Chương 9

Đến quán Đo Đo trong những ngày gần đây không chỉ có khách choai choai. Khá nhiều khách đứng tuổi lần lượt ghé quán "ăn cho biết" và một vài người trong số đó chẳng bao lâu trở thành những khách quen của quán.

Đầu tiên là ông Tiger.

Ông Tiger khoảng trên ba mươi tuổi, người tầm thước, thanh mảnh, ăn vận bình dân nhưng gọn gàng lịch sự.

Không ai biết ông Tiger tên thật là gì, làm nghề gì và từ đâu đến.

Một ngày đẹp trời nọ, ông ghé quán và từ hôm đó trở đi không ngày nào ông không đến, kể cả những hôm sấm chớp đùng đoàng, gió mưa tầm tã.

Ông Tiger luôn luôn đi một mình, luôn luôn ngồi một mình một bàn, luôn luôn uống bia Tiger, hôm nào trong quán hết Tiger thì ông nhịn chớ cương quyết không uống qua các loại bia khác, vì vậy mấy đứa trong quán mới gọi ông là... ông Tiger.

Thoạt đầu không đứa nào trong quán ưa nổi ông Tiger. Theo lời con Kim, con Lan thì ông Tiger có rất nhiều "tội". Tội thứ nhứt là ông đi một mình nhưng lại khoái chiếm riêng một cái bàn lớn nhứt, như vậy là giành mất chỗ của khách. Cái bàn đó, nếu ông Tiger chịu thu bớt lại còn có thể ngồi thêm ba bốn người nữa. Nhưng ông Tiger không những không thu bớt mà còn phình ra. Hễ ngồi xuống ghế là ông đặt cái cạc-táp to tướng lên bàn chớ không chịu đặt lên ghế như người ta. Nhưng đó mới chỉ là tội thứ nhứt. Tội thứ hai là sau khi "an tọa" xong, ông không chịu ngồi yên mà lần lượt rút từ trong cái cạc-táp cồng kềnh ra đủ thứ lỉnh kỉnh bày giăng giăng trên bàn: từ những thứ sang trọng như sách vở, báo chí đến những thứ bình dân như gói xôi bắp, bịch lòng gà...

Ngay hôm đầu tiên, ông Tiger đã ngoắt thằng Lâm, con Lan lại dặn:

- Kể từ ngày mai trở đi, hễ thấy chú bước vô, mấy đứa cứ đem ra hai chai Tiger ướp lạnh để sẵn trước mặt cho chú. Khi nào thấy chú uống hết, tiếp tục đem ra hai chai nữa, không cần đợi chú kêu. Cứ thế, chừng nào thấy đủ sáu chai thì thôi.

Ông Tiger ngày nào cũng uống sáu chai bia với lòng gà, xôi bắp thủ sẵn trong cạc-táp. Con Kim phụ trách việc thu tiền và kết toán sổ sách, thấy ông Tiger không thèm kêu món ăn của quán thì hậm hực lắm. Theo nó thì điều đó có thể kể như là cái tội thứ ba.

Cái tội thứ tư của ông Tiger là uống có sáu chai bia mà ngày nào cũng ngồi lì từ hai giờ trưa đến tám giờ tối, chiếm mất chỗ của biết bao nhiêu là lượt khách. Mà có phải ông "bám trụ" để làm chuyện gì nghiêm túc cho cam. Suốt sáu tiếng đồng hồ, ông bày mấy tờ báo nước ngoài kín mặt bàn rồi rút cây viết bíc trong túi áo ra, ông vừa nhấm nháp ly Tiger vừa trầm ngâm... chơi ô chữ.

Theo con Kim thì trên đời không có chuyện gì ngứa mắt hơn chuyện ngồi nhìn một cái ông già đầu như ông Tiger ngồi mải mê chơi trò con nít.

Nhưng bốn cái tội trên đây so với cái tội thứ năm của ôngTiger thì vẫn còn quá nhẹ, vẫn chưa thấm tháp vào đâu. Đó là cái tội không bao giờ mang theo đủ tiền.

Bữa đầu tiên, lúc con Kim bước lại tính tiền, ông Tiger nhìn vào tờ phiếu trước mặt rồi ấp úng gãi đầu:

- Cho anh thiếu lại hai chục ngàn được không?

Con Kim tưởng ông nói giỡn, bèn lỏn lẻn:

- Thôi mà chú.

Con Kim tưởng ông Tiger bông lơn cũng phải. Ông Tiger đâu có ăn uống chi nhiều. Sáu chai Tiger có bốn mươi tám ngàn chớ mấy. Mà với một người ăn vận tươm tất lịch sự, nhứt là lúc nào cũng xách kè kè cái cạc-táp to đùng như ông thì khoản tiền ít ỏi đó đâu có nhằm nhò gì.

Ông Tiger không đủ tiền trả sáu chai bia, mặt mày đã khó coi, nay thấy mình xưng "anh" mà con Kim nhứt quyết kêu bằng "chú" thì vầng trán thông minh của ông càng nhăn hơn nữa:

- Anh không đem theo đủ tiền thật mà. Ngày mai anh sẽ ghé trả.

Lần này, nhìn bộ tịch thiểu não của ông Tiger, con Kim biết là ông không giỡn.

Nó liền quay vô chỗ cô Thanh, xin ý kiến.

Cô Thanh cười:

- Cho ổng thiếu đi.

- Rủi ổng không quay lại thì sao, cô?

- Không sao hết! - Cô Thanh "triết lý" - Mất hai chục ngàn để hiểu được một con người, cái giá đó đâu có đắt!

Nhưng số cô Thanh đúng là số hên. Rốt cuộc cô hiểu thêm được ông Tiger mà không mất một đồng xu cắc bạc nào.

Ngày hôm sau, ông Tiger quay lại, cũng đúng vào hai giờ trưa.

Vừa ngồi xuống ghế, ông ngoảnh cổ ra sau, hí hửng ngoắt con Kim:

- Anh trả tiền thiếu hôm qua nè.

Con Kim bước ra, xởi lởi:

- Từ từ trả cũng được. Làm chi gấp vậy chú.

Ông Tiger lôi từ trong túi áo ra tờ hai chục ngàn, cười hề hề:

- Tính anh thiếu ai phải trả liền. Để lâu nó khó chịu trong người lắm.

Bữa đó, ngoài sáu chai bia, ông Tiger còn hào hứng kêu thêm một dĩa hến xào và ăn thêm hai đòn chả. Con Kim ngó ra, vui vẻ nghĩ:

- Bữa nay chắc ổng mới lãnh lương.

Nhưng ông Tiger làm như không muốn cho con Kim vui vẻ được lâu.

Cuối buổi, khi nó hớn hở bước lại tính tiền, ông Tiger lại lục tung các túi áo túi quần rồi ấp a ấp úng y như hôm qua:

- Cho anh thiếu lại mười lăm ngàn, mai trả được không?

Con Kim mắt trợn tròn, nó như không tin vào tai mình:

- Chú nói thiệt đó hả?

Ông Tiger cười:

- Chuyện tiền bạc ai nói giỡn làm chi.

Xác nhận của ông Tiger khiến con Kim suýt chút nữa xỉu lăn ra đất. Hai tai lùng bùng, nó phải thò tay ngắt vô đùi một cái để trấn tĩnh:

- Chú chờ một chút, để con vô hỏi cô con!

Con Kim quay lưng tính đi vô. Nhưng nó vừa dợm bước đã bắt gặp ánh mắt của cô Thanh. Cô Thanh nhìn nó, hất hàm một cái.

Con Kim hiểu ý, quay lại cười duyên:

- Cô con kêu không sao. Mai mốt chú trả cũng được.

Ông Tiger nhìn nụ cười tươi rói của con Kim, bất giác buột miệng:

- Nụ cười của em...

- Sao?

Ông Tiger tặc lưỡi:

- Đẹp quá!

Con Kim tức mình hừ một tiếng:

- Năm ngàn nữa!

- Cái gì? - Ông Tiger ngơ ngác.

Con Kim tỉnh khô:

- Ai vô quán Đo Đo mà khen bậy, phạt năm ngàn!

Ông Tiger gãi gáy:

- Em nói thật đó hả?

- Ai tỏ ý nghi ngờ, phạt năm ngàn! - Con Kim lạnh lùng - Cho tới giờ này, chú thiếu tổng cộng hăm lăm ngàn rồi đó.

Ông Tiger không biết con Kim nói thiệt hay nói chơi, nhưng thấy mặt mày nó nghiêm nghị quá, ông cũng hơi ơn ớn. Ông mấp máy môi định phân trần nhưng sợ bị phạt thêm, bèn nuốt nước bọt hai ba cái rồi xách cạc-táp đi thẳng một nước.

Con Kim chờ cho ông Tiger khuất sau cánh cửa, liền gập bụng cười.

Cô Thanh bước ra:

- Con vừa giở trò quỉ quái gì với người ta vậy hả?

Con Kim quẹt nước mắt:

- Hù ổng chơi vậy thôi! Đi ăn mà không lo đem theo tiền, chỉ lo tán tỉnh lăng nhăng!

Cô Thanh tủm tỉm:

- Biết đâu ổng thương mi thiệt.

- Không dám đâu, cô!

Cô Thanh khịt mũi:

- Tao thấy với đứa nào ổng cũng xưng "chú", chỉ riêng với mi là ổng xưng "anh" ngọt xớt.

Con Kim rụt cổ:

- Tha cho con đi, cô! Rớ vô ông này chắc cả đời còng lưng đi làm trả nợ cho ổng quá!

Cô Thanh nheo mắt trêu:

- Còn hơn là cứ cà nhỏng suốt đời như mi.

- Cô kệ con!

Con Kim tuy ngoài miệng nói vậy chứ trong bụng nó nghĩ lung lắm. Nó năm nay hăm ba tuổi, đâu còn nhỏ nhít như con Lan, con Cúc. Trong quán, trừ cô Thanh ra, nó và con Lệ là hai đứa lớn tuổi nhứt. Tuổi đó, người ta lấy chồng được rồi.

Con Kim cũng muốn lấy chồng lắm, nhưng nó chỉ mộng lấy chồng ngoại quốc hoặc ít ra cũng là Việt kiều. Hoàn toàn ngược với thằng Cải, lúc nào con Kim cũng mơ đến chuyện đi xuất cảnh.

Hoàn cảnh của con Kim so với mấy đứa trong quán cũng khá đặc biệt. Ba mẹ nó là người Quảng Tây nhưng định cư tại Campuchia từ thời xa lắc xa lơ. Năm 1975, tình hình lộn xộn, ba mẹ nó ẵm nó chạy qua Việt Nam. Trong cuộc tháo chạy hỗn loạn đó, ba nó lạc đâu mất, mãi đến bây giờ cũng không gặp lại. Mẹ con nó nghi ba nó bị tụi Pôn Pốt giết.

Suốt một thời gian dài, hai mẹ con sống lây lất, không giấy tờ, không hộ khẩu. Tình thế đưa đẩy con Kim trở thành "công dân quốc tế": tính nó là người Trung Quốc cũng đúng, coi nó là người Campuchia cũng xong, mà kể nó là người Việt Nam cũng được. Đó là trên lý thuyết, còn trong thực tế nó chẳng chứng minh được nó là người thuộc quốc gia nào hết trọi.

Chính vì lẽ đó nên con Kim dù lanh hết biết, theo bạn bè ngược xuôi buôn bán kiếm được cả đống tiền, cũng chẳng xoay xở gì được. Không có một tờ giấy lận lưng, nó mua nhà cũng khó, mua xe cũng kẹt, làm chuyện gì cũng dở dở ương ương. Con Kim rầu đời là do vậy, mơ có một "hoàng tử" ngoại quốc đến mang quách nó đi cũng là do vậy.

Gần đây, không biết con Kim chạy chọt sao đó, giấy tờ các loại đã được cấp đầy đủ. Nó mua đất ở Nhà Bè, xây một căn nhà gạch nho nhỏ cho hai mẹ con ở, kể cũng ổn định. Nhưng giấc mơ xuất cảnh đã ăn sâu vô đầu óc nó, không thể nào gột bỏ được.

Cô Thanh gần gũi với con Kim lâu năm, còn lạ gì tâm sự của nó. Khi nãy cô ghẹo chuyện ông Tiger là ghẹo cho vui, chớ cô thừa biết nếu xem việc "thi đỗ" vô trái tim con Kim như một kỳ tuyển sinh đại học thì "thí sinh" Tiger "không đạt điểm chuẩn" là cái chắc, thậm chí với cái tội đi ăn lúc nào cũng thiếu chịu, có khi ông sẽ bị con Kim gạch tên khỏi danh sách thí sinh ngay từ đầu không chừng.

Ông Tiger sức mấy biết được mộng ước của giai nhân. Ngày kế tiếp, ông lại đến, lại ngoắt con Kim:

- Cho anh gửi tiền thiếu hôm qua nè!

Khi con Kim bước ra, ông Tiger móc túi lấy ra năm tờ năm ngàn đặt trước mặt:

- Chừng này đủ chưa?

Con Kim chỉ nhón lấy ba tờ, mỉm cười:

- Dư rồi chú!

Ông Tiger nhướn mắt:

- Sao hôm qua em bảo là hai mươi lăm ngàn?

Con Kim lỏn lẻn:

- Con nói giỡn mà.

Mặt ông Tiger nhăn hí:

- Em năm nay mấy tuổi?

- Dạ, hăm ba.

Ông Tiger lắc đầu:

- Em nhỏ hơn anh có chín tuổi mà kêu anh bằng "chú", chắc anh tổn thọ quá!

Con Kim làm bộ ngây thơ:

- Dạ, chớ chú muốn sao?

Mắt ông Tiger sáng trưng:

- Anh muốn em thay đổi cách xưng hô! Đừng kêu anh bằng "chú" nữa.

Con Kim cười:

- Tưởng sao, chuyện đó có khó chi đâu, chú!

- Lại "chú" nữa! - Ông Tiger tặc lưỡi - Em kêu cách khác coi nào!

- Dạ, từ nay con sẽ kêu chú bằng "bác" hén?

Con Kim vừa nói vừa cười khúc khích, quày quả đi vô. Còn ông Tiger như đang bị ai điểm huyệt. Ông ngồi chết trân, mắt nhìn theo con Kim nhưng đầu óc thì đang phiêu phưởng tận đâu đâu.

Từ bữa đó, số lượng bia ông Tiger uống tăng thêm hai chai nữa: vị chi mỗi ngày ông uống tám chai. Tửu lượng ông tăng lên nhưng khí sắc ông có phần giảm xuống. Mỗi lần vô quán, ông vẫn nhét theo xôi bắp, lòng gà trong cạc-táp, vẫn trải mấy tờ báo kín mặt bàn để chơi ô chữ nhưng mặt ông nom buồn bã lắm. Tụi trong quán kháo nhau: chắc ổng thất tình con Kim.

Con Kim nghe hết nhưng nó không bình luận gì, chỉ cười.

Nó cười ba ngày, và đến ngày thứ tư nó đột ngột nói với cô Thanh:

- Ngày mai con xin nghỉ.

Cô Thanh sửng sốt:

- Con nói thiệt hả?

- Dạ thiệt.

- Sao nghỉ?

Con Kim đáp bằng giọng kiêu hãnh:

- Con đi lấy chồng.

Cô Thanh sửng sốt thêm lần nữa:

- Con nói thiệt hả?

- Thiệt chớ.

Con Kim gật đầu xác nhận và nó móc bóp lấy ra một tấm hình, hớn hở khoe:

- Ảnh đây nè.

Cô Thanh cầm tấm hình, ngắm nghía một hồi rồi xuýt xoa:

- Đẹp trai quá hén?

Cô nhìn con Kim:

- Con gặp anh chàng này ở đâu vậy?

- Người quen giới thiệu. Ảnh là người Đài Loan. Ảnh ở bển qua Việt Nam cưới vợ đó cô.

Cô Thanh trả tấm hình, thở đánh thượt:

- Tưởng mi đi đâu, mi đi lấy chồng tao đâu có cản được.

Ngày hôm sau, con Kim vui vẻ tạm biệt mọi người rồi lên xe dông thẳng. Nó đi lấy chồng sao thấy nhẹ nhàng như đi coi hát.

Cô Thanh gom mấy đứa còn lại, phân công:

- Từ ngày mai, con Lệ ra ngoài thu tiền thay con Kim, con Cúc lên chức "bếp trưởng" thế con Lệ.

Con Cúc nghe nói được lên chức thì mừng lắm. Nhưng nó vẫn băn khoăn:

- Vậy lấy ai rửa chén, lặt rau hả cô?

- Con đừng lo! Cô sẽ tuyển thêm một đứa nữa phụ cho con.

Con Kim ra đi, trong quán đứa nào cũng buồn. Con Cúc từ phụ bếp lên làm "bếp trưởng", con Lệ từ "bếp trưởng" lên làm "kế toán trường", bên cạnh nỗi buồn ít ra còn có niềm vui "thăng quan tiến chức". Chớ còn thằng Cải, thằng Lâm và nhứt là con Lan thì buồn hiu hắt.

Nhưng mấy đứa này dẫu sao cũng không thể buồn bằng ông Tiger. Hôm trước con Kim tôn ông Tiger lên chức "bác", ông buồn tình tăng tửu lượng hai chai. Nay con Kim bỏ ông ra đi không một lời từ giã, ông sầu đời tăng thêm hai chai nữa. Chỉ có điều ông tăng tửu lượng nhưng tiền bạc trong bóp nhứt quyết không tăng. Không hôm nào ông không thiếu nợ, thường thì thiếu mười lăm, hai chục ngàn, hôm nào ông cao hứng kêu thêm miến xào cua hoặc bánh đập thịt nướng, phần nợ cũng vin vô đó mà nhịp nhàng hăng hái tăng theo.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện