Chương 11
Nhiều lúc tôi tự hỏi mình: "Cuộc đời của những tên thuộc giống râu mày sẽ còn lại ý nghĩa gì khi làm anh của một đứa con gáỉ". Sở dĩ tôi phải than thở ai oán như thế là vì tôi có một nhỏ em không được hiền cho lắm.
Nhỏ em tôi là một đứa canh chua, lẻo lự và nhão nhoẹt như một trái mít tố nữ chính hiệu con nai vàng. Cái thằng tôi, tức người anh trai... "yêu dấu" của nó, chưa bao giờ thoát khỏi cảnh bị knock out trong những trận thư hùng bằng... miệng với nó. Khốn nỗi, hễ tôi sắp sửa chuyển từ võ... miệng sang võ tay chân là y như rằng nó liền cất lên những tiếng khóc và tiếng... hét ai oán nhất. Và tôi dám cả một ăn năm mươi với bất kỳ người nào rằng nếu đài truyền hình thành phố mở cuộc thi "tiếng... hét truyền hình" thì nhỏ em tôi chắc chắn sẽ đoạt giải nhất chứ không ai khác!
Em tôi là vậy đó, thử hỏi cớ sao tôi lại không dám mạo muội thốt lên:
"Lẽ nào trời đất dung tha
Ai bảo thằng tôi chịu được".
Trưa, "nỗi ám ảnh của đời tôi" ào vô như một cơn lốc:
- Anh Duy, má biểu anh xuống ăn cơm!
Tôi uể oải đáp:
- Mày xuống ăn trước với má đi, lát nữa tao ăn sau Tao đang đọc dở cuốn truyện này mờ...
- Trời ơi - Nó chống nạnh - Anh nói vậy mà nghe được đó hả? Suốt ngày cứ ôm ba cái chuyện hà bá gì đâu không. Nào là " Ân oán giang hồ", nào là " Nợ máu trả máu". Tui nói thiệt, ba má hiền khô vậy mà để ra ông con ham mê bạo lực hết sức!
- Đó, rõ ràng nó cố tình đá chuyện này sang chuyện khác để gây sự với tôi Nhưng mà sức mấy tôi thua liền sau chiêu đầu. Tôi đáp tỉnh bơ:
- Còn mày thì sao Ba cái chuyện Quỳnh Dao mày cũng ôm đọc riết. Đâu có hơn gì tao
- Xí... í...í! Ai nói chuyện Quỳnh Dao là truyện nhảm nhí? Truyện người ta lãng mạn, thơ mộng biết hướng đến những rung động thật sự của... con tim, vân vân và vân vân. Còn truyện chưởng của anh, nói xin lỗi, đúng là thích hợp với những kẻ lỗ mãng, chai đá. Anh mê loại truyện này cũng đúng vì...
Máu nóng bốc hừng hực trên đầu, tôi gầm lên:
- Đồ mất dạy. Tao đá trẹo quai hàm mày bây giờ!
Trời ơi! nó thực sự chẳng coi lời hăm dọa của tôi ra ký lô nào, bằng chứng là nó vẫn cong môi trả miếng:
- Tui với anh cùng một cha, một mẹ. Tui mất dạy thì anh cũng...
Tôi ôm đầu, nào xuống nhà dưới lấy xe lao thật nhanh ra đường mặc cho má tôi gọi giật lại đầy ngạc nhiên. Đơn giản là tôi còn đủ sáng suốt để thoát khỏi cảnh " huynh muội tương tàn".
Trưa đứng nắng, nực không thể tả. Thế mà tôi vẫn phải cong lưng đạp xe một cách vô định cho cơn nóng "vài ngàn độ C" Trong đầu nguội bớt.
Chợt có tiếng gọi: "Ê, Duy!" Tôi giật mình quay lạị Thì ra là thằng Hải, bạn cùng lớp với tôi. Hắn cười toe toét:
- Đi đâu giờ này vậy mày?
Tôi ấp úng:
- Tao... tao đi chơi!
Không thèm đếm xỉa đến lời nói dối ngây thơ của tôi, hắn vồn vã:
- Vậy hả? Qua nhà tao làm vài bản Karaoke đi. Ba tao mới sắm dàn karaoke hifi bá cháy luôn.
Nghe tới karaoke là mắt tôi sáng lên như mèo thấy mỡ. Quên hết mọi chuyện buồn bực khi nãy, tôi vui vẻ theo Hải về nhà nó.
Dàn karaoke nhà thằng Hải quả là tuyệt. Băng từ cũng có chọn lọc, toàn những bài nhạc trẻ quen thuộc. Tôi mần một hơi ba bốn năm sáu bản mà vẫn chưa thấy "xay-nhê" gì. Đang gồng mình, gân cổ nổi cuồn cuộn để đạt hết cái thần của bài "Nothing gonna change may love for you" thì tôi bỗng nghe một giọng nói con gái nheo nhéo cất lên từ nhà trong:
- Anh Hải à, vô ý thức vừa vừa thôi nghe. Hàng xóm họ đang nghỉ trưa mà anh làm ầm ĩ vậy họ chửi cho tắt bếp bây giờ!
Tôi giật nảy người. Nãy giờ cứ tưởng chỉ có một mình thằng hải ở nhà nên mới quậy cho sướng vậy chớ. Ai dè đâu...
Chừng như "quê cơ" khi bị em gái "vặn sườn" trước mặt bạn bè, Hải nạt:
- Kệ tía tao! Tao muốn làm gì thì làm. Mắc mớ chi đến mày?
Vẫn cái giọng nheo nhéo ấy vọng ra:
- Ừ, để rồi coi. "Vắng chủ nhà gà vọc đuôi tôm" hén, kéo bè kéo lũ về làm giặc. Để rồi tui méc ba má cho coi.
Hải gầm ghè:
- Có ngon thử coi. Tao thách mày đó! Thách đó!
Tôi hoảng quá, can nó lại:
- Thôi, thôi để tao về. Ờ, mà quên nữa. Mấy tháng hè này rảnh quá, tao tính rủ mày đi học sinh ngữ trung tâm, mày thấy sao?
- Xin lỗi mày nghe, tao "dị ứng" ba cái vụ đó lắm. Mày đi một mình đi!
Tôi nhún vai:
- Cũng được!
Rồi ghé sát tai nó, thì thào:
- Em gái mày hả
Hải thở dài:
- Ừ, "nỗi ám ảnh của đời tao" đó!
Khi không tôi lại muốn cười phá lên vì tìm được sự đồng cảm (!?). Chần chừ hồi lâu, tôi mới dám xướng to: "Anh về nghe bé " rồi cắm đầu đạp xe thục mạng. Hình như tôi nghe thấy hai tiếng "không dám" dài thườn thượt vẳng theo, hay là tôi tưởng tượng???
Học Anh văn được một tháng, tôi ghé thăm Hải. Tôi khoe:
- Hải ơi, mày không đi học chung với tao là uổng nửa cuộc đời đó nghe. Biết sao không? Trong lớp tao quen với một cô bé cực kỳ dễ thương. Cô bé không những đẹp người mà còn đẹp nết nữạ Nói năng nhỏ nhẹ nè, cử chỉ dịu dàng nè, cô bé còn thuộc vào loại "xuya" Anh văn của lớp tao nữa. Ngồi kề cô bé, tao tha hồ hỏi bài " mút mùa lệ thủy".
Hải không trợn tròn mắt, không nghiền răng kèn kẹt... vì ghen tức như tôi tưởng mà trái lại, hắn thở dài:
- Nhỏ em tao cũng học Anh văn trung tâm mà ngu như bò, ăn nói bô lô ba la, cử chỉ mạnh bạo thấy ớn. Đem ra thì thấy không bằng một góc cô bạn của mày. Chán thiệt!
Tôi ngạc nhiên quá đỗi, không tài nào hiểu được thằng bạn đang lảm nhảm điều gì. Sao nó lại so sánh cô bạn của tôi với em nó? Rồi còn than "Chán thiệt!" nữa? Chẳng lẽ... hay là... Trời! Tôi không dám nghĩ đến chuyện đó đâu!
Không biết hai thằng tôi sẽ còn đứng trơ phỗng như thế đến bao giờ nếu không có tiếng gọi cửa của em gái thằng Hải. Và khi em nó bước vô nhà, tôi muốn té ngửa và lăn đùng ra xỉu ngay tức khắc vì đó chính là cô bé ngồi cạnh tôi trong lớp sinh ngữ.
Dạo này, tôi thường xuyên qua nhà Hải chơi hơn và cũng không còn gấu ó om sòm với em gái của mình nữa. Bởi vì, tôi nghĩ, đơn giản một điều là: "Những cô em gái hay cãi vã tay đôi với anh trai đó chẳng qua chỉ là hình thức bên ngoài thôi, chứ thật ra họ cũng rất... nhu mì và dễ thương!"