PHẦN III - Chương 30
Mặt trời chưa lên cao lắm, bốn trăm tù nhân của trại Vernet đứng đợi trên sân ga dù sao cũng đã nhuốm cái nóng ban ngày. Một trăm năm mươi người bị giam ở nhà ngục Saint-Michel đến nhập bọn cùng họ. Trong đoàn tàu, giữa các toa chở hàng dành cho chúng tôi, có móc vài toa hành khách. Những tên Đức phạm các tội vặt được đưa lên đó. Chúng trở về nhà, có người áp giải. Rồi đến lượt các nhân viên Gestapo, được hồi hương cùng gia đình, trèo lên toa. Bọn Waffen-SS ngồi ở các bậc lên xuống, súng đặt trên lòng. Schusterf đang hạ lệnh cho binh lính. Ở cuối đoàn tàu, chúng cho nối vào một mặt sàn bên trên lắp một đèn chiếu cực lớn và một khẩu súng liên thanh. Bọn SS xô đẩy chúng tôi. Mặt một người tù không hợp mắt một tên trong bọn . Y nện người đó một báng súng. Anh ngã lăn xuống đất rồi ngồi dậy, tay ôm bụng. Cửa các toa chở súc vật mở ra. Tôi ngoảnh lại và nhìn một lần cuối sắc màu của ban ngày. Không một gợn mây, một ngày hè nóng nực đang báo hiệu, và tôi ra đi, sang nước Đức.
Sân ga tuy thế đen đặc người, những đoàn tù hình thành trước mỗi toa, còn tôi, thật kỳ lạ, tôi không nghe thấy một tiếng động nào nữa. Trong khi bọn chúng đẩy chúng tôi lên, Claude ghét vào tai tôi.
- Lần này, là chuyến đi cuối cùng.
- Em im đi!
- Anh cho là ở trong ấy chúng ta sẽ trụ được bao lâu?
- Lâu chừng nào cần thiết. Anh cấm em
Claude nhún vai, đến lượt nó trèo lên, nó giơ tay cho tôi, tôi đi theo nó. Sau lưng chúng tôi, cánh cửa toa đóng lại.
Mắt tôi phải mất một ít thời gian để quen với bóng tối. Những tấm ván có dây thép gai bao quanh được đóng đinh vào cửa sổ. Bảy mươi người chúng tôi chồng chất trong toa, có thể nhiều hơn một ít. Tôi hiểu rằng để nghỉ ngơi, sẽ phải nằm duỗi người thay phiên nhau.
Chẳng mấy chốc đã là giữa trưa, cái nóng không sao kham nổi và đoàn tàu vẫn không nhúc nhích. Nếu tàu chạy, có lẽ chúng tôi sẽ được một chút gió, nhưng chẳng có gì xảy ra hết. Một người Italia không chịu nổi cái khát, đi tiểu vào hai bàn tay và uống nước giải của chính mình. Kìa anh ta đang lảo đảo và ngất đi. Ba người chúng tôi đỡ lấy anh dưới luồng không khí mỏng manh đi qua khe cửa sổ. Nhưng trong lúc chúng tôi giúp anh hồi lại, thì một số khác bất tỉnh và ngã lao xuống.
- Hãy nghe này! thằng em tôi khẽ nói.
Tất cả chúng tôi căng tai ra và nhìn nó, nghi hoặc.
- Suỵt, nó nài thêm.
Đó là tiếng ầm ào của cơn giông mà nó nghe thấy, và những giọt mưa lớn đã lộp bộp trên nóc toa. Meyer lao người, giơ hai cánh tay về phía dây thép gai và bị thương, có hề gì, hòa với máu chảy trên da anh là một ít nước mưa, anh liếm nó. của anh bị một số người khác tranh giành. Khát, kiệt sức, sợ hãi, những con người đang trở thành những con vật; nhưng, xét cho cùng, làm sao trách họ đã mất lý trí, chúng tôi chẳng đang bị nhốt trong toa chở súc vật đó sao?
Một cái lắc giật, đoàn tàu rục rịch. Nó chạy vài mét rồi đứng yên.
Đến lượt tôi ngồi. Claude ở bên cạnh tôi. Lưng dựa vào thành toa, đầu gối co quắp lại để chiếm ít chỗ hết mức có thể. Bốn mươi độ trong toa và tôi cảm nhận hơi thở hổn hển của nó, như hơi thở của những con chó buông mình vào giấc ngủ trưa trên tảng đá nóng.
Toa tàu lặng lẽ. Thỉnh thoảng, một người ho lên trước khi ngất đi. Tại phòng chờ của tử thần, tôi tự hỏi cái người điều khiển đầu máy đang nghĩ gì, các gia đình người Đức yên vị trên những ghế dài nhỏ tiện nghi trong ngăn của họ đang nghĩ gì, những người đàn ông đàn bà kia, cách chúng tôi hai toa tàu, đang ăn no uống đủ. Trong số họ liệu có vài kẻ tưởng tượng ra những tù nhân đang ngạt thở, những thanh thiếu niên bất tỉnh, tất cả những con người mà người ta muốn tước đoạt phẩm giá trước khi sát hại?
- Jeannot, phải chuồn khỏi dây trước khi quá muộn.
- Bằng cách nào?
- Em không biết, nhưng em muốn anh nghĩ đến chuyện này cùng với em.
Tôi không biết liệu Claude nói thế vì nó thật sự tin là có thể trốn thoát, hoặc chỉ vì nó cảm thấy tôi đang tuyệt vọng. Mẹ luôn bảo chúng tôi rằng cuộc sống chỉ giữ vững được nhờ niềm hy vọng mà người ta cho nó. Tôi những muốn ngửi thấy mùi hương của mẹ, nghe giọng nói của mẹ và nhớ lại rằng chỉ mới vài tháng trước, tôi còn là một đứa trẻ. Tôi nhìn nụ cười của mẹ sững lại, mẹ nói với tôi những lời mà tôi không nghe thấy. Môi mẹ thốt lên "Hãy cứu lấy mạng sống của em con, đừng bỏ cuộc, Raymond, đừng bỏ cuộc!"
- Mẹ?
Một cái tát kêu bốp trên má tôi.
- Jeannot?
Tôi lúc lắc đầu và trong màn sương mù mờ, tôi nhìn thấy bộ mặt thẹn thùng của thằng em. Nó nói để xin lỗi tôi:
- Em nghĩ anh sắp bất tỉnh đến nơi.
- Đừng gọi anh là Jeannot nữa, điều ấy không còn ý nghĩa!
- Chừng nào chúng ta chưa thắng trong cuộc chiến tranh, em còn tiếp tục gọi anh là Jeannot!
- Tùy em thôi.
Tối đến. Cả ngày con tàu vẫn không nhúc nhích. Ngày mai, nó sẽ nhiều lần thay đổi đường ray, song chẳng rời nhà ga. Binh lính la hét, họ nối thêm những toa mới. Sẩm tối hôm sau, bọn Đức phân phát cho mỗi người một ít bột trái cây và một nắm bánh lúa mạch cho ba ngày, song vẫn không có nước.
Ngày hôm sau, khi cuối cùng con tàu ra đi, chẳng ai trong chúng tôi có sức để nhận ra điều đó ngay.
Álvarez nhỏm dậy. Cậu quan sát các vệt do ánh sáng vẽ trên nền toa, qua những tấm ván đóng đinh vào cửa sổ. Cậu ngoảnh lại và nhìn chúng tôi, trước khi đẩy những sợi dây thép gai ra khiến bàn tay rách toạc.
Một người sợ sệt hỏi:
- Cậu đang làm gì thế?
- Theo ý cậu?
- Tớ mong rằng cậu không định đào tẩu chứ?
- Điều ấy động gì đến cậu nhỉ? Álvarez vừa đáp vừa mút chỗ máu đang chảy ra từ ngón tay mình.
- Nó động đến tớ ở chỗ nếu cậu bị tóm, chúng sẽ bắn chết mười người trong chúng ta để trả đũa. Cậu không nghe thấy điều ấ chúng nói ở nhà ga sao?
- Vậy nếu cậu quyết định ở lại đây và nếu chúng chọn cậu thì cậu hãy cảm ơn tớ đi. Tớ sẽ rút ngắn các đau đớn cho cậu. Cậu cho là con tàu này đưa ta đến đâu đây?
- Tớ không biết gì hết và tớ không muốn biết! người tù vừa rền rĩ vừa bám lấy áo của Álvarez.
- Đến các trại tử thần! Chính ở đó sẽ gặp lại nhau tất cả những người nào trước đây chưa chết ngạt, chưa bị nghẹt thở vì lưỡi của bản thân họ sưng phồng lên. Cậu hiểu chứ? Álvarez vừa hét vừa gỡ mình ra khỏi sự nắm víu của người bạn tù.
- Cậu tẩu thoát đi và để cho anh ta yên, Jacques can thiệp; và anh giúp Álvarez xê dịch những tấm ván khỏi ô cửa sổ.
Álvarez kiệt sức, cậu mới mười chín tuổi và niềm tuyệt vọng hòa lẫn nỗi giận dữ nơi cậu.
Các tấm ván được kéo ngả vào bên trong toa. Cuối cùng gió thổi vào, và dù một số người sợ hãi những gì anh bạn mưu toan, song tất cả đều thưởng thức cái mát đang thâm nhập. Álvarez cằn nhằn:
- Mặt trăng chết tiệt! Hãy nhìn cái ánh sáng cứt đái kia, cứ như thể giữa ban ngày.
Jacques nhìn ra cửa sổ, xa xa là một khúc ngoặt, một khu rừng in hình trong đêm
- Nhanh lên cậu, nếu cậu muốn nhảy thì là bây giờ đấy!
- Ai muốn theo tôi?
- Tôi, Titonel đáp.
- Cả tôi nữa, Walter nói thêm.
- Chúng ta sẽ xem sau, Jacques ra lệnh, nào, trèo lên, tớ cúi làm thang cho cậu leo.
Và thế là anh bạn chuẩn bị thực hiện kế hoạch mang trong đầu từ khi những cánh cửa toa đóng lại cách đây hai hôm. Hai ngày và hai đêm, dài hơn tất cả những ngày đêm của địa ngục.
Álvarez nhoài người lên cửa sổ và đưa hai chân ra ngoài trước khi lật người lại. Sẽ phải bám lấy thành toa, và để thân mình trườn xuống. Gió quất vào hai má cậu và đem lại cho cậu chút sức lực, trừ phi những sức lực đó tái sinh từ niềm hy vọng thoát hiểm. Chỉ cần tên lính Đức ở cuối đoàn tàu, cái tên đứng sau khẩu súng liên thanh, không trông thấy cậu; chỉ cần hắn không nhìn về phía cậu. Vài giây thôi, thời gian để khu rừng nhỏ lại gần, cậu sẽ nhảy ở đó. Và nếu cậu không gãy cổ khi rơi xuống nền đá và cát của đường tàu, thì cậu sẽ tìm thấy nó trong bóng tối khu rừng, cái sự thoát hiểm ấy. Vài giây nữa, và Álvarez buông tay. Lập tức, vang lên tiếng súng liên thanh; chúng bắn từ khắp nơi.
- Tôi đã bảo các cậu rồi mà! người tù khi nãy kêu lên. Thật là một sự điên
- Cậu im đi! Jacques ra lệnh.
Álvarez lăn mình trên mặt đất. Đạn cào xé đất xung quanh cậu. Xương sườn cậu gãy, nhưng cậu sống. Kìa cậu đang vắt chân lên cổ chạy. Sau lưng, cậu nghe thấy tiếng phanh tàu nghiến. Một bầy đã lao theo cậu; và trong lúc cậu luồn lách giữa các thân cây, phóng đến đứt hơi, những tiếng sống nổ vang xung quanh cậu, làm bắn ra những mẩu vỏ của các cây thông bao bọc cậu.
Rừng thưa dần; phía trước, dòng sông Garonne trải ra như một dải băng dài ánh bạc trong đêm.
Tám tháng giam cầm, tám tháng thiếu ăn, lại thêm hai ngày kinh khủng trên tàu; nhưng Álvarez có tâm hồn của một người năng nổ chiến đấu. Cậu có trong mình sức mạnh mà tự do trao cho. Và trong lúc lao xuống dòng sông, Álvarez tự nhủ nếu cậu thành công, những người khác sẽ làm theo; thế thì cậu sẽ không chết đuối, các chiến hữu đáng để cậu làm cuộc lữ hành này. Không, Álvarez sẽ không chết tối nay.
Xa hơn bốn trăm mét, cậu trườn lên bờ sông bên kia. Loạng choạng, cậu bước về phía đốm sáng duy nhất lấp lánh trước mặt mình. Đó là khung cửa sổ sáng đèn của một ngôi nhà ven cánh đồng. Một người đàn ông đến với cậu, ông ta xốc nách cậu và dìu cậu về tận nhà mình. Ông đã nghe thấy những tràng súng nổ. Con gái ông và ông tiếp đón cậu.
Quay lại đường tàu, bọn SS điên giì không tìm thấy con mồi, chúng đá và nện báng súng vào các thành toa, như để cấm mọi sự thì thầm bên trong. Chắc hẳn sẽ có sự trả đũa, nhưng không phải ngay lập tức. Tên trung uý Schuster quyết định cho đoàn tàu lại khởi hành. Với lực lượng Kháng chiến từ nay lan rộng trong miền, lần chần ở đây là không hay. Đoàn tàu có thể bị tấn công. Binh lính trở lên tàu và đầu máy chuyển mình.
Nuncio Titonel, lẽ ra phải nhảy ngay sau Álvarez đành bỏ cuộc. Anh hứa lần sau sẽ thử làm. Lúc anh nói, Marc cúi đầu xuống. Nuncio là anh của Damira. Sau khi bị bắt, Marc và Damira bị tách khỏi nhau và từ sau cuộc thẩm vấn, cậu không biết tình hình cô ra sao. Ở nhà tù Saint-Michel, cậu chưa bao giờ được tin cô và ý nghĩ của cậu không thể rời khỏi cô. Nuncio nhìn Marc, anh thở dài rồi đến ngồi bên cậu. Họ chưa bao giờ dám nói với nhau về người phụ nữ lẽ ra có thể khiến họ thành anh em nếu quyền tự do yêu nhau được trao cho họ. Nuncio hỏi:
- Tại sao cậu không bảo tôi là cậu với nó cùng nhau?
- Vì bạn ấy cấm em làm thế.
- Ý nghĩ thật kỳ cục!
- Bạn ấy sợ phản ứng của anh, Nuncio ạ. Em không phải người Italia...
- Nếu cậu biết rằng tôi mốc cần cậu không phải người đồng hương với chúng tôi, khi mà cậu yêu nó và tôn trọng nó. Tất cả chúng ta đều là người ngoài của một ai đó.
- Đất cả chúng ta đều là người ngoài của một ai đó.
- Dù sao chăng nữa, thì tôi cũng biết từ ngay đầu tiên.
- Ai bảo anh?
- Giá cậu nhìn thấy bộ mặt nó khi nó về nhà, cái lần đầu tiên chắc hẳn cô cậu đã hôn nhau! Và hễ đi làm nhiệm vụ cùng cậu, hoặc đến nơi nào mà nó phải gặp cậu, thì nó từng mất bao nhiêu thì giờ sửa soạn. Chẳng cần phải tinh ranh lắm mới hiểu.
- Em xin anh, Nuncio, đừng nói về Damira ở thì quá khứ.
- Cậu biết đấy, Marc, vào giờ này, chắc nó phải đang ở Đức, tôi không quá nhiều ảo tưởng đâu.
- Thế thì, tại sao bây giờ anh lại nói với em về những chuyện ấy?
- Bởi vì, trước đây, tôi từng nghĩ rằng ta sẽ thoát, rằng ta sẽ được thả, tôi đã không muốn cậu bỏ cuộc.
- Nếu anh đào tẩu, em sẽ đi cùng anh, Nuncio!
Nuncio nhìn Marc, anh đặt tay lên vai cậu và ôm riết cậu vào người.
- Điều khiến tôi yên lòng, là Osna, Sophie và Marianne ở cùng nó, rồi cậu xem, họ sẽ giúp đỡ nhau. Osna sẽ lo toan sao cho họược, không bao giờ cô ấy buông tay đâu, cậu có thể tin ở tôi!
- Cậu cho là Álvarez thoát chứ? Nuncio nói tiếp.
Chúng tôi không biết anh bạn của chúng tôi có sống sót hay không, nhưng dù thế nào, anh đã tẩu thoát được và với tất cả chúng tôi, niềm hy vọng lại nảy nở.
Vài giờ sau, chúng tôi tới Bordeaux.
° ° °
Mờ sáng, các cánh cửa mở ra. Cuối cùng, họ phát cho chúng tôi một ít nước, thoạt tiên phải uống bằng cách thấm cho ướt môi, rồi hớp từng ngụm nhỏ, trước khi khi họng chịu mở để cho chất lỏng đi qua. Tên trung uý Schuster cho phép chúng tôi xuống từng nhóm bốn hoặc năm người. Thời gian để đại tiểu tiện ở cách xa đường tàu. Mỗi tốp đi đều có lính mang súng vây quanh; vài tên mang lựu đạn để đề phòng một cuộc chạy trốn tập thể. Chúng tôi ngồi xổm xuống trước mặt chúng; đó chỉ là thêm một sự nhục mạ nữa, phải sống cùng thôi. Thằng em nhìn tôi, vẻ buồn bã. Tôi cố mỉm cười với nó dù khéo dù vụng, tôi cho là vụng.