Chương 34: Hoàn hồn tái sinh
Dịch giả: Đỗ Mai Dung
1
Bình thường, ý nghĩa của “hoàn hồn” và tái sinh, sống lại không có sự khác biệt, chính là muốn nói người đã chết sống lại. Nhưng nếu phân tích cụ thể thì lại là hai trường hợp khác nhau. Một là người đã chết rồi, hồn rời khỏi thể xác, còn thể xác cũng không có dấu hiệu sống nữa, lúc này nếu “hoàn hồn” thì chính là hồi sinh từ cái chết. Còn có một trường hợp nữa, đó chính là hồn đã rời khỏi xác, nhưng người đó lại chưa chết, ví dụ như chúng ta thấy trong các cuốn tiểu thuyết thường viết “tim vẫn còn ấm”, lúc này nếu “hoàn hồn” thì không thể được gọi là sống lại sau khi đã chết. Hai trường hợp này thực ra chỉ có một chút khác biệt, thể xác kia dù đã chết hay chưa, nhưng một khi không có linh hồn thì cũng không khác gì người chết cả, vì vậy khái niệm “hoàn hồn” mà tôi nói tới ở đây bao gồm cả hai trường hợp: người chết hoàn hồn và người sống hoàn hồn.
Do các tăng lữ của Phật giáo thường dùng những câu chuyện về hoàn hồn, tái sinh làm phương pháp tuyên truyền của bản giáo, vì vậy, thường người ta cho rằng khái niệm về hoàn hồn bắt nguồn từ sau khi Phật giáo được du nhập vào. Thực ra không hoàn toàn như thế. Trong Nhân quả hoàn hồn không bắt nguồn từ Phật pháp ở quyển hai mươi cuốn Tùy Viên tùy bút do Viên Mai người đời Thanh viết có đề cập đến trường hợp của gián điệp nước Tần bị nước Tấn bắt trong Xuân Thu Tả Thị truyện, đem ra chợ giết, sáu ngày sau thì sống lại, hoặc trường hợp người con gái Triệu Xuân sau khi chết rồi lại hoàn hồn trong Hán thư. Ngũ hành chí[1], đây đều là những chuyện xảy ra trước khi Phật giáo lưu truyền vào Trung Quốc. Nhưng nếu chúng ta để ý kỹ hơn một chút sẽ phát hiện ra tính chất của hai chuyện này hoàn toàn không giống nhau, và sự khác biệt của nó chính là ở quan hệ với cõi âm, hay nói cách khác thì một người là sống lại, còn người kia chỉ là sống lại sau khi chết lâm sàng, hoàn toàn không liên quan gì đến việc hoàn hồn.
[1] ‘Hán thư’: một tài liệu lịch sử Trung Quốc cổ đại viết về giai đoạn lịch sử thời Tây Hán từ năm 206 TCN đến năm 25 TCN. Đôi khi sách này cũng được gọi là ‘Tiền Hán thư’ để phân biệt với cuốn ‘Hậu Hán thư. Ngũ hành chí’ là quyển bảy trong phần ‘Chí của ‘Hán thư’.
Gián điệp nước Tần trong Tả truyện xảy ra vào năm Lỗ Tuyên Công[2] thứ sáu, nhưng chỉ là bị trọng thương dẫn đến hôn mê, người chưa chết nên không thể nói là sống lại, cũng không có tình tiết hồn lìa khỏi xác. Tả truyện đặc biệt ghi chép lại, chỉ vì người này “sáu ngày sau mới sống lại”, thời gian khá lâu, thậm chí còn được coi là “chuyện lạ”, hoặc có thể gọi đấy là kỳ tích trong hiện tượng sinh lý của cơ thể con người. Đương nhiên, nói mang ra chợ giết, giết ở đây không phải chặt đầu, khiến đầu lìa khỏi xác, tôi thường nghĩ, hình thức tử hình của hậu thế đa phần đều là chém đầu thậm chí còn treo cái đầu đó lên một cây sào, thị chúng ba ngày cũng chưa chắc không phải không có ý ngăn người bị chặt đầu sống lại.
[2] Lỗ Tuyên Công: tức Cơ Nỗi (608-591 TCN), tại vị mười tám năm. Nước Lỗ là tên gọi một quốc gia thời cổ đại tại Trung Quốc trong thời ký Xuân Thu - Chiến Quốc.
Còn Triệu Xuân trong Hán thư. Ngũ hành chí lại là một trường hợp “hoàn hồn” điển hình. Nguyên văn như sau:
Tháng Hai năm Nguyên Thủy Bình Đế[3] thứ nhất, người con gái tên Triệu Xuân ở phương Bắc bệnh chết, đã cho vào quan tài được sáu ngày, sau khi ra khỏi quan tài, nói rằng đã gặp cha chồng đã chết, cha chồng nói rằng: “Năm hai mươi bảy không hợp tuổi để chết.”
[3] Nguyên Thủy Bình Đế: tức Hán Bình Đế, tên thật Lưu Khản hay Lưu Diễn, là vị hoàng đế thứ mười bốn của nhà Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông ở ngôi từ năm 1 TCN cho đến khi bị ngoại thích Vương Mãng sát hại năm 5 CN. Trong thời ở ngôi, Hán Bình Đế sử dụng hai niên hiệu là Nguyên Thọ (năm 1 TCN), đây vốn là niên hiệu của Hán Ai Đế, đến đây, Hán Bình Đế tiếp tục sử dụng từ tháng Chín đến tháng Mười hai năm 1 TCN và Nguyên Thủy (1-5).
Triệu Xuân đã được cho vào quan tài sáu ngày rồi lại sống lại, mặc dù hiếm gặp nhưng cũng không phải không thể xảy ra. Nếu chỉ nhìn tình tiết đó thì thấy không khác nhiều so với chuyện gián điệp ở nước Tần, nhưng cô ta tự nói rằng sau khi chết đã gặp người cha chồng quá cố, tình tiết này liên quan tới âm gian rồi, hồn của cô ta đã xuống âm gian, sự sống lại của cô ta rõ ràng là sự trở về của linh hồn. Chỉ là có một điểm phải lưu ý, cha chồng của cô ta biết rằng cô ta chưa thể chết ở tuổi hai mươi bảy, nên bảo cô ta quay về, chi tiết này không rõ ràng lắm, không giống với những tác dụng của âm phủ được giảng giải kỹ càng trong các câu chuyện hoàn hồn đời sau, có lẽ khi ấy vẫn chưa có khái niệm về sổ sinh tử.
Chân tướng của chuyện này không phải điều đáng quan tâm nhất, mà điều đáng quan tâm là chuyện này đã phản ánh được ý thức về âm gian của con người thời đó (những năm cuối Tây Hán). Không hề nghi ngờ rằng, khái niệm sống lại xuất phát từ bản thân người Trung Quốc, câu chuyện của Viên Mai thực ra cũng xảy ra khá muộn, thuật phù thủy nguyên thủy của Trung Quốc đã có tình tiết chiêu hồn rồi, đương nhiên khi ấy không có quan niệm “âm phủ” dưới đất, linh hồn chỉ là phiêu du lang bạt trên không trung mà thôi. Cho dù sau khi Phật giáo được lưu truyền vào phía đông Trung Quốc, do sự tuyên truyền của nó bị hạn chế rất lớn, trước thời Tam Quốc, sức ảnh hưởng của nó trong dân gian không nhiều, vì vậy, đa phần những câu chuyện hoàn hồn sống lại ở thời Đông Hán và Ngụy - Tấn đều mang tính chất đặc thù của Trung Quốc, không liên quan gì tới Phật giáo.
Đương nhiên, sự “hoàn hồn” của Triệu Xuân cũng có thể được lý giải là “cái chết giả” trong y học. Chuyện này và chuyện về gián điệp nước Tần trong Tả truyện trước đó cùng với Tấn thư. Lưu Diệu tái ký[4] sau này kể về Trương Lô chết được hai mươi bảy ngày, do có kẻ trộm đào trộm mộ mà được sống lại, đều không trừ một phần sự thật nhất định. Chúng ta có thể lấy ghi chép Chết đi sống lại trong Tục Hán thư. Ngũ hành chí ngũ:
[4] ‘Tấn Thư’: một trong hai mươi tư cuốn sách lịch sử Trung Quốc (Nhị thập tứ sử), do Phòng Huyền Linh và Lý Diên Thọ phụng mệnh vua Đường Thái Tông biên soạn vào năm 648. Sách kể về các sự kiện bắt đầu từ Tư Mã Ý thời Tam Quốc đến khi Lưu Dụ phế Tấn Cung Đế lập nhà Lưu Tống năm 420, đồng thời sách còn bổ sung hình thức “ký tái” (ghi chép), dùng để tường thuật tình hình chính quyền của mười sáu nước. ‘Lưu Diệu tái ký’: nằm trong quyển ba của phần ‘Tái ký’.
Năm Hiến Đế[5] Sơ Bình[6], có một người họ Hoàn ở Trường Sa chết, cho vào quan tài được gần một tháng, bỗng mẹ anh ta nghe thấy trong quan tài có tiếng động, phát hiện ra anh ta vẫn còn sống. (Xem trong quyển sáu cuốn Sưu thần ký do Can Bảo viết.)
[5] Hiến Đế là Hán Hiến Đế (181 - 21/4/234, tại vị 189 - 25/11/220): tên thật là Lưu Hiệp, tự Bá Hòa, vị hoàng đế thứ mười bốn của nhà Đông Hán và cuối cùng của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc.
[6] Sơ Bình: một trong những niên hiệu mà Hán Đế dùng trong ba mươi hai năm làm vua. Niên hiệu Sơ Bình từ năm 190-193.
Tháng Hai năm Kiến An thứ tư (199), Khắc huyện phụ Quận Vũ Lăng tên là Lý Nga, năm nay hơn sáu mươi tuổi, bị bệnh chết được mười bốn ngày, được chôn cách thành vài dặm, có người qua đường nghe thấy trong mộ có tiếng nói về mách lại với người nhà. Người nhà đi đến mộ xem xét, quả nhiên nghe thấy tiếng phát ra từ bên trong, đào lên cứu sống Lý Nga.
Những chuyện kể trên có lẽ đều là một dạng sống lại của trạng thái chết giả, cho dù thời gian đều là hơn tháng, gần tháng nghe có phần hơi khoa trương, nhưng miễn cưỡng thì cũng có thể là cho qua được.
Cho dù là mất đi khả năng chân thực, ví dụ như não đã chuyển nhà đi nơi khác mà vẫn tiếp nhận được sự sống, có thể ăn cơm, sinh con đẻ cái, nhưng chỉ cần không giống như Triệu Xuân đã liên quan tới tử hồn ở âm giới thì không phải là chuyện ma, cũng không thể quy vào văn hóa âm phủ, chỉ có thể coi nó là tin tức xã hội có tính hư cấu. Những lời đồn đại này không liên quan gì tới việc linh hồn đi về giữa hai thế giới âm và dương, đương nhiên không thể coi là “hoàn hồn” trong câu chuyện về âm phủ. Còn về việc sau này mọi người cảm thấy thời gian giả chết ngắn quá không gây được chú ý với người nghe, lập tức thoát ly khỏi kiến thức thông thường như cuộc thi phóng vệ tinh ở thời kỳ đại nhảy vọt, bắt đầu hư cấu nhiều hơn, để người sống lại nằm trong mộ tới vài tháng, vài năm, mười mấy năm, thậm chí hàng trăm năm vẫn có thể bước từ mộ ra, như thế thì có lẽ quá xa chủ đề rồi. Chúng ta hãy đọc hai truyện được ghi lại trong quyển bảy của Bác vật chí[7] do Trương Hoa đời Tây Tấn viết:
[7] ‘Bác vật chí’: nghĩa là loài vật có chí lớn.
Cuối đời nhà Hán, quan trung đại loạn, phát hiện ra mộ của một cung nhân đời Tiền Hán, người cung nhân này vẫn còn sống, lập tức ra ngoài, lại như bình thường. Ngụy Quách Hậu yêu mến, cho nạp vào cung, ở bên hầu hạ sớm tối. Hỏi về những chuyện xảy ra trong cung thời Hán, người đó đều kể vanh vách, rất có trật tự. Sau Quách Hậu biết, khóc lóc rất thảm, rồi chết.
Cuối đời nhà Hán phát hiện ra mộ của Phạm Minh Hữu, người vẫn còn sống (Phạm Minh Hữu là con rể của Hoắc Quang[8]), nói về chuyện nhà Quang, chuyện truất ngôi, giống hệt như những gì được ghi lại trong “Hán thư”. Tên này thường đi khắp nhân gian, không dừng lại ở đâu, không biết sống ở đâu. Hỏi thăm về người này, đáng tin nhưng chưa ai gặp bao giờ.
[8] Hoắc Quang: tự Tử Mạnh, một nhà chính trị thời Tây Hán, làm quan dưới triều Hán Vũ Đế và là phụ chính đại thần thời Hán Chiêu Đế, Xương Ấp Vương và Hán Tuyên Đế.
Hai câu chuyện trên đều là những người chết bị chôn dưới mộ hàng trăm năm mà vẫn “còn sống”, nhưng chúng cũng chỉ giống như tường thuật lại “sự việc” trong các mẩu tin tức xã hội, chứ không nói gì đến âm phủ, quỷ thần. Từ điểm này có thể thấy, chúng thậm chí còn đơn giản hơn cả chuyện về Triệu Xuân được viết trong Hán thư. Ngũ hành chí từ mấy trăm năm trước, không có một chút thông tin nào về thế giới âm phủ. Quách Hoàng hậu chỉ biết hỏi người sống lại kia chuyện trong cung thời nhà Hán hoặc chuyện nhà Hoắc Quang, chứ hoàn toàn không hỏi tới chuyện xảy ra ở âm phủ, dường như hoàn toàn ngược lại với chuyện Hán Văn Đế nói: “Không hỏi chúng sinh, hỏi quỷ thần.” Mặc dù tác giả của câu chuyện cố ý đề cập tới điểm này chỉ vì muốn chứng minh người sống lại là người chết từ mấy trăm năm trước, còn mọi người cũng chỉ coi nó như một hiện tượng tự nhiên, rất hiếm gặp mà thôi.
Nhưng cũng chưa chắc đã là như thế. Những chuyện kỳ lạ này mặc dù không đề cập tới vấn đề “quỷ”, song một khi đã khiến đám Nho sinh ưa bàn chuyện lớn lao về ngũ hành chú ý, thì họ sẽ nghĩ cách để liên hệ những câu chuyện trên với tình tiết “ý trời”, tức là những chuyện này cũng giống như hiện tượng nhật thực, sao chổi, động đất… vậy, đều mang ý dự báo một “tai dịch”[9] nào đó trong biến cố chính trị, trở thành lời “thị cáo” của ông trời đối với chúng sinh. Ví dụ như chuyện Triệu Xuân sống lại, những thứ mà họ quan tâm hoàn toàn không phải việc Triệu Xuân đã ở địa ngục và có giao tiếp với linh hồn người chết, mà là bản thân việc sống lại này đã là một chuyện kỳ quái, muốn qua đó “đưa ra dự báo trước việc con người sẽ phạm phải”, ý của họ là chuyện này báo trước việc Đại tư mã Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán. Gia tộc ngoại thích Vương thị đã bị lật đổ thời Hán Ái Đế, không còn hy vọng lấy lại giang sơn nữa, nhưng đang trị vì thì Hán Ái Đế bệnh chết, Vương Mãng lập nên kỳ tích chỉ trong vòng một đêm mà khôi phục lại địa vị, chuyện này dường như có liên quan đến việc Triệu Thị chết rồi sống lại.
[9] Tai dị: có nghĩa là tai ương và biến cố.
Những Nho sinh này hoàn toàn không dựa vào điềm báo gì, chỉ là liên hệ, kết nối những chuyện xảy ra trong thời gian gần nhất với những “tai dị” lại với nhau, chứ không luận để so sánh, trên lập trường thuận nghịch cũng chẳng có gì chuẩn xác. Ví dụ, cuối thời Tam Quốc, Ngô Tôn Hưu[10] vào năm Vĩnh An thứ tư, An Ngô Minh Trần chết được bảy ngày lại sống lại, đội mồ mà lên, Can Bảo nói đây là ám thị việc Ô trình Hầu Tôn Hạo[11] “được lên ngôi”, còn vào năm Hàm Ninh thứ hai Tấn Vũ Đế[12], Lang Gia Nhân bệnh chết lại nói là giai đoạn Ngũ Hồ loạn Hoa[13] là lúc Lưu Uyên, Thạch Lặc phản lại nhà Tấn.
[10] Ngô Tôn Hưu: Tôn Hưu (235 - 3/9/264), tự là Tử Liệt, sau này trở thành Ngô Cảnh hoàng đế, vị quân vương thứ ba của nhà Đông Ngô trong thời kỳ Tam Quốc. Năm Vĩnh An (258-264) là niên hiệu khi Ngô Tôn Hưu trị vì.
[11] Hầu Tôn Hạo (242-284), hay Đông Ngô Mạt đế là vua thứ tư và là cuối cùng của nhà Đông Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông có tự là Nguyên Tông, tên gốc là Tôn Bành Tổ. Tôn Hạo là cháu của Tôn Hưu. Khi Tôn Hưu lên ngôi thì Hạo được phong làm Ô trình hầu. Về sau, Tôn Hưu mất, các quan Đông Ngô cho Hạo là người sáng suốt nên đã lập lên làm vua.
[12] Tấn Vũ Đế: tên thật là Tư Mã Viêm, tên tự là An Thế (236-17 tháng 5 năm 290), là hoàng đế đầu tiên của nhà Tây Tấn (265-316) trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người có công thống nhất Trung Hoa, chấm dứt thời chia cắt Tam Quốc. Hàm Ninh là một trong những niên hiệu của Tấn Vũ Đế, từ năm 7-280.
[13] Giai đoạn Ngũ Hồ loạn Hoa: (năm dân tộc Hồ làm loạn Trung Hoa) Ngũ Hồ tính năm tộc: Hung Nô (Lưu Uyên - Hán Triệu), Yết (Thạch Lặc - Hậu Triệu), Tiên Ti (Mộ Dung - các nước Yên, trừ Bắc Yên), Đê (Phù Kiên - Tiền Tần, Lý Đặc - Thành Hán), Khương (Diêu Trường - nước Hậu Tần). Một thuật ngữ ít được sử dụng hơn là giai đoạn thập lục quốc để miêu tả thời kỳ hỗn loạn này từ năm 304 đến 439.
Những chuyện này dường như không liên quan gì tới những câu chuyện về địa phủ mà chúng ta muốn bàn tới, vì vậy nói tới những chuyện đó, chỉ vì muốn chỉ ra rằng, trong mắt Nho sinh của Trung Quốc, những câu chuyện về hiện tượng sống lại này nếu có thể kích thích chút gì đó tưởng tượng của họ, thì cũng không phát triển theo hướng nghĩ về thế giới dưới âm phủ, mà điều họ quan tâm hơn cả là ý trời và những liên tưởng về con người, sự vật.
Trong quyển năm của Ngũ tạp trở do Tạ Triệu Chiết người đời Minh đã từng nói rằng, cuối thời nhà Hán và thời Ngụy Tấn có rất nhiều những câu chuyện về việc đội mồ sống lại, và được ghi chép trong chính sử Ngũ hành chí, điều đáng ngạc nhiên nhất là, thời Ngụy Minh Đế, khi khai quật mộ lên, cô gái chôn trong đó còn sống, tính toán thì đã chôn được khoảng năm, sáu trăm năm rồi. Nhưng ông lại nói: Kỳ lạ là, vào cuối thời Đường “Ôn Thao, Hoàng Sào đào xới phần mộ khắp thiên hạ, mà chưa từng nghe nói chuyện lạ nào xảy ra.”
Những câu chuyện về việc đội mồ sống lại đa phần xảy ra vào cuối đời Hán, đầu đời Ngụy - Tấn, hiện tượng này đáng để chúng ta phải suy ngẫm.
2
Từ thời Hán - Ngụy tới nay, văn hóa u minh của Trung Quốc đang xảy ra những biến đổi lớn trong dân gian. Nói chuyện người chết sống lại mà không thăm dò tình hình của người đó khi còn ở âm giới là không hợp với lẽ thường. Vấn đề này được đề cập hơi muộn bởi Can Bảo, trong quyển mười lăm của Sưu thần ký, Can Bảo đã tường thuật lại một câu chuyện được lưu truyền từ trước đó khá lâu, như sau: Thời Tào - Ngụy, có người đi đào mộ phá áo quan, phát hiện ra người phụ nữ trong quan tài diện mạo tươi tỉnh như người sống, bèn dựng dậy hỏi chuyện, đúng là một người sống thật, liền đưa chị ta vào kinh sư. Nhưng hỏi chị ta chuyện sau khi chết, chị ta không hề biết gì. Chỉ nhìn tấm bia gỗ trên mộ, chị ta có lẽ chết được hơn ba mươi năm rồi. Sau đó Can Bảo có đặt câu hỏi thế này:
“Không biết người phụ nữ này có phải đã sống ba mươi năm trong lòng đất hay không? Hay là vừa sống lại đúng lúc có người tới đào mộ?”
Câu hỏi này có lẽ sẽ khiến những người ở thời hiện đại cảm thấy rất mông lung, nhưng thực ra hoàn toàn không đơn giản như những gì chúng ta nhìn thấy. Đối với câu hỏi này, Can Bảo cũng đưa ra câu trả lời, câu trả lời mời xem trong Tấn thư. Can Bảo truyện, chính là câu chuyện về người thiếp của cha Can Bảo mà tôi đã từng nói tới.
Cha Can Bảo sinh thời có một người thiếp yêu, mẹ ông đem lòng ghen tuông, khi cha Can Bảo mất, bèn chôn sống người thiếp đó vào trong mộ với ông. Anh em Can Bảo khi ấy tuổi còn nhỏ, không thể khuyên can. Hơn mười năm sau, mẹ Can Bảo mất, đào mộ lên, thấy người thiếp kia đẩy nắp quan tài mà dậy, vẫn còn sống. Nói rằng vẫn thường ăn uống qua lại với cha Can Bảo, tình cảm nồng thắm như khi còn sống. Sau đó xuất giá lấy chồng, sinh con.
Người tiện thiếp bị chôn sống cùng cha Can Bảo, lại có thể ở trong trạng thái giữa sự sống và cái chết, bà ta là người sống, nhưng hơn mười năm trời lại “sống” dưới mộ, bà ta vẫn có thể sống cùng với vong linh của cha Can Bảo. Tất cả mọi thứ diễn ra dưới âm phủ trong mắt bà ta không khác gì trên trần gian, và không cảm thấy có gì là không thích ứng được. Chỉ hồn ma mới có thể trải nghiệm được điều đó. Thứ mà bà ta ăn là thực phẩm của con người, vì vậy mới có thể duy trì sự sống, nhưng lại có thể tiếp xúc được với linh khí của hồn ma, vì vậy mới có thể biết trước được hung cát giống như ma.
Mặc dù đường đường là quyển chính sử, nhưng những câu chuyện kỳ dị mà Tấn thư ghi chép lại vẫn có thể không đáng tin. Có điều bây giờ chúng ta không đi truy cứu xem có đúng là chuyện ấy xảy ra với nhà Can Bảo hay không, mà là xem con người thời ấy đã bày tỏ quan niệm của mình về thế giới u minh như thế nào trước thân nhân hư cấu của Can Bảo. Trong chương mười lăm của Sưu thần ký còn có một câu chuyện tương tự nữa: “Đời nhà Tấn có một tiện tì bị chôn nhầm không ra được. Hơn mười năm sau, đào mộ mở quan, người tiện tì đó vẫn sống. Nói rằng: “Như vừa nhắm mắt, cảm giác nghiêng dần.” Hỏi ra mới biết, cảm giác của người đó chỉ như vừa mới ngủ một giấc dậy mà thôi. Khi bị chôn, mới mười lăm, mười sáu tuổi. Sau đào mộ lên, tư chất vẫn như cũ. Sống lại năm mười lăm, mười sáu tuổi, lấy chồng, sinh con.” Tôi cảm thấy mấy câu chuyện này đều xuất phát từ một vấn đề chính. Nhưng hậu thế vẫn có những câu chuyện tương tự, ví dụ như trong quyển 375 của Thái bình quảng ký dẫn lời Thôi Hàm sau khi chết sống lại trong Tháp tự ký, Vân Thôi Hàm nói rằng: “Ở dưới đất hai mươi năm. Như người ngủ say, không cần ăn uống. Thỉnh thoảng du hành, hoặc gặp đồ ăn, giống như trong mơ, vẫn phân biệt được.” Còn dẫn lời của Lý Trung trong Kinh thính lục làm nô tì dưới đất ba năm, sau khi sống lại nói rằng “giống như vừa ngủ một giấc.”
Đây là quan niệm về u minh hoàn toàn không có chút liên quan gì tới Phật giáo, nó là sản vật đậm chất quê hương của Trung Quốc. Quan niệm về hai thế giới âm dương của lớp người này có thể kéo dài tới tận hậu thế, trở thành tư tưởng cơ sở cho rất nhiều những câu chuyện ma, đặc biệt là những câu chuyện về tình yêu giữa người sống và ma quỷ của Trung Quốc, cho tới cả những tiểu thuyết kỳ quái đời Minh - Thanh, ví dụ như Liêu trai, có thể còn tìm thấy rất nhiều ví dụ chứng minh nữa, có điều một người sống với nhục thể đầy đủ thì thời gian ở dưới âm giới không dài mà thôi. Ví dụ một đoạn khá quen thuộc với độc giả trong Ngũ Thu Nguyệt dưới đây: “Vương Đỉnh và người tình Ngũ Thu Nguyệt tản bộ trong viện đình vào một đêm trăng sáng, Vương Đỉnh hỏi Thu Nguyệt: “Dưới âm phủ có thành quách không?” Thu Nguyệt đáp: “Giống hệt dương thế, có thành quách. Nhưng thành quách dưới âm phủ không phải ở đây, mà cách đây khoảng ba, bốn dặm nữa, có điều lấy đêm làm ngày.” Vương Đỉnh muốn tới đó xem, Thu Nguyệt đồng ý, thế là:
Nhân lúc đêm trăng họ cùng đi, nàng lướt như gió, chàng vội vàng đuổi theo, chẳng mấy chốc đến một nơi, nàng nói: “Không còn xa nữa.” Vương cố nhướn mắt nhưng không thấy gì, cô gái lấy nước bọt bôi lên mắt chàng, mở ra lại nhìn thấy như bình thường, nhìn ban đêm rõ không khác gì ban ngày, chợt thấy một bức tường ẩn hiện trong đám sương mù xa xa, người đi trên đường tấp nập như đi chợ.”
Rất rõ ràng, Vương Đỉnh đi xuống âm giới với thân phận của một người còn sống, anh ta không thể bay lượn nhẹ nhàng như linh hồn, mà mắt của người sống cũng không thể nhìn thấy những thứ dưới âm giới. Khi anh ta mang theo vong hồn của người anh trai Vương Nại đưa về dương thế, hồn của Vương Nại lập tức tương hợp với thi thể mình, còn Vương Đỉnh lại không có trình tự ấy.
3
Can Bảo đã từng đưa ra câu hỏi “hay vừa mới sống lại, thì gặp ngay người đào mộ?”, cũng chính là muốn nói, con người đã chết rồi, nhưng lại sống lại, và thời gian sống lại vừa trùng hợp với thời gian có người đào mộ lên. Đây cũng là một giả thiết hợp lý của người thời ấy. Nhưng giả thiết này cũng có chỗ không ổn, đó là tại sao lại có thể “trùng hợp” như thế, nếu không “trùng hợp” như thế thì sẽ thế nào? Thì sẽ lại phải có thêm những tình tiết kỳ quái khác xảy ra để câu chuyên trở nên hợp lý, ví dụ như người chết lại báo mộng cho người sống hoặc linh hồn mượn xác người để nói.
Trong quyển mười lăm của Sưu thần ký, Can Bảo có ghi lại một câu chuyện những năm đầu của thời Tây Tấn như sau: “Nhan Kỳ người Lang Gia[14] bị ốm, đến nhà thầy thuốc chữa bệnh, chết ở nhà thầy thuốc. Sau khi nhập quan, người nhà đưa tang, nhưng lá cờ tang lại quấn chặt vào cành cây, không sao tháo ra được, dường như linh hồn người chết lưu luyến không muốn rời khỏi nhân thế, càng khiến những người đưa tang thêm đau lòng. Đột nhiên, người dẫn quan ngã nhào xuống đất, miệng nói ra toàn những lời của Nhan Kỳ rằng: “Ta chưa đến số chết, nhưng uống nhiều thuốc quá, khiến lục phủ ngũ tạng bị tổn thương. Giờ đang sống lại, đừng đưa tang vội.” Thế là cha Nhan Kỳ vui mừng nói: “Giờ là đón con về nhà, chứ không phải đem chôn con.” Lúc này lá cờ đó mới chịu buông cành cây ra. Đến khi linh cữu về tới nhà, vợ của Nhan Kỳ lại mộng thấy anh ta, nói: “Ta đang sống lại, mau mau mở nắp quan tài ra.” Những người khác trong gia đình cũng liên tiếp mơ thấy giấc mơ đó, cuối cùng cũng thuyết phục được song thân “không tin tà ma” của Nhan Kỳ, mở nắp quan tài ra. Thấy thi thể của Nhan Kỳ quả nhiên nhìn vẫn như người đang sống, nhưng vì lấy tay để cào nắp quan tài, nên móng tay bị thương hết, hơi thở yếu ớt, sống hay chết còn chưa biết.”
[14] Lang Gia: một địa danh từ thời Tiên Tần đến triều Đường.
Nhan Kỳ cào tay trong quan tài, rõ ràng là đã sống lại, nhưng anh ta lại có thể điều khiển lá cờ tang làm trò kỳ quái, mượn xác báo mộng, rõ ràng là những việc mà người bình thường khi còn sống không thể làm được. Vì vậy chỉ có thể coi Nhan Kỳ trong quan tài đang ở trong trạng thái giữa sống và chết. Thiếp của cha Can Bảo có thể sống trong mộ bao nhiêu năm như thế, còn Nhan Kỳ nếu chỉ chậm một chút là đã có thể tắc thở trong quan tài. Cùng là người sống bị chôn nhưng lại có hai kết quả khác nhau, từ đó có thể thấy được sự biến đổi kỳ diệu và tính tùy hứng trong các câu chuyện về thế giới u minh.
Tình tiết phá quan tài sống lại này đương nhiên cũng có tính địa phương, khi đào mộ lên cần phải báo mộng cho người nhà, bởi vì chỉ người nhà mới có thể đào mộ một cách hợp pháp. Nhưng điều này cũng không dễ dàng cho lắm, Nhan Kỳ mặc dù báo mộng cho người nhà, nhưng chưa chắc tất cả mọi người đều tin, cũng may cha anh ta là người theo chủ nghĩa duy vật không đến nơi đến chốn, cuối cùng cũng đồng ý thử một lần xem sao, nếu không anh ta chỉ còn cách dùng móng tay mình mà cậy quan tài ra thôi. Mà một truyện trong Chi điền lục của Đinh Dụng Hối người đời Đường viết rằng, việc tìm người thân để báo mộng không dễ, phu nhân Tiêu Thị vì sinh con mà mất, chồng là Thôi Sinh lại lấy vợ kế là Trịnh Thị. Tiêu Thị chết mười hai năm sau sống lại, nhưng không ra được khỏi quan tài. Lúc này chồng bà ta cũng đã chết, đành phải báo mộng cho con trai, nhưng đứa con trai mười hai tuổi sau khi mơ giấc mơ đó không dám nói lại với mẹ kế Trịnh Thị. Tiêu Thị không còn cách nào khác, đành phải tiếp tục báo mộng cho lão bộc. Lão bộc cũng không có quyền thay chủ nhân đào mộ lên, cuối cùng vẫn phải bẩm báo lại với chủ mẫu Trịnh Thị. Cũng may Trịnh Thị hiền đức, nếu như gặp phải một tiểu thư vương phượng, thì chắc chắn là Tiêu thị sẽ chết trong quan tài rồi.
Không biết báo mộng cho ai cũng chưa chắc đã phải chết, nhưng trong tình huống đó thì còn đau khổ hơn cả cái chết. Trong quyển 375 Thái bình quảng ký có dẫn một chuyện trong Thần dị lục như sau: “Vào thời Ngụy Văn Đế, một cung nữ của Chân Hoàng hậu, sau khi chết chôn trong Nghiệp đô[15]. Nhưng sau khi chết không lâu, “sự sống được phục hồi, nhưng ta chẳng có người nhà để khiếu nại”, “khiếu nại” ở đây chính là muốn chỉ báo mộng. Cung nữ này có lẽ vào cung từ rất sớm, nên không nhớ gia đình mình giờ đang ở nơi nào, vì vậy không có ai để báo mộng, cũng là đoạn tuyệt với hy vọng duy nhất được ra khỏi huyệt mộ. Thế là cung nữ này đành phải âm thầm sống trong mộ tối hết ngày này qua ngày khác, muốn sống cũng không được mà muốn chết cũng chẳng xong, cho tới ba trăm năm sau, Đậu Kiến Đức quy hoạch lại Nghiệp đô với quy mô lớn, khai quật những ngôi mộ cổ lên, lúc đó cô ta mới được giải phóng. Ba trăm năm đó cô ta sống ở trạng thái nào, dường như từ trước tới nay chưa có ai nghiên cứu về vấn đề này, người sống trên nhân thế, có ăn có uống cũng khó sống được hơn trăm tuổi, vậy thì người sống trong mộ có lẽ phải ở trạng thái hôn mê hoặc người thực vật, nhưng như thế lẽ ra cũng nên có người đánh thức cô ta dậy chứ? Sau này, Đậu Kiến Đức bị quân nhà Đường tiêu diệt, cung nữ này để cảm ơn ơn cứu mạng của Đậu, đã lấy cái chết để tương ngộ, điều này cho thấy cô ta không chỉ cảm kích vì được cứu mạng, mà cảm kích hơn cả là vì Đậu Kiến Đức đã giải thoát cô ta khỏi ngôi mộ.
[15] Tên một địa danh thuộc vùng Đông Bắc tỉnh Hà Bắc hiện nay.
Câu chuyện này cũng có một điểm đáng chú ý, “sự sống được phục hồi” của cung nữ này có liên quan gì đến tác dụng của âm phủ hay không? Nếu sự sống lại của cô ta là do âm phủ thả về, vậy thì dưới âm phủ đã hồ đồ quá rồi. Nếu đã cho người ta sống lại, thì nên để người ta quay về với cuộc sống nơi nhân thế, nhưng giờ chỉ vứt cô ta ra khỏi âm phủ, chẳng hỏi han xem cô ta có thể quay lại dương gian hay không, chẳng khác gì nhà tù giữa sa mạc, thả người, nhưng lại không quan tâm người ta sẽ ra khỏi sa mạc thế nào. Nhưng trong câu chuyện này hoàn toàn không nhắc đến âm phủ, chỉ giải thích nguyên nhân của sự sống lại vào một chữ “mệnh”. Chuyện này mặc dù được viết vào thời Đường, nhưng hình thức sống lại gần giống với quan niệm thời Hán - Ngụy, hoàn toàn không liên quan gì tới âm phủ.
Từ đây có thể hiểu được những lần đào mộ với quy mô lớn của nông dân, cũng giống như đánh những nhà thủ hào vậy, ngoài việc có thể bổ sung vàng bạc châu báu cho quân thực ra, còn có thể có thu hoạch bất ngờ là giải phóng những sinh hồn. Giống như cung nữ xinh đẹp này, đương nhiên làm thê thiếp của Đậu Đại vương rồi, nếu là một tên hư danh vớ vẩn, có lẽ cũng sẽ chết dưới đất rồi. Chỉ đáng tiếc những sản phẩm như thế này quá ít, nhưng cũng có lẽ những công ty đào mộ tư nhân ở Trung Quốc quá nhiều, làm ăn phát đạt, Diêm Vương còn chưa kịp giáng chỉ cho người chết sống lại, thì bên này quan tài đã bị đào lên hết.
Những chuyện trộm mộ trong lịch sử rất nhiều, đặc biệt là chính quyền Xích Mi trong thời kỳ Tân Mãng và dưới sự thống trị của Tào Tháo cuối thời Đông Hán, càng nổi tiếng trong lịch sử trộm mộ. Phong khí đến, dân gian tự nhiên cũng sẽ thay đổi theo, vì vậy những câu chuyện kỳ quái được xây dựng lên do đào trộm mộ mà xuất hiện người chết sống lại cũng khó tránh được. Phần trước chúng ta có nhắc đến “huyện phụ Quận Vũ Lăng tên là Lý Nga sống lại”, vốn là có người qua đường nghe thấy “mộ bà ta có tiếng” sau đó đi về báo với người nhà để đến đào mộ lên. Nhưng sau này lại xuất hiện một phiên bản khác của việc đào trộm mộ, cũng được ghi chép trong Sưu thần ký. Nguyên văn gần cả nghìn từ, còn nhiều hơn mười lần so với bản “tin tức xã hội” trước đó, câu chuyện cũng khúc khuỷu, sinh động hơn nhiều, rõ ràng là đã thêm thắt rất nhiều chi tiết được nhân gian sáng tạo ra. Một trong số đó chính là giới thiệu về “mộ tặc”. Phần mở đầu câu chuyện đã thay đổi thành bà lão Lý Nga sáu mươi tuổi sau khi chết được chôn bên ngoài thành, đã qua mười bốn ngày. Người hàng xóm nhà bà ta có người tên Sái Trung, biết nhà Lý Nga có tiền, nên cho rằng trong mộ bà ta có chôn theo không ít vàng bạc, của cải, liền đi đào mộ trộm tiền. Sau khi đào mộ lên, dùng búa mở nắp quan tài, mới chém được vài cái, liền nghe thấy tiếng Lý Nga hét trong quan tài: “Sái Trung, cẩn thận không chém vào đầu ta.” Sái Trung nghe thấy vậy, sợ tới mức nhảy ra khỏi mộ chạy biến mất, lại bị tên lính đi tuần bắt gặp, cuối cùng giúp Lý Nga được nhìn thấy ánh mặt trời.
Ngoài ra, câu chuyện này còn có gia giảm thêm một tin tức quan trọng về thế giới u minh, tức là sự sống lại của Lý Nga là do âm phủ bắt nhầm, vì vậy linh hồn của bà ta mới có thể quay về dương gian dễ dàng như thế, cũng may là bà ta gặp được người anh họ bên ngoại làm quan dưới âm phủ. Những chuyện về sống lại ở cuối thời Hán sau khi truyền đến đời Ngụy - Tấn, thì đã xảy ra sự biến đổi tác dụng của âm phủ. Hơn một nghìn năm về sau, đại đa số những câu chuyện sống lại đều có phiên bản như thế. Ngụy - Tấn là thời kỳ mà thế giới tư tưởng của Trung Quốc xảy ra những biến động lớn, văn hóa u minh không tránh khỏi việc chịu ảnh hưởng, từ đó xuất hiện thêm một vài nội dung mới mẻ hơn.
4
Nghiêm túc mà nói, báo mộng không phải là phương thức liên lạc duy nhất của những người đã chết rồi sống lại trong mộ với người sống, bởi vì theo như những câu chuyện ma xuất hiện trong dân gian từ rất sớm, thì những nhân vật chính bị giam trong mộ này, linh hồn của họ không những có thể báo mộng cho người sống, mà còn có thể hiện hình trên thế gian. Bởi vì theo quan niệm của người Trung Quốc xưa, người sau khi chết, hồn ở dưới mộ, trong một điều kiện nhất định, ví dụ như “cảm nhận được sự chân thành” thì có thể thoát ra khỏi mộ và ra ngoài gặp người sống. Thế nào gọi là “chân thành”? Tình yêu nam nữ không bị chia cắt bởi cái chết là một trong những dạng “chân thành”.
Trong quyển mười lăm của Sưu thần ký do Can Bảo viết có ghi chép lại một câu chuyện tình yêu của một người vợ xinh đẹp thời Tần Thủy Hoàng như sau: “Vương Đạo Bình có quan hệ yêu đương với thiếu nữ nhà họ Đường cùng thôn, thề kết làm phu thê. Nhưng Đạo Bình bị bắt đi lính, sang Nam Quốc, chín năm không về. Nhà họ Đường ép gả con gái làm vợ Lưu Tường, cô gái mặc dù trong lòng không muốn, nhưng lệnh bố mẹ không thể không nghe, đành lấy Lưu Tường. Nhưng từ đó về sau buồn bã không vui, thường nhớ nhung Đạo Bình, oán hận sâu dần, cuối cùng buồn bã mà chết. Ba năm sau khi cô con gái nhà họ Đường chết, Đạo Bình mới trở về quê hương, biết người yêu đã chết, liền đến trước mộ khóc tế, nói rằng: “Nếu nàng linh thiêng, hãy để cho ta nhìn thấy nàng. Nếu không linh, thì chúng ta cáo biệt từ đây.” Không ngờ linh hồn của người con gái họ Đường đi từ mộ lên, nói: “Thân thiếp chưa tan, có thể tái sinh, chúng ta lại là vợ chồng. Xin hãy mau đào mộ mở quan tài ra, để thiếp được sống lại.”
Kết quả cuối cùng đương nhiên là đôi tình nhân phải sinh ly tử biệt suốt mười mấy năm nay lại mặn nồng ân ái bên nhau.
Rõ ràng câu chuyện này rất giống câu chuyện mang tính hài hước Ngô Vương tiểu nữ Tử Ngọc được thu thập trong Sưu thần ký, một vở kịch được diễn với cùng một cách thức nhưng khác địa điểm và thời gian. Con gái của Ngô Vương phu sai là Tử Ngọc, trong thời gian người yêu Hàn Trọng đến Tế Lỗ du học, do cha không đồng ý cho mình được gả về nhà họ Hàn mà lâm trọng bệnh chết. Ba năm sau khi Hàn Trọng quay về, “khóc lóc rất thương tâm, quỳ trước mộ suốt”, còn linh hồn của Tử Ngọc đã ra khỏi mộ để gặp Hàn Trọng. Sau đó Hàn Trọng tiễn Tử Ngọc vào lại trong mộ, “Ngọc cùng chàng làm lễ bày tiệc, ở lại ba ngày ba đêm, kết thành phu thê.” Nhưng cuối cùng vẫn là “người ma đôi đường”, một kết cục bi thương.
Nhưng trong câu chuyện của Tử Ngọc, tình tiết người sống đi xuống âm phủ để “làm lễ kết thành vợ chồng”, không nghi ngờ gì nữa, đây chính là một tình tiết đột phá trong quan niệm về âm phủ, mà ngoài kết thúc bi thảm người và ma mỗi người mỗi ngả ra, lại có một diễn biến theo hướng khác, tức là chỉ cần cuộc sống vợ chồng của họ kiên trì trong một thời gian nhất định, thì có thể khiến xương cốt sinh thịt, người chết sống lại. Câu chuyện về Đàm Sinh trong Liệt di truyện do Tào Phi viết xuất hiện chi tiết này sớm nhất:
Đàm Sinh, bốn mươi tuổi, không vợ, ham mê đọc sách. Đột nhiên nửa đêm có một người con gái, tuổi khoảng mười lăm, mười sáu, dung nhan xinh đẹp, quần áo lượt là, thiên hạ vô song, đến bên muốn kết làm vợ chồng với Sinh. Nói rằng: “Ta và chàng không giống nhau, không được để ánh sáng chiếu vào ta. Ba năm sau, mới được ra ánh sáng.” Làm vợ chồng, sinh một đứa con trai, đã hai tuổi. Không thể kìm được, sau khi vào phòng, lén nhìn trộm, người đó từ phần eo trở lên, có da thịt như người sống, nhưng từ phần eo trở xuống chỉ là một bộ xương. Người con gái đó biết, liền nói: “Chàng phụ ta, ta đang hồi sinh, không thể nhịn thêm một năm nữa để được nhìn thấy nhau sao?”
“Dung nhan xinh đẹp, quần áo lượt là, thiên hạ vô song” mà nửa đêm nhìn thấy cảnh đó, chỉ cần có ánh lửa trên dương thế liền hiện nguyên hình là một bộ xương. Đây có thể trở thành đề tài khủng bố mang tính chất trào phúng dưới ngòi bút của văn nhân, nhưng tình yêu giữa người và ma ở thời cổ đại lại rất sâu sắc, Đàm Sinh nhìn thấy nửa dưới là bộ xương hoàn toàn không sợ hãi, ma nữ cũng không vì bị ánh sáng chiếu vào người mà nổi giận, cả câu chuyện chỉ là tiếng kêu ai oán bi thương, nhất là người con gái kia đa tình trọng nghĩa, trước khi hoàn toàn biến mất còn sắp xếp để chồng và con trai mình được gặp gỡ cha mẹ giàu có của mình nữa, khiến kết cục bi thảm có chút an ủi, đồng thời cũng cảm nhận được tình cảm của người vợ.
Sau Can Bảo, những câu chuyện loại này còn tiếp tục được lưu truyền tới đời sau nữa và không ngừng phong phú hơn.
Sưu thần hậu ký do Đào Tiềm viết có ghi rất nhiều, mà trong đó có hai câu chuyện về con gái của Thái thú Quảng Châu - Từ Huyền Phương và con gái của Thái thú Vũ Đô - Lý Trung Văn, có thể hai câu chuyện có cái kết bi hỷ đan xen đại diện cho thể loại truyện này. Tình tiết trong hai câu chuyện gần giống nhau, nhưng những câu chuyện loại này đã được dân gian phục chế và thêm thắt rất nhiều, trở thành một loại hình của truyện dân gian.
Con gái Thái thú Vũ Đô - Lý Trung Văn, năm mười tám tuổi bị bệnh chết, chôn cất ở phía bắc thành. Thái thú kế nhiệm Trương Thế Chi có người con trai tên Tử Trường, đêm mộng thấy một thiếu nữ, kết thành vợ chồng. Sau đó tì nữ nhà Trung Văn đến thăm mộ tiểu thư, đến nhà Trương Thái thú chào hỏi trước. Không ngờ nhìn thấy một chiếc giày thêu của của tiểu thư quá cố trong phòng con trai Trương Thái thú, tì nữ liền lén lút mang về, báo cáo chủ nhân. Lý Thái thú hỏi Trương Thái thú: “Sao con trai ngài lại tìm thấy giày của con gái tôi?” Trương Thái thú gọi con trai đến, Tử Trường kể lại đầu đuôi câu chuyện. Hai vị thái thú đều thấy rất kỳ lạ, liền đào mộ lật áo quan lên xem, chỉ thấy thi thể Lý tiểu thư vẫn như người sống, nhan sắc như xưa, chỉ còn một chiếc giày bên chân phải. Nhưng sau đó thi thể nhanh chóng thối rữa, không thể sống lại nữa.
Câu chuyện kết thúc với một cái kết bi thương, nhưng nội dung của truyện Con gái Từ Huyền Phương lại có cái kết vui, trong đó có kể về quá trình cô gái sống lại, chữa khỏi bệnh sau thời gian ốm nặng, rất có đầu có đuôi.
… Khi mở nắp quan tài ra, ngay đầu tiên nhìn thấy, con gái dung nhan vẫn xinh đẹp như xưa. Từ Từ ôm con ra, cuốn vào trong chăn, một lúc sau tim đập lại, bắt đầu thở. Lệnh cho bốn nữ tì trông giữ thi thể. Hai mắt đang nhắm nghiền dần dần mở ra được, miệng có thể uống nước cháo, rồi bắt đầu nói. Trong vòng hai trăm ngày, chống gậy đi lại, sau một kỳ, nhan sắc, da dẻ, khí lực trở lại bình thường. Chọn ngày lành tháng tốt, tìm rể gả chồng cho con.
Những câu chuyện kiểu này có ảnh hưởng rất lớn đến hậu thế, bởi vì nó đã mở ra một cánh cửa trong suốt trong nhân tính về lễ giáo được đóng kín của con người, khiến nhân tính được sống lại. Đây cũng chính là điểm những người theo đạo rất không hài lòng, thế là một loại đề tài khác lại được du nhập, với ý đồ những dạng chuyện kiểu này sẽ duy trì được hình thức đạo đức mà họ đang bảo vệ. U minh lục của Lưu Nghĩa Khánh người đời Lưu Tống có ghi lại chuyện Chung Diêu thời Tam Quốc. Chung Thái phó dạo này không lên triều, thì ra là vì thường có một người con gái theo về nhà ông ta, “nhan sắc xinh đẹp hơn người thường”, do đó ông ta mới chìm đắm trong tình ái. Đồng liêu hỏi rõ xong liền nói: “Chắc chắn là ma quỷ, phải giết”, thế là khi người con gái đó lại đến, Chung Diêu mặc dù có chút không nỡ, nhưng vẫn cho cô ta một đao. Người con gái bỏ chạy, máu chảy ròng ròng, lần theo vết máu đến một ngôi mộ, đào mộ lên thấy bên trong là một người con gái, nhìn như người đang sống. Đạo sĩ Đỗ Quang Đình thời Ngũ Đại có viết một chuyện trong Tiên truyền thập di coi việc sống lại của vong thê này là thi thể của yêu quái.
Vợ Trương Úy người Thục Xuyên đã chết rồi sống lại, lại là vợ chồng. Diệp pháp than thở nói: “Đây là thi thể của yêu mị, nếu không sớm diệt trừ, thì Trương cũng chết.”
Đây thật cũng là chuyện quá vớ vẩn, khiến người ta không khỏi coi Diệp thiên sư là yêu đạo. Song đến thời Tống, cùng với sự ảnh hưởng của khoa học ngày một lớn, trong những câu chuyện hoàn hồn còn đặc biệt thêm những cách thuyết giáo phạt để răn dạy sự “đa dâm”.
Trong truyện Người con gái thành Nam, Ngạc Châu ở quyển một Di kiên chi mậu do Hồng Mại viết, kể về gia đình Ngô Thị giàu có một người con gái, cảm mến người phục vụ tên Bành Tiên ở quán trà đối diện nhà, có ý muốn được kết duyên, ngày đêm tương tư thành bệnh. Cha mẹ hỏi ý, liền nói muốn đính hôn với Bành Tiên, không ngờ Bành Tiên “khinh bỉ những hành động của người con gái đó, lên tiếng khước từ”. Thế là con gái nhà họ Ngô dần dần ốm o mòn mỏi mà chết, chôn cất tại một ngôi mộ cách nhà hàng trăm dặm. Tang lễ rất khoa trương, mời họ hàng gần xa đến dự. Dưới núi có một người tiều phu trẻ tuổi, nghĩ rằng trong mộ hẳn chôn cất theo rất nhiều của quý, liền nửa đêm mò tới để đào