Hoạt vô thường [1]
[1] Hoạt vô thường: hoạt là công việc, ở đây muốn nói đến những việc vô thường.
1
Có một loại hồn rời khỏi thể xác được gọi là “đi về cõi âm”, còn có cách gọi khác là xuống âm giới, đi về nơi vô thường. Tức là linh hồn của người sống tạm thời bị âm giới mời về, nhận một chức ở dưới đó để xử lý công việc, sau khi làm xong có thể quay lại dương thế. Kiểu thoát xác này thỉnh thoảng mới xảy ra một lần, nhưng đại đa số chức vụ đó là kiêm nhiệm, cứ cách năm ba ngày lại đi một chuyến nên được gọi là “đi về cõi âm”, hơi giống với việc quen đường thuộc lối đi thăm họ hàng thân thích.
Nhưng “đi về cõi âm” cũng được chia làm hai loại tùy thuộc vào thân phận của từng người, như “quân tử hóa thành vượn, thành thiên nga, còn tiểu nhân hóa thành côn trùng, đất cát”. Các tiên sinh đại nhân đi về cõi âm là “phán minh”, tức là xuống âm giới làm phán quan giải quyết mọi chuyện thay Diêm Vương, còn loại thảo dân thì chỉ có thể trở thành quỷ sứ đi bắt hồn. Chuyện của phán minh sẽ được bàn chi tiết hơn ở phần sau khi nói đến Diêm Vương, ở đây chúng ta chỉ nói đến những âm sai đại diện tạm thời hoặc hợp đồng, thực ra đa phần họ là âm sai đại diện có tính chất có nghĩa vụ, cách gọi của nó cũng khác nhau, tùy vào ngôn ngữ của từng địa phương, có nơi gọi là “hoạt vô thường”, hoặc “hoạt câu sai”, “dạ bài đầu” (thời cũ có nơi gọi những nha dịch này là “bài đầu”), mặc dù giữa chúng cũng có những khác biệt nhỏ, nhưng cùng là chỉ cơ thể sống trên nhân thế, nhưng linh hồn của họ lại kiêm chức âm sai xuống địa phủ làm “quỷ vô thường”.
Đối với tiên sinh quỷ “vô thường” này, Lỗ Tấn đã thu thập tất cả trong Vô thường ở tác phẩm Hồ hoa tịch thập[2] và đã được giới thiệu rất đầy đủ, ở đây tôi chỉ bổ sung một câu. “Vô thường” chính là âm sai chuyên đi bắt sinh hồn, nhưng âm sai là danh từ đã được nhắc đến từ lâu, còn quỷ vô thường thì phải đến đời Nam Tống mới thấy xuất hiện trong sách (Mời đọc truyện Anh Châu Thái phủ ở quyển hai trong Di kiên chi mậu của Hồng Mại). Đến đời Minh, vô thường được nhắc đến nhiều ở Thủy hử và Tam ngôn nhị phác, những tiểu thuyết nổi tiếng ở đời Thanh thì càng được sử dụng nhiều và rộng rãi trong bút ký của các nhà văn, và hình tượng của nó cũng dần dần được định hình trong dân gian, đa phần là “thân cao hơn trượng”, kích thước thời cổ không giống với bây giờ, mặc dù không đến nỗi cao hơn ba mét nhưng cũng có thể sánh với những cầu thủ bóng rổ trong “Đội hình mơ ước[3]” của Mỹ. Trên người mặc áo vải gai màu trắng, sau này thường đi theo đôi một đen một trắng, lại thêm khái niệm về “Hắc vô thường” - quỷ mặc áo đen, trên đầu đội một chiếc mũ làm từ giấy hoặc từ vải gai thô, cổ đeo một chuỗi vòng bằng giấy, cũng có nơi nói là được vác trên vai. Luôn đi hai người, cũng giống như “đi điều tra” ở trên nhân gian, cùng nhau làm việc và giám sát lẫn nhau.
[2]. ‘Hồ hoa tịch thập’ là cuốn hồi ký duy nhất của Lỗ Tấn, tên cũ nhắc là ‘Nhắc lại chuyện cũ’.
[3]. “Đội hình mơ ước” (tên tiếng Anh là “Dream team”): tên gọi dành cho đội tuyển bóng rổ quốc gia Mỹ.
Vì vậy, “hoạt vô thường” đi về cõi âm chính là một vai diễn do người sống đảm nhiệm, ngôn ngữ Trung Quốc có tính suy ngẫm rất cao, một từ “sống” kết hợp với danh từ chính, bản thân nó sẽ có nghĩa là “không phải là thật”, đương nhiên bình thường thì điều này hoàn toàn không có nghĩa xấu, nếu trong cuộc sống có “Lôi Phong sống”, trên sân khấu có “Tào Tháo sống”, ngay cả những ác bá cường hào bị bách tính lén gọi sau lưng là “Diêm Vương sống”, cũng đã được hảo hán ở thôn Thạch Kiết dùng làm tên gọi tếu. Mà âm phủ được miêu tả trong Ngọc lịch bảo sao cũng có “hoạt vô thường”, hoàn toàn không phải là giả, “hoạt vô thường” này rất hợp với “chết có phần”, lấy ý nghĩa là “người sống vô thường, cuối cùng sẽ chết”, là một đôi quỷ sứ ở tầng điện thứ mười, nhiệm vụ của chúng không phải là đi bắt linh hồn người sống mà ngược lại, chúng đi thúc giục vong hồn đầu thai. Đây chính là khái niệm mới mà người viết Ngọc lịch bảo sao sáng tạo dựa trên những điều được lưu truyền trong nhân gian. Mặc dù chưa được dân gian công nhận, nhưng tên của đôi quỷ này đã được sử dụng rộng rãi, khi diễn kịch trên sân khấu sẽ dùng để gọi Bạch - Hắc y, nhưng vì đã có khái niệm “hoạt vô thường” đi về cõi âm trong dân gian rồi, đành phải đổi tên của vị quỷ sứ của âm phủ này thành một cái tên nghe không thuận chút nào “vô thường chết”.
Những điều kể trên chỉ là muốn nói rõ, ít nhất thì trước đời Tống, không phải tất cả quỷ sứ đi bắt hồn đều áo gai mũ cao, thân cao hai trượng. Thực ra từ đời Minh - Thanh cho đến thời cận đại, chúng ta chỉ bắt gặp những hình tượng như thế trong tiểu thuyết, đa phần quỷ sứ đi bắt người đều không khoa trương dọa người như thế, chẳng qua cũng giống nha dịch trong quan phủ ở nhân gian mà thôi, chỉ như thế mới dễ để người sống giả mạo thay thế. Còn “hoạt vô thường” mà chúng ta thường nói, chọn một người cao lớn khoác lên người anh ta bộ áo vải gai mũ mạo cao sang để đóng giả, thường chỉ gặp trong các lễ tế thần, đón thần, do người sống đóng giả “vô thường”. Trong cuộc sống thực tế, thật ra rất ít gặp những hình dạng “hoạt vô thường” được miêu tả như trong Động linh tiểu chí ở phần sau.
2
Những ghi chép sớm nhất về việc “đi về cõi âm” được tìm thấy trong cuốn Sưu thần ký của Can Bảo, nhưng câu chuyện trong đó là chuyện về nước Ngô thời Tam Quốc. Địa điểm là ở Phú Dương, Chiết Giang, theo như trào lưu đính kèm tên người nổi tiếng vào bây giờ thì nơi đây chính là quê gốc của “vạn tuế gia” Tôn Trọng Mưu[4], người mà một người cố chấp như Tào Tháo cũng muốn lấy làm hình mẫu để sinh con trai, và cũng là nơi khá nóng trong giới khảo cổ hiện nay, đương nhiên còn một điểm nữa đáng để nhắc đến là, thần Chương Liễu[5] - sản phẩm nổi tiếng ở đây.
[4]. Tôn Trọng Mưu: tức Tôn Quyền, tự Trọng Mưu, người Phú Dương, Chiết Giang. Ông là người xây dựng nước Ngô thời Tam Quốc.
[5]. Thần Chương Liễu: dụng cụ mà những nhà chiêm tinh học thường dùng.
Nhân vật chính trong chuyện là vợ của Mã Thế, tên Tưởng Thị, trong thôn hễ ai sắp chết vì bị bệnh, Tưởng Thị đều tâm thần hoảng hốt, ngủ vùi qua ngày. Cho tới khi người bệnh đó chết rồi, chi ta mới tỉnh lại, nói người đó chết là do chị ta. Người khác không tin, chị ta liền kể lại tỉ mỉ những chuyện kỳ quái vừa xảy ra ở nhà người chết, đó đều là những trò ma quái mà chị ta gây ra. Người khác liền đi điều tra để kiểm chứng, quả không sai, ai cũng phải kinh ngạc, hãi hùng. Lần này lại có một người mặc áo đen (hắc y nhân), chắc chắn là công vụ của âm phủ rồi, lệnh cho Tưởng Thị đi giết người anh trai đang lâm bệnh của chị ta. Chị ta lại thay anh trai xin xỏ, nói qua nói lại, quyết không chịu ra tay. Khi tỉnh lại, chị ta liền nói với anh trai: “Không sao rồi, anh không chết nữa đâu.” Kết cục sau đó không được nói đến, nhưng đương nhiên sau khi chị ta tự mình quảng cáo, giới thiệu, những công việc làm ăn như tới gặp chị ta xin niệm tình khi ra tay, hay “hối lộ” âm gian… bắt đầu phát triển.
Câu chuyện trên rất đơn giản nhưng đã khái quát được hai đặc điểm chính của người chuyên đi về cõi âm sau này.
Một là, bà Mã ở dương thế có lẽ là người phụ nữ làm chủ gia đình, làm gì không rõ, nhưng công việc kiêm nhiệm thứ hai mà chị ta làm là giúp âm phủ bắt người. Hai là, chính nhờ công việc kiêm nhiệm này, chị ta trở thành nhân vật có khả năng ra vào công môn nơi âm phủ, tiến hành một vài giao dịch với âm phủ, giúp người trên dương thế đi cửa sau, nhờ việc này mà chị ta đã có thêm công việc kiêm nhiệm thứ ba, và có lý do để từ chối làm công việc đầu tiên của mình. Còn việc mỗi khi chị ta đi về cõi âm là người chị ta ở trạng thái ngủ vùi gần như bất tỉnh, không khác nhiều so với những kẻ bị mất hồn khác, cho dù có nằm nhiều hơn người khác ba ngày, hai đêm thì cũng không có gì khó, cùng lắm là lén ăn chút đồ ăn đêm để lót dạ là được.
Những phán quan dưới trướng Diêm Vương ở địa phủ, đầu trâu mặt ngựa, Hắc - Bạch vô thường, quỷ sứ âm sai tổ chức thành hệ thống chấp pháp rất mạnh, tại sao còn phải mượn người ở dương gian để đi bắt hồn? Thường thì chỉ có một lý do, đó là người ở địa phủ không đủ. Trong Ngữ quái, Chúc Doãn Minh đời Minh viết: “Hoạt vô thường chủ yếu là giúp địa ngục bắt người, ngoài việc bắt người, có lẽ thỉnh thoảng còn làm vài việc như “nha dịch vận chuyển”, thế thì cũng vẫn là âm sai. Giờ thì chúng ta đã có thể hiểu được từ “nha dịch” trong thời cổ đại, trước nghĩ rằng đó giống như công an, cảnh sát chuyên trách, thực ra không hẳn, trong nha môn có tôi tớ, sai dịch chuyên trách, nhưng cũng có một vài “lao dịch” là dân thường và đây chỉ là công việc thời vụ. Những người làm công việc đối phó cũng có mà trực đêm cũng có, khi sai dịch chuyên trách không đủ, cũng có thể làm công an tạm thời, những việc chuyên ngành quá thì không thể làm được, nhưng những công việc cần đến sức như khi đánh phạm nhân dùng đùi kẹp đầu hoặc dùng tay giữ chân, có lẽ cũng không vấn đề gì.
m phủ thường dùng “hoạt vô thường”, đương nhiên có liên quan đến những điều lệ trong quan phủ ở dương gian, nhưng nếu lấy đó làm lý do thì không được đầy đủ lắm. m phủ có thể lấy người từ nhân thế xuống làm sai dịch, nhưng khi những ông lớn trên dương thế cũng muốn mượn mấy kẻ đầu trâu mặt ngựa về làm người giữ cửa nha môn, để đề phòng bọn gian dân đến đưa cáo trạng thì Diêm Vương, liệu ngài có đồng ý hay không?
Hơn nữa, những người làm nha môn dưới địa phủ chưa chắc đã là thật sự không đủ, trong truyện Vương A Sinh ở quyển tám của cuốn Mộng quảng tạp trứ do Du Giao viết có ghi lại việc quỷ sử tới bắt hồn của một sản phụ trên một cái hồ, lại dùng đến cả một chiếc thuyền lớn: “Đến trước tòa nhà, thuyền cập bến, từ tấm rèm màu trắng, trên cửa sổ trong thuyền có đến sáu, bảy người bay lên”, một lúc sau chỉ thấy “bên trong cửa sổ có một bóng người dựa vào mạn thuyền, dưới ánh trăng mờ tỏ, không phân biệt được là nam hay nữ, nhảy xuống cùng đám người đó”, đây rõ ràng là một màn cướp đêm. Vì muốn bắt một sản phụ sắp sinh, thế mà phải cần đến cả đội cảnh vệ, thật quá khoa trương, chẳng trách lúc nào cũng kêu không đủ người!
3
m phủ mượn “hoạt vô thường” để bắt linh hồn người sống còn có một lý do khác nữa, những người sắp chết thường có rất nhiều thân nhân vây quanh, dương khí quá mạnh, âm sai không thể tiếp cận, vì vậy cần phải mượn linh hồn của người sống để làm tiên phong. Trong quyển bảy của Duyệt vi thảo đường bút ký có mượn lời của bà cụ vừa đi làm vô thường:
Người bệnh chắc chắn có họ hàng thân thích vây quanh, ánh sáng dương gian quá mạnh, quỷ sứ khó tiếp cận. Cũng có thể là có chân quý nhân thì dương khí mạnh, hoặc chân quân tử, dương khí càng mạnh, không thể tiếp cận, hoặc quan binh hình có sát khí, hung khí thì lại càng khó tiếp cận. Chỉ có thể xác ở dương gian mà linh hồn ở âm gian, không cần phải lo lắng tới những điều này, nên mang chúng đi theo để giúp đỡ.
Nói như vậy tương đối hợp lý, hoạt vô thường chỉ là để dự bị, nhân vật chính vẫn là âm sai, nhưng trong rất nhiều câu chuyện, quỷ sứ âm sai đảm nhiệm chức vụ chính lại coi hoạt vô thường là những tên tay sai tàn nhẫn, còn mình thì hai tay chống nạnh đứng một bên xem kịch miễn phí. Trong Liêu trai chí dị có một ông lão là hoạt vô thường, bắt được hồn của một lão già nào đó, còn phải cõng lão đi đầu thai, lão già đó thì nặng, suýt nữa đè bẹp ông lão là hoạt vô thường kia. Giống như những nhân viên có hợp đồng chính thức trong cơ quan ở trên dương thế, nhân viên hợp đồng thuê nhân viên thời vụ, nói cách khác việc biên tập lại do hiệu đính làm, việc của hiệu đính lại do công nhân xưởng in làm, như thế mọi chuyện sẽ chẳng ra sao. Trong chuyện Quỷ nhiều biến thành ruồi nhặng ở quyển bốn trong Tử bất ngữ do Viên Mai viết: “Có một người phụ nữ họ Nhiêu làm âm sai cho địa phủ, một lần đi về cõi âm là ngủ hai ngày hai đêm mới tỉnh dậy, sau khi tỉnh dậy người đầm đìa mồ hôi, thở hồng hộc, nói: “Người hàng xóm hung ác khó bắt, Diêm Vương sai ta đi bắt. Không ngờ hắn ta trước khi chết còn hung hăng, giằng co với hắn một hồi, cũng may ta tung dây thừng trói được tay hắn, mới có thể dắt đi.” Qua lời người phụ nữ này nói, có thể thấy dường như bà ta đã bị sử dụng như một quỷ sai chính thức. Đây có lẽ là quỷ sai tuân thủ lời thánh dạy “nam nữ thụ thụ bất thân”, nữ tù nhân thì phải do cai ngục nữ quản thúc, nữ phạm nhân cũng phải do phụ nữ bắt, nhưng có lẽ bà Nhiêu này có tính khí khác người, muốn thành kiểu phụ nữ mạnh mẽ điển hình để thay cho bọn đàn ông con trai. Thế là bất giác nhớ lại thời xưa “vận động”, hỏa lực của “đội chiến đấu những bàn chân nhỏ” thực sự không thể xem thường.
m phủ khi bắt người trong phủ quan, ngoài gặp phải sự cản trở của môn thần ở nha môn ra thì bên cạnh hoặc sẽ có người thân của họ, đặc biệt nếu người bị bắt lại là quý quan hoặc chính nhân quân tử, quỷ sứ cũng không thể tự mình xông lên bắt họ được, lúc này cần đến sự giúp đỡ của linh hồn người sống. Trương Bồi Nhân người đời Thanh trong quyển mười một cuốn Diệu hương thất tùng thoại đã dẫn một câu chuyện trong cuốn Cần giới cận lục của Lương Kính Thúc, kể rằng: “Một người đi vô thường sau khi nhập âm tỉnh lại, trông rất nhếch nhác, nói rằng có mười tên quỷ sứ đến, mời anh ta cùng đi bắt niết ti Tứ đại nhân. Vị niết ti này chính là an sát sử của công kiểm pháp một tỉnh, chức quan không hề nhỏ, hơn nữa lại là “quan binh hình”. Khi đó Tứ đại nhân đang trở về dinh quan, khua chiêng mở đường, rầm rộ tới mức khiến mười tên quỷ tốt kia run cầm cập, nhưng hoạt vô thường lại thản nhiên như không. Sau khi Tứ đại nhân vào dinh, âm sai định vào trong để bắt người, nhưng ngoài cửa có hai vị kim giáp môn thần chặn lại, giật gậy ném hết xuống đất, đám quỷ tốt không thể chống đỡ được, bèn lấy từ trong người ra lệnh bài bắt người, lúc ấy mới có thể qua được cửa lớn để vào trong dinh thất. Khi đó Tứ đại nhân đang ngồi nói chuyện với khách, dương khí trên người khách vượng, đám quỷ tốt cũng không dám xông lên, bèn đưa cho hoạt vô thường một cuộn dây, để người này đi bắt Tứ đại nhân. Tứ đại nhân làm quan lớn, khi nói chuyện thường gật gù đắc ý quen rồi nên muốn tròng dây vào cổ cũng khó. Lúc này, quỷ tốt liền khua khua tấm lệnh bài trước mặt Tứ đại nhân, thế là đầu Tứ đại nhân dần dần gục xuống, lờ đờ như buồn ngủ, nhưng lệnh bài vẫn khua liên tục, Tứ đại nhân đột nhiên hắt xì một cái thật to rồi kêu đau đầu. Lúc này hoạt vô thường liền đi đến, giật mũ của Tứ đại nhân xuống, sau đó tròng dây vào cổ ông ta. Thế là mười tên quỷ tốt cùng xông lên trước, cuối cùng bắt được sinh hồn của Tứ đại nhân đi.”
Linh hồn của một viên quan cấp tỉnh, mười tên quỷ sứ cầm theo lệnh bài của Diêm Vương cũng không dám tiếp cận, xem ra nếu nói “thanh thế bức người” để hình dung về quyền thế, quan to khí thế lớn không sai chút nào.
Tên hoạt vô thường này chỉ là một tên nô bộc ngu xuẩn của một tiểu quan trên dương thế, sau khi nhập âm bắt người cũng không thấy thông minh nhanh nhẹn hơn là bao, nhưng những việc cần kẻ xung phong đâm đầu vào nguy hiểm thế này cần đến loại người đó, giống như một vài hoạt động cần đến những “phần tử dũng cảm” giơ đầu ra chịu trận vậy. Truyện Trương Ngũ, quyển một trong Dạ đàm tùy lục do Nhàn Trai Thị người đời Thanh cũng viết về việc tạm thời mượn dùng hoạt vô thường Trương Ngũ, quỷ sứ muốn anh ta đi bắt huyện đại gia của huyện đó: “Lẻn vào trong phòng, tròng cái này lên cổ quan, giãy giụa một lúc, rồi dắt đi ra ngoài”, nhưng Trương Ngũ vốn là một thảo dân, anh ta nói: “Người ta là huyện đại gia, ta là cái gì, đến xông lên ta cũng không dám.” Hai tên quỷ sứ đáp: “Tên này dù là quan lớn nhưng tham tài háo sắc, chém giết dùng hình tràn lan, hôm nay trở thành tội nhân, không có gì phải sợ cả!” Nhưng sự giác ngộ của Trương Ngũ quá kém, nói nửa ngày cũng không khai thông được, cuối cùng hai tên quỷ sứ đành ép anh ta đẩy cửa đi vào phòng, mới coi như hoàn thành nhiệm vụ. Những người thật thà như Trương Ngũ chắc chắn không thể sử dụng như một hoạt vô thường chính thức.
4
Đi bắt những kẻ mạnh trên dương gian cần có hoạt vô thường giúp sức, điều này nghe còn có lý, ở đời Đường còn có một cách nói, cũng coi như là lý do không chính thức, khi sứ giả âm phủ lên nhân gian bắt những linh hồn trẻ con, cũng cần dùng hồn người sống làm bạn đồng hành. Trong Quảng dị ký do Đới Phu viết có một câu chuyện, kể về quỷ tốt muốn bắt linh hồn một đứa trẻ, nhưng bố mẹ đứa trẻ đứng hai bên giường canh, quỷ tốt hất tay một cái, bố mẹ đứa trẻ từ từ chìm vào giấc ngủ, sau đó để một sinh hồn làm công thời vụ ôm đứa trẻ đi (đương nhiên là ôm linh hồn của đứa trẻ). Trong một câu chuyện khác cùng cuốn sách này, quỷ tốt liền nói rõ: “Ta nhận lệnh Diêm Vương đi bắt linh hồn trẻ con, cần có sinh hồn làm bạn đồng hành.”
Thuyết này tới tận đời Thanh vẫn còn được nhắc đến trong những câu chuyện ma. Trong truyện Hoạt vô thường quyển bốn quyển Động linh tiểu chí của Quách Tắc Vân, viết về một cử nhân cao chín thước, tạm thời lọt vào mắt hai tên âm sai chuyên đi bắt hồn, nên làm hoạt vô thường, sai anh ta đi bắt hai đứa trẻ đang bị bệnh đậu mùa trong phường làm đậu hũ. Nhưng tình tiết lại có những thêm thắt mới mẻ, chưa từng được nhắc đến trong những câu chuyện trước, đó chính là âm sai phải lột cả “mũ cao áo trắng” của mình cùng lệnh bài bắt hồn đưa cho người đại diện tạm thời này mặc vào, nếu không anh ta sẽ không thể bắt được hồn. Có điều cử nhân đó không phải kẻ ngốc, bèn hỏi: “Tại sao ngươi không tự mình đi bắt?” Quỷ sai đáp: “m khí quá lớn, không thể tiếp cận.” Cử nhân vờ đồng ý, đi vào rồi lại đi ra, nói: “Ta rất sợ, nhưng phải đi vào lửa lớn, làm thế nào?” Cuối cùng ồn ào cả đêm cũng không bắt được sinh hồn của hai đứa trẻ đó, vô thường thật đành đòi lại mũ áo của mình. Nói dương khí của trẻ con vượng hơn cả dương khí của người trưởng thành, nghe không hợp lý lắm, bởi vì từ xưa tới nay, trong rất nhiều những câu chuyện ma thời Ngụy - Tấn đều nói dương khí của trẻ con không đủ, dễ bị trúng âm khí của ma quỷ, không chừng còn mất mạng. Nhưng quy tắc dưới âm phủ thường khá giống với những gì được nhắc tới trong chuyện, có điều nguyên nhân trong đó khiến người ta khó giải thích. Còn có cách nói khác, tức là đôi khi sứ giả của âm phủ đi bắt hồn, không cần phải nhờ người sống trực tiếp ra tay, mà chỉ cần mượn một hơi “khí người sống” của người đó là có thể bắt được hồn rồi. Trong truyện Tốt bắt hồn, quyển mười bốn Tử bất ngữ, kể về một người tên Dư họ Giả, người Tô Châu, đêm thu rời khỏi nha môn đi bắt dế mèn, quay về thì đã muộn, không vào được trong thành. Đang buồn rầu vì không biết ăn ở đâu thì gặp hai người mặc áo xanh, mời anh ta về nhà mình, có rượu, có thịt, vừa ăn vừa uống khiến anh ta vô cùng cảm kích. Cho đến canh năm, hai người đó lấy ra một bức văn thư, nói với lão Dư: “Nhờ huynh hà hơi lên tờ giấy này.” Lão Dư không hiểu nguyên do, chỉ nghĩ hai người đó đang đùa, liền cười, hà một hơi. “Hà hơi xong, hai người áo xanh vui mừng, nhảy lên nóc nhà. Dư thất kinh, đang định hỏi tại sao thì đã không thấy hai người đó đâu nữa. Bên ngoài có tiếng khóc lớn vang lên. Dư biết hai người mình gặp không phải người mà là quỷ bắt hồn.”
Lão Dư này vô tình làm hoạt vô thường một lần, tạm thời bị mượn, mà không biết, xem ra rượu thịt của người lạ trong nha môn nuốt không trôi. Nhưng ở đời Thanh, thuyết hà khí này dường như chỉ thấy ở mạn Tô Châu. Trong quyển mười một của cuốn Hữu đài tiên quán bút ký do Du Việt viết về một câu chuyện xảy ra ở Tô Châu, cũng giống như chuyện về lão Dư, nhưng cuối cùng lại bàn rằng: “Mặc dù có mang theo lệnh bài của địa phủ, nhưng lại cần người sống phải hà hơi, đạo lý này từ đâu mà ra? Hơn nữa, tại sao nhất định phải cần người sống hà hơi vào đó? Những chuyện xảy ra ở âm giới, thật là khó hiểu.” Thực ra, suy nghĩ một chút là có thể rõ thôi, hơi dương khí mà hoạt vô thường thổi vào đó chẳng phải là “bản mang theo” sao? Đây chỉ là do tạm thời việc bắt hồn không được thuận lợi nên mượn hơi của người sống, chứ không phải lệnh bài nào cũng cần được hà hơi.
Tóm lại, hoạt vô thường làm người đồng hành đi theo, những gì có thể làm cũng chỉ đến thế, nhưng cũng có một vài người về cõi âm ăn tục nói bậy. Giống như hòa thượng Giới Hiển ở triều Thanh, trong quyển năm cuốn Hiệu quả tùy lục có viết về hoạt vô thường trong trấn Mai Lý, thành phố Thường Thục (Tô Châu), rõ ràng là cao thủ Không Không Nhi[6], không, có lẽ phải giống lão Tôn với cân đẩu vân ấy: “Người về cõi âm nhận lệnh được triệu đến địa phủ, bên ngoài cửa có một cái giếng, hắn ta ra đó mặc áo da, cầm gậy lớn, đeo mặt nạ, rồi lại soi mình xuống giếng, “thân nhẹ bẫng, xuyên biển vượt núi, một khắc đi cả ngàn vạn dặm. Tất cả những người vắt được đều móc lên gậy, vác lên vai mà bay, một lúc gánh cả hai mươi người cũng vẫn nhẹ như không”.” Một cây gậy có thể gánh hai mươi người, khiến những linh hồn bị bắt trước khi xuống địa ngục một lần được hưởng cảm giác cưỡi mây đạp gió, thú vị thật, có điều nói khoác cũng nên tìm cách nói cho chặt chẽ, đừng để hổng một lỗ lớn như thế, con đường thông giữa âm và dương vốn không ở cùng một không gian, không phải nói cứ ngồi máy bay hay tên lửa là đến được, cho dù có là Tề Thiên Đại Thánh, một cái cân đẩu vân có thể bay tới tận Tây Thiên, nhưng cũng không thể bay được xuống địa phủ.
[6]. Không Không Nhi: một nhân vật có tiếng được lưu truyền từ đời Đường.
Còn trong quyển năm cuốn Hữu đài tiên quán bút ký của Du Việt còn nói đến một hoạt vô thường họ Du, người này thậm chí còn có thể có hai “pháp bảo”: “Du kể lại rằng, mỗi lần đi về cõi âm, thần Thành Hoàng lại ban cho một đôi giầy cỏ, và một cái quạt. Đôi giày cỏ này khi đi lướt nhanh như bay, tâm muốn đi đâu nó sẽ đi đó, không có trở ngại, dù là thành cao hào sâu cũng nhẹ nhàng bay qua. Còn cây quạt một mặt màu đỏ một mặt màu đen, nếu dùng mặt màu đỏ quạt người khác thì cơ thể nóng hầm hập, dùng mặt màu đen quạt người khác lại lạnh run cầm cập.”
Vị Du tiên sinh này là một phần tử trí thức biết đọc biết viết, có lẽ bình thường đọc quá nhiều những loại tiểu thuyết thần ma, khi ngủ liền mang cả Tây du ký, Phong thần vào giấc mơ, nhưng lại nghĩ là mình đi về cõi âm, do đó những gì ông ta kể chỉ là kể cho người nhà đó, chứ không tuyên truyền lời nhảm nhí này ra ngoài. Tạo hình của quỷ vô thường trong những lễ hội Thành Hoàng dân gian thường là trong tay có cầm một chiếc quạt Ba Tiêu, nhưng cũng chưa chắc đã thần thông như thế. Nếu như để vô thường thật và giả có được hai pháp bảo này thì thế giới này sẽ bị quạt loạn cả lên, khiến người ta lúc nóng lúc lạnh, lúc phải lúc trái, bách tính cũng gặp nạn lớn.
5
Trong truyện Lý Hoa Ninh của quyển thượng, cuốn Thuyết Linh. Minh báo lục, Lục Kỳ người đời Thanh kể về một quỷ sứ đã ép một người tốt thành hoạt vô thường như thế nào, đó là câu chuyện về tay sai nha môn âm phủ. Trong câu chuyện có môt vài chi tiết vụn vặt, nhưng có thể vạch rõ bộ mặt thật của những tên quan phủ trên nhân gian sai quân kéo người ta xuống nước, do đó càng nên đọc.
Lý Hoa Ninh là một nông dân thật thà, chất phác ở thôn Tây Hương Thạch Đôn, huyện Hải Ninh, hôm ấy bị bệnh sốt rét, nằm trên giường thì thấy bên gối xuất hiện hai âm sai, một kẻ tự xưng là Sái Hữu Thành, tên kia là Thẩm Lượng, đưa ra một lệnh bài, khua khua trước mặt lão Lý, nói: “Ông anh sắp chết rồi, trên này có tên của ông anh, không phải bọn này muốn lừa ông anh. Nhưng trên lệnh bài này có tên của mấy chục người, bình thường bọn này thấy ông anh thật thà nên mới đến bắt ông anh sau cùng đấy.” Lão Lý bị bệnh nên mắt mờ mờ ảo ảo, cũng không nhìn rõ có đúng là tên mình hay không, chỉ ra sức ngàn ơn vạn tạ. Sau khi hai tên quỷ sứ đi rồi, lão Lý liền bảo người nhà chuẩn bị hậu sự. Hai ngày sau, lão Lý đang nằm trên giường, đột nhiên bên gối lại xuất hiện một tiểu quỷ trên đầu vẫn còn để chỏm tóc, chắc khoảng bảy, tám tuổi thôi, không nói không rằng, cầm dây thừng thòng vào cổ lão, kéo thẳng đến miếu thổ địa, buộc vào cái cây lớn trước cửa miếu. Một lúc sau, lão thấy hai tên Sái, Thẩm trói dắt mấy chục người đi tới, thấy lão Lý cũng bị trói ở đó, liền quay sang mắng tên tiểu quỷ: “Ngươi là cái thá gì, sao dám mạo danh công sai đi bắt người?”, rồi xông lên cho tiểu quỷ một cái bạt tai, đánh tiểu quỷ phải ôm đầu chạy vào hang chuột. Sau đó, hai tên quỷ sứ kia nói với lão Lý: “m tào địa phủ tư pháp tuy nghiêm nhưng những người có tên ở cuối danh sách vẫn có thể tìm cách lách luật để thoát khỏi cái chết. Bọn ta thấy nhà ngươi tội nghiệp nên không bắt đi ngay, chính là vì muốn ngươi có một cơ hội thoát khỏi cái chết đó. Nhưng không ngờ tên tiểu tử khốn kiếp kia lại bắt hồn ngươi tới đây rồi! Ngươi mau tìm nơi nào lánh đi một lát, sau khi chúng ta giao mấy chục linh hồn này cho thần thổ địa xong, sẽ đưa ngươi quay về.” Đọc đến đoạn này, tôi có cảm giác tên tiểu quỷ kia là do âm sai thuê đến để cùng bọn họ đóng kịch vậy. Dù sao thì bọn chúng cũng đã bắt linh hồn của một người đáng lẽ không phải chết đến đây rồi, không có linh hồn, lão Lý sẽ tắt thở, thành thi thể, còn hồn của ông ta trở thành miếng thịt bị trói. Cuối cùng, hai tên quỷ sứ này cũng đành khai thật, nói: “Chúng tôi mỗi lần đi bắt sinh hồn, nếu không tiến được về phía trước thì phải có quỷ dương dẫn đường. Dù sao cũng đã bắt nhầm rồi, vậy thì hãy giúp chúng tôi đi.”
Lão Lý lúc này không thể không nhận lời, đành trở thành “hoạt vô thường”.
Nhưng ngài Lý đại ngốc này quá thật thà, chỉ có thể trở thành tay sai của âm sai, không thể trở thành người chủ lực đi bắt, trói linh hồn. Mỗi lần hai tên quỷ sứ Sái, Thẩm đi bắt hồn, ông ta lập tức ngủ vùi, sau đó một thấy hồn thoát ra đi theo hai tên đó. Đến nhà nào, nếu người sắp chết có nhiều người thân vây quanh, tức là dương hỏa cao ngất, âm sai không dám tiếp cận, liền sai lão Lý sang phòng bên cạnh giả làm tiếng mèo kêu đuổi bắt chuột, hoặc chạy làm đổ bình rượu, hoặc bát đũa, người thân của người đó phải tản đi, hai tên âm sai liền nhân cơ hội đó mà xông lên bắt hồn. Theo như lão Lý nói, dường như ông ta không chỉ là giúp đỡ ở phần ngoài, thỉnh thoảng cũng ra vào cơ quan âm phủ nhiều lần, vì vậy ông ta có thể kể ra một vài quy luật ở âm phủ, chưa từng thấy ở những cuốn sách khác, nên ghi lại ra đây để mọi người cùng biết:
Thứ nhất, nếu người trên nhân thế khi sinh ra ở một nơi, sau này trưởng thành lại di cư bất định thì lệnh bài của âm giới được gửi đến miếu thổ địa nơi người ta sinh ra trước, sau đó mới đi đến nơi người đó ốm bệnh đang nằm mà bắt hồn. Lý luận này còn có thể chấp nhận được ở thời xưa, nếu như bây giờ, gặp một người sinh ra trong nước nhưng lại ốm chết ở nước ngoài thì âm sai phải vượt biển để đuổi bắt, khó khăn biết bao! Chắc có lẽ ngoài cách nhờ Diêm Vương của nước đó dẫn độ về nước thì cũng không còn cách nào hay hơn!
Quy luật thứ hai này càng khiến người ta khó hiểu. Lão Lý còn nói ông ta nhìn thấy những linh hồn sắp được hóa kiếp dưới địa ngục đều tròn tròn giống như viên bánh trôi nước, màu xanh lục, mỗi lần tiểu quỷ bê một đĩa lên, đám linh hồn dưới âm giới lại nhao nhao xông lên, cướp lấy, nhận về làm con cháu mình khiến đám bánh trôi rơi xuống đất lăn lóc khắp nơi, còn đám linh hồn kia cũng lồm cồm bò tìm khắp nơi. Những điều này chưa thấy ai kể lại bao giờ, còn lão Lý thì thật thà tới mức không thể thật thà hơn, có lẽ đã gặp phải đám quỷ đói tranh cướp màn thầu vào ngày Halloween nên nhầm lẫn mà kể như thế chăng?
6
Bình thường, những kẻ làm hoạt vô thường ở âm phủ không nên tìm những bách tính thật thà đến mức này, bởi vì hỗ trợ quỷ sứ bắt hồn dần dần trở thành chức năng thứ yếu của hoạt vô thường, thậm chí chỉ là đội một cái mũ đầu dê mà thôi. Vậy chức năng chủ yếu của những người đi về cõi âm này là gì? Đó chính là làm cầu nối giữa người sống và âm phủ, cũng chính là những kẻ môi giới bàn điều kiện làm ăn dưới âm phủ.
Hoạt vô thường là “trợ lý”, có quan hệ hợp tác với người dưới âm phủ, vì vậy cũng có nghĩa là có thể thay thế người sống liên lạc với âm phủ, đi cửa sau, đồng thời cũng có thể nhận phong bì, bạc nén của người sống giúp đám quan dưới địa phủ. Hơn nữa, bạn có biết đám âm sai dưới địa phủ là những ai không? Sinh thời, bọn họ chính là nha dịch trong nha môn của địa phương. Hai nhà ngang của miếu Thành Hoàng trước kia, thường có hai hàng “nha dịch” đứng hai bên, tức là kẻ tôi tớ dưới âm phủ, những kẻ tôi tớ bằng đất sét đó trên người còn có ghi rõ tên tuổi, vì bọn họ chính là tôi tớ trong nha môn của huyện phủ ở địa phương trước kia. Địa vị của tôi tớ trong xã hội rất đặc biệt, bọn họ vừa là người của quan phủ, tầng lớp thấp kém nhất trong cơ quan nhà nước vừa là một dạng thảo dân, nhưng quan hệ giữa họ và đám dân đen là quan hệ huyết nhục và tương khắc như lửa và nước. Quan hệ xã hội của họ đa phần là bách tính bình dân, nhưng lại có thể gặp gỡ và nói chuyện với quan phủ, địa vị đặc biệt đó khiến họ ngoài làm quan sai ra còn kiêm thêm một chức vụ thứ hai là giúp người dân đi cửa sau. Nhưng nếu xuống dưới địa phủ, đám nha dịch chỉ có quan hệ một đầu với bên âm phủ, còn bách tính trên dương gian lại muốn giao dịch với dưới đó, nhưng thiếu môi giới, hoạt vô thường có lẽ được sinh ra là vì lý do này, trở thành đại lý của “vô thường chết” trên dương gian.
Là người môi giới giữa âm phủ và người sống, hoạt vô thường ngoài những lúc thuyết phục, hỗ trợ cho âm sai bắt hồn, còn có thể làm rất nhiều việc, nhưng việc thường thấy nhất là thay âm sai dò sổ âm tào. Ví dụ như tuổi thọ dài ngắn, có công danh gì hay không, tiền đồ lớn nhỏ, năm nay hung cát ra sao, nếu trong số âm tào đều đã có thành án thì chỉ cần hoạt vô thường đả thông khớp nối của âm sai là có thể dự đoán được ngày hóa kiếp của người đó.
Đương nhiên, bất luận là đối với âm phủ hay người sống, hoạt vô thường cũng không phải người làm công cao cấp của họ, bọn họ làm việc được trả lương, dù là do bên âm phủ khấu trừ lại hay tiền lễ cảm tạ của người sống, dù sao mỗi lần đi về cõi âm, eo lưng của hoạt vô thường được giắt từng túi, từng túi tiền. Còn về chi tiết và quá trình những món tiền, bạc đi cửa sau đó, chúng ta sẽ nói đến ở một chương riêng, nhưng cũng có thể không cần nhắc lại nữa, bởi vì hoàn toàn giống ở trên nhân gian, người đọc đã từng biết, tham gia việc khởi kiện trên nhân gian có lẽ không cần phải tìm hiểu thêm nữa. Ở đây, tôi chỉ muốn nói rõ hơn một chút, sau khi những chế độ trong nha môn dưới địa phủ dần dần được thiết lập chặt chẽ thì hoạt vô thường là một ngành nghề không thể thiếu. Thậm chí, trong ngành này cũng có sự cạnh tranh, chỉ cần nhìn đám hoạt vô thường ra sức tâng bốc, nói nhiều tới mức thành ra nói linh tinh là đủ thấy sự tôn trọng của họ đối với nghề nghiệp mà mình làm.
Phan Luân n đời Thanh có viết một chuyện về “đi vô thường”. Quyển tám, cuốn Đạo thính đồ thuyết kể về một người có mười năm kinh nghiệm làm hoạt vô thường, người này họ Sái tên Ngoạn, ông ta nói làm nghề này nhiều tới mức chán ngấy rồi, muốn rửa tay gác kiếm. Nhưng không phải muốn bỏ là bỏ được, muốn bỏ ông ta phải “cầu thần khấn Phật, tu Thủy lục đạo dương, hát bài Mục Liên cứu mẹ[7], trăm phương nghìn kế, mới có thể thoát ra được nghề đó”. Theo như những gì ông ta tiết lộ: “Mục đích của tất cả những hoạt vô thường đều là lừa gạt, tâng bốc công trạng, muốn thêm vài năm tuổi trong sổ âm tào hoặc xin được bách niên giai lão trước mặt Diêm Vương.” Loại người này, trên nhân gian chuyện gì cũng ôm đồm. Ông ta nói: “Trong suốt những năm làm tay sai, đầy tớ ấy, chẳng qua cũng chỉ vì muốn tiền trạm cho chức quỷ dịch sau này mà thôi. Chỉ là mỗi tháng, đến trước mặt phán quan một lần, khi chúc thọ vào tết Nguyên đán vào Thâm La điện một lần, nhưng dù có gặp được Diêm Vương, cũng không dám ngẩng đầu nhìn, chỉ vài ba vái rồi lui thì làm sao dám nói chuyện? Vì vậy, người nào đó trên trần gian đến tuổi hạn, đành đợi lệnh bài bắt hồn được giáng xuống. Cái gọi là dự đoán trước được ngày chết của kẻ khác chẳng qua là sai dịch ở dương thế khi vào đi ngang điện thẩm mới nghe được những lời phán xét mà thôi.”
[7]. Mục Liên hay tên đầy đủ là Mục Kiều Liên, một trong những đồ đệ thân tín nhất của Thích Ca Mâu Ni. Ông nổi tiếng về sự hiếu thảo với mẹ. ông tu luyện thành công nhiều phép thần thông, qua đó biết mẹ mình đang lâm kiếp ngạ quỷ, ông hỏi Phật Tổ về cách cứu mẹ. Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó.”
Theo lời Phật, mẹ ông được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ thì cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.
Theo những gì Sái Ngoạn nói thì hình như những hoạt vô thường không có khả năng thông thiên, nhưng cũng có những hoạt vô thường được gặp “bộ trưởng bộ tư pháp”, vị trí này không thể coi thường. Hơn nữa, ai cũng biết, muốn hỏi thăm về một vụ án trong nha môn, dò la tin tức cũng không thể đi cửa sau được, quy trình trong đó phải theo từng giai đoạn, thiếu giai đoạn nào cũng không được, bởi vì đám già trẻ, lớn bé, từ trên xuống dưới trong nha môn ai chẳng phải ăn cơm. Vì vậy, những lời mà người này nói, không biết có phải là lời tố cáo những kẻ đã đá mình ra khỏi ngành hay là muốn ba hoa, khoác lác về nghề cũ mình từng làm nữa, hoặc cả hai lý do trên đều có.
Đương nhiên, đi về cõi âm cũng “đâu phải chuyện dễ dàng gì”, nguy hiểm không phải ít.
Khi hoạt vô thường đi về cõi âm, nhìn công việc đó tưởng chừng giống như người cơm no rượu say xong chổng ba chân bốn cẳng lên trời mà ngáy khò khò, nhưng khi tỉnh dậy thì mồ hôi đầm đìa, những khổ nhục đang đón chờ họ trong cửa nha môn, bưng trà rót nước, vất vả tới mức ngay bản thân chúng ta cũng không thể hiểu được. Hơn nữa, trong lúc họ ngủ vùi, đôi giày dưới gầm giường đó phải cái ngửa cái úp, nếu ai đó phá đám, ngửa cả hai chiếc giày lên thì linh hồn của hoạt vô thường cho dù lúc đó đang làm việc gì cũng phải ba chân bốn cẳng quay về ngay, nếu cả hai đều úp thì càng nguy hơn, hoạt vô thường đó “chết chắc”.
Nói đến đây, có người sẽ hỏi: “Tôi thấy những gì mà anh nói, bao gồm cả cái gì mà nhân lực không đủ, sợ dương khí, nên phải mượn hoạt vô thường từ trên dương gian xuống,… đấy chẳng qua chỉ là cái cớ mà bọn thầy phù thủy đưa ra để lừa tiền mọi người mà thôi!...” Nếu bạn muốn nghĩ như vậy thì cũng đành chịu thôi, nhưng tôi cho rằng không nên phân tích quá kỹ mọi việc. Quan lớn đều đi xử án rồi, đám phù thủy đi đi về về âm gian để kiếm chút tiền thì đã sao!