Chương 12: Chỉ khôi phi tác bạch hồ điệp [1]

[1]Tro giấy bay lên thành bướm trắng.

Nếu như ma quỷ có thất tình lục dục, vậy cái mà họ mong muốn nhất là gì? Nhìn dáng vẻ quyến luyến, bịn rịn của họ lúc sắp phải rời xa dương thế, có thể chắc chắn rằng họ cũng muốn được sống trở lại. Nhưng khi mong muốn không thành, họ sẽ được điều mong muốn thứ hai, vậy đó chắc là tiền rồi. Trước và sau tết Thanh minh, trên những con đường tới nghĩa địa, trong chiếc giỏ của mỗi chiếc xe bán hàng rong, món đồ vàng mã được nhìn thấy nhiều nhất chính là tiền âm phủ, từ những vàng nén, châu báu thời cổ đại, cho đến những đồng một trăm tệ, đồng đô la Mỹ ngày nay, chỉ cần đi một vòng cũng đã có thể nhìn thấy mấy chục loại tiền. Vào đến nghĩa địa, trên những chiếc “bàn thờ” dùng để truy điệu người quá cố, tuy có bày một chút đồ ăn và hoa quả, nhưng nhiều nhất vẫn là các loại tiền giấy với đầy đủ màu sắc khác nhau, dường như phía trước mỗi bia mộ đều có dán tờ chữ “bản kiều nhuận cách”, ý nói lễ phẩm, đồ ăn có nhiều cũng không bằng tiền bạc giắt đầy lưng. Trên thực tế, công tác đốt tiền giấy cũng là khâu quan trọng nhất trong hoạt động truy điệu, và là chương trình chiếm nhiều thời gian nhất, vì thế, một số nơi quyết định gọi nghi lễ mai táng người chết với cái tên “đốt giấy”. Giả như dưới âm phủ có xảy ra cơn bão tài chính, khủng hoảng tiền tệ, thì việc người sống chúng ta mỗi lần đốt cả sọt, cả bao tiền giấy cũng là điều hết sức hợp lý. Vấn đề ở chỗ, dưới âm phủ không những không có chuyện giá cả hàng hóa lên xuống, mà căn bản là ở đó không có hàng hóa, không có siêu thị hay chợ búa gì cả, các vị tiền nhân của chúng ta dù thắt lưng có rủng rỉnh vạn quan tiền cũng chẳng thể tìm được nơi tiêu tán chúng tại thế giới âm phủ. Vậy họ cần nhiều tiền như vậy làm gì? Hơn nữa, trong dân gian còn xuất hiện rất nhiều câu chuyện ma lừa tiền, ma cướp của, ma hám tiền, lại còn có câu yết hậu ngữ “tay người chết trong quan tài thò ra để đòi tiền”, người đời Thanh còn có câu hát rằng: “Phía trước chân núi hỗn mang, tro giấy bay lên hóa thành bươm bướm, chết đi vẫn đòi tiền đồng.” Dựa vào đó cũng có thể lờ mờ suy đoán được rằng, ma quỷ có niềm yêu thích đặc biệt đối với tiền.

Nhưng sau này tôi mới phát hiện ra rằng, sự việc không đơn giản như vậy. Thế giới âm phủ tuy không có hàng hóa để mua, nhưng giống như Viên Tử Tài từng nói, nơi dùng tiền thực chất còn nhiều hơn cả con người. Về điều này, chúng ta có thể bắt đầu từ việc phát minh ra tiền giấy.

1

Tiền giấy có từ khi nào? Không khó để có thể xác định thời điểm xuất hiện của tiền giấy, tất nhiên đó là sau khi con người phát minh ra giấy, và giá cả của giấy đã hạ xuống đến mức thấp nhất. Phong Diễn sống vào thời nhà Đường là người đầu tiên tìm hiểu về giấy. Trong tập sáu quyển Bút ký ghi lại những hiểu biết của Phong Diễn, chương Tiền giấy có viết:

Theo như người xưa, khi tiến hành cúng tế quỷ thần, cần có đồ lễ bằng vàng bạc châu báu, tiền đồng, sau khi nghi lễ được hoàn tất, toàn bộ số của cải đó phải được đem chôn xuống đất, người đời sau vẫn dùng châu báu tiền tài, tức dùng tiền để tiễn người đã khuất. Vụ việc đào trộm tiền chôn tại lăng mộ Hán Văn Viên trong “Hán thư” cũng là vì thế. Sau này theo đuổi sự giản hóa người ta bèn dùng tiền giấy. Giấy được phát minh vào thời nhà Hán, tiền giấy bắt đầu được sử dụng vào thời Ngụy Tấn. Ngày nay, từ vua quan cho tớ dân thường đều sử dụng tiền giấy trong các nghi lễ dành cho người chết.

Việc sử dụng tiền giấy được “bắt đầu từ thời Ngụy Tấn”, đó là cách nói phù hợp nhất, và trên thực tế nó cũng sát thực nhất. Có người còn tìm hiểu, chứng minh một cách chính xác hơn, ví như Chu Văn Công từng nói “tiền giấy được ra đời là nhờ Vương Du đời vua Huyền Tông (tập ba mươi chín Chu tử toàn thư), như vậy có sự sai lệch quá lớn. Cuối thời Huyền Tông, người ta luôn lo sợ quỷ thần, công việc tế lễ vô cùng phức tạp, tất cả đều sử dụng châu báu, lụa là sợ rằng vẫn chưa thể đáp ứng được, do vậy Vương Du bèn nêu ý kiến sử dụng tiền giấy để tế thần. Nhưng quyển Tân Đường thư - Vương Du truyện lại ghi rằng trước đó, trong dân gian đã có chuyện “sử dụng tiền giấy để tế ma quỷ”, vì thế, những cống hiến của Vương Du chỉ ở chỗ ông sử dụng tiền giấy giúp tên hôn quân nịnh nọt yêu thần ma quỷ mà thôi. Còn các sử gia lại đặc biệt ghi chép lại chuyện đó, có lẽ là vì sợ Vương Du đem những cái giản hóa của dân gian đưa vào trong điện miếu, phá hỏng những quy củ do tổ tiên truyền lại chăng?

Muộn hơn một chút, trong quyển Thử phác, Đới Trực nói “Pháp uyển chu lâm có ghi lại rằng tiền giấy khởi nguồn bởi n Trường Sử”. n Trường Sử có lẽ là chỉ n Nhuệ, con rể của Vương Hoàn, do bị liên lụy bởi bố vợ, n Nhuệ bị giết vào cuối năm Vĩnh Minh thời Tề Vũ Đế. Bố vợ của n Nhuệ là tín đồ Phật giáo, sau này trở thành bạn thân của Tiêu Diễn - một hoàng đế vô cùng tin Phật, và xem chừng n Nhuệ cũng là một người tin Phật. Tiền giấy mà ông ta dùng có lẽ đều liên quan đến tín ngưỡng Phật giáo, nhưng cái then chốt của câu chuyện như thế nào vẫn chưa được làm sáng tỏ, bởi trong quyển Pháp uyển chu lâm hiện nay, người ta không còn tìm thấy ghi chép liên quan đến sự việc này. Nhưng trong quyển Phân tích, chứng minh về thơ Đỗ Phủ, Hồng Hưng Tổ, người đời Nam Tống nhắc tới “hoàng đế Nam Tề bị phế truất, Tiêu Bảo Quyển (còn gọi là Đông Hôn Hầu) quá ham mê thuật quỷ thần, bèn cắt giấy thành tiền thay cho gấm lụa” (Trích từ Tục đốt tiền giấy trong lễ tạ ơn, tập năm). Thời điểm Đông Hôn Hầu giữ ngôi vị chỉ cách năm Vĩnh Minh không quá mười năm, xem chừng nói tiền giấy xuất hiện vào thời Nam Tề là có căn cứ chắc chắn. Nhưng từ lúc phát minh tiền giấy cho đến đời nhà Tấn vẫn là một khoảng thời gian tương đối dài, vì thế hiện tượng chôn tiền thật vẫn còn tồn tại khá phổ biến vào lúc bấy giờ. Trong quyển Nam sử - những chuyện ẩn dật, vị hòa thượng Tăng Nhan trước khi chết đã nói với các đệ tử rằng: “Nay ta phải giã từ nhân gian. Trong hộp kia có cất một nghìn đồng, để ta dùng trên đường xuống nơi chín suối, cây nến kia sẽ soi chiếu thi thể ta.” Đệ tử của Phật đã như vậy, thì những người bình thường há không làm như vậy sao?

Thói quen trước nay của người Trung Quốc là luôn coi những phát minh trong dân gian đồng nhất với những tên giặc cỏ, phải được tống tiến lên hoàng thượng trước tiên, cho đến khi tất cả mọi vương công khanh tướng đều đã áp dụng, đến lúc đó giấy chứng nhận bản quyền phát minh mới chính thức được cấp cho người phát minh. Vì thế, tiền giấy chưa chắc đã do một người nổi tiếng nào đó sáng tạo ra. Vào trước thời Nam Tề, trong dân gian đã sử dụng tiền giấy vào việc tế lễ thần linh và mai táng người chết. Theo rất nhiều sách sử ghi chép, tiền giấy được sử dụng rộng rãi trong xã hội phải được bắt đầu từ thời nhà Đường, nhưng nếu truy cứu về vấn đề nguyên thủy của nó, thì như Phong Diễn nói “tiền giấy được bắt đầu sử dụng từ thời Ngụy Tấn” là không sai.

Trước khi tiền giấy xuất hiện, người ta thường đem tiền đồng thật chôn trong mộ khi mai táng người quá cố. Nhưng chỉ những gia đình giàu có mới có thể làm như vậy, còn gia đình nghèo đành lực bất tòng tâm, hoặc cũng chỉ dâng lên vài đồng xu mang tính tượng trưng mà thôi. Nhưng những thứ đó đều được chôn xuống mồ cùng với người chết, không thể dùng lại được nữa. Vì thế, có thể suy đoán rằng, ban đầu, những đồng tiền âm phủ được làm từ giấy không những có hình dáng khác hoàn toàn so với những loại tiền âm phủ hiện nay chúng ta được thấy, chúng chắc trông giống với tiền thật lúc bấy giờ hơn, hơn thế nữa, chúng còn được chôn xuống dưới mồ.

Nhưng loại tiền giấy như thế không có tác dụng quan trọng nào trong sự phát triển của văn hóa âm phủ. Nó chẳng qua chỉ là loại tiền âm phủ được làm hết sức đơn điệu, xét theo ý nghĩa “ngụ ý”, tượng tùy táng và đồ binh khí làm từ đất nung đã làm công tác khai đường mở lối từ mấy trăm năm về trước, giá trị của văn hóa tiền giấy gần như ngang hàng với đồ đất nung thời bấy giờ.

Tiền giấy có bước nhảy vọt về mặt ý nghĩa văn hóa, chủ yếu thể hiện ở hai điểm: một là nó không chỉ được sử dụng khi mai táng người chết, mà còn được sử dụng trong việc tế lễ tổ tiên hàng năm, hai là nó được chuyển từ hình thức chôn tiền sang hình thức đốt tiền. Hiện nay, con người không thể tiến hành khảo sát quá trình này, nhưng theo những bậc tiên sinh kiên quyết giữ gìn lễ tục cổ từng nói, cái sai sót trong sự biến chất của tiền giấy là ở ảnh hưởng thuyết “tư minh phúc - giúp đỡ âm phủ” của các tín đồ Phật giáo.

Tiền giấy được dùng để “giúp đỡ âm phủ”, điều này cố nhiên có quan hệ rất lớn đối với việc truyền bá Phật giáo, nhưng thực tế nó cũng rất phù hợp với Đạo giáo của Trung Quốc, như vậy mới được quảng đại quần chúng và các bậc đại phu đón nhận. Mỗi đợt Tết đến xuân về, chỉ cần trong tay còn vài đồng, mọi người đều mau chóng đi mua sắm đồ lễ “xả hàng ngày hội mua sắm”, khi vui mình phải nghĩ đến người, thế là thế hệ con cháu hiếu thuận cũng nhớ đến các bậc tổ tiên nơi chín suối. Nhưng nơi mộ phần không phải chiếc va li tiền hay chiếc tủ quần áo để tiện mở ra mở vào, vì thế, muốn chôn tiền đồng xuống bất cứ lúc nào là việc bất khả thi. Do đó không khó để nhận ra tính ưu việt của tiền giấy. Trong Ghi chép ngày hội tụ, Nại Đắc Ông người thời Nam Tống có ghi chép một câu chuyện như sau: Vào thời Bắc Tống, triết học gia Thiệu Ung từng nghiên cứu về nghi lễ thờ cúng tổ tiên thời Xuân Thu, ông tổng hợp tất cả lễ nghi từ cổ chí kim, vì vậy việc đốt tiền giấy cũng được ông áp dụng. Trình Di cho việc đó là không hợp với Lễ, bèn tìm đến Thiệu Ung trách vấn. Ngài Khang Tiết (tức Thiệu Ung) đáp rằng: “Đó xuất phát từ ý nghĩa của đồ tùy táng, cắt bỏ mà có ích lợi, chẳng lẽ không phải là tấm lòng hiếu thảo của con cháu sao?” Trình Di luôn giữ địa vị thấp hèn bên phía cánh tả kiểu cũ, sang ngày hôm sau ông vẫn không hết băn khoăn, thấy hoàng thượng bẻ càng liễu, ông bèn cho đó là “sức sống” bị tổn thương, còn như những lời xấu xa kiểu “chết đói là chuyện nhỏ, thất lễ mới là chuyện lớn” vấn đề lại di hại đến ngày nay, còn khi đó ông vẫn là gương mặt một lòng bảo vệ môn phái bị nhiều người ghét bỏ. Nhưng Thiệu Khang Tiết cho rằng tiền giấy cũng như những loại đồ tùy táng kia, chỉ cần có thể biểu đạt được lòng hiếu thảo của con cháu thì không có thứ gì là không thể sử dụng để cúng tế được. Đương nhiên tiền giấy cũng chỉ được dùng để biểu thị lòng hiếu thảo mà thôi, tựa như ngày nay người ta hay nói câu “hay về nhà thăm tổ tiên”, việc thăm nom này vị tất phải bao lớn bao bé mang về, ngài Khang Tiết cũng không hề nhận định rằng tiền giấy sau khi đốt sẽ trở thành loại tiền được thông hành trong thế giới thần linh.

Quyển Phong song tiểu bản lại ghi chép rằng: “Vào thời Nam Tống, sau khi Cao Tông qua đời, trăm quan quỳ khóc, tiền giấy cúng tế giải khắp đường. Để biểu thị lòng hiếu thảo của mình đối với người cha đã khuất, vị hoàng đế vừa đăng cơ Tống Hiếu Tông liền chê chỗ tiền giấy được làm quá nhỏ, khiến tang lễ không đủ sức phô trương. Thế là lại có một tên gián quan không hiểu biết lên tấu, rằng: “Tục dụng chỉ tiền, ngãi thích thị sử nhân dĩ quá độ kỳ thân giả, khủng phi thánh chủ sở nghi dĩ phụng tân thiên dã.” Ý nói rằng, tiền giấy vốn là thứ không nên sử dụng, vì thế tiền có nhỏ một chút cũng không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Hiến Tông nghe vậy vô cùng tức giận, ném bản tấu chương xuống đất, nói: “Bậc hiền nhân như Chiêu Nghiêu Phu chẳng phải cũng dùng tiền giấy để tế lễ tổ tiên hay sao? Lẽ nào ngươi sống trên đời mà không cần chỉ tiêu đến một đồng?” Vốn dĩ viên gián quan muốn khuyên can Hiến Tông không cần tổ chức buổi tang lễ quá phô trương, nhưng ông đã nghĩ không sáng suốt, cuối cùng phải gánh một trận giáo huấn. Còn Chu Văn Công có nói: “Từ khi vương triều được lập đến nay, những người học lễ đều sai lầm trong quan niệm, người ta chỉ làm mũ áo giấy mà không làm tiền giấy, vậy không hiểu mũ áo giấy và tiền giấy có gì khác nhau?” Đây chính là “ý nghĩa đồ tùy táng” mà Chiêu Khang Tiết đã nói. Có thể thấy, việc đốt tiền giấy cung cấp cho các vong hồn chi tiêu nơi âm phủ đã trở thành quy tắc chung dùng để “tận hiếu” của người đời, tất cả các bậc đại Nho đã dùng theo quảng đại dân chúng, vậy thì những kẻ tiểu Nho đừng tùy tiện lên tiếng phản kháng”[2]

[2] Nghe nói vào thời Đường, chỉ có Nhan Chân Khanh, Trương Tham Gia không dùng tiền giấy khi cúng lễ. Còn thời Tống, có Thiền Nhược Thủy không đốt tiền giấy, Lữ Nam Công còn đặc biệt viết Bài tụng Tiền Trịnh Công không hóa tiền giấy. Có thể thấy thời bấy giờ, đại đa số quan phủ thân vương đều phổ biến sử dụng tiền giấy.

Đi sâu hơn nữa, trong quan niệm về thế giới âm phủ của người đời, tiền giấy không những được sử dụng phổ biến ở cõi âm ti, mà nó còn có xu thế loại tiền đồng ra khỏi âm giới. Trong quyển Minh báo ký - Ghi chép những thông tin từ cõi âm, Đường Lân, người thời Đường có ghi lại một câu chuyện, chuyện rằng hồi đó Vương Thục vô duyên vô cớ bị diêm phủ bắt đi, khi xuống tới âm phủ mới phát hiện bị bắt nhầm, quy tắc từ xưa tới nay của Trung Quốc là sau khi bắt nhầm, đánh nhầm phải tạ ơn người ta, thế là Vương Thục được trả về dương gian, sứ giả diêm phủ yêu cầu ông giao một khoản “tiền cảm tạ”, hơn nữa còn nói rõ: “Ta không dùng tiền đồng của ngươi, ta dùng tiền giấy trắng.” Trong quyển Di kiên ất chí, tập mười lăm, Hồng Mại thời Nam Tống có chương Nỗi oan vợ lẽ nhà họ Mã nói về oan hồn đòi mạng, kẻ bị ma ám nhờ đạo sĩ ra tay hóa giải. Cuối cùng khi nhắc tới việc bồi thường một khoản tiền, vị đạo sĩ hỏi: “Ngươi muốn tiền đồng hay tiền giấy?” Con ma đó tuy là nữ giới, nhưng đã được đọc tất cả các sách thánh hiền, ả bèn mượn câu chuyện Tiễn quỷ đói tiền của Hàn Văn Công, cười và nói rằng: “Ta là ma, ta không phải là người, liệu ta có dùng tiền đồng được không?” Rõ ràng, tuy tiền đồng được chôn trong đất, nhưng các linh hồn ma quỷ không thể hưởng thụ được chúng.

Trong văn hóa âm phủ, ưu thế lớn nhất của tiền giấy so với tiền đồng chính là ở chỗ nó được “hỏa hóa”. Chữ “hóa” ở đây không phải chỉ việc giấy hóa thành tro, mà chỉ tiền giấy chuyển hóa thành tiền đồng lưu thông dưới âm phủ. Chỉ khi đã được hỏa hóa, âm phủ mới nhìn thấy tiền giấy, người nhận mới cầm được tiền trong tay. Còn tiền đồng được chôn trong đất, sau thời gian dài vẫn không bị hóa mòn, những kẻ trộm mộ sẽ đào chúng lên, khi đó chúng vẫn là tiền của dương gian, ma quỷ nhìn những đồng tiền đó bao năm mà nào có được sử dụng đến một đồng! Còn về khoản tiền cảm tạ cho đến các loại chi phí kèm theo, nếu là tiền đồng thì không biết chúng sẽ được chuyển đến nơi nào. Vì thế, xét về lý, tiền giấy chiếm lợi thế trước, khi đó nó lại quay lại biện hộ cho tiền đồng, khiến người ta không khỏi hoài nghi nó là đồng đảng của môn phái trộm mộ.

Tuy nhiên sự “hóa” này đã khiến văn hóa âm phủ có sự thay đổi một trăm tám mươi độ. Tiền giấy có thể hóa, đồ dùng, quần áo giấy, người giấy, ngựa giấy đương nhiên cũng có thể đem hóa theo. Hán Cảnh Đế giữ vững giang sơn, thấy tướng Châu Á Phu - người đã từng dẹp yên quân phản loạn bảy nước không còn tác dụng nữa, Hán Cảnh Đế thấy không thuận mắt, bèn tìm cách tiêu diệt ông. Vừa lúc thấy con trai Châu Á Phu mua năm trăm bộ áo mũ giáp sắt và lá chắn làm đồ tùy táng, khiến Cảnh Đế tìm được lý do thích hợp, vu khống cho Châu Á Phu tội mưu phản. Á Phu đáp: “Những thứ mà thần mua đều là đồ dùng tùy táng, sao có thể gọi là mưu phản được ạ?” Phán quan phản bác lại rằng: “Quân hầu các người không tạo phản công khai trên mặt đất, mà muốn tạo phản trong lòng đất!” Thiên tử thánh minh, lời nói của quân tay sai tất nhiên không sai, nhưng sự việc này cũng đã mở ra tiền lệ cho việc vận chuyển lậu vũ khí xuống âm giới. Từ đó có thể suy luận rằng, mũ, áo giáp giấy, súng giấy, đao giấy, lớn hơn nữa là thành lũy, máy bay, đại bác, chỉ cần dùng giấy cắt dán là thành, chỉ cần nhóm một ngọn lửa, tất cả sẽ chuyển hóa sang thế giới âm ti, không biết chừng có thể tổ chức một quân đội dã chiến, nhằm thẳng cung điện Sâm La phát động chiến dịch “phê phán vũ khí”, “căng cờ thập vạn quân đi chặt thủ cấp Diêm La”, có thể thấy ý nghĩa lịch sử của tiền giấy thật lớn lao!

Sái Hầu phát minh ra giấy, lập công lớn khắp thiên hạ, sự kiện này được ghi chép rất rõ từ trong sách giáo khoa tiểu học đến các quyển bách khoa toàn thư, duy nhất phần tạo ra tiền giấy lại bị thất lạc, đó là điều rất đáng tiếc. Trong chương Sát thanh quyển Thiên công khai vật của mình, Tống Ứng Tinh đặc biệt ghi chép về loại giấy chuyên dùng làm tiền âm phủ, loại giấy đó có tên “giấy lửa” (tức là giấy chuyên dùng để đốt), còn nói loại giấy đó “bảy phần mười được hóa để cống cho diêm phủ, ba phần còn lại được hóa để làm tiền chi tiêu hàng ngày”. Bàn về giấy mà không bỏ qua công dụng của nó tại thế giới âm phủ, đó mới là điều làm nên sự nổi tiếng của tác phẩm.

2

Ở đây chúng tôi nói về “tiền giấy” chỉ là tên gọi chung của tiền âm phủ, chứ không chỉ tất cả vàng nén, bạc nén đều nằm trong số đó. Nhưng đa số tiền giấy được làm dưới hình dạng đồng tiền đồng, cái gọi là “vắt giấy thành tiền” nên chăng cũng là sự chế tác từ tiền đồng. Nhưng năng suất cắt tiền giấy quá thấp, cung không đáp ứng đủ cầu, thế là sau đời Đường, hầu hết đều sửa chữ cắt giấy thành tiền sang “đục” giấy thành tiền, hơn nữa dụng cụ dùng để đục giấy thành tiền đa số đều do người ta tự sáng chế. Ngưu Túc người thời Đường trong tác phẩm Ký vấn có viết: “Theo năm quyển bảo thư đời Đường có ghi lại, Lý Tư Nguyên đột tử hai mươi mốt ngày bỗng nhiên tỉnh lại, vừa tỉnh anh ta lập tức nói rằng: “Có người đến bắt con, hơn nữa còn bắt con làm đồ cống cho ba chục người ăn.” Anh nói tiếp: “Họ đòi một vạn quan tiền để đưa con trở lại.” Người cha nghe vậy lập tức ra lệnh chuẩn bị đồ lễ, đồng thời đục giấy làm tiền lễ nạp.”

Cách đục giấy đó vẫn được dùng đến vài năm về trước, đó là cách dùng một chiếc “dùi” làm bằng sắt, đục sấp giấy trắng, giấy vàng thành hình thù các đồng xu, tiền giấy có loại to loại nhỏ, loại to là loại có kích cỡ như chiếc bánh nướng (gần như chiếc bánh đa quế), được tách riêng ra thành từng đồng một, loại nhỏ thì chỉ dùng “dùi” đục trên giấy thành một vòng nhỏ bằng tiền đồng, mang tính tượng trưng, chứ không được tách rời ra. Hình dạng đồng tiền giấy thời cổ nhìn chung không quá khác biệt so với dạng tiền giấy này. Nhưng cũng không được cắt một cách lãng phí, bởi đó là loại tiền giấy thường được dùng trong các trường hợp đặc biệt. Thời kỳ đầu thời Tống, trong tác phẩm Thanh dị lục, Đào Cốc kể lại, trong ngày đưa thi thể Châu Thế Tông đi mai táng, vàng bạc châu báu đều được giấu đi, còn bày ra nhiều nhất chính là tiền giấy, trên những tờ tiền vàng viết “châu báu cống suối vàng”, trên tờ tiền trắng viết “châu báu cống âm phủ”. Loại tiền giấy cỡ lớn này hiện nay vẫn còn, chỉ có điều bên trên không in chữ, chủ yếu dùng để rải trên đường đến nơi mai táng. (Cho đến đời Tống lại xuất hiện loại “tiền giấy đen” chuyên dành cho hồn ma của những kẻ chịu hình mà chết, sau này lại có loại giấy đỏ in hình hoa dành cho những kẻ thích phô trương, thậm chí còn có loại “tiền giấy” dùng vàng thật rèn mỏng mà thành, tất cả đều là loại đặc biệt)

Hình dáng của tiền giấy tuy giống tiền đồng, nhưng lại có thể gọi chúng là vàng, là bạc. Từ đó mới có cách gọi tiền vàng, tiền bạc. Trong tác phẩm Quảng dị ký, Đới Phủ, người đời Đường nói tới việc sứ giả diêm phủ tới đòi tiền cảm tạ, bắt Bùi Linh phải trả ba mươi triệu tiền vàng, tiền bạc cho khoản phí trở lại dương gian. Bùi Linh nói: “Ta là quan kinh thành, cuộc sống nghèo túng, thực sự không có nhiều tiền như vậy.” Sứ giả diêm phủ nói: “Tiền vàng ở đây là tiền giấy vàng tiền bạc chính là tiền giấy trắng.” Dẫu sao nó chỉ là một tờ giấy, gọi thành tiền vàng tiền bạc đương nhiên nghe hay hơn tiền đồng, giá trị cao hơn dưới âm phủ, tuy là nói láo nhưng nó chẳng hại gì cho mình, lại lợi cho người, điều này hoàn toàn có thể hiểu được, điều đáng tiếc duy nhất đó là phương pháp này không thể áp dụng tại chốn quan trường nơi trần thế. Trong điều kiện này, Bùi Linh tưởng rằng làm tiền giấy là việc dễ dàng, chỉ có điều ông không biết làm thế nào để số tiền đó chuyển đến tay sứ giả âm phủ. Sứ giả bèn đáp:

Con người đúc tiền tại nơi đô thị, số tiền đó đa phần sẽ bị địa phủ thu lại. Ngươi có thể nhờ người đến căn mật thất trong nhà ngươi làm tiền giấy. Khi đã làm đủ số tiền, ngươi đóng gói chúng lại, đem đến cạnh một dòng suối rồi hóa chúng. Hóa xong ta sẽ nhận được tiền.

Đọan thoại này rất thú vị, nó đưa cách đúc tiền kín đáo của dương gian vào thế giới âm phủ. “Đúc tiền tại nơi đô thị” ý chỉ làm tiền giấy tư một cách công khai sẽ ảnh hưởng đến trật tự tiền tệ dưới âm phủ, âm phủ sẽ tịch thu toàn bộ số tiền đó. Nhưng nếu làm chúng trong căn mật thất trong nhà, diêm phủ sẽ không thể phát hiện ra được, lúc đó thần không biết, quỷ không hay. Tiếp đến, dùng một chiếc túi đựng tất cả chúng lại sao cho kín đáo, rồi cẩn thận vận chuyển ra bên ngoài, như vậy tất cả mọi sự sẽ được hoàn tất. Còn việc phải hóa tiền vàng bên sông, có lẽ đó là tập tục của thời Đường. Trong Minh báo ký, Đường Lâm có kể rằng, khi Lý Sơn Long được thả trở lại dương gian, tên lính âm phủ đòi phí cảm tạ, cũng yêu cầu “phải hóa chúng dưới gốc cây cổ thụ bên sông”. Hiển nhiên việc này hoàn toàn có cái lý của nó, có thể đó là quy định của con người đặt ra lúc bấy giờ. Nước là chất lỏng, luôn chảy xuống chỗ thấp, nước sẽ dễ dàng đưa tiền giấy được tới nơi suối vàng. Vào cuối đời Hán, Trương Lỗ sử dụng năm đấu gạo làm “tam quan thủ thư” tượng trưng cho trời, đất, và nước, một phần gạo đó sẽ được đưa lên trời - đem gạo rắc lên núi, một phần được chôn xuống đất, một phần cho chìm xuống nước. Sự việc này có lẽ cũng cùng một ý nghĩa với việc hóa vàng bên sông.

Ngoài ra chúng ta cũng được biết khi đó, trong tất cả các thành phố thời Đường đều đã có các xưởng chuyên sản xuất tiền giấy, cũng như có thể mời người đến tận nhà làm tiền giấy. Những người lấy nghề làm tiền giấy làm kế sinh nhai đương nhiêu đều là những người bần hàn, tuy nhiên trong đó cũng xuất hiện những nhân vật cỡ lớn. Trong Ly miêu hóa thái tử, Lý Chấn Phi (mẹ ruột của Nhân Tông) trong lịch sử ghi chép là người xuất thân từ gia đình bần hàn, em trai của bà sau khi lưu lạc tới làm thuê cho một xưởng sản xuất tiền giấy. Khi vua Nhân Tông đăng cơ, người làm thuê kia cố nhiên trở thành Quốc cữu đại nhân của một nước, có quyền quản lý, chỉ huy tất cả quan trên quan dưới trong cung. Nếu nghề làm tiền giấy cần lập sư tổ, thì vị Lý quốc cữu này sẽ là một ứng cử viên sáng giá.

Tiền âm phủ còn được làm từ vàng, bạc lát mỏng (trên thực tế được làm từ thiếc), lúc này nó không còn là tiền giấy nữa, mà là đĩnh vàng, đĩnh bạc được gấp từ những lát vàng, lát bạc. Đương nhiên chúng chỉ có hình dạng của đĩnh vàng, đĩnh bạc chứ trên thực tế đều thuộc loại ngoài thật trong giả, hàm lượng vàng bạc trong đó chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ. Nhưng, cho dù có là “hàng rởm” đi chăng nữa, thì người thường cũng khó có đủ điều kiện để sử dụng chúng. Nếu cần loại tiền có bề mặt trơn sáng, đẹp mắt thì mua giấy nhuộm màu vàng, màu bạc hoặc những đĩnh vàng, đĩnh bạc làm từ thiếc cũng được. Việc sử dụng các đồ lễ cống nộp lên quan trên có chất lượng thấp, thì người đem tặng khó mà được sống yên ổn. Trong quyển chín, cuốn Duyệt vi thảo đường bút ký, Kỷ Vân đã kể lại câu chuyện có thật của gia đình mình như sau:

Mùa hạ năm Mậu Tý, cô nữ tỳ Ngọc Nhi mắc bệnh lao mà chết, rồi bỗng nhiên cô ta tỉnh lại, nói: “Binh lính âm phủ sai ta trở lại đòi tiền.” Mọi người đốt tiền giấy cho cô ta, lúc này cô ta mới chết. Nhưng lúc sau cô ta lại hồi tỉnh, nói: “Chỉ có tiền bạc là không đủ, âm phủ chưa chịu đâu.” Thế là người ta lại đem đĩnh vàng, đĩnh bạc ra đốt, sau đó cô ta mới dứt khoát ra đi không bao giờ tỉnh lại nữa.

Kỷ học sĩ lăn lộn chốn quan trường nhiều năm, vậy mà ông vẫn chất vấn trong văn của mình rằng: “Binh lính âm phủ đi đòi tiền như vậy, vậy quan dưới âm phủ quản lý việc gì?” Câu hỏi được đặt ra chẳng có lý chút nào, lẽ nào chỉ có quan lại nước Đại Thanh của ông mới được phép lơ là việc công, tham ô, tham nhũng?

Ghi chép về phong tục đất nước Trung Hoa có viết về tục đón tết Trung nguyên của người Cát An, Giang Tây, kể rằng trong dân gian có tục gấp tiền giấy, kỵ gấp vào ban đêm, và hơn nữa là kiêng phụ nữ mang thai gấp tiền. Nếu tiền giấy được gấp bởi phụ nữ mang bầu, sau khi hóa xong, những hồn ma dưới âm ti sẽ không chuyển được số tiền đó, như vậy chẳng phải uổng phí công sức sao. Rõ ràng tập tục này xuất phát từ góc độ bảo vệ phụ nữ mang thai, nhưng từ đó ta cũng có thể nhận ra rằng, tất cả các loại đồ vàng mã được gấp từ giấy đa phần thuộc loại công việc gia đình của người phụ nữ, hơn nữa đó không phải là một công việc nhàn hạ. Còn việc kỵ gấp tiền giấy vào ban đêm, bởi ban đêm thuộc về âm, không biết chừng bên này gấp tiền, bên kia sẽ xuất hiện loại tiền tệ ở ngân hàng âm phủ, khi đó khó tránh được việc các hồn ma hoang dại và các hồn ma hung hăng sẽ đến phá cửa cướp tiền.

3

Tất cả các loại tiền giấy có hình dáng gần giống với tiền đồng, chỉ cần đốt xong dưới phía âm phủ sẽ xuất hiện loại tiền âm phủ hoàn toàn giống với những tiền đồng ở dương gian. Không cần hoài nghi về quá trình kỳ diệu này, bởi có người đã tận mắt chứng kiến nó.

Trong quyển Hà Đông ký Tiết Ngư Tư, người thời Đường có ghi lại một sự việc xảy ra giữa năm Thái Hòa đời vua Đường Văn Tông: “Một viên quan nhỏ tên Tân Sát bỗng nhiên lên cơn đau đầu rồi ngất lịm đi, chỉ có điều tim ông vẫn đập. Tân Sát nằm trên giường, ông thấy có một người mặc áo vàng bước tới, kéo ông ra khỏi ngôi nhà nhỏ. Ra đến cửa, người mặc áo vàng nói: “Nhà ngươi vẫn chưa đến lúc phải chết, nếu ngươi đồng ý đưa ta hai nghìn quan tiền, ta sẽ đưa ngươi trở về.” Hóa ra đây là tên lính âm phủ có thói quen bắt xong dọa dẫm. Tân Sát biết thứ mà hắn cần chỉ là tiền âm phủ, bèn thông báo cho người nhà mau chóng đưa tiền giấy ra đốt. Người nhà trên dương gian đốt tiền, Tân Sát dưới âm phủ liền nhìn thấy tất cả chúng hóa thành tiền đồng. Đương nhiên, da thịt của Tân Sát khi đó vẫn đang nằm ở trên giường, chỉ có linh hồn ông mới nhìn thấy sự biến hóa đó.

Đôi khi con người rơi vào trạng thái bán hôn mê trong ranh giới giữa sự sống và cái chết, cũng có thể nhìn thấy được cảnh tượng kỳ thú đó. Trong chương Thôi Minh Đạt tác phẩm Quảng dị ký, Đới Phù, người thời Đường có ghi, Minh Đạt bị diêm phủ bắt nhầm, bèn sai lính đưa Minh Đạt quay trở về dương gian. Tên lính âm ti đã đưa linh hồn đến bên giường bệnh, nhưng Minh Đạt vẫn hôn mê bất tỉnh, miệng không nói thành tiếng, chứng tỏ linh hồn vẫn chưa hoàn toàn nhập vào thể xác. Tên lính nói: “Ngươi phải giao cho ta một nghìn quan tiền mới được.” Tiền trước, lễ vật sau là quy tắc vốn có nơi quan trường, Minh Đạt bị cột lại giữa đường, quả thực không rõ là sống hay chết, lúc này chỉ có đồng ý là sự lựa chọn duy nhất. Không biết ông làm thế nào để nói với người nhà, nói chung cuối cùng người nhà trên dương gian đốt tiền, dưới âm phủ Minh Đạt nhìn thấy hai tên lính vác tiền đi mất. Đến khi cảnh tượng nơi âm ti hoàn toàn biến mất, Minh Đạt mới chính thức trở về với dương gian.

Tinh thần và linh hồn của con người trong trạng thái bình thường đương nhiên không thể nhìn thấy được điều đó. Vì thế, rất ít người tỏ ra hoài nghi về quá trình này, càng không có người muốn đích thân trải nghiệm. Trên cõi dương hóa tiền, dưới cõi âm sẽ nhìn thấy những xâu tiền tự nhiên xuất hiện. Cũng theo lý đó, những loại vàng bạc, châu báu làm từ giấy sau khi hóa sẽ trở thành vàng bạc châu báu thật nơi cõi âm. Chính bởi vậy, màu sắc của tiền giấy ảnh hưởng trực tiếp đến màu sắc của đồng tiền nơi âm phủ. “Ngụy trang tốt không bằng thành tâm”, tiền giấy được đục chắc chắc không được quy chỉnh như tiền giấy được cắt, nhưng việc chế tạo tiền đã được làm giả từ tiền đồng chuyển sang tiền giấy, vậy thì tiền giấy chuyển từ dạng cắt sang dạng đục thô thiển cũng là điều chấp nhận được. Lấy giấy làm tiền tuy có thể làm tùy tiện, nhưng cũng không thể quá qua loa, cẩu thả, chỉ cần đục vài đồng tiền giấy là có thể coi như đã hiếu kính với tổ tiên. (Ví như tiền giấy hiện nay, nhìn cả một xấp thì có vẻ giống tiền, nhưng nếu tách ra thành vài tờ một, có thể sẽ chẳng tìm thấy một “vết tích” nào của chiếc đục.) Ở đây cũng cần coi trọng thái độ nghiêm túc, đó là làm sao khiến con người ta coi những việc viển vông như những việc có thật để thực hiện, và cái có được chính là tấm lòng thành kính hướng tới tổ tiên.

Trong tập mười hai quyển Những chuyện lẻ tẻ về xứ Bắc, Tôn Quang Hiến có nhắc tới sự cẩu thả trong việc làm tiền giấy lúc bấy giờ, kết quả, chúng hiện nguyên hình khi được chuyển tới cõi âm. Tề tướng Võ Nguyên Hoành bị thích khách hại chết, linh hồn của ông được đưa trở lại dương thế thông qua một người dân thường bị diêm phủ bắt nhầm, ông truyền lời lại người bạn cũ của mình là Tư Đồ Vương Tiềm rằng: “Sau khi ta chết, rất ít người còn nhớ tới ta. Trong tất cả môn sinh, bạn bè cũ, chỉ có các hạ luôn nhớ tới ta, thường hóa tiền giấy tặng ta, nhưng loại tiền mà các hạ ban cho ta được làm quá mỏng, đến mức sợi dây không thể xâu chúng lại với nhau được. Có lẽ vì các hạ nhiều việc, đôi khi không có thời gian để quan tâm đến điều đó chăng?” Tác phẩm Hà đông chí cũng ghi chép lại câu chuyện này, nhưng có thêm một vài câu dặn dò của hồn ma Nguyên Hoành, ngoài chất lượng tiền giấy quá kém ra, khi hóa vàng nếu không dùng chiếc que để gẩy, thì sang đến cõi âm, chỗ tiền đó cũng biến thành đồng vụn, không thể tiêu thụ được.

Hai điểm nêu trên đều là sự sơ suất của người trần khi hóa vàng, mãi cho đến tận ngày nay vẫn gặp khó khăn trong việc sửa đổi. Nhưng khi dâng tiền cho tổ tiên, bạn bè, người ta rất dễ cho qua những tiểu tiết, còn nếu đối phương là thần linh, quan chức, thì dù có là ông thổ địa hay tên lính quèn nơi âm thế, người ta cũng không dám tái phạm lần thứ hai. Ít nhất người ta cũng phải kiểm tra về chất lượng “màu sắc” của tiền giấy. Tập hai mươi hai, quyển Tử bất ngữ có câu chuyện về “Ma nữ cáo trạng”, kể rằng có kẻ nào đó khi hóa vàng trả tiền cho lính âm ti, yêu cầu “lấy sáu nghìn tiền giấy, bắt buộc phải bỏ đi tất cả những tờ có khiếm khuyết, đốt bốn nghìn ở phía tiền sảnh, còn lại hai nghìn đốt ở con hẻm cạnh nhà. Sau đó quay về chỗ cửa chính làm lễ tiễn cáo trạng.” Tại sao lại lấy một phần tiền để đốt tại chỗ con hẻm? Theo quy định của nha môn, tất cả những lễ phẩm, tiền tài thu được phải làm công ích, phân phát dựa theo từng đầu mục, tựa như những “kho bạc nhỏ” hiện nay, chúng được công khai trong phạm vi nhỏ, vì thế cần phải hóa vàng tại tiền sảnh, còn hóa vàng trong con hẻm ý chỉ lén lút đưa tiền hoa hồng cho những hộ kinh doanh cụ thể. Tất cả những ai sống trong xã hội này đều hiểu rõ quy định đó, nếu các hạ không hiểu, thì đây có thể coi như một buổi lên lớp dành cho các hạ.

Lại đến Thái Thượng cảm ứng thiên chú, tập mười tám có nhắc tới những điều cầm kỵ khi hóa tiền vàng, không được dùng giấy có tẩm dầu nhóm lửa hóa vàng, nếu không tất cả số tiền giấy được hóa sẽ “tích thành núi tại thành Đông Nhạc, cõi âm cõi dương trong trời đất đều không chấp thuận.” Cống nạp tiền cho thần tiên trên tiên giới, cho nha môn nơi âm phủ, nếu có dính một chút dầu uế trên đó chứng tỏ không tôn trọng đối phương, thật khiến người ta khó hiểu. Có lẽ điều này được bắt chước theo chốn quan trường nên dương thế, thông thường ở đó quan lại một mặt vơ vét tiền, một mặt lại tỏ ra không ham của tanh hôi, chứng tỏ tấm gương sáng “ta đây địa vị cao sang, không ham tiền bạc”. Chuyện “hối lộ” nơi cõi âm còn hà khắc hơn chốn dương gian. Nếu tại dương gian, tiền giấy có màu không đẹp mắt có thể từ chối không nhận, người có tiền có thể xử lý vấn đề màu sắc. Còn đối với những loại tiền âm phủ kém chất lượng, loại tiền không hợp tiêu chuẩn cõi âm sẽ “tích lại thành núi”, chính là “núi tiền rách” được giới thiệu trong m sơn bát cảnh. Chỗ tiền rách, tiền bẩn đó chỉ cần được rửa qua lò lửa sẽ trở nên sạch sẽ đến mức không thể sạch hơn, đến mức có thể cống nạp lên Ngọc hoàng đại đế cũng không sao.

Từ những ghi chép trên, giữa hai thế giới âm dương không hề có các cơ quan chuyển phát tiền như ngân hàng hay bưu điện, nhưng không phải vì thế mà giữa chúng không có các quy tắc nhất định. Năm ngoái, tôi có đến ở vài ngày tại tòa nhà Minh Sa ở Triết Giang, thấy tại hành lang ngang phòng khách của khách đi trẩy hội có chất rất nhiều túi giấy. Tò mò, tôi hỏi vị sư phụ tại đó, sư phụ nói rằng, đó là “tiền gửi nhà kho”, tức đám khách trẩy hội này hóa chỗ tiền giấy gửi tiết kiệm xuống âm ti khác, để chuẩn bị cho mình sau này dùng tới. Trên mỗi chiếc túi hình như có in một vài con chữ, lúc đó tôi không nhìn kỹ, chỉ đoán đại loại trên đó có ghi địa chỉ nhận tiền. Việc nhận tiền gửi kho ngay từ thời Nam Tống đã có, chúng ta bắt gặp trong Di kiên chỉ, một bà cụ có một khoản tích cóp nho nhỏ, bà bèn đem số tiền đó đi mua tiền giấy mang vào chùa nộp tiền gửi kho, nhưng bà không biết viết chữ, mỗi lần bà đều phải nhờ người nô bộc giúp bà viết sớ. Tờ sớ đó như tờ giấy gửi tiền, có thể thấy trong Phật giáo vốn có cơ cấu chuyên quản lý. Một tác phẩm khác của người thời Nam Tống viết, đó là Quỷ đồng, những ghi chép trong đó dường như là một thể loại khác, tức thế giới âm phủ có chức quan thẩm phán chuyên phụ trách thu tiền, rút tiền, chuyển phát tiền và gửi tiền, mười hai tháng sẽ có mười hai phán quan thay nhau lo liệu, họ của phán quan có hình chữ gần giống với từ chỉ địa chỉ của tháng đó, ví dụ Phán quan Tử Nguyệt họ Vu, tháng Sửu họ Điền, tháng Dần họ Hoàng, v.v… Việc này có lẽ tiện giúp cho người gửi tiền sau khi chết có thể dễ dàng tìm vị phán quan này để rút tiền hằng tháng. Như vậy rất giống với “tiền gửi năm” hoặc “tiền bảo hiểm” của con người ngày nay.

Nhưng nếu đó là một hành vi cá nhân thì sao? Hóa tiền trước mộ sẽ là giao tiền tới tay người thân của mình, như vậy đương nhiên sẽ chẳng có vấn đề gì cả. Nhưng nếu khắp mọi nơi, khắp đầu phố cuối ngõ đâu đâu cũng thấy tàn tro của tiền giấy theo gió quẩn đi khắp nơi, không biết chúng sẽ gửi tới phương nào, điều đó thực sự khiến người ta không thể an tâm. Trương Trác người thời Đường viết tác phẩm Tất cả những chuyện chính sử và dã sử, trong tập sáu có chương Đỗ bằng cử, viết rằng, khi hóa vàng phải gọi tên người nhận tiền, người nhận tiền sẽ cử người đến lấy. Đây có lẽ là một trong các cách để chuyển tiền, dựa vào việc của con người để xét chuyện của ma. Nếu là trả phí cho quan phủ, con người không thể gọi tên đối phương ra, lúc bấy giờ biện pháp tốt nhất là gặp mặt giao tiền. Còn hóa vàng cho những người thân, bạn bè ở nơi khác, theo tôi được biết, đa số người ta vẫn dùng chiếc túi giấy đựng đầy tiền vàng, nếu được gói ghém, niêm phong cẩn thận, thì ghi trên đó không phải là đường nào, phố nào ở diêm phủ, mà là nơi mộ phần của người đó yên nghỉ chốn dương gian. Năm mươi năm trước đây là như vậy, những năm gần đây hình như rất ít bắt gặp túi giấy, mà người ta chỉ dùng “một nắm đuốc” vẽ thành hình vòng tròn, tất cả những gì bên trong vòng tròn đó sẽ bén lửa và cháy hết, hoặc rút ra một nắm nhỏ tiền giấy rồi hóa ở bên ngoài cửa sổ, nghe nói phải trả cước vận chuyển cho nhân viên bưu điện. Đương nhiên, dù là có một khoản tiền lớn được giao đi, thì lúc này nhân viên bưu điện đó cũng chẳng đưa cho bạn bất cứ giấy tờ chứng nhận nào.

Còn một việc không thể không nói, đó là đến đời Đường, tục đốt tiền đã lan rộng thành trào lưu, nhưng không phải tất cả các loại tiền đều buộc phải đem đi đốt. Vào thời Đường, rất nhiều câu chuyện kể rằng tuy tiền giấy không được hỏa hóa nhưng các hồn ma vẫn có thể có được tiền âm phủ để tiên xài. Như trong chương Vi Lật quyển Quảng dị ký có kể, mẹ ruột một thiếu nữ đã chết cắt tiền giấy thành vàng chín quan, rồi đặt lên chiếc kệ kê bên cạnh quan tài, ngày hôm sau bà phát hiện chỗ tiền giấy đã thiếu mất ba quan, hóa ra vong hồn của người con gái đã dùng số tiền ba quan đó mua một chiếc gương đồng đặt vào quan tài. Số tiền giấy đó không hề được chuyển xuống âm phủ, mà qua bàn tay của ma quỷ nó lập tức biến thành tiền đồng, nhưng nếu số tiền đó rời khỏi bàn tay của ma quỷ, không lâu sau sẽ được khôi phục lại nguyên dạng. Cô thiếu nữ đáng thương không hề có ý dùng tiền để lừa gạt con người, bởi trong mắt cô tiền giấy chính là tiền đồng. Lại như chương Lô Bội quyển Hà Đông ký có ghi, phu nhân của thần đất đến khu mộ ở ngoại thành lấy tiền và rượu cúng tế của thầy cúng, “cô nữ tỳ đi theo thu dọn chỗ tiền giấy rồi chất lên lưng ngựa, vừa đặt lên lưng ngựa chỗ tiền giấy lập tức biến thành tiền đồng. Có thể thấy vào thời điểm bấy giờ, tục không hóa tiền giấy chưa hề bị tuyệt tích, hơn nữa sau đời Đường, tục lệ này vẫn còn dấu hiệu tồn tại.

Có những phong tục mang tính địa phương, như người Sơn Tây coi trọng nhất là tết Hàn thực, trong dịp Tết này người ta cần kiêng kỵ lửa, vì thế vào ngày này tiền giấy không được hỏa hóa. Quyển thượng, quyển Chuyện lườn gà của Châu Mật thời Nam Tống có ghi lại, nếu cúng lễ tại mộ, sau khi lễ xong tiền giấy sẽ được treo trên cây, nếu cúng lễ người thân hoặc bạn bè ở nơi khác thì phải làm “vọng tế”, tức lên núi cao hướng về nơi người thân hay bạn bè của mình đang yên nghỉ, rồi xé lụa âm phủ ném vào không trung, người ta gọi là “tách tiền”. Bởi tiền giấy được xâu thành từng xấp, do đó, lúc này cần tách chúng ra thành từng tờ một rồi ném vào không trung, nhờ gió mang chúng đi. Nhưng tục tách tiền dường như không chỉ hạn chế ở vọng tế. Quyển bốn, quyển Di kiên tam chí dĩ tập, chương Cô gái Tế Nhan Dĩnh có kể, một hồn ma đến dương gian, đi du ngoạn khắp nơi, khi nhìn thấy người cúng mộ đang tách tiền giấy, nó đau khổ thốt: “Không biết cha ta đã thêm đất trên mộ ta chưa?” Có thể thấy, khi cúng mộ cũng có thể sử dụng tục tách tiền.

Không chỉ ở miền Bắc, mà miền Nam cũng có tục đốt tiền giấy. Trong quyển Mặc khách huy tê, Bành Quái, người đời Tống có ghi rằng, Khấu Chuẩn bị xử tử, triều đình ân chuẩn cho mang xác về quê an táng, khi linh cữu được đưa ngang qua huyện Công An, tỉnh Hồ Bắc, lão bách tính đều ra ngoài đường làm lễ viếng, “họ chặt trúc cắm xuống đất rồi treo tiền giấy lên trên đó”.

Còn có tục đặt tiền giấy lên đỉnh mộ rồi dùng đất cục đè lên. Bàn về phong tục đất nước Trung Hoa có viết về phong tục tảo mộ của người Sơn Đông. Người Sơn Đông áp dụng phong tục đã nói ở trên khi tảo mộ. Nhưng tiền giấy ở đây đã được hóa thành tro, trộn vào trong đất trên đỉnh mộ, rồi dùng đất cục đè lên. Như vậy, số tiền giấy này cũng giống như số tiền giấy rải ra đường khi đưa linh cữu tới nơi mai táng, chúng đều không liên quan đến hồn ma người đã chết đang nằm trong quan tài.

4

Khi sang đến cõi âm, tiền giấy sẽ trở thành tiền âm phủ, loại tiền âm phủ này khi quay trở lại dương gian sẽ lại biến thành loại tiền đang được lưu thông ở dương gian. Tuy nó có hạn chế về thời gian, nhưng cũng giống như trò “đấu giá” trên thị trường cổ phiếu, ở đó có không ít những kẽ hở để chúng ta lách léo. Quảng dị ký đa phần viết về sự chuyển đổi tiền giấy giữa hai cõi âm và dương. Chương Vi Lật là một ví dụ, tiếp đến trong Diêm Trắc có viết, Diêm Trắc bí mật hẹn hò với một hồn ma nữ, họ đã từng rất vui vẻ bên nhau. Khi phải chia lìa, ma nữ tặng cho Diêm Trắc một trăm nghìn quan tiền, sai tỳ nữ cất xuống gầm giường trong phòng ngủ. Diêm Trắc nhìn thấy, đợi khi tỳ nữ đã đi khỏi, Trắc nhìn xuống dưới giường quả nhiên có một trăm nghìn quan tiền ở đó. Diêm Trắc chưa kịp dùng số tiền đó vào việc gì thì chúng đã hiện nguyên hình thành tiền giấy, quả là Diêm Trắc đã phụ ý tốt của người tình.

Trong Dương Nguyên Ánh lại nói phải sau ba ngày mới biến thành tiền giấy: “Hồn ma của Dương Nguyên Ánh tặng cho con trai ba trăm quan tiền và dặn dò rằng: “Con phải dùng hết chúng trong ba ngày.” Người con trai nghe vậy bèn bắt đầu mua sắm không hạn chế, sau ba ngày, các thương gia kiểm tra trong tủ tiền của mình bỗng nhiên xuất hiện tiền giấy.”

Ngọc đường hiếm thoại của Vương Nhân Dục kể, một đêm nọ, người bắt cá gặp một người, người đó nói: “Nếu ngươi không bắt ba ba thì ta sẽ cho ngươi tiền.” Người bắt cá đồng ý, liền được cho năm quan tiền. Ông ta mang tiền về nhà, sang ngày hôm sau, ông bỗng nhiên thấy chiếc túi đựng năm quan tiền nhẹ hẳn đi. Ông kiểm tra lại, trong đó toàn là tiền giấy. Người mà đêm hôm qua người ngư dân gặp chính là yêu tinh ba ba, hóa ra yêu quái cũng dùng tiền giấy, đêm hiện hình là tiền đồng, ban ngày biến thành tiền giấy, cũng là sự tương hợp giữa tiền giấy của âm giới và tiền giấy của dương thế, vừa hợp cái lý thường thấy giữa hai thái cực khác nhau: âm - dương. Trong chương Quỷ tốt độ khê, tập mười chín, Di kiên đinh chí, tình tiết cũng tương tự như vậy. Các câu chuyện cổ xưa nói về việc ma quỷ đến dương gian để mua đồ thường vào lúc ban đêm, số tiền mang trên người sẽ hóa thành tiền giấy khi trời sáng âu cũng là duyên cớ như vậy.

Nhưng những câu chuyện trên còn tồn tại nhiều vấn đề, chẳng phải tiền giấy sau khi hóa thành tro bụi mới biến thành tiền đồng hay sao? Nếu dựa theo nguyên lý đó thì “nguyên dạng” của chúng phải là tro giấy mới phải. Nếu sau khi khôi phục nguyên dạng vẫn là hình dáng tiền giấy há chẳng phải lại có thể mang tới tiệm đồ vàng mã bán một lần nữa hay sao? Sau khi con người phát hiện ra điểm thiếu sót này, thì những câu chuyện được viết ra sẽ trở nên hoàn thiện hơn. Trong Di kiên chỉ giáp, quyển năm, tại chương Lôi Thần Lôi Châu có kể, Lôi Thần Lôi Châu thưởng cho một tên sai dịch phủ Quế Lâm trên trần gian hai nghìn quan tiền, trên đường trở về phủ, người này đã tiêu mất một khoản tiền, khi về đến nha môn, trong túi vẫn còn đủ một trăm quan, anh ta bèn giao lên quan phủ, lúc đó vẫn là tiền đồng. Nhưng chỉ trong nháy mắt, chúng đã biến thành tro giấy. Thời Sơ Thành, trong Từ ngữ mới Quảng Đông, quyển hai mươi tám, Khuất Đại Quan có bàn tới “thành phố ma” của đảo Hải Nam. Hằng ngày cứ vào giữa trưa, ma quỷ lại đến thành phố để mua đồ, khi thanh toán thì phát hiện ra tiền biến thành tro giấy. Còn trong Tử bất ngữ, quyển mười tám, câu chuyện được kể còn kinh sợ hơn, khi chiếc tay nải đựng ngân lượng được đặt trên mặt đất, chúng quả nhiên phát ra âm thanh va chạm của kim loại, nhưng khi mở tay nải ra, bên trong đã hóa thành tàn tro, chuyển hóa nhanh đến mức như làm ảo thuật vậy.

Chính vì trong nhà của những người dân thường có xuất hiện tiền giấy của ma quỷ, do đó, các nhà buôn bèn nghĩ ra biện pháp để kiểm tra tiền, đó là cách cho đồng tiền nhận được vào trong nước, nếu chìm xuống thì là tiền thật, nếu nổi trên mặt nước thì chắc chắn là tiền âm phủ. Phương pháp kiểm tra tiền này đã được con người áp dụng từ thời Nam Tống. Chương Những vị khách tại quán rượu Uông Nhất, quyển mười, Di kiên tam chí nhâm tập ghi rằng, có ba người khách xuất hiện tại quán rượu, họ uống rượu xong, thanh toán tiền rồi rời khỏi quán. Về sau, chủ quán biết được ba người này đã chết cách đây nhiều năm, bèn đem số tiền mà họ trả ném vào trong nước, trong phút chốc tất cả biến thành tro giấy. Từ đó có thể biết rằng, từ rất lâu, người ta đã biết dùng nước để kiểm tra tiền âm phủ.

Chương Họ Trình mua mũ áo, tập mười, Di kiên tam chi chí mậu tập kể rằng, một phụ nữ mua một chiếc mũ tại gánh hàng rong, khi người phụ nữ đi khỏi, chủ quầy mới cảm giác số tiền vừa nhận được rất nhẹ, bèn cho vào trong nước, quả nhiên số tiền đó nổi lềnh phềnh chứ không chìm xuống, một lúc sau, tất cả đã hóa thành mớ giấy nát. Trong những câu chuyện thuộc loại này, khiến cho người ta cảm thấy thương xót nhất chính là câu chuyện thứ tám, quyển Liệt hoàng tiểu thức của Văn Bỉnh, người cuối đời Thanh.

Sau khi đội quân phía Bắc (quân Thanh) rút lui, bệnh ôn dịch hoành hành khắp kinh thành, người chết vì bệnh nhiều vô kể. Có gia đình nhà mười nhân khẩu chỉ trong một đêm đã không còn ai giữ nổi mạng sống. Đâu đâu cũng thấy những tiếng kêu rên yếu ớt, thật khiến người ta đau xót. Giữa trưa, ma quỷ kéo lên trên phố, mỗi cửa hàng đều đặt một thùng nước lớn bên cửa ra vào, tiền thu được đều ném vào thùng nước đó để kiểm tra giả hay thật.

Trong tác phẩm Lời bạt về hành trình di cư của Hứa Tinh Dương, Chu Di Tôn có ghi chép, thời bấy giờ, ban ngày ma quỷ thường vào thành phố, dùng tiền giấy gõ cửa từng nhà chào mua quan tài. Thế giới loài người gần như trở thành vùng đất của ma quỷ, dựa theo quan niệm về thế giới bóng đêm của Trung Quốc, những linh hồn ma quỷ có thể hoạt động công khai tại chốn dương gian như vậy, chứng tỏ dương khí của thế giới đã rất suy yếu, khiến người ta lờ mờ nhận ra những tai họa lớn hơn sắp ập đến.

Ma quỷ mang theo tiền âm phủ tới dương gian sử dụng, tính chất của nó giống như việc cố ý dùng tiền giả đi mua đồ. Nhưng nếu chúng dùng tiền âm phủ để trả món nợ tại chốn dương gian thì sao?

Chương Mảnh đất Tư Thánh, tập sáu quyển Di kiên chi chỉ giáp tập có ghi chép: Phạm Tuân - một quan nhỏ tại huyện Kiến Xương từng vay trưởng lão chùa Thư Thánh một trăm nghìn quan tiền, hai mươi năm sau, vị trưởng lão đó qua đời, còn Phạm Tuân cũng quên luôn việc trả nợ. Sau này ông ta lâm bệnh nặng, chuẩn bị sang thế giới bên kia, lúc này, ông gọi vợ con đến và nói rằng: “Khi ta cưới nàng đã vay tiền của chùa Tư Thánh, nay thần Gia Lam tại nơi đó sai người thay trưởng lão đến đòi tiền, nàng và các con hãy mau chóng mua tiền giấy hóa cho trưởng lão.” Vợ ông nghe lời, liền đem tiền giấy đi đốt. Phạm Tuân nói: “Hai người đó đã đi rồi.” Xem ra hai người đến đòi nợ đã vui vẻ tiếp nhận, hoàn toàn không gây khó dễ cho người mang nợ.

Đây quả là diễm phúc cho những kẻ quỵt nợ, đã nợ tiền của người ta, lại đợi đến khi chủ nợ chết rồi mới dùng tiền giấy để trả nợ. Nhưng trong xã hội làm gì có chuyện dễ dàng như vậy, vì thế, trong tất cả các câu chuyện ma quỷ, cũng chỉ có câu chuyện vừa rồi là ví dụ duy nhất mà thôi. Chương Viên ngọc phế tử trong Quảng dị ký đã sớm bàn tới việc người chồng dùng tiền riêng của người vợ quá cố, khi người vợ quay về đòi, người chồng liền nói: “Việc này đơn giản thôi!”, ý bảo sẽ dùng tiền giấy để trả nợ. Nhưng người vợ tức giận nói rằng: “Chàng dùng tiền đồng của ta, nay lại định dùng tiền giấy để trả ư?” Rõ ràng, người vợ không đồng ý. Ma về đòi nợ, nhưng nếu dùng tiền đồng để trả thì số tiền đó lại không tới được tay của họ. Biện pháp khá công bằng dành cho ma quỷ là bắt con nợ dùng tất cả số tiền đã nợ đi mua tiền giấy hoặc mời hòa thượng đến đọc kinh như chương Thí tam sảo, tập mười một, quyển Di kiên bính chí có ghi.

Đương nhiên cách giải quyết tốt nhất là đem số tiền nợ trả cho người thân hoặc bạn bè của chủ nợ. Trong chương Trở thành thần không nhất thiết phải là hiền nhân, quyển hai mươi hai, quyển Tử bất ngữ có kể, một hồn ma đi đòi nợ, khiến kẻ mắc nợ sống trong tình cảnh chết dở, sống dở, kẻ mắc nợ muốn hóa tiền giấy để trả nợ, nhưng hồn ma không phải là một tên ngốc, nó cười lớn rồi đáp rằng: “Lấy tiền giấy để trả nợ tiền thật, trong thiên hạ làm gì có việc dễ dàng như vậy! Hãy mau đưa năm trăm quan tiền cho Lý lão gia, ta sẽ tha cho ngươi.” Vị Lý lão gia đó chính là bạn của hồn ma. Tác giả Viên Mai quá am hiểu mọi việc thoát tục, biện pháp này là hợp tình người nhất, chỉ là các vị hòa thượng hoặc đạo sĩ của chúng ta đã đánh mất một vụ làm ăn mà thôi.

5

Từ những câu chuyện được đề cập ở trên, bạn đọc nhìn chung đã có thể biết tiền giấy được sử dụng như thế nào trong thế giới âm phủ.

Đôi khi chúng dùng tiền giấy rồi mạo nhận là người sống để đến dương gian mua sắm, những hành vi này đồng nhất với hành vi lừa gạt, muốn tạo ra một thế giới hỗn loạn, ở đó người và ma bất phân - đó là việc bất khả thi. Đặc biệt hiện nay, tiền đồng, đĩnh bạc, châu báu đều không phải là loại tiền được lưu hành, nếu dùng tiến giấy mà trong tất cả các cửa tiệm đều đặt máy soi tiền, vậy thì các món đồ được chế tạo thô sơ chắc chắn không thể lừa gạt được chiếc máy soi tiền hiện đại ngày nay. Đương nhiên, đám dân cờ bạc nơi âm phủ cũng có thể dùng tiền âm phủ đánh cược, không cần phải đổi sang thẻ bài khác, còn những hồn ma thích sưu tầm cũng có thể coi tiền âm phủ là một món đồ sưu tầm khá thú vị, nhưng khi đó nó đã tách rời ý nghĩa gốc - tiền tệ lưu hành.

Mục đích lớn nhất và chính thức nhất của tiền giấy đó là đi biếu. Tất nhiên lễ vật ở đây không phải là những món quà của gia đình bình thường đi lại với nhau, mà là những món quà biểu thị lòng hiếu kính quan phủ, đó là những khoản đáp lễ dành cho từ những tên lính quèn cho đến Diêm Vương gia. Cổ ngữ có câu: “Nếu như có ông Diêm La Vương giống như Bao Chửng, thì có ngấm ngầm hối lộ, kéo quan hệ cũng không được.” Câu này con người chúng ta chẳng cần phải nghe, bởi Bao Chửng vốn là quan thanh liêm, nhưng các vị nắm giữ luật pháp dưới âm phủ chưa bao giờ biết ăn chay là gì cả. Từ lúc vong hồn cất bước trên đường, những tên lính nha phủ của quỷ đã đòi “lì xì”, hoặc còn gọi là “tiền công đức”. Các vị không nhìn thấy những xâu tiền giấy được treo trên chiếc cổ trắng đen khác người kia sao? Vì thế phong tục ma chay nơi dương gian, người chết ba ngày phải đi đốt “tiền lên đường”, đó là tiền biếu cho những tên sai nha áp giải hồn ma xuống âm phủ. Sau khi hồn ma lên đường, đi qua các cửa cũng phải tiền, qua cầu cũng tiền, tiền đó được gọi

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện