Chương 3
Sau khi rời khỏi Sảnh thiên thần, Nakahara đang định đến quán quen ăn tối thì nhớ ra thanh tra Sayama có hỏi về bằng chứng ngoại phạm của mình, khiến anh nghĩ lại. Có lẽ Sayama hay một viên thanh tra nào đó đã đến quán để xác nhận rồi. Lúc này đi đến quán chắc chắn sẽ bị mọi người dòm ngó với ánh mắt dò xét.
Nghĩ vậy, anh liền đi đến siêu thị tiện lợi cạnh nhà mua cơm hộp và bia lon. Gọi là nhà nhưng thực ra nó cũng chỉ là một căn hộ nhỏ. Đương nhiên đây chỉ là căn hộ cho thuê, vì anh chưa nghĩ gì đến chuyện về già.
Sayoko sống thế nào nhỉ, vừa đi anh vừa nghĩ miên man. Như Sayama nói thì có vẻ cô cũng sống một mình. Chẳng lẽ cô không hẹn hò với ai khác sao?
Anh cảm thấy như có một thứ gì đó đè nặng lên ngực. Dù đã chia tay nhưng không ai lại dửng dưng với cái chết của người phụ nữ từng chung sống với mình trước đây. Có điều, cảm xúc trong tim anh hiện giờ khác với niềm đau đớn một chút.
Mạnh miệng nói thì có lẽ là cảm giác trống rỗng. Hai người đi đến quyết định chia tay vì nghĩ cho nhau, cuối cùng cũng chẳng đạt được gì. Không ai trong bọn họ có được hạnh phúc.
Chật vật gắng gượng như vậy mà cuộc đời em cũng không được ánh sáng trong trẻo phủ đầy sao... Anh cảm giác như ai đó nói với anh rằng, có cái gì đó đang điều khiển vận mệnh đời mình.
Về đến phòng, anh chuẩn bị ăn hộp cơm vừa mua thì có chuông điện thoại gọi đến. Nhìn màn hình báo số, anh ngạc nhiên. Đó chính là số điện thoại vừa gọi cho anh lúc ban ngày.
Bấm nút nhận điện thoại, tiếng Sayama vang lên, "Xin lỗi làm phiền anh tối muộn thế này."
"Không sao đâu. Anh quên hỏi tôi chuyện gì à?"
"Không phải. Tôi nghĩ mình nên báo với anh nên mới liên lạc." Sayama cẩn thận nói.
"Các anh điều tra ra chuyện gì liên quan đến vụ án à?"
"Đúng vậy. Thực ra thì ngay vừa nãy, một người đàn ông đã đến đồn cảnh sát đầu thú. Hắn ta nhận mình chính là hung thủ."
"Ồ!" Nakahara mất bình tĩnh, đứng bật dậy, nín thở tay nắm chặt chiếc điện thoại. "Hắn tên là gì? Là người như thế nào?"
"Tôi chưa thể cho anh biết được bây giờ, chúng tôi còn phải xác minh nhiều chi tiết nữa. Nhưng chắc cũng không lâu nữa mọi chuyện sẽ được công khai thôi."
"Tại sao người đó lại giết Sayoko... hắn ta là người quen của cô ấy à?"
"Xin lỗi anh nhưng tôi chưa thể cho anh biết rõ chi tiết được. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình điều tra. Vẫn chưa có kết luận chính thức người đến đầu thú là hung thủ."
Nakahara thở hắt ra một hơi, "Vậy sao. Cũng đành chịu thôi."
Bản thân anh biết rõ việc ngay cả người thân nạn nhân cũng không được cảnh sát cho biết tường tận về vụ án. Huống chi bây giờ anh còn chẳng phải là người thân nạn nhân. Lần này chỉ là ngoại lệ vì sự thân tình của thanh tra Sayama mà thôi.
"Tôi có thể sẽ lại đến văn phòng làm phiền anh về vụ việc lần này. Tôi xin lỗi."
"Tôi hiểu rồi. Về phía tôi thì không có vấn đề gì cả."
"Tôi sẽ liên lạc trước khi đến. Xin lỗi vì làm phiền anh lúc đang nghỉ ngơi."
Vậy, tôi cúp máy đây, nói rồi Sayama chấm dứt cuộc gọi.
Nakahara đặt chiếc điện thoại xuống, ngồi xuống ghế, hờ hững nhìn về phía mông lung.
Hung thủ sát hại Sayoko đã bị bắt. Kỳ lạ là anh lại cảm thấy hụt hẫng. Anh đã nghĩ có lẽ quá trình điều tra vụ án này sẽ phức tạp hơn nữa.
Nhưng hiện thực chính là như vậy. Con người ta bị giết dù chẳng có ẩn tình gì phức tạp. Bản thân anh hiểu rõ điều này hơn ai hết.
Anh với tay lấy đôi đũa định ăn nốt bữa cơm rồi lại thôi. Thay vào đó, anh đứng dậy, lấy từ trên giá sách bên cạnh một cuốn album ảnh. Mở ra, tấm ảnh đập vào mắt anh là hình chụp ba người gia đình anh bên bãi biển. Manami trong ảnh mặc áo bơi màu đỏ, hai bên hông ôm lấy phao bơi, đứng hai bên cô bé là anh và Sayoko. Trên ảnh cả ba người bọn họ đều cười. Ngày hôm đó trời thật đẹp, có biển xanh cát trắng.
Bức ảnh là quãng thời gian hạnh phúc nhất của gia đình họ. Không, ngày ấy anh không hề nghĩ khoảnh khắc đó lại là thời điểm hạnh phúc nhất. Anh đã tin tưởng hạnh phúc ấy là vĩnh viễn, thậm chí hi vọng cuộc đời sẽ còn mang lại nhiều điều tuyệt vời nữa.
Hai người trong bức ảnh đã rời khỏi nhân thế. Không phải vì tai nạn, cũng chẳng phải vì bệnh tật, mà là bị giết chết.
Trong đầu anh vang lên giọng nam đọc rõ ràng:
"Tuyên bố, xử phạt bị cáo hình phạt tù vô thời hạn."
Từng câu từng chữ ông thẩm phán với hàng lông mày bạc tuyên bố trong ngày phán quyết phiên xử sơ thẩm là những lời sét đánh ngang tai đối với Nakahara lúc ấy.
Sau khi tuyên án, thẩm phán còn tiếp tục đọc những lý do tường trình dài dòng khác, nhưng chúng không phải những lý lẽ anh có thể chấp nhận. Mặc dù chủ tọa phiên tòa thừa nhận sự dã man trong hành vi phạm tội và việc bị cáo tái phạm tội, nhưng ông ta lại tiếp tục nêu ra những lý lẽ ngụy biện nhằm tránh phải tuyên bố án tử hình như: hành vi phạm tội không có kế hoạch, bị cáo tỏ ra ăn năn, đối với mức xử phạt cao nhất cần cẩn trọng. Lắng nghe những câu từ đó, Nakahara chỉ muốn hét lên rút cục luật pháp đất nước này đang đứng về phía ai.
Lẽ đương nhiên, phía kiểm sát ngay lập tức kháng án. Tuy nhiên, kiểm sát viên phụ trách lại nói với Nakahara rằng, nếu sự việc cứ tiếp diễn như vậy, việc kháng án khá khó khăn.
"Phía tòa hiện đang nghiêng về luận điểm hành vi sát hại con gái anh của bị cáo mang tính bột phát và nhất thời. Chúng ta cần phải bác bỏ luận điểm này."
Liệu có khả năng bác bỏ được không, Nakahara hỏi.
"Chúng tôi sẽ làm được." Người kiểm sát viên với nét mặt khắc khổ nói chắc nịch.
Anh cũng bàn bạc với Sayoko, họ quyết định sẽ đấu tranh đến cùng để đạt mục đích khiến hung thủ phải chịu án tử hình.
"Nếu hắn không bị tuyên án tử, chính em, sẽ chết ngay trước cửa tòa án." Sayoko run run nói, "Em nói thật đấy." Tia sáng lóe lên trong ánh mắt cô khiến anh ngỡ ngàng.
"Anh hiểu rồi," Nakahara đáp, "Anh cũng vậy. Mình sẽ cùng chết cho họ xem."
Vâng, cô gật đầu.
Rồi họ cùng đến phiên phúc thẩm. Bên phía viện kiểm sát đưa ra thêm nhiều bằng chứng mới. Trong số đó có ba bằng chứng chỉ ra tình trạng khi bị giết của bé Manami.
Bằng chứng thứ nhất là dấu giày để lại trên hành lang.
Theo lời khai của Hirukawa, hành vi đó được giải thích như sau. Hắn đột nhập vào nhà qua cửa sổ phòng tắm, đi qua hành lang tiến về phòng khách. Hắn nhìn thấy bé Manami tại đó nhưng đuổi theo cô bé đến tận bậc cửa, tóm được cô bé rồi quay vào phòng khách. Hung thủ nhét bóng xốp vào miệng cô bé rồi dùng băng dính trói tay chân cô bé lại vì muốn cô bé im lặng, nhưng Manami vẫn không ngừng chống cự nên trong lúc cấp bách hắn đã bóp cổ cô bé. Hắn không nghĩ đứa trẻ đã tắt thở, vì thế nhốt cô bé vào phòng tắm, lấy hết đồ giá trị trong phòng khách rồi chạy ra khỏi nhà qua bậc cửa ra vào.
Nếu sự thật đúng như lời khai của hắn, Hirukawa chỉ đi từ phòng khách đến nhà vệ sinh duy nhất một lần. Tuy nhiên, sau khi giám định dấu chân, phát hiện ra dấu chân từ phòng khách đến nhà vệ sinh có hai loại, nói cách khác hắn đã đi đến nhà vệ sinh hai lần.
Việc này khớp với cáo trạng mà bên kiểm sát đã nêu trong phiên tòa đầu tiên. Hung thủ sau khi nhét bóng xốp vào miệng và trói tay chân nạn nhân đã mang nạn nhân nhốt vào nhà vệ sinh trước, sau đó hắn vơ vét đồ đạc có giá trị xong, quay trở lại nhà vệ sinh siết cổ sát hại Manami vì sợ cô bé sẽ giúp cảnh sát vẽ lại chân dung hắn.
Bằng chứng thứ hai là quả bóng xốp.
Bằng chứng này cũng có được nhờ khoa học hình sự, nhưng cũng chẳng phải chuyện gì quá phức tạp. Viện kiểm sát chú ý đến trọng lượng của quả bóng. Khi quả bóng được lấy ra khỏi miệng thi thể bé Manami, nó thấm đầy nước bọt. Đội khám nghiệm hiện trường có ghi lại trọng lượng quả bóng lúc lấy ra, vì thế cũng có thể tính toán được lượng nước bọt thấm trong quả bóng. Theo đó, để một cô bé 8 tuổi tiết ra lượng nước bọt như vậy cần ít nhất khoảng thời gian 10 phút. Nếu theo những gì Hirukawa khai, đáng lý ra quả bóng xốp không thấm nhiều nước bọt đến thế.
Cuối cùng bằng chứng thứ ba chính là nước mắt.
Khi cảnh sát ập đến vì nhận được thông báo, Sayoko đang ôm chặt lấy thi thể của bé Manami. Cô vừa ôm con vừa dùng khăn tay lau mặt cho con. Hai cảnh sát viên vẫn nhớ lời cô nói với con gái mình tại hiện trường lúc đó.
Khổ thân con quá. Chắc con đau lắm phải không. Con khóc nhiều thế này cơ mà. Mẹ xin lỗi con. Mẹ xin lỗi đã để con ở nhà một mình. Chắc con sợ lắm phải không, có khóc thế nào mẹ cũng không về - chính là những lời này.
Đến đây ký ức ngày hôm đó của Sayoko cũng dần hiện rõ lại. Khi cô đứng trước tòa với tư cách người đầu tiên phát hiện ra nạn nhân, cô khẳng định, "Khi tôi tìm thấy Manami, trên mặt con bé đầy nước mắt."
Cô không hề giặt mà vẫn giữ nguyên chiếc khăn tay mình dùng lau mặt cho con gái ngày hôm đó. Và nó đã trở thành bằng chứng mới cho vụ án.
"Con người đã tắt thở thì không thể khóc. Nạn nhân khóc khi bị nhét bóng xốp vào mồm, bị trói tay chân và nhốt trong nhà vệ sinh. Quý vị hãy thử tưởng tượng xem. Cô bé đã hoảng sợ như thế nào, một cô bé 8 tuổi phải chịu đựng những thứ kinh khủng như vậy. Cô bé khóc là chuyện đương nhiên."
Nghe những lời nói phát ra từ giọng nấc nghẹn của kiểm sát viên vang vọng trong phiên tòa, Nakahara nắm chặt hai tay đặt trên đùi mình. Chỉ cần nghĩ đến sự sợ hãi và tuyệt vọng mà con gái anh phải trải qua, anh như thấy mình rơi xuống một vực sâu tăm tối.
Bản thân anh cũng trở thành nhân chứng cho bên viện kiểm sát. Trước tòa, anh khẳng định Manami là một cô bé ngoan ngoãn, nhờ cô bé mà gia đình anh hạnh phúc như thế nào. Sau đó, anh tiếp tục chỉ ra bị cáo Hirukawa chưa hề nói lời xin lỗi với gia đình anh, thái độ của bị cáo tại tòa không có dấu hiệu hối cải. Cuối cùng, anh chốt lại bằng một câu:
"Tôi mong tòa sẽ xử bị cáo tử hình. Chỉ có như vậy, không, cho dù tử hình cũng không thể giúp bị cáo đền tội. Bị cáo đã phạm phải tội ác quá kinh khủng."
Vậy nhưng, phía luật sư cũng không ngồi yên. Luật sư cho rằng cả ba bằng chứng viện kiểm sát đưa ra đều là suy luận, không có căn cứ khoa học chính xác.
Luật sư hỏi Hirukawa:
"Khi anh đem nạn nhân nhốt vào nhà vệ sinh, anh không nghĩ nạn nhân đã chết phải không?"
"Đúng vậy," Hirukawa đáp.
"Khi chạy trốn thì sao. Lúc đó anh không để ý xem nạn nhân thế nào à?"
"Tôi không nhớ rõ," Hirukawa trả lời.
"Anh có quay lại nhà vệ sinh để xem tình hình nạn nhân không?"
Kiểm sát viên ngay lập tức phản đối câu hỏi đó, vì thế Hirukawa không thể trả lời. Nhưng có thể thấy luật sư muốn chứng minh lời khai của bị cáo và dấu chân ở hiện trường khớp nhau.
Luật sư phản biện bằng chứng quả bóng xốp rằng khi bị siết cổ, con người có thể tiết ra nhiều nước bọt hơn bình thường. Còn về bằng chứng nước mắt, luật sư tiếp tục cho rằng đó là nước mắt người mẹ rơi lên mặt cô bé khi ôm con.
Nghe những lời biện hộ của luật sư, Nakahara không tức giận mà chỉ cảm thấy kì lạ. Tại sao những luật sư này lại muốn cứu vớt Hirukawa, tại sao họ lại muốn giúp hắn không phải chịu án tử, nếu con cái họ gặp phải chuyện này họ không mong muốn hung thủ phải bị tử hình sao.
Các phiên xét xử công khai cứ thế tiếp diễn. Thậm chí người ta làm thí nghiệm yêu cầu một đứa bé 8 tuổi có thể trạng gần giống Manami ngậm một quả bóng xốp vào mồm. Đứa bé đó hầu như không thể phát ra âm thanh. Điều này dẫn đến nghi ngờ trong lời khai của Hirukawa rằng hắn siết cổ Manami vì cô bé kêu to. Đương nhiên phía luật sư cũng có biện hộ, rằng tiếng kêu là tùy theo thể chất từng người.
Cuộc chiến giữa bên kiểm sát và bên luật sư kéo dài đến tận phút cuối, Nakahara bắt đầu nhận ra những thay đổi của bị cáo quan trọng Hirukawa. Đôi mắt hắn mất đi sức sống, nét mặt khắc khổ. Hắn là nhân vật chính của câu chuyện này, vậy mà sự tồn tại của hắn lại không khác gì một diễn viên quần chúng. Anh nghĩ, có lẽ vì việc xét xử kéo dài nên cảm nhận tồn tại của chính bản thân hắn cũng dần mất đi.
Ngày tuyên án xét xử phúc thẩm là một ngày mưa. Nakahara và Sayoko cầm ô, ngước nhìn tòa nhà trang nghiêm trước mặt.
"Nếu hôm nay cũng không được, vậy chắc hết cách rồi anh nhỉ."
Nakahara im lặng, nhưng anh cũng nghĩ giống vợ mình.
Theo luật thì vẫn còn hi vọng. Dù kháng cáo bị bãi bỏ ở đây thì vẫn còn tòa án tối cao. Nhưng muốn lật ngược tình thế cần phải có quân bài chiến lược mới. Nakahara đã chứng kiến những lý lẽ và luận điểm viện kiểm sát sử dụng trong các phiên phúc thẩm, có lẽ họ đã dùng hết mọi thứ có thể rồi, khó còn lại quân bài chiến lược nào mới.
"Anh này, mình sẽ chết thế nào nhỉ?" Sayoko ngước nhìn chồng.
"Chết để phản đối cái gì đó, từ xưa đến nay đã có thông lệ rồi." Nakahara nói. "Tự thiêu. Em không biết bài hát Nếu là Francine à?"
"Em không biết... Ừ, có khi chết thế lại hay."
Mình đi thôi, hai người rảo bước vào sảnh.
Quyết tâm của hai vợ chồng rút cục cũng được đền đáp. Sau những lý luận dài dòng là lời tuyên án: "Tuyên bố, hủy bỏ phán quyết phiên tòa sơ thẩm. Xử phạt bị cáo hình phạt mức án tử hình."
Nakahara nắm chặt bàn tay Sayoko đứng bên cạnh. Cô cũng nắm lại tay chồng mình.
Trong suốt phiên tòa, bị cáo Hirukawa không ngừng đung đưa cơ thể, nhưng khi lời tuyên án được đọc lên, cử động cơ thể của hắn ngay lập tức dừng lại. Sau đấy, hắn hướng chủ tọa hơi cúi đầu, không hề quay về phía vợ chồng Nakahara. Hắn bị đeo còng tay và dây thừng buộc quanh thắt lưng, giải đi khỏi tòa.
Đó là lần cuối cùng Nakahara nhìn thấy Hirukawa. Hôm sau, bên phía luật sư đã đệ đơn kháng án, nhưng chính bản thân Hirukawa xin rút lại, với lý do "Phiền phức lắm rồi". Chuyện này anh biết được nhờ một phóng viên phụ trách vụ án nói lại.
Nakahara đóng cuốn album lại, để nó về chỗ cũ trên giá sách. Khi làm thủ tục ly hôn, anh và Sayoko đã chia nhau từng tấm ảnh, nhưng rút cục anh cũng chẳng đụng đến chúng là mấy. Bởi chúng sẽ khiến anh nhớ lại vụ án đó. Vậy mà mọi chuyện cũng chẳng khá hơn. Chưa có một ngày nào anh không nghĩ đến vụ án đó, và có lẽ sau này cũng vậy.
"Cứ nhìn anh Michi em lại thấy khốn khổ," hai tháng sau khi Hirukawa bị xử tử, Sayoko đã nói vậy. Lúc đó hai vợ chồng họ đang cùng nhau ăn cơm tối. Cô ngước nhìn anh, gọi một tiếng anh Michi. Trước đây, khi có Manami, cô vẫn gọi anh là bố nó.
"Em xin lỗi," trên tay cô vẫn cầm đũa, miệng cong lên bất lực. "Tự dưng bị nói vậy, chắc anh khó chịu lắm nhỉ."
Nakahara dừng đũa nhìn vợ mình. Anh không hề cảm thấy khó chịu.
"Anh hiểu ý em. Anh cũng vậy."
"Anh Michi cũng cảm thấy giống em sao?" Ánh mắt cô buồn man mác. "Anh cũng thấy khốn khổ khi nhìn em?"
"Ừ, có lẽ là khốn khổ." Anh đặt tay lên khu vực xương ức trên người. "Như ở chỗ này có cái gì đó đè nén, đôi lúc đau nhói lên."
"Vậy à. Quả nhiên mà."
"Sayoko cũng vậy sao?"
"Vâng, kiểu kiểu như thế. Có lẽ vậy. Cứ ở bên anh Michi là em lại nhớ đến lúc mình còn hạnh phúc. Lúc ấy có anh Michi, có bé Manami..." Cô khóc.
"Đâu phải em không được phép nhớ lại. Những kỷ niệm đó là bảo vật mà."
"Em biết chứ. Nhưng đau lắm anh ạ. Em từng nghĩ giá tất cả chỉ là mơ thôi. Giá mà vụ án chỉ là một cơn ác mộng, nhưng bây giờ Manami không ở bên em, vì thế không thể chỉ là ác mộng được. Vậy nên, nếu vốn dĩ không có Manami, nếu chuyện em mang thai rồi có Manami chỉ là một giấc mơ mà em phải tỉnh lại, thì sẽ nhẹ nhõm hơn bao nhiêu."
Nakahara gật đầu đáp, "Anh hiểu."
Từ ngày hôm đó về sau, họ thường xuyên nói về chuyện này.
Họ đã hi vọng, sau khi án tử được thi hành, vụ án kết thúc, cảm xúc trong họ sẽ có chuyển biến gì đó. Chẳng hạn như quên đi sự việc, hay tìm ra lối thoát. Hoang đường hơn, họ thậm chí tưởng tượng chính mình có thể sinh ra một lần nữa.
Thế nhưng, thực tế là chẳng có gì thay đổi. Thậm chí chỉ có cảm giác mất mát ngày một lớn dần. Họ đã sống với mục đích khiến hung thủ phải chịu án tử hình, rồi sau khi đạt được mục đích đó họ không biết giờ đây mình nên sống vì cái gì.
Lẽ đương nhiên là dù Hirukawa có bị tử hình thì Manami cũng không sống lại được. Tất cả chỉ là vụ án kết thúc bằng cái kết tử hình. Nakahara đau đớn nhận ra cuối cùng anh và vợ cũng chẳng có trong tay được gì.
Anh không muốn quên Manami. Nhưng những ký ức đau khổ cứ từng chút từng chút hiện ra, anh lại ước giá mà con bé để lại cho mình ký ức vui vẻ nào đó. Tiếng khóc bi kịch ngày hôm ấy qua điện thoại vẫn vang lên trong đầu anh.
Chắc chắn Sayoko cũng vậy. Có lẽ cô cũng nhớ lại hình ảnh chồng mình đã khóc như thế nào.
Vụ án ấy không chỉ cướp Manami khỏi họ, mà còn lấy đi nhiều thứ khác. Căn nhà anh vất vả tiết kiệm mua được cũng đã bán đi trong quá trình xét xử. Sayoko nói nếu sống trong căn nhà đó cô sẽ không chịu nổi. Anh cũng vậy. Các mối quan hệ của anh cũng trở nên gượng gạo. Mọi người xung quanh giữ ý không tiếp xúc thân mật với gia đình anh. Công việc của anh cũng thay đổi, bởi anh đã không thể tiếp tục sáng tạo ra cái gì nổi nữa. Nhưng quan trọng hơn là cả anh và Sayoko đã không còn được nhìn thấy nụ cười hạnh phúc từ tâm can của đối phương nữa.
Sayoko nói, cô muốn chuyển về nhà ngoại sống một thời gian. Nhà ba mẹ đẻ cô ở Fujisawa thuộc tỉnh Kanagawa, khi Manami còn sống gia đình họ thường về đó chơi vào mùa hè, bởi nơi đó gần biển.
Cũng tốt, Nakahara đồng tình.
"Có khi em sẽ cảm thấy tinh thần dễ chịu hơn. Mình cũng làm ba mẹ phiền não một thời gian dài rồi. Em nên tranh thủ nghỉ ngơi đi."
"Vâng... anh Michi thì sao?"
"Anh ư? Anh làm gì bây giờ nhỉ?"
Đó là mẩu đối thoại thật lạ lùng. Câu chuyện chỉ đơn giản là vợ anh về nhà ngoại, vậy mà lại chuyển sang đề tài cuộc sống sau này của anh. Bây giờ nghĩ lại, có lẽ ngay từ lúc đấy, giữa hai người đã có một sự ngầm hiểu, bọn họ đến đây là kết thúc.
Hai tháng kể từ khi Sayoko về nhà ngoại, vợ chồng họ không hề gặp nhau. Họ vẫn liên lạc bằng điện thoại và thư điện tử, nhưng những liên lạc đó cũng ít dần đi. Sau hai tuần không có liên lạc gì, anh nhận được thư điện tử từ Sayoko, "Mình gặp nhau được không anh?"
Họ hẹn nhau ở một quán cà phê gần công ty Nakahara. Cũng đã quá lâu rồi hai người mới lại cùng nhau bước vào quán đó.
Dường như Sayoko đã khỏe và tươi tắn lên nhiều. Trước đây cô luôn cúi gằm mặt nhưng bây giờ cô đã có thể ngước nhìn Nakahara và nói chuyện.
"Em định đi làm lại." Cô nói quả quyết. "Em vẫn chưa tìm được việc, nhưng nói chung em sẽ đi làm lại. Em muốn có một sự khởi đầu mới."
Anh khẽ gật đầu. Anh ủng hộ em, Nakahara nói. Sayoko vốn giỏi tiếng Anh, cô cũng có nhiều chứng chỉ, lại vẫn còn trẻ, chắc chắn sẽ tìm được việc thôi. Cô vốn dự định khi nào Manami vào năm cuối tiểu học sẽ đi làm lại.
"Nhưng anh ạ," vẻ mặt cô thoáng gợn mây. "Em nghĩ mình cần phải ở một mình."
"Một mình?" Anh nhìn vợ, tưởng như vừa nghe nhầm một lời nói dối nào đó.
"Vâng, một mình em." Sayoko hơi hướng cằm ra phía trước, đây chính là nét mặt khi cô quyết tâm làm gì đó.
"Chuyện đó, nghĩa là, em muốn chúng ta chia tay?"
"Vâng, đúng vậy."
Nakahara không tìm được từ ngữ thích hợp đáp lại cô. Câu chuyện tưởng như bất ngờ, nhưng thực ra lại là điều anh đã mơ hồ dự đoán được từ trước.
"Em xin lỗi," Sayoko lên tiếng.
"Hai tháng nay mình vẫn liên lạc với nhau anh nhỉ, dù là qua điện thoại và thư điện tử."
"Ừ, nhưng sao?"
"Em nhận ra một chuyện. Em sợ phải nhận điện thoại từ anh Michi."
"Sợ? Tại sao?"
Hai đuôi mắt cô nhíu lại, vẻ đau khổ.
"Em cũng không biết phải nói sao, nhưng em luôn lo lắng không biết mình nên nói gì với anh qua điện thoại, hay nghĩ xem nên trả lời thư điện tử cho anh như thế nào,... tim em cứ không ngừng đập liên hồi. Nhưng em mong anh đừng hiểu lầm, không phải em ghét anh Michi hay thế nào đâu. Chỉ riêng điều này xin anh hãy tin em."
Nakahara im lặng khoanh tay trước ngực. Anh hiểu những gì cô muốn nói. Chính bản thân anh mỗi khi liên lạc với cô qua điện thoại hay thư từ đều cảm thấy nhói đau nơi lồng ngực.
"Thực ra, chỉ ly thân thôi cũng được nhưng..." Sayoko nói.
Những lời này của cô khiến Nakahara tỉnh táo lại. Anh nhận ra mình đã quên mất một thứ rất quan trọng.
Đó là cuộc đời của cô từ nay về sau. Cô vẫn còn trẻ, vẫn còn có thể có con. Nhưng có lẽ cô không thể có con với anh nữa. Hai vợ chồng họ đã lâu không quan hệ. Đúng ra là họ không thể. Cũng có người sau khi mất đi đứa con bé bỏng, họ vẫn nhanh chóng vượt qua nỗi đau và có thêm những đứa trẻ khác. Nhưng anh không phải là họ. Thậm chí anh từng nghĩ mình không còn muốn có con nữa.
Nhưng, anh không thể liên lụy đến cả Sayoko. Anh không được phép tước đi quyền được làm mẹ một lần nữa của cô.
"Em cho anh thời gian suy nghĩ nhé. Anh sẽ cho em câu trả lời sớm nhất có thể." Nakahara đã nói với cô như vậy. Có lẽ ngay thời điểm đó trong anh cũng đã có câu trả lời.