Chương 4

Mối liên hệ với cảnh bần hàn cũng nằm ở chiếc mũ đàn ông, bởi vì sẽ cần phải có tiền chảy vào nhà, bằng cách này hay cách khác thì cũng cần có tiền. Xung quanh bà là những vùng đất trơ trọi, lũ con trai là những vùng đất trơ trọi, chúng sẽ không làm gì hết, những vùng đất mặn cũng trơ trọi, tiền bạc sẽ mất đi, vậy là xong hẳn. Chỉ còn con bé đang lớn lên ấy, có thể sẽ có lúc nó biết cách làm cho tiền chảy vào ngôi nhà này. Chính vì lý do đó, cô bé thì không biết điều này, mà bà mẹ cho phép con mình được đi ra ngoài trong bộ trang phục của một cô điếm nhóc con. Và cũng chính vì vậy mà đứa con đã thành thạo lắm với việc đó, để hướng sự quan tâm mà người ta dành cho cô sang sự quan tâm mà cô dành cho tiền bạc. Điều ấy khiến bà mẹ mỉm cười.

Bà mẹ sẽ không ngăn cản cô bé khi cô thử kiếm tiền. Đứa con sẽ nói: con đã xin anh ta năm trăm đồng để trở về Pháp. Bà mẹ sẽ nói rằng thế là tốt, rằng đó là cái cần thiết để về sống ở Paris, bà sẽ nói: có năm trăm đồng thì ổn đấy. Đứa con biết rằng việc mà cô làm cũng chính là việc mà bà mẹ có lẽ sẽ chọn cho con mình làm, nếu như bà dám, nếu như bà đủ sức, nếu như nỗi đau do suy nghĩ gây nên không hiện diện hàng ngày, làm bà kiệt sức.

Trong những câu chuyện ở những cuốn sách mà tôi viết có liên quan đến thời thơ ấu của tôi, bỗng dưng tôi không còn biết là tôi đã tránh nói điều gì, đã nói điều gì, tôi nghĩ là đã nói về tình yêu thương của chúng tôi đối với mẹ, nhưng tôi không biết tôi đã nói về sự thù hận mà chúng tôi cũng có đối với bà chưa, và cả về tình yêu thương mà chúng tôi dành cho nhau, và về sự thù hận nữa, sự thù hận khủng khiếp, trong câu chuyện chung hoang tàn và chết chóc của cái gia đình này ở mọi lúc, khi yêu thương cũng như khi thù hận, và là câu chuyện vẫn vượt ra khỏi lý trí của tôi, vẫn không thể thấu hiểu được đối với tôi, nó ẩn giấu sâu trong da thịt tôi, mù quáng như đứa trẻ mới ngày đầu sinh ra. Nó nằm ở chỗ mà ngưỡng cửa là nơi sự im lặng bắt đầu. Điều diễn ra ở đó chỉ là sự im lặng, cái công việc chậm chạp cho cả cuộc đời tôi ấy. Tôi vẫn ở đó, trước mặt những đứa trẻ bị ma ám ấy, vẫn ở xa điều bí ẩn với một khoảng cách như xưa. Tôi chẳng bao giờ viết, mà cứ tưởng rằng mình viết, tôi chẳng bao giờ yêu, mà cứ tưởng mình yêu, tôi chẳng bao giờ làm gì cả ngoài việc đợi chờ trước cánh cửa đóng kín.

Khi tôi ở trên chuyến phà sông Mê Kông, cái ngày có chiếc xe limousine đen ấy, mẹ tôi vẫn còn chưa bỏ mảnh đất cạnh đập nước. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn lên đường, như trước kia, vào ban đêm, chúng tôi vẫn đi đến đó cả ba người, chúng tôi ở lại đó vài hôm. Chúng tôi ngồi dưới mái hiên của ngôi nhà gỗ, trước mặt là núi Xiêm. Rồi chúng tôi lại trở về. Mẹ tôi chẳng có việc gì để làm ở đó nhưng bà vẫn đến. Anh út tôi và tôi, chúng tôi ngồi cạnh bà dưới mái hiên đối diện khu rừng. Chúng tôi đã lớn lắm rồi, chúng tôi không còn tắm sông, chúng tôi không còn đi săn báo đen ở những vùng đầm lầy gần cửa sông, chúng tôi không còn vào rừng mà cũng chẳng vào những làng trồng hạt tiêu nữa. Tất cả đã lớn lên xung quanh chúng tôi. Không còn thấy trẻ con trên lưng trâu cũng như ở những nơi khác. Chúng tôi cũng đã mắc phải cả trạng thái lạ lùng, và sự chậm chạp từng xâm chiếm mẹ tôi cũng đã xâm chiếm chúng tôi. Chúng tôi không học gì cả, chúng tôi học cách nhìn rừng, chờ đợi, khóc. Phần đất phía dưới đã mất hẳn rồi, các gia nhân trồng trọt ở những lô đất phía trên, chúng tôi để thóc cho họ, họ ở lại đó mà không được trả lương, họ tận dụng những ngôi nhà tranh vững chắc mà mẹ tôi đã cho dựng lên. Họ yêu mến chúng tôi như thể chúng tôi là người nhà của họ, họ làm như là họ canh giữ ngôi nhà gỗ và họ canh giữ thật. Tủ bát đĩa nghèo nàn chẳng bị thiếu mất thứ gì. Mái nhà mục vì mưa tiếp tục vẹt đi. Nhưng đồ đạt được lau chùi. Và dáng hình của ngôi nhà gỗ ở nơi đó trông tinh khiết như một bức tranh, hiện rõ trên đường đi. Các cánh cửa ngày nào cũng mở để gió lùa vào làm khô gỗ. Và đêm đến thì khép lại để tránh lũ chó hoang, tránh những kẻ buôn lậu trên núi.

Như vậy, không phải tại quán ăn Réam, bạn thấy đó, như tôi đã viết rồi, mà tôi đã gặp người đàn ông giàu có đi xe limousine đen, đó là sau khi chúng tôi bỏ mảnh đất, hai hay ba năm sau, trên chuyến phà, cái ngày mà tôi đang kể, trong thứ ánh sáng mờ sương và oi ả ấy.

Một năm rưỡi sau cuộc gặp gỡ này mẹ tôi trở về Pháp cùng với chúng tôi. Bà sẽ bán tất cả đồ đạc. Và bà sẽ đi đến đập nước một lần cuối cùng. Bà sẽ ngồi dưới mái hiên đối diện với phía mặt trời lặn, chúng tôi sẽ nhìn thêm lần nữa về hướng núi Xiêm, một lần cuối cùng, rồi không bao giờ nữa, ngày cả khi bà lại rời nước Pháp. khi bà lại thay đổi ý kiến và trở lại Đông Dương lần nữa để nghỉ hưu tại Sài Gòn, bà cũng không bao giờ đến trước ngọn núi này, trước bầu trời màu vàng và xanh lục phía trên cánh rừng này.

Vâng, tôi cần phải nói rằng, vào lúc đời đã xế chiều, bà lại hành nghề. Bà mở một trường dạy tiếng Pháp, trường Nouvelle École Francais, việc này giúp bà trang trải một phần tiền học của tôi và chu cấp cho người con trai cả của bà trong suốt quãng thời gian bà sống.

Anh út tôi chết sau ba ngày bị viêm phổi- phế quản, tim anh đã không cầm cự nổi. Chính vào thời điểm này tôi đã từ bỏ mẹ tôi. Đó là trong thời kỳ Nhật chiếm đóng. Tất cả đã chấm dứt ngày hôm ấy. Tôi không bao giờ còn đặt cho bà những câu hỏi về tuổi thơ của chúng tôi, về bà nữa. Đối với tôi bà đã chết với cái chết của anh út tôi. Anh cả tôi cũng vậy. Tôi đã không vượt qua được nỗi ghê sợ mà đột nhiên hai người đó đã gây ra cho tôi. Họ không còn quan trọng đối với tôi nữa. Tôi không còn biết bất cứ điều gì về họ sau cái ngày này. Tôi vẫn chưa biết bằng cách nào mà bà đã trả được những khoản tiền mà bà nợ những người Ấn cho vay nặng lãi. Tới một hôm họ không đến nữa. Tôi nhìn thấy họ. Họ ngồi trong phòng khách nhỏ ở Sa Đéc, quấn xà rông trắng, họ ngồi đó không nói một lời, hàng tháng, hàng năm. Có tiếng mẹ tôi khóc và chửi rủa họ, bà ngồi trong phòng mình, bà không muốn đi ra, bà hét lên là để cho bà yên, họ như điếc đặc, bình thản, tươi cười, họ ngồi lại. Và rồi một ngày không thấy họ nữa. Mẹ và các anh trai tôi giờ đã chết. Cả những kỷ niệm cũng thế, đã quá muộn rồi. Giờ đây tôi không còn yêu thương họ nữa. Tôi không còn biết tôi có từng yêu thương họ không. Tôi đã rời bỏ họ. Tôi không còn giữ trong đầu tôi mùi da thịt của bà, không còn giữ trong mắt tôi màu mắt của bà. Tôi không còn nhớ giọng nói của bà, ngoài chuyện thỉnh thoảng nhớ được cái giọng nói dịu dàng lúc mệt mỏi buổi tối. Tiếng bà cười, tôi không còn nghe thấy nữa, cả tiếng cười lẫn tiếng la hét. Thế là hết, tôi không còn nhớ nữa. Chính bởi vậy mà giờ đây tôi mới viết về bà dễ dàng đến thế, dài dòng đến thế, lê thê đến thế, bà đã trở thành những dòng chữ thông thường.

Bà đã phải ở lại Sài Gòn từ năm 1932 đến năm 1949, người đàn bà ấy. Vào tháng 12 năm 1942 thì anh út tôi chết. Bà không thể nhúc nhích đi đâu được nữa. Bà còn ở lại đó, bên nấm mộ, như lời bà nói. Thế rồi cuối cùng bà cũng trở về Pháp. Con trai tôi được hai tuổi khi chúng tôi gặp lại nhau. Đã quá muộn để đoàn tụ. Ngay từ cái nhìn đầu tiên chúng tôi đã hiểu điều đó. Chẳng có gì để mà đoàn tụ nữa. Ngoài đứa con trai cả ra, mọi thứ còn lại đều đã chấm dứt. Bà đã đến sống rồi chết ở tỉnh Loir-et-Cher trong tòa lâu đài giả kiểu Louis XIV. Bà sống cùng với chị Đô. Bà vẫn hoảng sợ khi đêm đến. Bà đã mua một khẩu súng. Chị Đô canh gác trong những căn phòng áp mái ở tầng cao nhất của tòa lâu đài. Bà cũng mua một chỗ ở gần Amboise cho đứa con trai cả. Ở đó có rừng. Anh ta đã cho đốn rừng. Anh ta đã đi tiêu tiền trong một hội quán đánh bài bacara ở Paris. Khu rừng biến mất trong vòng một đêm. Lúc mà kỹ niệm đột nhiên trĩu xuống, lúc mà có lẽ anh tôi đã làm nước mắt tôi chảy ra, đó là sau khi mất khoản tiền bán chỗ gỗ này. Tôi biết rằng người ta đã tìm thấy anh nằm trong otô của anh, ở Montparnasse, phía trước Coupole, rằng anh muốn chết. Sau đó, tôi không biết nữa. Những gì mà mẹ tôi đã làm với tòa lâu đài của bà thì quả là không thể tưởng tượng nổi, bao giờ cũng là vì đứa con trai cả, đứa trẻ năm mươi tuổi không biết kiếm tiền. Bà mua những lồng ấp điện về, bà đặt những thứ đó trong phòng khách lớn ở tầng dưới. Bà có sáu trăm con gà con cùng một lúc, bốn mươi mét vuông gà con. Bà đã nhầm lẫn khi điều chỉnh tia hồng ngoại, không một con gà con nào có thể ăn uống được. Sáu trăm con gà con có cái mỏ không khớp, không ngậm lại được, tất cả đều chết đói, bà sẽ thôi không làm việc này nữa. Tôi đã từng đến lâu đài vào lúc gà con nở, không khí vui như hội. Sau đó mùi hôi thối của những xác gà con chết và của thức ăn cho gà khủng khiếp đến nỗi tôi không còn có thể ăn uống ở lâu đài của mẹ tôi mà lại không nôn mửa.

Mẹ tôi chết bên chị Đô và người mà bà gọi là con của bà trong căn phòng ngủ rộng rãi của bà ở tầng một, nơi mà bà đã từng mang bầy cừu vào ngủ, bốn hày sáu con cừu ở quanh giường bà vào những thời kỳ băng giá, trong nhiều mùa đông, những mùa đông cuối cùng.

Chính ở đó, ở trong ngôi nhà cuối cùng này, ngôi nhà ở Loire, khi mà bà đã ngưng hết những tất tả ngược xuôi không ngừng của mình, vào lúc mọi chuyện của cái gia đình này đã đến hồi kết thúc, chính ở đó lần đầu tiên tôi đã nhìn thấy rõ sự điện rồ. Tôi thấy rằng mẹ tôi điên rõ rệt. Tôi thấy rằng chị Đô và anh trai tôi đã luôn luôn tiếp xúc với sự điên rồ này. Rằng tôi thì không, trước đó tôi còn chưa từng thấy điều ấy. Rằng trước đây tôi chưa từng bao giờ nhìn thấy mẹ tôi trong lúc điên. Bà đã là người điên. Từ khi sinh ra. Từ trong máu. bà không bị bệnh điên, bà sống với sự điên rồ như thể đó là sức khỏe. Bên chị Đô và đứa con trai cả. Không một ai khác ngoài hai người này có khái niệm về điều đó. Bà đã luôn luôn có nhiều bạn bè, bà giữ quan hệ với những người bạn đó suốt nhiều năm dài và bà luôn luôn kết bạn thêm với những người mới, thường là những người rất trẻ, những người từ các nhiệm sở hẻo lánh tới, hoặc về sau thì là dân sống ở Touraine, trong số đó có những người hưu trí từ các thuộc địa của Pháp về. Bà giữ được mọi người bên mình, ở tuổi nào cũng vậy, nhờ trí tuệ sắc sảo của bà, như người ta vẫn nói, nhờ tính tình vui vẻ của bà, nhờ cái bản tính bẩm sinh không ai sánh được, chẳng bao giờ khiến người khác buồn chán.

Tôi không biết ai đã chụp bức ảnh về nỗi tuyệt vọng. Bức ảnh chụp trong sân ngôi nhà ở Hà Nội. Có thể là cha tôi đã chụp một lần cuối cùng. Vài tháng sau ông sẽ được chuyển về Pháp vì lý do sức khỏe. Trước đó, ông sẽ còn đổi nhiệm sở, ông được bổ nhiệm ở Phnom-penh. Ông sẽ ở lại nơi này vài tuần. Ông sẽ mất sau đó chưa đầy một năm. Mẹ tôi không chịu theo ông về Pháp, bà sẽ ở lại chỗ bà đang ở, bà dừng lại ở nơi đó. Ở Phnom-penh. Trong ngôi nhà tuyệt đẹp nhìn ra sông Mê Kông ấy, xưa kia là cung điện của vua Cao Miên, giữa khu vườn ghê rợn rộng nhiều hecta ấy, nơi mà mẹ tôi khiếp sợ. Ban đầu bà làm cho chúng tôi sợ. Chúng tôi nằm ngủ cả bốn người cùng trong một giường. Bà nói là bà sợ đêm tối. Chính ở trong ngôi nhà này mẹ tôi sẽ biết tin cha tôi mất. Bà biết tin đó trước khi bức điện tới nơi, biết từ đêm hôm trước, nhờ một dấu hiệu mà bà là người duy nhất nhìn thấy và nghe được, nhờ một con chim vào lúc nửa đêm đã cất tiếng kêu, hoảng hốt, lạc lối trong căn phòng làm việc ở mặt phía Bắc của cung điện, phòng làm việc của cha tôi. Cũng chính tại đây, sau khi chồng bà chết vài ngày, cũng vào lúc nửa đêm, mẹ tôi đã gặp hình bóng của cha bà, người cha của chính bà. Bà bật đèn lên. Ông ở đó. Ông ở bên bàn, đứng trong căn phòng khách lớn hình bát giác của cung điện. Ông nhìn bà. Tôi còn nhớ có một tiếng kêu rú lên, một tiếng gọi. Bà đánh thức chúng tôi dậy, bà kể với chúng tôi chuyện đó, ông ăn mặc ra sao, trong bộ trang phục dành cho ngày chủ nhật, màu xám, ông đứng thế nào, và cái nhìn của ông nữa, hướng thẳng vào bà. Bà nói: mẹ đã gọi ông như hồi mẹ còn bé. Bà nói: mẹ không sợ. Bà lao về phía hình bóng đã biến đi. Cả hai người đều chết đúng vào ngày và giờ có chim, có hình bóng. Hẳn là vì thế mà chúng tôi thán phục kiến thức của mẹ mình, trong mọi chuyện, kể cả những chuyện liên quan đến cái chết.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện