Chương 3
Trên chuyến phà, hãy nhìn xem, tôi vẫn còn mái tóc dài. Mười lăm tuổi rưỡi. Tôi đã dùng son phấn. Tôi bôi kem Tokalon, tôi cố che lấp đi những vết đỏ trên gì má, phía dưới mắt. Trên lớp kem Tokalon, tôi thoa loại phấn mà da, mác Houbigan. Phấn này của mẹ tôi, bà dùng nó khi đi dự những buổi dạ tiệc của Tòa hành chính. Ngày hôm ấy tôi cũng dùng loại son môi đỏ sậm như màu gì nhỉ, à, như mà quả anh đào. Tôi không biết làm sao mà tôi lại có được thỏi son này, có lẽ đó là do Helene Langonelle đã lấy trộm của mẹ cô ấy cho tôi, tôi cũng không biết nữa. Tôi không có nước hoa, mẹ tôi thì thường dùng nước Cologne và xà phòng Palmolive.
Trên chuyến phà, bên cạnh xe khách, có một chiếc xe limousine to màu đen với một người lái xe mặc chế phục bằng vải coton trắng. Đúng, đó là chiếc oto to kiểu xe tang trong những quyển sách của tôi. Đó là xe Morris Léon-Bollée. Chiếc xe Lancia màu đen của đại sứ quán Pháp tại Calcutta hãy còn chưa bước vào văn học.
Giữa người lái xe và người chủ vẫn còn lớp kính ngăn có rãnh trượt. Vẫn còn những chiếc ghế phụ. Và xe vẫn còn như một căn phòng.
Trong xe limousine có một người đàn ông rất trang nhã đang nhìn tôi. Đó không phải là một người da trắng. Anh ta vận đồ kiểu châu Âu, anh ta mặc bộ quần áo bằng lụa tussor màu sáng như các chủ nhà băng ở Sài Gòn. Anh ta nhìn tôi. Tôi đã quen với việc mọi người nhìn mình. Người ta nhìn những phụ nữ da trắng ở thuộc địa, nhìn cả những cô bé da trắng mười hai tuổi nữa. Từ ba năm nay những người da trắng cũng nhìn tôi trên đường phố và các ông bạn của mẹ tôi thường nhã nhặn mời tôi đến nhà họ dùng bữa lót dạ vào giờ mà vợ họ đi chơi tennis ở câu lạc bộ thể thao.
Tôi có thể lầm, cứ tưởng là mình đẹp như những người phụ nữ đẹp, những người phụ nữ hay được nhìn, bởi vì quả thực là người ta hay nhìn tôi. Nhưng tôi biết đó không phải là chuyện sắc đẹp mà là một thứ khác, chẳng hạn như, vâng, một thứ khác, chẳng hạn như một thứ thuộc về lĩnh vực tinh thần. Tôi muốn trông như thế nào thì tôi tỏ ra thế ấy, kể cả tỏ ra đẹp cũng được, nếu như mọi người muốn tôi đẹp, hay là tỏ ra xinh xắn, xinh xắn chẳng hạn, đối với gia đình, đối với gia đình thôi, không hơn, tất cả những gì mọi người mong muốn ở tôi, tôi đều có thể trở thành. và tin vào điều đó. Tin là tôi cũng rất dễ thương. Chỉ cần tôi tin là điều đó liền biến thành sự thực đối với người nào nhìn thấy tôi và muốn tôi giống như thị hiếu của họ, điều này tôi cũng biết. Như thế, một cách hoàn toàn có ý thức, tôi vẫn có thể dễ thương ngay cả khi bị ám ảnh bởi việc anh út tôi đã bị để cho chết. Đối với cái chết, chỉ có một kẻ đồng lõa thôi, đó là mẹ tôi. Tôi dùng từ “dễ thương” như mọi người thường nói xung quang tôi, xung quanh bọn trẻ.
Tôi đã được cảnh báo. Tôi biết một điều gì đó. Tôi biết rằng không phải quần áo là thứ làm cho phụ nữ trở nên đẹp nhiều hay ít, cũng không phải là các đồ mỹ phẩm, cũng không phải là những của hiếm lạ, là giá cũng những đồ trang sức. Tôi biết rằng vấn đề nằm ở chỗ khác. Tôi không biết nó ở đâu. Tôi chỉ biết rằng nó không ở chỗ mà phụ nữ vẫn tưởng. Tôi ngắm nhìn những phụ nữ trên các đường phố Sài Gòn, trong các vùng quê hẻo lánh. Có những phụ nữ rất đẹp, rất trắng trẻo, họ chăm sóc sắc đẹp của mình cực kỳ kĩ lưỡng khi ở đây, nhất là ở các vùng hẻo lánh. Họ chẳng làm gì hết, họ chỉ giữ mình thôi, họ giữ mình cho châu Âu, cho người tình, cho những kỳ nghỉ ở Italia, những kỳ nghỉ phép dài sáu tháng cứ ba năm một lần, khi mà rốt cuộc họ có thể nói về những chuyện xảy ra ở đây, về cuộc sống thật đặc biệt ở thuộc địa này, về cung cách phục vụ của những người dân ấy, những gia nhân bản xứ ấy, cái cung cách thật hoàn hảo, về rau quả, về các vũ hội, về những biệt thự màu trắng ấy, rộng mênh mông đến mức có thể lạc lối ở bên trong, nơi ở của các viên chức tại những vùng hẻo lánh. Họ chờ đợi. Họ vận đồ vào người chẳng để làm gì. Họ tự ngắm mình. Trong bóng mát của những biệt thự đó, họ tự ngắm mình cho sau này, họ tưởng đang trải qua một cuộc tình lãng mạn, họ đã có những tủ quần áo to chứa nhiều váy áo đến mức chẳng biết dùng để làm gì, những bộ váy áo tích góp lại như thời gian, như một chuỗi dài những ngày chờ đợi. Một vài phụ nữ đã phát điên. Một vài phụ nữ bị bỏ rơi vì một cô gia nhân trẻ trung kín tiếng. Bị bỏ rơi. Có thể nghe được từ này tác động đến họ như thế nào, nghe được âm vang mà từ đó phát ra, âm vang của cái tát mà người đàn ông giáng vào họ. Một vài phụ nữ đã tự sát.
Việc chính phụ nữ tự bỏ quên mình như vậy đối với tôi chẳng bao giờ giống như một sai lầm.
Chẳng việc gì phải cuốn hút dục vọng. Dục vọng có ở trong người đàn bà khêu gợi nó hoặc là nó không tồn tại. Nó đã có ngay từ cái nhìn đầu tiên hoặc nó chẳng tồn tại bao giờ. Nó là sự thông tỏ tức khắc của mối quan hệ tình dục hoặc nó chẳng là gì hết. Điều đó cũng vậy, tôi đã biết từ trước khi trải nghiệm.
Chỉ có Helène Lagonelle là tránh được quy luật của sai lầm. Cô ấy mãi không trở thành người lớn.
Suốt một thời gian dài tôi không có những bộ váy của riêng mình. Váy của tôi trông như cái bao, được may lại từ những chiếc váy cũ của mẹ tôi, cũng là một kiểu váy trông như bao ấy. Trừ những chiếc váy mà mẹ tôi bảo chị Đô may cho tôi ra. Đô là một nữ quản gia không bao giờ rời bỏ mẹ tôi ngay cả khi mẹ tôi trở về Pháp, ngay cả khi anh cả tôi định cưỡng hiếp chị trong ngôi nhà công vụ ở Sa Đéc, ngay cả khi chị không được trả lương. Đô vốn được các bà xơ nuôi dạy, chị biết thêu và khâu xếp nếp, chị khâu tay như cách người ta đã không còn khâu từ hàng thế kỷ rồi, với những chiếc kim mảnh như sợi tóc. Vì chị biết thêu, mẹ tôi bảo chị thêu khăn trải giường. Vì chị biết khâu xếp nếp, mẹ tôi bỏa chị may cho tôi những chiếc váy xếp nếp, những chiếc váy có diềm, tôi mặc vào người như khoác bao, những chiếc váy lỗi mốt, lúc nào trông cũng trẻ con, hai hàng li phía trước và cổ lá sen tròn, hay là những băng vải ghép trên váy, hoặc những diềm vải viền chéo để làm ra vẻ đồ đặt may. Tôi mặc những chiếc váy này như khoác bao, với những chiếc thắt lưng làm biến đổi hình dạng váy, thế là những chiếc váy ấy trở thành vĩnh viễn.
Mười lăm tuổi, cơ thể mảnh mai, gần như gầy còm, bộ ngực vẫn còn trẻ thơ, thoa phấn hồng nhạt và bôi son đỏ. Và lại thêm cái kiểu trang phục có thể khiến mọi người phải bật cười, nhưng không ai cười hết ấy. Tôi thấy rõ là mọi thứ đều đã có. Mọi thứ đều đã có nhưng vẫn còn chưa có gì quyết định, tôi thấy điều đó trong mắt, tất cả đã có trong mắt. Tôi muốn viết. Tôi đã nói với mẹ tôi: điều mà con muốn là viết. Lần đầu không có câu trả lời. Thế rồi mẹ tôi hỏi: viết cái gì? Tôi nói viết sách, viết tiểu thuyết. Bà xẵng giọng nói: cứ làm xong cái bằng thạc sĩ toán đi rồi muốn viết gì thì viết, mẹ sẽ chẳng còn dây vào chuyện đó nữa. Bà phản đối, chuyện đó không đáng, đó không phải là công việc, đó chỉ là trò đùa - sau này bà sẽ nói với tôi: đó là một suy nghĩ trẻ con.
Cô bé đội mũ phớt, đứng trong ánh sáng phù sa của dòng sông, một mình trên boong phà, tay chống vào lan can. Chiếc mũ đàn ông nhuộm hồng toàn cảnh. Đó là màu duy nhất. Dưới ánh mặt trời mù sương của dòng sông, mặt trời oi ả, đôi bờ nhạt nhòa đi, dòng sông dường như chảy đến chân trời. Sông âm thầm trôi, không một tiếng động, như máu chảy trong cơ thể. Không có gió trên mặt nước. Tiếng máy nổ của phà, tiếng ồn duy nhất trong khung cảnh, tiếng ồn của một động cơ cũ kỹ long sòng sọc với những thanh truyền mòn vẹt. Chốc chốc, thoảng qua những cơn lốc nhẹ, vọng đến những giọng nói. Rồi tiếng chó sủa, vang lên từ bốn phía, từ sau làn sương mù, từ khắp các làng quê. Cô bé quen ông lái phà từ thuở nhỏ. Ông lái phà mỉm cười với cô và hỏi thăm cô về bà hiệu trưởng. Ông nói rằng thường thấy bà đi ngang qua vào ban đêm, rằng bà thường đi sang khu đất bên Cao Miên. Mẹ tôi vẫn khỏe, cô bé nói. Bao quanh phà là dòng sông, nước đầy ăm ắp, nước sông chảy xuyên qua những ruộng nước tù đọng của các cánh đồng lúa, hai loại nước chẳng hòa lẫn vào nhau. Sông cuốn theo nó tất cả những thứ mà nó găp từ Tônglêsáp, từ miền rừng Cao Miên. Nó mang theo tất cả những gì giạt tới, những mái nhà tranh, những cánh rừng, những đám cháy đã bị dập tắt, những con chim chết, những con chó chết, những con hổ, những con trâu, những con vật chết đuối, những người chết đuối, những con mồi giả, những mảng bèo tây kết lại, tất cả chảy ra Thái Bình Dương, không một thứ nào có thời gian để chìm, tất cả đều bị cuốn theo cơn cuồng phong thẳm sâu và quay cuồng của dòng sông chảy phía dưới, tất cả đều lềnh bềnh ở bên trên sức mạnh của dòng sông.
Tôi đã trả lời mẹ rằng điều mà tôi muốn hơn hết là viết, không phải là điều gì khác ngoài việc đó, không phải là điều gì khác cả. Bà ghen tỵ. Không có câu trả lời, một cái nhìn thoáng qua rồi chuyển hướng ngay, cái nhún vai nhẹ, khó quên. Tôi sẽ là đứa con đầu tiên ra đi. Phải đợi thêm vài năm nữa thì bà mới mất tôi, mới mất con bé ấy, đứa con gái ấy. Về lũ con trai thì chẳng có gì đáng lo. Nhưng con bé này, bà biết, sẽ có ngày nó ra đi, nó sẽ có cách để ra đi được. Nó xếp thứ nhất về môn tiếng Pháp. Ông hiệu trưởng trường trung học nói với bà: thưa bà, con gái bà xếp thứ nhất về môn tiếng Pháp. Mẹ tôi chẳng nói gì, chẳng nói gì hết, bà không hài lòng vì không phải là mấy đứa con trai bà mới là những người xếp thứ nhất về môn tiếng Pháp, thật tệ bạc, mẹ tôi đấy, người mà tôi yêu thương đấy, bà hỏi: thế còn môn toán thì sao? Trả lời: chưa được bằng như vậy, nhưng rồi sẽ được thôi. Mẹ tôi hỏi: bao giờ thì được? Trả lời: bao giờ mà cô ấy muốn, thưa bà.
Mẹ tôi, người mà tôi yêu thương cái điệu bộ lố lăng, không thể tưởng tượng nổi của bà với những đôi tất dài bằng coton đã được chị Đô mạng lại, ở xứ sở nhiệt đới mà bà vẫn tưởng là phải đi tất dài mới ra dáng là bà hiệu trưởng, những bộ váy áo thảm hại, quái dị của bà được chị Đô mạng lại, bà vẫn như vừa mới bước ra từ cái trang trại vùng Picardie đầy những chị em họ của bà, bà dùng mọi thứ cho đến hỏng thì thôi, bà tin rằng cần phải như vậy, cần phải dùng cho đích đáng, những đôi giày của bà, những đôi giày của bà mòn vẹt gót, bà bước đi xiêu vẹo, đau đớn, tóc bà bị kéo căng và cuộn chặt lại thành một búi như phụ nữ Tàu, bà làm chúng tôi phát ngượng, bà làm tôi phát ngượng trên con phố trước trường trung học, khi bà đi đến trong chiếc xe B.12 của mình trước trường trung học ai cũng phải nhìn, bà thì chẳng nhận thấy gì cả, chẳng bao giờ, bà là cứ phải đem giam lại, đem đánh, đem giết đi thì mới được. Bà nhìn tôi, bà nói: có thể mày sẽ thoát ra được đấy. Ngày ngày và đêm đêm, ý nghĩ đó được củng cố. Không phải là cần đạt đến một cái gì đó, mà là cần phải thoát ra khỏi chỗ của ta hiện tại.
Khi mẹ tôi vui vẻ trở lại, kho bà ra khỏi cơn tuyệt vọng, bà phát hiện ra chiếc mũ đàn ông và đôi giày dát kim tuyến vàng. Bà hỏi tôi đó là cái gì vậy. Tôi nói có gì đâu. Bà nhìn tôi, bà thích cái đó, bà mỉm cười. Được đấy chứ, bà nói, cái này hợp với con ra phết đấy, trông khác đi. Bà không hỏi có phải bà là người đã mua những thứ này không, bà biết rằng đó chính là bà. Bà biết rằng bà đủ sức làm như vậy, rằng có những lần, những lần mà tôi đã kể, muốn lấy của bà cái gì cũng được, rằng bà không thể phản đối chúng tôi bất cứ điều gì. Tôi bảo bà: không đắt tí nào đâu, mẹ đừng lo. Bà hỏi mua ở chỗ nào. Tôi nói là ở phố Catinat, hàng hạ giá bán tháo. Bà nhìn tôi thân thiện. Hẳn là bà cho rằng việc con bé có trí tưởng tượng như vậy, biết sáng tạo ra cách ăn mặc như vậy, là một dấu hiện đáng an tâm. Không những bà chấp nhận cái trò hề này, cái sự trái khoáy này, bà, một phụ nữ đoan trang như quả phụ, bận đồ xám xịt như một nữ tu sĩ hoàn tục, mà cái sự trái khoáy này lại khiến bà thích thú.