Chương 15.2

Giờ mão ba khắc, có tiếng mở cửa sắt văng vẳng vọng vào. Túc nương căng thẳng nhìn sang, ta cầm tách trà trên bàn lên nhấp một ngụm, chợt nghe có tiếng rầm rập loảng xoảng càng lúc càng gần, vẻ như tiếng vỏ kiếm đụng vào giáp sắt xen lẫn tiếng bước chân.

Đoàn quân khí thế bức người xâm chiếm nhà ngục, không một ai dám lên tiếng ngăn cản, bởi có ai đó đã lên tiếng: “Phượng ý chỉ của Hoàng hậu nương nương, giao cho Tín vương thẩm vấn Ninh Vũ Nhu, không ai được phép cản trở.”

Đám binh lính này hành quân vội vã, giáp mũ chạm phải song sắt phát ra âm thanh rin rít ghê răng. Phòng giam trống trải vang vọng tiếng bước chân, ngọn nến ngày đêm luôn thắp sáng giờ xôn xao lay động, phản chiếu lên bức tường loang lổ những hình thù dữ tợn, ghê sợ.

Túc nương định hỏi ta rốt cuộc xảy ra chuyện gì, chợt nhớ lời hứa hôm trước, bèn ngậm miệng không nói gì.

Đoàn người nhanh như chớp đổ bộ vào phòng giam, cánh cửa sắt bị mở tung, giữa đám đông một người thân mang giáp nhẹ màu bạc, eo gài bảo kiếm, đầu đội giáp bạc, chính là phục sức của một vị phiên vương, những người xung quanh có lẽ là thủ hạ của ông ta.

Tay Tín vương cầm một thẻ giấy ngọc, chính là thứ Hoàng hậu ngày thường dùng để hạ chỉ. Y bước vào lồng sắt, những kẻ khác bèn vây lấy bốn phía, dĩ nhiên Túc nương bị ép ra khỏi phòng.

“Truyền ý chỉ của Hoàng hậu, Ninh Chiêu Hoa lập tức nhập cung…”

Ta quỳ xuống nhận chỉ, chờ y thu hồi cuộn giấy, mới đứng lên hỏi: “Mẫu thân của bản phi có phải đang ở chỗ các người không?”

Tay trái Tín vương đặt lên vỏ kiếm gài trước eo, nhìn ta lạnh lùng cười nhạt: “Ninh Chiêu Hoa phạm tội lớn như vậy, mà còn định mưu toan thoát thân? Ngươi không biết mẫu thân ngươi sớm đã khai nhận mọi chuyện, chỉ cần dẫn ngươi ra trước mặt Hoàng thượng đối chất, dù Hoàng thượng có lòng thiên vị sợ rằng cũng không giữ được tính mạng cho ngươi đâu.”

Ta thối lui mấy bước, người lảo đảo đứng không vững, nói: “Không thể nào, chắc chắn là các ngươi dùng nhục hình ép cung, mẫu thân ta chịu không nổi đau đớn mới phải khai khống.”

Tín vương sống lâu nơi biên ải, rất có khí chất của tướng lĩnh, thản nhiên nói tiếp: “Dĩ nhiên ngươi không nói với bà ta. Ngươi nhờ bà ta thêu túi hương để làm gì? Mẫu thân ngươi vì không hay biết gì nên mới khai ra tất cả. Bà ta còn tưởng làm thế có thể giúp ngươi thoát tội. Mai ngũ sắc có tác dụng xua đuổi côn trùng nhưng lại hơi độc, nghe nói sẽ khiến người ta mắc chứng tiêu chảy cấp tính… Bản vương nói vậy, ngươi đã rõ ràng cả chưa?”

Mặt ta xám như tro, nhìn Tín vương trân trối: “Nghe nói vương gia ở vùng biên cương phía đông nam ngày ngày trị quân nghiêm mật, rất được quân dân yêu mến, chắc sẽ không làm khó một bà quả phụ vô tri chứ?”

Tín vương lạnh lùng đáp: “Bản vương là hạng người gì, há lại làm như vậy? Mẫu thân ngươi giờ đang nghỉ ngơi trong cung, do muội muội ngươi chăm nom, ngươi còn gì chưa yên lòng nữa?”

Ta bèn gật gật đầu, y vẫy tay định phái người tiến tới trói lại áp tải đi, ta nói: “Vương gia việc gì phải lo sợ, bản phi trói gà không chặt, cứ để ta tự theo các người đi là được rồi.”

Tín vương hơi do dự, rồi cho đám quân lui ra.

Ta bước đến cạnh giường, như định với lấy cái áo bông vắt ở đó, bỗng dưng rút từ dưới chăn ra một con dao nhỏ sáng quắc, kề cổ họng, nhìn quanh một vòng, bắt gặp ánh mắt sắc lạnh của Tín vương, ta nói: “Vương gia, thần thiếp đã phạm tội lớn thế này, chẳng mặt mũi nào gặp Hoàng thượng, xin ngài chuyển lời với Hoàng thượng rằng, thần thiếp đa tạ hậu ân.”

Trong ngục những tiếng hô hoán vang lên không ngớt, ta thấy Túc nương đang luống cuống tìm cách ra ngoài, mấy lần đẩy đám thị vệ chen ra cửa mà không được.

Tín vương dù sống trong quân ngũ, đối diện với binh đao lửa đạn đã quen mà nhất thời cũng không biết làm sao, chỉ nhắc đi nhắc lại mỗi một câu: “Nương nương, sự việc chưa được làm rõ, người việc gì phải vậy?”

Ta nói với Tín vương: “Tín vương, chứng cứ đã rành rành như thế, thần thiếp còn lời nào để nói nữa.”

Con dao này đã được giấu trong chiếc bánh còn lại, một cái khóa trường mệnh đã khiến Túc nương mất ăn mất ngủ, quên bẵng việc tra xét cái bánh kia.

Dao đôi khi không cần lớn, chỉ cần bén nhọn là đủ.

Ta khẽ lắc cổ tay, cảm thấy một thứ chất lỏng nóng hổi từ cổ chảy xuống, có lẽ sắc đỏ tươi đã nhuộm đẫm áo quần. Trần nhà dần mơ hồ trong tầm mắt, chỉ nghe Túc nương gào lớn: “Mau gọi ngự y, nương nương, người không được chết! Hỏng rồi, không thấy mạch đâu nữa…”

Ý niệm cuối cùng còn lại trong tim ta chính là, mong mọi chuyện tiến hành thuận lợi.

Cứ thế mê man không biết bao lâu, đến một ngày, ta nghe thấy bên tai có tiếng gọi: “Con ơi! Sao nó vẫn chưa tỉnh, đáng lẽ phải tỉnh rồi chứ?”

Đó là giọng mẫu thân. Một niềm vui sướng tột độ bất giác len lỏi vào cái đầu còn đang u mê của ta: Thành công rồi sao?

Ta cố gắng mở mắt ra, gương mặt kinh ngạc xen lẫn vui mừng của mẹ hiện ra rõ dần: “Con ơi, con tỉnh rồi! Cuối cùng cũng tỉnh, con ngủ gần bảy ngày rồi đó.”

Ta định nói: Bảy ngày? Vậy hôm nay chẳng đúng ngày chúng ta đã hẹn trước? Nhưng mở miệng ra mới biết giọng mình khản đặc, cổ họng cứ như bị lấp đầy cát thô.

Mẫu thân vội đỡ ta lên: “Con cứ nằm đi đã, vừa dùng loại thuốc hại người như thế, nên tĩnh dưỡng từ từ mới hồi phục được, ta đã cho người băng bó vết thương trên cổ con lại, may mà chỉ bị thương nhẹ thôi.”

Hạ Hầu Thần tưởng rằng Lí Sĩ Nguyên đã phái thủ hạ giỏi nhất của mình canh chừng ta, các vật phẩm đem dâng đến đều kiểm tra nghiêm ngặt, mà không ngờ rằng trong các món đồ ăn mang vào có trộn lẫn thuốc. Hôm nay là cái bánh đường tẩm bạch kỳ[2], ngày mai là phần cơm sáng thêm thuốc tư âm bổ dương, có khi y phục đem đến được hun trầm từ trước, ta chỉ việc đến giờ bữa nào dùng thức ấy, khiến các loại thuốc dần phát huy tác dụng trong cơ thể. Bánh hồ bình thường tẩm vừng trên bề mặt, nhưng hai cái bánh hồ hôm đó mang đến cho ta lại bọc bằng hạt cà độc dược Tây Vực. Túc nương đã không còn đề phòng ta nữa, lại thân thiết đến độ sắp sửa gọi nhau là tỷ muội, vậy mà lại bất ngờ bị ta đâm một nhát trí mạng, cô ta hoàn toàn tuyệt vọng và sợ hãi, ngoài sự an nguy của hai đứa con ra không thể nghĩ thêm bất kỳ điều gì khác, cứ tưởng hai cái bánh hồ chỉ dùng để giấu khóa trường mệnh, từ đó bỏ qua những điểm đáng nghi khác. Kế dương đông kích tây này thời ở Thượng Cung cục ta thường xuyên sử dụng, đánh đâu trúng đó, lần này càng không ngoại lệ.

[2] Tên một vị thuốc trong đông y, có tên khác là thanh dương sâm, bạch bì kỳ có tác dụng bổ khí, lợi tiểu, tiêu độc, khép miệng vết thương, bài mủ.

Hạt cà độc dược chỉ lớn hơn hạt vừng một chút, hình dáng màu sắc cũng tương tự, thường khi dùng làm thuốc phải giã nát rồi mới trộn vào thức ăn, ai ngờ ta lại sai người để nguyên hạt phơi bày trước mắt như vậy?

Loại hạt này có tác dụng khiến người ta mê man, cơ thể rơi vào trạng thái chết giả, lại thêm các thuốc khác, hơi thở của ta nhờ đó ngưng hẳn trong mười mấy phút đồng hồ, đám đông quân lính cản trở tầm nhìn của Túc nương, nhưng đúng lúc đó như vô tình mở ra một con đường, để cô ta xông vào làm chứng việc hơi thở của ta đã đứt đoạn. Tín vương lập tức sai người bế thốc ta ra ngoài, chạy nhanh đến Thái y viện, Túc nương không thể ngăn cản được, ắt sẽ nghĩ đến lời ta căn dặn ngày hôm trước, chờ nửa canh giờ trôi qua mới đi báo cáo với thượng cấp. Cô ta nhất định sẽ làm thế, đúng thời điểm lý tưởng nhất để báo cáo.

Thấm thoát mà đã gần đến Tết, mỗi năm vào thời gian này, người đại diện các tỉnh mang đồ tiến cống ra vào cung không ngớt, đây là dịp bận rộn nhất của Thượng Cung cục trong năm. Mùa xuân, trong cung mở hết yến tiệc này tới yến tiệc khác, những món đồ cần dùng và đồ ăn thức uống rất nhiều, thứ nào cũng tinh xảo đẹp đẽ vô cùng, đều là cống phẩm từ các nơi đổ về.

Nhưng trận tuyết lớn mấy ngày trước làm tắc nghẽn khá nhiều con đường vào kinh, các đoàn thượng cống đa phần bị mắc lại. Hôm nay trời vừa nắng lên, để tránh bị quan nha trách phạt, họ lũ lượt kéo về kinh thành. Trên các ngả đổ vào kinh, đâu đâu cũng là người, bọn trộm cướp cả gan nhân cơ hội ra tay vơ vét, có thể nói là ầm ĩ hỗn độn vô cùng. Từ Tông Nhân Phủ đến Ngự Y Phòng bắt buộc phải đi qua một dải đường cái đông nghịt, đúng lúc ấy có tặc phỉ làm loạn, thời không quá lạ lùng.

Đoàn thuộc hạ của Tín vương tổng cộng chỉ có hơn mười người, làm sao địch lại với đám đông dân chúng xô đẩy như triều dâng? Trong lúc hỗn loạn, chiếc xe ngựa nhỏ chở ta đột nhiên mất tích, chuyện này Tín vương chẳng thể tính toán trước được.

Ta nghĩ lần này đến ông trời cũng giúp ta. Đêm hôm trước trời vừa dừng mưa tuyết, ngày sau thì hửng nắng, tất cả đều diễn tiến y như dự liệu, kế hoạch tiến hành thuận lợi vô cùng. Hoàng hậu theo đúng lời dặn, lệnh cho Tín vương vào ngục đưa ta đi, có điều ta không thể tin tưởng cô ta cùng đám tay chân này được. Ta nói với Hoàng hậu, chỉ cần chuyển ta từ Tông Nhân Phủ đến Thái y viện, rồi tìm một viên ngự y thân tín chứng thực cái chết, lấy một cái xác nào đó tráo đổi, đưa ta ra ngoài là được. Có điều nếu làm đúng như kế hoạch này, ta có nguy cơ thành người chết thật sự, lẽ dĩ nhiên phải có toan tính của riêng mình.

Hoàng hậu tưởng ta sẽ làm đúng kế hoạch, bèn thả mẫu thân ta ra trước nhằm chiếm lòng tin, chờ cơ hội đoạt mạng tử địch, sau đó bố cáo thiên hạ rằng ta sợ tội tự sát, vụ án Thái hậu từ đó vĩnh viễn khép lại, còn Hoàng thượng không thể không chấp nhận cách xử trí của cô ta. Hoàng hậu cho rằng ta bị giam trong ngục, chỉ nắm được một điểm yếu nho nhỏ của mình, nên không thể không dựa dẫm hoàn toàn vào ả. Nhưng Hoàng hậu không ngờ mẫu thân ta không tầm thường, đáo để chua ngoa nhưng thông minh tài trí. Ngân lượng ta gửi ra cho bà chỉ đủ để làm ăn nhỏ bên ngoài, nhưng càng buôn bán càng phát đạt, dưới sự giúp sức của ta, bà ngầm thu nhận thủ hạ riêng. Bà không đơn thuần là một phụ nhân tuổi xế chiều quen ăn ngon mặc đẹp. Hai xưởng thêu lớn nhất trong kinh thành, sản xuất ra các món đồ tinh mỹ hoa lệ bậc nhất đều do bà ngầm đứng sau cai quản, ngoài ra còn buôn ngọc ngà châu báu, cho người về các mỏ khai thác thu mua ngọc thô rồi gia công chế tác thành trâm vòng, có ta đứng sau cố vấn, kiểu dáng các món trang sức làm ra dĩ nhiên xuất chúng.

Ta sớm đã dặn dò mẹ để tránh người ta nhòm ngó, chỉ nên đứng bên trong chỉ đạo chứ đừng xuất đầu lộ diện.

Ta luôn cảm thấy nếu bản thân có thể xuất cung chắc chắn cuộc sống sẽ tốt hơn rất nhiều: Sẽ không còn bị Hạ Hầu Thần giày vò, không cần nghĩ cách lấy lòng các phi tần phẩm vị cao hơn mình.

Xem ra mọi việc đúng như ta mong đợi.

Lần hôn mê này tổn hại khá nhiều đến sức khỏe, bởi các vị thuốc uống vào đều có ít nhiều độc tố, lại thêm vết thương trên cổ, tuy thống nhất từ đầu chỉ cứa nhẹ rồi dùng máu gà đổ lên, nhưng để cho giống thật, khi Túc nương lao đến kiểm tra nhìn rõ vết cắt trên cổ máu thịt bầy nhầy, ta làm cho vết cắt khá sâu, máu gà lẫn máu thật hòa vào nhau chảy ra ròng ròng, chừng nào chưa rửa sạch vết thương, chừng đó không ai biết vết cắt sâu đến đâu.

Chuyện thi thể ta mất tích chắc chắn sẽ khiến Hoàng hậu và Tín vương vướng phải rắc rối. Tín vương chỉ biết phải giải ta vào cung, không hề biết âm mưu mà ta và Hoàng hậu ngầm ước định, chắc bây giờ vô cùng sốt ruột, chẳng khác gì con kiến rơi vào chảo nóng.

Nghĩ đến đây, ta cười khẽ một tiếng. Về phần Túc nương, ta không hề cho người làm gì hai đứa trẻ, chỉ lấy cái khóa trường mệnh mà thôi. Cô ta thường xuyên ở lại ngục mấy ngày mới về nhà một lần, lần này về phát hiện mọi sự vẫn như thường, biết có càng hận thêm?

Ta đã nói rồi, ta không có bằng hữu, và càng không cần. Tất cả những gì cô ta làm chỉ là để hoàn thành sứ mệnh Lí Sĩ Nguyên giao phó, còn tất cả những gì ta làm, là để cầu một con đường sống mà thôi.

Trong thời gian dưỡng thương, thi thoảng ta lại nhờ mẫu thân ra phố nghe ngóng xem có cáo thị quan phủ mới ban bố hay không, nếu có cáo thị bố cáo thiên hạ rằng hung thủ hạ độc Thái hậu tự sát vong mạng, ta còn có thể hơi yên lòng một chút. Đây là kết cục làm tất cả mọi người đều vui mừng, Tín vương tận mắt chứng kiến ta tự sát mà mất mạng, dưới sự chủ trì của Hoàng hậu, y chính tai nghe mắt thuật lại chuyện túi hương, chắc sẽ không nghi ngờ trong vụ việc còn có ẩn tình. Mà nếu nghi ngờ thì đã sao? Mọi việc đã rõ mười mươi, y lần này vô cớ mang binh về kinh, giờ chỉ còn nước trở lại biên cương. Hoàng hậu không còn “địch thủ” – vốn dĩ do cô ta tự tưởng tượng mà ra – là ta, chắc chắn sẽ ngủ thêm ngon giấc. Riêng Hạ Hầu Thần, ta đã giúp hắn một việc lớn, vừa trừ bỏ được Thái hậu, lại không khiến chính trường dậy sóng, hắn phải cảm tạ ta mới đúng.

Có điều trước nay có lệ, làm Thiên tử đương nhiên chẳng cần cảm tạ ai.

Đây quả thực là cái kết có hậu cho tất cả mọi người. Thi thoảng ta có dợm nghĩ, không biết Thái hậu thực sự là do ai hãm hại? Không phải ta, thì rốt cuộc là ai không chịu buông tha cho bà? Suy nghĩ lâm vào ngõ cụt, ta bèn buông xuôi. Kẻ địch của Thái hậu đầy rẫy khắp nơi, đến Hoàng đế do chính tay bà ta nuôi lớn cũng trở mặt, huống gì người khác? Ta chẳng việc gì phải tốn công tốn sức nghĩ ngợi chuyện ấy.

Vết thương trên cổ không quá sâu, chưa phạm vào động mạch, khoảng hơn mười ngày sau thì dần dần lành lại. Mẫu thân ngày nào cũng hầm canh bổ giúp ta bài trừ độc tố còn đọng trong người, độc giảm bớt thì dáng vẻ cũng mập mạp hẳn lên, tuy không béo lên quá nhiều nhưng bà vẫn vì đó mà cảm thấy hoan hỉ, bảo: “Trông con dạo này mũm mĩm đáng yêu chưa kìa, nhìn thích hơn hẳn hồi trước. Vào cung được ăn ngon mặc đẹp mà sao gầy xơ gầy xác!”

Ta chưa bao giờ kể với mẫu thân, rằng còn sống trong hậu cung ngày nào thì ngày đó chẳng thể béo lên được, những thức ăn đồ dùng tuy là loại tốt nhất, nhưng sớm khuya lo nghĩ không lúc nào ngơi, béo làm sao nổi?

Ta đã cắt đứt mọi liên hệ với hậu cung, những người và việc trong ấy giờ chẳng còn dính dáng gì đến ta. Thậm chí ta còn không muốn nhớ đến làm gì. Hơn mười ngày nữa trôi qua, những thứ trước đây từng cố công giành giật tranh đoạt, những người ngày xưa phải tính kế lấy lòng đều dần dần trở nên mờ nhạt. Có lẽ thời gian lâu dần, ta còn chẳng thể nhớ nổi những điều đó như thế nào nữa.

Kinh thành sóng yên bể lặng, nghe nói Tín vương đã dẫn quân trở về biên ải, vụ án Thái hậu không được phía quan phủ phát ra công văn chính thức. Ta không tránh khỏi lo phiền, sợ rằng bên trong còn có uẩn khúc mình chưa nắm rõ. Dịp xuất hành đầu xuân mỗi năm một lần lại tới, cứ đến ngày này, Hoàng thượng sẽ dẫn đầu đám triều thần hoặc phi tử được sủng ái tín nhiệm xuất cung, đầu tiên lên lầu cao ở cổng thành xem pháo hoa, cùng vui lễ hội với bá tính, sáng sớm ngày hôm sau đoàn diễu hành do đội danh dự đi đầu sẽ diễu qua con đường trải đá xanh to đẹp nhất kinh sư, đây chính là dịp Hoàng đế gần gũi với dân chúng nhất, để tỏ thành ý cùng nhân dân an hưởng thái bình.

Vụ án của ta dường như hoàn toàn chìm vào biển sâu mà chưa kịp làm sủi lên một vệt sóng bạc. Đáng lẽ không thể nào bình lặng như vậy, ta ngầm lo sợ.

Việc làm ăn do mẫu thân đứng sau ngầm quản lý không quá quy mô, ở kinh thành có hàng trăm gia đình kinh doanh cửa hiệu hạng trung như vậy, ngoại trừ việc thủ công ở chỗ mẫu thân tinh xảo hơn nơi khác một chút, thì chẳng có gì đáng chú ý. Bà cảm nhận được lo phiền của ta, bèn khuyên: “Hay chúng ta rời khỏi kinh thành, đến nơi khác sống cũng vậy thôi mà.”

Ta lắc lắc đầu: “Trước khi mọi chuyện được giải quyết hoàn toàn, chi bằng cứ án binh bất động là hơn. Trước cửa mỗi thành có không biết bao nhiêu mật thám đang truy tìm lùng sục chúng ta, hơn nữa mẹ con ta vốn không quen dầm mưa giãi nắng, thà cứ nấp ngay ở khóe mắt người ta, mới khiến đối phương không ngờ tới nhất.”

Mẫu thân nghe ta nói có lý, liền không khuyên nữa.

Sau khi vết thương khỏi hẳn, hằng ngày vì buồn chán quá, thi thoảng ta cũng cùng mẫu thân ra ngoài, dĩ nhiên phải đội mũ rộng phủ màn sa che kín mặt, chỉ đi những nơi hẻo lánh. Nhờ mạng che mặt nên không ai phát giác điều gì, dần dần dạn dĩ hơn, ta còn đến cửa tiệm giúp mẫu thân quản lý việc kinh doanh, nhưng chỉ ngồi ở trong phòng chỉ đạo người dưới thêu thùa chứ không ra ngoài.

Ta chỉ dạy vài câu, mà đám nghệ nhân ai nấy đều bội phục. Họ đâu có biết ngón nghề may vá của ta là thành quả mười mấy năm trui rèn mới có được?

Dù mọi việc vẫn trót lọt, nhưng ta luôn thận trọng cảnh giác, các họa tiết thêu không có cái nào dính dáng đến kiểu dáng trong cung, chủ yếu lấy hình tượng thiên nhiên là chính. Không nhận đơn đặt hàng của các nhà hào phú, chỉ gia công các đồ vật trung đẳng, ấy vậy mà lời lãi vẫn đủ để sống ấm no, tự do tự tại.

Đôi khi ta ngồi trong tiệm nhìn ra phố, thấy người người qua lại như con thoi, ánh mặt trời dát lên mặt đất một lớp phấn vàng, bụi bặm bay trong không gian cứ như ở chốn bồng lai tiên cảnh. Chuyện đấu đá sau bức tường đào giờ như một giấc mộng. Sau khi tỉnh lại, cuộc sống đâm bình đạm quá sức, liệu ta có cam lòng?

Ta là kẻ biết thời thế, cục diện trong cung vạn phần hung hiểm, sao muốn trở lại làm gì?

Nghĩ đến đây, ta liền chôn chặt suy nghĩ viển vông ấy vào lòng. Hậu cung tuy lấy quyền thế làm đầu, nhưng không giỏi giang ở một phương diện nào đó, thì lấy gì đứng vững được? So với thứ quyền lực ảo vọng đầy mê hoặc kia, mạng sống của bản thân vẫn quan trọng hơn một chút.

Thoắt cái một tháng đã trôi qua, ngày hôm ấy trời trong gió mát, đêm trước có mưa, trong không gian còn phảng phất mùi vị ẩm ướt, tươi mát thanh nhã. Nghĩ đến mấy ngày rồi không cùng mẫu thân ra ngoài đi dạo, ta liền khoác cái áo choàng lót lông cáo vào, phục sức chỉnh tề đâu đó, chuẩn bị sang nhà bên mời mẫu thân ra ngoài mua ít chỉ vàng chỉ bạc về nghiên cứu mẫu thêu mới. Các món đồ trong tiệm chúng ta không thể giống bất cứ loại vật dụng nào trong cung, đợi sau khi sự việc hoàn toàn lắng xuống, hai mẹ con ta cũng rời khỏi kinh đô. Đồ thủ công tiến cống của từng địa phương ta nắm rõ như lòng bàn tay, qua một thời gian nữa ta dẫn mẹ rời đi, trời đất bao la, thế nào cũng có chỗ để lập thân.

Đến phòng mẹ, ta phát hiện đêm trước người không hề về nhà nghỉ ngơi, chắc lại thức trắng, có lẽ tiệm vừa nhận đơn đặt hàng mới nên bà phải xuống đốc thúc, giúp đỡ thợ. Tính cách mẫu thân vẫn thế, cương cường háo thắng, không biết ngày xưa khi phải sống dưới cái bóng của người chị ruột, làm thế nào mà mẫu thân nhẫn nhịn được. Ta gọi a hoàn mang lên một tách trà, ngồi trong phòng chờ bà về. Gian phòng bày trí vô cùng hoa lệ, có mấy bức thêu do chính tay mẫu thân làm, đẹp đẽ không đâu sánh kịp.

Một bức bình phong ba mặt bằng gỗ lim chạm trổ bao bọc lấy khung giường, trên trướng xanh thêu bức chim trĩ giành ăn màu đỏ tươi như máu chực chảy trào, dát thêm kim tuyến, các chi tiết chạm khắc không theo những mẫu như tỳ bà ký ở các khuê phòng bình thường, mà đa số là hình những đứa trẻ ném bóng, thằng nhóc nghịch nước… Ta nhận ra trong sâu thẳm lòng mẫu thân rất tưởng nhớ mình, từng vật từng cảnh trong phòng không gửi gắm nỗi nhớ nhung con gái.

Đang lúc ngắm nhìn bốn phía, chợt nghe sau lưng có tiếng động, ta quay lại, hóa ra mẫu thân đã về, trên gương mặt thoáng nét mệt mỏi. Nhìn thấy ta, bà liền cười bảo: “Sớm thế này con đã dậy rồi ư, vị khách lần này khó tính quá, may mà ngón nghề của mẹ chưa thui chột, mất mấy ngày ròng rã cuối cùng cũng làm xong.”

Tiểu a hoàn đi sau lưng mẹ mang một cái hộp màu vàng làm bằng gỗ tử đàn vô cùng tinh mỹ đặt lên bàn trang điểm. Chiếc hộp này trông có vẻ cổ kính, do tay người cầm nắm nhiều nên bóng loáng cả lên, đặt gần bên giá thêu, cảm giác như hình ảnh tú nương tay cầm kim thêu bỗng chốc hiện ra. Đây là hộp thêu của mẹ, bên trong để mấy cây kim bà yêu quý không nỡ đem ra dùng, có cái lớn cái nhỏ. Ta hơi lấy làm lạ, bèn hỏi: “Đến những vật này mẹ cũng mang ra dùng, yêu cầu của vị khách kia xem ra khắt khe thật.”

Mẫu thân nói bằng giọng khá hài lòng: “Nhân dịp gia phụ tổ chức đại thọ, vị khách kia đến đặt một bức thêu Tùng Hạc Đồng Xuân, yêu cầu cành tùng lẫn lông ở chân hạc phải rõ tầng rõ lớp, muốn được như thế phải dùng thủ pháp thêu tầng, khiến tranh thêu nổi rõ như bức phù điêu, tạo cảm giác hình khối rõ nét. Vị khách này đã đến nhiều chỗ đặt làm nhưng vẫn chưa được ưng ý, hôm ông ta đến vừa đúng lúc ta ngồi sau rèm, nghe vậy nhất thời ngứa nghề, bèn nhận làm ngay. Người đó trả giá rất hậu, chỉ một bức ấy mà đủ cho chúng ta sống sung túc cả nửa đời sau.”

Ta nghi ngờ hỏi: “Ai mà phú quý đến thế ạ?”

Mẹ đáp: “Việc này ta không rõ, trông quần áo phục sức người đó chẳng khác nào người bình thường, nhưng có vẻ là người ở nơi khác đến. Con yên tâm, ta không hồ đồ làm lộ chút manh mối nào đâu, người ấy tuyệt đối không có liên hệ gì với quan nha cả.”

Ta hơi an tâm, bèn cười nói: “Ngón nghề thêu thùa của mẫu thân chẳng kém gì năm xưa, người khách khi ra về chắc chắn hài lòng lắm!”

Được lời như cởi tấm lòng, mẫu thân bật cười: “Nhiều năm không đụng gì đến kim chỉ, lúc mới đầu quả có hơi gượng tay…”

Ta che miệng cười, không nói gì nữa. Hiếm khi mẫu thân vui vẻ đến thế, việc gì ta phải làm mất nhã hứng của người. Có điều lần ngày bà hiển lộ tài năng, không biết có khiến ai chú ý không? Thân phận ta hèn mọn, chắc chẳng lấy làm quan trọng trong mắt ai kia. Đã hơn một tháng rồi, chẳng lẽ hắn còn sai người dùng cách thức rắm rối đó để tìm ta?

Cái chết của ta có lẽ lừa được những người bình thường, nhưng khẳng định không thể lừa được hắn.

Thời gian chầm chậm trôi đi, suốt mấy ngày liền, trước nhà người qua kẻ lại như thường, không có biểu hiện gì khác lạ. Nỗi lo trong ta ngầm được hóa giải, lại tự cười bản thân sống trong cung quá lâu, thần kinh mẫn cảm cực độ, mới hơi nổi gió động cỏ đã ngờ rằng có người nhắm vào mình.

Ta biếng nhác ngồi trên ghế hoàng đàn sưởi nắng chiều, cảm thấy cả người khoan khoái dễ chịu, ánh nắng từ các kẽ lá chiếu xuống mặt, dù đã nhắm hai mắt, vẫn có thể cảm thấy sắc vàng chói chang làm mí mắt bừng sáng. Có ai đó lại gần, che phủ mất ánh nắng trên mắt ta. Tưởng là tiểu a hoàn Kỳ Nguyệt, ta bèn nói: “Kỳ Nguyệt, cháo hạt sen trong bếp chắc là nhừ rồi, múc lên cho ta một chén đi.”

Hồi lâu không thấy con bé trả lời, ta khẽ hé mắt nhìn. Dưới bóng râm của cây cổ thụ, một dáng người cao lớn đứng đó, nhìn ta chăm chú. Vì hắn quay lưng lại phía mặt trời nên trong chốc lát ta không thể nhìn rõ được gương mặt, trong lúc kinh hoảng bèn nghiêm giọng quát: “Ngươi là ai? Sao lại ở đây?”

Người đó hơi quay người, bước một bước nhỏ sang bên. Ta lập tức nhìn rõ gương mặt hắn, làn da hơi tái xanh, thanh tú mà lạnh nhạt, khi chưa cất lời, dường như chất chứa đầy tâm sự, chẳng phải Hạ Hầu Thần thì là ai?

Ta sợ đến mức quên cả rời ghế hành lễ, chỉ lẩm bẩm trong miệng: “Không thể nào…”

Hắn khẽ cười, bóng nắng giữa những kẽ lá đổ loang lổ lên mặt rồng, cứ như một thứ ảo giác quái quỷ được chắp vá từ hàng ngàn mảnh ghép vỡ vụn. Hắn nói: “Ninh Vũ Nhu, ngươi có biết một tháng nay trẫm đã dùng bao nhiêu cách mới tìm ra ngươi hay không? Ngươi giảo hoạt như hồ ly, chỉ cần đánh hơi thấy một chút không ổn, lập tức sẽ biến mất chẳng còn dấu vết, khiến trẫm lao tâm khổ tứ vắt cạn suy nghĩ. Trẫm đã bảo rồi, chỉ có thứ trẫm cho phép ngươi mới được lấy…”, hắn dừng một lát, “… ngay cả cái mạng ngươi cũng vậy!”

Hắn nói bằng một giọng bình bình, còn ta nghe trong ấy ngầm nổi cuồng phong bão táp kinh động đất trời. Cả người ta run lên, như sực tỉnh khỏi giấc mộng, tụt mình khỏi ghế, quỳ sụp xuống đất: “Hoàng thượng, thần thiếp đáng chết.”

Nói xong lập tức dập đầu lia lịa. Ngoại trừ lời này, ta chẳng biết nên nói thêm điều gì.

Có lẽ bức thêu chạm nổi của mẹ đã làm lộ manh mối. Đúng là lưới trời thưa mà khó lọt, không cho ta bất kỳ cơ hội nào.

“Chắc ngươi đang nghĩ, mình đã chết một lần, có chết thêm vài lần cũng được phải không?”

Ta không kịp lựa lời, đáp: “Hoàng thượng, thần thiếp sao dám có ý nghĩ đó?”

“Ninh Vũ Nhu, còn có việc gì mà ngươi không dám làm?”

Ta dập đầu không dám ngẩng: “Hoàng thượng, thần thiếp không dám, trước mặt Hoàng thượng thần thiếp làm sao dám làm gì!”

Lời vừa nói ra ta đã hối hận chỉ muốn cắn lưỡi cho xong, sao lại có thể nói lời ngớ ngẩn như vậy trước mặt hắn?

Hắn lẳng lặng tìm đến nơi này không một ai hay biết, khiến ta chấn động tâm thần. Vừa nhìn thấy hắn, ta lập tức cảm thấy sợ hãi, một nỗi sợ không rõ lý do.

Gương mặt Hạ Hầu Thần chìm vào bóng cây dày đặc, ta không thể nhìn rõ biểu cảm trên gương mặt ấy. Sao hắn phải bỏ ra nhiều tâm tư, sức người lẫn sức của để truy tìm ta? Cuối cùng vì bức thêu chạm nổi của mẹ mới lần ra tung tích. Không biết hắn đã phải đi qua bao nhiêu tiệm thêu mới đến được tiệm của mẹ, ngần ấy tâm tư, ngần ấy công sức chỉ để bắt ta trở về ư?

Trong phút chốc, ta bỗng nảy ra một ý nghĩ táo bạo, ngày thường có nghĩ ta cũng không dám. Chẳng lẽ hắn thực sự có tình cảm với ta, nếu vậy liệu có nên nghĩ cách lợi dụng điểm này mà…

Nghĩ đến đây, ta bèn thử ngẩng đầu lên, nói với hắn: “Hoàng thượng, thần thiếp không nên bỏ Hoàng thượng mà đi, nhưng thần thiếp quả thực rất sợ chết, chỉ có cách trốn đi để bảo toàn tính mệnh. Sau khi ra ngoài thần thiếp vô cùng hối hận, mỗi lần nhớ đến Hoàng thượng là lại…”

Chỉ cần trên mặt hắn lộ ra nửa phần tình ý, ta sẽ nắm được tiên cơ, từ đây tìm ra cách chuyển bại thành thắng?

Hạ Hầu Thần bước ra khỏi bóng râm, gương mặt thấp thoáng vẻ chế giễu, con ngươi sắc lạnh như đá tảng, sắc mặt trắng xanh như tạc nên từ một phiến băng ngọc. Hắn như nhìn rõ ý đồ của ta, nói: “Ninh Vũ Nhu, nếu ngươi tưởng trẫm sẽ dung túng cho một phi tần trốn cung ra ngoài tiêu diêu tự tại, thì ngươi lầm rồi. Trẫm không ngờ một phi tần nhỏ bé mà lại có bản lĩnh lớn đến vậy, trước nay trẫm đã quá xem thường ngươi.” Khóe miệng hắn hơi nhếch lên, “Nếu không vì trẫm còn có việc cần đến, thì biết đâu người đứng trước mặt ngươi bây giờ là một tay sát thủ.”

Giọng điệu hắn lạnh lùng băng giá, ta thất vọng cúi mặt, chẳng thể tìm ra chút nào tình ý từ con người kia, đôi mắt đó nhìn ta cứ như băng vạn năm chưa tan. Ta bất giác hiểu rõ, Hạ Hầu Thần và ta giống nhau, sẽ không để thứ gọi là tình cảm trói chân. Hắn tìm ta không phải vì tình, mà là vì thứ khác, vì ta có thể giúp hắn làm được việc gì đó mà thôi.

Sau cơn thất vọng, đầu óc ta lại căng ra nghĩ ngợi, nếu muốn thoát khỏi nguy khốn trước mắt, phải xem bản thân có gì đáng để hắn xem trọng hay không. Hắn vén tà áo ngồi xuống ghế hoàng đàn, tư thế vô cùng thoải mái.

Trông thấy tà áo màu xanh nhạt của Hạ Hầu Thần chầm chậm lại gần, cảm giác sợ hãi trong lòng ta ngày một tăng. Đương quỳ trên đất, ta không thể lùi lại phía sau, chỉ đành trân trối nhìn đôi hài dừng ngay trước mặt, ngón tay thon dài đeo nhẫn ngọc vằn gõ đều đều lên tay vịn.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện