Chương 4.2
Ta đặt hộp canh xuống đất, khẽ nói: “Bẩm Thái hậu nương nương, đến giờ dùng canh rồi.”
Thái hậu nghe có tiếng người, bèn dừng tay gõ, nói: “Đến giờ uống canh rồi sao? Canh dưỡng thần của Ty Thiện Phòng các ngươi càng lúc càng công hiệu, đêm nào ai gia không dùng, đêm ấy khó lòng ngon giấc.”
Ta cung kính đáp: “Bẩm nương nương, canh lần này được nấu theo phương thức đặc biệt do chính tay Khổng Thượng Cung bốc, dùng để trị chứng tim đập nhanh của nương nương.”
Thái hậu nghe xong liền đứng dậy.
Ta nhanh chân bước lên dìu, hai mí mắt nặng trĩu của Thái hậu đột ngột nâng lên, đôi con ngươi liếc qua như xẹt điện, nói: “Ai gia sao dám để nương nương nhọc công đến đây hầu hạ?”
Nghe thế, lòng ta mừng thầm, người đàn bà này nào đã triệt tiêu hoàn toàn ý muốn tranh đấu? Nếu lòng bà thật sự nguội lạnh, sẽ không cảnh giác tới mức như vậy. Thái hậu nắm khư khư tay ta không chịu buông ra. Ta khẽ than một tiếng, gương mặt thoáng hiện vẻ đau đớn nói: “Thái hậu nương nương, nô tỳ…”
Thượng Quan Thái hậu thả ta ra, vô ý liếc nhìn vết sưng đỏ trên cổ tay ta một cái, nói: “Chỗ ai gia có chuẩn bị dư một chiếc chén, ngươi đã đến đây, chi bằng cùng ai gia uống canh dưỡng thần?”
Ta nào dám từ chối, đành chầm chậm dìu Thái hậu ngồi xuống bàn gỗ đàn hương.
Ta bưng hộp đựng lên bàn, mở lấy canh ra, lại cầm hai chiếc bát men sứ hoa xanh từ tủ lên, cẩn thận múc ra một bát, dâng tới trước mặt Thái hậu.
Ta biết rõ trong lòng Thái hậu còn hoài nghi mình, những người thuộc phe cánh Thái hậu tham gia cuộc chính biến lần đó, ngoại trừ ta ra, tất cả đều bị tân đế trừ khử sạch. Nhà ngoại Thái hậu tuy thế lực vẫn mạnh, nhưng tân đế cố ý ngăn chặn liên lạc trong ngoài cung, nước xa không thể cứu được lửa gần. Hiện nay bà rất cần một tâm phúc, nhưng bởi ta là kẻ duy nhất được tân đế tha chết, cho nên Thái hậu càng nặng lòng nghi ngờ.
Thấy ta đã nhấp một ngụm, Thái hậu mới chậm rãi dùng thìa bạc được làm riêng múc canh đưa lên miệng. Bà nhắm hờ đôi mắt, nhâm nhi vị canh một lát rồi nói: “Hôm nay ngươi tới, ắt có việc muốn cầu đến ai gia, nhưng giờ đây ai gia khó giữ lấy mình, cố nhân chẳng mấy ai thèm qua lại. Nói đi, ngươi muốn xin ta điều gì?”
Gương mặt ta thoáng nét buồn rầu, quỳ xuống nói: “Nô tỳ chỉ là phận tôi đòi hèn mọn, nhờ ơn Thái hậu nương nương trước kia luôn chiếu cố, mới có ngày hôm nay. Nô tỳ nhớ người bị bệnh tim đập nhanh, thời còn làm Thượng Cung, nô tỳ có biết một phương thuốc chuyên trị bệnh tim rất công hiệu, lúc ấy đã định dâng lên nương nương, nhưng biến cố đột ngột xảy ra, ai nấy đều trở tay không kịp… Nô tỳ nhớ hằng năm cứ đến dịp này là bệnh tim của người lại tái phát, nên mới mạo hiểm cải trang thành cung nữ, mang canh vào thăm Thái hậu.”
Chiếc hũ sành đựng canh thuốc nắm im lìm trên bàn gỗ tử đàn. Chỗ canh này dùng nguyên liệu vừa đủ, ta đã tốn không ít công sức mới nấu thành. Nhiều năm làm việc trong Thượng Cung cục đã khiến ta hình thành thói quen: Cho dù chủ nhân món đồ hay món ăn ta sắp làm ra có là ai, giữa ta và người đó ân oán sâu tới đâu, thì món đồ hay món ăn làm ra nhất định phải là cực phẩm, không được phép có chút xíu tỳ vết. Ta hiểu rõ ràng, tất cả những gì mình có chẳng qua chỉ là chút ít tài nghệ này, do vậy không thể để ai tìm ra nửa phần sai sót. Cần đấu đá thắng thua là người trong cung, chứ không phải đồ vật hay món ăn.
Thái hậu khẽ thở dài nói: “Mấy ngày nay, Thượng Cung cục không còn những vật dụng món ăn ngươi chế tác, không được ngươi tận tay chăm sóc, ta quả tình có chút không quen. Thứ quý giá nhất của ngươi là đôi bàn tay, đừng bao giờ để người khác làm hại đến đôi tay mình.”
Nói xong, bà lại lấy muỗng bạc múc một ít canh lên miệng. Tuy ngoài mặt Thái hậu không thể hiện ra, nhưng ta biết, bà rất hài lòng với món canh này, hơn nữa đã để ý đến vết thương trên cổ tay của ta. Có điều chỉ như vậy vẫn chưa đủ làm Thái hậu động lòng. Bà cai quản hậu cung bao nhiêu năm, biết bao phi tần dùng thủ đoạn hòng lấy lòng bà còn không được, có chuyện gì Thái hậu chưa từng gặp?
Ta không dám để lộ vẻ bất an trong lòng, chỉ miễn cưỡng nói: “Bẩm Thái hậu, nô tỳ thân phận hèn mọn, nếu đôi tay này có bị người ta phế đi, cũng chỉ dám trách trời xanh làm khó.”
Bỗng “keng” một tiếng, muỗng bạc bị lẳng vào bát, bát canh thuốc màu vàng tươi sánh ra ngoài, Thái hậu tiện tay hất canh ra bàn, lạnh lùng hỏi: “Nếu đó là ý trời, ngươi còn đến đây làm gì?”
Ta cuống cuồng quỳ xuống đất, đầu gối đập mạnh vào mặt sàn lát gỗ đau nhức nhối, nhưng cứ mặc kệ, dập đầu lia lịa nói: “Thái hậu nương nương, nô tỳ ngu dốt, nô tỳ nói sai rồi, thân thể Thái hậu là vàng là ngọc, xin chớ tức giận mà làm tổn hao đến mình.”
Đầu dán xuống nền gỗ lạnh ngắt, ta ngửi thấy mùi tử đàn thoang thoảng, bèn đảo mắt một lượt, chỉ nhìn thấy một góc trường bào bằng gấm in hoa văn non nước rủ trên mặt đất. Thái hậu xuất thân cao quý, từ nhỏ chưa từng chạm vào những vật dụng hay y phục làm từ vải bông bình thường. Thời còn làm Thượng Cung ta đã tìm tòi nghiên cứu ra các loại gấm dệt từ sợi tơ tằm này, chất vải không phai màu có hoa văn đẹp đẽ tự nhiên, hoặc rõ hoặc ẩn, từng khiến Thái hậu thích thú khôn tả. Có điều ta hiểu rõ, người sống trong cung vốn quen nhìn thấy của ngon vật lạ, chỉ cần có thứ nào mới mẻ hơn, thì lập tức quên ngay món đồ đang có trong tay. Thái hậu đến giờ vẫn còn mặc chiếc áo này, có lẽ vì nó mềm mại thoải mái, lại không bị nhàu, hoặc giả là nhờ ta hiểu của hiếm của quý, sau khi cho người dệt ra tấm vải này, chỉ may đúng hai bộ y phục dâng lên Thái hậu, rồi đuổi người dệt vải đi. Từ đó Thượng Cung cục không còn loại gấm này nữa, mặc trên người chiếc áo quý giá như vậy, Thái hậu lẽ nào không vui mừng, các phi tần khác nhìn thấy sao không ngưỡng mộ?
Cảm giác thỏa mãn vì hơn được người khác vốn chỉ là cảm giác, nhưng ta, lại biết tạo ra cái cảm giác ấy.
Chi tiết phương pháp chế tạo, được ghi cả trong cuốn bí kíp Thượng Cung, đều in sâu trong đầu ta. Chỉ có ta mới đủ khả năng tái tạo lại vật đó lần nữa.
Chính thế mà Khổng Văn Trân mới thèm khát cuốn bí kíp kia đến thế.
Còn ta, chỉ mong Thái hậu nhớ ra một chút sự hữu dụng của mình là đủ.
Bóng chiếc ngọc xanh chạm vân mây đổ dài trên mặt sàn, dưới ánh nến phập phù một hình thù lạ lùng đang nhảy điệu vũ kỳ quái, Thái hậu khẽ thở dài nói: “Đứng dậy đi!”
Ta vội đứng dậy, không dám chạm tay sờ thử chỗ đau ở đầu gối, bước ngay mấy bước đến gần Thái hậu: “Thái hậu nương nương, người uống thêm canh nhé?”
Thái hậu khẽ gật đầu, ta bèn cẩn thận múc thêm một bát canh dâng lên. Hôm nay vì hóa trang thành cung nữ ở Thượng Cung cục, ta chỉ búi một kiểu tóc đơn giản, tên gọi là Thùy La Kế[2], sau đầu cài thêm trâm ngọc phỉ thúy, đính một tua vải màu xanh nhạt rủ xuống, vừa vặn che đi vết thương trên đầu. Trong lúc tay múc canh, ta vô ý làm động đến vết thương, chỗ bị rách da vẫn chưa liền, lập tức đau buốt như róc thịt. Bàn tay run lên, khiến bát canh sánh một ít ra ngoài, ta hơi cau mày, rồi coi như không có chuyện gì xảy ra, hai tay nắm chiếc bát thật chặt, lại múc tiếp.
[2]. Tóc búi xoắn lại hình trôn ốc.
Thái hậu đón lấy bát canh, khẽ uống một hớp, liếc nhìn chiếc trâm ngọc trên đầu ta, thuận miệng bảo: “Trước đây ngươi làm Thượng Cung, đối với bản thân hay việc chế tác vật phẩm đều vô cùng kỹ lưỡng tỉ mỉ. Hôm nay ngươi hóa trang thành cung nữ đến gặp ta, đáng lẽ phải chú ý phục sức, đã chải Thùy La Kế thì đừng dùng trâm phỉ thúy, dễ khiến người ta chú ý.”
Ta hơi nhún eo xuống, đáp: “Chỉ vì đêm khuya người vắng, lại lo dến trễ giờ không gặp được Thái hậu, nên nô tỳ lấy nhầm trâm, thật không ngờ Thái hậu lại tinh tường đến vậy…”
Thái hậu hơi mỉm cười, không nói gì thêm.
Ta rời khỏi cung Trường Tín đúng lúc trống canh điểm ba hồi, ngoảnh lại nhìn, chỉ thấy bức tượng linh thú nằm trên chóp mái cung điện dưới ánh trăng sáng rực một bề, tĩnh mịch mà tráng lệ.
Ta bỏ cây trâm ngọc trên đầu xuống, khẽ mỉm cười. Nếu Thái hậu đã phát giác vết thương trên đầu ta, chắc chắn sẽ phái người điều tra vì sao lại như vậy. Từng lần từng lần tân đế giày vò ta đều đến tai Thái hậu, bà ta liệu có tận dụng điểm này mưu lợi? Thấy tân đế đối xử tệ với ta, liệu bà còn tín nhiệm ta lần nữa?
Hạ Hầu Thần có thể cắt đứt đường dây tin tức của Thái hậu từ trong cung ra bên ngoài, nhưng ta tin, hắn không thể khống chế được mạng lưới thông tin trong cung của bà. Bởi hắn chỉ mới thanh tẩy Trường Tín cung bé nhỏ, còn những tay chân khác của Thái hậu ẩn núp khắp nơi trong cung, vẫn sẽ tiếp tục nghe lệnh bà. Ta thừa hiểu thủ đoạn của Thái hậu, phàm là những kẻ cúc cung cống hiến, chẳng ai không bị nắm lấy một hai điểm yếu, có như vậy họ mới liều chết trung thành. Tân đế nhất thời nhân từ để lại đám người này, sẽ là hậu họa vô cùng.
Hạ Hầu Thần ơi Hạ Hầu Thần, ngài sao ngờ được, đến cả những hành động giày vò ngài ban cho ta, ta cũng mang ra lợi dụng?
Mong rằng cây trâm vô duyên này, có thể mang đến vận may.
Ta lặng lẽ trở về Lan Nhược hiên, đang bước qua cửa vào vườn, gặp ngay Tố Khiết tiễn một tên thái giám đi ra. Ta nhận ra, đây là tên tiểu thái giám chuyên trách loan gọi thường đi cùng Khang Đại Vi. Kinh ngạc, ta vội núp vào mé tường đợi hắn đi xa rồi, mới khẽ khàng bước vào. Vừa đặt chân vào vườn, đã thấy Tố Khiết sốt ruột đi đi lại lại: “Nương nương đi đâu thế nhỉ, lỡ mà Hoàng thượng biết được…”
Tố Hoàn chẳng để ý đến nó, chỉ lạnh lùng bảo: “Nương nương đi đâu, không đến phận nô tỳ chúng ta quản.”
Tố Khiết cả giận: “Tôi thừa biết, cô đã sớm đút bạc cho Tổng quản, muốn được điều đến cung Chiêu Thuần…thật là bạc bẽo…”
Tố Hoàn lãnh đạm đáp: “Người trong cung có ai không muốn tiến thân, tôi mà vào được cung Chiêu Thuần, có khi nương nương còn thấy thích thú.”
Trong lòng ta thầm tán thưởng, Tố Hoàn quả nhiên hiểu sâu sắc đạo lý sinh tồn trong cung. Không sai, là người phải biết cầu tiến, trèo được càng cao, thì càng nâng lên giá trị bản thân. Có lẽ ta còn nên nghĩ cách giúp nó hoàn thành tâm nguyện này?
Ta bước vào vườn, coi như không biết cuộc cãi vã giữa hai người, hỏi: “Tối nay có ai đến đây không?”
Tố Khiết bước tới dìu ta vào, nói: “Nương nươg làm nô tỳ sốt ruột chết mất, ban nãy Tiểu Thuận Tử bên Khang Tổng quản dâng thuốc đến, còn bảo là do Hoàng thượng dặn dò. Tiểu Thuận Tử nói khi nào gội đầu, hãy dùng nước ấm rửa sạch vết thương, rồi thoa thuốc lên, sẽ mau khỏi lắm.”
Mấy ngày trước Sư Viên Viên hái hoa trong vườn, bị gai đâm vào ngón tay, đúng lúc Hoàng thượng đi qua, bèn gọi ngự y đến thăm khám. Chuyện ầm ĩ đến độ trong cung chẳng ai không biết. Còn ta bị thương ở đầu, hắn chỉ cho một tên thái giám lén lén lút lút mang thuốc sang. Hoàng thượng sợ ta chết ở Lan Nhược hiên này, sẽ chẳng còn ai để đùa bỡn nữa ư?
Loại cao bôi này trong suốt, thơm mùi thảo dược, đựng trong chiếc hộp sắt màu xanh lam, hình tròn viền chạm hoa lan. Chiếc hộp này không rõ do vị Thượng Cung đời thứ bao nhiêu chế tác, thủ công vô cùng tinh xảo, kiểu dáng độc đáo, ta chưa từng nhìn thấy bao giờ. Hóa ra những bảo vật trong hoàng cung dù ta biết nhiều cũng chưa thể biết hết được.
Tố Khiết Tố Hoàn giúp ta gội đầu, máu hòa theo nước trôi xuống không ít. Tố Khiết rơm rớm nước mắt, Tố Hoàn lại dửng dưng như không, lấy cao bôi lên một lát, máu lập tức ngừng chảy.
Loại cao này bôi vào mát lạnh, từng cơn đau buốt như róc da róc thịt dần bị đẩy lùi, đêm ấy ta yên lành ngủ được một giấc sâu.
Mấy ngày tiếp theo, cứ đến nửa đêm là ta lại lén vào cung Trường Tín bái yết Thái hậu đang tụng kinh niệm phật, dưới sự phối hợp của Khổng Văn Trân, mỗi ngày ta đều mang đến một thứ thích hợp cho Thái hậu, Khổng Văn Trân thấy ta nấu canh hay thêu áo tài nghệ đều thâm sâu khó dò, tinh xảo tuyệt mỹ, lòng hâm mộ vô cùng, lại càng không dám từ chối yêu cầu của ta, tận tâm tận lực giúp đỡ để ta mang tới được cho Thái hậu nương nương. Cả ta và Thái hậu đều không nhắc đến những giày vò mà tân đế dành cho ta, có điều thái độ của bà với ta dần hòa hoãn. Trộm nghĩ, đây là một bước tiến đáng kể.
Bản triều từ lâu đã bãi bỏ nghi lễ thỉnh an mỗi ngày của các phi tần với Hoàng hậu, đổi thành mỗi tháng các phi tần gặp nhau một lần. Các phi tần khác thấy Thời Hoàng hậu nắm quyền cai quản hậu cung, thế lực ngày một lớn, ai nấy đều chăm chỉ qua lại cung Chiêu Thuần, chỉ có ta chưa bao giờ đến, trừ khi được triệu vào, hoặc trong những nghi lễ thỉnh an bắt buộc, mới chịu xuất hiện ở chỗ Hoàng hậu.
Ta thầm nghĩ, việc mình làm có lẽ đã truyền đến tai Thái hậu rồi? Tân đế đăng cơ, Nhị Hoàng tử bị phong làm Tín vương, điều đi đất phong, nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ của các phiên vương. Vì muốn tạo tiếng hiền đức, nên tân đế chưa có hành động gì. Triều chính bị phe Thái hậu làm lũng đoạn bao nhiêu năm nay, có lẽ nhất thời hắn chưa tìm ra cách trừ diệt?
Triều đình hiện nay có vẻ sóng yên bể lặng, không đến nỗi gió tanh mưa máu như ngày đầu Võ Đế lên ngôi, nhưng những giao tranh ngấm ngầm e rằng còn kịch liệt bội phần.
Mấy ngày nay trời trong gió mát, vết thương trên đầu ta dần dần lành lại, nghĩ đến chuyện mình sắp chạm tới mục tiêu, không khỏi khấp khởi vui mừng. Từ lần ân sủng trước, vẫn chưa thấy Hạ Hầu Thần tiếp tục truyền gọi, có lẽ sau khi giải tỏa được nỗi bực dọc trong lòng, hắn không còn nhớ gì đến ta nữa. Như vậy càng hay. Dựa theo kế hoạch đã vạch ra, cùng lắm một hai tháng nữa, ta sẽ tìm ra lối thoát khác cho mình.
Ta lười biếng nằm dài trên giường, ngước mắt ngắm bức trướng gấm Vân Nam trên đầu, một ngọn gió thổi qua, viên ngọc phỉ thúy treo lơ lửng ở dây buộc liền reo lên leng keng.
Ngoài cửa sổ trăng chênh chếch chiếu rọi bốn bề.
Tố Khiết nhẹ nhàng bước vào, khom người, đứng ngoài trướng thì thầm: “Nương nương, người đã dậy chưa?”
Ta từ tốn ngồi lên, nói: “Hôm nay là ngày thỉnh an Hoàng hậu phải không?”
Tố Khiết gật đầu: “Cứ đến ngày này canh tư nương nương đã dậy trang điểm sửa soạn, hôm nay có lẽ hơi muộn.”
Ta vén bức trướng lên, uể oải đứng dậy, nói: “Không đâu, ta không phải là người cuối cùng đến đó hôm nay.”
Lần nào các phi tần tề tựu ở cung Chiêu Thuần, Sư Viên Viên cũng là người cuối cùng đến, sớm khiến chúng phi bất mãn, vậy mà nàng ta vẫn chứng nào tật nấy quả khiến ta bội phục.
“Nương nương, hôm nay chải kiểu búi tóc ngược nhé, cài thêm chiếc trâm phượng bằng ngọc tím dát vàng này, phối với áo the thêu hình hoa sen đang nở, vừa phô bày vóc dáng yểu điệu của nương nương, lại không quá nổi bật.”