Chương 19: Bá Hữu làm ma. Tử Sản nói chuyện hồn.

Dịch giả: Đỗ Mai Dung

Nói đến hồn không thể không nói tới “phách”[1]. Mặc dù bình thường những cụm từ kiểu như “ba hồn bảy phách”, “hồn bay phách tán”, “hút hết hồn phách”, “chiêu hồn gọi phách”… hay được nhắc đến, nhưng “phách” là vật gì thì vẫn chưa được chú ý nghiên cứu lắm.

[1] Phách: vía.

Trong văn hoá u minh của bất kỳ dân tộc nào, linh hồn và tính chất của nó đều chiếm vị trí trung tâm. Nhưng vấn đề này trong cách lý giải của những triết gia lại hoàn toàn không giống với cách nhìn nhận thông thường của dân tộc đó. Trong lịch sử tư tưởng của Trung Quốc cổ đại, những khái niệm về linh hồn có sức ảnh hưởng lớn nhất chính là mấy đoạn trích dẫn trong Kinh điển Nho học. Mặc dù trích dẫn cổ văn khiến người ta phiền lòng, nhưng lại không thể tránh, vậy thì hãy bắt đầu bằng câu chuyện ma đầy ám ảnh, xuất hiện sớm nhất trong lịch sử văn hiến Trung Hoa.

Thời Xuân Thu, năm Lỗ Tương Công thứ ba mươi, tức là năm 543 trước công nguyên, người chấp chính của nước Trịnh[2] là Bá Hữu[3]. Người này hống hách, chuyên quyền lại thích uống rượu, gây ra mối quan hệ bất hoà với các quan đại phu khác trong triều. Năm đầu tiên, Bá Hữu phái Tử Tây đi sứ nước Sở, Tử Tây không chịu đi, nói: “Quan hệ giữa nước Sở và nước ta đang căng thẳng, ngài phái ta sang nước Sở, thế chẳng phải có ý muốn ta đi vào chỗ chết sao?” Bá Hữu nói: “Họ nhà ngươi bao đời nay đều lo việc thiết lập quan hệ bang giao, ngươi không đi thì ai đi?” Tử Tây đáp: “Đi được thì ta sẽ đi, có nguy hiểm thì không nhất thiết phải đi, chuyện này liên quan gì đến việc nhà ta bao đời nay lo việc thiết lập quan hệ bang giao chứ!” Bá Hữu không chịu nhượng bộ, nhất định bắt Tử Tây phải sang nước Sở. Tử Tây tức giận vô cùng, định kéo gia đinh tới liều mạng với Bá Hữu, cũng may được nhiều quan lại trong triều khuyên giải, hai nhà mới không động binh đao.

[2] Nước Trịnh: một nước chư hầu thời Xuân Thu, là tỉnh Hà Nam, Trung Quốc hiện nay.

[3] Bá Hữu: tên tự của Lương Tiêu, quan đại phu nước Trịnh (Lương Tiêu là con của Công Tôn Triếp, cháu Công Tử Khứ Tật), khi ấy là Thượng Khanh, là người cầm quyền chính ở nước Trịnh.

Đến một ngày trong tháng Bảy năm đó, Bá Hữu uống say cả đêm trong mật thất của ông ta như thường lệ, tới sáng lên triều trong bộ dạng lướt khướt, lại nhắc đến chuyện phái Tử Tây đi sứ sang nước Sở, mà còn nói chắc như đinh đóng cột, không dễ gì từ chối. Sau khi ban lệnh, ông ta lại leo lên xe, quay về nhà uống rượu.

Tử Tây biết rằng trận này không thể không đánh, mà Bá Hữu đang say mềm như bún, thật là một cơ hội tốt để ra quân áp chế. Thế là ông ta thống lĩnh gia đinh, liên kết với mấy quan lại khác, đến gây hấn với Bá Hữu. Bá Hữu say rượu, nằm một chỗ, làm sao có thể đánh nhau được! Kết quả, bị Tử Tây đánh cho thất bại thảm hại, được gia đinh dìu lên xe tháo chạy khỏi nước Trịnh. Chạy được nửa đường, ông ta mới nhận biết được chuyện gì vừa xảy ra, đành tạm lánh sang nước Hứa một thời gian.

Vài ngày sau, nghe nói các quan lại của nước Trịnh mở cuộc họp bàn để liên kết lại, đứng lên phản đối mình, Bá Hữu tức tới mức lửa giận bốc ngùn ngụt. Lại nghe nói Thượng khanh Tử Bì ngày hôm đó không tham dự liên quân đánh mình, cảm thấy vẫn còn khả năng lôi kéo vài liên minh, thế là mang theo đám tàn binh quay về nước Trịnh. Tứ Đái[4] của nước Trịnh thống lĩnh quốc dân ra nghênh chiến, kết quả, Bá Hữu chết trong chợ dê.

[4] Tứ Đái (?-536): tự là Tử Thượng, con trai của Công Tôn Hạ. Là quý tộc nước Trịnh.

Chớp mắt đã bảy, tám năm trôi qua, đến năm Lỗ Chiêu Công thứ bảy, tức năm 535 trước công nguyên, khắp đô thành nước Trịnh rộ lên chuyện có hồn ma. Giữa ban ngày ban mặt có người đứng giữa đường hét lớn: “Bá Hữu đến rồi!”, khiến những người đi đường đều hoảng loạn. Chuyện này ầm ĩ suốt mấy ngày, mọi người lại nhắc tới một chuyện xảy ra vào tháng Hai năm trước. Có người nửa đêm mơ thấy Bá Hữu, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ trụ, vừa đi vừa nói: “Đến ngày Nhâm Tý tháng sau, ta phải giết chết Tứ Đái, ngày Nhâm Dần sang năm, ta phải giết cả Công Tôn Đoàn.”

Kết quả, hai kẻ thù của Bá Hữu đều chết đúng vào ngày đó. Giờ Bá Hữu lại hiện hình ngay trên đường, xem ra càng ngày càng lớn chuyện. Tử Sản bèn áp dụng cách “dàn xếp cho yên”. Ông ta cho rằng: “Ma có nơi về, sẽ không vương vấn trần gian nữa”, Bá Hữu còn “vương vấn” là bởi vì con cháu của ông ta vẫn chưa được sắp xếp ổn thoả, ông ta không có nơi thờ cúng, không tìm được cơm ăn nước uống trên nhân gian, phải ôm bụng đói. Thế là Tử Sản bố trí chức tước cho con cháu của Bá Hữu, khôi phục thân phận quý tộc của họ. Kết quả cũng lạ, linh hồn Bá Hữu không còn hiện về quấy nhiễu nữa. Cuộc sống trở lại bình yên, nhưng chuyện này trở thành tin tức nóng hổi lan đi khắp các nước khác.

Không lâu sau, Tử Sản có chuyến thăm nước Phổ, Triệu Ánh Tử[5] của nước Phổ có hỏi chuyện này: “Bá Hữu có thể là ma không?” Tử Sản trả lời: “Có thể”, tiếp đó giảng giải một đoạn Luận hồn phách, đoạn giảng giải này được coi là kinh điển trong Nho học, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử tư tưởng của Trung Quốc, ảnh hưởng nhất định đến các trí thức suốt mấy nghìn năm qua. Nguyên văn như sau:

“Con người khi mới chỉ là phôi thai thì gọi là “phách”. Nếu đã có “phách” rồi, những thứ do dương khí tạo thành thì gọi là “hồn”. Những hồn phách tinh khí nhiều, hưởng thụ nhiều thì sẽ trở nên mạnh mẽ, vì vậy mới có trường hợp từ hồn phách phát triển thành thần linh. Bách tính bình thường không bệnh mà chết, hồn phách của họ vẫn có thể mượn cơ thể của người sống để tác oai tác quái, huống hồ Bá Hữu là con cháu của tiên quân nước ta – Mục Công, là cháu đích tôn của Tử Lương, con trai của Tử Nhĩ, khanh thần của nước ta, đương quyền ba đời rồi. Nước Trịnh cho dù không giàu có, hoặc như lời tục ngữ, chỉ là một nước rất nhỏ, nhưng ba đời nắm giữ triều chính, hồn phách của họ hưởng thụ đủ rồi. Những tinh hoa tích luỹ cũng đủ rồi. Tông tộc của họ lại mạnh, những thứ ông ta có thể dựa vào cũng rất lớn mạnh. Mà Bá Hữu bị người ta giết chết oan uổng, có thể biến thành ma, chẳng phải là chuyện dễ hiểu hay sao?”

[5] Triệu Ảnh Tử: tức Triệu Thành, quan đại phu nước Phổ, thời Xuân Thu.

Câu hỏi và câu trả lời này cần phải được nói rõ thêm.

Đầu tiên là câu nói của Triệu Ảnh Tử: “Bá Hữu có thể là ma không?” Ông Bá Hữu đó đã chết bao nhiêu năm rồi, sao còn có thể gây chuyện ma quỷ? Câu hỏi này không phải để nghi ngờ việc sau khi chết có thể thành ma, mà là cho rằng, người đã chết đến bảy, tám năm, theo lẽ thường thì không thể quấy rối được nữa, nhưng tại sao Bá Hữu vẫn có thể gây rối? Từ vấn đề này đã để lộ ra một thông tin rằng, kiến giải thông thường của những người thời ấy là, người chết sẽ thành ma, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian không dài sau khi chết. Một khi đã chết lâu rồi thì sẽ không thể thành ma gây rối nữa. (Thực ra, cách nhìn này đến tận bây giờ, những câu chuyện ma của các triều đại về cơ bản đều nói đến những hồn ma chết trước đó không lâu.)

Tại sao lại thế? Triệu Ảnh Tử không nói, bởi đây là một cách kiến giải thông thường. Tất cả những câu chuyện ma đều không thể tách rời ký ức và tình cảm của con người. Khi một người mới chết, ký ức về họ vẫn còn mới, sự thương xót vẫn chưa nguôi, từ đó nảy sinh các tin tức kỳ lạ liên quan đến người chết. Nhưng người đã chết lâu rồi, ký ức về người đó đã mờ nhạt, hoặc tình cảm đã hết, sẽ ít xuất hiện những câu chuyện kỳ quái liên quan đến ma quỷ. Khái niệm về sự lâu ngày này lại không thể giải thích theo cách kiến giải thông thường về ma quỷ. Nếu chúng ta suy nghĩ thiên về lý tính một chút thì có thể giải thích rằng vì chết lâu rồi nên linh hồn đã tiêu tan. Câu “tinh khí vi vật, du hồn vi biến”[6] trong Dịch Hệ Từ muốn nói đến cũng chính là có ý này. Theo giải thích trong Chu Dịch chính nghĩa thì “du hồn vi biến” không phải ma quỷ gây hoạ mà là: “Vật tức tích tụ, cực tắc phân tán”[7], trước khi phân tán, những tinh hồn phiêu bạt trong hư không sẽ thay đổi hình thái, tách khỏi dạng vật chất. Chu Hy[8] giải thích còn đơn giản hơn: “Cái tinh dữ khí hợp, tiện sinh nhân vật”[9], hiện tượng “du hồn vi biến” sẽ không còn nữa, còn “kỳ khí phát dương ư thượng, vi chiêu minh, hôn hao, thê sáng”[10] trong Lễ ký, Tế nghĩa của Khổng Tử thì chính là con người sau khi chết, du hồn sẽ tan biến như mây khói.

[6] Tinh khí vi vật, du hồn vi biến: hiện tượng vật chất là do hiện tượng tinh thần biến hiện ra.

[7] Vật tức tích tụ, cực tắc phân tản: tức là vật do tinh khí tích tụ thành, đạt tới cực điểm sẽ phân tán.

[8] Chu Hy (1130-1200): tự là Nguyên Hối, hiệu là Hối Am. Ông là người đã phát triển học thuyết Lý. Khí của Trình Hạo và Trình Di, đã đưa Lý học lên thành một hệ thống duy tâm khách quan hoàn chỉnh, được gọi là Trình Chu Lý học.

[9] Cái tinh dữ khí hợp, tiện sinh nhân vật: tức là khi tinh và khí kết hợp với nhau, sẽ tạo ra con người.

[10] Có nghĩa là: khi hơi thở (khí) của con người tắt, thì phách (vía) trở về với trời đất và khí (còn gọi là tánh linh) bay lên chỗ sáng rõ trên cao.

Phần tiếp theo sẽ nói đến câu trả lời của Tử Sản. Ý của Tử Sản là, du hồn không thể tiêu tán ngay lập tức và du hồn của mỗi người mỗi khác. Những du hồn tan biến nhanh sẽ không thể trở thành ma quỷ. Những du hồn không thể tan biến ngay có thể tạm thời trở thành ma quỷ, nhưng cuối cùng cũng sẽ tan đi.

Tại sao có tinh hồn lại nhanh chóng tan đi? Bởi vì người đó không phải bị “ép chết”, mà chết già hoặc chết bệnh, chết đói chết khát, tinh lực của cơ thể cạn kiệt từng chút một, sau đó mới chết, khi đó tinh hồn của anh ta như cây đèn hết dầu, đúng như Chu Hy nói, lúc này tinh hồn của anh ta “không phải tan, mà là cạn rồi”, còn có thể thành ma quỷ gì nữa?

Nhưng những người bị “ép phải chết” thì khác, ép phải chết chính là cách nói khác của chết oan, giống như Chu Tử viết: “Là những người chết vì tai hoạ bất ngờ, hoặc chết đuối, hoặc bị giết, hoặc bị bạo bệnh mà chết…” Bởi vì chết đột ngột, tinh hồn của người đó chưa tiêu hao hết, nên mới có thể quấy rối, đây chính là những gì Tử Sản muốn nói: “Bách tính bình thường không bệnh mà chết, hồn phách của họ vẫn có thể mượn cơ thể của người sống để tác oai tác quái.” Còn Bá Hữu, ông ta không những bị “ép phải chết” mà còn không phải “bách tính bình thường”, bản thân ông ta trước khi sinh ra đã được thừa hưởng khối tinh khí lớn, đồng thời tố chất quý tộc tương đối mạnh được di truyền từ tổ tiên, như vậy, tinh hồn của ông ta mạnh mẽ hơn tinh hồn của đám dân đen chỉ ăn rau dưa rất nhiều. Vì vậy, ông ta không chỉ có thể quấy rối mọi người sau khi chết, mà còn có thể quấy rối sau khi chết tới bảy, tám năm. Đương nhiên nói chính xác là, cho dù Bá Hữu có một tinh hồn khoẻ mạnh thế nào thì cũng có lúc tiêu hao hết tinh lực, không thể tác oai tác quái mãi, cuối cùng vẫn là “hư không”.

Câu nói có liên quan đến vấn đề này tương đối rõ ràng chính là câu nói tiếp theo của Tử Sản: “Con người khi mới chỉ là phôi thai thì gọi là “phách”.” Nếu đã có “phách” rồi, những thứ do dương khí tạo thành thì gọi là “hồn”. Những hồn phách nhiều tinh khí, hưởng thụ nhiều thì sẽ trở nên mạnh mẽ, vì vậy mới có trường hợp từ hồn phách phát triển thành thần linh. Ở đây phân biệt rất rõ mối quan hệ giữa hồn và phách, nhưng ngôn từ đơn giản ý nghĩa chưa rõ ràng, vì vậy phải đọc những lời giải thích của Khổng Dĩnh Đạt[11] đưa ra dưới đây:

Con người coi ngũ thường là lẽ sống, âm dương là linh hồn, vật chất là thân thể, hình hài là danh tự; có hơi thở là động, ăn uống là khí. Hình khí hợp lại, trí lực từ đó thêm mạnh, trở thành con người. Bản thân “phách” có dương khí, khí là thần, danh là hồn, hồn phách là danh xưng của thần linh, vốn từ hình khí mà ra. Linh hồn của hình là phách, linh hồn của khí là hồn. Linh của hình khí mới sinh, tai mắt, tâm thức, tay chân vận động. Thần của khí, tinh thần tính thức, dần dần có tri giác. Phách sinh trước, hồn sinh sau, vì vậy nên gọi là “sinh phách, dương hồn”.

[11] Khổng Dĩnh Đạt: học giả thời Đường Thái Tông.

Trong phần giải thích trên, ngoài hồn, phách, còn nói đến hai khái niệm song song là hình khí và linh thần, quan hệ giữa chúng có thể được giải thích như sau:

Người sống là do hai bộ phận thịt và linh tạo thành, thịt là hình của con người và khí trong hình, linh chính là hồn và phách. Mà hình, khí và hồn, phách lại đối ứng với nhau. Hình và khí không giống nhau, do đó hồn và phách cũng có điểm khác biệt. Đi kèm với linh của hình là phách, đi kèm với thần của khí là hồn. (Ý nghĩa của thần và linh là giống nhau, chẳng qua là cách dùng xen kẽ trong văn viết.) Con người khi mới sinh ra, tay chân có thể cử động, ngũ quan có thể nghe nhìn, tương ứng với những giác quan này chính là phách, phách giúp những giác quan đó có thể hoạt động bình thường. Song, cùng với sự trưởng thành của con người, từ tri giác cảm tính phát triển lên nhận thức lý tính, không chỉ vận động, nghe nhìn, mà còn có tình cảm, tư duy,… đó chính là công dụng của khí, và tương ứng với thần của khí chính là hồn. Hồn giúp con người có tình cảm và biết tư duy. Hình, khí và hồn, phách đối lập nhau, hình, khí là âm, hồn, phách là dương. Nhưng hình, khí đối lập, tức là hình lại là âm, khí lại là dương. Hồn, phách đối lập, tức là hồn là dương, phách là âm. Đây chính là ý: “Con người khi mới chỉ là phôi thai thì gọi là phách.” Sau khi phách xuất hiện thì phần dương là hồn, còn phách là phần âm.

Vậy thì thể, khí, hồn, phách đó đến từ đâu và “kết hợp” thế nào để thành một “con người”? Đa số những triết gia đầu tiên đều cho rằng: “Thuận theo tự nhiên.”

Quản Tử, Nội nghiệp viết: “Phàm nhân chi sinh dã, thiên xuất kỳ tinh, địa xuất kỳ hình, hợp thử dĩ vi nhân.”[12] Chuẩn Nam Tử, Chú Thuật Huấn viết: “Thiên khí là hồn, địa khí là phách.” Thật ra, khí giữa thiên (trời) và địa (đất) kết tụ lại rồi sinh ra không chỉ con người, mà còn có chúng sinh vạn vật giữa trời đất. Do đó, Lễ ký, Nhạc ký[13] nói: “Địa khí thượng tế, thiên khí hạ giáng, âm dương tương ma, thiên địa tương đãng, cổ chi di lôi đình, phấn chi dĩ phong vũ, động chi dĩ tứ thời, noãn chi dĩ nhật ngyệt, nhi bách hoá hứng yên”[14]

[12] Sinh mạng của con người, tinh khí là do trời ban tặng, hình thể là do đất ban tặng, hai thứ đó kết hợp với nhau thành người.

[13] ‘Lễ ký’: hay còn gọi là ‘Kinh Lễ’, một quyển trong bộ ‘Ngũ kinh’ của Khổng Tử, ‘Nhạc ký’ là một trong những thiên của ‘Kinh Lễ’.

[14] Có nghĩa là: địa khí thăng, thiên khí giáng, âm dương giao hoà, đất trời tương thông, sấm chớp chấn động vạn vật, mưa gió thấm nhuần vạn vật, vạn vật sinh trưởng suốt bốn mùa, cần không khí ấm áp của nhật nguyệt, như vậy trời đất mới yên bình.

Chủ nghĩa duy vật này đã được các nhà thần tiên học đời sau phát triển, những người thành tiên, thành thần, thành tinh, thành quái… đó là do hấp thụ tinh khí của thiên địa, nhật nguyệt.

Chính vì thiên khí là hồn, địa khí là phách nên con người sau khi chết, “hồn khí trở về trời, hình phách trở về đất”. Lễ ký. Giao Đặc Sinh: “Xác thịt (thể phách) xuống âm trở về với đất, còn khí (hồn khí) phát lên, để được chiếu rọi”, vì vậy mới nói: “Hồn quay về trời”, đến từ đâu thì sẽ quay về đấy, con người là do tự nhiên sinh ra, sau khi chết thì nên quay về với tự nhiên: “Tòng sinh tất tử, tử tất quy thổ, thử chi vị quỷ.”[15]

[15] Có nghĩa là: có sinh ắt có tử, tử rồi ắt quay về với đất, từ đây được gọi là quỷ (linh hồn).

Đối với những lý luận này, trong số những nhà Nho của hơn hai nghìn năm sau, có người cho rằng không có ma quỷ, có người lại cho rằng có ma quỷ, cũng có người cho rằng có ma quỷ nhưng về sau sẽ tan biến, nhưng cũng có những người lúc nói thế này lúc lại nói thế kia, có điều rất ít người công khai phản đối những gì Tử Sản nói. Ngay cả cuốn Liêu trai chí dị nói về ma quỷ, Bồ Tùng Linh cũng đã từng viết trong truyện Trường Thanh tăng[16] rằng: “Người chết thì hồn tan, những người đã chết mà hồn không tan, là nhờ tính đã định vậy.” Còn Kỷ Quân[17] trong Duyệt vi thảo đường bút ký đã có những lời trào phúng nhắm thẳng vào những kẻ phủ bại Nho học chết cũng không chịu tin có ma, nhưng cũng phải mượn lời của Sái Tất Xương: “Phần khí thừa ra của con người thành ma quỷ, lâu ngày khí tất dần tan.”

[16] Là truyện: ‘Nhà sư ở Trường Thanh’ trong ‘Liêu trai chí dị’ của Bồ Tùng Linh.

[17] Kỷ Quân(1724-1805): văn học gia và thư tịch gia đời Thanh, tên tự là Hiểu Lam, Xuân Phàm.

Nếu còn tiếp tục nói nữa thì sẽ xa đề tài hồn phách mà gần với đề tài ma quỷ rồi, dừng ở đây thôi.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện