác của vợ, tự hỏi làm thế nào một con người nhỏ bé như thế lại có thể sở hữu nhiều áo khoác mùa đông như vậy. “Bước qua chỗ áo này chắc ông sẽ tới Narnia đó,” một người bạn của ông từng trêu chọc như thế. Ove không hiểu bà ta nói vậy nghĩa là sao, nhưng ông cũng phải công nhận là đống áo khoác này nhiều thật.

Ove rời nhà khi cả khu phố chưa ai thức dậy và rảo bước đi tới bãi đỗ xe. Ông dùng chìa khóa mở cửa nhà để xe của mình. Cửa của nó có một cái điều khiển từ xa, nhưng ông chưa bao giờ hiểu được tại sao phải dùng đến. Một người bình thường luôn có thể mở cửa bằng tay. Ông mở cửa chiếc Saab, cũng bằng chìa khóa. Trước giờ mọi thứ đã vận hành suôn sẻ như thế rồi, tại sao phải thay đổi? Ông ngồi vào ghế lái và vặn núm dò đài nửa vòng tới theo chiều kim đồng hồ, sau đó vặn nửa vòng theo chiều ngược lại, căn chỉnh hai gương chiếu hậu như thường lệ. Như thể có ai đó đã lẻn vào đây nghịch phá radio và gương chiếu hậu của chiếc xe.

Trong khi lái xe rời khỏi bãi đỗ, ông đi ngang qua cô hàng xóm bầu bí người ngoại quốc. Cô ta đang nắm tay đứa bé ba tuổi. Anh chàng cò hương tóc vàng đi bên cạnh họ. Cả ba người trông thấy Ove và vui vẻ vẫy tay chào. Ông không vẫy tay đáp lại. Lúc đầu ông đã định dừng xe và chỉnh cho cô ta một bài vì để cho trẻ con chạy lung tung trong khu đỗ xe như thể nó là sân chơi của chúng. Nhưng rồi ông tự nhủ rằng mình đang vội.

Ông lái xe ngang qua nhiều dãy những ngôi nhà y hệt nhà của mình. Hồi hai vợ chồng dọn về đây, khu này chỉ có đúng sáu ngôi nhà. Giờ thì số lượng đã lên đến hàng trăm. Tất cả đều mua bằng tiền vay mượn, tất nhiên rồi. Thời buổi này mọi người đều làm như vậy. Mua hàng bằng thẻ tín dụng, lái ô tô điện, và gọi thợ điện chỉ để thay một cái bóng đèn. Ván sàn công nghiệp, lò sưởi điện… Một xã hội gần như không thể nhận ra sự khác biệt giữa một cái tắc-kê dùng cho tường bê tông và một cái tát lật mặt. Rõ ràng là thế.

Ove mất đúng mười bốn phút để lái xe tới hiệu bán hoa ở trung tâm thương mại. Ông luôn tuân thủ giới hạn tốc độ, mặc dù cái đám mới đến toàn phóng ào ào chín mươi cây số giờ trên con đường cho phép tối đa năm mươi. Quanh nhà mình thì họ gắn hàng loạt biển cảnh báo “Chú ý trẻ em,” còn khi lái xe ngang nhà người khác thì họ bất cần. Ông Ove ra rả nói chuyện này với bà vợ mỗi lần họ lái xe qua đây trong suốt mấy mươi năm.

“Và mọi chuyện càng ngày càng tệ đi,” ông luôn nói thêm như vậy, đề phòng bà không nghe mình nói từ đầu.

Hôm nay ông mới đi được chưa đầy hai cây số thì bị một chiếc Mercedes màu đen bám đuôi ở khoảng cách một cánh tay. Ông Ove nhá đèn phanh ba lần. Chiếc Mercedes sốt ruột nhá đèn pha với ông. Ông hừ mũi vào gương chiếu hậu. Cứ làm như bổn phận của ông là tránh đường ngay khi cái đám ngu ngốc này quyết định chạy quá tốc độ giới hạn.

Trời ạ. Ông cương quyết không chuyển làn. Chiếc Mercedes lại nhá đèn pha lần nữa. Ove chạy chậm lại. Chiếc Mercedes bóp còi. Ông giảm tốc độ xuống còn hai mươi cây số giờ. Khi họ lên đến đỉnh một quả đồi, chiếc Mercedes rồ ga vượt mặt ông. Cầm lái chiếc xe là một người đàn ông ngoài bốn mươi tuổi thắt cà vạt, mấy sợi dây cáp màu trắng lòng thòng từ lỗ tai.

Gã giơ ngón tay thối với ông. Ove đáp lại bằng một cử chỉ mà mọi người đàng hoàng có giáo dục đều biết: gõ gõ ngón tay trỏ vào thái dương. Gã đàn ông trong chiếc Mercedes la lối cho đến khi nước bọt của gã dính đầy kính chắn gió, rồi nhấn ga và biến mất.

Hai phút sau, Ove gặp đèn đỏ. Chiếc Mercedes đang dừng ở cuối đoàn xe. Ông nhá đèn pha với nó. Gã lái xe quay ngoắt lại làm hai cái tai nghe màu trắng rơi xuống bảng điều khiển. Ông gật gù hài lòng.

Đèn chuyển xanh. Dòng xe không nhúc nhích. Ove bóp còi. Không có gì xảy ra. Ông lắc đầu. Chắc là một phụ nữ cầm lái. Hoặc đường đang được tu sửa. Hoặc một chiếc Audi. Sau khi ba mươi giây nữa trôi qua mà không có tiến triển gì, ông cho xe về mo, rồi mở cửa bước ra ngoài trong khi động cơ vẫn chạy. Ông đứng trên đường, mắt nhìn về phía trước, hai tay chống hông. Siêu nhân hẳn sẽ có dáng đứng như thế khi bị mắc kẹt trong một vụ tắc đường.

Gã đàn ông trong chiếc Mercedes nhấn còi hết cỡ. Đồ ngu, ông Ove nghĩ bụng. Cùng lúc đó, dòng xe cộ bắt đầu di chuyển. Những chiếc xe phía trước ông lăn bánh. Chiếc Volkswagen phía sau bóp còi thúc giục ông, người lái xe sốt ruột vẫy tay. Ông Ove quắc mắt nhìn lại. Ông trèo vào trong xe của mình và thong thả đóng cửa lại. “Cứ từ từ, chuyện đâu còn có đó,” ông nói vào gương chiếu hậu rồi cho xe chạy.

Ở đèn đỏ kế tiếp, xe ông lại đi sau chiếc Mercedes. Lại một đoàn xe dài. Ông xem đồng hồ rồi rẽ trái vào một con đường nhỏ và yên tĩnh. Đây là con đường dài hơn để đi tới trung tâm thương mại, nhưng cũng có ít đèn đỏ hơn. Ông không phải người keo kiệt, nhưng những ai có đầu óc đều biết ô tô khi di chuyển liên tục sẽ tiêu thụ ít xăng hơn so với dừng đỗ thường xuyên. Và như vợ ông thường nói: Ít nhất người ta cũng có thể viết trong điếu văn của ông rằng ông “biết quan tâm đến tiết kiệm xăng dầu.”

Khi chạy xe đến gần trung tâm thương mại, Ove nhận ra bãi đỗ chỉ còn trống hai chỗ. Ông không thể hiểu nổi chừng này con người làm gì ở trung tâm thương mại vào giữa tuần. Rõ ràng dạo này mọi người chẳng có việc gì để làm.

Vợ của Ove luôn thở dài ngay khi họ đến gần một bãi đỗ xe như thế này. Ông muốn đỗ xe ở gần lối vào. “Cứ như là một cuộc thi tìm chỗ tốt nhất vậy,” bà luôn nói thế trong lúc ông đảo hết vòng này tới vòng khác và rủa sả những kẻ ngớ ngẩn chắn đường ông với chiếc xe ngoại quốc của họ. Đôi khi hai vợ chồng phải chạy sáu bảy vòng mới tìm được chỗ đỗ tốt, còn nếu ông Ove chấp nhận bỏ cuộc và đỗ xa lối vào cả hai chục mét, ông sẽ bực bội suốt cả ngày. Vợ ông không bao giờ hiểu được chuyện đó. Nói đúng ra, bà chưa bao giờ giỏi trong việc nắm bắt các vấn đề thuộc về nguyên tắc.

Lần này, Ove dự tính sẽ chạy rà rà hai vòng để xem còn chỗ đỗ nào khác hay không, nhưng bất ngờ ông nhìn thấy chiếc Mercedes đen gầm rú trên con đường chính tiến về phía trung tâm thương mại. Hóa ra đây là nơi gã cần đến, cái đồ mặc com-lê đeo tai nghe nhựa kia. Ove không do dự một giây nào nữa. Chân đạp ga, ông cho xe lao vào con đường chính. Chiếc Mercedes phanh muốn cháy đường, bấm còi tức tối rồi bám sát phía sau ông. Màn song đấu bắt đầu.

Bảng chỉ dẫn ở bãi đỗ xe yêu cầu mọi người rẽ phải, nhưng khi đến chỗ đó, chiếc Mercedes chắc đã nhìn thấy hai chỗ còn trống, vì nó cố gắng vượt qua xe ông từ phía bên trái. Ông Ove kịp thời bẻ vô lăng, ngăn chặn ý đồ đó. Hai người đàn ông bắt đầu bám đuổi nhau trên mặt đường nhựa.

Trong gương chiếu hậu, ông Ove thấy một chiếc Toyota nhỏ chạy phía sau họ, đi theo bảng chỉ dẫn, và tiến vào bãi đỗ xe theo chiều kim đồng hồ. Ông dõi mắt theo nó trong lúc vội vã chạy theo chiều ngược lại với chiếc Mercedes đeo bám đằng sau. Tất nhiên ông có thể chiếm lấy một trong hai chỗ đỗ, cái nằm gần lối vào trung tâm thương mại hơn, và tử tế nhường chiếc Mercedes chỗ còn lại. Nhưng như thế thì thắng lợi đâu có toàn diện?

Thay vào đó, ông Ove dừng phắt lại ngay trước chỗ còn trống đầu tiên và cứ đứng ì ở đó. Chiếc Mercedes bắt đầu bấm còi inh ỏi. Ông không nao núng. Chiếc Toyota đang tiến đến gần. Chiếc Mercedes cũng đã trông thấy nó và nhận ra âm mưu của ông, nhưng quá muộn. Nó tức tối bóp còi trong lúc cố gắng vượt mặt chiếc Saab của ông, nhưng không kịp nữa rồi: Ove đã vẫy tay ra hiệu nhường cho chiếc Toyota một trong hai chỗ đỗ xe đang trống. Sau khi nó đã vào chỗ, ông đường hoàng đánh xe vào chỗ còn lại.

Cửa sổ chiếc Mercedes phủ kín nước bọt khi nó chạy ngang qua nên Ove không thể trông thấy mặt gã lái xe. Ông đắc thắng bước ra khỏi chiếc Saab như một võ sĩ giác đấu vừa kết liễu đối thủ. Rồi ông nhìn về phía chiếc Toyota.

— Chết tiệt! - Ông lầm bầm.

Cửa chiếc xe bật mở.

— Chào bác! - Anh chàng cò hương vui vẻ cất tiếng trong khi loay hoay tìm cách bước ra khỏi ghế lái.

— Cháu chào bác ạ! - Vợ anh ta lên tiếng từ phía bên kia chiếc Toyota trong lúc bế đứa bé ba tuổi ra khỏi xe.

Ông Ove tiếc nuối nhìn chiếc Mercedes khuất dạng phía đằng xa.

— Cảm ơn bác vì chỗ đỗ xe. Bác tử tế quá! - Anh chàng cò hương thốt lên.

Ông không trả lời.

— Tên ông là gì thế? - Cô bé ba tuổi cất tiếng.

— Ove.

— Tên cháu là Nasanin! - Cô bé vui vẻ đáp.

Ông Ove gật đầu.

— Còn bố cháu tên là Pat…

Cô bé chưa kịp nói hết câu thì Ove đã quay gót bỏ đi.

— Cảm ơn bác vì chỗ đỗ xe. - Mẹ cô bé nói với theo.

Ove có thể nghe thấy điệu cười trong giọng nói của cô ta. Ông không thích nó. Ông làu bàu đáp: “không có gì, không có gì” mà không buồn quay người lại và bước qua cửa quay để vào bên trong trung tâm thương mại. Ông rẽ trái ngay ở hành lang đầu tiên và nhìn quanh quất vài lần như thể sợ gia đình hàng xóm đi theo. Nhưng họ đã rẽ phải và khuất dạng.

Ông dừng lại phía bên ngoài siêu thị và xem các khuyến mãi đặc biệt của tuần. Không phải ông muốn mua thịt thà gì, nhưng để ý giá cả luôn là một việc có lợi. Trên đời này có một điều mà ông Ove rất ghét, đó là khi ai đó cố gắng lừa ông. Vợ ông thỉnh thoảng trêu đùa rằng ba chữ mà ông ghét nhất trên đời chính là “Không kèm pin”. Mọi người luôn bật cười khi nghe bà nói thế. Nhưng ông thì không.

Từ siêu thị, ông bước sang cửa hàng hoa. Và đây là nơi ông bắt đầu “lắm chuyện”, như vợ ông hay nói. Hoặc là “tranh luận” như ông vẫn chỉnh lại. Ông đặt lên mặt quầy một cái phiếu có ghi: “2 cây với giá 50 krona”. Do ông chỉ muốn mua một cây, ông giải thích với người bán hàng một cách ôn tồn rằng ông sẽ chỉ trả 25 krona. Bởi vì nó là một nửa của 50. Tuy vậy, người bán hàng, một cô gái mười chín tuổi não phẳng, nhất định không đồng ý. Cô khăng khăng bảo rằng một chậu hoa có giá 39 krona, giá khuyến mãi là 50 krona chỉ áp dụng được khi nào ông mua hai chậu. Người quản lý cửa hàng được gọi ra. Ove mất mười lăm phút để làm cho anh ta thấy được vấn đề và nhận ra chân lý.

Thực ra thì anh ta lẩm bẩm gì đó đại loại như “lão già khốn kiếp” và ấn mạnh con số 25 trên máy tính tiền như thể lỗi thuộc về nó. Ove không thèm quan tâm. Ông thừa biết những quầy hàng bán lẻ như thế này luôn cố moi tiền từ khách hàng, và không ai moi tiền của ông mà ông để yên. Ông đặt thẻ ngân hàng xuống quầy. Tay chủ cửa hàng bèn nở một nụ cười khiêm nhường nhất, gật đầu về chỉ tay về phía một tấm bảng có đề dòng chữ “phụ phí 3 krona khi thanh toán bằng thẻ số tiền dưới 50 krona.”

Thế là giờ đây Ove đứng trước mặt vợ với hai chậu hoa. Vì nó là vấn đề thuộc về nguyên tắc.

— Không đời nào anh trả thêm ba krona. - Ông nói, mắt nhìn xuống mặt sỏi. Vợ ông thường xuyên cằn nhằn vì ông luôn tranh cãi về mọi thứ.

Nhưng ông không cãi cùn. Với ông, một là một mà hai là hai. Thái độ sống như vậy có gì không ổn sao?

Ông ngước mắt lên nhìn bà.

— Tôi đoán bà buồn lòng vì hôm qua tôi không đến nhà đó. - Ông nói khẽ.

Bà không nói gì.

— Cả khu phố đã biến thành một nhà thương điên. - Ông biện bạch. - Hỗn loạn hoàn toàn. Thậm chí tôi phải ra ngoài để lùi xe cho người ta đấy. Tôi không thể yên thân mà gắn cái móc lên trần được. - Ông nói luôn như thể bà phản bác.

Ove hắng giọng.

— Rõ ràng là tôi không thể gắn cái móc khi trời tối. Nếu làm thế thì chẳng biết khi nào đèn đuốc trong nhà mới được tắt. Nhiều khả năng chúng sẽ bật sáng mãi và tiêu tốn điện năng. Không thể có chuyện đó được.

Bà không đáp. Ông đá đá mặt đất lạnh cứng, lúng túng tìm từ. Rồi ông hắng giọng một lần nữa.

— Mọi thứ thật chẳng ra làm sao khi bà không có nhà.

Bà không đáp. Ông chỉ vào hai cái cây.

— Tôi mệt mỏi lắm rồi, cứ loanh quanh cả ngày trong nhà khi bà không có ở đó.

Bà vẫn không nói gì. Ông gật đầu, nâng hai chậu hoa lên để bà có thể trông thấy chúng.

— Màu hồng đấy. Đúng loại bà thích. Ở cửa hàng, họ bảo nó là cây lâu năm, nhưng không có đâu. Họ cũng nói là nó không chịu được lạnh, nhưng họ nói vậy chỉ để bán cho tôi những thứ linh tinh khác.

Ông nhìn bà như thể đang chờ đợi sự đồng tình của bà.

— Gia đình hàng xóm cho nghệ tây vào cơm và các thứ. Bọn họ là người ngoại quốc. - Ông khẽ nói.

Đáp lại ông vẫn là sự im lặng.

Ove đứng đó, chậm rãi xoay nhẹ chiếc nhẫn cưới trên ngón tay, như thể đang tìm kiếm điều gì khác để nói. Ông vẫn còn cảm thấy cực kỳ khó khăn khi làm người chủ động trong cuộc đối thoại. Bà luôn giữ vai trò đó. Thường thì ông chỉ đáp lại. Tình huống này vẫn còn lạ lẫm đối với cả hai. Cuối cùng ông quỳ xuống, đào cái cây chết mà ông vừa trồng hồi tuần trước lên và cẩn thận bỏ nó vào một cái túi nhựa. Ông xới lớp đất lạnh cứng thật kỹ trước khi trồng hai cây hoa mới.

— Bọn họ sẽ lại tăng giá điện. - Ông thông báo với bà sau khi đứng lên.

Ông nhìn bà hồi lâu. Cuối cùng ông thận trọng đặt bàn tay mình lên tảng đá và dịu dàng vuốt ve nó, như thể đang vuốt má vợ.

— Tôi nhớ bà. - Ông nói khẽ.

Bà mất đã được sáu tháng. Nhưng ông vẫn còn dành thời gian đi kiểm tra các máy sưởi trong nhà hai lần mỗi ngày để bảo đảm bà không lén ông tăng nhiệt độ lên.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện