Chương 16: Hoàng tuyền không nhà trọ

1

Giang Vi, người nước Mân thời Ngũ Đại, vì giúp bạn trốn về nước mà ông ta phải chịu liên lụy. Trước khi bị xử tử, lời lẽ ông rất dứt khoát, rằng: “Muốn đánh đàn để tưởng nhớ Kê Khang vào ngày giỗ của người, nhưng thời gian đã không còn nữa, nhưng ta vẫn kịp phú một bài thơ tặng người.” Nói rồi ông cầm bút lên viết: “Nha cổ kinh nhân cấp. Tây khuynh nhạt dị tà. Hoàng tuyền vô lữ điếm. Kim dạ túc thùy gia?”[1] Ông chỉ nghĩ đến việc xuống âm phủ sẽ ở chỗ nào, dường như ông không hề nghĩ tới việc đầu mình sắp lìa khỏi cổ. Tự như ông đang chăm lo cho viên đao phủ lau sạch lưỡi dao, để lát nữa tránh khỏi một lần làm rách gió vậy, bài thơ của ông khiến người ta tưởng như nặng nhẹ đã đổi chiều, họ không nín nổi cười, nhưng thực ra cái mà ông viết chính là sự thong dong thư thái của nhà thơ, đương nhiên trong đó tất có chứa chất sự khinh miệt đối với những kẻ quyền thế, thích dương oai.

[1] Nghĩa là: Trống phủ rợn kinh người, mặt trời nghiêng xuống núi, hoàng tuyền không quán trọ, đêm nay nghỉ nhà ai?

Đến triều Minh, năm Thái Tổ, nhà thơ Tôn Phần đề một bức họa tặng cho Lam Ngọc, khiến Chu Hồng Vũ không vừa lòng, cho rằng lập trường của Tôn Phần có vấn đề, giáng chỉ lệnh chặt đầu ông. Trước khi chết AQ có hô khẩu hiệu hay không không quan trọng, nhưng không thể trở thành nhà thơ khâm phạm của triều đình được, bởi Thái tổ quá anh minh, không nói gì, hóa ra lại là nhạo báng người. Vậy thì hô “vạn tuế”, hát “hoan lạc tụng” đi, nói cũng chỉ là những lời nói không thật lòng, mang ý đả kích, nó còn ác độc hơn khi hô “lật đổ”. Thế là ông học Khổng Phu Tử, nói những gì người xưa nói, chứ không dùng của mình, hai mươi chữ của Giang Vi[2], ông xin “mượn tạm” một nửa, nói rằng: “Đà cổ tam thanh cấp. Tây sơn nhật tựu hà. Hoàng tuyền vô khách xá. Kim nhật túc tùy gia.”

[2] Giang Vi là nhân tài một thời, nhưng vận mệnh của ông không được may mắn, không chỉ phải chịu án chém đầu mà tất cả những bài thơ do ông sáng tác đều bị đốt hết. Ngoài cái đầu thì ngay cả những thứ như Bóng trúc đâm xiên mặt nước trong. Quế hương lay động ánh trăng non cũng bị người ta cướp sạch, điều đó lại càng khiến Giang Vi thêm nổi tiếng.

Sau khi quan giám hình đã lo cho nhà thơ Tôn lên đường xong xuôi, Thái Tổ còn hỏi Tôn Phần có điều gì muốn nói trước khi bị hành hình không, quan giám hình báo cáo lại y nguyên như vậy, không ngờ Thái Tổ tức giận nói: “Có thơ hay vậy mà không tấu, thế là thế nào?” Có phải ông ta tức giận quát: “Mau trả lại nhà thơ Tôn Phần cho ta!”, điều này không cần nói cũng biết, và thực sự ông ta đã lệnh chặt đầu viên quan giám hình. Thái Tổ miệng nói bài thơ này hay, nhưng chắc ông ta không có ý định lấy bài thơ này làm bản mẫu cho lớp thơ phong mới, bài thơ đó chẳng qua chỉ là mượn đề mục để đùa cợt với quyền thuật một chút mà thôi. Hiệu quả của quyền thuật là, những tên nô tài phạm tội sau này cứ nhắc đến việc này là họ nói, thực ra Thái Tổ rất yêu quý thành phần trí thức.

Đứa con trai ruột ăn chơi của Vạn Tuế gia càng không quan tâm tới chuyện đó, chỉ nói câu của nhà thơ Tôn Phần: “Hoàng tuyền không khách xá”, lúc đó nếu trau chuốt một chút, thì dù có là người dửng dưng cũng phải cảm thấy đau đơn. Thử nghĩ, cây đao sáng lóe trên tay tên đao phủ, chỉ cần hạ xuống là đã đưa nhà thơ từ pháp trường sang một thế giới khác, chỉ thấy có một vùng cỏ hoang ngút trời, sương đêm tứ phía bổ vây, chẳng phải nói người dưng đất lạ, mà có khi đến một bóng quỷ cũng chẳng nhìn thấy. Lúc đó, không cần nói đến trạm đón khách hay nhà nghỉ, mà muốn tìm một nhà vệ sinh rách nát chắc cũng khó.

Thế là lại nghĩ tới vấn đề nhà ở khi các hồn ma xuống âm phủ.

Dưới thuyết địa ngục và thuyết luân hồi của Phật giáo, các hồn ma không quan tâm đến vấn đề nhà ở, đương nhiên, người lạc quan cũng cố gắng hiểu ở đó là “chế độ ăn ở bao cấp”. Dưới thể chế ấy, nơi quy tụ của các vong hồn sau khi thanh toán tất cả mọi tội lỗi và phúc phận được tích dồn khi còn sống chính là sáu đường luân hồi. Diêm phủ là “vùng đất sinh tử luân hồi, là cửa khẩu qua lại giữa hai giới âm và dương”, đi đi lại lại, đón đón tiễn tiễn, các vong hồn đi vào Diêm phủ đều tự mình sắp đặt tất cả, cũng không cần thiết phải thu xếp nơi ở lâu dài. Nếu theo cách nói quen thuộc của Phật giáo dân gian Trung Quốc, địa ngục chỉ là một cơ quan của Diêm phủ, cũng giống như giam ngục được thiết kế bên dưới các nha phủ, vậy thì do tất cả các vong hồn đều bị giam vào đại lao, đồng thời tuyệt đối không cho phép người thân, bạn bè tới thăm nom, nên họ cũng không cần thiết phải lo lắng bên ngoài địa ngục có nhà trọ hoặc nhà ở hay không.

Nhưng trong vấn đề này, ý thức về âm phủ mà quan niệm đạo đức bản địa của Trung Quốc ủng hộ lại rất ngoan cường. Cụn Tri Đường trong quyển Thuyết vô quỷ từng nói rằng: “Ở Trung Quốc, khi nói đến “thuyết thần diệt” người ta còn có thể chịu yên, cái quan trọng ở đây là “thuyết vô quỷ”, bởi nó không thuộc về tôn giáo, nhưng vẫn là vấn đề về luân lý, nói “không có quỷ” chính là không công nhận tổ tong linh thiêng, tức là liên quan đến việc bất hiếu.” Câu chữ không nhiều nhưng rất sắc xảo, rất nhiều các bậc đại Nho gặp phải vướng mắc khi phải lựa chọn trong mơ hồ về vấn đề thần quỷ, do đó họ đã nhận lấy lưỡi dao để giải thoát cho mình. Quan điểm “vô quỷ” là bất hiếu, nói thẳng ra là không nhận tổ tông. Tương tự, nhận tổ tông rồi nhưng lại không lo xem tổ tông có chỗ trú ẩn hay không, như vậy chẳng phải bở rơi ông bà, bố mẹ ở nơi hoang vu hay sao? Vì thế, dù là các đệ tử Phật giáo hay các tín đồ Đạo giáo có biên soạn ra các loại sách thánh hiền thì người thân của người đã chết vẫn phải làm lễ siêu độ vong hồn, để tổ tiên sớm được hóa kiếp, như mỗi khi Tết đến xuân về, người ta vẫn phải cúng tổ tiên, vẫn phải đi tảo mộ, vẫn phải sửa từ đường, vẫn phải hóa tiền giấy… Xuất phát từ lòng hiếu thảo, họ phải tin rằng người thân của mình đang sống thoải mái dưới âm phủ. Chữ “hiếu” trong Nho giáo Trung Quốc vẫn phát huy được tác dụng chủ đạo trong văn hóa âm phủ. Như vậy, người đời không thể không lo cho cuộc sống của những người quá cố dưới âm phủ, và việc trước tiên họ cần làm đó là sắp xếp ổn thỏa việc ăn ở cho người đã khuất.

2

Xét từ góc độ của các hồn ma, chỗ ở của họ dưới âm phủ mới là “thực thể”, nhưng “thực thể” này lại không thể tách rời khỏi cái “hiện tượng giả” của người trần, đó chính là mộ phần, lăng tẩm, hoặc từ đường, miếu thần… Từ đường, miếu thần chỉ phù hợp cho những hồn ma của bậc vương công đại nhân, còn theo “những hiểu biết thế tục”, từ đường, miếu thần là nơi các vong hồn nhận hưởng sự thờ cúng, ăn uống xong, họ còn phải trở về lăng tẩm nghỉ ngơi. (“Những hiểu biết phi thế tục” về từ đường, thần miếu, xin xem phần Phụ ký ở cuối sách này). Nói tóm lại, mỗi hồn ma đều cần có một phần mộ ở dương gian, như vậy mới có thể bảo đảm chỗ ở tương ứng của họ ở dưới âm phủ. Nhưng tất cả mọi việc đều có trường hợp ngoại lệ, những hồn ma lang thang chết không chỗ chôn giống như những kẻ vô gia cư tại chốn dương gian, một ngôi mộ hoang cũng là mong muốn xa xỉ của họ. Tuy nhiên, dù là cô hồn, hồn ma lang thang cũng đều mong muốn có một chỗ trú thân ổn định, vì thế trường hợp “ngoại lệ” này thực ra vẫn không tách rời những phần mộ cho các vong hồn nương tựa.

Chỉ cần linh hồn không bị tiêu tan vào hư không thì họ nhất định cần một nơi để gửi gắm. Quan niệm truyền thống của Trung Quốc cho rằng, linh hồn chết đi sẽ ám vào hài cốt, nếu hài cốt nằm trong mộ thì vong hồn cũng sẽ nằm trong mộ. Bởi mộ phần chính là nhà của họ, vong hồn của tổ tiên tuy xa cách âm dương với con cháu, nhưng nơi họ ở lại rất gần. Thế là dù nhận hưởng sự thờ cúng hay phù hộ cho con cháu, tất cả đều rất tiện cho họ. Nếu người chết ở nơi đất khách quê người, vậy cần phải nghĩ cách để đưa hài cốt của họ trở về quê hương. Những câu chuyện kể về việc con cháu vượt ngàn dặm xa xôi đi tìm kiếm người thân, hoặc đi tìm hài cốt của người thân đều được đời đời ca ngợi, đó cũng là việc bắt nguồn từ quan niệm này. Giả như chết ở nơi chiến trường, hơn nữa lại chết ở bên ngoài biên giới, không những không tìm thấy xác, mà có tìm thấy thì cũng chẳng thể phân biệt được đâu là người nhà, lúc đó chỉ có một cách duy nhất, đó là xây một ngôi mộ giả tại quê nhà, sau đó chiêu hồn về mai táng. Trương Đế thời Đông Hán có bài chiếu văn như sau: “Cha chết phía trước, con chết phía sau. Phụ nữ chân yếu tay mềm đứng nơi pháo đài, đứa bé mồ côi gào thét bên đường. Mẹ già vợ góa, xây mộ hờ thờ, nước mắt tuôn rơi, mong sao vong hồn nơi sa mạc tìm đường trở về, thật đau xót thay!” Có thể giải thích một chút, “đau xót” ở đây chính là để chiêu những vong hồn đang lang thang “nơi sa mạc” “trở về”. Tóm lại, linh hồn của người đã khuất phải được yên ổn trong mộ. Bởi linh hồn cũng cần có một ngôi nhà, chỉ ở đó linh hồn mới được sống một cuộc sống như người thường. Lục Cốc trong Thanh dị lục có viết: “Chỗ đất mai táng gọi là nhà của vong hồn.” Điều này chứng tỏ mộ phần chính là nơi cư trú của các vong hồn.

Những câu chuyện về vong hồn ở mộ được gặp nhiều trong các quyển tiểu thuyết thời Ngụy Tấn, trong đó tiêu biếu nhất chính là câu chuyện về con gái Ngô Vương tên Tử Ngọc trong Sưu thần ký của Can Bảo. Tử Ngọc và chàng thanh niên Hàn Trọng yêu nhau, tự hẹn ước sẽ thành vợ chồng. Hàn Trọng theo học Tề Lỗ, trước khi lên đường, bố mẹ chàng mang lễ vật tới nhà Ngô Vương cầu hôn, nhưng bị bên nhà Ngô Vương cự tuyệt. Sau khi biết chuyện, Tử Ngọc uất ức mà chết, xác nàng được mai táng bên ngoài cổng làng. Hàn Trọng trở về, biết Tử Ngọc đã chết, chàng vô cùng đau đớn, nước mắt tuôn rời, mang tiền càng tới mộ cúng khấn. Lúc này, vong hồn của Tử Ngọc “bỗng xuất hiện bên cạnh mộ”, rồi nàng mời Hàn Trọng vào trong mộ, “hai người ăn uống cùng nhau, bên nhau ba ngày ba đêm, hoàn thành xong lễ kết vợ chồng.” Có thể ăn uống, có thể cùng chung chăn gối, ngôi mộ đó không chỉ có vong hồn ở được, mà cả người sống (hồn sống) cũng ở được trong đó.

Nhưng nghe nói chính Can Bảo cũng đích thân được trải nghiệm nó. Trong Sưu thần hậu ký, Đào Tiềm, người đời Tấn đã ghi lại câu chuyện về cha ruột của can Bảo, nói rằng sau khi chết cuộc sống dưới mộ của ông không khác gì người thường. Câu chuyện không hề bịa đặt, bởi có người làm chứng. Hóa ra vị lão tiên sinh này lúc còn sống có một người thiếp, ông rất yêu chiều bà, vợ cả của ông liền đem lòng đó kỵ. Lúc chồng còn sống, bà ta giữ gìn đức hạnh, không cho ai biết mình đang đố kỵ, bây giờ chồng đã chết, khi xác sắp được đưa đi chon, bà nói một câu như rất quen thuộc “đưa đến nghĩa địa chôn cùng”, bà ta đẩy người vợ bé xuống mộ rồi chôn sống người đó. Khi đó anh em Can Bảo còn nhỏ, mười năm sau, bà vợ cả cũng qua đời, Can Bảo đưa mẹ đến chôn cùng với cha, nhưng khi mở phần mộ của cha ra, anh ta phát hiện thấy người vợ nhỏ vẫn đang nằm sấp trên nắp quan tài, và kỳ lạ là bà vẫn còn thở. Can Bảo dùng xe đưa bà vợ bé của cha về nhà, chăm sóc một ngày bà mới tỉnh lại. Bà kể về cuộc sống của bà với chồng trong mộ, nói hai ông bà “ăn uống cùng nhau, ngủ cùng nhau, ân tình như khi còn sống”. Trong Tấn thư - Can Bảo truyện cũng nhắc tới sự việc này, còn nói một câu “dưới âm phủ chuyện đó không có gì là xấu hổ cả”. Hơn mười năm, đến thứ tùy táng trong mộ cũng mục nát cùng thi thể, nhưng sở dĩ người vợ bé đó “không thấy xấu hổ” là vì bà đã cảm nhận được một thế giới khác, tất cả những đồ dùng, nhà ở đều không có gì khác với dương thế. Những thứ đó người sống không nhìn thấy, nhưng người vợ bé đó có thể đã bị ám một chút quỷ khí, nên bà có thể nhìn thấy những thứ mà chỉ ma quỷ mới nhìn thấy. Sau khi sống lại, năng lực siêu nhiên của ma quỷ trong bà cũng chưa hoàn toàn tiêu tan, vì thế bà còn có thể dự đoán cho người ta về những điều lành, điều dữ sẽ xảy ra, và tất cả đều rất linh nghiệm.

Trong Sưu thần hậu ký còn có một chương kể về Phạm Khải đi tìm mộ người mẹ đã chết, ông chỉ thấy “những ngôi mộ nằm san sát nhau, rất khó phân biệt, không biết đâu là mộ của mẹ mình”. Thế là ông tìm đến một người có thể nhìn thấy ma, người này đến chỗ bãi tha ma, nói có người trong mộ mặc quần áo, trang điểm như thế này như thế kia. Phạm Khải nghe thấy thế có vẻ đáng tin, bèn đào ngôi mộ đó lên, bên trong chỉ thấy một bộ áo quan rách nát, đất bám dày hàng tấc. Đang chần chừ không biết làm thế nào thì ông nhìn thấy một viên gạch bên trong chỗ đất đó, bên trên có khắc vài chữ “Phạm Kiên chi thê” (Vợ của Phạm Kiên). Như vậy, người nhìn thấy ma kia đã nhìn thấy vong hồn bà mẹ Phạm Khải, tuy người bình thường chỉ nhìn thấy hài cốt bên trong ngôi mộ hoang, nhưng thực ra vong hồn đó lại mặc quần áo chỉnh tề, sống trong một ngôi nhà lớn khang trang dưới lòng đất.

Người Nam Triều từng nói như vậy, người Bắc Triều cũng nói như vậy. Trong quyển Đông Hoàng thực lực của Lưu Bính, người thời Bắc Ngụy có kể một câu chuyện như sau: “Sau khi đại tướng quân Bắc Ngụy Vương Phiền qua đời, ông cùng mấy “người” đánh bài, uống rượu trong mộ của mình. Một tên trộm mộ “không có mắt” đào mộ lên, hắn tròn mắt, đờ người khi nhìn thấy bên trong là cảnh đèn lửa sáng trưng. Vương Phiền sai tùy tùng đưa cho hắn một ly rượu, hắn không dám không uống, nhưng đúng lúc hắn định chuồn ra ngoài bỗng nhìn thấy một người dắt con ngựa đồng tùy táng đi ra phía cửa mộ. Hóa ra người này đi báo quan phủ, anh ta nhanh chóng đến trước cổng thành, nói với lính gác cổng thành rằng: “Ta là lính của tướng Vương Phiền, hôm nay có kẻ tới đào trộm mộ, ta đã dùng rượu nhuộm đen môi hắn, ngày mai hắn đến đây, hãy kiểm tra rồi bắt lại.” Khi tên trộm mộ đến cổng thành, người lính gác nhìn thấy môi hắn đen xì, liền tóm gọn giải đi. Mộ của Vương đại tướng quân giống hệt như phủ đệ của ông ở chốn dương gian, ở đó linh hồn của ông vẫn tiếp tục cuộc sống hưởng lạc và đầy uy nghiêm.”

Còn mộ phần của người dân thường lại chính là ngôi nhà nhỏ xinh, hàng xóm vẫn thỉnh thoảng qua lại hỏi thăm nhau. Quyển Bác dị chí của Cốc Thần Tử, người thời Đường có kể câu chuyện của một viên lại huyện Hứa Châu, tên là Lý Trú. Nửa đêm, khi Lý Trú đang đi trên đường, bỗng nhìn thấy trên ngôi mộ bên đường có một cái lỗ to bằng chiếc đĩa, trong đêm, từ khe lỗ đó lộ ra ánh sáng đèn. Ông lập tức xuống ngựa bước tới gần, từ bên ngoài nhìn vào, “thấy năm người phụ nữ mặc trang phục người Hán, họ tụm lại với nhau dưới ánh nến, tay không ngừng khâu vá”. Cảnh tượng đó chẳng khác gì những cô gái thôn quê tập trung lại một chỗ để thêu thùa, vừa tiết kiệm dầu đèn vừa đỡ buồn tẻ. Nhưng Lý Trú đã phá vỡ khung cảnh đó, ông hắng giọng một tiếng, làm các cô gái sợ hãi biến mất, cuối cùng chỉ còn lại một màn đêm dày đặc.

Nếu là một bãi tha ma, vậy thì đó đương nhiên là một làng hoặc một thị trấn. Trong cuốn Thanh tỏa cao nghị của Lưu Phủ, người đời Bắc Tống có một chương ghi chép về “nghĩa địa ký”: “Thư sinh Vương Xí, đêm hôm đi qua Từ Châu, trời tối đen như mực, anh ta bị lạc đường. Nhìn thấy phía xa xa có đốm lửa bập bùng, anh ta liền tiến về hướng có đốm lửa để tìm chỗ nghỉ đêm. Quả nhiên tìm thấy một làng nhỏ. Vương Xí xin ngủ nhờ trong nhà một ông lão, hỏi rằng: “Đây là nơi nào?” Ông lão trả lời rằng: “Thôn Tùng. Thôn này do một nhà giàu lập nên.” Ngày hôm sau, Vương Xí cáo từ, đi được một quãng thì gặp một người nông dân, lại hỏi: “Chỗ này đi từ bắc sang tây khoảng năm lý, có một làng nhỏ có chợ búa, nhà cửa, đó là chỗ nào?” Người nông dân trả lời: “Chỗ đó là bãi tha ma, không có nhà cửa, chợ búa gì cả.” Vương Xí giật mình nhớ lại việc đêm qua mình ngủ trong nghĩa địa, nằm giữa đám mộ mà không hề biết mình đang ở đâu. Có thể thấy, khi màn đêm buông xuống, những bãi tha ma không chỉ là nơi trú ngụ của ma quỷ, mà còn có thể biến thành thị trấn, làng mạc trong mắt người dương. Những câu chuyện như thế tồn tại không ít và được ghi chép lại trong các cuốn sách sử, nhưng vẫn không làm cho người ta cảm thấy thỏa mãn, có lẽ bởi chúng cũng chỉ là những sự việc ngẫu nhiên, không thường xuyên xảy ra.

Cũng chính quan niệm này đã gợi ý cho tầng lớp thống trị trong xã hội phong kiến dùng những cách vô cùng tàn nhẫn và vô nhân đạo để đối với những ai chống đối chúng. Ngoài việc dồn kẻ thù vào chỗ chết, chúng còn phải đào hết mộ phần tổ tiên của họ lên, mang xương cốt vứt đi hết. Nếu vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn, chúng còn đào một cái hố sau ngay trên chính mộ phần đó, rồi đổ đầy nước thải, ném thêm xác chó mèo chết vào đó, như vậy sẽ đuổi hồn ma ra khỏi mộ phần, từ đó không còn chỗ dung thân nữa. Qua đây có thể thấy, việc chu di cửu tộc đối với những kẻ phản loạn vẫn không thỏa mãn được lòng dạ độc ác, thói tàn nhẫn của các vị hoàng đế ngày xưa, mà họ còn thực thi triệt để những biện pháp trừng phạt tàn nhẫn đến cực điểm, không chỉ khiến cho kẻ thù đoạn tử tuyệt tôn mà ngay cả tổ tiên đã mất của họ cũng không chịu buông tha.

Nhân đây cũng xin đưa ra một quan niệm khác cũng liên quan đến nơi trú ngụ của các linh hồn, nơi đó được mang tên “địa phủ”. Đây là một nơi đô hội sầm uất, và trung tâm là đám nha môn của Diêm Vương. Nơi đó không có sự xuất hiện của những ngôi làng, những mảnh vườn, hay những cánh đồng lúa bao la, bước vào địa phủ là chúng ta bước vào một cuộc sống mới, khiến cho người ta cảm thấy dường như đó mới chính là cuộc sống lý tưởng của mình. Tác gia nổi tiếng thời Tống, Lưu Nghĩa Khánh, trong cuốn U Minh ký có ghi lại một câu chuyện mang màu sắc Phật giáo rất rõ nét: “Ở huyện Ba Bắc có một thầy pháp sư tên là Thư Lễ bị chết, được thần Thổ Địa áp giải đến Quân sở phủ Thái Sơn. Trên đường đi, hai bên đường đều là nhà cửa, đếm sơ sơ cũng phải hàng nghìn ngôi nhà, “giai huyền trúc liêm, màn trời chiếu đất, nam nữ ở hai khu phân biệt. Người ca hát, kẻ ngâm thơ, vui vẻ vô cùng”. Những người sau khi chết lại được sống một cuộc sống vui vẻ, ấy đều là các tín đồ Phật giáo, nhưng thầy pháp sư kia lại không nằm trong số đó nên đành chịu sự áp giải của đám đầu trâu mặt ngựa đi hành hình. Niềm vui bất tận của các linh hồn đó chỉ đơn giản là ăn cơm rồi tụng kinh, tụng kinh rồi lại ăn cơm, còn về cuộc sống của họ thì đương nhiên không tồn tại khái niệm “gia đình”, vì nam nữ không được phép chung đụng. Đến đây lại khiến người ta nhớ đến chế độ Thiên triều của Hồng Tú Toàn với hai cung phân biệt, Nam Cung và Nữ Cung, hóa ra đây cũng không hẳn là những dị giáo hoang đường, mà trong quan niệm dân gian Trung Quốc từ lâu đã mơ ước về một cuộc sống như thế.

Nhưng nếu tưởng rằng sự xuất hiện của các khu ở tập thể nơi âm phủ đó là do chịu sự chi phối của chế độ tăng lieu từ các tự viện thì cũng không hoàn toàn đúng. Tác gia đời Đường, Đới Phu trong Quảng dị ký có ghi chép về “Kiềm nhĩ Hàm Quang”, kể rằng vợ của Ngôn Hàm Quang chết khi còn rất trẻ, một lần lên chùa Trúc Sơn bái Phật, chàng tình cờ gặp được âm hồn của vợ mình là Lục Thị. Hai người gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Chàng liền hỏi thăm tình hình của vợ, Lục Thị chỉ tay bảo chồng nhìn sang hướng bắc, thấy có một tòa thành lớn, đó chính là nơi ở của Lục Thị sau khi chết. Sau khi vào thành, “phòng ốc tráng lệ không khác gì những tòa nhà lộng lẫy chốn nhân gian. Bên cạnh có một ngôi viện, trong viện đi về phía tây có mười gian phòng, Lục Thị sống ở căn phòng thứ ba”. Hai người chia tay nhau, ngày hôm sau Hàm Quang lại đến thăm vợ. Không ngờ ngồi còn chưa ấm chỗ thì một vị sử quan mặc áo gấm dẫn theo chục người hầu xông vào trong viện. Lục Thị vội vã bảo Hàm Quang chui xuống gầm giường để trốn. Nàng lắng nghe, thấy bên ngoài có tiếng thét lớn: “Lục Tứ Nương!” Lục Thị vội vã chạy ra. Lúc này trong viện đang có tất cả hai mươi tám cô gái, viên quan liền sai thuộc hạ giật hết búi tóc của họ ra, trói hai người một lại với nhau, ném vào nồi nước đang sôi sùng sục, cứ thế đun cho đến khi lửa tắt, đám quan sai mới rời đi. Các cô gái sau khi chịu xong hình phạt, liền lảo đảo ai về phòng người nấy. Có lẽ các bạn có thể nhận ra, đây cũng được coi là một khu nhà tập thể, nhưng nói một cách chính xác hơn, chỗ này không khác gì một khu trại giam nữ.

Vì thế, địa phủ, thực ra chỉ là sự cải tạo, thay đổi từ nhà ngục trần gian của Trung Quốc đối với thuyết địa ngục của Phật giáo mà thôi. Địa ngục Thái Sơn quả thật là quá tàn khốc, trong tưởng tượng của tôi, nơi đó có những lò lửa cao ngất, san sát như rừng rậm, lửa trong lò lúc nào cũng đỏ rực, khó mù mịt khắp nơi, các linh hồn cứ lần lượt nối đuôi nhau vào trong lò chịu hình phạt, khắp không gian ngập tràn những tiếng la hét, khóc than đau đớn. Cho nên, đôi lúc chúng ta cảm nhận được kiểu nhà tập thể này cũng đầy ắp tình người, chỉ có điều các linh hồn không được tự do mà còn phải chịu sự giáo dục của quan sai, bị nấu trong lò lửa, đúng như ông A Tolstoy, người từng giành giải thưởng Stalin đã nói: “Nếu được ngâm trong nước tinh khiết ba lần, tắm trong máu ba lần, nấu trong nước muối ba lần thì chúng ta sẽ trở nên sạch sẽ đến mức không thể sạch sẽ hơn được nữa.” Nhưng nàng Lục Thị đã được nấu trong lò lửa nửa năm nay, tính ra cũng đã hơn một trăm lần mà vẫn không hết được tội nghiệt, nguyên nhân chỉ là vì trước lúc chết nàng đã quên viết bộ Kim quang minh kinh. Đối với những tôn giáo tà ma như vậy, chúng ta không tin cũng chẳng sao. Vì thế, dân chúng vẫn mong muốn để cho những người thân quá cố của mình được sống trong các ngôi mộ, là ngôi nhà dành riêng cho họ, cho dù như vậy sẽ không có cảnh gia tộc đoàn viên như trong các câu chuyện.

3

Căn cứ để cho rằng mộ là nơi cư trú của các linh hồn chính là bởi các linh hồn trú ngụ trong hài cốt. Hài cốt của người chết ở đâu thì vong hồn của họ ở đó. Nếu người chết không được mai táng, vậy thì linh hồn của họ cũng sẽ theo hài cốt phiêu bạt khắp nơi. Hiện tượng này xuất hiện rất nhiều ở thời cổ đại, như trường hợp bị hổ báo, thú dữ ăn thịt, mất tích, chết ngoài chiến trường, chết trong chiến tranh loạn lạc, bị nhấn chìm bởi những cơn đại hồng thủy hay bị chôn vùi dưới các lớp đất đá… Đây đều là lý do khiến người chết mà vong hồn không có chốn nương thân. Còn những người chết mà không được mai táng, linh hồn sẽ lang bạt khắp nơi giống như những nạn nhân đi tha hương cầu thực vậy, không chỉ làm những người thân trong gia đình cảm thấy bất an mà còn khiến người đi đường cũng cảm thấy xót thương, trật tự trị an ở nơi đó cũng vì thế mà thêm phần phức tạp.

Tác gia Đường Dật Danh cũng đã ghi chép về các vong hồn vì phải phục dịch tòng quân mà chết thảm nơi đất khách quê người, thỉnh thoảng may mắn kiếm được bữa no nhờ sự thương hại của những người qua đường.

Khai nguyên lục niên, có người bơi thuyền qua sông Hà Mi, thấy có một xác khô bên bờ sông thì đặt cho ít đồ ăn, sau đó liền nghe văng vẳng bên tai tiếng cảm ơn, và thơ rằng: “Ngã bản Hàm Đan sĩ, chi dịch tử vu Hà Mi, bất đắc gia nhân khốc, lao quân hành lộ bi.”[3]

[3] Dịch thơ: Tôi đây là tráng sĩ Hàm Đan, chết trận trên sông Hà Mi. Không được tiếng khóc tiếc thương của người thân, vất vưởng nhờ chút lòng thương của người quân tử qua đường.

Đời nhà Tống trong cuốn Triệu Khang Thanh công vấn kiến lục có ghi lại việc u Dương Tu bơi thuyền qua sông Hán Giang, “đêm khuya tĩnh mịch vẳng nghe có tiếng khóc, tiếng ca làm náo loạn cả khúc sông”, nhưng khi đến gần thì âm thanh lại im bặt. Hỏi người làng, chỗ này có nghĩa địa không? Đều trả lời là không. Đi được hơn một dặm thì gặp tòa thành cổ được xây dựng từ thời Chiến Quốc, có tên là Miện Thành. Những u hồn tử sĩ đã lưu lạc ở đây từ hơn nghìn năm nay.

Đổng Cốc, người đời Minh đã ghi chép về chuyến đi Nam Kinh của mình trong cuốn Bích lý tạp tồn rằng: “Trên đường đi có quá nhiều thứ quỷ quái, khiến người qua đường không dám đi”. Những hồn ma chết trận thời xưa đều biến thành quỷ hoang, giống như một lũ thổ phỉ, trải qua hàng nghìn năm vẫn không siêu thoát, ngày đêm quấy nhiễu cuộc sống của người dân. Chu Nguyên Chương định đô ở Nam Kinh, quyết định này của ông không được sáng suốt cho lắm, thiết nghĩ đám đại quân tử kia khi thấy các tú tài thì khí nóng trong xương tủy lại càng mãnh liệt, càng quấy nhiễu nhiều hơn.

Bất luận thế nào thì những hồn ma hoang dại, không nơi nương tựa cũng luôn là nỗi ám ảnh của những con người chốn dương gian, tuy nhiên vẫn có một số ít ngoại lệ. Sưu thần hậu ký có ghi chép về đội thuyền nhạc đi theo chiến quân của Tào Tháo bị chìm ở cửa Nhu Tu, u hồn đội nhạc kỹ từ đó mãi mãi được ngao du trên sông Giang Phủ, cũng giống như giếng Yên Chi trên núi Kê Minh ở Nam Kinh, từ đó nơi đây trở thành một thắng cảnh nổi tiếng với cảnh sắc nên thơ, tráng lệ. Trên mặt sông lúc nào cũng nghe du dương tiếng đàn, tiếng sáo, lẫn trong mây nước là tiếng chèo thuyền của đoàn công Tào Công, thỉnh thoảng lại có tiếng quẫy của người cá, khi hoàng hôn buông xuống hay lúc đêm về thì tiếng đàn, tiếng sao nghe lại càng du dương, thánh thót.

Hơn hai trăm năm trôi qua, trải qua bao thăng trầm lịch sử, thời đại cũng đã đổi thay, nhưng vẫn giữ được kiểu cách “quan thuyền”. Tào Mạnh Đức thất bại trên cửa sông Nhu Tu, biết bao nhiêu chiến thuyền đã gửi lại trên sông Trường Giang này, chỉ riêng những tướng sĩ bị nhấn chìm ở nơi đây đã lên đến mấy nghìn người, và từ đó họ không tan biến vào hư vô, không có những câu chuyện văn thơ làm chủ đề đàm đạo cho các hương thân phụ lão mỗi khi trà dư tửu hậu. Đều là những kẻ vô tội phải vùi thân dưới đáy Trường Giang, nhưng cái chết của các tướng sỹ và đội nhạc kỹ lại có những ý nghĩa khác biệt rõ rệt, thật khiến người ta cảm khái. Sự đảo lộn giá trị của người đời có lẽ cũng từ đó mà ra. Lại nhớ đến loạn An Sử, sau khi loạn An Sử nổ ra, hài cốt của người dân và quan binh vẫn phơi sương phơi gió ngoài đồng hoang, những cung nữ già liền học theo các nghệ nhân xưa, bắt đầu lưu truyền những câu chuyện kỳ quái nơi tam cung lục viện, những câu chuyện lấp lánh sắc màu quỷ quái, hư hư thực thực, nhưng dưới con mắt của kẻ nô tỳ thì tất cả đều vô cùng vĩ đại. Vậy là người nghe liền bị mê hoặc bởi những câu chuyện kỳ quái, tất cả những đau khổ đều tan biến, trận bạo loạn đảo lộn đất trời, với hàng ngàn, hàng vạn xác chết cũng bị một bàn tay vô hình che kín. Cho đến hàng trăm, hàng nghìn năm sau, những câu chuyện như thế vẫn chưa thể kết thúc.

Nhưng nói cho cùng, nếu chúng ta lo lắng, quan tâm đến các cô hồn thì hãy an táng hài cốt của họ thật chu đáo, để linh hồn của họ có nơi an nghỉ, hơn nữa, hầu hết các hồn ma đều mong mình được trở về với đất. Người xưa sau khi chết đi đều được an táng trong khu mộ riêng của gia tộc mình, còn những kẻ chiến bại trên sa trường thì đành chôn mình nơi đồng nội, không được trở về bên cạnh phần mộ của tổ tông, chết mà không ai phúng viếng, nhưng vẫn phải dùng xe ngựa thô sơ kéo về, kiếm cho họ cỗ quan tài nhỏ làm chỗ an thân, cũng có nghĩa là không cho họ quyền công dân nhưng cũng không được cướp đi quyền sinh tồn của họ. Vương Sĩ Trân, đời nhà Thanh có đoạn ghi chếp về Lâm Tứ Nương trong Trì Bắc ngẫu đàm. Lâm Tứ Nương là cung nữ đời nhà Minh, sau khi triều Minh sụp đổ, vong hồn của cô phiêu dạt trên đất Bắc, đau thương kể lể nỗi ưu phiền của những u hồn lang thang. Cư sĩ đời Thanh, Thung Nột trong quyển hai, cuốn Chỉ văn lục có đoạn kể về “Trịnh tú tài”, có người thương nhân họ Ngô bị bọn cướp giết chết ngoài biển, vong hồn của ông liền hiện về, than thở rằng: “Tuy hài cốt tôi đã chìm dưới đáy biển sâu nhưng linh hồn này vẫn luôn hướng về nơi quê cha đất tổ.” Thử hỏi rằng, nỗi lòng nhớ quê hương, nhớ thương người thân da diết ấy có khác gì với cuộc sống của người trần!

Đối với những hồn ma phiêu dạt tha hương thì phải đưa họ trở về quê hương bản xứ, chỉ cần di dời hài cốt của họ trở về quê hương thì vong hồn của họ tự khắc cũng sẽ trở về với họ tộc. Đây được gọi là “lữ quỷ tùy hài phản hương”.

Đới Phủ, người đời Đường đã ghi lại chuyến đi cùng cha về nhậm chức ở Mật Châu trong cuốn Quảng dị ký, trong mơ ông thấy mình làm quen với một cô gái, ngày hôm sau lại mơ thấy cô gái đến từ biệt, giọng nói đầy vẻ thê lương: “Thiếp là con gái Trưởng sử trước, chết ở phía đông nam thành. Anh trai thiếp ngày mai sẽ đến đón thiếp về an táng, ngày cuối cùng đến đây vĩnh biệt chàng, trong lòng quả thật vạn phần không nỡ!” Hài cốt được đưa về quê hương, vong hồn cô gái từ đó cũng không quay lại nữa, tuy tình cảm với người thương vẫn còn bịn rịn không nỡ xa rời, nhưng không còn cách nào khác, không muốn đi cũng không được.

Những lữ quỷ gửi thân nơi đất khách, mặc dù bị trói buộc bởi chính hài cốt của mình, không thể tự trở về quê hương, nhưng thỉnh thoảng cũng có thể về nhà thăm tình hình của cha mẹ, người thân. Những câu chuyện về các vong hồn có thể vượt ngàn gian khó về thăm gia đình cực kỳ hãn hữu, cho dù minh giới không có ràng buộc gì, nhưng vẫn có rất nhiều điều bất tiện. Hồng Mại trong quyển mười lăm Di kiên bính chí có đoạn kể về “thiếu phụ Nguyễn Lâm Châu”, nói rằng, những hồn ma từ nơi khác đến đều phải chịu sự quản giáo tạm thời của thổ thần địa phương, giống như thi thể của thiếu phụ họ Nguyễn được thác gửi nơi cửa Phật, chịu sự quản thúc của hộ pháp trấn giữ cửa chùa, “tuy có thể về nhà bất cứ lúc nào, nhưng khi có tiếng chuông sớm hoặc chuông chiều đều phải tức khắc trở về nhận lệnh, khổ cực vô cùng”. Họ được đối xử như phạm nhân vậy. Vì thế, cho dù có phải hỏa thiêu hài cốt thành tro bụi cũng nên nhanh chóng đưa họ về an táng tại quê nhà.

Thanh Thành Tử, người nhà Thanh trong tác phẩm Chí dị tục biên của mình có đoạn bàn về thuyết “hài cốt là nơi cự ngụ của vong hồn” đã giải thích rằng, có một điều khá thú vị mà rất ít người biết là, nếu hài cốt hóa thành hư vô thì âm hồn tự nhiên cũng theo đó mà tan biến.

4

Mộ phần tuy có quy mô và kiểu cách khác nhau, nhưng tất cả các ngôi mộ đều có một điểm chung là, đều phải đào một cái hố trên mặt đất, đặt quan tài người chết vào đó, rồi lấp đất chôn. Đối với người sống, ngôi mộ đó dù là xây dựng nguy nga như cung điện dưới lòng đất, hay công trình thế kỷ đi nữa, thì nó cũng chỉ có một chỗ có tác dụng, đó là phần giữa ngôi mộ, nơi cất giữ thi thể người quá cố.

Đới Tác, đời nhà Tấn có ghi chép một câu chuyện, một lần đi đêm bị lạc đường, ông nhìn thấy phía xa xa có đốm lửa sáng, dường như có nhà dân, liền chạy thục mạng về phía đó, quả thật là có một ngôi nhà, nhưng đến ngày hôm sau khi tỉnh dậy, bước ra khỏi nhà mới phát hiện đó chỉ là một ngôi mộ. Những câu chuyện tương tự như thế được lưu truyền rất nhiều trong dân gian. Cẩn Đào Tiềm trong Sưu thần hậu ký cũng ghi lại rất nhiều những câu chuyện như thế, như huyện sử đời Hán, Ngô Tường vì không chịu nổi những phục dịch hà khắc chốn quan trường liền tìm cách bỏ trốn vào núi sâu. Đi đến một con suối thì trời tối. Đến đây ông gặp một thiếu nữ, liền theo cô về nhà, ngôi nhà chỉ là một túp lều nát. Hôm sau, khi tỉnh giấc chỉ thấy một mình nằm giữa nghĩa địa. Trong Pháp uyển chu lâm cũng ghi lại một câu chuyện tương tự, Chu Mỗ người Nghĩa Hưng, đời nhà Tấn cưỡi ngựa ra ngoài dạo chơi, chưa về đến nhà thì trời đã tối, thấy bên vệ đường có một ngôi nhà cỏ nhỏ, một cô gái từ trong nhà bước ra. Những túp lều rách nát hay những că nhà nhỏ đơn sơ bên đường đều do những ngôi mộ nhỏ của những người dân lao động khốn khổ, hay những thiếu nữ bạc mệnh hóa thành.

Nếu như bạn lạc vào một khu nghĩa địa lớn, thì những ngôi mộ ở đó tự nhiên sẽ mọc thành những tòa nhà nguy nga tráng lệ. Lưu Nghĩa Khánh trong U minh lục có ghi chép, có một thương nhân sống ở thời nhà Ngô, tên Trần Tiên đi đêm, qua một ngôi nhà trống, cổng rộng tường cao, sáng hôm sau nhìn lại hóa ra chỉ là một khu nghĩa địa. Thái bình quảng ký có dẫn một câu chuyện rằng, Hoằng Môn dẫn Trương Vũ đi qua Đại Trạch Trung, trời sẩm tối chợt thấy một ngôi nhà lớn cổng mở toang. Trương Vũ liền lên trước thăm dò, thấy có một nữ tỳ ra hỏi, ông ta liền ngỏ ý muốn ngủ nhờ qua đêm. Nữ tỳ vào báo xong, liền kêu Trương Vũ vào. Vào nhà, ông ta thấy có một phụ nữ tuổi trạc ba mươi đang ngồi trong màn, xung quanh có đến hai mươi người hầu hạ, y phục vô cùng diêm dúa. Người phụ nữ đó chính là con gái thứ hai của thái thú Trung Sơn nên mới được sống trong ngôi nhà nguy nga với hơn hai mươi kẻ hầu người hạ như thế.

Những câu chuyện trích dân ở trên đều là truyện được những người của Lục triều ghi chép lại. Chuyện xảy ra dưới các đời Hán, Tấn, Tống… đều là các thời đại xa xưa không thể khảo cứu, nhưng có nguồn gốc dân gian đại thể vẫn có những giá trị nhất định. Những câu chuyện như trên đã trở thành một mô típ, vẫn được người đời sau kế thừa như những tiểu thuyết truyền kỳ, quái dị từ Lục triều đến nhà Đường, nhà Thanh. Như Lục Huân, người đời Đường trong Chí quái lục có ghi chép về câu chuyện Tôn Thiệu Tổ gặp một nhà dân ven đường, chợt nghe trong nhà văng vẳng tiếng đàn. Đoàn Thành Thức trong cuốn mười ba Tây dương tạp trở kể về câu chuyện Thôi La Thập, người Thanh Hà, đêm khuya đi qua mộ phần của một vị phu nhân, thấy châu môn phấn bích, lầu son gác tía. Qua một đêm tình cảm mặn nồng, trời sáng mới phát hiện, hóa ra đây là khu nghĩa địa của một gia đình danh gia vọng tộc. Minh thế vốn dĩ là cảnh tượng của người trần, là nơi diễn lại tất cả những gì xảy ra nơi trần thế. Địa vị, đẳng cấp của các linh hồn được thể hiện rõ ở việc ăn ở. Ở cõi nhân gian có nhà cao cửa rộng, lầu son gác tía, nhưng cũng có những nhà tranh vách đất, lều cỏ đơn sơ, ở cõi âm cũng vậy. Thân phận cao sang hay nghèo hèn lúc sinh thời của các linh hồn vẫn được giữ nguyên ở cõi âm, vì thế mộ phần của họ cũng có những ranh giới, đẳng cấp khác nhau, thậm chí còn có quy định nghiêm ngặt hơn việc xây nhà ở cho người dương thế gấp bội phần. Những quy định cụ thể về việc xây mộ phần đều được ghi chép rất tỉ mỉ trong thể chế lễ pháp của các thời đại. Kích cỡ, chiều cao, chiều dài, số lượng tượng đá, ngựa đá đứng canh mộ đều được quy định rõ ràng, thậm chí cả những vật muốn chôn theo người chết xuống âm tào địa phủ cũng không được tùy ý sắp đặt.

Những điều này đều không đáng để quan tâm, nhưng người ta vẫn cứ bắt mình phải tin, mộ phần được xây dựng nguy nga hay chỉ là một đám cỏ, không chỉ có mối liên hệ chặt chẽ đến người chết, là ngôi nhà của các linh hồn, mà cũng khiến cho tâm hồn người sống được thoải mái hơn phần nào. Những quan niệm hoang đường này cũng là kết quả của sự bất lực về mặt tâm lý. Người ta không thể xây cho người chết một tứ hợp viện dưới lòng đất, nhưng cũng không đành lòng nhìn người thân của mình bị chôn vùi trong sáu mảnh gỗ, vì thế họ đành dằn lòng, tưởng tượng cỗ quan tài kia là một khu tứ hợp viện cho người chết, để yên lòng người quá cố cũng là để an ủi bản thân mình. Vì thế, trong Duyệt vi thảo đường bút ký có đoạn, có người khi mai táng cho người chết, lỡ chân đạp vỡ một mảnh ván, đêm mộng thấy bị Thành Hoàng giải đi, nói có người kiện anh ta phá hỏng nhà của họ. Minh chứng thuyết phục nhất cho điểm này là câu chuyện vào thời Ngụy Tấn, kể về việc người sống có thể đến thăm nhà của người đã khuất, thậm chí có thể sống thử một đêm để tìm hiểu cuộc sống cõi âm.

Theo lẽ thường, nơi ở của quỷ là chốn người phàm không thể vào được, cũng như người sống thì không thể vào trong mộ của người đã khuất, vì thế chỉ có phần hồn của người dương mới có thể đến được cõi âm, mà người ta thường gọi là quỷ sống. Như trong Quảng dị ký có phần Hà gian Lưu Biệt Giá, kể rằng Lưu Biệt Giá trên đường đi gặp một người đẹp, liền theo cô gái về nhà. Trằn trọc canh thâu, anh ra bất giác cảm thấy có điều gì đó khác lạ, nửa đêm nằm trong chăn ấm đệm êm mà toàn thân lạnh toát, cơ thể rã rời, trong lòng thầm nghĩ về những việc kỳ quái đã xảy ra. Sáng sớm hôm sau, vừa tỉnh dậy, cả cô gái và lầu ốc đều tan biến, còn mình đang nằm trong một khu vườn hoang.

Trằn trọc cả đêm, chắc chắn Lưu Biệt Giá không chỉ lăn qua lăn lại trên chiếc giường nhỏ, nhưng cho dù chàng đã thăm thú những đâu trong ngôi nhà ma quái đó thì ngôi nhà ấy cũng chỉ được gói gọn trong không gian sáu mảnh ván của cỗ quan tài, và thể xác chàng Lưu thực chất vẫn nằm trên bãi cỏ hoang, không thể vào trong ngôi nhà âm đó được. Vậy thì cái “chăn ấm đệm êm” mà chàng Lưu cảm nhận được chẳng qua là đám cỏ hoang (ở đây có lẽ là do yêu khí biến thành), nên chàng mới cảm thấy lạnh lẽo, buổi sáng tỉnh giấc, thấy mình đang nằm giữa khu vườn bỏ hoang.

Chương mười lăm trong Duyệt vi thảo đường bút ký có ghi chép việc Mỗ ́t dẫn vợ đến Cam Châu, đi được khoảng mười dặm về phía đông thì bị lạc đường, đành trú lại ở một trấn nhỏ. Đường xa mệt mỏi, vừa đặt lưng hai người liền thiếp đi ngay. Sáng hôm sau tỉnh dậy, giật mình phát hiện mình đang ở giữa một cánh đồng hoang. Còn người vợ ngủ trong căn phòng khác, không ngờ nửa đêm bị ma nam cưỡng hiếp, sáng ra thấy trên mình không còn mảnh vải che thân, đầu tóc bù xù, quần áo bị mắc hết lên cành cao. Đây cũng là một minh chứng chứng tỏ rằng cơ thể người phàm không thể vào trong mộ phần của người đã khuất. Trong truyện Liêu trai có kể câu chuyện về Trương Hồng Tiệm. Trong truyện có ngôi nhà của gia đình hồ tiên chỉ hiện hình lúc đêm xuống, thực chất cũng là viết theo quy luật này mà thôi. Khi Trương Hồng Tiệm muốn ra ngoài dạo chơi, hồ tiên dặn đi dặn lại rằng, đợi khi trời tối mới được quay về. Chàng Trương nghe lời, đi sớm về muộn, trong vòng nửa năm cảm thấy mọi việc đều suôn sẻ. Nhưng một hôm, chàng về nhà sớm hơn bình thường thì chẳng thấy nhà cửa, làng xóm đâu. Đang trong cơn hoảng hốt thì nhà cửa bỗng chốc mọc lên như có phép màu, bản thân chàng không hề nhấc bước mà đã ở trong nhà từ lúc nào không hay. Dường như sự thoắt ẩn thoắt hiện của ngôi nhà hồ tiên chẳng qua chỉ là sản phẩm của sự hoang tưởng, nhưng đối với con người mà nói, đây chính là một vật thể có thật. Ngôi nhà cõi âm từ hư thành thực, rốt cuộc là sự biến đổi do yêu khí tạo ra khi trời tối, hay chính là sự thể nghiệm đặc biệt của người dương sau khi bị rơi vào trạng thái của các linh hồn? Hư hư thực thực, huyền huyền ảo ảo, cái ranh giới mong manh đó quả thực khó mà vạch ra rõ ràng được.

Vì vậy, hầu hết các câu chuyện ma quỷ đều không có mối liên hệ chặt chẽ với các thực thể, những ngôi mộ đó không chỉ có người dương mà cả các loài vật thân thiết với con người như lừa, ngựa cũng có thể đăng đường nhập thất, cùng con người trải nghiệm cuộc sống dưới cõi âm. Những câu chuyện như thế ở thời Hán - Ngụy nhiều không kể xiết, cho đến đời Thanh, dân gian đều cho rằng đó là việc đương nhiên, hợp với lẽ thường.

Liêu trai chí dị có một phần kể về Ái Nô, viết rằng, chàng thư sinh được quỷ mời về làm thầy dạy, chàng mơ hồ không biết mình đang sống cùng quỷ trong ngôi mộ hoang. Trong một lần tức giân, chàng bỏ ra ngoài lúc trời sắp sáng. Vậy là phu nhân liền sai người hầu “tiễn chàng thư sinh rồi khóa chặt cửa nhà, cánh cửa vừa khép, chàng ta đi được mấy bước thì mặt trời chiếu rọi, mới thấy mình vừa bước ra từ bãi tha man. Chàng nhìn quanh tứ phía, toát mồ hôi lạnh, chỉ thấy sau lưng là một ngôi mộ cổ”. Một ngôi mộ cổ mà người dương lại có thể tự do ra vào, tuy cũng có cửa đóng then cài, nhưng điều này vẫn không hợp với lẽ tự nhiên. Tuy nhìn bên ngoài, đó chỉ là một ngôi mộ cổ, nhưng khi bước vào trong, ngôi mộ lại biến thành phủ đệ gia thế nguy nga, đêm xuống hiện nguyên hình một phủ đệ tráng lệ với cánh cửa lớn khắc hình hai con sư tử ở giữa, khi mặt trời lên thì lại kín cổng cao tường, điểm này thật khiến người ta khó mà lý giải. Có lẽ trong con mắt của người đương thời, điểm này cũng không bị coi là chi tiết vô lý, nhưng câu chuyện vốn dĩ không nên diễn ra theo hướng đó. Đối với ma quỷ, mộ phần chính là nơi ở, chín vì thế mà những đồ gốm sứ được mai táng theo người chết thường là đồ dùng gia đình.

Những câu chuyện ma quỷ ở các đời sau ít nhiều đã có những đổi khác, chú trọng nhiều hơn đến mối liên hệ nghiêm ngặt giữa các tình tiết truyện. Có những truyện với tình tiết diễn ra trong những giấc mơ của người dương thế, có truyện thì đào một lối đi riêng trong hầm mộ để tiện cho sự giao lưu giữa hai thế giới… Mặc dù các câu chuyện có những tình tiết gần gũi hơn với đời thường, nhưng dù thế nào cũng vẫn là những câu chuyện hoang đường, không thể trọn vẹn được. Nhàn Trai Thị trong chương ba, Dạ đàm tùy lục kể về câu chuyện của Thiến Nhi: “Thiến Nhi mời chàng thư sinh về tệ xá chuyện trò, hai người đi xuyên qua rằng cây tùng một quãng thì đến một huyệt mộ. Chàng thư sinh bị Thiến Nhi kéo vào trong đó, chỉ cảm thấy cơ thế mình như bị thu nhỏ lại còn một tấc, vào trong mộ cơ thể chàng lại trở lại như bình thường, thấy bốn bức tường đều làm bằng gỗ, sơn tinh xảo, đẹp mắt.” Có thể thấy trí tưởng tượng của tác giả cũng thật phong phú, để chàng thư sinh có thể chui vào huyệt mộ, tác giả liền để cơ thể chàng thoắt nhỏ rồi thoắt trở lại hình dáng cũ. Thực chất điều này cũng do tác giả vẫn chịu lệ thuộc của các sự vật hiện hữu trong thực tế, vì thế có những tiểu tiết chưa hợp lý cũng là điều dễ hiểu.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện