Chương 13
Bông hoa thứ tư xuất hiện đúng vào hôm thứ năm sau cái ngày Khải bị chất vấn. Đó là một đóa hướng dương vàng rực và tươi tắn. Cái cọng kẽm dùng để làm cuống hoa hướng dương có lẽ dài hơn những cọng hoa khác nên khi cắm vào lọ, đóa hướng dương bỗng nhiên cao vượt hẳn lên. Nó ngự trị ở trên cao và đưa mắt nhìn xuống lũ hoa hồng, cẩm chướng và lay-ơn với vẻ gì đó như là sự trịch thượng. Và khi Nga phát hiện ra đóa hướng dương bí ẩn này, Nga có cảm giác nó ngạo mạn và thách thức với cả chính mình.
Phản ứng đầu tiên của Nga trước sự xuất hiện đáng sợ của bông hoa thứ tư này là... rùng mình. Không bực bội hay tò mò như những lần trước, lần này thấy bông hoa như thể thấy ma, Nga nghe lạnh toát sống lưng. Và ngay lập tức, Nga chạy vù xuống bếp, miệng hớt hải:
- Chị Ngàn ơi chị Ngàn!
Chị Ngàn vừa bắc ấm nước, chưa kịp cắm bếp điện, đã vội giật nảy mình trước điệu bộ cuống cuồng của Nga. Chị quay lại, lo lắng:
- Chuyện gì vậy?
Nga thở hổn hển, giọng đứt quãng:
- Bô...ô...ông ho...o...a...
Chị Ngàn cố tỏ ra bình tĩnh:
- Bông hoa sao?
Nga đè tay lên ngực để trấn áp cơn xúc động:
- Thêm một bông hoa nữa. Hoa hướng dương.
Nga vừa nói dứt câu, chị Ngàn đã tức tốc chạy lên nhà trên.
Và đóa hướng dương đang phô sắc trên đầu tủ khiến chị sững sờ. Chị đứng như chôn chân trong phòng khác, miệng lẩm bẩm:
- Lạ thật.
Nga đứng sau lưng chị Ngàn, thở dài ngán ngẩm:
- Lại Khải chứ ai!
Chị Ngàn cắn môi:
- Vô lý.
Nga hừ giọng:
- Bây giờ mà chị còn có lý với vô lý nữa! Không phải Khải thì ai vô đây! Chẳng lẽ nhà mình có ma thật?
Chị Ngàn khẽ nhíu mày:
- Nhưng hôm trước mình đã hỏi Khải rồi. Chẳng lẽ Khải lại dám đùa dai như vậy.
Nga nhún vai:
- Dám chứ sao không! Sau khi mình "truy" nếu Khải ngưng ngay trò đùa, Khải sợ mình nghi ngờ. Vì vậy, Khải cố cắm trộm thêm vài bông hoa nữa để chứng tỏ ta đây không dính dáng gì đến chuyện đó. Và Khải sẽ chấm dứt trò đùa nghịch của mình vào một lúc thích hợp.
Sự phân tích của Nga không phải là không có lý. Chị Ngàn khẽ gật gù nhưng chẳng bày tỏ ý kiến gì. Bỗng nhiên chị hỏi:
- Hoa hướng dương tượng trưng cho điều gì, em biết không?
Nga lắc đầu:
- Không. Nhưng em sẽ hỏi. Bạn em chắc biết.
- Ai vậy? Hạnh hả?
- Không.
- Vậy chứ ai?
Tự dưng Nga đâm lúng túng. Thấy vậy, chị Ngàn bật cười:
- Thôi, chị biết rồi. Anh chàng Quỳnh của em phải không?
Nga đỏ mặt:
- Sao lại "anh chàng Quỳnh của em"! Chị chỉ chọc em. Em với Quỳnh chỉ là bạn thôi. Bạn một trăm phần trăm.
Chị Ngàn nheo mắt:
- Làm gì em phải khẳng định ghê thế! Bạn tới một trăm phần trăm lận?
- Thôi, em chẳng thèm nói chuyện với chị nữa đâu! - Nga ngúng nguẩy - Chị nói gì đâu không hà!
Chị Ngàn cười khúc khích:
- Chị nói đàng hoàng mà em bảo gì đâu! Chỉ có em "gì đâu" thì có!
Thấy chị Ngàn còn muốn trêu chọc nữa, Nga vội vàng ôm cặp chạy ra khỏi nhà. Nó hấp tấp dắt xe ra cổng, mặc cho chị Ngàn gọi giật sau lưng:
- Em ăn mì rồi hãy đi học chứ!
Tới lớp, thấy Khải đứng ngay trước cửa, Nga không thèm nhìn. Nó ôm cặp đi thẳng về chỗ ngồi.
Quỳnh đang lúi húi chép gì đó trong tập. Thấy Nga vào, anh vội vã gấp tập lại và nhét vào ngăn bàn.
Nga chẳng để ý đến vẻ lấm lét của Quỳnh. Nó xích lại gần anh, nói nhỏ:
- Nga hỏi anh cái này nè!
Quỳnh xoay qua:
- Gì vậy?
Nga vuốt tóc, giọng ngập ngừng:
- Về ý nghĩa của các loài hoa ấy mà!
Quỳnh gật gù:
- À, tôi hiểu rồi. Cũng giống như lần trước Nga hỏi chứ gì!
- Ừ. Nhưng lần này là hoa hướng dương. Anh có biết hoa hướng dương tượng trưng cho điều gì không?
Quỳnh giật thót. Gần đây, những câu hỏi của Nga về các loài hoa khiến Quỳnh cảm thấy ngờ ngợ. Anh mơ hồ nhận ra một điều gì đó. Tại sao hết hoa lay-ơn lại tới hoa hướng dương, quỷ thật! Quỳnh mải theo đuổi những ý nghĩ trong đầu, quên cả trả lời Nga khiến Nga sốt ruột:
- Sao, anh nhớ ra chưa?
Quỳnh lại giật mình. Anh vội vàng đáp:
- À, à, tôi nhớ ra rồi! - Đang nói, Quỳnh bỗng ngập ngừng nhìn Nga, vẻ bẽn lẽn - Nhưng mà... nhớ cái gì hén?
Nga phì cười:
- Anh đãng trí thật đấy! Vậy mà cũng bảo nhớ ra rồi!
Mũi Quỳnh lập tức đỏ ửng. Anh nhăn mặt nhíu mày cố nhớ xem vừa rồi Nga hỏi câu gì. Và càng nhăn nhó, mặt anh càng khó coi, hai vành tai thì không ngừng động đậy. Vẻ khổ sở của Quỳnh khiến Nga động lòng. Nó liền nhắc:
- Ý nghĩa của hoa hướng dương!
Quỳnh thở phào. Anh lấy lại vẻ tươi tỉnh:
- Chà, vậy mà bỗng dưng quên mất!
Rồi anh nhìn Nga, hắng giọng:
- Hoa hướng dương hả? Hoa hướng dương tượng trưng cho niềm tin và hy vọng.
Nga cắn môi. Niềm tin và hy vọng? Khải còn hy vọng gì ở mình nữa đây không biết! Khổ ơi là khổ! Người đâu mà dai hơn đỉa. Người ta đã không ưa mà cứ đến nhà hoài. Cũng tại chi Ngàn mà ra tất. Chị có thiện cảm với Khải. Thế là anh ta cứ bám vào đó mà "tấn công" mình. Lại còn dám đùa dai với mình và chị Ngàn nữa. Bí bí mật mật, cứ làm như ta đây là Sherlock Holmes không bằng!
Vừa nghĩ ngợi, Nga vừa liếc ra cửa nhưng chẳng thấy Khải đâu. Chắc "con đỉa" đã bò đi chỗ khác rồi.
Quỳnh ngồi bên cạnh, dòm Nga lom lom. Anh thắc mắc đủ thứ nhưng vẻ thẫn thờ của Nga khiến anh ngậm tăm.
Mãi một lát sau, khi Nga quay lại mỉm cười với anh, anh mới khẽ hỏi:
- Sao hổm rày, Nga quan tâm đến các loài hoa dữ vậy?
Câu hỏi của Quỳnh khiến Nga phân vân. Nga không biết có nên kể thật với Quỳnh câu chuyện về những bông hoa hay không. Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, Nga nhủ bụng: Thôi, kể làm gì! Trò tán tỉnh nhăng nhít của Khải hay ho gì mà nói cho Quỳnh biết! Nó bèn nói tránh:
- À, tại vì... lúc này Nga đang học cắm hoa.
- Học cắm hoa?
Thấy Quỳnh có vẻ chưa tin, Nga "phịa" luôn:
- Ừ, Nga học ở Câu lạc bộ Phụ Nữ. Mai mốt, Nga còn học làm bánh nữa.
Quỳnh lại hỏi, giọng ngạc nhiên:
- Bộ ở đó người ta không dạy cho Nga biết ý nghĩa của các loài hoa sao?
Nga ậm ừ:
- Ờ, ờ... không! Không hiểu sao Nga chẳng thấy ai dạy điều đó. Người ta chỉ dạy cắm hoa thôi.
Nga vừa "phịa" vừa nhìn Quỳnh bằng ánh mắt cảnh giác. Nhưng Quỳnh chẳng phát hiện ra điều gì. Nghe Nga nói, Quỳnh chỉ gật gù:
- Kỳ quá hén! Nhưng mà tôi nhớ những điều này có đầy đủ trong các cuốn sách dạy cắm hoa. Để hôm nào tôi sẽ tìm cho Nga.
Trước nhiệt tình của Quỳnh, Nga chẳng dám hó hé một lời. Nga chỉ lặng lẽ gật đầu. Nó sợ nó lên tiếng, Quỳnh sẽ tiếp tục hỏi về chuyện cắm hoa. Nó "phịa" một hồi, đằng nào cũng bị "lòi đuôi".
Nhưng dường như Quỳnh chẳng rõ tâm trạng của Nga. Anh mấp máy môi định hỏi tiếp, bất chấp chuyện Nga có lên tiếng hay không.
Vẻ "quan tâm" của Quỳnh khiến Nga lo sốt vó. Nó chưa biết làm sao để thoát ra khỏi tình huống ngặt nghèo này thì đúng lúc đó, Luận xuất hiện. Nga thở một hơi dài não ruột. "Thoát" khỏi Quỳnh mà "rơi" vào tay Luận thì còn tệ hơn một triệu lần.
Theo đúng như bài bản trước nay, Luận xuất hiện... cao cao bên cửa sổ.
Như đã chuẩn bị sẵn, vừa xuất hiện là Luận phát pháo liền. Lần này, rút kinh nghiệm, Luận "tránh" Nga ngay từ đầu. Nó chỉ "nện" Quỳnh:
- Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh ngồi gần
Mai anh ngồi xa
Xích vô rồi lại xê ra
Mũi anh đỏ tấy tới ba bốn ngày.
Cũng như lần trước, dàn đồng ca lập tức phụ họa:
- Tới ba bốn ngày! Tới ba bốn ngày!
Thấy Luận khôn khéo né mình, Nga chưa tìm ra cớ để vặc lại. Nó chong mắt dòm ra cửa, thầm mong Hạnh xuất hiện. Nhưng Hạnh đã tếch đi đâu mất.
Trong lúc đó, Quỳnh mím môi ngồi im. Anh không co rúm người lại như trước đây. Chỉ có mặt anh đỏ ké, cái mũi vừa đỏ vừa túa mồ hôi.
Thật ra, từ lâu Luận chẳng còn thấy hào hứng trong chuyện châm chọc Quỳnh. Thằng quỷ nhỏ hiền như cục bột, chọc hoài cũng chán. Luận chỉ muốn "nện" Nga. Nhưng lần trước Nga làm dữ, mấy đứa cùng cánh với Luận sợ run. Luận không sợ, nhưng chưa nghĩ ra cách trấn an đồng bọn, Luận đành phải tạm thời "tha" Nga.
Nga được tha thì Quỳnh phải lãnh. Hai đứa chơi thân với nhau thì đứa này phải gánh cho đứa kia. Hơn nữa, lần trước Luận đã trêu tụi nó một trận ra trò. Nếu Hạnh không kịp thời can thiệp, chắc thằng quỷ nhỏ xỉu tại chỗ. Vậy mà tụi nó vẫn không ngán. Sau lần đó, Nga và Quỳnh vẫn tiếp tục cặp kè với nhau, chẳng coi Luận ra cái thá gì hết. Càng nghĩ, Luận càng ức. Nó liền nheo mắt nhìn Quỳnh, eo éo ghẹo tiếp:
- Đũa mốc mà vọc mâm son
Hai tai chàng vẫy như con bướm vàng.
Quỳnh nghiến chặt răng. Anh cố trân mình giữ thân người thật thẳng. Quỳnh tự bảo mình: phải bình tĩnh, phải bình tĩnh, đây chỉ là trò đùa chơi của Luận, chứ nó chẳng có ác ý gì đâu! Mặc dù tự động viên mình như vậy, nhưng những lời châm chích của Luận khiến lòng Quỳnh nhói đau. Nếu ngồi một mình, có lẽ Quỳnh đã để mặc những giọt nước mắt buồn tủi lăn dài trên má. Quỳnh sẽ khóc tha hồ như ngày bà ngoại qua đời. Quỳnh sẽ khóc nức nở như ngày ba Quỳnh từ bỏ mẹ con Quỳnh để đi theo một người đàn bà xa lạ. Vâng, Quỳnh sẽ khóc tức tưởi mà không thèm chùi nước mắt. Nhưng đó là khi ngồi một mình kia. Còn ở trong lớp, giữa bao nhiêu bạn bè, chẳng bao giờ Quỳnh làm thế. Quỳnh chỉ nghiến răng, khụt khịt mũi và thầm mong trò đùa tai ác của Luận sẽ nhanh chóng qua đi.
Nhưng Luận là chúa đùa dai. Nó đã trêu ai là trêu đến nơi đến chốn. Nếu Hạnh hoặc Khải không can thiệp, chắc chắn chẳng bao giờ Luận buông tha Quỳnh nửa chừng. Khổ nỗi, sáng nay cả Khải lẫn Hạnh đều trốn đâu mất biệt.
Trong khi đang than thầm trong bụng thì may thay, chuông vào lớp đột ngột vang lên.
Quỳnh thở phào. Nhưng anh chưa kịp đứng dậy, tiếng Nga đã khẽ vang lên bên tai:
- Anh không buồn chứ?
Nga hỏi anh giống hệt như lần trước. Và anh cũng trả lời hệt như lần trước:
- Không! Tôi không buồn!
Nhưng lần này, Quỳnh nói dối. Lời trêu chọc của Luận sáng nay lần đầu tiên bắt Quỳnh phải nghĩ tới sự cách biệt giữa "đũa mốc" và "mâm son".