Chương 3: Thuyết cương
Nói một cách chính xác hơn, chữ “cương” mà chúng tôi đang bàn tới ở đây chính là “cương” trong “cương thi[1]”. Nhưng vì sao ngay từ đề mục người viết không nói rõ ý nghĩa này mà lại chỉ đưa ra một chữ “cương” đầy bí ẩn như thế? Quả thực, cách hiểu về hai chữ “cương thi” trên thực tế lại quá mơ hồ. Đa số mọi người thường hiểu hai chữ “cương thi” trên ý nghĩa sinh học thông thường của nó. Điều này được lý giải, ở người chết, máu huyết đông lại liền trở nên căng cứng, hiện tượng này được gọi là “cương thi”. Trong sách cổ thường nhắc đến những chữ như “cương thi biên dã[2]” hay “cương thi như ma[3]”. Đó chỉ là một số dẫn chứng sách vở thường gặp. Với cách hiểu trên, ngoài những nhà nghiên cứu y học ra chắc hẳn chẳng ai có hứng thú đặc biệt để tìm hiểu sâu sắc về vấn đề này. Tuy nhiên, thứ xác chết được coi là hiệp nghĩa có lẽ ngay cả những nhà nghiên cứu y học thực thụ cũng không dám đề cập sâu, đây chính là vấn đề mà chúng tôi muốn nói tới. Nhưng chính những xác chết cương cứng được coi là hiệp nghĩa nói tới ở đây cũng chỉ là một khái niệm mơ hồ, bản thân nó bao hàm cả hai loại tính chất “dị vật” không đồng nhất.
[1] Ý chỉ xác chết đã cương cứng.
[2] Xác chết nơi hoang dã.
[3] Xác chết bị tê liệt.
Chu Tác Nhân trong một bài viết về “những dị vật trong văn học nghệ thuật” cho rằng: “Những xác chết cương cứng được nói tới trong các tiểu thuyết Trung Quốc, về cơ bản được chia làm hai loại. Một loại là xác chết chưa phân hủy. Đó là những xác người mới chết có thể cảm nhận được rõ ràng nguồn thực khí trên thi thể. Loại xác chết này vẫn thường tác oai, tác quái tìm cách dụ dỗ, lừa gạt những người đang còn sống, dẫn dắt họ tự tìm đến cái chết. Cho nên tính cách của loại xác chết này vô cùng hung dữ và độc ác. Một loại khác là những xác chết để lâu trong quan tài không được đem đi chôn, theo thời gian những thi thể ấy sẽ biến đổi, tính cách cũng trở nên tàn ác, xấu xa, là nhân tố tác động đến tình trạng hạn hán kéo dài, và có khả năng cản trở trời sinh mưa. Nhưng ở một khía cạnh khác, trong các truyền thuyết còn ghi lại hình ảnh những thi thể cương cứng xuất hiện trong những câu chuyện tình yêu cảm động, mang lại một màu sắc ấm áp, tươi vui, gợi ấn tượng sâu sắc cho người theo dõi. Hơn nữa, những câu chuyện về hồn ma trong đời sống văn hóa tâm linh của người Trung Quốc lại rất có ý nghĩa giáo dục, có tác dụng cảm hóa tâm hồn con người. Thông qua nỗi sợ hãi, kinh hoàng, người đọc tự rút ra những bài học nhân sinh sâu sắc. Đó chính là một sự dụng tâm trong ngòi bút, cũng là một thành công của người viết. Trở lại vấn đề phân loại xác chết cương cứng làm hai loại, cơ bản cũng dựa trên nhiều căn cứ khác nhau. Trong Duyệt vi thảo đường bút ký, quyển mười có khẳng định:
Xác chết cương cứng có hai loại, một loại chỉ những thi thể mới chết, còn chưa mai táng bỗng nhiên nhảy lên vồ lấy người khác; loại thứ hai đã chôn cất được một thời gian nhưng thi thể chưa phân hủy, tự biến đổi hình dáng trở thành loài ma quỷ kỳ quái, đêm đến thường đi lại khắp nơi, gặp người liền dọa dẫm, cướp bóc. Người ta thường nói: “Ma quỷ hành sinh ra hạn hán ở khắp nơi.” Có lẽ chưa ai giải thích được điều này.
Thực ra “cương thi” được nhắc tới ở đây trước tiên là để chỉ những thi thể đã cương cứng sau khi chết được một thời gian. Tình trạng cứng đờ của xác chết vốn dĩ là một hiện tượng sinh học hết sức tự nhiên. Nhưng điều đáng nói ở đây là việc để cho lũ tà ma có cơ hội mượn chính những xác chết ấy mà tác oai tác quái, làm điều xằng bậy hại người. Tuy nhiên, điều may mắn là trong thời gian diễn ra tất cả những trò tác yêu tác quái lại hoàn toàn tách biệt và chẳng liên quan gì đến linh hồn của những xác chết đó. Cho nên, chủ nhân của những thi thể bị ma quỷ mượn hình khi còn sống có thể là một người rất lương thiện, thậm chí còn có thể mang trên mình một thân phận cao quý. Sau khi lũ tà ma mượn xác chết ấy “giày vò, hành hạ” xong, nó lại thoát ra và thi thể trở lại nguyên vẹn là một người đứng đắn, ngay thẳng, thật thà. Những người thân trong gia đình và bạn bè trước đây vẫn ngày ngày tưởng nhớ, mặc niệm họ trong âm thầm, lặng lẽ, cảm động, hơn nữa họ còn viết lên những lời ai điếu khóc thương cho người đã khuất. Có thể nói chủ nhân của những thi thể đó, cũng như phần linh hồn của nó hoàn toàn không phải gánh chịu bất cứ trách nhiệm nào đối với những hậu quả nghiêm trọng mà thể xác bị tà ma biến đổi gây ra. Lũ ma quỷ kia làm những chuyện ác đạo, bất lương dĩ nhiên không phải trên thi thể vốn có của anh ta mà là trên hình hài xác chết đã bị biến đổi.
Tuy nhiên, điều chủ yếu mà chúng tôi muốn nói ở đây chính là loại cương thi thứ hai. Điều mà chúng tôi muốn bàn tới căn bản cũng dựa trên chính “những biến đổi của xác chết đã được mai táng lâu ngày mà chưa bị phân hủy”, và quan trọng là bàn tới những tác hại, hay chính là tính nghiêm trọng của hiện tượng này. Loại xác chết này trong các câu chuyện ma quỷ và trong những công trình nghiên cứu hay trong quan niệm dân gian, người ta vẫn thường gọi chúng với cái tên ngắn gọn là “cương” (ý chỉ xác chết đã cương cứng mà chưa thối rữa). Nhưng sau này còn xuất hiện thêm một số cách gọi khác như “mao cương”, “bạch cương”, và những thi thể vẫn càn quấy, làm hại con người cũng được xếp vào một loại được gọi là “tẩu cương”. Tất cả những điều dài dòng mà chúng tôi dẫn dắt trên đây mục đích sau cùng cũng chỉ nhằm giải thích thêm lý do vì sao trong tên đề mục lại chỉ đưa ra một chữ “cương” mà thôi.
1
Loại thi thể đã mai táng, chôn cất lâu ngày mà vẫn không bị thối rữa, trước khi đạt tới độ “cương cứng” mà không bị “dị hóa” đã phải trải qua rất nhiều bước thăng trầm, thậm chí còn có thể gọi đó là cả một lịch sử huy hoàng. Ở thời kỳ cổ đại, người chết là những kẻ giàu có hay thuộc bậc đế vương quyền quý, họ tìm mọi cách để thi thể mình trường tồn mãi mãi mà không bị phân hủy theo thời gian. Để đạt được ước mong này, ban đầu họ tìm đến khấn nguyện trước các đấng thần linh. Nguyện cầu thất bại. Lúc đó họ buộc phải tự mình tìm tòi và làm đủ mọi cách để xác chết có thể đông cứng lại đến ngàn năm tuổi vẫn nguyên vẹn không bị phân hủy. Họ đem vàng, bạc, ngọc ngà, châu báu, thủy ngân, mi-ca… những thứ của cải quý giá chất đầy quanh người chết, thậm chí nhét đầy vào khoang bụng, đeo đầy lên cổ, tai, tay, chân… Cách làm ấy không chỉ giúp cho thi thể đã trở nên cương cứng, nguyên vẹn, trường tồn mãi mãi với thời gian, mà còn khiến cho kẻ thù của mình dù có dùng mọi cách để báo thù từ “bạo thi[4]”, “lục thi[5]”, “trách thi[6]” cho đến “liệt thi[7]”… cũng không thể làm cho xác người chết vỡ vụn thành trăm mảnh, thậm chí ngay cả dùng lửa thiêu đốt cũng không thể hủy diệt được những xác chết đã được làm cho cương cứng bất tử kia.
[4] Làm điều bạo ngược hành hạ người đã chết.
[5] Chém giết xác chết thêm một lần nữa.
[6] Phanh thây thi thể.
[7] Làm mọi cách cho thi thể người chết nứt ra, vỡ ra.
Hiện tượng trên đã làm nảy sinh một cách nhìn hoàn toàn khác với những thi thể khi khai quật mộ phần mà vẫn còn nguyên vẹn. Họ cho rằng những thi thể này chính là phần xác của những con người khi còn sống hoặc là những người giàu có, hoặc là những nhân vật quyền quý, sang trọng, lúc sinh thời vốn là những người có đạo đức, có tiết hạnh. Vì thế, với những trường hợp này, theo họ cũng nên quảng bá rộng rãi trong quần chúng, thậm chí còn đến mức lưu truyền trong sử sách. Trong Tam thập quốc Xuân Thu có đoạn ghi lại một câu chuyện: “Vào thời Tấn Nghị Hi, trong dân gian còn truyền nhau câu chuyện về nhóm cướp cưỡi những con ngựa dũng mãnh đi cướp thi thể của Biện Hồ. Khi bị cướp, thi thể còn nguyên vẹn, hai bàn tay nắm chặt, móng tay để dài y như khi còn sống[8]” Khi Tô Tuấn tạo phản, để giữ yên triều chính, đồng thời thể hiện lòng trung thành tận tụy với đất nước, ông tình nguyện xuất binh chinh phạt, và không may bị hãm hại. Chính nhờ tấm lòng kiên trung, lẫm liệt ấy mà thi thể của ông sau khi chết đã được triều đình chăm sóc cẩn thận, sắc diện hình hài vẫn y như lúc còn sống, thậm chí móng tay sau khi chết vẫn tiếp tục dài ra. Đó phải chăng là sự linh ứng của tấm lòng người trung thực mãi bất tử với thời gian. Lại có một ví dụ khác từ Tân ngũ đại sử - Mân thế gia kể về chuyện khi Vương Hi được phong làm thái tử, tính tình ngang ngạnh, khó trị. Tướng quốc Vương Đảm thời đó được giao nhiệm vụ dạy dỗ, uốn nắn thái tử đã phải rất vất vả, gây ra không ít những điều khó chịu trong lòng thái tử. Sau này, Vương Hi lên ngôi, lúc đó Vương Đảm đã chết, Hi liền lệnh cho phá mộ, giày xéo thi thể Vương tướng quốc. Khi mở nắp quan tài, hình hài Vương Đảm vẫn còn nguyên vẹn, dung mạo tươi tắn ý như còn sống. Khi mổ xẻ, phanh thây xác chết vẫn còn thấy máu đỏ chảy ra khắp thân. Mặc dù đã chết nhưng thi thể của Vương Đảm vẫn vẹn nguyên như khi còn sống, tấm gương của ông được lưu truyền trong sử sách. Người ta cho rằng, tất cả những điều này đều nhờ “chân khí” có liên quan mật thiết đến tấm lòng ngay thẳng, kiên trung và phẩm chất trong sáng của ông khi còn sống tạo nên. Nhưng lấy hiện tượng thi thể còn vẹn nguyên y như khi còn sống của người chết làm tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất trung nghĩa của anh ta, xem ra cũng không có cơ sở khoa học vững chắc. Để đưa ra những luận giải chính xác về phẩm giá của một con người không thể căn cứ vào những thứ có trong quan tài mà đánh giá. Việc làm này chỉ có thể xem là những giả định mang tính chủ quan về người chết khi tiến hành khai quật lăng mộ mà thôi. Có những trường hợp sau khi chết, phần đầu của những bậc trung thần nổi tiếng được lưu danh sử sách lại có hiện tượng nát rữa, ngược lại, phần đầu thi thể của những hoạn quan trải qua năm tháng vẫn còn nguyên vẹn trong quan tài mà không hề hấn gì. Giải thích điều này, người ta cho rằng đó là do ông trời cố ý làm như vậy, mục đích là để cho những hồn ma lang thang không có cơ hội mượn xác của những trung thần mà hoành hành, tạo ác. Hơn nữa, khi chúng nhập vào xác hoạn quan hay kẻ gian thần, đến khi nhập quan lại phải chịu sự trừng phạt, giày xéo thêm một lần nữa. (Những văn nhân như chúng tôi từ xưa vốn đã rất yêu thích Ung Chính, đối với thi thể còn vẹn nguyên y như còn sống ở Lũ Lưu Lang, chúng tôi cũng thử đưa ra nhiều cách lý giải khác nhau. Trong Kinh thánh, những người cầm bút có tài thường rất khéo léo và tinh tế khi biết cách biến hóa ngòi bút của mình, cho dù thế nào họ cũng có thể sáng tạo, tưởng tượng, hư cấu ra những “thiên ý” thuận lòng hoàng thượng, và cũng làm thỏa mãn tất cả mong muốn của người xem.)
[8] Trích trong Thái bình ngự lãm, cuốn 557.
Cũng với mục đích ca ngợi những tấm gương kiên trung, tận quốc, thời nhà Đường lưu danh Nham Chân Khanh, một trung thần vì can ngăn Lý Hi Liệt làm điều bạo ngược nên đã bị hắn ta ép treo cổ tự vẫn. Sau khi chết, thi thể của ông được ướp trong linh cữu mà không đem chôn cất. Sau này, Lý Hi Liệt cuối cùng cũng bị trừng phạt thích đáng. Chân Khanh gia di chuyển thi thể ông lên thượng kinh an táng. Đường đi gập ghềnh, hiểm trở, linh cữu bị hư hỏng, mục nát dần, nhưng hình hài xác chết vẫn trang nghiêm, ngay ngắn, các bắp thịt như được hồi sinh, chân tay trở nên mềm mại, thậm chí râu, tóc vẫn mọc xanh đen, “Mười ngón tay đan vào nhau không rời, móng tay mọc dài đến mu bàn tay”. Hiện tượng đó quả thực khiến cho “người người xa gần đều kinh sợ[9]”. Theo kiến giải của các nhà Nho học, nguyên nhân khiến cho thi thể của Nham Chân Khanh không bị thối rữa xuất phát từ chính khí chất trung nghĩa tiết liệt của ông, mặc dù linh hồn đã lìa khỏi thể xác nhưng nhân phẩm cao quý, trong sáng của ông còn sống mãi, cho nên thể xác mãi nguyên vẹn không bị phân hủy theo thời gian. Nhưng Nham Chân Khanh còn là một kẻ tu hành khổ hạnh theo đạo Phật, cho nên những đạo sĩ dựa vào những điều này để tạo ra những truyền thuyết ca ngợi sự bất tử của ông. Thi thể ông được đặt trong quan tài bằng gỗ đã cũ nhưng dung mạo vẫn “như sống”, nhưng khi được chuyển tới một chiếc quan tài mới, thể xác dần dần trở nên vô tri vô giác, thì ra ông đã sớm thoát xác thành tiên. Hiện tượng thi thể cương cứng khi hồn lìa khỏi xác được giải thích là đã thoát xác thành tiên, cách giải thích như vậy vốn cũng thường gặp rất nhiều trong sách vở. Ví dụ như Bảo Cái thời Hậu Hán, sau khi chết, an táng được hơn ba mươi năm, đột nhiên hiện về báo mộng cho thê tử rằng mình đang hồi sinh. Người vợ vội vàng chạy đến mở nắp quan tài, quả thực thi thể ông sắc diện như đang còn sống, duy chỉ có điều không thấy hơi thở thoát ra. Hơn nữa, trong mộ, đèn thắp suốt ba mươi năm vẫn không tắt[10]. Vào thời Ngũ Đại, giai đoạn cuối thời nhà Đường, viên đại tướng Quách Sùng Thao đem quân đi chinh phạt vùng Tứ Xuyên (thời Tiền Thục), đến Vấn Châu gặp một ngôi mộ cổ có thi thể như còn sống, liền truyền lệnh cho quân sĩ làm lễ mai táng một cách trang trọng. Khi đêm xuống, chủ nhân của thi thể đó hiện lên báo mộng: “Ta vốn là kẻ hầu người hạ của Thái Ất chân nhân, nay được nhà ngươi mai táng, chôn cất tử tế như vậy, xem như nhà ngươi đã có thể tránh được tai họa rồi.” (Theo Trương Thương Anh đời Tống trong Thục đào ngột, quyển hạ. Nhưng Quách Sùng Thao sau khi chinh phục xong đất Thục lại bị kẻ gian vu oan buộc phải tự sát, vì thế những lời mà vị thần trước kia hiện về báo mộng đã không thể lường trước được điều này).
[9] Ngọc đường nhàn thoại, quyển năm
[10] Trích trong Bảo khánh tứ minh chí, cuốn mười một, Dư địa chí.
Có lẽ chính những truyền thuyết đó đã khiến cho xác chết cương cứng có được chất “tiên khí” quý giá, vì thế mà có truyền thuyết cho rằng thịt của những thi thể cương cứng ấy có thể dùng làm các loại thuốc chữa bệnh. Những truyền thuyết kỳ lạ này xuất hiện sớm nhất vào thời Nam triều và còn được ghi chép lại trong các sáng tác văn đế thời Tống. Vào cuối thời Hán, lăng mộ của những nhà học thuật thường là mục tiêu của những kẻ trộm cắp. Những xác chết ấy sau khi bị đánh cắp, theo đúng quan niệm “thịt của những xác chết cương cứng có thể làm thuốc chữa bệnh”. Cho nên lũ trộm cắp mỗi người một tay một chân nhanh chóng mổ xẻ, chia chác nguồn dược liệu quý giá đó. Người thành tiên mà bị đem ra mổ xẻ, phanh thây thậm chí còn bị lăng trì hành hạ như vậy quả thật tu luyện đắc đạo thành tiên mà vẫn chưa được yên phận. Truyền thuyết này có lẽ phải đến thời Ngũ Đại mới được người ta tin tưởng. Trong Cựu Ngũ Đại sử - Chu Cấn truyền có nói đến Chu Cấn sau khi tự sát, quyền thần Từ Ôn bèn “đem thi thể của Cấn bày ra giữa chợ, phơi dưới cái nóng như thiêu như đốt, hết ngày này sang ngày khác mà da thịt vẫn không hỏng, ngay cả ruồi nhặng cũng không dám tới đậu vào”. Do đó, “phàm những người có bệnh, dùng đất đắp trên nấm mộ chôn thi thể người chết đã được phơi kỹ, sắc lấy nước uống liền khỏi bệnh”. Ngay cả những người chết vừa mới được chôn cất “đúng thời điểm nhân dân trong vùng mắc bệnh sốt rét rất nhiều, họ tranh nhau đến lấy đất trên nấm mộ sắc lấy nước uống, bệnh tình liền khỏi ngay, càng là những chỗ đất mới thì càng trở thành ngôi mộ quý được nhiều người săn tìm”. Chính vì lý do này mà thi thể của Chu Cấn sau khi chết không bị thối rữa ngay, phần mộ ấy đã trở thành một hiệu thuốc chữa bệnh miễn phí cho người dân.
Tuy nhiên, một loại xác chết cương cứng không thối rữa đã đề cập trước đó, bởi lẽ để có được cái cớ hợp lý cho mục đích tìm kiếm vàng ngọc, mi-ca, báu vật, cho nên tìm được những thi thể cương cứng không thối rữa vẫn là một kết quả không như mong muốn. Chẳng hạn như trong Hậu Hán thư - Lưu Huyền Lưu bồn tử liệt truyện có nhắc tới thi thể một phi tần của triều Tây Hán: “Thi thể mai táng trong hộp ngọc, hình hài đẹp đẽ như còn sống, đôi lông mày nhuộm đỏ như cố tình ve vãn người xem.” Tấn Can Bảo trong Sưu thần ký, tập mười lăm có đoạn kể về thời Ngô Tôn Hưu, người ta cho khai quật khu mộ phần có một nấm mộ uy nghi, đường vệ, to lớn như lăng mộ của một bậc công hầu nào đó. Khi người ta tiến hành phá quan tài, trong quan tài xuất hiện một thi thể với mái tóc hoa râm, xiêm y, mũ mão màu sắc vẫn còn tươi sáng, dung mạo xác chết như người còn sống. Trong quan tài chất mi-ca dày đến hơn mười thước, phần dưới xác chết dùng tới ba mươi tấm ngọc bích trải làm đệm, hai bên tai và trong lỗ mũi nhét đầy vàng bạc giống như cây táo chất đầy ngọc châu vậy. Nguyên Đào Tông Nghi trong Nam thôn chuyết canh lục, cuốn mười một, Mộ thi như sanh có đoạn viết về một ngôi mộ cổ thời Tống như sau: “Khi tiến hành phá quan tài, không hề có uế khí thoát ra, sắc diện người chết vẫn như còn sống, nét môi vẫn sáng bóng. Những dụng cụ, đồ trang sức bằng vàng bạc rải khắp nơi.” Du Việt, người đời Thanh, trong Hữu đài tiên quán bút ký, quyển mười sáu, kể về người con gái họ Phan, khi mai táng: “Thi thể nằm trong quan tài, dung mạo vẫn như khi còn sống, y phục không hề bị nhàu nát. Nhìn kỹ những chữ số khắc trên quan tài thì thấy đã có đến hơn một trăm hai mươi tám năm, vậy mà tựa như người mới chết. Trên đó còn đề chữ: “Trong quan tài có châu báu, ngọc ngà, xác chết mới không bị phân hủy, đó là lời cổ nhân truyền dạy.” Gần đây Lưu Thành Ngu trong Thế tái đường tạp ức ghi chép lại câu chuyện Tôn Điện Anh khai quật lăng mộ của Tây Thái hậu[11]. Khi nắp quan tài vừa được mở ra liền xuất hiện một luồng hào quang chiếu rọi. Nhìn sâu vào bên trong, dung mạo của Tây Thái hậu vẫn tươi trẻ như khi còn sống, ngón tay thon dài, trắng trẻo. Ánh hào quang ấy là do muôn ngàn tia sáng lấp lánh từ vô số châu báu, ngọc ngà chất đầy trong quan tài phát ra.
[11] Tây Thái hậu là một tên gọi khác của Từ Hi Thái hậu.
Những ghi chép được tìm thấy gần đây, trong sách vở còn có rất nhiều, đại để là hầu hết các bậc đế vương quyền quý được sùng bái, suy tôn khi mai táng, chôn cất, đều được chôn theo rất nhiều vàng bạc, châu báu để mong được bất tử. Chính điều này đã dẫn đến một hệ quả tất yếu là những lăng mộ đó nghiễm nhiên trở thành mục đích của bọn cướp bóc hoặc tư doanh hoặc quan doanh. Như Khổng lão phu tử đã có lần nhắc nhở về việc đem của cải chôn cùng người chết, châu báu quý giá: “Điều đó chẳng khác gì hành động tàn bạo làm hại người chết thêm một lần nữa[12]” Làm như vậy, chẳng những báu vật bị lấy cắp, mà ngay cả thể xác người chết cũng bị lăng nhục, giày xéo, hủy hoại ghê gớm, thậm chí còn phải hứng chịu những hành động tàn ác hơn thế. Ngoài thi thể với hình ảnh lông mày nhuốm đỏ được nhắc tới trước đó, Can Bảo trong Sưu thần ký, quyển mười lăm còn nhắc tới câu chuyện về Hán Hằng Đế Phùng, bảy mươi năm sau khi chết mà vẫn bị phát mả làm nhục. Thái bình quảng ký, quyển ba trăm ba mươi có tái hiện lại câu chuyện Đường Huyền Tông Hoa Phi Tử sau khi chết hơn hai mươi năm vẫn bị đào mả lên lăng mạ. Và ngay cả Hán Cao Lữ Thái hậu cùng với Từ Hi Lão Phật gia đã lớn tuổi như vậy mà cũng khó thoát khỏi tai ương. Có thể thấy, những tiểu thư khuê các và thái thái phu nhân miệng lưỡi lúc nào cũng tươi cười hời hợt thì lại có một cuộc sống ấm áp, nhàn nhã hơn. Trước kia Dương Liễn Chân gia đã cho khai quật lăng mộ của Chư đế, một vị vua thời Nam Tống, trong đó lăng mộ của Lý Tông được mai táng một cách chu đáo, cẩn thận nhất và thi thể cũng được xem là còn nguyên vẹn và đẹp nhất trong các thời đại đế vương trong lịch sử:
Thi thể của Lý Tông vẫn nguyên vẹn, đẹp đẽ như còn sống, có người nói ngài ngậm trong miệng viên dạ minh châu, nó có sức tỏa ngược lên thân cây, nhỏ xuống thành từng giọt nước bạc, cứ như vậy suốt ba ngày đêm. Cũng có người kể lại khi Tây Phiên Tăng tụng niệm theo phong tục phải lấy đầu lâu của đế vương thì mới có thể yếm thắng, giàu có, không may tục truyền đến tai kẻ trộm cắp. (Chu Mật - Quý tân tạp thức biệt tập).
[12] Trích trong Lữ thị xuân thu của Mạnh Đông Kỷ, An Tử Thiên.
Từ những lý do trên có thể thấy, sự xuất hiện của những “xác chết cương cứng” đã có từ rất lâu và tồn tại trong một khoảng thời gian dài. Mọi người hoặc dùng nó như một phương thuốc chữa bệnh trong y học, hoặc căn cứ vào đó để tìm kiếm châu báu. Dù bằng cách này hay cách khác thì con người đã vô tình hay cố ý vẫn làm tổn hại, thậm chí là lăng nhục những thể xác quý giá đó. Ngay bản thân họ cũng chẳng khác chi ốc không mang nổi mình ốc, còn nói gì đến chuyện gieo rắc tai họa cho người khác? Đương nhiên, nếu những hành động càn quấy làm hại người khác của hồn ma cương cứng được hiểu theo nghĩa rộng thì rất có thể đó là hành vi của một số yêu nữ thoát xác biến hình ra khỏi ngôi mộ, nhập vào ai đó rồi lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt người khác. Như trong Sưu thần ký, cuốn mười sáu ghi lại câu chuyện về Chung Diêu có một người con gái xinh đẹp vẫn thường xuyên qua lại, lui tới thăm nom, sau một thời gian biệt vô âm tín, bèn tìm đến một ngôi mộ lớn tìm kiếm, trong mộ có một người con gái, dung mạo xinh đẹp giống y như người còn sống. Nhưng những tình tiết này vốn là câu chuyện thường thấy trong sách vở giữa một ma nữ và một chàng thư sinh nào đó, chỉ có điều thi thể của ma nữ kia vẫn chưa bị phân hủy mà thôi. Mặc dù những hồn ma đó hoàn toàn không mang lại lợi ích gì cho con người thời đó, nhưng đối với hậu thế sau này, những thi thể cương cứng lại trở nên hết sức hung bạo, độc ác. Những câu chuyện kiểu như thế từ trước thời nhà Thanh rất ít xuất hiện, và nếu có được nhắc đến thì đều là những tính cách rất đỗi bình thường, không có gì đặc biệt hay nổi bật. Vì thế chúng tôi khẳng định câu chuyện về những thi thể cương cứng gieo rắc tai họa cho người khác thực sự xuất hiện tương đối muộn, căn cứ vào những tư liệu mà chúng tôi tổng hợp được thì phải tới triều đại nhà Thanh mới có những câu chuyện kiểu như thế.
2
Những thi thể cương cứng xuất hiện trong các câu chuyện thời nhà Thanh cũng chính là chữ “cương” trong hai chữ “cương thi” như các triều đại trước, hình dáng bên ngoài đã thay đổi trở thành con quỷ đầy vẻ ghê sợ. “Mặt mũi xấu xí, đen đúa như thịt cá sấy, hai con mắt thì sâu hoắm vô cùng đáng sợ.” (Theo Viên Mai trong Tử bất ngữ, cuốn mười ba, Cương thi cầu thực.) Đây đều là diện mạo của những thi thể cương cứng, những “mĩ nữ nơi lầu son gác tía” mới được khai quật gần đây, ước tính số lượng vàng ngọc châu báu được chôn theo vô cùng lớn. Nhưng cũng có thuyết cho rằng, những thi thể khô cứng này mỗi khi xuất hiện vào nửa đêm làm chuyện hại người thường thay đổi diện mạo, do đó mà nảy sinh truyền thuyết kể về những “Cương thi dạ phì trú sấu[13]”:
Theo lời Du Thương Thạch tiên sinh: Phàm những xác chết đợi khi màn đêm buông xuống thì hiện lên cướp bóc, tướng mạo trông béo tốt, đầy đặn chẳng khác gì người bình thường, nhưng đến khi trời sáng, mở nắp quan tài mới biết người nằm đó dáng vẻ gầy gò, khắc khổ như kẻ ăn mày, chỉ còn da bọc xương. Đem đốt còn nghe thấy tiếng khóc hu hu vọng lại. (Theo Tử bất ngữ, quyển hai mươi tư.)
[13] Những xác chết cương cứng ban đêm thì béo, ban ngày thì gầy.
Không biết Du tiên sinh đã phải quan sát tỉ mỉ qua biết bao nhiêu thi thể cương cứng hết ban ngày rồi tới ban đêm để có thể đúc kết được những kết luận như thế. Nhưng dù sao thì “nhất gia chi ngôn”, kết luận mang tính chủ quan ấy cũng không thể tránh khỏi những ý kiến trái chiều. Trong các ghi chép còn lại từ triều đại nhà Thanh, người ta cũng bàn luận khá nhiều về những thi thể cương cứng kiểu như vậy. Hình dạng của những “cương thi” trong các ghi chép ấy hoàn toàn không có chút gì được xem là cố tình tâng bốc, hơn nữa trong đó đa phần đều là hình hài ma quỷ hiện lên với những bộ lông tóc màu sắc không giống nhau. Ví như trong Tử bất ngữ, quyển hai mươi ba, Cương thi bão Vi Đà: “Bện khắp cơ thể là một lớp lông mao màu trắng toát như loài chuột khoác lên mình bộ lông ánh bạc, lộ rõ trên khuôn mặt là hai con mắt thâm đen, ở giữa lồi lên hai con ngươi xanh biếc phản chiếu những quầng sáng lập lòe, lấp lánh.” Trong Duyệt vi thảo đường bút ký, quyển bảy có đoạn viết: “Lông mao trắng toát khắp cơ thể, hai con mắt ánh đỏ như chu sa, ngón tay cong lại như làm dấu hình móc câu, hàm răng chìa ra bên ngoài như dao cạo.” Rõ ràng những thi thể cương cứng chính là những thây ma, những quỷ dạ xoa vô cùng lợi hại vẫn thường vơ vẩn bay lượn khắp đó đây. Đớn Liên Phân trong Ly biêm hiên chất ngôn, quyển hai, Cương thi tam sắc có đề cập đến: “Sự thay đổi hình hài của một thi thể cương cứng có thể thấy qua một vài hình ảnh như: tóc tai dựng ngược, mặt mày dữ tợn, răng cái thụt cái thò chen nhau mọc.” Trong Tử bất ngữ, quyển mười hai, Phi cương cũng dẫn ra một câu chuyện, ở vùng Vân Sơn xuất hiện một xác chết đã cương cứng, có thể bay lượn trong không trung, bắt người qua lại, đặc biệt là trẻ em làm thức ăn.
Những “cương thi” đáng sợ và độc ác như vậy hầu như chưa xuất hiện trong các tiểu thuyết, ghi chép trước triều đại nhà Thanh. Nghe nói sự độc ác của những xác chết cương cứng này còn phân loại ở nhiều cấp độ khác nhau, căn cứ vào sự khác biệt hiển thị qua màu sắc của lông và tóc. Do màu sắc lông mao các loại cương thi không giống nhau cho nên lại có cách gọi tên căn cứ vào màu sắc để phân biệt như “bạch cương”, “hồng cương”… Từ Côn trong Độn trai ngẫu bút, quyển hạ, thuần túy miêu tả một loại xác chết được gọi là “bạch cương”. Du Phương Hàn trong Cao tân ngọc trai tạp trước đã nói rõ hơn về vấn đề này:
Bỗng nhiên bên ngoài cửa sổ xuất hiện một người, mặt trắng, toàn thân cháy màu đỏ lửa, nhìn vào bên trong cười đùa một cách hể hả. Một lát sau, người đó nhảy nhót đi vào, bước đến ngã lăn trên chiếc giường nhỏ hẹp, tay với màn, vặn vẹo cái đầu nhô lên hạ xuống cho dịch não tràn ra rồi lại chảy ngược vào trong đầu, hai bàn tay thọc xuống phần bụng, chộp lấy dạ dày, rồi lại nhảy nhót đi ra… Trong màn “biểu diễn” khủng khiếp ấy, may mắn thay xác chết đó vẫn còn giữ được vẻ mặt trắng toát, toàn thân cháy đỏ, nếu không cảnh tượng ấy không biết sẽ còn có sức chấn động ghê gớm đến đâu.
Hình hài “bạch cương” trong câu chuyện dẫn ra trên đây mới chỉ là giai đoạn đầu của xác chết được gọi là “hồng cương”, vậy mà đã lợi hại, độc ác như thế, nếu từ trắng mà chuyển thành đỏ thì sự hung dữ của những thi thể cương cứng còn tăng lên bội phần. Lúc đó thì đến cả thiên lôi từ trên trời được phái xuống trấn áp có lẽ cũng đành bất lực. Trong Tử bất ngữ, quyển chín, Quật trúng kỳ báo có liệt kê ra mấy loại “cương thi”, trong đó xác chết cương cứng có màu tím được gọi là “tử cương” không hề chứa sắc đỏ trên thi thể. Rất có thể đó là những sự vật đồng loại nhưng được gọi tên khác nhau, hoặc màu đỏ trên thi thể cương cứng ấy đã chuyển sang sắc tím, phát triển lên trạng thái cao hơn theo thời gian. Và mức độ phát triển cao nhất của các loại “cương thi” phải kể đến là “lục cương[14]”. Tử bất ngữ, quyển mười, có nói tới loại “cương thi” có “lớp lông màu xanh rất kỳ quái”. Trong Hữu đài tiên quán bút ký, quyển bốn, Túy trà chỉ quái của Lý Khánh Thần, quyển hai, có đoạn nói về “hạn bạt” đều nhắc tới loại xác chết “lục cương” kỳ lạ này. Mắt đỏ rực như lửa cháy, toàn cơ thể phủ một lớp lông màu xanh kỳ quái, chỉ với diện mạo ấy đã khiến người đọc hình dung ra vẻ khủng khiếp của loại “cương thi” đáng sợ này. Nhưng miêu tả một cách tỉ mỉ hơn, thì những hình nhân bằng giấy hay tượng đất nặn xuất hiện ở miếu Thành Hoàng, hay vào mỗi dịp “tam tiết” (tết Đoan Ngọ, tết Trung Thu, tết Nguyên Đán) còn kém xa về hình hài xác chết cương cứng về độ hung tợn và bạo ngược của nó. Vẻ khủng khiếp của “lục cương” tất nhiên vẫn không thể vượt quá phạm vi tưởng tượng của con người. Trong các loại thi thể cương cứng còn phải kể đến một loại khác nữa, đó chính là “hắc cương”. Loại này được ghi chép trong Tử bất ngữ, quyển hai, Tần trung mộ đạo với tên gọi là “hắc hung”, có lẽ đó là một cách gọi khác của người vùng Tây Bắc Trung Quốc:
Thời nhà Tần, dưới lớp đất rất dày, phải đào tới ba mươi lăm trượng vẫn chưa tìm thấy mạch nước ngầm. Chim phượng từng đàn bay về phía tây, nơi đây còn có phong tục kỳ lạ: Người chết không được đem chôn mà phải phơi ra giữa đồng, đến khi máu thịt phân hủy hết mới được đem chôn, nếu không sẽ gặp phải điều ác. Những thi thể chưa phân hủy mà đã đem chôn, nhiễm phải khí đất, ba tháng sau toàn thân mọc đầy lông mao, bạch giả biến thành bạch hung, hắc giả biến thành hắc hung, chuyên đi gieo rắc tội ác trong nhân dân.
[14] Xác chết cương cứng có màu xanh.
Cách gọi tên trắng, đỏ, xanh, đen này rõ ràng đều căn cứ vào màu sắc trên cơ thể và bộ mặt “cương thi”, nhưng màu sắc ấy ở đây đều không phải dùng để chỉ màu da mà là để chỉ màu lông trên cơ thể con người[15]. Cho nên hai chữ “mao cương” trong cách nói của Viên Mai chính là để chỉ màu sắc lông mao trên cơ thể những những xác chết cương cứng, phân biệt với những “cương thi” tương tự nhưng không có lông. Vì vẫn còn không ít những câu chuyện có đề cập đến những thi thể cương cứng nhưng không có lông, cho nên những thi thể cương cứng này rõ ràng khả năng tu luyện của chúng còn chưa đạt, không thể cho là hại người được. Nhưng ngoài những loại “mao cương” kể trên, tất nhiên còn có những loại lông vũ được gọi là “phi cương”. Trong Hữu đài tiên quán bút ký, quyển bốn, có ghi lại một loại “cương vân”: “Nửa phần thân trên mọc lên loại lông giống lông thú, nửa phần thân dưới mọc lên loại lông giống lông chim.” Tử bất ngữ, quyển mười hai, cũng có đoạn nói về “phi cương” như sau: “Có thể bay được trong không trung, cơ thể như trẻ con vậy.” Ngoài những điều kể trên, xác chết cương cứng còn có loại có trọng lượng tương đối nhẹ được phân thành “du thi, mật thi, ba loại xương cốt không phân hóa[16]”, còn có thuyết về “can kỷ tử[17]”. Tất cả những thứ “cương thi” được coi là bạo ngược, hung ác được liệt ra trên đây đều là sản phẩm của triều đại nhà Thanh suốt gần một trăm năm gây dựng. Chính sự thực này lại khiến con người rất khó lý giải được nguyên do tồn tại của nó. Nhưng từ kết quả thu thập được thì các thi thể cương cứng mặc dù hầu hết đều bị coi là độc ác và đáng sợ, nhưng cũng cần phân biệt cái gì là chủ yếu trong tính cách ác độc, hung hãn của nó. Chính điều này lại phải căn cứ vào đặc điểm bộ lông trên cơ thể chúng. Hơn nữa thân thế, lai lịch của các loại “cương thi” lại là một câu đố mà có lẽ căn cứ vào đây cũng có thể lý giải được phần nào.
[15] Trong Động linh tiểu chí của Quách Tắc Vân có ghi chép: ở ngã tư đường Tây Tà, Bắc Kinh có một ngôi nhà bị ma ám, dưới gầm giường có hai xác chết, toàn thân bao bọc bởi một lớp lông mao màu vàng kim. Có lẽ những xác chết này đã tu luyện đến một thứ hạng nhất định nào đó, chỉ có điều ta chưa biết đó là thứ hạng nào mà thôi.
[16] Theo Viên Mai, Viết tiếp tử bất ngữ, quyển năm.
[17] Tức con hoẵng khô. Theo Viết tiếp tử bất ngữ, quyển bốn.
3
Những tài liệu mà chúng tôi có trong tay đại để có thể tổng hợp, phân tích như vậy. Tác giả của những ghi chép này ngoài Lý Khánh Thần, tác giả của Túy trà chí quái là người Thiên Tân ra, còn lại về cơ bản đều là người phương Nam. Hơn nữa các câu chuyện về “cương thi” chỉ có không đến mười truyện có nguồn gốc từ phương Bắc, số còn lại hết thảy đều là sáng tác từ phương Nam, mà đặc biệt tập trung ở vùng Dương Châu, Nam Kinh và xung quanh khu vực Thái Hồ. Đây đều là những địa phương có kinh tế tương đối kém phát triển, nhiều sông ngòi, khí hậu ẩm ướt, gắn liền với những làng nghề sản xuất quần áo và vật dụng sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt là nghề thuộc da, những việc có liên quan đến sự sinh trưởng của “lông” vốn chẳng lạ lùng gì với người dân nơi đây. Thực ra ở phương Bắc, nhiều vùng cũng có kiểu thời tiết mưa dầm, ẩm ướt, theo thường lệ cũng sẽ xuất hiện hiện tượng như vậy, cho nên ở đây chúng tôi cũng có câu chuyện nói về “loại thời tiết ẩm ướt gây cảm giác khó chịu là điều kiện lý tưởng để lông tóc trên cơ thể con người mau chóng sản sinh”. Như vậy, đến đây, một vấn đề khác lại được đặt ra là: Vậy thì những xác chết cương cứng có khả năng mọc lông tóc nữa không? Có điều với những mỹ nữ thể xác đã khô cứng thông thường không còn hy vọng có thể mọc lại lông tóc, nhưng với những thi thể mới được chôn cất, thể xác còn chưa phân hủy khi được chôn sâu xuống lòng đất, lông tóc vẫn có điều kiện tiếp tục sinh sôi. Tôi không được trực tiếp thực hành, cũng không có cơ hội tận mắt chứng kiến tất cả những điều này, do đó chỉ có thể hình dung sự việc qua tưởng tượng mà thôi. Nhưng từ thời nhà Minh đến thời nhà Thanh đã có không ít những nhân tài uyên bác lên tiếng khẳng định vấn đề này, thậm chí còn được kiểm nghiệm trên thực tế. Như vậy có thể thấy bắt đầu từ triều đại nhà Thanh, trong dân gian xuất hiện phong tục đào mả, hơn nữa đối tượng đào bới chủ yếu là những ngôi mộ mới được chôn cất không lâu.
Như vậy chủ đề câu chuyện được dẫn ra là một hủ tục lâu đời về “Những xác chết cương cứng hóa thành hạn bạt[18]. Thần hạn hán vì sự sinh tồn của vạn vật mà luôn phải lánh mình ở những nơi xa xôi. Thuyêt văn giải tự có nói tới hạn bạt, hạn quỷ, trong đó có đoạn ghi chép: “Thần nắng, thần hạn hán cũng từ những thây ma bị phơi nắng khô cháy mà ra. Như vậy thần và quỷ chỉ khác nhau ở cách gọi mà thôi”. Tuy nhiên, “hạn thần” hay “hạn quỷ” từ thời cổ đại cũng có nhiều cách lý giải khác nhau. Theo những cách hiểu quen thuộc hoặc đó là thiên nữ nữ bạt, nữ thần hạn hán trong các thời đại hoàng đế xa xưa, hoặc hiểu theo cách hiểu trong Thần dị kinh - Nam hoàng kinh thì như thế này: “Phương Nam có người dài hai đến ba tấc, cơ thể trần truồng, hai mắt ở mãi trên đỉnh đầu, đi lại như bay, xưng danh là thần hạn hán, hễ nơi nào gặp đại hạn là đất đai lại đỏ ngầu cả mấy nghìn dặm.” Nhưng thần hạn hán và thi thể của người chết có liên quan gì đến nhau? Vào thời nhà Minh, những vùng đất thuộc phương Bắc như Sơn Đông, Hồ Bắc, Hồ Nam… mỗi năm thường xuyên xảy ra hạn hán, người dân những nơi này vẫn chỉ vào những thây ma mới chôn cất mà cho rằng chúng chính là thần hạn hán, bèn hò nhau đến đào mả, lôi xác phanh thây người đã chết, trong dân gian gọi đó là “đả hạn cốt thung[19]”. Nhưng ngược lại, không phải thi hài nào cũng đều trở thành thần hạn hán, chỉ có những xác chết “mao cương” có khả năng mọc ra lông trắng mới có thể làm việc ấy. Hàng ngàn dặm khô hạn đến cháy đỏ hóa ra đều là do cái thứ xấu xa bên trong mồ mả ngấm ngầm giở trò quấy phá, vì thế cho nên nó mới bị trừng phạt. Tuy nhiên, với những nấm mồ mới được chôn cất cũng nên điều tra tỉ mỉ, không thể cứ mở quan tài xem xét, nhìn ngắm thi hài một cách đơn giản, qua quýt là được, nhất định phải mời những chuyên gia hiểu biết đến tìm hiểu, đó cũng chính là những pháp sư, thầy mo ở ngay tại địa phương đó, với hiểu biết và kinh nghiệm vốn có, họ dễ dàng thu hẹp phạm vi điều tra. Ư Thận Hành thời nhà Minh, trong tác phẩm Cốc san bút chủ, quyển mười bốn, có ghi lại như sau: “Vào những đêm khuya, lấy lửa soi vào những nấm mộ ấy, nếu như thấy trên mộ có ánh hào quang phát ra thì chứng tỏ bên trong mộ chính là “mao cương”. Nhưng với mỗi nấm mộ, các thầy mo lại có cách thức và thủ đoạn tiến hành khác nhau. Thời nhà Minh, Tạ Triệu Chiến trong Ngũ tạp trở có nêu: “Chỉ có mộ của trẻ em mới có thể là nấm mộ có “mao cương”. Cách hiểu này có lẽ xuất phát từ chính quan niệm về hình ảnh thần hạn hán trong truyền thuyết miêu tả, chỉ cao khoảng hai đến ba tấc, vì thế chỉ có hình hài của một đứa trẻ mới tương xứng như thế. Nhưng nguyên nhân chủ yếu ở đây có lẽ là đào bới những nấm mộ của trẻ em so với đào bới nấm mộ của cha mẹ hay người thân của chúng ít bị phản đối, ngăn chặn hơn. Tất nhiên khi tiến hành luôn gặp phải những hành động phản đối, cấm đoán, do đó bao giờ cũng phải làm công tác giáo dục tư tưởng, thuyết phục họ phải biết lấy “đại cục” làm trọng, hơn nữa cần phải nói rõ cho họ hiểu, thi thể của người chết nằm dưới mồ lúc này đã bị thần hạn hán nhập vào nên linh hồn của quý công tử hay tiểu thư đều vô can, vì thế không ảnh hưởng đến danh tiếng của gia tộc, càng không thể ghi vào gia phả của dòng họ v.v… Nhưng đối với những kẻ cố chấp không chịu nghe theo, cũng không thể kéo dài cái luận điệu “nhẹ nhàng, cung kính” ấy được, lúc đó thường thường sẽ “nhưỡng thành vũ đầu[20]”, lại tạo ra một số loại thi thể mới:
Trên đất Yên, Tề suốt bốn, năm tháng trời ròng rã không có lấy một giọt mưa, người dân nơi đây cho rằng vùng đất này bị ma quỷ trấn giữ, ắt phải đào lên mà đốt thì mới mong mưa xuống. Người ta cho rằng ma quỷ thường trá hình vào những nấm mộ chôn trẻ em mới chết, nên thường chỉ vào những nhà có trẻ em mới chết mà ám chỉ ma quỷ. Những người khác thì hùa nhau đến đào mả, hành hạ thi thể người chết. Trong khi đó, người nhà lại cực lực phản đối, chống lại hành động đánh đập dã man. Thường xuyên lôi nhau lên công đường rồi làm đơn kiện tụng, thật là việc đáng cười[21]!
[18] Hạn bạt: tức thần hạn hán.
[19] Tức là để đẩy lùi hạn hán cần đánh gãy xương người chết. Theo Minh Hoàng Vĩ, trong Bồng song loại ký, quyển hai.
[20] Ủ lâu thành ra đồng ý.
[21] Theo Ngũ tạp trở, quyển một.
Nhưng nếu như chỉ đào mộ chôn những đứa trẻ coi như là đã “khống chế” được tình hình, vậy thì giả dụ mộ của những đứa trẻ đào lên mà tình trạng hạn hán vẫn chưa được giải quyết, thái độ của người dân trở nên “phẫn nộ”, lúc đó hậu quả sẽ nghiêm trọng đến mức nào? Do vậy, ngay cả những ngôi mộ mới được chôn cất cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng, “Làm gì cũng phải làm cho tới cùng”, không đào ra được thi thể mọc lông kia thì không được ngừng tay. Hơn nữa, ngay cả trong trường hợp xấu nhất, nếu đào mãi mà vẫn ẩn thì nếm thử trong đó có thứ gì ngòn ngọt, thì chính là đã tìm thấy dấu hiệu của “mao cương”. Kết quả này cũng có thể là nấm mộ mới chôn nên không được may mắn cho lắm, thậm chí ngay cả những thứ chôn theo thi hài người chết trong mộ tự nhiên cũng không cánh mà bay. Vì thời đó đã có người phát hiện ra, ngay cả những phần tử được coi là đứng đầu trong cuộc vận động “đả hạn cốt thung[22]” ấy thực chất cũng xen lẫn những tư lợi cá nhân, không đơn giản chỉ là lấy danh nghĩa việc công để mưu lợi cá nhân, tranh thủ vơ vét một số của cải có giá trị, mà như trong Bồng song loại ký đã chỉ rõ: “Những kẻ xảo quyệt thường cầu hạn hán để báo thù riêng.” Một số phần tử đứng đầu lại rất hay kích động, lôi kéo, xúi giục, tập hợp tới ngàn vạn người cùng vào cuộc, ra sức đổ thêm dầu vào lửa làm cho mâu thuẫn giữa các bên càng trở nên gay gắt. Đối mặt với nhóm người đang trong cơn phẫn nộ, quá khích, trên người còn mang theo cả vũ khí, hễ ai đến gần là lập tức bị chĩa mũi nhọn vào đả kích, trừ khi tự biến mình thành “hạn cốt thung” mới thôi. Vào những năm Hoằng Trì trị vì đã phái cử quan Ngự sử có hiểu biết đến tìm hiểu sự việc và tấu trình lên triều đình nghiêm cấm những hành động nguy hại này, “Phải có hành pháp để trừng trị kẻ cầm đầu nhóm người gây rối, bắt chúng phải chỉ rõ ràng lai lịch, quê quán những kẻ tay sai còn lại để bắt giữ (Cách làm này vẫn thường được gọi là “sung quân phát phốt”). Cái gọi là “bắt giữ” ở đây chỉ là một cách nói giữ thể diện mà thôi, trên thực tế thì căn bản vẫn không thể khống chế được họ.
[22] Đào mả đánh gãy xương người chết.
Bất luận là phung phí của cải cũng được, để lộ ra ngoài nỗi uất ức cá nhân cũng tốt, nhưng trên danh nghĩa mà nói, một số hành vi bạo ngược của những kẻ mông muội cũng có lý do chính đáng của nó. Lý do đó xuất phát từ hai chữ “kháng hạn[23]” mà ra. Những hành động bạo lực đấu tranh với hạn hán mặc dù nhận được không ít sự kháng cự, nghiêm cấm từ phía quan phủ, nhưng đối với những người nông dân hằng ngày phải đỏ mắt nhìn tình cảnh hạn hán kéo dài đến tuyệt vọng thì những mệnh lệnh cấm đoán ấy dường như cũng chỉ là một tờ giấy vô nghĩa, ngay cả trong khoảng thời gian phải thi hành kỷ cương phép nước chẳng qua cũng chỉ là một hình thức “kỳ phong sảo tập[24]” mà thôi. Trước tình hình ấy, quan phủ ở một số địa phương lại thi hành chính sách “làm ngơ có điều kiện”, như Nhàn Trai Thị trong Dạ đàm tùy lục, quyển hai, có ghi lại một chuyện xảy ra ở vùng ngoại ô Bắc Kinh, quan phủ nơi đây quy định, nếu người dân đào thấy xác chết “mao cương”, nhất định phải báo lại cho quan phủ, sau khi xác minh rõ ràng thân thế mới được đem đi hỏa thiêu. Những quy định “ràng buộc” như vậy chẳng khác gì thừa nhận tính hợp pháp của hành động dã man đào mả hành hạ người đã chết. Ở thời đại vốn được coi là “vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn” mà còn như vậy, thì làm sao có thể tưởng tượng được sau triều đại nhà Minh, khi pháp trị đã ngày một suy yếu thì làm cách nào để khống chế được tình hình đào mả đả thần không ngừng leo thang? Một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc khởi nghĩa lớn của nông dân cuối thời Minh một phần liên quan đến tình hình hạn hán kéo dài nơi đây. Tôi nghĩ sự việc này bắt đầu từ chính một số phần tử nổi loạn ở địa phương đã lợi dụng việc đào mả đả thần để mở màn cho những cuộc nổi dậy có quy mô sau đó.
[23] Chống lại hạn hán.
[24] Dùng ngọn gió thổi thoảng qua để dập tắt ngọn lửa lớn.
4
Nhưng cổ nhân căn cứ vào quan niệm giữa “cương thi” và “thần hạn hán”, hai loại này xưa nay vốn chẳng có quan hệ gì nhưng lại thường xuyên bị kéo vào một chỗ? Nếu tự nhiên kiếm tìm trong sách Nông chảnh toàn thư hay Thiên công khai vật sẽ không thể tìm ra được cái nhân duyên nào trong đó. Để lý giải được điều này chỉ có cách duy nhất là lục tìm trong một số ghi chép của những thầy mo sống lưu lạc trong dân gian. Trước triều đại nhà Minh hoàn toàn không có ghi chép nào về vấn đề này, nhưng ngược lại vẫn có thể tìm thấy những dấu vết mờ nhạt có liên quan đến nó. Hóa ra, phải tới triều đại nhà Tống mới có một loại học thuyết cho rằng “cương thi” là thứ có khả năng “hút nước”. Trong Di kiên ất chí, quyển năm, Lưu Tử Ngang có đoạn nói đến Hỏa Châu, Hỏa Phù, Lưu Tử Ngang vì có ma quỷ ẩn nấp nên phải mời về một vị đạo sĩ trừ yêu. Vị đạo sĩ này đã phân tích rằng ma quỷ đang tác yêu tác quái trong phủ chính là loài yêu quái, hơn nữa lại ở trong chính nha môn. Đạo sĩ tự có thuật “thám trắc”. Ông ta lệnh cho người gánh mấy chục gánh nước đổ vào cả một góc sân đến năm, sáu tấc, đợi đến khi nước rút cạn, đào sâu xuống, quả nhiên là một thi thể cương cứng hiện lên không thể làm hại người khác nữa.
Nhưng cao kiến này của đạo sĩ, dưới triều đại nhà Tống chỉ dùng để trừ yêu diệt quái, những bí quyết và kĩ thuật này ngày càng mai một theo thời gian, về sau đã bị thất truyền. Cho đến triều đại nhà Minh, những phần tử tri thức trong mỗi hương thôn đều có khả năng tìm hiểu các vật hữu hình, vô hình trong trời đất, nó sinh, nó diệt, nó hợp, nó ly như thế nào. Dường như từ những kinh nghiệm trong sách cổ cùng với những kinh nghiệm trong cuộc sống hằng ngày đã gợi mở cho họ nhiều vấn đề khiến họ bừng tỉnh: “cương thi” có thể không thối rữa, hơn nữa còn có thể tiếp tục mọc lông, vì thế cần phải giữ được thành phần nước có trong thi thể. Đặc điểm này làm chúng ta tưởng tượng ra những “quái vật” có khả năng hút nước. Hơn nữa, năng lực liên tưởng của con người luôn luôn là vô hạn, rất có thể lại còn tưởng tượng ra đây là một xác chết cương cứng có khả năng hút hết nước từ khắp nơi trên trời dưới đất trong phạm vi rộng lớn hàng trăm dặm. Và chỉ cần thần hạn hán bị đập vỡ là có thể phóng thích ra một lượng nước tương đương như thế, từ đó sẽ sinh ra mây, tạo mưa một cách tự nhiên.
Nhưng dưới triều đại nhà Minh, những thi thể cương cứng này bị “vu cáo, hãm hại” và bị đào mả bốc xương cũng chỉ vì trên cơ thể của chúng vẫn còn khả năng mọc lông mà thôi, nhưng ngược lại, cho dù là đáng kinh sợ thế nào thì chúng vẫn phải trải qua một quá trình bị hành hạ dã man từ đào mả, đánh đập, đến nện vỡ, rồi cuối cùng là thiêu cháy. Phần lớn những thi thể cương cứng bị hành hung như vậy đều “kêu” lên mấy tiếng “chít chít”, từ đó không có ai dám phản kháng, càng không thể nói là quá nghiêm khắc hay có điều ám muội. Cho nên, đến triều đại nhà Minh, những biểu hiện của thi thể cương cứng vẫn có thể nói là tương đương với các thân sĩ. Nhưng điều không may mắn là, đến triều đại nhà Thanh, ở phương Nam, tính chất của những “cương thi” này lại chuyển hóa dần sang những biểu hiện của tính ác, biến thành “mao cương” với nhiều màu sắc, hình dạng như đã giới thiệu ở trên.
Câu chuyện về “cương thi” bị đào mả bốc xương được khẳng định truyền từ phương Bắc đến phương Nam. Nhưng có lẽ, người phương Nam đã không vận dụng những kinh nghiệm chống hạn như người phương Bắc đã làm. Từ những ghi chép đều không thể tìm thấy những ví dụ thực tế về phương diện này. Và một cách tự nhiên, tình trạng khô hạn ở vùng Hồ Nam vẫn thường xảy ra ít hơn so với những vùng phương Bắc. Chu Tác Nhân cho rằng “cương thi” trong quan niệm của người dân “thường bị đánh đồng với thần hạn hán, có khả năng ngăn cản trời mưa”, điều này khiến cho người dân cảm thấy những thi thể cương cứng ở phương Nam dường như đã giúp ích rất nhiều cho nhân dân trong việc phòng chống lũ lụt, ngập úng. Đương nhiên, ở Hồ Nam cũng không có chuyện đào mồ đào mả để tìm kiếm thần hạn hán, họ cho rằng những công thần nơi đây đã có những việc làm hữu ích, có tác dụng to lớn trong việc giúp dân tránh lũ lụt, hành động của họ chẳng khác nào việc làm của nữ thần hạn hán đã giúp dân đẩy lùi những trận mưa to bão lớn. Nhưng có vẻ như trong khi nói tới những mặt tốt đẹp của cương thi, họ đã phần nào bỏ sót, không đề cập tới mặt xấu, mặt ác của chúng. Đây hoàn toàn là “bỏ sót” chứ không phải là thái độ khoan dung đối với những “cương thi” này. Những thi thể cương cứng ở phương Bắc khi bị người dân đào lên đều là những vật ký sinh sống nhờ vào thể xác của người khác và trở thành thần hạn hán. Còn những “mao cương” ở phương Nam quấy phá làm hại người khác lại là những hành vi của chính thi thể đó. Trên thực tế, những tình tiết phạm tội nghiêm trọng của những xác chết cương cứng đều là do những “cương thi” ấy không làm chủ được hành vi của mình dẫn đến từ chỗ bị lôi kéo đã trở thành những thủ phạm phạm tội. Nếu như những xác chết cương cứng ở phương Bắc chỉ nằm trong quan tài và bị thần hạn hán nhập vào thể xác rồi điều khiển, khống chế tình hình hạn hán, ngược lại, những thi thể cương cứng ở phương Nam lại nhảy ra khỏi quan tài, giở thủ đoạn hại người, trở thành phần tử khủng bố hoàn toàn. (Lưu ý, cụm từ phương Bắc, phương Nam được nói tới trên đây chỉ là cách nói ước lương chứ không có tính tuyệt đối[25])
[25] Ở phương Nam cũng có cách kiến giải đồng nhất khái niệm “cương thi” và “thần hạn hán”, câu chuyện điển hình nhất được nói tới chính là Động linh tục chí của Quách Tác Vân vào cuối đời nhà Thanh, đầu thời dân quốc. Trong quyển ba có một đoạn viết: “Giữa đời Vua Hàm Phong, tỉnh Phúc Kiến gặp hạn hán, mấy tháng trời không có lấy một giọt mưa. Mỗi lần mây đen kéo đến, tưởng rằng sẽ mưa, nhưng ngay sau đó lại có những áng mây đỏ rực như lửa bay tới mang theo gió lớn thổi tan đám mây đen. Một hôm, mây đen từ bốn phía hợp lại mỗi lúc một dày, từ dưới đất, những đám mây rực lửa lại từ từ bốc lên ra sức chống lại. Mây đỏ dần dần không chống đỡ được, đúng lúc đó trên đám mây xuất hiện vô số những con rồng và một con quái thú với màu vàng kim kỳ lạ từ giữa đám mây thò đầu ra. Đột nhiên, những tràng dài sấm chớp nổi lên, mưa đổ xuống như trút nước, hình bóng những con rồng và cả quái thú không còn xuất hiện. Cùng vào ngày hôm đó có người dân trong thôn chạy đến báo quan phủ: “Trong hang sâu xuất hiện “cương thi” mọc ra hàng trăm cái đầu, hết cái này đến cái khác treo lơ lửng trên cành cây mà không rơi xuống. Rõ ràng quái thú có bộ lông màu vàng kim ấy chính là một loại ma quỷ. Trong Tử bất ngữ đã từng khẳng định đó cũng là một cách biến hóa độc đáo của “cương thi”. Xem ra, xác chết cương cứng có thể biến thành thần hạn hán, và thêm một lần biến hóa nữa sẽ là hình ảnh về một loài quái thú đáng sợ. Xác chết cương cứng với hàng trăm cái cổ dài và bộ lông màu vàng kim cùng vô số những con rồng lao vào một trận hỗn chiến. Cảnh chiến đấu ác liệt ấy quả là hùng vĩ, sấm sét vang động cả một vùng trời, dưới màn mưa trắng xóa, thi thể cương cứng vươn ra hàng trăm cái cổ dài treo lở lửng trên khắp các cành cây, chỉ cần nghĩ đến thôi cũng đủ khiến người ta giật mình hoảng sợ.
5
Những thi thể cương cứng muốn thoát ra khỏi quan tài cần có một điều kiện tối thiểu là nắp quan tài có thể mở ra được. Điều này lại xuất phát từ một số nguyên nhân hoặc đó là do mồ mả cũ chưa được tu sửa, phần gỗ của quan tài để lộ ra ngoài, hoặc như lời Chu Tác Nhân nói “Linh cữu để lâu không được đem đi chôn”, quan tài được bày ngay trên mặt đất, đối với những thi thể cương cứng, điều này quả thực chẳng khác gì ngôi nhà mà cánh cửa luôn có thể đóng mở, chuyển động một cách dễ dàng.
Từ Lục triều trở về trước, ở phương Nam có một phong tục cổ hủ là thi thể người chết sẽ được đặt trong quan tài một thời gian dài mà không được đem đi chôn. Tất nhiên hủ tục này rất ít thấy ở người phương Bắc, nhưng nói chung ít nhiều vẫn còn tồn tại. Những phong tục cổ hủ này đã nhận được sự quở trách của không ít những nhân sĩ vùng Trung Nguyên di chuyển xuống phương Nam. Đa số những ý kiến đưa ra đều tập trung vào vấn đề “Đạo lý” trong gia đình và phản ánh một khía cạnh trong văn hóa u minh của con người, đó chính là sự xuất hiện của một hiện tượng “sai lầm khi không chôn cất xác chết kịp thời, khiến chúng biến thành loài yêu quái[26]”. Nếu như thi thể người chết không được chôn cất kịp thời, theo thời gian, trong quan tài sẽ có sự tự sắp xếp, biến hóa thành yêu quái. Cách nói như vậy đã phản đối một cách tự nhiên hành động mê tín để linh cữu người chết trong nhà lâu ngày không đưa đi chôn, nhưng ngược lại cũng không đưa ra lời khẳng định chắc chắn rằng nh