Làm sai dịch không thể bỏ bữa cơm

Trong nha môn Trung Quốc, đương nhiên tôi muốn nói tới thời cổ đại, hình như đã hình thành một thói quen, đấy chính là ăn cơm trước, làm việc sau. Trên thực tế, việc chưa chắc đã làm nhưng cơm thì nhất định phải ăn. Đối với những người còn chút lương tâm thì họ sẽ nói “ăn không của người ta”, còn với những người chẳng có lương tâm mà cũng chẳng cần giữ thể diện thì họ độp luôn “ăn cả nguyên cáo, ăn cả bị cáo”, việc này trong mắt những người ở nhà môn là việc hết sức bình thường. Nhưng sự phàm ăn của những âm sai dưới âm phủ lại có tình để có thể lượng thứ, việc ăn cơm của những người ở thế giới đó đã được nói trong một cuốn sách khác, bình thường ở cơ quan mọi người đều đói bụng, cũng vậy thôi, một khi đã là “âm sai” đến thế giới u minh rồi, một con chó khi nóng cũng phải thè lưỡi ra, nếu lúc này bạn không cho nó ăn thì thật chẳng có tình người gì nữa.

Trong truyện Trường quỷ bị trói ở quyển bốn Tử bất ngữ do Viên Mai viết, có kể về chuyện khi còn trẻ của hàn lâm Thẩm Hậu Dư, anh ta đến nhà bạn học họ Trương đang bị thương hàn để thăm bệnh, nhìn thấy một con quỷ cao lớn đang ngồi lừng lững trong phòng khách, ngửa mặt nhìn lên. Thẩm mỗ thấy không giống người, liền cởi thắt lưng ra trói hai chân con quỷ đó vào chân ghế. Con quỷ không thể cử động được, đối mặt với một nhân vật lớn trước mắt, đành phải làm mặt khổ sở. Thẩm Hậu Dư hỏi nó tại sao lại đến đây, con quỷ nói: “Trương mỗ sắp chết, ta là quỷ sai, theo quy định phải đến chào hỏi thần linh trong gia đường nhà anh ta trước, sau đó mới bắt anh ta đi.” Thẩm Hậu Dư xin thay cho Trương mỗ, con quỷ cũng không phải kẻ xấu, nghe nói nhà Trương mỗ mẹ góa con côi, liền cảm động, nói: “Chỉ có một cách có thể cứu được Trương mỗ. Trưa ngày mai, Trương mỗ sẽ chết, sẽ có năm quỷ tốt theo ta đến đây. Đám quỷ tốt dưới địa phủ bị bỏ đói đã lâu, nhìn thấy đồ ăn sẽ quên hết những chuyện khác. Ngươi hãy bày ra hai bàn tiệc, mỗi bàn sáu người ngồi, thấy có gió lốc từ trên xuống dưới thì lập tức mời vào trong, khi chúng ngồi xuống bàn thì chuốc rượu liên tục. Đợi khi nào qua buổi trưa thì hãy để tiệc tàn, nếu đã lỡ thời gian, thì dù có nghĩ cách nào họ cũng không thể làm gì được nữa.”

Quỷ đói thấy tiệc rượu, chẳng còn màng tới thứ gì khác nữa, nói thế cũng không có gì là quá đáng. Những người như chúng ta chưa từng phải trải qua cảm giác làm quỷ đói. Cõng một trăm cân cải trắng mua được từ trên núi xuống, trong ba mươi chín ngày đạp gần một trăm dặm, lại thêm bệnh huyết áp thấp, về đến nhà, vứt xe đạp ở đó, gặp ai cũng chẳng muốn chào, ôm lấy thằng bé đang bưng nồi cơm, chỉ hận một nỗi không thể nhét luôn đầu mình vào trong đó. Việc này không thể nói là chúng ta không ra gì, chỉ vì khi ấy quỷ đói nhập vào thân, không còn điều khiển được chính mình nữa. Nói đi cũng phải nói lại, chúng ta cũng nên đồng cảm với đám quỷ sứ mỗi lần bị bỏ đói là tới mấy tháng liền.

Trong quyển chín của cuốn Duyệt vi thảo đường bút ký do Kỷ Quân viết, Hắc – Bạch vô thường phụng mệnh đi bắt người, đến nhà người ta, đầu tiên là chạy vào bếp, gặp gì cũng vơ cho vào miệng, kiểu ăn đó của chúng khiến chúng ta không thấy buồn cười, mà chỉ thấy đáng thương. Kết quả là bị thầy đồ do chủ nhà mời đến dạy học phát hiện, hét lên một tiếng, khiến Bạch vô thường thất kinh chuồn nhanh như chuột chạy vào hang, Hắc vô thường lại bị thầy đồ đó nhốt vào trong phòng, không ra được, đành nấp trong góc tường. Hai quỷ vô thường này cũng biết xấu hổ, đói tới mức ấy nhưng vẫn biết ăn vụng là việc mất mặt, giống những tham quan ô lại trên nhân gian, hành động đó của chúng khiến người ta phải tỏ lòng ngưỡng mộ. Đương nhiên, vị thầy kia có mệnh làm quan, có quý nhân phù trợ, hai quỷ vô thường đó không dám mạo phạm, cũng là nguyên nhân khiến chúng rơi vào cảnh khó khăn. Nhưng có những quỷ sai chưa đạt được sự thỏa mãn tối thiểu, nên vẫn còn lòng tham, ham muốn được hưởng thụ những thú vui cao cấp của người giàu có, đương nhiên cũng đáng giận, nhưng vẫn có chỗ đáng thương. Trong quyển bảy của Tử bất ngữ có chuyện Quỷ sai thèm rượu, viết về một con quỷ xui xẻo, đã bắt được sinh hồn trong tay, chỉ vì nhìn thấy ở vườn bên cạnh có người đang uống rượu, liền không chịu đi. Người đó thấy quỷ sai thèm quá tới mức đáng thương, liền cho hắn một ly, chỉ ngửi chứ không uống. Người đó hỏi có phải quỷ tốt chê rượu lạnh không, nó gật đầu. Đưa cho nó một ly rượu đã hâm nóng, nó vẫn ngửi chứ không uống, nhưng hơi rượu ngào ngạt, mỗi lần ngửi là mặt nó lại ửng đỏ rồi dần dần tái như gan lợn, miệng mở to không khép lại được. Người kia thấy thế, liền đón lại ly rượu, đổ vào miệng nó, mỗi lần rượu được rót vào, mặt quỷ tốt co lại, đến khi uống cạn ly, quỷ tốt đã bé xíu như một em bé, sau ngất không biết gì nữa. Người hàng xóm vốn chỉ là có ý tốt hoàn thành tâm nguyện thèm rượu của nó, nhưng khi anh ta phát hiện ra nó là âm sai, thậm chí người nó đang dắt trong tay là sinh hồn người tình của mình, liền “nảy sinh ý ác”. Anh ta mở hũ rượu ra, tóm lấy quỷ tốt nhốt vào trong, đập nắp lại, rồi vẽ lên trên một đồ bát quái. Kết cục là khiến quỷ tốt biến thành sâu rượu, say mê man ngày đêm.

Đói khát tới mức đó, nên khi đi bắt sinh hồn, quỷ sứ gần như đánh mất nguyên tắc của mình, vi phạm kỷ luật, chỉ cần người mà nó bắt không phải là người ác thì còn có chỗ tha thứ.

Trong truyện Trương ngự sử ở Quảng dị kí của Đới Phu đời Đường viết về một quỷ sai như thế, chuyện xảy ta vào năm Thiên Bảo, Đường Huyền Tông, ngự sử phán quan Trương mỗ phụng lệnh đến Hoài Nam điều tra vụ án, đã lên thuyền chuẩn bị qua sông rồi, từ trên bờ thấy có người vội vàng chạy đến, Trương mỗ nghĩ anh ta có chuyện gấp, liền cho thuyền dừng lại. Người đó bắt kịp, định đi nhờ qua sông. Lái thuyền không chịu, nói anh ta làm lỡ việc quan, còn cậy quyền cậy thế định giơ tay đánh anh ta. Nhưng Trương phán quan liền nói: “Cho một bách tính nghèo đi nhờ thuyền, có gì mà không được?” Nhìn mặt mũi anh ta trông đói khát, Trương phán quan nhường phần cơm thịt còn lại của mình cho anh ta, người đó mặc dù không đưa đẩy qua lại, nhưng sắc mặt rất hổ thẹn. Sau khi qua sông Hoài, hai người người đi về phía đông, người về phía tây, nhưng khi Trương phán quan đến dịch trạm, đã thấy người đó đứng ở cửa chờ hầu. Người đó nói: “Thật không dám giấu, ta không phải là người, là do âm phủ sai đến bắt sinh hồn của ngươi, số người phải chết đuối dưới sông Hoài, nhưng cảm tình người đã chăm lo ta khi đói, không nỡ ra tay, cho ngươi thêm một kỳ hạn nữa, chuẩn bị hậu sự đi. Trong âm phủ ta chỉ là một tiểu tốt ở trạm nhỏ nơi đầu đường, nếu cho ngươi nhiều thời gian thì lại nằm ngoài quyền hạn của ta.” Trương phán quan nghe xong liền run rẩy cầu xin, quỷ sai nói: “Sợ là không dễ đâu. Nhưng nếu nhà ngươi có thể đọc thông một nghìn lần Kim Cương kinh trong vòng một ngày thì có thể kéo dài thêm tuổi thọ.” Trương phán quan nói: “Hôm nay đã tối, sao có thể đọc một nghìn lần chứ?” Quỷ sai đáp: “Không nhất thiết phải một mình nhà ngươi đọc, chỉ cần có người đọc, là được tính.” Thế là Trương phán quan gọi hết tạp dịch, bách tính trong dịch sở tới mười mấy người, đến tối ngày hôm sau, cuối cùng cũng đọc được một nghìn lần quyển kinh đó, và cũng là lúc quỷ sai xuất hiện. Trương phán quan đi cùng quỷ sai xuống dưới âm phủ, báo cáo công đức với Diêm Vương, kết quả đúng như mong muốn. Trương phán quan được sống thêm mười năm nữa và được đưa về dương gian ngay lập tức.

Đến đây thì vai trò có vẻ bị đảo lại, tới lượt Trương phán quan phải mang ơn chịu nghĩa. Quỷ sai đó nói nghe rất thương: “Vì người mà ta bị lỡ việc, bị đánh một trận, ngươi không định bồi thường cho ta sao?”, nói xong liền tụt quần xuống, có vết thương làm chứng. Trương phán quan nói: “Ta là một quan nghèo, lại đang đi công tác đường dài, sợ không làm được việc báo đáp, bồi thường cho ngươi.” Quỷ sai đáp: “Ta chỉ cần hai trăm quan tiền giấy.” Phán quan đồng ý ngay: “Nếu chỉ là tiền giấy, ta có thể cho nhà ngươi năm trăm quan.” Quỷ sai vội từ chối: “Ta không có phúc phận lớn như thế đâu, hai trăm quan là đủ rồi.” Thế là đàm phán, thỏa thuận xong, vội vàng đưa Trương phán quan về lại dương gian, để đốt tiền chuyển khoản. Đây có lẽ là món tiền lớn đầu tiên trong đời của quỷ sai này, lòng tốt được báo đáp, xét về tình có thể tha thứ, nhưng chuyện đã có khởi đầu, e là sau này khó chịu đựng được.

Nhưng do đó cũng có thể thấy, quỷ tốt này ngã xuống nước là do người sống kéo, mà con người có đức hiếu sinh, cũng không thể trách. Vậy thì vấn đề ở đâu đây? Theo tôi, vấn đề nằm ở Diêm Vương và hòa thượng. Khi bọn họ mở ra cánh cửa sau, đọc kinh là có thể kéo dài tuổi thọ, cũng chính là muốn móc tiền người trên nhân gian để bù đắp cho tội lỗi của họ. Một câu: “Lão tử có tiền” và “Bố ta là Cao cầu” cũng giống nhau, lập tức khiến phán quan phải nhìn bằng ánh mắt khác, trong lòng đã bắt đầu suy nghĩ làm thế nào để giải quyết vụ làm ăn này đây, quỷ tốt cũng thế, có điều không tham lam nhiều mà thôi.

Người đời Đường có câu: “Kẻ trộm phạm pháp, pháp luật còn. Người gian phạm pháp, pháp luật mất!” Quỷ tốt đó vì tình riêng mà kéo dài tuổi thọ cho Trương phán quan thêm một ngày khiến tôi nhìn thấy cách chấp pháp có bản tính con người trong đó, đấy rõ ràng là lợi dụng mũ quan, nhiều nhất cũng chỉ là “phạm pháp” thôi, mà kiểu như “đọc kinh kéo dài tuổi thọ” hay “ngoại lệ” gì gì đó đều là một cách “biến hóa của luật pháp” mà thôi! Có điều, những người làm hỏng pháp luật lúc này không phải người gian mà là Diêm Vương và các bậc hòa thượng đại diện của Phật giáo thường trú dưới âm phủ.

Những chuyện liên quan tới nhân sự cấp cao dưới địa phủ xin tạm dừng ở đây, bởi vì những người có tư cách để tiếp xúc với họ thật ra quá ít, như tôi cả đời là thảo dân, vào Diêm La điện, e rằng đến mặt của Diêm Vương cũng không có cơ hội để nhìn, mà cho dù có nhìn thấy, sợ là dưới tấm biển “Chính đại quang minh”, cũng không dễ dàng mở miệng làm chứng cho ai. Vì vậy, tốt hơn là kể những chuyện thực tế một chút, đó là làm thế nào giải quyết được vấn đề mâu thuẫn với quỷ sai đi bắt hồn. Một kẻ phải bắt hồn, một người không muốn bị bắt, đấy chính là “mâu thuẫn”. Xử lý ổn rồi thì có thể không bắt hay bắt muộn, cũng không ảnh hưởng tới việc bắt nữa, vui vẻ nắm tay nhau đến gặp Diêm Vương. Xử lý không tốt thì kết cục ai cũng hiểu, vì vậy mọi người phải biết hài hước một chút.

Biết hài hước rồi thì sẽ hiểu rằng những sai nhân đó cũng cần ăn cơm, huống hồ bọn họ toàn là quỷ đói. Bách tính chúng ta ai cũng đã trải qua cảm giác bị đói bị khát, vì vậy cũng phải hiểu cho hoàn cảnh khó khăn của đám quỷ sai đó. Kẻ hôn quân như Tấn Huệ Đế có thể nói những lời mát mẻ như: “Không có lương thực, sao không ăn thịt? Không có thịt lợn, sao không ăn cá?” Ông ta không biết rằng bách tính không có lương thực phải gọt vỏ cây mà ăn, không có vỏ cây đành phải ăn muội than. Trong thế giới âm phủ chỉ có bờ sông Nại, thậm chí có mấy cái cây bên bờ sông gần với dương thế, còn không có cả lá cả vỏ, chỉ có thể làm móc áo, cho dù không phải là người bi quan cũng biết, ngay cả muội than, đám quỷ sứ dưới đó cũng đã ăn hết từ lâu. Vì vậy bọn họ mới gửi gắm sự thèm thuồng của mình vào thế giới dương gian, đi làm việc mang ấm ức trong lòng, khi quay về, linh hồn bị bắt trở thành nơi trút giận.

Có vài người không chịu hiểu, phải sau khi người chết rồi mới đốt tiền giấy cho âm sai đại ca làm phí đi đường, không nghĩ rằng, tìm đâu được quán cơm trên m sơn đạo đây? Hơn nữa, đọc sách cũng bằng thừa, đến ngay câu: “Mạc vũ đầy đủ” cũng không hiểu, phải biết rằng khi âm sai đại ca đến phải bày một bàn tiệc rượu đón tiếp.

Thứ hai là, cho dù khi âm sai vừa vào đến cửa đã bày tiệc rượu, cũng vẫn gọi là hơi muộn, tốt nhất là bình thường nên móc nối quan hệ sẵn với thần quỷ dưới âm phủ, bắt đầu từ thần ở trung đường, thần giữ cửa, thần bếp nhà họ cho đến thổ địa ở địa phương. Đừng coi thường những vị thần chức sắc nhỏ đó, cũng đừng tin “cốc nước bát hương” những lời liêm khiết hão đó, gà rượu là những đồ cúng tế tối thiểu, thỉnh thoảng cũng thêm cái đầu lợn cũng không gọi là quá. Sau khi quan hệ tốt rồi, nếu không “lên trời nói những lời có cánh” giúp thì bình thường cũng không lặng lẽ tới kiểm tra, điều tra, khi đi bắt hồn đoạt mệnh, những vị thần nhỏ này nếu không báo tin qua gió thì cũng không đến nỗi đổ thêm dầu vào lửa.

Ở đây không phải là làm ăn với mấy vị thần nhỏ đó mà là lấy ví dụ để chứng minh. Trong Tục huyền quái lục do Lý Phục Ngôn người đời Đường viết có kể về một người thợ mộc tên Sái Vinh, coi thần thổ địa như thần tiên, mỗi lần ăn cơm đều đặt một phần xuống đất, lẩm nhẩm đọc: “Thổ địa gia, mời ngài về thưởng thức” hay đại loại như thế, mặc dù bát cơm này cuối cũng vẫn vào bụng mình nhưng cũng coi là đã hiếu kính. Ông ta kiên trì làm như thế, cho đến mùa xuân năm đó ông ta ngã bệnh, nằm trên giường sáu, bảy ngày không dậy được. Tối muộn hôm ấy, có một võ sư chạy tới, nói với mẹ Sái Vinh rằng: “Bà mau cất hết quần áo, đồ dùng của Sái Vinh đi, đừng để người khác nhìn thấy, rồi mặc cho anh ta bộ quần áo của bà, nếu có người đến hỏi, bà cứ nói là anh ta ra ngoài rồi, hỏi đi đâu thì bà cứ nói đại một địa điểm, đừng để người đó biết Sái Vinh đang ở nhà.” Sái mẫu vừa sắp xếp cho con theo lời của võ sư xong thì có một vị tướng quân tìm đến, tay cầm cung tên, đem theo hơn mười tùy tùng, đi thẳng vào nhà, gọi tên Sái Vinh ra. Sái mẫu hoảng sợ đáp: “Sái Vinh uống rượu say túy lúy, tôi tức giận cầm gậy đuổi đánh, nó sợ quá chạy mất, hơn mười ngày chưa thấy về, tôi cũng không biết nó chạy đâu mất rồi.” Tướng quân lệnh cho tùy tùng lục soát, kết quả tìm suốt một ngày không thấy gì, trong nhà không có đàn ông, đến đồ dùng của đàn ông cũng không có. Tướng quân gọi thổ địa lên, ra lệnh cho thổ địa tìm Sái Vinh về, thổ địa cũng nói y hệt lời mẹ Sái Vinh. Tướng quân nói: “Phía hậu điện của Diêm Vương hơi bị nghiêng, phải tìm một thợ mộc xuống sửa chữa. Thời hạn đã đến, ngươi xem ai có thể thay thế được anh ta?” Vậy là thổ địa liền đáp: “Ở làng Lương Thành có một người tên Diệp Can, tay nghề còn khéo hơn cả Sái Vinh, vừa hay đại hạn của anh ta đã đến, cũng sắp phải đuổi bắt anh ta rồi.” Thế là nhờ một câu nói của thổ địa mà Sái Vinh đã tai qua nạn khỏi. Vì vậy, đừng ai nghĩ rằng mình chỉ cần tuân thủ kỷ luật, luật pháp là không sợ ai, mỗi bữa ăn ít đi vài miếng thì coi như trong nhà đã nuôi được long vật đó.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện