Chương 9

Tôi kiên nhẫn thu mình đằng sau gốc me mọc chếch trước cửa nhà thằng Đông Anh. Tôi mai phục ở đó đã gần nửa tiếng đồng hồ.

Tôi quyết định rồi. Hôm nay bằng mọi cách tôi phải gặp cho được em gái thằng Đông Anh. Tôi phải hỏi thẳng nàng Đinh Lăng xem nàng có nhận được bài thơ tôi gữi tặng không. Tôi hy vọng nàng trả lời là nàng có nhận được. Như vậy có nghĩa là Đông Anh đã cóp-pi lại bài thơ đó để tặng cho nhỏ Quyên. Và như vậy tôi còn có cơ hội chứng minh cho nhỏ Quyên thấy tôi mới chính là tác giả bài thơ đó, tôi mới chính là người có tình cảm chân thật với nó, còn thằng Đông Anh chuyên xài đồ giả mạo kia là kẻ chẳng ra gì, tình cảm của nó lẽ tất nhiên cũng giả mạo tuốt.

Chuyện tôi làm thơ tặng nàng Đinh Lăng thật ra cả lớp tôi đều biết, thậm chí đám thằng Bội, thằng Diên, Minh Khôi, Hồng Hà nếu không thuộc làu làu cũng thuộc lõm bõm vài câu trong bài thơ đó. Nhưng tôi không thể lôi mấy đứa này đến trước mặt nhỏ Quyên. Chắc chắn nhỏ Quyên sẽ nghĩ tôi đưa ra nhân chứng giả. Nó sẽ nghĩ tụi thằng Bội cố tình đồng lõa, toa rập với tôi để đánh lừa nó. Nhưng em gái thằng Đông Anh lại khác. Đó là một đảm bảo bằng vàng. Một khi nàng Đinh Lăng đã chịu đứng ra làm chứng thì Đông Anh có mồm năm miệng mười đến mấy cũng không thể chối cãi được hành vi mờ ám của mình.

Sợ chạm mặt Đông Anh, tôi ngồi nhấp nha nhấp nhỏm sau gốc me, vừa đưa tay xuống mông phủi kiến vừa dán mắt vào cổng nhà nó, thấy thời gian sao mà đằng đẵng. Như thế gần bốn mươi lăm phút.

Đến khi tôi bắt đầu thất vọng, đoán hôm nay người đẹp Đinh Lăng đi vắng hoặc nàng lỡ thề không bước chân ra khỏi nhà, và chuẩn bị rời khỏi chỗ nấp thì một bóng người quen thuộc bỗng thấp thoáng trước mắt tôi.

Từ trong sân nhà Đông Anh, người con gái "tóc dài che mặt" đang lật đật dắt xe ra, vẻ như vội đi đâu đó. Có thể mẹ nàng sai nàng đi công chuyện gấp, cũng có thể nàng sực nhớ bỏ quên tập ở nhà bạn. Nhưng nàng đi đâu mặc kệ, dù sao tôi cũng chỉ cần hỏi nàng một, hai câu thôi.

Khi Đinh Lăng đi ngang qua chỗ nấp, tôi thò đầu ra khỏi gốc me:

- Đinh Lăng!

Đinh Lăng giật mình quay lại, và khi nhận ra tôi, nó có vẻ ngỡ ngàng:

- À... à...

Tôi bước hẳn ra đường:

- Đinh Lăng còn nhớ anh không?

Nó chớp chớp mắt:

- Anh là bạn của anh Đông Anh.

Tôi nhoẻn miệng cười:

- Đúng rồi. Anh là Khoa.

Rồi sợ nó thắc mắc tại sao tôi lại trốn sau gốc cây như phường đạo chích, tôi mau miệng hỏi ngay:

- Hôm trước Đinh Lăng có nhận được bài thơ của anh không?

Đinh Lăng ngơ ngác:

- Bài thơ nào ạ?

Thái độ của Đinh Lăng làm tôi chột dạ: Chẳng lẽ nó thực sự không nhận được bài thơ của tôi?

- Bài thơ anh làm tặng Đinh Lăng đó! - Tôi nói, cẩn thận quan sát nét mặt đối phương - Chính Đông Anh cầm về cho em mà.

Mặt Đinh Lăng vẫn ngẩn ngơ:

- Anh Đông Anh có đưa cho em bài thơ nào đâu! Mà tại sao tự nhiên anh lại làm thơ tặng em?

Nói xong, dường như nhận ra ý nghĩa trong câu hỏi của mình, Đinh Lăng bỗng đỏ bừng mặt.

Tôi không rõ Đinh lăng vờ vịt hay là không biết thật, bèn cáu tiết khai huỵch toẹt, chả buồn để ý đến vẻ bối rối của nó:

- Tự nhiên sao mà tự nhiên! Chính Đông Anh kể với anh là hắn đã đọc cho em nghe bài thơ "Giấc mơ của chàng chăn cừu" của anh. Hắn bảo khi nghe xong, em trầm trồ mãi. Sau đó, em còn nhờ hắn năn nỉ anh làm một bài thơ tặng em mà...

Đang phát khùng, tôi chả buồn lịch sự. Tôi thuật lại đúng y những gì thằng Đông Anh nói với tôi.

Đinh Lăng tính tình bẽn lẽn, tất nhiên không chịu đựng nổi một câu chuyện khủng khiếp như thế. Nó không đợi tôi "khai" thêm, đã lính quýnh đạp xe đi, sau khi buông thõng một câu:

- Anh đừng nghe lời anh Đông Anh. Anh Đông Anh bịa đấy.

Rồi như sợ tôi không tin lời nó, Đinh Lăng thòng thêm một câu lạnh lẽo:

- Xưa nay em không có thói quen nhận thơ của người ta tặng mình!

Nhỏ Đinh Lăng bẽn lẽn cực kỳ. Và cũng bản lĩnh cực kỳ. Câu nói dằn mặt của nó khiến tôi bị tổn thương ghê gớm. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi có thể kết luận Đông Anh là kẻ lừa đảo tài tình nhất từ cổ chí kim. Trước đây, tôi thầm khen nó hồn nhiên, dám dẫn bạn về nhà để khoe em gái. Tôi tưởng nó là người hiền, không bao giờ đem dạ tiểu nhân để đo lòng quân tử. Tôi tưởng nó quý tôi, quý một tài thơ lớn của nước nhà. Nào ngờ tất cả đều là trò bịp bợm.

*****

Trong rất nhiều ngày, tôi không biết phải làm gì. Sau cuộc gặp gỡ với nhỏ Đinh Lăng, mọi chuyện đối với tôi đã rõ ràng. Kèm theo đó là nỗi tuyệt vọng cũng rõ ràng không kém. Tôi hiểu rằng tôi không còn cách nào chứng minh cho nàng Stéphanette thấy Đông Anh là nhà thơ giả mạo. Cũng có nghĩa tôi không thể chứng minh được tình cảm sâu đậm tôi dành cho nàng. Tôi bất lực nhìn con đường tình của tôi đang đi vào ngõ cụt.

Tất nhiên tôi có thể gặp Đông Anh. Nhưng chẳng lẽ gặp để đánh nhau với nó. Đánh nhau vì một người con gái là chuyện vô cùng xấu hổ.

Bác Đán âm thầm quan sát vẻ buồn bã trong nhiều ngày liền của tôi. Nhưng lần này bác không hỏi gì, cũng không khuyên lơn. Có lẽ những biểu hiện khác lạ của tôi khiến bác tin rằng sự im lặng lúc này cần cho tôi hơn.

Dạo này, tối tối tôi quanh quẩn trong phòng, chẳng buồn đi lang thang như trước. Tôi cũng thôi đến chỗ nhỏ Quyên. Ghé nhà bà Dần ăn qua loa vài miếng cơm, tối chạy về nhà tôi lôi tập ra học dăm ba chữ rồi leo lên ghế bố kéo mềm trùm kín đầu.

Tôi thôi thức khuya, thôi chong đèn cặm cụi viết những vần thơ sầu mộng. Tôi đã chán làm Rimbaud, làm Lý Bạch. Kể từ khi dòng sông trong vắt của thi ca bị tên Juda Đông Anh làm vẩn đục, tôi đã quyết định giã biệt nàng Thơ.

Bác Đán không hỏi chuyện tôi, nhưng chắc lòng bác không nguôi lo lắng. Nên bác lại vờ nghiên cứu cổ thư. Tôi nằm trong mền, nghe tiếng bác sang sảng giữa đêm khuya:

- Khổng Minh bảo: "Tâm ta như cán cân, không thể vì người mà héo mà tươi được". Hồ An Quốc nói: "Chớ đem vọng tưởng mà hại chân tâm. Chớ đem khí phách làm hại nguyên khí"...

Bác Đán mượn lời người xưa để an ủi tôi, và để mong tôi không nín nhịn được sẽ tốc mền ngồi lên dốc bầu tâm sự.

Nhưng bác Đán tôi chỉ hoài công. Tôi nằm nghe lơ mơ một hồi rồi ngủ mất. Tôi chắc rằng khi nghe tiếng ngáy khò khò của tôi cất lên, bác thất vọng lắm.

Không giúp được gì cho tôi được, bác Đán lặng lẽ lôi quần áo của tôi ra giặt. Cách chăm sóc dịu dàng của bác làm tôi cảm động. Nhưng mặt tôi vẫn cứ xụ xuống một đống.

Nhỏ Minh Hoa khác bác Đán tôi. Thấy tôi vác bộ mặt đưa đám đến, nó tròn mắt hỏi ngay:

- Khoa làm gì mà dàu dàu thế?

- Không có gì! - Tôi đáp, uể oải buông phịch người xuống ghế.

Minh Hoa nhìn lom lom vào mặt tôi:

- Chắc chắn là có gì!

Tôi bậm môi:

- Tôi đã biết bạn trai của Quyên là ai rồi?

- Ai vậy? - Minh Hoa tò mò - Minh Hoa nghe Quyên bảo Quyên có bạn trai nhưng Minh Hoa chưa gặp anh chàng đó lần nào.

- Bạn trai của Quyên là Đông Anh. Hắn học cùng lớp với tôi.

- Học cùng lớp với Khoa? - Minh Hoa không giấu vẻ ngạc nhiên.

- Ừ.

- Đông Anh nói với Khoa hở?

Tôi nhếch môi:

- Hắn không bao giờ dám nói ra điều đó. Chỉ do tình cờ mà tôi biết được thôi.

Rồi không đợi Minh Hoa thắc mắc, tôi ai oán kể lể nỗi oan ức của mình.

Nghe xong, Minh Hoa mím môi, ấm ức giùm tôi:

- Không được. Minh Hoa sẽ nói cho Quyên biết chuyện này.

Tôi nhún vai:

- Quyên sẽ không tin Minh Hoa.

- Quyên sẽ tin.

- Quyên sẽ không tin! - Tôi thở dài - Trừ phi Minh Hoa chứng minh được bài thơ đó là của tôi.

- Khoa bày cách cho Minh Hoa đi! Làm sao để chứng minh?

- Chẳng làm sao được cả! - Giọng tôi xìu như bún.

Tôi xìu làm Minh Hoa xìu theo. Có lẽ nó bắt đầu ý thức được tình trạng khó khăn tôi đang gặp phải. Mày cau lại, nó cúi đầu nhìn ly nước trên tay.

Minh Hoa trầm ngâm như vậy lâu thật lâu. Cuối cùng, nó ngẩng lên:

- Khoa phải nói chuyện thẳng thắng với Đông Anh thôi.

- Không thể được! - Tôi tái mặt kêu lên.

- Tại sao lại không được?

- Đông Anh đã cố tình đánh cắp bài thơ đó, tôi biết nói gì bây giờ?

Minh Hoa chớp mắt:

- Minh Hoa không nghĩ Đông Anh tệ như vậy. Rất có thể khi làm điều đó, Đông Anh không biết Khoa quen với Quyên.

Giả thuyết của Minh Hoa khiến tôi bất giác ngẩn ngơ. ừ nhỉ, tại sao tôi không nghĩ ra chuyện này sớm hơn kìa? Đúng rồi, Đông Anh đâu phải là thằng bạn tệ hại. Trong lớp, ngoài Hồng Hà ra, không đứa nào biết tôi thương nhỏ Quyên. Đông Anh cũng thế. Cho nên nó đã cóp bài thơ của tôi để tặng cho nhỏ Quyên. Nếu biết nhỏ Quyên chính là người tôi thương và bài thơ đó cũng chính là bài thơ tôi viết ra để tặng cho nhỏ, chắc chắn Đông Anh không bao giờ làm chuyện "ác nhơn thất đức" như vậy.

Như người chết đuối vớ được cọc, trong thoáng mắt, mặt tôi rạng ra:

- Đúng rồi! Tôi phải gặp Đông Anh!

*****

Đông Anh không biết tôi hẹn nó ra quán nước trước cổng trường làm gì, nhưng vẫn vui vẻ nhận lời:

- Ừ, chờ đến giờ về nhé!

Lòng nóng như lửa đốt, tôi ngồi học cứ nhấp nha nhấp nhổm. Đã biết trong chuyện này, tôi là nạn nhân, thằng Đông Anh là thủ phạm, tôi là quân tử nó là tiểu nhân, thế mà không hiểu sao cứ nghĩ lát nữa sẽ đối chất với tiểu nhân, bụng quân tử cứ run lên.

Quân tử cứ thấy ngường ngượng, đôi khi muốn dẹp quách mọi chuyện qua một bên.

Tâm trạng đó theo tôi ra tới tận quán nước.

Thấy tôi kêu hai ly nước dừa, Đông Anh nhìn tôi cười cười:

- Hôm nay sao mày tử tế quá vậy?

- Tử tế gì đâu?

- Mời tao đi uống nước.

Đang chưa biết mở lời như thế nào, câu nói trên của Đông Anh khiến tôi nổi khùng:

- Tao mời mày ra đây không phải để uống nước.

Đông Anh ngạc nhiên:

- Ủa, chứ để làm gì?

Tôi "độp" ngay:

- Bài thơ tao làm cho nhỏ Đinh Lăng đâu rồi?

Đông Anh không ngờ tôi hỏi chuyện này. Nó thoáng giật mình:

- Thì... thì... em tao đang giữ chứ đâu.

- Mày đừng hòng gạt tao nữa! - Tôi nghiến răng - Tao đã gặp em gái mày rồi.

Mặt Đông Anh biến sắc:

- Mày gặp em tao rồi hở?

- Ừ. Và nó bảo nó chẳng nhận được bài thơ nào cả.

Trước sự hài tội của tôi, Đông Anh ngồi làm thinh. Có lẽ nó biết đã đến nước này có chối cũng vô ích.

Vẻ câm nín chịu trận của Đông Anh làm tôi ngứa mắt.

- Mày không đưa bài thơ đó cho em gái mày, đúng không? - Tôi gầm gừ.

- Ừ.

- Nó cũng không hề nhờ mày năn nỉ tao làm thơ cho nó, đúng không?

- Ừ.

Tôi tiếp tục hạch hỏi:

- Nó cũng cóc biết bài thơ "Giấc mơ của chàng chăn cừu" và cũng chẳng đòi đi thăm tao lúc tao nghỉ học, đúng không?

Và Đông Anh tiếp tục xụi lơ:

- Ừ.

Tôi xịt khói ra lỗ mũi:

- Và tao chẳng phải là Rimbaud của Việt Nam, đúng không?

- Không, không, chuyện này thì không đúng! - Đông Anh rối rít - Mày đúng là Rimbaud!

- Rimbaud cái đầu mày! - Tôi long mắt lên - Nếu tất cả những điều tao vừa nêu ra đều không có thật thì mày kêu tao làm thơ cho nhỏ Đinh Lăng để làm gì?

Trước câu hỏi này của tôi, Đông Anh im thít.

- Sao? - Tôi hất hàm - Mày trả lời tao đi chứ!

Đông Anh cười khổ:

- Mày không cần biết lý do làm gì. Chuyện này chẳng liên quan gì tới mày.

- Ai bảo mày chẳng liên quan? - Tôi cay đắng - Mày dụ tao làm bài thơ đó để mày đem tặng cho một đứa con gái khác chứ gì!

Đông Anh há hốc miệng:

- Sao mày biết?

- Sao lại không biết! - Tôi nhếch mép - Thế mày có biết người con gái mà mày tặng thơ là người yêu của tao không?

Lần này thì Đông Anh sửng sốt thực sự:

- Trời! Có chuyện đó thật sao?

Và nó luống cuống thanh minh:

- Tao thật tình không biết chuyện đó. Hoàn toàn không biết.

Tôi hừ mũi:

- Nhưng bây giờ thì mày biết chưa?

- Biết rồi!

- Biết rồi thì mày làm sao?

Đông Anh méo xệch miệng:

- Tao sẽ đến gặp nó, thú thật bài thơ đó là của mày!

Đông Anh làm tôi hả dạ quá chừng. Tôi cứ đinh ninh cuộc trò chuyện giữa tiểu nhân và quân tử sẽ rất gay go, không ngờ lại xuôi chèo mát mái đến thế. Hóa ra thằng Đông Anh không đến nỗi tiểu nhân lắm, thậm chí nó còn tỏ ra khá biết điều! Minh Hoa nói đúng, sở dĩ Đông Anh làm chuyện xằng bậy chẳng qua vì nó không biết nhỏ Quyên là "người yêu" của tôi thôi. Đã không biết là không có tội! Tôi gật gù:

- Chừng nào mày gặp nó?

- Ngay bây giờ. Sau khi rời khỏi đây.

Đông Anh đáp bằng giọng muốn khóc, chắc nó biết cuộc tình của nó thế là hỏng bét bè be. Bộ mặt rầu rĩ của nó khiến tôi bâng khuâng quá đỗi. Nhưng tôi chẳng biết làm gì trong lúc này. Mà cũng đáng đời nó, ai bảo!

Tối đó, tôi hùng dũng đến nhà nhỏ Quyên. Những ngày gần đây, uất ức và đau khổ vì không chứng minh được mình là tác giả của bài thơ "hòn sỏi buồn" kia, tôi không buồn ôm tập đến học chung với nó nữa. Tôi giã biệt nhỏ Quyên không kèn không trống. Nhưng hôm nay thì chính bạn trai của nhỏ Quyên đã chứng minh thay tôi. Tôi nói, nhỏ Quyên còn nghi ngờ. Nhưng chính miệng Đông Anh nói ra, nó không thể không tin.

Một khi nhỏ Quyên đã tin, lòng nó ắt sẽ ngập tràn hối hận. Nó sẽ hối tiếc vì đã không tin tôi, không tin một con người hiền lành chân thật nhất trên đời. Nó hối tiếc vì đã dại dột thờ ơ với một mối tình kín đáo và đằm thắm. Và rất có thể hồi chiều khi nghe Đông Anh thú nhận mọi tội lỗi, nó đã gục đầu xuống bàn khóc sưng cả mắt. Khóc vì thương tôi, vì cảm động trước tình cảm nồng nàn của tôi cũng có, vì đau xót cho nỗi oan mà tôi phải è cổ ra gánh mấy ngày nay cũng có. Lát nữa thấy tôi lù lù xuất hiện, chắc nó mừng rỡ không để đâu cho hết.

Tôi vừa đi vừa nôn nao nghĩ ngợi, con đường Nguyễn Du quen thuộc khiến lòng tôi xao xuyến khôn tả.

Đúng như tôi nghĩ, tôi vừa ló đầu vào, nhỏ Quyên đã hấp tấp hỏi ngay:

- Ôi, sao mấy hôm nay Khoa không đến học chung với Quyên?

Tôi không trả lời thẳng câu hỏi của nó. Mà lửng lơ:

- Thì hôm nay tôi đã đến rồi.

- Còn những hôm trước? Khoa ốm hở?

- Không.

- Thế thì tại sao?

Nhỏ Quyên làm tôi ngạc nhiên quá đỗi. Chẳng lẽ nó không đoán ra nguyên nhân sự vắng mặt của tôi trong mấy ngày qua? Hay nó không đủ can đảm thú nhận sự sai lầm của mình nên cố tình vờ vịt? Tôi nghĩ thầm và nhún vai giận dỗi:

- Quyên biết rồi mà còn hỏi.

- Biết gì cơ? - Nhỏ Quyên tròn mắt.

- Biết tại sao tôi không đến học chung ấy!

- Quyên không biết thật mà. Khoa nói đi!

- Quyên không biết thật hở? - Tới phiên tôi tròn mắt.

Nhỏ Quyên gật đầu, nó không buồn tránh ánh mắt của tôi:

- Thật.

Hai hạt nhãn nhìn tôi và tôi nhìn hai hạt nhãn, đầu xoay như chong chóng. Thái độ của nhỏ Quyên khiến tôi bất giác đâm lưỡng lự. Tôi không rõ nó cố tình giả nai hay nó không biết thật. Nếu nó không biết thật, có nghĩa là thêm một lần nữa thằng Đông Anh lại gạt tôi. Có nghĩa là hồi chiều Đông Anh đã không đến gặp nhỏ Quyên như nó đã nói. Nó vờ hứa nhăng hứa cuội để tôi buông tha nó. Chắc chắn sau khi chuồn ra khỏi quán nước, nó đã vù thẳng về nhà, leo lên giường nằm rung đùi và khi đang rung đùi khoái trá như vậy thế nào nó cũng mở miệng chửi tôi ngu.

Ý nghĩ đó khiến đầu tôi nóng ran. Tôi hỏi nhỏ Quyên bằng giọng run run:

- Ngày hôm nay bạn trai của Quyên có đến thăm Quyên không vậy?

Nhỏ Quyên có vẻ ngỡ ngàng trước câu hỏi chẳng đâu vào đâu của tôi. Nhưng nó chỉ ngỡ ngàng một thoáng thôi, rồi khẽ lắc đầu, giọng điềm tĩnh:

- Không. Mà Khoa hỏi điều đó để làm gì vậy?

- Chẳng để làm gì cả!

Tôi đáp bằng giọng xuôi xị. Và xốc mấy cuốn tập trên tay, tôi vội vã chào nhỏ Quyên:

- Tôi về nhé!

Sự cáo từ đột ngột của tôi khiến nhỏ Quyên sững sờ. Nó mấp máy môi:

- Ơ, sao Khoa lại...

Nhưng chàng chăn cừu không để cho nàng Stéphanette nói hết câu.

Chào xong, chàng quay mình đi liền.

Chàng đi như chạy trốn.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện