Quyển 1 - Chương 23: Nữ thần Artémis

Artémis, vị nữ thần con của Zeus và Léto, ra đời trên hòn đảo Délos. Nàng là anh em sinh đôi cùng với thần Apollon, cho nên, cũng như anh mình, nàng được Zeus ban cho một cây cung bạc và một ống tên vàng. Chỉ mấy ngày sau khi ra đời, nhờ những thức ăn thần Artémis lớn lên như thổi và chẳng mấy chốc nàng đã đeo ống tên vào lưng cầm cung băng vào rừng săn bắn. Trong bộ áo săn gọn gàng và ngắn đến đầu gối nữ thần Artémis trẻ tươi phơi phới, tràn đầy sức sống, nhanh nhẹn, lanh lợi lạ thường. Thật khó mà tìm được một thiếu nữ nào trên thế gian này lại tươi tắn, linh hoạt như Artémis. Nàng chạy băng băng qua những khu rừng rậm, săn thú đuổi chim. Đôi mắt tinh nhanh của nàng không bao giờ để con mồi chạy thoát. Và khi nàng đã giương cung thì ít khi có chuyện phát tên tha chết cho con mồi. Lợn rừng bị đuổi cùng đường rúc vào bụi rậm hy vọng thoát chết cũng không thoát được. Hươu, nai chạy nhanh đến mấy cũng không tránh khỏi bị Artémis xua đàn chó đến bao vây. Mỗi khi Artémis vào rừng săn bắn lại có một đoàn tiên nữ đi theo. Những nàng Nymphe đó cùng săn đuổi muông thú với Artémis. Tiếng hò reo, cười nói cùng với tiếng chó sủa, tiếng tù và rúc vang động cả núi rừng. Cuộc đi săn kết thúc, Artémis và các nàng Nymphe trở về với thắng lợi rực rỡ. Và chẳng bao giờ vị nữ thần Săn Bắn này lại chịu trở về tay không.

Tuy nhiên chiến công lớn nhất của Artémis lại là việc trừng trị tên khổng lồ Tityos, kẻ đã can tội truy đuổi nữ thần Léto, mẹ của Apollon và Artémis, với mưu đồ ám muội. Tên khổng lồ này vốn là con của Zeus và Élara, con gái của nhà vua xứ Orchomène. Thần Zeus lần này để tránh con mắt soi mói của Héra đã đưa người con gái đó vào... tận trong lòng đất đen sâu thẳm để được hoàn toàn yên tâm trong cái chuyện “hoa, nguyệt, mận, đào”. Tityos vì thế ra đời trong lòng đất đen sâu thẳm. Ấy thế mà không hiểu làm sao mà Héra cũng biết. Lại một trận đùng đùng sấm sét, giận dữ giáng xuống đứa con của cuộc ngoại tình đó. Nhưng Héra chỉ vừa mới truy đuổi Tityos thì lại được tin Léto sắp sinh con với Zeus. Thế là Héra xúi bảy anh chàng khổng lồ Tityos truy đuổi Léto. Và Tityos thừa hành nhiệm vụ đó với tất cả sự mẫn cán của một anh chàng vừa được hưởng lượng gia ân, khoan hồng.

Apollon và Artémis đã trừng trị tên khổng lồ bạo ngược đó. Những mũi tên vàng của hai anh em đã rửa được mối oán hờn mà mẹ họ phải chịu đựng trước khi sinh họ. Có người kể, không phải hai anh em Apollon giết chết Tityos mà là thần Zeus giáng sét thiêu chết Tityos. Tityos chết, các vị thần ném xác hắn xuống địa ngục Tartare. Thân hình nó nằm sóng sượt che kín hết cả chín mẫu đất. Hai con đại bàng ngày ngày đến mổ bụng ăn bộ gan khổng lồ của nó, bộ gan là ngọn nguồn đẻ ra thói bạo lực, hung tàn cũng như đẻ ra mọi ý chí cứng rắn, bướng bỉnh.

Artémis trừng phạt Niobé

Artémis còn cùng với Apollon trừng phạt nàng Niobé95 về tội ngạo mạn, đã khinh thị xúc phạm đến nữ thần Léto. Có lẽ từ cổ chí kim chưa từng có một cuộc trừng phạt nào quá ư khắc nghiệt, tàn nhẫn như cuộc trừng phạt này, đây là một cuộc tàn sát khủng khiếp, khủng khiếp đến nỗi tới nay chưa mấy ai quên. Niobé là con gái của Tantale. Nàng lấy Amphion vua thành Thèbes bảy cổng. Hai vợ chồng nàng sinh được bảy trai, bảy gái. Niobé rất đỗi tự hào về hạnh phúc của mình: những đứa con, đứa nào cũng đẹp đẽ, khỏe mạnh, thông minh. Nhìn chúng, người ta có thể tưởng đó là những vị nam thần hoặc nữ thần tươi trẻ của thế giới Olympe. Niobé sung sướng, tự hào, mãn nguyện về hạnh phúc của mình nhưng lại không biết hạnh phúc đó chính là do các vị thần đã ban cho gia đình nàng. Sự giàu có, danh tiếng, con đàn cháu đống đông vui là đặc ân hiếm có. Nàng lẽ ra phải biết ơn và đền đáp lại bằng những lễ hiến tế hậu hĩ và thành kính. Nhưng Niobé hầu như quên hết cả nghĩa vụ thiêng liêng đó, nghĩa vụ mà đối với người Hy Lạp xưa kia là một đạo đức chí cao, chí tôn, chí kính, một đạo đức trước hết của mọi đạo đức.

Chuyện xảy ra như sau: Một hôm con gái vị tiên tri mù danh tiếng Tirésias là nàng Manto96 đi khắp mọi nhà trong thành Thèbes bảy cổng, truyền cho mọi người biết lễ hiến tế nữ thần Léto và hai người con của nữ thần là Apollon có bộ tóc quăn vàng rượi và nữ thần Artémis, người trinh nữ săn bắn, sắp cử hành. Mọi người hãy đem dâng cúng các vị thần những lễ vật hậu hĩnh. Dân thành Thèbes bảy cổng, nghe lời khuyên dạy đó, ai nấy đều náo nức sắm sanh lễ vật. Những thiếu nữ xinh đẹp đội vòng lá nguyệt quế lên đầu, ăn mặc đẹp đẽ, mang lễ vật ra đền thờ. Riêng có Niobé là không sắm sửa lễ vật, không đến đền thờ. Chẳng những thế Niobé lại còn dùng quyền lực của mình cấm không cho các thiếu nữ tới đền thờ, nghĩa là Niobé phá bỏ buổi lễ trọng thể ngày hôm đó.

- Tại sao các ngươi lại phải dâng lễ cho Léto? Niobé nói với các thiếu nữ xinh đẹp của thành Thèbes bảy cổng như vậy. Cầu xin Léto ban cho hạnh phúc được giàu có, đông con, nhiều cháu, an nhàn, vẻ vang ư? Thật là vô ích. Cuộc đời của bà ta vất vả cực nhục, chỉ có một hòn đảo bé xíu làm chỗ dung thân, còn ta, một đô thị rộng lớn, thành quách kiên cố, giàu có và đẹp đẽ xiết bao! Bà ta chỉ sinh được một gái, một trai, còn ta, bảy gái, bảy trai, đứa nào cũng to lớn, đẹp đẽ sánh tựa thần linh! Thôi hãy dành những lễ vật dâng cúng ấy cho ta vì chính ta là người xứng đáng được hưởng những lễ vật đó. Ta chẳng thua kém gì Léto về sắc đẹp cũng như về hạnh phúc. Các ngươi hãy dâng lễ vật cho ta, và cầu nguyện ta có thể ban cho các ngươi niềm hạnh phúc mà các ngươi mong muốn.

Buổi lễ không tiến hành. Những lời nói kiêu căng, láo xược của Niobé tất đến tai các vị thần, nhất là nữ thần Léto. Nàng truyền cho hai con, Apollon và Artémis, sứ mạng trả thù, trừng trị quân hỗn hào, phạm thượng.

- Các con phải rửa ngay mối nhục này cho mẹ. Ta không thể chịu đựng được cái thói ngạo mạn, kiêu căng vốn có từ giống Tantale nhà nó. Dù cuộc đời ta thế nào chăng nữa ta cũng là một vị thần thuộc dòng dõi Titan, và là vợ của thần Zeus, Apollon và Artémis là con của thần Zeus mà không một người trần thế nào dù tài giỏi đến đâu có thể coi như bằng vai phải lứa được.

Nghe mẹ nói xong, hai anh em Apollon đều vô cùng giận dữ. Apollon đáp lời mẹ:

- Xin mẹ hãy yên tâm! Con mãng xà Python ghê gớm đến đâu cũng chẳng làm nhụt được chí khí của con thì mụ Niobé kia ắt phải có hình phạt xứng đáng.

Artémis cũng bày tỏ tình cảm của mình:

- Xin mẹ hãy yên tâm! Những đứa con của thần Zeus sẽ không tha thứ cho bất kỳ một hành động khinh thị thánh thần nào.

Và thế là nhanh như những mũi tên, Apollon và Artémis từ ngọn núi Cynthe cao vút trên hòn đảo Délos thân yêu, bay tới thành Thèbes bảy cổng. Cỗ xe do những con thiên nga kéo hạ xuống một cánh đồng ngoài cổng thành. Apollon tiến vào cổng thành và trèo lên bờ tường thành cao. Nơi đây thần trông thấy những người con trai của Niobé đang cùng với các trai tráng luyện tập võ nghệ. Thần lắp tên vào cung và giương lên. Dây cung bật lên một tiếng lảnh lót, khô gọn. Mũi tên xuyên trúng ngực một người con trai của Niobé khoác áo choàng đỏ thắm đang phi ngựa. Chàng bật ngửa người ra, tay buông cương và hồn lìa khỏi xác. Cứ thế, vun vút, những mũi tên bay đi, khi trúng cổ, khi xuyên gáy, khi cắm phập vào lưng, lần lượt kết liễu cuộc đời bảy người con trai của Niobé. Những trai tráng đang luyện tập võ nghệ cùng với những người con trai của Niobé vô cùng kinh hoàng trước tai họa giáng xuống quá nhanh và quá khủng khiếp đến như vậy. Chỉ phút chốc bảy chàng trai cường tráng, những thanh niên ưu tú của thành Thèbes vinh quang đã bị chết một cách thảm thương mà không ai biết được địch thủ. Song mọi người đều hiểu ngay: những cái chết bất ngờ không rõ từ đâu giáng xuống đều do hai anh em Apollon và Artémis, những vị thần có tài bắn cung trăm phát trăm trúng. Mọi người cùng hiểu, đây là hình phạt mà nữ thần Léto giáng xuống Niobé.

Tin dữ bay về cung điện nơi Niobé đang ở. Người mẹ bất hạnh này gào thét, khóc than và trong cơn đau đớn vật vã, điên dại nàng đã nguyền rủa nữ thần Léto. Các con gái của Niobé xúm quanh mẹ để an ủi, khuyên can, săn sóc. Nhưng tai họa chưa hết. Bây giờ đến lượt nữ thần Artémis ra tay. Những mũi tên không biết từ đâu lại bay xuống. Tiếng rú lên vì đau đớn chen lẫn những tiếng thét kinh hoàng, tiếng gào khóc, tiếng rên la... tạo ra một bầu không khí khủng khiếp hết chỗ nói. Đến lúc này thì Niobé không còn gào thét khóc than được nữa. Nàng ngất đi rồi lại tỉnh dậy, tỉnh dậy rồi lại ngất đi không biết bao lần. Amphion, chồng nàng, trước nỗi đau khổ quá lớn như vậy không đủ sức chịu đựng nổi đã tự sát, chết bên những đứa con. Niobé đau khổ, sững sờ đứng giữa xác chết của các con và chồng. Nàng bây giờ tuy sống nhưng thật ra là cái xác không hồn, một cái xác còn biết cử động. Xác chết của chồng và con của Niobé bị bỏ mặc suốt chín ngày trời, đến ngày thứ mười, các vị thần mới nguôi giận, cho làm lễ mai táng. Còn nàng Niobé với số phận thảm thương đã hóa ra đá. Một cơn gió lốc đưa nàng về tận quê hương, lên đỉnh núi Sipyle, nơi ở vĩnh viễn của nàng. Ở đó, Niobé với nỗi đau khổ mà trên thế gian này ít ai phải nếm trải, biến thành đá với khuôn mặt khổ đau và nước mắt tuôn trào. Ở đó, nàng Niobé với khuôn mặt sững sờ, ngây dại đã biến thành đá nhưng chẳng bao giờ cạn được dòng nước mắt đau thương, những dòng nước mắt tuôn trào như những con suối bạc từ sườn núi cao đổ xuống.

Ngày nay trong văn học phương Tây, Niobé trở thành một biểu tượng cho “nỗi đau khổ của người mẹ mất con”. Trong quá trình chuyển nghĩa, Niobé dần trở thành “nỗi đau khổ lớn” hoặc “nỗi đau khổ”.

Niôbê ngất xỉu khi chứng kiến các con bị giết

Có chuyện kể, trong cuộc tàn sát của Artémis, có một người con gái của Niobé thoát chết, không rõ do Artémis động lòng trắc ẩn tha thứ hay do trốn thoát được. Sự khủng khiếp và nỗi kinh hoàng lớn quá đã làm cho người con gái đó, mặc dù trải qua bao năm tháng sau này, da vẫn tái xanh tái xám. Vì thế người ta gọi nàng là “Chloris” nghĩa là “nhợt nhạt”, “tái xanh”. Nghe đâu Apollon cũng tha chết cho một người con trai của Niobé tên là Amyclos.

[95] Những người con của Niobé gọi là Niobides.

[96] Người La Mã kể có một nàng Manto con của Hercule, con trai nàng đã lấy tên mẹ đặt cho một đô thị trên đất Ý: Mantoue.

Artémis biến Actéon thành hươu

Artémis cũng bị một người trần kiêu căng, xúc phạm. Và theo thói thường của thế giới Olympe, các vị thần vốn là những người có quyền thế nên rất dễ nổi trận lôi đình với người trần thế, với giống người bấy yếu, đoản mệnh. Và khi đã nổi trận lôi đình thì tiếp theo đó là những đòn trừng phạt nghiệt ngã.

Hồi đó ở đất Thèbes có một chàng trai xinh đẹp và tài giỏi con của Aristée và Autonoé tên là Actéon. Chàng tuy xuất thân trong một gia đình con thần cháu thánh nhưng lại chỉ là một anh chàng chăn chiên bình thường. Do phải theo cha lùa súc vật vào rừng, phải bảo vệ đàn gia súc thoát khỏi móng sắc của thú dữ cho nên Actéon trở thành một người săn bắn muông thú rất giỏi. Actéon lại được thần Centaure Chiron dạy bảo cho nên tài săn của chàng vượt xa những lão tướng dày kinh nghiệm. Anh em bạn bè đều khâm phục tài năng của chàng từ việc thuộc thói quen, tính nết của từng loài thú cho đến tài phóng lao bắn tên chỉ sai một trúng mười. Được ngợi khen, Actéon đâm ra kiêu ngạo, coi thường mọi người, thậm chí coi thường cả nữ thần Săn bắn-Artémis, “Ta chẳng hiểu Artémis tài giỏi đến đâu nhưng cứ như tài săn của ta bây giờ thì Artémis dẫu có đến thi tài thì cũng phải nhường ta vòng nguyệt quế”. Actéon đã hợm mình mà nói năng phạm thượng như thế. Tất nhiên những lời nói như thế đều không cánh mà bay đến tai vị thần Săn bắn. Nữ thần Artémis chưa kịp trừng phạt con người láo xược đó thì lại xảy ra tiếp một chuyện không thể tha thứ được. Chuyện xảy ra trong một cuộc đi săn ở rừng Cithéron. Hôm đó Actéon và các bạn vào rừng săn thú, một cuộc đi săn bình thường của những người dân ở miền sơn cước. Sau một hồi lâu săn đuổi, mọi người đều mệt, nhất là khi đó mặt trời đã lên cao, không khí chẳng còn mát mẻ như buổi sớm. Trong khi mọi người tìm vào dưới bóng cây để nghỉ thì chàng Actéon một mình lững thững đi tách khỏi đám đông anh em, ý chừng muốn tìm một lạch nước, một dòng suối để rửa mặt. Actéon cứ lững thững đi và chàng đã vui chân, lạc bước tới một thung lũng nhỏ hẹp song cảnh vật thật vô cùng thơ mộng, đẹp đẽ. Chẳng hiểu bàn tay vị thần nào đã tạo dựng nên một khung cảnh tuyệt diệu như thế: một con suối từ núi cao theo lườn dốc bò xuống một vùng bằng phẳng, uốn lượn quanh co qua hai bờ cỏ xanh hoa thắm. Những lùm cây to do một giống dây leo trùm phủ lên những cây trắc bá thanh thanh, nở ra những loại hoa tim tím hồng hồng, nho nhỏ, xinh xinh là nơi mở hội cho những đội đồng ca ong và chim chóc tới thi tài, tranh giải. Đàn bướm chập chờn trên những đóa hoa như những nàng Muses đang biểu diễn những điệu múa uyển chuyển theo tiếng đàn cithare của thần Apollon có bộ tóc quăn vàng. Dòng suối từ núi cao trườn xuống qua một chiếc động nhỏ mà từ xa xa Actéon đã trông thấy những nhũ đá của nó rủ xuống như những búp tóc của các vị thần. Còn những vệt nắng dài từ trên cao lọt xuống thì nom như một dải khăn lụa vươn bay trong gió. Actéon lần theo dòng suối đi đến chiếc động nhỏ đó. Tai họa bắt đầu từ đây. Nữ thần Artémis và bầy tiên nữ tháp tùng vừa vào trong động. Đây là khu vực đặc biệt, cả cái thung lũng với hang động huyền ảo, với suối mát nước trong này chỉ dành riêng cho các vị thần tới nghỉ ngơi, tắm mát, đặc biệt là thuộc toàn quyền sử dụng của nữ thần Artémis. Nơi đây vị nữ thần Săn bắn, người trinh nữ với cây cung bạc tên vàng sau khi săn muông đuổi thú trở về nghỉ ngơi, tắm mát. Các tiên nữ, người thì đỡ cây cung và gỡ ống tên đeo ở sau lưng nàng ra, người thì búi lại tóc cho nàng, búi cao lên và gọn lại để khỏi ướt mất mớ tóc vàng rượi, mềm mại như ánh nắng chiều, người thì cởi dép, cởi áo cho nàng. Và nàng, như thế Trinh nữ Xạ thủ danh tiếng, con của thần Zeus uy nghiêm, từ trong động bước ra suối tắm. Đúng vào lúc ấy, lúc nữ thần Artémis vừa từ cửa động bước ra thì Actéon cũng vừa lần bước tới cửa động... Chà, biết kể lại sao cho đúng cái tình cảnh éo le đó. Chàng Actéon bàng hoàng, ngây ngất đến sững sờ ra trước vẻ đẹp “trong ngọc, trắng ngà”.

Nhưng một tiên nữ chợt trông thấy chàng và kịp thời hét lên một tiếng kinh dị, chỉ tay về phía Actéon. Các tiên nữ nhìn theo và không ai bảo ai, nhanh như một làn gió xúm lại đứng vây quanh lấy Artémis, vị nữ thần tuyệt đẹp nhưng khước từ mọi hạnh phúc ái ân trần tục. Các tiên nữ không muốn cho cái nhìn của kẻ thất phu làm ô uế thân thể thanh cao tinh khiết của nữ thần. Nhưng muộn mất rồi! Còn nữ thần Artémis thì mặt ửng đỏ lên e thẹn. Rồi từ e thẹn chuyển sang giận dữ, mặt nàng càng đỏ rực lên như khi đang hăng hái săn đuổi con mồi. Đứa thất phu to gan lớn mật đã dám vào nơi cấm địa vốn chỉ dành cho các vị thần. Tội xấc xược này không thể bỏ qua. Và thế là chỉ trong phút giây, chốc lát Artémis đã biến Actéon thành một con hươu, một con hươu to khỏe, đẹp đẽ. Actéon đi từ bàng hoàng này đến bàng hoàng khác: tự nhiên cổ chàng vươn dài ra và trên đỉnh đầu mọc lên một đôi gạc cao, dài, lắm nhánh, tai nhô lên, to hẳn và nhọn ra còn hai tay hai chân thì biến thành bốn chân hươu dài ngoẵng, quần áo mặc trên người biến thành lớp lông vàng rượi, đốm đen. Và thế là con hươu Actéon vùng lên bỏ chạy. Nhìn xuống suối nó biết mình bị trừng phạt vì tội đã xúc phạm đến nữ thần Artémis. Nó muốn kêu lên, hét lên, nhưng không được. Con hươu không biết nói, Actéon chỉ còn lại trí óc là của con người mà thôi. Nhưng trí óc ấy chẳng thể biến thành tiếng nói. Và con hươu Actéon chỉ còn biết chạy, chạy hết nơi này đến nơi khác, dường như muốn tìm về với những người thân thích. Nhưng lũ chó săn của Actéon mũi rất thính. Chúng biết có một con mồi ở đâu đây. Thế là chúng sủa ầm vang, gọi nhau rượt đuổi theo con hươu vàng đốm đen. Một đàn chó, năm mươi con, lao theo con hươu khốn khổ đang hoảng hốt chạy. Hươu ra sức chạy, chó ráo riết đuổi. Và cuối cùng, chó đã bổ vây quanh hươu. Con hươu đứng giữa bầy chó nhâu nhâu sủa vang, nước mắt trào ra. Nó muốn kêu lên với bầy chó hung hãn rằng: “Ta là Actéon... Actéon đây, người chủ quý mến của chúng mày đây...” Nhưng không được, đàn chó lao vào con hươu cắn xé. Con hươu Actéon ngã vật xuống đất. Trong đôi mắt nó vào phút giây cuối cùng ấy vẫn đọng giữ một nỗi kinh hoàng, oan ức và vẻ tha thiết cầu xin. Lũ chó và những bạn săn của Actéon vẫn thấy ánh mắt ấy ở những con mồi bị hại. Chẳng ai quan tâm đến ánh mắt ấy làm gì. Và con hươu đã nhắm mắt lìa đời vì tội đã xúc phạm đến nữ thần Artémis, tội một người trần thế đầu tiên và duy nhất đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thần thánh, tuyệt diệu của vị nữ thần Trinh tiết.

***

Những nhà thần thoại học, tôn giáo học cho chúng ta biết, câu chuyện trên đây phản ánh một hình thức tôn giáo nguyên thủy: Sự kiêng kị giới tính.

Nhưng người Hy Lạp không chỉ thờ phụng nữ thần Artémis như vị thần săn bắn hoặc một người bảo hộ cho nghề săn bắn. Nếu kể từ nguồn gốc xa xưa thì Artémis là nữ thần bảo hộ cho muông thú trong rừng rồi sau mới chuyển thành vị nữ thần Săn bắn và tiếp chuyển thành nữ thần của Cỏ cây hoa lá. Từ đó, Artémis được coi là nữ thần của sự phì nhiêu, cây sai quả, lúa được mùa. Và đã như thế thì đồng thời là nữ thần bảo hộ cho sự sinh nở, cho hạnh phúc gia đình, trẻ sơ sinh. Rồi lại kiêm luôn cả chức năng nữ thần Mặt trăng, nữ thần Phù thủy, Ma quái-Hécate, tuy nhiên, dù Artémis có được sáp nhập thêm vào nhiều chức năng mới, và trong quá trình phát triển của lịch sử-xã hội Hy Lạp, Artémis có được mang thêm những biệt danh mới như Artémis Tauropolos, Artémis Orthia... thì biểu trưng phổ biến, tiêu biểu nhất về Artémis vẫn là một nữ thần Săn bắn và một nàng Trinh nữ Xạ thủ.

Ngày nay trong văn học các nước phương Tây, Artémis hoặcDiane là một biểu tượng chỉ người thiếu nữ xinh đẹp nhưng kiêu kỳ, người thiếu nữ xinh đẹp nhưng ở chốn “thâm nghiêm kín cổng cao tường”, tính nết kênh kiệu.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện