Theo Tôi, Không Có Gì Buồn Hơn Là Sự Suy Thoái Của Tuổi Già. (12)

Trong lúc ngồi chờ Allerton, tôi ngủ thiếp đi. Điều này dễ hiểu, vì đêm trước tôi không ngủ được, ban ngày lại đi dạo ngoài trời, đã thế tinh thần lại lo âu, cănng thẳng. Bầu không khí nặng nề trước cơn giông cũng tác động thêm vào.

Tóm lại, tôi ngủ ngồi mê mệt trên ghế. Lúc tỉnh dậy, chim đã hót véo von trên cành, mặt trời đã lên cao. Miệng tôi đắng ngắt, đầu vẫn chưa hết nhức.

Ngỡ ngàng, ngán ngẩm, song tôi lại thấy nhẹ hẳn mình.

Ai đó đã viết: "Ngày nào dù u ám nhất thì hôm sao cũng hết." Và đúng như vậy. Bây giờ, tôi thấy rõ là mình đã suy xét sai lạc đến thế nào. Tôi đã mất hết lý trí, định giết một con người.

Mắt tôi trông thấy cốc uýt-ki đặt trước mặt. Tôi rùng mình, đứng lên, hắt cốc rượu qua cửa sổ. Tối hôm trước, rõ ràng tôi hoàn toàn điên rồ.

Tôi cạo râu, đi tắm, mặc quần áo, cảm thấy người khoan khoái hơn. Tôi sang phòng Poirot, biết ông bao giờ cũng dậy sớm.

Tôi kể mọi chuyện cho Poirot nghe như dốc hết lòng mình. Ông khe khẽ gật đầu.

- A! Không ngờ anh lại tính những chuyện ngu ngốc vậy! Nay anh nói ra, thế là tốt. Nhưng sao tối qua anh không nói gì với tôi?

- Tôi sợ ông lại tìm cách can thiệp.

- Tất nhiên tôi phải can ngăn. Chả lẽ tôi ngồi yên nhìn anh vào tù vì một tên mạt hạng như Allerton?

- Họ không tóm được tôi đâu, tôi đã tính toán rất cẩn thận.

- Tội phạm nào cũng tưởng như thế. Nhưng xin nói anh biết, anh không lường trước được mọi chuyện đâu.

- Tôi đã xóa dấu vân tay trên lọ thuốc...

- Đã đành. Nhưng như vậy anh cũng xóa luôn dấu tay của Allerton. Và khi họ thấy hắn chết thì sao? Sẽ mổ tử thi và thấy là chết do uống thuốc ngủ quá liều. Nhưng trên lọ không có dấu tay của Allerton. Tại sao? Hắn không có lý do gì tự xóa dấu của mình. Lúc đó người ta sẽ khám xét và phát hiện phần lớn những viên thuốc còn lại đã được thay bằng átpirin.

- Ai mà chẳng giữ vài viên átpirin, tôi nói.

- Đúng. Nhưng không ai bỏ lẫn átpirin vào lọ thuốc ngủ. Hơn nữa, không phải ai cũng có một cô con gái mà Allerton đang bám đuổi. Mà anh lại vừa mâu thuẫn với Judith hôm trước về vấn đền này. Hai người, Boyd Carrington và Norton sẽ làm chứng rằng anh không ưa Allerton. Không, Hastings anh sẽ ở vào thế bất lợi, mọi sự nghi ngờ sẽ chĩa vào anh. Lúc đó anh sẽ cuống lên vì sợ hãi và hối hận, và bất cứ tên cớm nào cũng dễ dàng kết luận anh là thủ phạm. Mặt khác, rất có thể người ta đã nhìn thấy anh đánh tráo thuốc.

- Vô lý. Không có ai quanh đó cả.

- Xin nhắc là cửa sổ có một bao lơn bên ngoài, có người đứng đó thì sao. Rồi người ta cũng có thể nhòm qua lỗ khóa.

- Ông thì lúc nào cũng lỗ khóa. Thiên hạ có phải ai ai và lúc nào cũng mất thì giờ nhòm qua lỗ khóa.

Poirot nhắm mắt, nói rằng tôi quá tin người, và tiếp:

- Và xin nói rõ để anh biết, trong nhà này xảy ra những chuyện kỳ lạ về chìa khóa. Tôi, tôi luôn muốn chắn rằng cửa phòng tôi phải khóa, dù Curtiss ở ngay phòng bên. Thế mà ngay sau khi đến đây, chìa khóa tôi bị mất, tôi phải bảo làm cái khác.

- Nhưng dù sao có chuyện gì xảy ra đâu. Nhiều khi ta cứ lo sợ quá mức.

Tôi hạ giọng:

- Poirot, ông có nghĩ rằng không khí ở Styles này bị ô nhiễm vì vụ án mạng hồi xưa?

- Một vi-rút tội ác? Lý thuyết nghe hay đấy.

- Các ngôi nhà thực sự có không khí riêng của nó - tôi đăm chiêu nói. Mà ngôi nhà này có một lịch sử thê thảm.

Poirot gật đầu:

- Phải. Ở đây đã có những kẻ muốn người khác chết.

- Và tôi cho là điều đó có ảnh hưởng... Bây giờ, ông nói xem tôi phải làm gì về chuyện... con Judith và Allerton. Nhất định phải ngăn chúng lại.

- Không làm gì cả - Poirot đáp trịnh trọng.

- Nhưng...

- Hãy tin tôi, đừng làm gì cả là tốt hơn.

- Hãy để tôi nói chuyện với Allerton...

- Thì anh sẽ nói gì? Judith không còn trẻ con, nó đã trưởng thành, tự do làm theo ý nó.

- Nhưng tôi phải...

- Không, anh Hastings. Đừng tưởng anh đủ giỏi giang, kiên quyết để bắt chúng nghe lời. Allerton đã từng gặp những ông bố giận dữ, có khi hắn lại thích hắn lại thích thế nữa. Hơn nữa Judith không phải đứa con gái dễ bị áp lực. Nếu anh cần lời khuyên, tôi xin nói: "Nếu là tôi, tôi tin vào Judith."

Tôi ngạc nhiên nhìn Poirot, ông nói tiếp:

- Judith là một cô gái tốt, tôi rất ngưỡng mộ.

Tôi đáp:

- Tôi cũng ngưỡng mộ nó, nhưng nó làm tôi sợ.

Poirot khẽ gật đầu:

- Toi cũng sợ. Nhưng không phải theo cách anh hiểu. Phải, tôi rất sợ. Nhưng tôi bất lực... hoặc gần như thế. Ngày lại ngày qua đi, và mối nguy hiểm đã đến gần rồi. Tôi cũng biết là nguy hiểm đã tới gần. Tôi càng có lý do để nghĩ vậy, do đã nghe lóm được câu chuyện tối hôm trước. Tuy nhiên khi đi xuống nhà để ăn điểm tâm, tôi vẫn còn suy nghĩ về câu nói của Poirot: "nếu là tôi, tôi tin vào Judith".

Dù bất ngờ, câu nói đó cũng làm tôi an tâm đôi chút. Và ngay sau đó, tôi nhận thấy lời nói đó là khôn ngoan và chính xác. Vì rõ ràng Judith hôm nay đã không đi Luân Đôn như dự định. Sau bữa điểm tâm, nó cùng đi với Franklin vào phòng thí nghiêm như mọi ngày, và thái độ của cả hai người cho tôi hiểu là họ chuẩn bị làm việc suốt cả ngày.

Tôi cảm thấy lòng nhẹ nhõm hẳn. Sao hôm trước tôi hồ đồ đến thế? Tôi đã tin ngay là Judith nhận lời Allerton. Bây giờ tôi mới nhớ là chưa hề nghe thấy Judith nói lời đồng ý. Không, nó đủ tỉnh táo và chắc là đã khước từ cuộc hẹn.

Tôi được tin Allerton đã ăm từ sớm, sau đó đã đi Ipswich. Vậy là hắn vẫn làm theo kế hoạch và tin là Judith sẽ lên gặp hắn ở Luân Đôn như hắn đề nghị. Hắn sẽ vỡ mộng thôi!

Boyd Carrington vừa tới, khen tôi hôm nay tươi tỉnh.

- Phải, tôi đáp. Tôi có nhiều tin vui.

Ông ta đáp là không có được cái may ấy. Ông vừa nhận được điện thoại không vui của kiến trúc sư và những bức thư gây lo nghĩ. Ông cũng lo là đã làm bà Franklin quá mệt mỏi sau cuộc đi chơi hôm trước.

Bà Franklin hôm trước vui vẻ, hồ hởi bao nhiêu thì hôm nay khó tính bấy nhiêu. Đó là điều cô Craven nói với tôi. Lẽ ra hôm nay là ngày nghỉ của cô, cô định đi thăm bạn bè nhưng phải tạm gác lại, nên đang bực bội. Từ sáng sớm, bà Franklin đòi hết thứ này đến thứ nọ, và không muốn cô Craven vắng mặt. Bà kêu nào là nhức đầu, nào là đau nhói ở tim, chân tay rời rã và một loạt các tật khác. Phải nói rằng những lời kêu ca ấy chẳng làm ai lo lắng, vì đã quen với cái tính thất thường của bà. Cô Craven và cả bác sĩ Franklin cũng nghĩ như vậy. Bác sĩ Franklin được gọi từ phòng thí nghiệm về, ông nghe bà kêu ca một lúc rồi hỏi bà có muốn mời ông bác sĩ địa phương đến khám không. Bà kiên quyết từ chối. Ông liền cho bà uống thuốc an thần, an ủi bà một lúc rồi lại trở về làm việc.

Cô Craven nhận xét:

- Tất nhiên, ông ấy cho là bà chỉ giả bộ.

- Cô tin bà ấy không làm sao?

- Nhiệt độ bình thường, nhịp đều... chỉ vẽ chuyện.

Cô y tá bực mình ra mặt, và nói bạo miệng hơn thường lệ:

- Bà ta không muốn mọi người được yên thân. Phải làm sao cho ông chồng lo đến cuống lên, cho tôi luôn phải quẩn quanh bên mình. Lại cũng phải làm cho ông Boyd hối hận, vì hôm qua đã đưa bà ấy đi chơi, khiến ngọc thể bất an. Tính bà ấy thế đấy.

Rõ ràng cô Craven hôm nay căm ghét bệnh nhân của mình, hẳn là cô bị bà Franklin đối xử tàn tệ. Bà đúng là loại người mà y tá và gia nhân không chịu đựng nổi.

Vậy là mọi người không coi sự kêu ca của bà Franklin là quan trọng, trừ Boyd Carrington cứ băn khoăn đi đi lại lại với vẻ mặt khổ tâm của một cậu bé vừa bị người lớn trách mắng.

Từ đó đến nay, biết bao lần tôi đã ôn lại những sự kiện của ngày hôm ấy, cố nhớ ra một chi tiết nào có thể bị bỏ qua, hình dung lại thái độ của từng người một. Một lần nữa, tôi xin cố ghi lại những gì đọng lại trong trí nhớ.

Boyd Carrington có vẻ không yên tâm, cứ như là mình có lỗi. Ông nghĩ hôm trước mình đã quá hăng hái, không tính đến sức khỏe mong manh của bà bạn. Hai lần ông lên phòng bà để nghe ngóng tin tức, nhưng cô Craven cũng đang bực mình nên tỏ ra hờ hững. Rồi ông xuống làng mua một hộp sôcôla nhờ đưa lên cho bà Franklin. Nhưng ngay sau đó, cô y tá lại gửi trả, nói rằng bà Franklin rất ghét sôcôla. Ông ngao ngán mở ngay hộp kẹo trước mặt Norton và tôi, mời chúng tôi ăn.

Sáng hôm đó, Norton cũng như có điều gì lấn cấn. Anh ta lơ đãng hơn, và luôn luôn chau mày ngơ ngẩn. Anh thích kẹo sôcôla và ăn khá hiều, mắt đăm đăm nhìn ra xa.

Thời tiết xấu đi, và từ mười giờ mưa như trút nước.

Đến trưa, Curtiss đưa Poirot xuống phòng khách, cô Elizabeth cũng xuống và ngồi đánh dương cầm cho ông nghe. Cô đánh rất hay những bài của Bach và Mozart, là hai tác giả mà Poirot ưa thích.

Khoảng một giờ kém hai mươi, Franklin và Judith từ phòng thí nghiệm về. Con gái tôi tái xanh, nét mặt mệt mỏi, lơ đãng nhìn quanh, rồi đi thẳng không nói một lời. Franklin ngồi lại với chúng tôi. Ông cũng có vẻ lo âu, mệt mỏi. Tôi nhớ đã nói câu gì về trời mưa làm cho không khí mát mẻ, ông nói ngay:

- Phải. Nhiều khi... có một cái gì đó đang thay đổi...

Không hiểu sao tôi có cảm giác ông không chỉ ám chỉ thời tiết. Với cử chỉ vụng về như thường lệ, ông vấp vào bàn, làm đổ hộp sôcôla.

- Ô xin lỗi! ông lúng túng thốt lên, như đang nói với hộp kẹo. Ông cúi xuống, nhặt kẹo lên. Norton hỏi sáng nay ông làm việc có mệt không, ông ngửng lên cười đột ngột.

- Ờ... không, không. Tôi vừa nhận ra mình đã sai. Cần phải có một phương pháp đơn giả hơn và nhanh hơn, thì sẽ tới đích...

Ông lắc lư chân này sang chân kia, ánh mắt mơ màng:

- Phải, đó là cách tốt nhất.

Trời chiều rất dễ chịu. Mặt trời lại chiếu sáng, nhưng nhiệt độ không gay gắt bằng lúc sáng. Bà Luttrell đã xuống nhà, người ta đặt bà ngồi dưới hàng hiên. Trông bà tươi tỉnh, bà vui vẻ với mọi người, còn trêu chọc ông chồng nhưng thương mến, không ác ý. Bản thân ông Luttrell cũng rất vui.

Poirot cũng được đưa xuống đây, và tỏ vẻ hồ hởi. Chắc ông thấy vui vì thái độ của hai vợ chồng Luttrell. Ông đại tá như trẻ ra đến vài tuổi, không dứt dứt râu nữa và tỏ vẻ vững dạ hơn. Ông còn đề nghị tổ chức hội chơi bài vào buổi tối.

- Cho bà Daisy vui, ông nói.

- phải đấy, bà Luttrell công nhận.

Norton có ý kiến trái lại, sợ bà mệt.

- Tôi chỉ chơi một ván thôi - bà nói, rồi nháy mắt ranh mãnh tiếp: Tôi sẽ chơi nghiêm chỉnh, không bắt nạt ông Geogre nhà tôi nữa.

- Vâng, tôi biết tôi chơi kém - ông Luttrell nói.

- Tôi thích chọc ông một chút, thì đã làm sao?

Câu nói của bà khiến mọi người cười ồ. bà nói thêm:

- Ồ! Tôi biết tôi lắm tính xấu. Nhưng già rồi, không sửa được. Vậy ông George chịu vậy.

Ông đại tá cứ ngớ ra mà nhìn vợ. Cái cảnh đôi vợ chồng già vui vẻ với nhau làm mọi người nói sang chuyện hôn nhân và ly hôn. Ngày nay ly dị dễ dàng, đàn ông và đàn bà có thực sự hạnh phúc hơn trước không? Hoặc là sau một thới kỳ mâu thuẫn, cãi vã, thường là vợ chồng trở lại thương mến nhau hơn?

Thật kỳ lạ mà nhận ra rằng ý kiến con người ta đôi khi trái ngược hẳn với kinh nghiệm đã có. Hôn nhân của tôi hoàn toàn hạnh phúc, và chắc chắn tôi thuộc về phái cổ. Mặc dù vậy, tôi chủ trương tán thành cho ly hôn. Ngược lại, hôn nhân của Boyd Carrington thất bại đau đớn thì ông lại chủ trương quan hệ hôn nhân không thể phá vỡ, cho rằng như vậy xã hội mới có nền móng bền vững.

Norton chưa từng lấy vợ, do vậy chưa có kinh nghiệm bản thân, tán thành quan điểm của tôi - Franklin có tinh thần khoa học và hiện đại, kỳ thay, lại kiên quyết phản đối ly hôn. ông cho rằng nếu đã cam kết nhận trách nhiệm khi lấy nhau, thì phải giữ lời hứa. Cam kết là cam kết, đã tự nguyện chấp nhận thì phải tôn trọng. Làm khác đi, sẽ dẫn xã hội đến hỗn loạn. Ngồi duỗi dài chân trên ghế, ông tuyên bố chắc nịch:

- Một người đã chọn người vợ mình lấy, thì phải có trách nhiệm cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

Norton cười:

- Đôi khi chia tay lại là tốt.

- Ông ơi, Boyd Carrington nói, ông không có thẩm quyền bàn chuyện này, vì ông chưa bao giờ có vợ.

Norton gật đầu:

- Đúng vậy, và bây giờ thì đã quá muộn.

Byod Carrington nheo mắt giễu cợt:

- Ông chắc vậy không?

Đúng lúc đó. Elizabeth Cole vừa đến. Phải chăng tôi tuởng tượng hay ánh mắt của Boyd Carrington nhìn từ Norton sang Cole thật? Một ý mới xuất hiện trong đầu tôi, và tôi nhìn kỹ cô ta hơn. Cô còn tương đối trẻ, và cũng đẹp. Một con người duyên dáng, dễ thương, còn có thể đem lại hạnh phúc cho một người đàn ông. Tôi chợt nhớ mấy ngày nay, Norton và cô Cole thường cặp kè với nhau đi ngắm chim và hoa dại, và cô Cole nói với tôi về Norton bằng những lời cảm kích.

Ồ, nếu như vậy thật, thì tôi mừng cho cô. Thời trẻ buồn thảm à khổ đau không ngăn cô có hạnh phúc trong tương lai và tấm thảm kịch xảy ra trong đời cô không đến nỗi là hoàn toàn vô ích. Càng nhìn tôi càng thấy cô tươi tắn, hớn hở hơn cái hôm tôi mới đến. Elizabeth Cole và Norton? Ừ, tại sao không?

Rồi, bỗng dưng tôi lại thấy lòng tràn ngập bất an, lo lắng. Nơi đây, tính chuyện xây đắp hạnh phúc tương lại thật không thích hợp. Trong không khí ngôi nhà này, có một cái gì xấu xa mà lúc này cảm nhận thấy rõ hơn. Tôi thấy mệt mỏi, kinh hoàng nữa.

Tuy nhiên lát sau cảm giác đó biến mất. Và không ai để ý đến tâm trạng của tôi, có lẽ chỉ trừ Boyd Carrington, vì mấy phút sau, ông lại gần tôi và hỏi:

- Có chuyện gì vậy, ông Hastings?

- Không - Tôi cố làm ra vẻ thản nhiên. Sao ông hỏi vậy?

- Ồ, ông có vẻ... tôi không biết tả thế nào.

- Có gì đâu, một thứ... hồi hộp thôi mà.

- Một linh cảm?

- Nói thế cũng được. Cảm giác là sắp xảy ra chuyện gì.

- Lạ thật. Tôi cũng đôi lúc cảm thấy thế. Nhưng chuyện gì cơ chứ?

Ông đăm đăm nhìn vào tôi, như muốn qua đó tìm ra lời đáp. Tôi chỉ lắc đầu. Vì thực ra, linh cảm của tôi chẳng dựa trên cơ sở nào cụ thể. Có thể nó chỉ là hậu quả của từng đợt e ngại, suy sụp tinh thần mà thỉnh thoảng tôi mắc phải.

Judith thong thả đi ra ngoài, đầu ngửng cao, môi mím chặt, vẻ nghiêm nghị. Trông nó không giống chút nào với mẹ nó và tôi! Dáng bộ khắc khổ như nữ tu sĩ. Hẳn Norton cũng có ý ấy, nên anh ta nói:

- Trông cô giống nhân vật nổi tiếng trùng tên với cô, trước khi nàng chặt đầu Holopherme.

Judith cười nhẹ, nhướng lông mày:

- Tôi không nhớ tại sao bà ta làm thế.

- Ồ, đó là vì lý do đạo đức và vì lợi ích của cộng đồng.

Cái giọng pha chút giễu cợt đó không làm con gái tôi vừa lòng. Nó đỏ mặt rồi bước qua mặt Norton để đến ngồi cạnh bác sĩ, không nói một lời. Nó tuyên bố:

- Bà Franklin khá hơn nhiều, và bà muốn mời tất cả lên dùng cà phê trên phòng bà. Bà Barbara Franklin thật lắm chuyện. Tôi ngẫm nghĩ như vậy sau bữa ăn trưa, trong lúc chúng tôi lên gác đáp lời mời của bà. Cả buổi sáng, bà cáu kỉnh, khó tính,thì nay lại xởi lởi, nhẹ nhàng. Bà nằm trên ghế dài, mặc bộ áo ngủ sang trọng màu xanh lục. Cạnh đó là một tủ sách nhỏ xoay được, trên đó để sẵn bình cà phê. Bà và cô Craven nhanh nhẹn rót cà phê cho chúng tôi. Tất cả đều có mặt, trừ Poirot bao giờ cũng lên phòng sau bữa ăn; và tất nhiên vắng mặt Allerton đi Ipswich chưa về, và vợ chồng Luttrell ở lại dưới nhà.

Mùi cà phê thơm phức. Ở nhà trọ này, cà phê thường là loại nhạt thếch, do đó chúng tôi háo hức chờ đón được nếm thứ mà bà Franklin chiêu đãi.

Ông Franklin ngồi phía bên kia tủ sách, chuyển tách cho bà lần lượt rót. Boyd carrington đứng cạnh giường, Elizabeth Cole và Norton đứng trước cửa sổ. Cô Craven ở xa hơn một chút, đứng đầu giường. Còn tôi ngồi trên ghế, loay hoay điền ô chữ trên tờ thời báo, vừa làm vừa đọc to các định nghĩa. Gặp từ khó mọi người xúm lại mỗi người một ý, giúp tôi tìm ra từ thích hợp.

Bỗng từ ngoài bao lơn, tiếng của Judith vọng vào:

- Này mọi người ơi! Có một ông sao đổi ngôi... Ồ! Một ông nữa.

- Đâu, đâu? Boyd Carrington hỏi. Thế thì phải ước điều gì ngay. Nói rồi, ông chạy ra ngoài cùng đứng với cô Cole, Norton và Judith. Cô Craven cũng ra theo, rồi Franklin. Tôi vẫn ngồi, chăm chú vào ô chữ. Sao đổi ngôi chẳng liên quan đến tôi. Tôi chẳng có gì để ước...

Boyd Carrington đột ngột ngó vào phòng gọi:

- Barbara, cô ra đây.

- Không, bà Franklin đáp, tôi mệt lắm.

- Thôi nào, ra đây ước điều gì chứ! Boyd nài. Ra đây, tôi bế cô ra.

Và ông bế bà lên tay. Bà Franklin giẫy nẩy.

- Bỏ tôi ra! Đừng làm thế.

- Đàn bà con gái bắt buộc phải nói một điều ước...

Ông cứ thế ôm bà ra ngoài cửa, đặt đứng trên bao lơn.

Tôi cúi gằm mặt xuống tờ báo... Hồi ức trở về, một đêm trăng nơi nhiệt đới... và một ông sao đổi ngôi. Tôi đã quay lại, ôm vợ trong tay để chỉ cho xem ngôi sao vút chạy. Và nói một điều ước...

Những dòng ô chữ nhòa đi trước mắt tôi.

Một bóng người tách ra trong khuôn cửa, đi vào phòng... Judith.

Tôi không muốn để con gái nhìn thấy mắt tôi nhòa lệ, nên quay ra xoay cái tủ sách, làm bộ đang tìm sách. Tôi nhớ trong đó có một tuyển tập Shakespeare. Tôi lấy ra, lật giở tìm đến đoạn có vở kịch Othello.

- Ba làm gì vậy? Judith hỏi.

Tôi trả lời là đang lục tìm một từ thích hợp để điền vào ô chữ.

Những người khác lần lượt đi vào, cười cười, nói nói. Bà Franklin trở lại nằm trên ghế dài. Ông chồng ngồi vào chỗ cũ phía bên kia tủ sách, lơ đãng cầm thìa khuấy tách cà phê. Norton và cô Cole xin rút lui, nói là đã hứa xuống chơi bài với vợ chồng Franklin.

Bà Franklin uống hết tách cà phê, bảo mang thuốc đến cho bà. Cô Craven đi vắng đâu một lúc, nên Judith nhận vào phòng tắm lấy hộ.

Franklin lúc này đang đi đi lại lại trong phòng, vấp phải chiếc ghế.

- Ông John, hãy cẩn thận! Bà vợ kêu. Ông hậu đậu quá.

- Xin lỗi, tôi đang mải nghĩ.

Rồi ông nói:

- Đêm nay trời đẹp. Tôi muốn đi dạo một chút.

Ông đi khỏi, bà nói:

- Trông khù khờ thế, như ông ấy thật có tài, luôn say mê công việc. Tôi rất nể ông ấy.

- tất nhiên rồi ông ấy rất thông minh. Tôi rất nể ông ấy. Boyd Carrington nói.

Judith đột nhiên đi ra, suýt vấp phải cô Craven vừa tới.

- Barbara hay là ta chơi một ván pích kê? Boyd lại nói.

- Hay đấy. Cô Craven, nhờ cô mang giúp cỗ bài.

Cô y tá đi lấy bài, đưa cho bà Franklin. Tôi cảm ơn bà về tách cà phê, chúc bà ngủ ngon rồi xin rút lui.

Ra khỏi phòng, tôi thấy Judith và Franklin đứng cạnh nhau bên cửa sổ ngoài hành lang. Nghe tiếng chân tôi, ông bác sĩ quay đầu lại rồi tiến hai bước, ngập ngừng như thường lệ, hỏi Judith:

- Cô muốn cùng tôi đi dạo không?

Judith lắc đầu.

- Cảm ơn ông, tối nay thì không.

Và nó nói thêm bằng giọng hơi sẵn.

- Tôi đi đây. Chúc ông ngủ ngon.

Tôi cùng xuống với Franklin. Ông cười và huýt khe khẽ trong miệng.

- Tối nay, ông có điều gì vui - tôi nói.

- vâng. Tôi đã làm được một việc dư định bấy lâu, rất lấy làm hài lòng.

Tôi chia tay ông ở chân cầu thang và ra phòng khách, đứng nhìn mấy người chơi bài. Norton nháy mắt về phía tôi, ra ý chỉ vào bà Luttrell.

Allerton vẫn chưa về; không có hắn, tôi cảm thấy không khí ngôi nhà đỡ ngột ngạt.

Lát sau, tôi lên gác, gõ cửa phòng Poirot, gặp ông đang chuyện trò với Judith. Nhìn thấy tôi, nó nhoẻn miệng cười. Poirot nói:

- Cháu tha thứ cho anh rồi.

Tôi hơi bị chạm tự ái:

- thật tình, tôi không thể tin...

Judith đứng lên, lại gần đưa tay bá cổ tôi:

- Tội nghiệp ba! Bác Hercule không có ý định xúc phạm ba. chính con mới là người phải được tha thứ. Vậy... ba tha thứ cho con đi.

Tôi thong thả nói:

- Xin lỗi. Ba không có ý định...

Không hiểu sao tôi lại nói vậy. Judith ngắt lời:

- Con xin ba, ta không nói chuyện ấy nữa. Bây giờ mọi việc tốt rồi.

Trước khi đi ra, nó lại cười với tôi, nụ cười lơ đãng, xa xôi. Nó đi rồi, Poirot ngước mắt hỏi tôi:

- Thế nào, tối nay có chuyện gì?

- Không có gì đặc biệt, tôi đáp. Và tôi không có cảm tưởng là sẽ xảy ra chuyện gì.

Tôi nhầm to. Vì than ôi, đêm ấy có chuyện đã xảy ra. bà Franklin đau bụng dữ dội. Chồng bà đến khám, gọi thêm hai bác sĩ nữa đến nhưng vô hiệu. Sáng hôm sau, bà chết.

Hai mươi bốn giờ sau, chúng tôi mới biết sự thật. Barbara Franklin bị đầu độc bằng chất physostigmine.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện