Chương 32: Nửa đêm không sợ quỷ gõ cửa

Dịch giả: Đỗ Mai Dung

1

Từ một vài câu chuyện được nhắc tới ở các chương trước, chúng ta có thể thấy âm sai đi bắt người mặc dù giữ chức vụ thấp nhất trong quan phủ, nhưng đôi khi cũng có quyền tạo ra sự sinh tử. Nếu có thể bắt tay với bọn họ thì khi thời khắc sinh tử đến họ có thể tha mạng cho bạn. Những cực đoan xảy ra trong nha môn trên nhân gian thực sự cũng xuất hiện dưới âm phủ, chỉ vì mọi người không chịu từ bỏ chút hy vọng cuối cùng về người nắm giữa chính nghĩa, do đó luôn tưởng tượng rằng Diêm Vương phán quan khi xử án bao giờ cũng công bằng hơn những quan phủ trên nhân gian, vì vậy những thói quen xấu, làm ăn gian lận đều bị đổ tội lên đầu âm sai. Cái gì mà “Diêm Vương bảo người canh ba phải chết, ai dám giữ đến canh năm”? Đấy chỉ là cách nói khuyếch trương quyền lực của Diêm Vương mà thôi, và coi thường quyền thực thi mệnh lệnh của sai dịch. Trên thực tế, trong giai đoạn bắt hồn, những kẻ được sai đi bắt hồn trong tay nắm giữ một nửa quyền chủ động, chỉ cần thực hiện đúng pháp luật, đừng nói là cách biệt giữa canh ba và canh năm, mà có rời thêm ba tháng, năm tháng nữa cũng chẳng phải chuyện to tát gì, thậm chí tha cho người đó trong lần đi bắt bớ này cũng là việc trong tầm tay.

Đương nhiên, kiểu làm việc lộng quyền này không phải chỉ làm suông, làm không, hoặc sẽ xem xét tới tình người, một kiểu giống như được nhắc tới ở chương trước, hoặc là phải trả tiền duyên. Tiền duyên đương nhiên là chỉ tiền tài, người xưa có câu: “Tay không không vào được cửa công.” Chỉ cần bạn đi kiện thì dù bạn là nguyên cáo hay bị cáo, không chi tiền chắc chắn không thành, chi ít tiền cũng không có tác dụng, quyền tiền giao dịch chính là phải nhìn tiền để đưa ra quyết định.

Chỉ cần đáp ứng đầy đủ về vật chất cho âm sai thì họ dám thả cả vong hồn đáng lẽ ra phải bị bắt, tha cho người đó quay về dương gian lắm. Trong quyển bốn cuốn Sưu thần hậu ký do Đào Tiềm viết có kể câu chuyện về một người tên là Lý Trừ người Tương Dương, bị mắc dịch bệnh (một loại bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh thời đó) mà chết, cha và vợ anh ta ngồi giữ xác trong phòng. Cho tới nửa đêm canh ba, Lý Trừ đột nhiên ngồi dậy, túm lấy cánh tay vợ, tuốt cái vòng đeo tay bằng vàng ở cổ tay chị ta, cha anh ta cũng giúp sức, cuối cũng kéo được chiếc vòng ra. Anh ta cầm chiếc vòng trong tay, sau đó lại chết ngay lập tức. Người vợ đoán chắc chắn sẽ có điều gì đó xảy ra tiếp theo, nên ngồi bên chờ. Quả nhiên khi trời sáng, đầu Lý Trừ ấm dần, anh ta từ từ sống lại. Lý Trừ liền nói, khi anh ta bị âm sai bắt đi, thấy người bạn cùng bị bắt lấy vàng bạc trang sức trên người mang ra đổi mà được thả về, liền nghĩ ngay đến chiếc vòng tay bằng vàng của vợ, nên đã thương lượng với âm sai cho quay về trần gian lấy, âm sai đồng ý, thế nên mới có chuyện sống lại để tuốt lấy chiếc vòng. Mặc dù Lý Trừ đã giao chiếc vòng vàng cho âm sai dưới âm phủ rồi, nhưng trên dương gian chiếc vòng vẫn còn ở nguyên chỗ cũ, có điều vợ anh ta không bao giờ còn dám đeo nó nữa, đành tìm chỗ chôn đi.

Đi kiện cáo dưới âm phủ, dù cho có lý cũng phải bỏ tiền ra, Trong truyện Thành Hoàng giết quỷ không được phép thành tiệm[1] ở quyển ba Tử bất ngữ do Viên Mai viết, kể về một người phụ nữ được ác quỷ tôn sùng, chồng chị ta dùng dao chém quỷ, làm nó bị thương ở trán, rồi lại dùng súng bắn nó bị thương ở vai. Không ngờ ác quỷ này hung ác khác thường, nhất định đòi lấy mạng người phụ nữ kia. Chồng chị ta và nhạc phụ liền viết cáo trạng, ra miếu Thành Hoàng đốt. Tối đó người phụ nữ nằm mơ thấy có hai công sai, cầm theo lệnh bài đòi chị ta nghe phán, thẳng thắn ra giá, nói: “Vụ án này, ta đảm bảo nhà ngươi sẽ thắng, nhưng phải đốt hai nghìn tiền giấy cho ta. Nếu ngươi vẫn chê nhiều, thì âm gian chỉ cần hai mươi lượng bạc. Cái này không phải ta hưởng một mình, mà dùng để chạy chọt cho ngươi thôi.”

[1] Tiệm là quỷ sau khi chết. Người mê tín thường cho rằng, người chết làm ma, ma chết làm tiệm.

Cách vòi vĩnh công khai thế này tốt nhất là đưa ra một cái giá cụ thể, khiến hai bên đều vui vẻ. Sợ nhất là những món tiền không rõ ràng, cứ lặng lẽ giày vò, hành hạ bạn, cuối cùng bạn phải cầu xin người ta nhận tiền, thế mới gọi là thất đức.

Trong truyện Minh tỵ, quyển một cuốn Túy trà chí quái của Lý Khánh Thần người đời Thanh, kể về người ở tên Lý mỗ trong một gia đình giàu có, vì rất biết lựa thuyền theo gió nên được nhà chủ yêu quý. Còn một người ở già khác tên n mỗ không hiểu việc, dần dần bị nhà chủ ghét, cuối cùng bị đuổi đi. n mỗ trong lòng không phục, buồn bã mà chết, xuống âm gian, viết giấy tố cáo gửi lên Thành Hoàng nói mình bị Lý mỗ hại chết. Hôm ấy Lý mỗ vừa ra ngoài, liền gặp hai vị công sai đứng ngay bên cửa, dùng dây thừng thòng vào cổ anh ta, kéo đến miếu Thành Hoàng. Vào miếu Lý mỗ mới biết, một ngôi miếu bình thường không lớn lắm nay đã biến thành một nha môn rộng rãi, thư sứ, nha dịch đi đi lại lại, rất náo nhiệt. Nhưng hai tên công sai đó không giải anh ta lên công đường mà nhốt vào một căn phòng nhỏ tối thui, khóa cửa, trong phòng tối đen như mực, không phân biệt được ngày đêm, không biết bao lâu sau, vừa đói vừa khát, buồn bã ưu phiền, tiều tụy không sao kể xiết. Lúc này mới thấy cửa được mở ra, hai tên quỷ sai đó nói: “Đại lão gia hai ngày nay không có thời gian thẩm vấn ngươi, ngươi quay về đi”, sau đó liền đuổi anh ta ra khỏi nha môn. Anh ra tìm đường quay về, tới cửa nhà, vẫn may sống sót, hỏi người nhà, mới biết hôm đó anh ta đột nhiên ngã nhào trước cổng, hơi thở yếu ớt, được người ta dìu vào nhà, tới hôm nay đã chết được ba hôm rồi. Lý mỗ như vừa được chữa khỏi bệnh, rất nhiều ngày sau mới hồi phục được, hai tên cẩu sai nhân đó lại đến. Tất cả lại diễn ra y như cũ, vẫn bị nhốt trong căn phòng tối đó ba ngày, rồi lại được thả về. Cứ thế kéo dài phải nửa tháng, đi đi về về giữa âm và dương, anh ra cũng thuộc cả đường xuống địa phủ, còn bộ dạng thì chẳng thể phân biệt được là ma hay người nữa. Đến lúc này, anh ta mới như bừng tỉnh, thì ra nha môn ở âm ti và nhân gian không khác gì nhau, hai tên quỷ sai kia muốn vòi tiền. Anh ta mua mười mấy dây tiền giấy, đốt xuống, hai tên quỷ sai lập tức trở thành bạn, vụ án cũng đã được phán quyết xong, khi quyết định được đưa xuống, ghi là n mỗ đã vu cáo, Lý mỗ vô tội được thả về.

Nếu số tiền hối lộ đủ nhiều thì có thể kết giao được với những người bạn rất có thế lực. Trong Bác dị ký do Trần Ngao người đời Đường có ghi chép lại một chuyện: “Một minh sử xin Lý Toàn Chất dụng cụ mài chiếc sừng tê giác, Lý Toàn Chân liền nhờ người vẽ một cái rồi đốt cho minh sử đó kèm theo cả tiền giấy. Thế là minh sử báo mộng, cảm tạ nói: “Được tặng đĩa mài, thật hổ thẹn thay, vì không có gì đáp lễ. Nhiên công bình sinh sẽ chết do tai nạn nước, nhưng khi gặp nguy hiểm, ta nhất định nghĩ cách.” Lý Toàn Chất vốn chết vì nước, nhưng lại có một minh sử cứu hộ kịp thời nên anh ta thoát được kiếp nạn ấy. Đấy chính là hành động ngang nhiên tiết lộ cơ mật của minh phủ, để giúp người sống thoát khỏi cảnh bị âm sai truy đuổi. Nhưng những lời hứa kiểu này, có độ rủi ro quá cao, chẳng qua cũng chỉ là một phút lỡ miệng, chưa chắc đã thực hiện đến cùng, điều đó được chứng minh bằng việc Lý Toàn Chân không sống được tới ngày hôm nay. Đương nhiên cũng có một khả năng là, minh sử này bị Sâm La điện khuyên nhủ hồi tâm, cái ô bảo vệ không còn hiệu lực, hợp đồng miệng bị hủy bỏ.

Vì vậy không thể hoàn toàn tin vào những lời hứa của minh sử, có kẻ sau khi đạt được thứ mình cần rồi, thực ra ân huệ chẳng xác thực, chỉ là kéo dài thời gian đến bắt hồn đi thôi. Những chuyện này có lẽ thường xuyên xảy ra ở những nơi cửa công rồi. Quyển một tập Tây dương tạp trở của Đoạn Thành Thức người đời Đường viết về một thiếu niên độc ác tên Lý Hòa Tử. Người này thường xuyên ăn trộm chó mèo của người khác nuôi về thịt ăn, cuối cùng hơn bốn trăm sáu mươi con chó, con mèo cùng liên minh lại viết đơn kiện hắn ta dưới âm phủ. Lý Hòa Tử mời hai tên quỷ sai tới bắt hắn ta vào quán ăn, quỷ sai biết án này nặng, không dám làm trái quy tắc, nên chịu khát nhịn đói không vào quán. Lý Hòa Tử lại kéo bằng được bọn họ vào quán rượu, gọi chín bát rượu, hắn ta uống ba bát, sáu bát còn lại vờ để sang một bên. Hai quỷ sai bất lực, cuối cùng không thoát được cám dỗ, liền nói: “Ăn đồ hối lộ rồi. Đã nhận được ơn cho được say, đành thay ngươi xin giảm án vậy. Người hãy chuẩn bị bốn mươi vạn tiền, trưa ngày mai bọn ta tới lấy, kéo dài tuổi thọ cho ngươi thêm ba năm nữa. “Sau khi hai quỷ đi rồi, Lý Hòa Tử vẫn còn muốn tiếp tục hưởng thụ sáu bát rượu còn lại, uống một hớp, không ngờ vị nhạt như nước, thậm chí lạnh buốt cả răng. Hắn ta vội chạy về nhà bán đồ đạc mua tiền giấy, đúng kỳ hạn gửi xuống cho minh sứ. Nhưng ba ngày sau, Lý Hòa Tử vẫn phải chết. Thì ra, “ba năm theo lời quỷ nói là ba ngày trên nhân gian.”

Chỉ có thể sống thêm ba ngày thì số tiền hắn ta đốt quả là vô ích, nhưng có người khẳng định có tiền là mua được sự xê dịch của quỷ, nhưng không ngờ quỷ cũng có quyền hạn của mình, hy vọng quá cao thì kết quả sẽ là quỷ nhận tiền trước, rồi tới bắt người sau.

Trong Kiến vấn lục của Từ Nhạc người đời Thanh viết về một phú ông, sau khi ốm chết bị một con quỷ mặt xanh bắt đi, ông ta ai oán nói: “Tài sản nhà ta quá nửa nằm trong tiệm cầm đồ, giờ có vài việc vẫn chưa giải quyết xong, kéo dài cho ta vài ngày nữa, sau khi xong việc, ta có chết cũng không hận.” Quỷ mặt xanh trả lời: “Hãy đốt tiền bạc cho ta, ta sẽ cho nhà ngươi thêm mấy ngày”, phú ông đồng ý và được sống lại. Đếm đúng số lượng quỷ mặt xanh yêu cầu, đốt cho nó, sau khi lo liệu xong xuôi mọi việc, đến giờ lại chết. Phú ông quen mùi, lại nói với quỷ: “Con trai ta là tú tài, sắp đến kỳ thi hương rồi, nếu cho ta sống đến khi nó thi xong ba kỳ thi, được nhìn thấy nó áo gấm về làng, ngươi hãy ra giá đi.” Quỷ đưa ra một con số và lần này thì gấp đôi lần trước, phú ông đồng ý, liền được sống lại, đốt tiền đúng hẹn. Đến ngày Mười lăm tháng Tám, kỳ thi hương cuối cùng kết thúc, đêm đó phú ông mở tiệc đãi khách, ngay giữa bữa tiệc rượu, phú ông tắc thở mà chết. Lần này quỷ mặt xanh còn mang theo mấy tên quỷ nữa cùng đến, nói: “Con trai ông lần này không đỗ, tối nay ông phải đi cùng chúng tôi rồi. Nhưng nếu ông chịu chi cho chúng tôi nhiều hơn một chút, chúng tôi sẽ nghĩ cách giúp ông đi cửa sau, để con trai ông được làm cử nhân, đồng thời tha cho ông qua kiếp nạn này. Ông thấy thế nào?” Phú ông đương nhiên đồng ý ngay, có bao nhiêu tiền bạc liền bỏ ra hết, thế là lại được sống lại. Đến ngày công bố bảng vàng, con trai ông ta quả nhiên đỗ cử nhân, ông lão vui mấy ngày liền. Nhưng không lâu sau, quan về điều tra việc gian lận trong thi cử, con trai ông ta không những bị tước danh hiệu cử nhân, mà còn bị giam vào nhà lao. Ông lão trên đường vào thăm con, giữa đường tự nhiên lăn ra chết.

Chiêu cuối cùng của quỷ mặt xanh có chút tàn nhẫn, nhưng cũng là vì nó nhìn rõ được sự tham lam vô độ của lão tài chủ, ngoài ra cũng khiến lão ta được vui vẻ mấy ngày, không thể nói là số tiền bỏ ra không xứng đáng được. Sợ nhất là mấy kẻ ham tiền đó chỉ nghĩ cách moi tiền, có được tiền rồi liền quên luôn việc mình đã hứa thì còn tệ hơn. Trong Quảng dị ký có một chuyện, từ câu chuyên này chúng ta có thể thấy sự phủ bại và hỗn loạn trong quan trường dưới âm gian cũng không kém gì trên dương gian. Cáo Trừng, võ sĩ người Kinh Triệu sau khi bị âm sai bắt nhầm, liền đến một cơ quan dưới âm phủ gọi là “nơi tiếp nhận những vụ án oan khuất” để tố cáo. Trung thừa hỏi: “Ngươi có oan khuất gì?” Cáo Trừng đáp: “Số tôi vẫn chưa tận, người bắt tôi lại không mang theo lệnh bắt, cứ thế ép tôi đi bằng được.” Vị trung thừa này đòi tiền hối lộ là năm trăm nghìn. Cáo Trừng đồng ý, trung thừa liền phán: “Bị bắt bừa, thực tế chưa tới số”, sau khi phán xong liền thả ra, sai người đưa Cáo Trừng đến chỗ đại phụ thông phán, vị thông phán giữ cửa này cũng đòi tiền Cáo Trừng. Cuối cùng được thả ra, nhưng lại không trả Cáo Trừng về dương gian, kết quả là âm phủ không nhận mà dương gian cũng không thể về, “không biết đi đâu, lang thang phiêu bạt”. May mà gặp được người em rể đã chết, mới đưa Cáo Trừng quay lại dương gian, nếu không thì sẽ trở thành một con “quỷ lang thang” ba giới không nhận, “ba trăm năm cũng không thể hóa kiếp”.

Tôi cho rằng cơ quan thẩm lý này cũng cấu kết với lũ quỷ tốt rồi. Ngươi lên dương thế bắt người, ta ở âm gian mở một nơi gọi là thụ lý án oan để moi tiền, sau khi có tiền rồi sẽ chia cho quỷ tốt một ít. Vì muốn moi tiền mà tạo ra oán an đã đủ thấy vô sỉ rồi, lại còn có thể treo biển tiếp nhận những vụ án oan để kiếm tiền nữa. Giống như trong Hà đông ký do Tiết Ngư Tư người đời Đường viết, có một tên âm sai vì muốn kiếm tiền, mà đang yên đang lành đi bắt sinh hồn, sau đó nói: “Người vẫn chưa tới lúc chết, ta có thể thả ngươi, nhưng phải cho ta hai nghìn quan tiền.” Tôi thấy tên quỷ sai dùng hình thức bỉ ổi này còn đáng ghê tởm hơn cả vị quan chuyên “xử án oan” kia.

2

Nếu đem ra so sánh, nếu uốn cong pháp luật vì tình người, đặc biệt là những minh sử quỷ tốt uốn cong pháp luật vì tiền không chỉ có thể tha thứ được, mà còn khiến người ta cảm thấy gần gũi hơn. “Đã nhận của người rồi”, vì trả món nợ ân tình đó mà làm một vài thủ thuật nhỏ, mặc dù kể ra sẽ đỏ mặt, nhưng chỉ cần người được thả không phải người xấu thì cũng có gì là ghê gớm đâu. Những bách tính hiền lành, lương thiện đó, chẳng ảnh hưởng gì tới lịch sử, cũng không phải là những đại thần chết sớm thì thái bình sớm, chết muộn mấy ngày, cũng không có gì phải vội!

Trong Chân dị lục do Đới Tộ người đời Tấn viết, Trương Khải đánh xe từ gia trang dưới quê quay lại nơi thành thị, giữa đường gặp một người nằm bò bên vệ đường, hỏi anh ta, anh ta trả lời: “Chân bị hỏng rồi, không đi được. Nhà tôi ở Nam Sở, cũng chẳng có cách nào báo tin cho mọi người.” Trương Khải thấy thương hại anh ta, liền ném bớt đồ trên xe xuống, đưa người này lên xe về nhà mình. Sau khi về đến nhà, người này nói với vẻ mặt không hề cảm kích: “Ta vốn chẳng bệnh tật gì cả, chỉ là muốn thử ngươi thôi.” Trương Khải tức giận: “Ngươi là ai sao dám trêu đùa ta?” Người đó đáp: “Ta là quỷ, phụng mệnh âm ti tới dương gian để lên danh sách những người sắp chết. Gặp ngươi là bậc trưởng giả, không kìm được ý muốn làm quen, cố ý giả bệnh, nằm bên đường. Ngươi có thể bỏ của để cứu người, thật là vô cùng cảm động. Có điều ta phụng mệnh tới đây, không thể tự mình quyết định, biết làm sao bây giờ?” Thế là Trương Khải thất kinh, vội vàng mời tên quỷ sai này ở lại, cúng rượu tế thịt, khóc lóc thỉnh cầu. Quỷ hỏi: “Có người nào cùng tên với nhà ngươi không?” Trương Khải đáp: “Có một người từ nơi khác đến tên Hoàng Khải.” Thế là tên quỷ sai viết tên Hoàng Khải thay cho Trương Khải vào danh sách chết. Cuối cùng, tên qủy này lại nói: “Ngươi có quý tướng, ta thấy đáng tiếc, chắc sẽ được làm quan. Nhưng thần đạo u mật, không thể tiết lộ.”

Trương Khải sau đó thọ đến sáu mươi tuổi, làm quan tới chức quang lục đại phu.

Cứu người tốt, việc này không sai, nhưng nếu người này đồng ý dùng một người vô tội khác để chết thay mình thì có còn là người tốt nữa không? Nghĩa cử của những người sắc tước thường luôn như vậy, với nguyên tắc không bao giờ được để mất của mình dù chỉ là một cọng lông, một khi gặp phải những chuyện đầu rơi máu chảy, sẽ kêu gọi đám dân đen thâm minh đại nghĩa, vì nghĩa mà thay những nhân vật này hy sinh. Đương nhiên tên quỷ sai này cũng có chỗ khó của hắn, nhìn ra được quý tướng của Trương Khải, có giá trị để đầu tư, nhưng bất lực vì mình quyền lực quá ít, dùng người vô tội để thay thế cũng là vì không còn cách nào khác nữa. Từ đó có thể thấy, muốn làm việc tốt tới cùng thì trong tay phải có đủ quyền lực, đáng tiếc là những người nắm trong tay quyền lực thời ấy lại thường không muốn làm việc tốt. Nghĩ đến đây, tôi lại thấy rất hiểu cho những gì mà tên quỷ sai đó làm.

Trong quyển mười chín cuốn Di kiên chi mậu do Hồng Mại viết có truyện Thẩm Truyền gặp minh sử, vị Thẩm Truyền đó là “người lương thiện dưới quê”, bị bệnh thương hàn, tám, chín ngày không chữa khỏi, chuẩn bị đi gặp Diêm Vương rồi. Bỗng thấy một tên quỷ áo vàng, tướng tá diện mạo giống như võ quan cấp thấp trong quan phủ, tay cầm gậy, đứng ở đầu giường không nói không rằng, dường như đang chờ đợi điều gì. Không lâu sau, lại thấy một minh sử mặc áo xanh mũ đen đến, tay cầm văn thư, chần chừ chưa dám viết vào. Tên quỷ áo vàng lắc lắc tay nói với minh sử kia: “Thiện thiện!” Quỷ áo xanh liền dừng chân, lấy bút từ trong tay áo ra, mở giấy, gạch một hàng, sau đó rời đi. Đầu tiên Thẩm Truyền thất kinh, tới lúc này mới thở phào nhẹ nhõm, một ngày sau, bệnh tình của người tốt này khỏi hẳn. Chỉ có điều, không biết hành vi của hai vị minh sử văn võ kia là hành vi cá nhân hay trong văn bản đó có điều lệ hoặc chính sách khoan hồng nào mà tạm thời tha cho, ít nhất thì một phần trong đó cũng là do họ làm chủ quyết định.

Có những tên quỷ sai lại chỉ chăm chăm lo cho chủ nhân cũ của mình, khi đi bắt hồn cũng có chút khoan dung, điều này không có gì là đáng trách cả. Trong Chí quái lục do Chúc Duẫn Minh viết có chuyện Hoa Lão. Hoa Lão Tài giàu có nhưng đối xử với mọi người rất tốt, một hôm đang đi dạo bên ngoài, đột nhiên nhìn thấy một điền hộ đi đến, gọi lớn: “Tiểu nhân ở đây.” Hoa Lão Tài đang định trả lời, đột nhiên nhớ ra anh ta đã chết rồi, liền hỏi: “Ngươi chẳng phải đã chết rồi sao, sao lại ở đây?” Quỷ sai đó liền trả lời: “Sau khi chết tôi làm minh sai, giờ phụng mệnh đi bắt lão chủ nhân. Chỉ có điều một đợt phải bắt hơn năm mươi người, tôi đến báo trước cho lão chủ nhân, để người lo liệu việc trong nhà, đến lúc đó có thể ra đi thanh thản.” Sau khi quỷ sai đi rồi, Hoa Lão Tài lập tức về nhà, sắp xếp hậu sự, chào tạm biệt người thân, bạn bè, sau đó bị bệnh, gần một tháng thì mất.

Từ đó có thể thấy, khi đi bắt hồn cũng không cần quá cứng nhắc, chưa chắc quỷ sai không thể linh động xử lý. Trong một câu chuyện ở phần trước có nói rằng, khi đi bắt hồn không thể để xảy ra dù chỉ là một sai sót nhỏ, cứ như qua mất vài phút thì lệnh bắt đó mất tác dụng không bằng, e rằng những lời đó chỉ là những lời cố chấp mà thôi. Song việc quỷ sai khoan dung nới rộng về mặt thời gian, cũng giống như nhờ gió báo tin cho người có liên quan, nếu như người đó không biết điều, không chịu theo đi thì quỷ sai sẽ bị liên lụy, không tránh khỏi việc bị phạt đánh.

Dường như trong những câu chuyện về âm phủ của chúng ta cũng có ý muốn giáo dục, nội dung đều là ở hiền gặp lành. Trong quyển mười một Hữu đài tiên quán bút ký do Du Việt viết có một câu chuyện về Trương Ông, rõ ràng là một phiên bản khác của Hoa Lão Tài, có điều địa điểm chuyển đến Sơn Đông. Quỷ sai đi bắt hồn phải bắt hồn của người chủ cũ Trương Ông, vốn là người đầu tiên trong danh sách bị bắt lần này, nhưng lại được chuyển xuống cuối danh sách, gia hạn thêm cho gần một tháng. Hoa Lão Tài dùng thời gian này để lo liệu mọi việc trong nhà, còn Trương Lão Tài lại cho rằng: “Mình có ăn có mặc, vợ con đầy đủ, chết có gì hối tiếc”, điều hối tiếc duy nhất là, làm mối cho con trai của người bạn cũ, nhưng sau khi người bạn đó chết, tên tiểu tử con trai ông ta cũng kiệt quệ, chẳng đủ tiền để làm đám cưới, nên nhà gái có ý hủy hôn, khi Trương Lão Tài còn sống, bọn họ còn không dám nói gì, nhưng nếu ông ta chết rồi thì sao? Thế là ông ta nghĩ ra một cách, gọi hết đám con trai của mình đến, nói: “Bố của cậu ra đã qua đời rồi, từng cho cha mượn tám mươi vạn tiền giấy. Giờ ta già rồi, tiền nợ người ta chưa trả được, nếu nhỡ một mai chết đi, làm sao còn mặt mũi để gặp lại bạn dưới đó!” Các con ông ta đều là người hiểu chuyện, lập tức chuẩn bị tám trăm xâu tiền, mang đến nhà con trai người bạn của cha để trả. Trương Lão Tài lại chọn ngày giúp cho anh ta, rước dâu về nhà, lúc đó mới vui vẻ nói: “Việc ta đã làm xong, giờ chết cũng không ân hận”, nhưng hơn một tháng qua đi, cơ thể vẫn khỏe mạnh, không bệnh tật gì. Lại thêm vài ngày nữa thì minh sai đến, gặp mặt liền vui vẻ nói: “Chủ nhân chưa phải chết, dưới âm phủ đã ra công văn, bỏ tên chủ nhân khỏi danh sách rồi.”

Những câu chuyện kiểu này rất nhiều, giống như Bộ khác trong Liêu trai và m sai ở quyển một cuốn Vấn kiến dị từ do Hứu Thu Xá viết, nhưng nhân vật chính trong những câu chuyện kia không đáng yêu được như Trương Lão Tài, bởi vì đều có ý cổ vũ người ta “nước đến chân mới nhảy”, tận dụng thời gian còn lại làm việc thiện, có ý muốn chuyển họa thành phúc.

3

Nếu đã coi cái chết của con người là do sự bắt bớ dưới âm phủ, vậy nếu gặp phải những người chống cự, không có cách nào để bắt thì đành để người ta sống vậy. Nhưng việc chống cự ở âm phủ là không thể, kể cả Tề Thiên Đại Thánh đại náo Thập Vương điện sau này, không phải là trong khi say, ngủ mơ, bị hai vị âm sai “đến gần, không nói không rằng, quàng dây vào cổ, bắt linh hồn của Hầu Vương đi, loạng chà loạng choạng mang đi” sao? Còn người phàm lại càng không phải nói, ngông cuồng như Lý Quỳ, muốn chống cự, cùng lắm cũng chỉ giằng co rồi bị đánh thêm vài gậy mà thôi, cuối cùng vẫn cứ phải theo âm sai về âm phủ. Còn hung hăng hơn Lý Quỳ là những kẻ huênh hoang như huyện đại gia, ngồi trên công đường muốn thị uy, thấy âm sai liền bắt quỳ, âm sai lờ đi thì lại đòi đánh đòn, nhưng đám tay chân dưới quyền đâu có nhìn thấy âm sai, chỉ thấy huyện lão gia tay chân khua khoắng, mồm miệng la hét, chúng coi như ông ta uống say làm càn mà thôi. Trong Hoàng huệ châu, quyển hai cuốn Di kiên chi mậu do Hồng Mại viết, có những trường hợp như, tuổi cao sức yếu, bệnh tình liên miên, sắp như ngọn đèn hết dầu, có muốn chống cự cũng chẳng còn sức; thanh niên khỏe mạnh, nhưng chết do gươm đao hoặc côn trùng cắn, núi lở, động đất hoặc chết đuối, chết thiêu,… nghĩa là có sự trợ giúp của tạo hóa, quỷ tốt chỉ cần khoanh tay đứng nhìn trò vui; còn lại là đám thanh niên sức dài vai rộng nhưng lại không có gan làm càn, cũng không biết pháp luật, chỉ cần quỷ tốt vừa đến, mấy con hổ giấy đó sẽ ngoan ngoãn để bị bắt đi.

Điêu dân không phải không có, giống như vị gặp hầu tử công sai không chịu chấp hành lệnh trong Thuyết minh bác, tôi đã giới thiệu qua, còn lằng nhằng đôi co việc giữ chữ giản thể, còn túm được những chi tiết chấp pháp sơ hở, nhưng bắt được chỗ sơ hở rồi thì sao, chẳng phải cuối cùng vẫn phải theo về âm phủ ư? Còn về việc gặp công sai cãi lý, hỏi một câu: “Xin hỏi tội gì?”, thì tôi nghe mà cũng muốn cười.

Nhưng như thế không có nghĩa là minh sai khi đi bắt hồn sẽ vơ đại như đi bắt người trên phố, những chuyện phiền phức lớn nhỏ không phải không có. Ví dụ như trong truyện Hoàng giải nguyên điền bộc ở quyển một Di kiên chi mậu, người bị bắt đang mời hòa thượng, đạo sĩ làm phép, nên âm sai không có cách nào để vào phòng. Điều này khiến người ta nghi ngờ những lời tuyên truyền về đạo tử tăng đạo, đó là vì muốn tìm một chỗ ăn uống miễn phí và còn có tiền tiêu vặt thường xuyên để ở. Hơn nữa, dù tăng ni, đạo sĩ không ở trong phòng, mà là đàn bà con gái ở trong đấy, quỷ sai cũng không thể ra tay được. Nhờ việc này mà đám tăng đạo cũng bớt được hiềm nghi, bởi vì vào bệnh viện làm hộ lý chăm sóc cũng không thể một ngày ở bên cạnh hai mươi tư giờ đồng hồ, vì vậy tăng đạo không những phải ăn cơm, mà còn phải ngủ nữa.

Trong truyện Đứa trẻ bán tương ở quyển mười trong Tử bất ngữ do Viên Mai viết, nói nếu người ta thỉnh “ngũ tăng” thì quỷ không thể nào vào nhà bắt người. Nhưng nghi lễ Diên thỉnh đó cũng phải đến lúc kết thúc, vì vậy âm sai đành đứng đợi bên ngoài, khát khô cả cổ, nhập vào người một đứa trẻ để tìm nước uống. Ngũ tăng chính là kiểu như ngũ thông, ngũ hiện… từ đời Tống đến nay vẫn được nhân dân vùng Giang Nam tin thờ.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện