Lời dẫn
Có người nói: Hễ nơi nào có người thì sẽ có giang hồ.
Bạch Hiểu Sinh – người thông hiểu mọi chuyện trên giang hồ – lại nói: Nơi nào có tình yêu thì sẽ có hồng trần, nơi nào có dục vọng thì sẽ có giết chóc, nơi nào có những chuyện truyền kỳ thì mới là giang hồ thật sự...
Giang hồ thật sự không thể nhìn thấy bằng mắt nhưng nó lại tồn tại mà không có ranh giới. Người ta sẽ không thể biết được khi nào thì mình bước vào, cũng không thể biết được khi nào mới có thể thoát ra. Nó thoạt nhìn rối ren, hỗn loạn nhưng thật ra lại có một trật tự nhất định. Giữa chính và tà dường như có một ranh giới không thể vượt qua nhưng thật ra không ai biết được điểm khác nhau thật sự của chính và tà là đâu.
Trong chốn giang hồ bấp bênh vô chừng ấy cũng có rất nhiều kiếm khách đứng ngoài sự tranh đấu giữa các môn phái. Thỉnh thoảng họ lại vung kiếm bước vào giang hồ, thỉnh thoảng lại tắm mình trong gió tanh mưa máu vì cái mà mình cho là chính nghĩa nhưng cũng nhanh chóng tách mình ra khỏi đó. Người trong giang hồ đặt cho kiểu người này một danh xưng rất đặc biệt: lãng tử.
Tuy trong mắt rất nhiều kẻ tự xưng là danh môn chính phái, những người này không đáng được nhắc tới nhưng họ lại chính là nhân tố khiến giang hồ trở nên muôn màu muôn vẻ, và họ đã được viết thành truyền kỳ.