Chương 1

Năm lớp mười hai của tôi là một năm vô cùng buồn tẻ.

Bạn bè cũ tản mác đứa một phương. Thằng Nghị, "giáo sư" Bá và nhỏ Hồng chà-và xấu người đẹp nết tiếp tục học lớp mười hai tại trường tỉnh lỵ. Ngữ và Hòa lé rớt tú tài một năm đó, buồn tình khăn gói vào phương Nam lập nghiệp. Tôi và Gia Khanh ra Đà Nẵng.

Gia Khanh học khác trường với tôi, nó học trường con gái tôi học trường con trai. Nhưng dù nó có học chung với tôi, hai đứa cũng chả còn gì để nói. Từ khi phát hiện Gia Khanh có người yêu ngoài quê, sao chổi Halley trong lòng tôi đã tắt.

Không bà con thân thích, chẳng bạn bè quen, tôi lọt thỏm giữa thành phố lớn như lạc vào một hành tinh xa lạ, buồn ơi là buồn.

Ba tôi gửi tôi ở nhờ nhà một người bạn quen tên Đán. Gọi là "nhà", thực ra đó chỉ là một căn phòng nhỏ xíu ngay trong cơ quan bác Đán làm việc.

Gọi căn phòng thực ra cũng là gọi cho oai. Đó chỉ là một khoảnh diện tích nhỏ ngăn bớt của phòng làm việc để làm chỗ ngủ. Phòng chỉ đủ chỗ kê một cái tủ, một cái bàn, một chiếc giường con. Từ khi tôi xuất hiện, căn phòng có thêm một chiếc ghế bố.

Đêm đầu tiên, nằm trong mùng nghe muỗi bay vo ve bên ngoài, tôi nhớ nhà đến ứa nước mắt. Tôi nhớ ba mẹ, nhớ các em tôi, nhớ đám bạn bè cũ ghê gớm.

Bác Đán nằm trên chiếc giường con bên cạnh nghe tôi trằn trọc, gióng tiếng hỏi:

- Gì vậy con?

- Dạ, không có gì ạ.

- Muỗi nhiều con hả?

- Dạ không ạ.

- Hay rệp đốt?

- Dạ không.

Bác Đán không nghĩ tôi nhớ nhà. Con trai lớp mười hai chuẩn bị vào đại học lẽ đâu lại giống đứa con nít lên năm.

- Chắc con lạ chỗ nên khó ngủ!

Bác Đán chép miệng nói, rồi hạ giọng vỗ về:

- Ráng ngủ đi con. Ngày đầu bác cũng y như con vậy.

Tôi đi học xa nhà lần này không phải là lần đầu. Lên lớp mười, tôi đã khăn gói vô Tam Kỳ, sống xa ba mẹ tôi, xa các em tôi, xa con suối trong vắt chảy qua làng, xa ngõ tre bốn mùa râm mát.

Nhưng hai năm ở Tam Kỳ, tôi có Ngữ, Nghị, Hòa, Bá. Tôi có Hồng chà-và, tôi có Gia Khanh. Ra Đà Nẵng, tôi không có ai quen. Đêm đầu tiên ngủ trong căn phòng lạ, tôi cứ thao láo mắt nhìn lên đỉnh mùng, bâng khuâng tưởng mình là Robinson đêm đầu tiên ngủ ngoài hoang đảo.

Sáng dậy, bác Đán đưa tôi một chiếc chìa khóa:

- Đây là chiếc chìa khóa phòng. Bác một chiếc, con một chiếc. Mỗi lần đi đâu nhớ khóa cửa lại.

Tôi "dạ". Và cầm lên chiếc ổ khóa bằng đồng, tôi mở ra bấm vào cho quen tay.

Sau đó, tôi khóa cửa phòng, xách cặp đi học.

Từ chỗ tôi ở cuốc bộ đến trường mất khoảng hai mươi phút. Tôi rảo qua các dãy phố, quẹo ba ngã tư mới đến nơi.

Cũng như hôm khai trường, tôi ngồi trong lớp lẻ loi một mình một góc. Tụi bạn chung quanh chuyện trò như bắp rang, chẳng ai để ý đến một học trò tỉnh lẻ mới lên như tôi.

Ngồi cạnh tôi là một đứa có mái tóc dợn sóng, mặt xương xương, trông khá đẹp trai nhưng lại mắc tật nói lắp. Nó cũng ngồi lơ ngơ một mình như tôi.

Ngó quanh quất một hồi, nó xích lại gần tôi:

- Mày... mày ở Điện... Điện Bàn ra à?

Chờ thằng này nói hết câu, tôi ngóng muốn trẹo cổ. Nhưng dù sao có người bắt chuyện cũng hơn không. Tôi vui vẻ:

- Không, năm ngoái tao học trường Trần Cao Vân.

Thằng bạn mới gật gù vẻ hiểu biết:

- Quê... quê mày ở Tam... Tam Kỳ à?

- Không, tao ở Thăng Bình. Nhưng trường quê tao chưa mở cấp ba.

Nó gật gù:

- Mày... mày tên gì?

- Tao tên Khoa. Còn mày?

- Tao... tao tên Hồng... Hồng Hà.

Tôi ngạc nhiên:

- Hồng Hồng Hà à? Sao mày lót tới hai chữ Hồng lận?

Nó lắc đầu, vẻ khổ sở:

- Không... không phải! Tên tao là Hồng... Hồng Hà.

Tôi lại trố mắt:

- Thì hai chữ Hồng chứ gì nữa!

Nó giơ một ngón tay lên:

- Có... có một chữ Hồng... Hồng à.

Đến lúc này tôi mới sực nhớ đến cái tật nói lắp của nó, bèn nhe răng cười:

- Tao hiểu rồi. Tên mày là Hồng Hà.

Thấy tôi nói đúng tên nó, Hồng Hà sướng rơn. Nó lại giơ một ngón tay lên:

- Mày... mày... thông minh lắm.

Tôi thấy tôi chả thông minh tẹo nào nhưng nghe nó khen, tôi cũng vui vui.

Tới phiên tôi chất vấn:

- Năm ngoái mày học trường nào?

- Trần Quý... Quý Cáp.

Lần này thì tôi biết chắc ông Trần Quý Cáp này chỉ lót có một chữ Quý. Tôi nheo mắt:

- Vậy là mày ở Hội An ra?

Hồng Hà gật đầu:

- Ừ, Hội... Hội An là quê... quê tao.

Tôi hất đầu về phía những đứa khác:

- Mày biết tụi kia không?

- Không... không biết. Tụi nó chắc là học... học sinh trường này.

Do cảnh ngộ đưa đẩy, từ hôm đó tôi và Hồng Hà dần dần trở thành một đôi bạn thân.

*****

Nhưng hai đứa tôi chơi thân với nhau là chuyện sau này. Còn trong những ngày đầu, lòng tôi vẫn không nguôi buồn bã.

Tôi buồn đến mức đầu óc lúc nào cũng nhớ nhớ quên quên.

Hôm đầu tiên bấm cửa phòng, tôi không đem theo chìa khóa. Trưa, tôi về, bác Đán đi đâu mất. Tôi lục khắp các túi áo túi quần một cách vô vọng, những ngón tay muốn đục thủng các lớp vải mà chiếc chìa khóa vẫn chẳng thấy đâu.

Tôi lấy sợi kẽm chọc vào ổ khóa ngoáy quấy quá một hồi. Cuối cùng thúc thủ, tôi đành ném cặp xách rơi đánh xoạch vào bên trong rồi bám vách leo vô.

Không có bác Đán, tôi không biết đường mò đến nhà bà Dần nấu cơm tháng. Trưa đó, tôi ôm tập thơ Gửi hương cho gió nằm đọc cho quên cơn đói. Những câu thơ Xuân Diệu ru tôi ngủ thiếp lúc nào không hay.

Tôi bừng tỉnh khi cửa phòng xịch mở.

Bác Đán bước vào, giật bắn người khi thấy tôi nằm lù lù bên trong:

- Ủa, sao hồi trưa con không đi ăn cơm?

Tôi không dám nói tôi không biết đường đến nhà bà Dần:

- Dạ, con ăn rồi.

- Con ăn ở đâu?

- Dạ, ở trên trường! - Tôi phịa và nghe bụng reo lên - Con ăn bánh mì với tụi bạn.

Bác Đán sực nhớ ra:

- Ủa, con vào bên trong sao lại khóa cửa bên ngoài?

Tôi đỏ mặt:

- Dạ, hồi sáng con bỏ quên chìa khóa ở nhà! - Tới đây, tôi bỗng lây tật nói lắp của thằng Hồng Hà - Thế là... thế là con leo... leo vô!

Bác Đán ngước nhìn bức vách. Rồi như nghĩ ra điều gì, bác rảo bước lại chỗ bàn làm việc.

Tôi dõi mắt theo từng hành động của bác và tái mặt khi thấy bác cầm lên xấp hồ sơ in nguyên nửa dấu giày dơ hầy của tôi.

Tôi nhắm mắt lại, chờ một cơn trách mắng trút xuống đầu.

Nhưng bác Đán là người... hiền lương. Bác nói giọng nhẹ nhàng:

- Lần sau đi ra ngoài con nhớ đem theo chìa khóa nghe con!

Tôi thở phào:

- Dạ, con sẽ nhớ.

- Con cũng nhớ trưa và tối về ăn cơm với bác. Đừng ăn uống lung tung ngoài đường.

- Dạ, con nhớ.

Không biết bác Đán có tin những lời hứa hùng hồn của tôi không mà chợt nói:

- Bác với ba con thân nhau như anh em ruột. Bác lo cho con như lo cho con trai bác.

Giọng tâm tình của bác Đán khiến tôi nao nao trong dạ. Tôi bỗng hối hận vì đã leo vách vào phòng. Tôi hối hận vì đã làm bẩn hồ sơ giấy tờ của bác. Và tôi nói:

- Con sẽ nghe lời bác như nghe lời ba con.

Khi hứa như vậy, xin thề có trời đất chứng giám, tôi đã nói thật một trăm phần trăm. Tôi đã nói thật lòng bằng một giọng suýt khóc và ngày hôm sau tôi tiếp tục bỏ quên chìa khóa trong phòng.

Và bác Đán lại dịu dàng:

- Lần sau đừng vậy nữa nghe con?

Tôi "dạ". Và lại bỏ chìa khóa trong phòng lần thứ ba.

Điều bá láp nào cũng vậy, hễ lặp lại đến lần thứ ba thì tới sắt đá cũng phải dao động. Mẹ của bậc đại hiền Tăng Sâm lần đầu tiên nghe người ta bảo Tăng Sâm giết người vẫn tỉnh bơ ngồi dệt vải. Bà tin tưởng tuyệt đối con mình và biết chắc đó là lời đồn nhảm. Người thứ hai chạy ngang qua nhà bảo Tăng Sâm giết người, bà vẫn thản nhiên tiếp tục công việc. Nhưng đến khi người thứ ba cũng lặp lại y như thế thì bà hốt hoảng quăng thoi bỏ chạy.

Mẹ Tăng Sâm còn không giữ nổi bình tĩnh trước một sự việc lặp đi lặp lại, huống gì bác Đán tôi.

Lần thứ ba, bác Đán tôi đã chán làm người hiền lương. Bác chán dịu dàng, nhỏ nhẹ. Bác lớn tiếng quở trách:

- Trời ơi là trời, mày làm sao thế hở con?

Tôi im lặng. Vì không biết trả lời sao.

Bác Đán ôm đầu:

- Đầu óc mày lãng đãng như thế, làm sao mà học hành, làm sao thuộc bài thuộc vở được hở con?

Tôi lí nhí:

- Năm ngoái con đứng nhất lớp.

- Đó là năm ngoái! - Bác Đán đưa mắt nhìn tôi, nghi ngờ - Năm ngoái chắc mày đâu có quên trước quên sau!

Năm ngoái đúng là tôi không lơ ngơ như năm nay thật. Chỉ vì năm ngoái tôi nhiều bạn. Chỉ vì năm ngoái tôi mải yêu. Dù yêu phải hoa hồng... xứ khác, chẳng tới đâu.

Năm nay tôi ra thành phố lạ. Tôi đang "buồn viễn xứ khôn khuây" như lời thơ Quang Dũng. Cho nên tôi cứ lơ lơ lửng lửng suốt ngày.

Cho nên cách nhau có một bức vách mỏng mà tôi cứ ở bên ngoài còn chiếc chìa khóa thân yêu của tôi cứ ở bên trong, hoài hoài như vậy. Chán ghê!

*****

Tôi càng chán hơn nữa khi phát hiện tụi bạn cùng lớp nói tiếng Pháp như gió, lại hay không tưởng nổi. So với cái giọng nhà quê của tôi, thật khác xa một trời một vực.

Tôi học sinh ngữ Pháp từ năm lớp sáu. Xưa nay, tôi luôn luôn đứng đầu lớp môn Pháp văn. Năm ngoái, tôi đứng nhất, "giáo sư" Bá đứng nhì.

Nhưng tôi là học sinh tỉnh lẻ. Dạy tôi lâu nay là các thầy giáo già. Các thầy dạy tôi kiểu tiếng Pháp nói theo giọng quê kiểng.

Các thầy trò ngước lên hàng chữ "C est un matin" trên bảng, lớn giọng đọc:

- Xe ton ma tanh.

Chúng tôi ngồi dưới ê a đọc theo.

Hết "xe ton ma tanh" đến "xe ton banh lông", "xe ton cờ ray giông". Kiểu phát âm đó, thú thật chỉ có thầy trò tôi hiểu với nhau. Người Paris nghe, chắc họ phải đoán mò khổ sở.

Thầy giáo dạy tiếng Pháp năm lớp mười hai của tôi là thầy Xuân Thu, vừa tu nghiệp tại Pháp về.

Khác với các thầy giáo tôi học trước đây, từ đầu giờ đến cuối giờ thầy Xuân Thu "nổ" toàn tiếng Tây, không chêm một tiếng Việt. Tôi nghe như vịt nghe sấm.

Trong khi đó, những đứa khác tỉnh bơ. Thầy Xuân Thu "nổ" một tràng, tụi nó liền "nổ" một tràng khác, tụi nó lập tức đáp lễ bằng một tràng lạch tạch khác nữa. Những lúc đó, tôi tưởng như mình đang ngồi trong một lớp học bên Tây, mặt méo đi vì lo lắng.

Tiết tiếng Pháp nào cũng thế, thầy xuân Thu và tụi kia "nổ" qua "nổ" lại ì xèo suốt buổi học. Nhiều lúc, tai ù như xay lúa, tôi lại có cảm giác đang lạc vào một trận đấu súng, suốt buổi cứ co rúm trong góc lớp, nơm nớp sợ thầy ngoắt mình ra... đấu súng tay đôi.

Thấy tôi muốn són ra quần, Hồng Hà mỉm cười hỏi:

- Mày... mày nghe được... được hết không?

Tôi gật đầu:

- Tất nhiên là nghe đuợc hết.

- Mày... mày hiểu được... được hết không?

Tôi thở dài:

- Tất nhiên là không hiểu chữ nào hết.

Rồi tôi nhìn nó, mong tìm một đồng minh dốt đặc cán mai như mình cho đỡ tủi.

- Mày cũng không hiểu chữ nào phải không?

- Tao hiểu... hiểu được khoảng tám... tám, chín mươi phần trăm.

- Xạo đi mày! - Thấy thằng cà lăm này không chịu dốt như mình, tôi thình lình đổ quạu.

- Thật... thật đó! - Hồng Hà nuốt nước bọt - Tao... tao chỉ nói là... là dở!

Nghe lời thú nhận buồn bã của Hồng Hà, lòng tôi bất giác chùng xuống. Hồng Hà nói tiếng Việt còn khó khăn trăm bề, huống gì nói tiếng Pháp. Nó mà nói chữ "carotte", sẽ không ai dám ăn củ cà rốt đó là cái chắc, thế nào nó cũng phát âm thành "ca... ca... rotte" cho mà xem. Người Pháp mà nghe tới chữ "caca" là bịt mũi bỏ chạy cả ngàn cây số. Tự nhiên tôi thấy tội nghiệp Hồng Hà. Trình độ tiếng Pháp của nó chắc không kém gì tụi bạn cùng lớp, chỉ tại cái tật nói lắp tai hại kia mà nó phải chịu thiệt thòi.

Để nó bớt buồn, tôi hỏi lảng sang chuyện khác:

- Tụi kia nói tiếng Pháp giỏi quá hén mày?

- Tụi... tụi nó đa số là học... học sinh lycée Pascal chuyển qua. Hôm... qua tao mới điều... điều tra ra.

Tôi tròn mắt:

- Tụi nó là dân trường Tây hả?

- Ừ.

- Ra vậy! - Tôi xuýt xoa - hèn gì tụi nó nói tiếng Tây y như... Tây!

Tôi chợt ngạc nhiên:

- Ủa, tại sao tụi nó không tiếp tục học ở bên Pascal mà chuyển qua đây làm gì?

- Tụi... tụi nó sợ rớt tú tài tiếng Pháp. Tụi... tụi nó cho rằng thi bên này dễ hơn.

Tụi này tính toán khôn ghê. Tôi nhủ bụng. Thi tú tài ban văn chương, môn tiếng Pháp được xếp tới hệ số 3. Tụi nó học lycée Pascal từ nhỏ, làm bài thi môn tiếng Pháp ẵm điểm chín, điểm mười là cái chắc.

Từ khi bắt đầu học tiếng Pháp, tôi đã nghe bạn bè trầm trồ kháo nhau về tụi học sinh trường Tây. Tụi nó bảo dân trường Tây học siêu lắm, lại toàn dân nhà giàu.

Tôi không ao ước là dân nhà giàu, tôi chỉ muốn học siêu. Vì tôi sợ thi rớt. Vì tôi sợ mỗi khi thầy Xuân Thu kêu lên, tôi cứ đứng trơ như phỗng sẽ làm trò cười cho thiên hạ.

Hôm sau, tôi đến lycée Pascal ghi tên học lớp đêm.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện