Chương 30: Sinh hồn mang xiềng xích

Dịch giả: Đỗ Mai Dung

Chương trước có thuật lại chuyện đứa bé không chịu lên thuyền, chuyện này còn có một bản khác ở đời Thanh. Đầu tiên là chúng ta có thể thấy trong Minh phạm[1] quyển mười Tam cương thức lược do Đổng Hàm viết: “Bến thuyền ở sông Hoàng Phố, Thượng Hải đã có mười chín người lên thuyền, lại thêm hai người nữa tiếp tục lên, một đứa trẻ đứng trên bờ nói với họ: “Những người trên thuyền ai cũng thấy đeo gông xiềng tay, chắc là phạm nhân, mọi người đừng lên thuyền đấy.” Hai người này cho rằng đứa trẻ nói đùa, hơn nữa trên thuyền có rất nhiều người quen, liền gạt đứa trẻ sang một bên, cùng nhau nhảy lên thuyền. Thuyền ra tới giữa dòng, đang yên đang lành tự dưng lật, kết quả mười chín người gặp nạn, hai người lên thuyền sau đó may mắn thoát chết.” Thứ mà đứa trẻ trong chuyện này nhìn thấy không phải là “ma quỷ” mà là “tội phạm” rồi. Trong chuyện Nịch phạm[2] ở quyển một Hương ẩm lầu tân đàm do Lục Trường Xuân viết cũng đã phát triển đề tài này: “Người trên thuyền đều bị xiềng xích gông cùm, bộ dạng rất nặng nhọc.” Ngoài ra, còn có một người đứng ở đầu thuyền, tay cầm gậy gỗ ngắn, giống như người giải tù nhân, diện mạo hung ác. Người cuối cùng đứng ở đầu thuyền này là ma thật, còn những người trên thuyền mặc dù sắp trở thành bạn đồng hành của anh ta, nhưng lúc này vẫn chưa nhìn thấy anh ta.

[1] Minh phạm: minh ở đây là âm phủ, phạm là tội phạm.

[2] Nịch phạm: nịch là chết đuối, phạm là tội phạm.

Bắt đầu từ thời Minh cho tới cuối đời Thanh, thần Thành Hoàng chính thức trở thành minh thần, còn miếu Thành Hoàng ở các phủ, châu, huyện lại trở thành minh ti giống như nha môn các cấp trên nhân gian. Hình thức cải cách thêm minh phủ cơ sở dưới quyền Diêm Vương hay Đông Nhạc đại đế[3], thành quả của nó hiện lên bách tính trăm dân, điều rõ ràng nhất là khi sinh hồn của chính bản thân mình bị minh sai đưa đi nhìn rất giống với một tên tội phạm. Nhưng điều này không có nghĩa là sinh hồn nào bị bắt cũng phải đeo gông, mang xiềng xích, những bách tính thật thà bình thường chỉ cần dùng một sợi dây thừng là có thể dắt cả đoàn, hà tất khi đi làm nhiệm vụ phải mang theo bao nhiêu là hình cụ như thế? Trẻ con “tinh mắt”, rõ ràng cả một thuyền đầy khách, thế mà nó lại chỉ nhìn thấy hình dạng của những sinh hồn chuẩn bị bị bắt đi, xiềng xích chính là xích sắt và khóa sắt, còn thêm cái gông gỗ, chính là “trang phục” của những tử tù trên nhân gian, lẽ nào cả thuyền người này đều là những kẻ hung ác, bị giải đến âm gian cũng phải chịu xử phạt nặng? Tôi cảm thấy người viết câu chuyện đó chưa chắc đã có suy nghĩ như vậy, ý của ông ta chỉ là những người này chuẩn bị bị “xử lý tập thể” trong tai nạn, để đề phòng có chuyện ngộ nhỡ xảy ra, nên dùng xiềng xích dưới âm phủ xích sinh hồn của họ lại, khiến những người đó không thể rời khỏi thuyền vì bất kỳ nguyên nhân nào.

[3] Đông Nhạc đại đế còn gọi là thần Thái Sơn.

Phàm là những linh hồn bị xích sắt trói chặt rồi, không thể chạy thoát khỏi nơi xảy ra tai nạn. Còn nếu thoát khỏi nơi xảy ra tai nạn thì sao, thì đó là những người không bị đeo xiềng xích. Đây cũng là một logic thường thấy trong những câu chuyện về âm phủ. Trong Hỏa hoạn Quảng Đông ở quyển hai Bắc đông viên bút ký lục Tư Biên do Lương Cung Thần viết có ghi lại trận hỏa hoạn xảy ra ở Quảng Châu vào năm Đạo Quang thứ hai mươi lăm (tức 1845), thiêu chết cả nam lẫn nữ tổng cộng hơn một nghìn bốn trăm người, chỉ có hai người thoát được trận hỏa hoạn đó, có lẽ hai người này đã “gặp may”, cũng chỉ là cách để lại hai người làm đầu mối kể lại câu chuyện này mà thôi.

Ngày Hai mươi tháng Tư năm ấy, Cửu Diệu Phường Cảnh của Quảng Châu diễn kịch, tạm thời dựng sân khấu trước nha môn học sử, nhưng xung quanh lại là những chiếc lều san sát nhau, đằng sau sân khấu có một tên tiểu tử hút thuốc để rớt tàn lửa nên đã gây ra trận hỏa hoạn lớn hiếm thấy này. Một đêm trước đó, một tay trống của đoàn kịch vì phải thức trông rương hòm tư trang nên ngủ trên sân khấu, vừa chợp mắt liền nhìn thấy mấy người mặc áo màu đỏ, rõ ràng là thần lửa rồi, tiếp theo đó là một đám người mất đầu, mất chân tay, người cháy đen sì. Sau khi sợ hãi giật mình tỉnh dậy, vừa nhắm mắt lại, lập tức mơ, chỉ thấy một người quần áo, mũ mão, tay cầm dây xích, ăn mặc như nha dịch mang theo hơn ba mươi người, đi vào trong lều của đoàn kịch, hễ gặp người là bắt. Sau khi giật mình tỉnh giấc, anh ta biết sắp xảy ra chuyện lớn rồi, nhưng lại không dám nói với ai. Ngày hôm sau đoàn kịch diễn vở mở màn, cái trống lớn do anh ta gõ chẳng hiểu sao lại bị nứt, thế là anh ta lấy luôn đó làm cái cớ trốn khỏi đoàn kịch. Còn một người sống sót nữa là tên tiểu tử đóng vai nhảy mở màn cho vở kịch, khi anh ta mang mặt nạ lên sân khấu, nhìn xuống phía dưới thấy khán giả người nào người nấy đen sì, sau này nghĩ, đúng là bộ dạng bị lửa thiêu.

Một trận hỏa hoạn lớn thiêu chết hơn một nghìn bốn trăm người, tương đương với số người có thể chết bị bệnh dịch, trong truyện cũng chỉ ra rõ ràng rằng sai dịch dưới địa phủ tay cầm xiềng xích để lên bắt người. Cũng chính là muốn nói, hoàn toàn không khác gì so với những cách bắt hồn thông thường, đều giải đi như giải những phạm nhân. Kỳ lạ là, trong quyển Ký kham bính chí do Tôn Đức Tổ người thời Thiệu Hưng cũng có ghi lại vụ hỏa hoạn này, nhưng chi tiết chỗ giống chỗ khác, bởi vì ông ta là nghe người khác kể lại, những cũng nhờ đó mà thấy được rất nhiều chi tiết đặc sắc do dân gian thêm thắt vào.

Trận hỏa hoạn này lại xảy ra ở trước đền Hàn Văn Công, giữa Nghị môn và Học sử nha môn, thời gian đổi thành tháng Sáu, số người chết là “hàng nghìn người”, và số người thoát được lại thành ba người. Người đánh trống lần này không có, thay thế anh ta và sống sót là một kỹ nữ và một người buôn bán nhỏ. Lửa vẫn bốc lên đằng sau sân khấu, đối diện với chỗ người kỹ nữ đó ngồi chính là nơi bốc lửa, từ xa đã nhìn thấy ánh lửa lập lòe, nên muốn nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Nhưng nơi cô ta ngồi lại là tầng cao nhất, nếu đi cầu thang xuống, sợ rằng không kịp, gần chỗ ngồi có một con đường, nhưng lại cách lan can, cô ta không thể nhảy qua được. Đúng lúc đó có một người bán hạt dưa đứng bên ngoài lan can, cô ta vội vàng gọi hắn lại, nói mình đau bụng muốn chết, nhờ hắn cõng về nhà. Nhưng tên bán hạt dưa đó không chịu, thoái thác không cõng được, cô ta liền tháo chiếc vòng vàng trên tay đưa cho hắn, nói mình dùng cái này để đổi lấy mạng sống, rồi trèo qua lan can lên vai hắn, sau đó giục hắn chạy cho mau. Nhắc đến cô kỹ nữ này lại thấy cô ta nhanh nhẹn, quyết đoán, nhưng trong mắt của người hiểu chuyện thì đó là vì mệnh cô ta chưa phải chết, cũng chính là muốn nói cả hai người này đều không phải mang xiềng xích của âm phủ. Bởi vì cái tên chuyên đóng vai nhảy mở màn cho vở kịch kia, từ sau mặt nạ nhìn thấy hàng nghìn khán giả không phải là mặt mũi đen sì, mà là “đều bị xiềng xích chân tay”!

Điều đáng chú ý hơn cả là, bình thường những người có thể nhìn thấy ma quỷ chỉ có thể là những đứa trẻ tinh mắt và những thuật sĩ có bản lĩnh đặc biệt, nhưng tên nhảy mở màn vở kịch này lại có thể nhìn thấy là bởi vì anh ta đã đeo mặt nạ, mặt nạ thần thánh đó dường như cũng có chút thần tính, qua lỗ mắt có thể nhìn thấy những thứ mà người phàm trần không thấy được.

Những người sẽ bị tai nạn hoặc gặp kiếp nạn thì đều bị quỷ tốt đeo xích sắt trên cổ trước, chi tiết này thường thấy trong những câu chuyện ở đời Thanh. Như trong quyển ba, cuốn Dạ đàm tùy ký của Nhàn Trai Thị có ghi lại một trận động đất lớn xảy ra vào năm Ung Chính thứ tám ở Bắc Kinh, khiến người ta nghe phải nổi hết cả gai ốc: “Trước một ngày xảy ra động đất, ở phía tây thành có người bế một đứa trẻ tầm ba, bốn tuổi ra quán trà. Vừa đến cửa, đứa trẻ liền ôm chặt cổ bố, khóc rống lên, nói thế nào cũng không cho bố vào. Người đó thấy lạ, hỏi: “Sợ ở đây đông người quá phải không?” rồi tìm đến một quán trà khác, nhưng đứa trẻ vẫn khóc rất to, liên tục đổi quán nó vẫn khóc. Hỏi nó bình thường rất thích đến quán trà, hôm nay làm sao lại thế? Đứa trẻ nói: “Hôm nay trong các quán trà từ người uống cho đến người bán, cổ ai cũng thấy đeo xiềng xích!” Người lớn lại cho rằng trẻ con nói năng linh tinh, liền bế nó quay về, trên đường đi gặp người quen, mới kể lại cho người đó chuyện này, người đó phá lên cười ha hả. Đứa trẻ nói: “Ông ta còn cười người khác nữa, trên cổ ông ta cũng có xích kia kìa!”

Trong quyển ba Nam cao bút ký do Dương Phượng Huy viết có ghi lại chuyện “thoát khỏi thủy nạn” xảy ra vào năm Quang Tự thứ mười bảy (1891), cũng có những lời đồn thổi tương tự, người chết đuối lên tới hàng nghìn người, những đứa trẻ “mắt tinh” có thể nhìn thấy, những người bị nước cuốn đi trên cổ không những đeo xiềng xích, mà bên cạnh còn có quỷ tốt được phân công tới để bắt hồn người đó mang đi. Diêm Vương không vì số người bị bắt lớn mà có sơ suất, “một người cũng không thể thiếu”, “lưới trời lồng lộng” là để đối phó với bách tính trăm dân!

Dùng xích sắt để trói phạm nhân, không biết bắt nguồn từ thời nào, triều nào, nhưng những câu chuyện về xích sắt gặp nhiều ở đời Thanh, như vậy có thể nói, triều Thanh vượt qua những triều đại trước về mặt này. Những xiềng xích của địa phủ người thường không thể nhìn thấy được, người bị xiềng tự bản thân mình cũng không biết, cũng như thế, đám người trong quán trà vẫn không lờ đi bản cáo thị “không bàn việc thị phi trong nước” để mà tám chuyện rôm rả, ầm ĩ, nói nhăng nói cuội, hoàn toàn không biết rằng đám quỷ tốt dưới địa ngục đã phối hợp với “giọt máu” của Ung Chính gia, đang đợi thời cơ, quăng một mẻ lưới bắt hết bọn họ!

Tiện đây cũng nói thêm một chút, linh hồn của những người sắp chết sẽ có hiển hiện bất thường, không chỉ giới hạn trong việc linh hồn đeo xiềng xích ở đời Thanh. Trong quyển một, tập Bắc mộng tỏa ngôn của Tôn Quang Hiến sống ở thời Ngũ đại, một thuật sĩ nhìn thấy giám quân, thái giám, tự lâm quân sứ, phó sứ trở xuống đều mang mặt nạ có “tai sắc”[4], dự liệu sẽ chết cũng một ngày, đương nhiên là chết đột ngột rồi. “Tai sắc” này là một thứ “mị khí” mà người thường không nhìn thấy được, thực ra gọi là “quỷ khí” còn chính xác hơn. Lại có người sắp bị chết đuối, trên mặt hiện “thủy văn”, chỉ những thuật sĩ có công năng đặc biệt kiêm nhìn quỷ nhân mới có thể nhìn thấy được. Trong Dạ đàm lục ký có nói đến đứa trẻ trước đêm xảy ra động đất, tôi nghĩ, chỉ nhìn thấy những người đó cổ đeo xiềng xích thì không đến nỗi khiến nó sợ hãi mà khóc, sợ là những người sắp chết trong trận động đất đó trên mặt đã mang “quỷ tướng” của những người chết.

[4] Tai sắc: tai là tai ương, sắc là màu sắc.

Ở thời Thanh còn có một cách nói khác, những người không còn ở trên trần thế lâu nữa, lại có thể nhìn thấy trên tai người khác có treo tiền giấy. Quyển năm trong Động linh tiểu chí của Quách Tắc Vân viết về một người họ Hứa có thể nhìn thấy quỷ. Người phụ nữ hàng xóm ốm, Hứa mỗ vừa nhìn liền nói: “Không sống lâu nữa đâu, ta thấy bên tai có treo tiền giấy rồi.” Quả nhiên, chưa đến ba ngày sau người phụ nữ đó chết. Vợ chồng Hầu Nghi Sử (tức khắc triện[5] gia Hầu Nghị, chết năm 1951) thường gặp Hứa mỗ ở nơi diễn kịch, kịch vừa hết, Hứa mỗ vội vàng bỏ đi. Hầu hỏi vì sao, Hứa đáp: “Ta thấy số khán giả ngồi đây tai đeo tiền giấy, không biết sẽ xảy ra chuyện gì.” Không lâu sau xảy ra đại dịch, người chết rất nhiều, đến nỗi những người bán quan tài cũng không còn hàng mà bán.

[5] Khắc triện: khắc dấu.

Nghe nói ngày xưa mỗi khi đóng vai ma quỷ, đều đeo trên tai một xâu tiền giấy, có lẽ cách nói quỷ nhân là xuất phát từ những hình tượng được diễn trên sân khấu.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện