Mượn Thi Thể
1
Mượn thi hoàn hồn hoặc còn gọi là Dịch hình tái sinh, cũng chính là muốn nói thể xác của mình bị thối rữa hoàn toàn rồi, không thể hoặc không muốn sửa chữa, vậy thì đành để linh hồn mượn thi thể của người khác mà sống lại.
Về mặt đạo lý thì “mượn xác hoàn hồn” với “linh hồn phụ thể[1]” thời cổ xưa là giống nhau. Cổ nhân thích ví thể xác của con người như một căn phòng, vậy thì bình thường linh hồn phụ thể, giống như khái niệm “hạ thần” của các thầy phù thủy và khái niệm “va chạm” mà dân gian thường nói. Căn phòng đó chỉ có thể mượn dùng tạm thời, chủ nhân cũ của nó vẫn còn, hoặc tạm thời đi xa, hoặc cùng chen chúc trong đó, thủ tục mượn thi thể không thể làm được, bởi vì đến một lúc nào đó vẫn phải trả lại cho người ta. Nhưng mượn xác hoàn hồn đa phần không giống ở chỗ chủ nhân sở hữu căn phòng đã bị đá ra ngoài, chỉ cần chuyển vào ở là có thể ở lâu dài, cho tới khi tới số phải chết.
[1] Linh hồn phụ thể: linh hồn bám vào cơ thể.
Mọi người đều biết, những căn phòng như thế mỗi ngày, mỗi giờ đều phải trống mất một khoảng thời gian, nếu như để đám du quỷ tự ý ra ra vào vào, đổi đi đổi lại, thì thiên hạ đại loạn. Vì vậy thường thì những trường hợp mượn xác hoàn hồn đều do quan phủ sắp xếp, không thể làm việc theo chủ nghĩa vô chính phủ. Trình tự bình thường của nó thường là Diêm Vương phát hiện người nào đó mặc dù đã chết, nhưng vẫn chưa tận số, có điều thể xác đã hỏng, liền tìm một người vừa mới chết “lấy đó làm nhà cho người kia”, thế là hồn của Trương Tam liền chiếm lĩnh thể xác của Lý Tứ một cách hợp pháp, nhưng đây mới là bắt đầu của sự việc, bởi vì đồng thời Trương Tam còn phải chiếm hữu mọi thứ mà Lý Tứ có khi sinh thời một cách hợp lý. Những ví dụ kiểu này rất nhiều, mà được nhiều người biết đến, nhất là chuyện Lưu Toàn nhập vào quả dưa trong Tây du ký. Lưu Toàn và vợ là Lý Thúy Liên cãi nhau mấy câu, Lý Thúy Liên trong lúc tức giận nhất thời, tìm dây thừng treo cổ tự vẫn. Đến khi Diêm Vương tra ra vợ chồng Lưu Toàn đều sống thọ đăng sơn thì thi thể của Lý Thúy Liên đã hỏng không còn ra hình ra dạng nữa. Đúng lúc ấy, ngự muội của Đường Thái Tông là Lý Ngọc Anh phải chết vào ngày đó, Diêm Vương bèn ra lệnh cho quỷ sai mượn thi thể của Lý Ngọc Anh, để cho Thúy Liên hoàn hồn. Quỷ sai đó tuân mệnh, lập tức mang linh hồn của Thúy Liên vào trong hoàng cung nội viện. Chỉ thấy Ngọc Anh công chúa đang tản bộ ngắm trăng ngắm hoa, bị quỷ sai nhảy bổ vào lòng, đẩy ngã xuống đất, bắt sống linh hồn, đồng thời đưa linh hồn của Thúy Liên nhét vào trong cơ thể của Ngọc Anh. Vợ của một thường dân trong chớp mắt trở thành công chúa ngự muội. Từ đó có thể thấy, nếu như dưới âm phủ không có vị quan nào quản thúc những linh hồn đã rời khỏi thể xác, thì bọn họ nhất định sẽ chen chúc nhau đứng trước cửa lớn nơi hoàng cung, phủ quan, đợi vị quý nhân nào để “phòng” trống.
Nhưng không phải tất cả những trường hợp mượn xác hoàn hồn đều là quan phủ sắp xếp, có những du hồn hoặc là thấy kim thì luồn chỉ, hoặc là vì cơ hội trước mắt, liền lập tức bám vào thi thể thích hợp vừa bị trống nào đó. Nhân vật nổi tiếng nhất trong trường hợp mượn xác hoàn hồn là Lý Thiết Quả trong bát tiên, là trường hợp không phải do quan phủ bố trí.
Tiên nhân Lý mỗ (ở đây gọi là Lý mỗ, không phải là vì mất tên tuổi, mà là trong những phiên bản khác nhau thì tên của người đó cũng khác nhau, Lý Huyền, Lý Nhạc, Lý Nhạc Thọ, Lý Khổng Mục, Lý Bát Bách, Lý Ngưng Dương v.v… không thống nhất, nên đành tinh lược bớt đi) phải đi dự yến tiệc chỗ Thái thượng lão quân. Nhưng tiên nhân đi xa, không giống với người phàm, chỉ cần nằm xuống nhắm mắt lại, lập tức nguyên thần xuất ra khỏi thể xác, thế là đi thôi. Vì vậy nếu người ở dưới nghe được vị đại tiên nào đó nói rằng ngài chỉ cần trong nháy mắt là có thể chu du năm châu bốn bể, thì cũng đừng nghĩ ngài khoác lác, thực ra chỉ cần nhắm mắt lại, là có thể đi hết mọi nơi rồi. Lại nói Lý đại tiên trước khi “xuất thần”, dặn dò đồng tử coi sóc xác mình cho tốt, đừng để con gì tham ăn ăn mất, nói là bảy ngày sau sẽ về, nếu không về, thì mang thể xác đi hỏa thiêu. Không ngờ mẹ của tên đồng tử đó lâm trọng bệnh, có người mang thư tới đòi hắn ta phải về nhà gấp. Lúc này đã là ngày thứ sáu, đồng tử tự ý quyết định, liền mang thể xác của Lý đại tiên ra đốt. Khi linh hồn của Lý đại tiên đúng ngày đã hẹn trở về, lại không tìm được nhà, trong lúc nguy cấp, cũng không cần biết tốt xấu gì nữa, liền tìm ngay xác một người chết đói bền lề đường gửi hồn vào, sống trong bộ dạng vừa thọt vừa xấu đó. Hình tượng này rõ ràng là không được tương xứng lắm so với một tiên phong đạo cốt, nhưng tên thọt chống gậy lại trở thành hình tượng của ông ta, thôi cũng coi như là “trong họa có phúc”, vì vậy ông ta cũng không kỳ thị “căn nhà” mới nữa. Câu chuyện này không chỉ thấy trong Liệt tiên toàn truyện của người đời Minh, mà trong tạp kịch ở đời Nguyên và tiểu thuyết thời Minh cũng có những phiên bản khác nhau được lưu truyền. Không chỉ thế, trong tạp kịch thời Nguyên ngoài Lã Động Tân độ Thiết Quả Lý Nhạc ra, trong Hoắc Toàn Phong mượn xác hoàn hồn, Sái Chân Nhân dạ đoạn bích đào hoa đều có những tình tiết tương tự, từ đó có thể thấy, mượn xác hoàn hồn thật sự rất đi vào lòng người.
Ngoài trường hợp này ra, nếu vẫn còn trường hợp thứ ba, thì chính là quan phủ và người cùng nhau hợp tác để giải quyết. Nhưng kiểu mượn xác hoàn hồn này rất ít gặp, tôi chỉ đọc được một lần trong cuốn sách cũ, hơn nữa lại hoàn toàn không đáng tin. Trương Đậu người đời Đường có viết truyện Trúc Quý Trinh trong Tuyên thất chí, nói đến việc âm phủ có một quy định, có cách ba mươi năm lại có một người được tái sinh, cho phép linh hồn trong âm phủ được đưa ra lời thỉnh cầu. Nội dung thỉnh cầu chính là kể lại tội phúc mình có ở kiếp trước, chứng minh bản thân đã từng là một đại lương dân, sau khi sống lại sẽ không gây phiền phức cho hai thế giới âm dương nữa. Nếu như được thông qua, sẽ được trùng sinh. Việc này nhìn thì đơn giản, thực ra còn khó hơn cả trăm nghìn lần so với việc thi trạng nguyên trên nhân gian. Một là về mặt thời gian đã ba mươi năm chứ không phải ba năm, hai là số ma quỷ dưới âm phủ phải nhiều gấp mười lần số người trên nhân gian, vậy là Trúc Quý Trinh lại là người may mắn đó. Nhưng ông ta đã chết mười năm rồi, thi thể đã hỏng, minh quan hỏi ông ta làm thế nào. Trúc Quý Trinh nói: “Trong chỗ tôi có một người tên là Triệu Tử Hòa, vừa chết được mấy ngày, xin lão gia hãy cho tôi được mượn xác của anh ta để hồi sinh.” Minh quan cũng chẳng hỏi Triệu Tử Hòa và vợ anh ta có đồng ý hay không, cũng không đi tìm hiểu xem Trúc Quý Trinh có lòng ham tài ham sắc hay không, tùy tiện gật đầu một cái, Trúc Quý Trinh liền trở thành chủ nhân của Triệu gia một cách hợp pháp, vợ con, nhà đất của Triệu Tử Hòa trở thành của ông ta cả.
Kiểu tự ý chọn lựa và minh quan liền phê chuẩn này dễ khiến người khác hiềm khích, để ổn thỏa hơn, thì sự tùy cơ sắp xếp của minh quan có lẽ hợp lý hơn nhiều. Đương nhiên, chính sách ba mươi năm lại chọn một ngu dân cho trùng sinh này mặc dù nhằm cổ vũ bách tính của hai thế giới luôn hướng thiện, nhưng số lượng ma quỷ đệ đơn nhiều lại trăm phương nghìn kế, chen chúc nhau ở trong cửa thập điện, chỉ riêng việc duy trì trật tự thôi cũng phải dùng cả nghìn cảnh lực, lại thêm những công văn, đơn báo tích lại thành núi, Diêm Vương phán quan bắt người thẩm vấn làm những việc chính còn bận không kể xiết, giờ lại phải hy sinh giấc ngủ và niềm vui, đọc đơn xin tái sinh và phê chuẩn, kiểm tra bên trong, điều tra bên ngoài, thảo luận phỏng vấn, sao có thể không loạn như khi Tôn Hành Giả lên trời đại náo chứ? Vì vậy, chính sách mới này cũng chỉ thực hiện được một hai lần, sau này không ai nhắc đến nữa.
2
Cho dù ngoài miệng thì mọi người nói linh hồn quan trọng hơn thể xác, nhưng con người một khi liên quan tới vấn đề quyền lợi, lại căn cứ vào thể xác để phân bổ. Thể xác của Trương Tam có quyền sở hữu tiền bạc, quyền thế, danh tiếng, bố mẹ, vợ con của Trương Tam v.v…, tất cả mọi thứ, điều này dường như không cần phải nghi ngờ trong một thế giới bình thường. Nhưng giờ lại xảy ra trường hợp mượn xác hoàn hồn, linh hồn và thể xác lại tổ hợp với nhau, sẽ xảy ra chuyện khó giải quyết. Ví dụ, Trương Tam chết rồi, Lý Tứ chạy lại nói, linh hồn của Trương Tam đang ở trong thể xác của tôi, thế là đòi vào trong nhà Trương Tam, vào phòng Trương Tam, còn đòi ngủ trên giường của Trương Tam nữa, e là nếu làm vậy sẽ bị người nhà Trương Tam đánh đuổi ra mất. Linh hồn của Trương Tam dù cảm thấy ấm ức, sợ là chẳng có cách nào, đành quay về ngủ trên giường của Lý Tứ. đương nhiên, trong tiểu thuyết cũng có rất nhiều những câu chuyện, thường là Lý Tứ sau khi kể rõ đầu đuôi ngọn ngành, thì được gia đình Trương Tam tiếp nhận, và vợ của Trương Tam cũng vẫn ân ái mặn nồng như ngày nào, vẫn thản nhiên trước sau như một, nhưng những chuyện như thế này cuối cùng cũng khiến người ta cảm thấy kỳ quái, dễ khiến người ta nghi ngờ bị người thứ ba lợi dụng, không chỉ chen chân vào, mà còn thay thế luôn cả người chồng xui xẻo kia.
Mượn xác hoàn hồn mà gây ra đa số những chuyện lằng nhằng thì chỉ có loại này, không chỉ thấy trong tiểu thuyết, bút ký, thậm chí còn thấy cả trong chính sử. Ví dụ như Kim sử. Ngũ hành đức có một truyện:
Kim Thế Tông đại định chính nguyệt năm 13, thượng thư tỉnh tấu: “Uyển Bình Trương Hiếu Thiện có người con trai tên Hợp Đắc, bệnh chết vào tháng Ba năm Đại Định thứ mười hai, sau được sống lại, chạy đến nói là con trai Vương Kiến tên Hỷ Nhi, nhà ở Lương Hương, mà Hỷ Nhi đã chết từ ba năm trước, Kiến kiểm tra mọi chuyện xảy ra trong nhà, Hỷ Nhi đều có thể nói rõ tỏ tường. Thiện này đã mượn xác hoàn hồn, trở thành con của Vương Kiến.”
Hỷ Nhi người huyện Lương Hương, chết từ ba năm trước, nhưng lại mượn xác của Trương Hợp Đắc người huyện Uyển Bình để sống lại, hai huyện này cách nhau không xa, khoảng như trong và ngoại thành Bắc Kinh ngày nay. Sự việc kinh động đến chính quyền của tỉnh, là bởi vì chuyện này đã gặp nhiều trong những tiểu thuyết kỳ quái, đến khi thực sự xảy ra ngoài đời thế này, lại liên quan đến rất nhiều những vấn đề trong thực tế, quan trọng nhất chính là quyền thừa kế tài sản và địa vị. Thượng thư tỉnh thì cho rằng, nếu đã là mượn hồn thì nên trả Trương Hợp Đắc về cho Vương Kiến. Nhưng xem ra Kim Thế Tông có vẻ suy nghĩ cẩn thận, chu đáo hơn những vị đại thần kia, ông ta sợ rằng nếu để chuyện này lộ ra ngoài, thì không khéo trong nhân gian sẽ lại xuất hiện rất nhiều những sự việc mượn xác hoàn hồn khác nữa, người nào đó vừa ngủ một giấc, khi tỉnh lại lập tức trở thành con trai của vị đại tài vừa mới mất, điều đáng sợ hơn là, ngộ nhỡ có người nào đó nói cha, mẹ, hoàng tử, công chúa của hoàng đế mượn xác ông ta để hoàn hồn, thế thì chẳng phải sẽ còn đáng giá hơn cả sự mua bán của Lã Bất Vi hay sao! Vì vậy, đúng như những gì Kỷ Quân từng nói, trong dân gian khi lại phát hiện những sự việc như trên thì “quan phủ khi xử án này, căn cứ vào thể xác không căn cứ vào linh hồn”. (Quyển bốn Duyệt vi thảo đường bút ký) mà sau này mặc dù trong chính sử cũng có ghi chép lại việc mượn xác hoàn hồn, như Minh sử. Ngũ hành chí: “Tháng Tám năm Hồng Vũ hai mươi bốn, phụ ty long môn Hà Nam tên Mẫu Đơn mất đã ba năm, mượn xác của Viên Mã Đầu tái sinh”, nhưng họ chỉ bình luận đấy là việc yêu dị mà thôi.
Nhưng nếu nói cách khác, Trương Tam chết rồi, linh hồn của Lý Tứ chiếm thể xác của Trương Tam, vậy thì có thể đường đường chính chính và nhà của Trương Tam, vào phòng, lên giường, chỉ cần bản chủ không nói, thì không ai có thể nghi ngờ việc Trương Tam bị hồn người khác mượn mất xác, mà cho dù có nói, e là cũng chẳng có ai tin. Trong truyện Mượn xác hoàn hồn ở quyển sáu cuốn Dực quynh bại biên do Thang Dụng viết về một nho sinh già, tuổi đã ngoài bảy mươi, gia cảnh nghèo khó. Một tối khi đang nằm trên giường cùng vợ, mơ thấy mình ngã lăn xuống dưới, có lẽ là đã chết rồi. Nhưng không biết tại sao, linh hồn lại chạy sang thể xác của người khác. Khi ông ta tỉnh dậy, “da thịt nõn nà, quần áo tinh tươm, thơm tho sạch sẽ, không phải là loại vải thường. Trên giường có người nằm bên cạnh, đưa tay ra chạm vào người ấy, hoàn toàn không phải bà vợ già của mình, lật chăn ngồi dậy, người cùng giường cũng tỉnh, gọi người ở mang lửa đến, thì ra người cùng giường chỉ là một thiếu phụ trẻ hơn hai mươi tuổi.” Một ông lão nho sinh nghèo khó, bỗng chốc trở thành công tử nhà giàu, mặc dù bỏ lại người vợ già đáng thương, nhưng bản thân lại “có được rất nhiều điều tốt đẹp”. Còn chàng thiếu gia trước kia vốn mít đặc, nay tỉnh lại bỗng thơ văn đầy đầu, đối với nhà tài chủ này thì đây cũng là một may mắn lớn. Việc linh hồn của vị thiếu gia kia đang lưu lạc phương nào, tới nay không ai còn nghĩ đến nữa. Cái kết của câu chuyện cũng rất có hậu. Vị lão nho này “mỗi lần nhớ tới người vợ già ở kiếp trước, liền lén tới thăm nom”. Năm ấy ông ta đậu cử nhân, khi đến Bắc Kinh dự thi, lại đi đường vòng về thăm nơi ở cũ. “Thấy bà lão tóc bạc trắng, có hai đứa con nghèo khó, xác của mình còn chưa được chôn cất, cảm thấy buồn phiền mà bỏ đi.”
Những chuyện may mắn như thế không phải dễ gặp, nhưng có người gặp được lại chưa chắc cho nó là chuyện tốt. Trong Trường Thanh Tăng ở Liêu trai chí dị, một vị cao tăng đặc biệt thâm nghiêm, sau khi chết linh hồn đột nhiên nhập vào xác một quý công tử đã chết, khi tỉnh lại chỉ thấy “rất nhiều người da trắng tóc xanh, tập trung tra hỏi”, từ đó lão tăng không dám mở mắt, không cả dám thở, thê thiếp của vị quý công tử đó cũng đành phải làm quả phụ sống giữ tiết, như thế này thật không phù hợp với cả hai bên. Nhưng trong hàng vạn cao tăng giống như vị cao tăng này cũng tìm được một người, trong mắt chúng sinh người đó rõ ràng là một quái vật, không thể trở thành tấm gương để người khác học tập.
3
Hình và hồn trong việc mượn xác hoàn hồn, tuyệt đại đa số khoảng cách giữa họ đều không xa, khi kết hợp khá thuận tiện, thậm chí còn có thể đi lại với nhau thân thiết như họ hàng. Thỉnh thoảng cũng có những trường hợp cách xa nhau hàng trăm dặm, nhưng cũng không gặp trắc trở gì, đã là âm dương hai thế giới thì có thể liên hệ với nhau, cùng trong một làng, cùng trên địa cầu, dù là ở cách xa trăm ngàn dặm thì cũng chẳng phải chuyện gì to tát.
Trong Động linh tiểu chí, Quách Tắc Vân viết về câu chuyện do một người đồng niên với ông ta là Hứa Tố Quân từng đích thân trải nghiệm qua. Tố Quân nhậm chức dịch bộ, từng có người Pháp mang công văn đến, một người Việt Nam đã chết nay sống lại, nhưng nói tiếng Trung Quốc, tìm phiên dịch đến, mới biết là người ở huyện Sơn Đông mượn xác hoàn hồn. Chính phủ Pháp cảm thấy chuyện này rất quái dị, nên yêu cầu triều đình nhà Thanh cử người đến Sơn Đông kiểm tra. Kết quả điều tra thế nào trong truyện này không đề cập đến, nhưng nhiều năm về sau, khi Quách viết Động linh tiểu chí, lại ghi lại chuyện mà người bạn thơ Dương Vị Vân từng kể. Dương nói năm đó anh ta đang làm sở trưởng sở tài chính Sơn Đông, có một vị chủ tịch huyện tới chơi, kể rằng ở một làng trong huyện có người nông dân, bệnh chết sau đó sống lại, giọng điệu buồn bã vô cùng. Người đó vốn không biết chữ, đột nhiên lại có thể cầm bút viết sách, văn phong rất hay, tự nhận là một người Việt Nam nào đó mượn xác hoàn hồn. (Thời ấy Việt Nam và Triều Tiên giống nhau, những người tỏ tường văn tự chữa Hán trong phần tử tri thức rất nhiều.) Dương Vị Vân cảm thấy chuyện này khá hiếm, liền lệnh cho huyện lệnh giải người quê ở Sơn Đông đó tới, cung kính hỏi thăm. Dương nghe người ta nói người Việt Nam giỏi việc khoan giếng, nên hỏi người đó có biết hay không, người này nói rằng mình có thể tìm mạch nước, cũng có thể khoan giếng. Xem ra hai chuyện này chỉ là một, người Sơn Đông và người Việt Nam kia không ngại vạn dặm xa xôi, đã hoán hồn đổi xác cho nhau. Giải thích cho việc này cũng không phải khó khăn gì, chỉ cần để Diêm Vương Trung Quốc và Diêm Vương Việt Nam gặp nhau, đổi lại hồn cho hai người bọn họ là xong.
Bình thường mà nói, chỉ xét riêng về phần “linh hồn” thì việc mượn xác tái sinh của nó chỉ có lợi mà không có hại.
Một linh hồn vốn đã bị chôn vùi dưới đất sâu nơi âm tào địa phủ, có thể tự do quay lại trần gian nhập vào thân phận của một người, việc này không thể không nói là việc vui bất ngờ, mà đôi khi còn là đại hỷ, cùng lắm thì hai bên chủ khách nhất thời có chút sợ hãi và ngượng ngạo. Cho dù địa vị từ giàu có trở thành bần hàn, nhưng sống nghèo khổ thì vẫn hơn là chết sung sướng, cũng chưa nghe có trường hợp nào vì chuyện này mà tự sát. Điều đau khổ và tương đối ảnh hưởng tới nhân tình thế thái, không phải việc từ người giàu có trở thành người nghèo hèn, mà là sự thay đổi về hình dạng. Giống như Lý Thiết Quả, từ tiên phong đạo cốt trong nháy mắt trở thành một kẻ vừa xấu vừa tàn tật, ông ta là thần tiên, điều đó không ngăn cản ông ta du ngoạn nhân sinh, có thể “chân nhân không lộ tướng”, quan trọng nhất là ông ta không có vợ và bạn bè để nhận ra hình dạng của mình, vì vậy cũng chẳng cảm thấy có gì không thích hợp. Nhưng với người phàm trần thì không thể thế. Trong truyện Thổ nhân giáp ở quyển U minh lục do Lưu Nghĩa Khánh viết có kể chuyện xảy ra vào năm Nguyên Đế thời đầu Đông Tấn. Thổ Nhân Mỗ Giáp, bạo bệnh mà chết. Lên đến trời (khi đó vẫn còn quan niệm về Thiên đế Tư Minh), Tư Minh lão gia phát hiện anh ta chưa đến số chết, vội vàng trả anh ta về lại dương thế. Nhưng chân của Mỗ Giáp lại giở chứng, không đi được. Mấy tên âm sai bắt đầu nổi cáu, bởi vì nếu Mỗ Giáp bị đau chân không kịp quay về dương gian, thì họ sẽ phải ngồi tù oan. Thế là hỏi ý kiến tư mệnh. Tư mệnh suy nghĩ hồi lâu, nói: “Cũng may vừa có tên Hồ Nhân Khang Ất, nhà ở Tây Môn, cách nhà Mỗ Giáp không xa. Chân của tên ấy rất khỏe, đổi cho nhau, cả hai chẳng ai tổn hại gì.” Nhưng tên Hồ Nhân này ngoại hình rất xấu, đôi chân đó đặc biệt trông rất kỳ dị, Mỗ Giáp không chịu đổi. Quỷ sai nói: “Nếu ngươi không đổi, thì phải ở đây lâu đấy.” Mỗ Giáp chẳng còn cách nào khác, đành phải đồng ý. m sai lệnh cho hai người nhắm mắt lại, trong giây lát, chân của hai người được đổi cho nhau. Sau khi Mỗ Giáp sống lại, vừa nhìn xuống đôi chân, quả nhiên đã đổi thành chân của Khang Hồ rồi, lông lá rậm rạp, mùi hôi thối bốc lên. Mà Mỗ Giáp vốn là người hay tự trách thương bản thân, nên đến ngay cả chân tay cũng xót xa vô tận, giờ thành ra bộ dạng thế này, tự nhiên buồn bã muốn chết. Cũng may người nhà nói Khang Hồ còn chưa bị đem chôn, Mỗ Giáp liền đến nhà Khang Hồ xem, nhìn thấy đôi chân của mình trên người Khang Hồ, bất giác không kìm được nước mắt tuôn rơi, thương xót một hồi cho đôi chân nhìn thì đẹp mà vô dụng đó. Chuyện phiền phức còn ở phía sau, thì ra con trai của Khang Hồ là một người có hiếu, sau khi biết chuyện đổi chân, mỗi khi năm hết Tết đến, nhớ đến cha mình, lại không kìm được sự buồn đau, chạy đến phủ Mỗ Giáp, ôm lấy đôi chân với đám lông rậm rạp, hôi thối mà khóc lóc. Thỉnh thoảng gặp Mỗ Giáp trên đường, người con hiếu thảo đó cũng vuốt ve đôi chân cha, khóc lóc không ngớt. Đôi chân đó vốn là của cha ruột người ta, nếu từ chối thì xem ra không được hay ho cho lắm, thế là Mỗ Giáp đành tìm cách tránh, mỗi lần ra ngoài, đều lệnh cho người ra cửa, nhìn trước ngó sau, tránh con trai của Khang Hồ đột ngột xông ra…
Mới chỉ đổi chân thôi mà đã như thế rồi, nếu đổi cả thể xác của Khang Hồ thì con ông ta còn thế nào nữa? Mượn xác hoàn hồn, bản chất của việc này không tồn tại tính không xác định, số lượng những cô gái thôn quê bao giờ cũng nhiều hơn những cô nương trong hoàng cung, chắc các vị mượn hồn cũng không vì chuyện này mà nảy sinh những suy nghĩ khác, mà những người đẹp trai, râu rậm chỉ là số ít thôi, nhưng một khi nhập vào xác một người râu rậm, cho dù bản thân có chấp nhận, thì vợ cũng chưa chắc để ông ta vào nhà. (Trong truyện Linh Bích nữ mượn xác hoàn hồn ở quyển một Tử bất ngữ do Viên Mai viết, nói về linh hồn của Tuấn Tiếu sau khi nhập vào thể xác của một người phụ nữ xấu, lại có thể biến người phụ nữ xấu đó thành người phụ nữ đẹp, nhưng những ví dụ có thể biến cũ thành mới thế này quá ít, tốt nhất đừng ôm hy vọng thì hơn.) Nhưng đây không phải thứ khiến chủ nhân của nó khó chịu nhất, nếu để linh hồn của nam nhập vào xác của nữ thì thế nào? Xảy ra trường hợp đó không thể không khiến người ta nghĩ đến cảnh ngộ của Lâm Chi Tường ở trong vương quốc nữ nhi.
Truyện Tuần kiểm phụ hồn trong quyển bảy cuốn Cô Thặng do Nữu Tú viết, có ghi lại một câu chuyện xảy ra vào thời Khang Hy. Ở huyện Hà Nguyên, ti Lam Khẩu có tuần kiểm Vương Học Cống, sau khi chết không lâu, người con gái chưa xuất giá của ông ta vì khóc thương cha mà sinh bệnh, mấy ngày sau cũng chết. Nhưng khi đang cho cô ta vào trong quan tài, thì cô ta đột nhiên ngồi dậy, tự nhìn xuống cơ thể mình nói: “Ta là Vương tuần tư, sau lại ăn mặc như con gái thế này?” Thì ra Vương Học Cống dương thọ chưa hết, nên được trả về dương gian, phụng mệnh Diêm Vương, mượn luôn thi thể con gái của ông ta. Vốn Diêm Vương có ý tốt, không ngờ, cô gái duyên dáng khuê các này lại cởi bỏ vải buộc chân, cắt đi mái tóc dài của mình, thế cũng không có gì làm lạ, lạ là cô ta tìm tới gặp huyện thái gia, yêu cầu khôi phục lại chức cũ cho cha mình.
Trong Duyệt vi thảo đường bút ký do Kỷ Quân viết, ghi lại một truyện có những thành phần ác bá. Chuyện này xảy ra vào giữa năm Càn Long ở thị bộ viên ngoại trưởng công thái gia. Nhà ông ta có một đầy tớ, mới hơn hai mươi tuổi, trúng gió mà chết, ngày hôm sau lại sống lại. Nhưng từng lời nói, hành động của chị ta lại giống hệt như nam nhi, gặp chồng cũng không có vẻ gì là tỏ ra quen biết. Sau khi mọi người nghiên cứu tìm hiểu nguyên do, chị ta mới nói mình vốn là đàn ông, sau khi chết xuống âm phủ, phán quan kiểm tra thấy dương thọ của anh ta chưa hết, nên theo lý phải được hoàn dương, nhưng có một điều kiện, phải trở thành nữ nhi, thế là trong nháy mắt đã thấy nằm trên giường người khác. Lại hỏi tới danh tính, quê quán của chị ta, chị ta kiên quyết không chịu nói, người khác biết ngay có ẩn tình, cũng không truy hỏi nữa. Đến tối, chồng kéo chị ta vào giường, nói thế nào chị ta cũng không chịu thuận theo. Nhưng chồng chị ta thoạt nhìn thì tưởng người lỗ mãng, nhưng lại là một hảo hán không tin vào tà ma, cuối cùng cũng khiến chị ta phải nhìn nhận sự thật, trở lại làm phụ nữ. Từ đó mỗi lần vợ chồng ân ái xong, chị ta đều khóc lóc không thôi, thút tha thút thít khóc cho tới sáng. Có người còn nghe thấy chị ta lầm rầm nói: “Lão phu đọc sách hơn hai mươi năm, làm quan ba mươi năm có lẻ, sao lại phải chịu nỗi nhục này hả trời!” Nói thì nói thế, nhưng nhục thì vẫn phải chịu. Nghe nói cho tới tận khi chết, chị ta cũng không chịu tiết lộ chút tin tức nào về thân phận trước kia của mình, sợ tin truyền về quê cũ sẽ khiến “người thân đau lòng, mà kẻ thù thì hỷ hả.”
4
Đọc câu chuyện ở trên, cảm thấy âm phủ phân phát thi thể cho việc hoàn hồn, cũng hoàn toàn không phải là tùy cơ hoặc tùy hứng. Cùng là hoàn hồn, trong nháy mắt liền xảy ra những biến đổi lớn, hoặc rơi xuống vực sâu, hoặc bay lên tận mây xanh, thật không khỏi khiến người ta phải cảm thán trước sự trớ trêu của tạo hóa. Thế là chủ đề trừng phạt cái ác, ca ngợi điều thiện bắt đầu thu hút sự chú ý của mọi người, từ đó việc nhân quả luân hồi không chỉ thêm một phương thức nữa để thực hiện nhanh hơn, mà việc luân hồi này còn mang cả một ký ức hoàn chỉnh của kiếp trước, càng có ý nghĩa giáo dục hơn. Kết quả của hơn ba mươi năm làm quan là hằng đêm “nhẫn nhịn nỗi nhục của một kẻ nô lệ”, thì từ đấy có thể suy đoán được khi làm quan ông ta như thế nào.
Nhưng những câu chuyện có nội dung dùng việc mượn xác hoàn hồn để tuyên truyền luật nhân quả còn có một phương thức khác, hòan toàn không liên quan gì đến linh hồn và thể xác của chủ nhân. Trong truyện Mượn xác hoàn hồn trong quyển ba Vọng vọng lục, kể về Mỗ Giáp nào đó là một đại tài chủ, bán hàng giá cao, mở cửa hàng cầm đồ, nhưng đối xử với người khác thì rất hà khắc. Ông ta đã hơn sáu mươi tuổi, sau khi thê thiếp lần lượt qua đời, chỉ còn lại một đứa con trai, giờ đang lâm trọng bệnh sắp chết. Hôm đó, canh ba nửa đêm, đột nhiên có người gõ cửa, thì ra là mang tiền đến lấy lại đồ đã cầm. Mỗ Giáp trong lòng đang buồn bực, liền mở miệng quát mắng người kia, nói ngày mai hãy đến. Người đó nói: “Sáng sớm ngày mai thì đã đến thời hạn rồi, tôi phải gom góp mọi thứ mang đi bán, mới gom được đủ tiền, chính là muốn chuộc lại món đồ đó.” Mỗ Giáp suy nghĩ nhanh, thầm tính toán con trai cũng sắp chết rồi, cả đời cắt da cắt thịt bách tính, vì tiền làm bao việc thất đức như thế, giờ còn giữ lại chút tiền đó để làm gì nữa. Hôm sau, ông ta trả lại hết những ruộng vườn và đồ vật mà người dân mang đặt, đốt hết những giấy ghi nợ đang cầm trong tay. Nhưng con trai ông ta cuối cùng vẫn phải chết, ông ta ôm thi thể con khóc lóc, đến nửa đêm vẫn còn ngồi trước linh cữu rơi nước mắt. Đột nhiên, có một người đẩy cửa đi vào, ông ta ngẩng đầu lên nhìn, nhận ra đấy là người thường xuyên tới tìm ông ta vay nợ. Người đó nói: “Con trai ngài là một quỷ đòi nợ, sau khi đòi hết những gì ông nợ anh ta từ kiếp trước rồi thì đương nhiên phải đi, vì vậy ông cũng đừng đau buồn quá. Tôi thấy ông trượng nghĩa, nguyện làm con trai ông, sống cùng ông nốt những năm còn lại.” Nói xong, người đó biến mất, cùng lúc đó thi thể trên giường cũng sống lại. Ngày hôm sau, Mỗ Giáp đến nhà người đó nghe ngóng, mới biết người đó đã chết tối qua, còn con trai ông hiện giờ là do anh ta mượn xác hoàn hồn.
Trong quyển ba cuốn Hữu đài tiên quán bút ký do Du Việt viết có một truyện, được viết cũng khá kỳ diệu. Ở Tô Châu có một người đàn ông mất đi đứa con trai trong lần loạn lạc năm 1860, nhưng trong trận loạn đó lại thu nhận một đứa trẻ bị lạc cha mẹ. Sau trận loạn lạc, ông ta trở về quê cũ, nhận đứa trẻ đó làm con nuôi, còn lấy vợ cho con. Nhưng thật không may người con nuôi cũng chết, hôm ấy, đúng lúc chuẩn bị nhập quan, thì người con nuôi lại sống lại, vái cha, nói: “Ly biệt cha mẹ đã lâu, cha mẹ vẫn khỏe chứ?” Động tác và giọng nói ấy, chính là của đứa con ruột ông ta. Khi hỏi kỹ lại, người con này nói sau khi bị lạc, lưu lạc tới một vùng đất nào đó, sau khi loạn lạc qua đi, mới nhờ thuyền người ta về lại nhà. Đang nói, thì ngoài cửa có người đi vào, thì ra chính là “người ta” mà con trai ông vừa nhắc đến, nói: “Tôi đưa con ông về nhà, không ngờ vừa vào đến cửa, con ông lâm bạo bệnh mà chết rồi, giờ thi thể của anh ta vẫn ở trên thuyền tôi.” Lúc này ông ta mới hiểu, thì ra linh hồn của con đẻ mình mượn xác của con nuôi để tái sinh.
Xem qua thì tình tiết của hai câu chuyện này rất giống nhau, nhưng nếu đọc kỹ thì cách hồn mượn xác trong hai câu chuyện lại khác nhau. Mặc dù là “mượn xác hoàn hồn” nhưng chủ thể trong hai câu chuyện đó vẫn là ma. Câu chuyện đầu tiên không giống thế, chỉ cần da thịt là của con trai, còn bên trong là linh hồn của ai, thì cũng vẫn là con trai tôi, thế thì không phải là “mượn hồn sống lại” sao? Căn cứ vào quy tắc từ trước tới nay của những câu chuyện kiểu này, thì việc đứa con trai sống lại lưu luyến không quên được “nhà cũ” của linh hồn mình, anh ta nên chủ động đi thăm bố mẹ cũ, vợ con mình, nếu ở đây có ý gì đó liên quan tới việc “báo ứng”, thì chính là việc anh từ một kẻ nghèo rớt mồng tơi đột ngột thành người giàu có, đầy đủ. Lương Công Thần đã đưa ra suy nghĩ cảm thán của mình ở phần kết của câu chuyện, nói rằng: “Đứa con đòi nợ đi rồi, đứa con trả nợ đến, cùng trong một cơ thể, thiện ác chỉ báo ảnh hưởng là ở đây.” Đương nhiên, cũng có thể suy nghĩ về câu chuyện này từ một góc độ khác, lão tài chủ tham lam cả đời, kết quả cuối cùng là, con quỷ đòi nợ đi rồi, lại thấy một con quỷ đòi nợ khác đến, chỉ có điều con quỷ này sẽ ở lại mãi, không đi nữa. Suy nghĩ lương thiện một chút, đứa con được sống lại nhờ linh hồn của người khác, nghĩ đến những người nghèo bị ông ta hại cũng không ít, ông trời thế là cũng không xử tệ với ông ta rồi.
Câu chuyện thứ hai nhìn từ góc độ báo ứng thì có vẻ hợp lý hơn, đứa con trai mà ông lão bị lạc mất, vẫn chưa biết sống chết thế nào, vì vậy ông ta nhận nuôi con của người khác cũng là một hành động cao đẹp, cuối cùng con giả biến thành con thật, coi như người tốt được báo đáp rồi. Nhưng có một lỗ hổng lớn, khiến toàn câu chuyện không có tính kết nối cho lắm. Mặc dù con đẻ đồng ý hoàn hồn rồi, ngoài cửa là thi thể của chính mình, bề ngoài hoàn chỉnh không thiếu thốn gì, nội tạng bên trong vẫn tươi mới như còn sống, hà tất phải đi mượn thể xác của người khác? Nếu Du Khúc Viên cũng giống Lương Công Thần hứng chí đưa ra nhận xét, nói rằng: “Con đẻ về rồi, con nuôi cũng không chịu đi, con đẻ, con nuôi hợp trong một thân thể.” Có thể như thế cũng khiến câu chuyện rõ ràng hơn. Huồng hồ bên cạnh đó còn có con dâu ông ta nữa, nếu con đẻ ông ta không mượn xác của con nuôi, không những phải xây một căn nhà khác, mà cưới con dâu khác cũng phải tốn mớ tiền nữa.
Kiểu quả báo xảy ra trong đề tài mượn xác hoàn hồn này, hình như xuất phát từ sự sáng tạo của những người ở đời Thanh, còn trước đó chưa từng nghe qua.