Chương 15
Đợi họ chia xong, Khương Thượng Nghiêu cũng bê một bát lên, cầm thìa ngoáy đều, không hề muốn ăn chút nào. Tên phạm nhân gầy gò đó nhìn thấy thế liền cười, hỏi anh: "Không ăn được phải không? Không ăn được thì để tao". Cũng chẳng đợi Khương Thượng Nghiêu gật đầu, thuận tay cầm lấy bát của anh trút cả vào bát mình. "Mới vào bao giờ cũng thế, vài ngày nữa mày sẽ biết thế nào là đói ngay."
Khương Thượng Nghiêu thấy tên khỉ gầy ấy có vẻ thoái mái, nên trong lòng muốn nói với cậu ta vài câu, lại chẳng biết phải bắt đầu thế nào, đành cười cười.
"Lần đầu tiên vào đây phải không? À, nhìn là biết. Không sao, sau khi tuyên án chuyển nhà giam, ngồi tù vài năm, được giảm án ra khỏi đây là đời lại tươi sáng ngay thôi, về nhà vẫn sẽ lấy vợ sinh con như thường." Tên khỉ gầy đó húp một thìa cháo nhỏ, đôi mắt híp tịt lại: "Người nhà vẫn chưa biết phải không? Có lẽ hôm nay sẽ biết tin thôi. Cần gì thì bảo họ mang vào, họ hàng thân thích ở quê cũng phải có người chăm lo. Trong phòng này, mọi khoản lớn nhỏ đều phải nghe anh Ngưu".
Nhìn theo ánh mắt cậu ta, Khương Thượng Nghiêu liếc về phía người đàn ông trung niên lúc trước. Mặc dù không hiểu "mọi khoản lớn nhỏ" là gì, nhưng anh cũng đoán chắc muốn nói tới vật chất tiền bạc. Chẳng trách khi nói là người bản địa thì sắc mặt ôn hòa hơn hẳn, người bản địa thì việc thăm nom sẽ tiện hơn, cung cấp vật dụng hay tiền bạc cũng không khó khăn lắm, đương nhiên sẽ được ưu ái hơn. Nếu ngược lại, thì chắc chắn vào trong ngục đã bị đánh một trận để nắn gân rồi.
Khương Thượng Nghiêu trong lòng cười khổ, cố ép mình nở một nụ cười, hỏi vuốt đuôi tên khỉ gầy đó mấy câu cho có lệ. Hỏi ra cũng biết thêm được nhiều điều, thì ra người đàn ông trung niên đó tên Ngưu, họ Lưu, buôn lậu nên phải vào tù, là người cầm đầu trong nhà giam này, vì chỗ ngủ cách xa nhà vệ sinh, lại gần đường đi, theo ngôn ngữ của đám tù nhân gọi là "Đầu phản". Tên khỉ gầy được gọi là "Nhị phản", là người giúp việc cho Đầu phản, chăm lo những việc khác trong phòng giam. Còn về "các khoản", chính là tiền sinh hoạt của mỗi tù nhân được người nhà gửi vào hằng tháng, số tiền này sẽ do Đầu phản của từng phòng giam quản lý chung, mua thuốc mua kem đánh răng mua mỳ ăn liền đều phải xin phép Đầu phản.
Nói được một lúc thì cửa phòng bật mở, một vị công an bước vào, anh Ngưu ân cần mời thuốc, những người còn lại đều khom lưng cung kính chào: "Cán bộ Hướng!".
Cán bộ Hướng nhận thuốc nhưng không châm hút, mà hỏi: "'Người mới vào tối qua đâu?".
Cán bộ Hướng là quản giáo của Khương Thượng Nghiêu, trong căn phòng ở cuối hành lang, họ đã bố trí cho Khương Thượng Nghiêu một cán bộ quản giáo để giúp anh chụp ảnh và lấy dấu vân tay đăng ký vào sổ, rồi còn đưa cho anh một cuốn sổ nhỏ dặn anh về đọc kỹ nội quy trong trại giam, sau đó mới bắt đầu chính thức nói chuyện. Nội dung không gì ngoài hỏi thăm gia cảnh của anh, và nói nếu có chuyện gì thì cứ tới tìm anh ta. Sau đó thông báo với Khương Thượng Nghiêu rằng người nhà có gửi đồ vào, bảo anh đi lĩnh.
Gọi là nói chuyện nhưng cũng không thể giống như những cuộc đối thoại bình thường bên ngoài được, suốt cuộc nói chuyện Khương Thượng Nghiêu chỉ ngồi xổm, đây là quy tắc. Chỉ khi cán bộ nói tới người nhà, Khương Thượng Nghiêu không tránh được kích động, đứng phắt dậy.
Thấy mình không được đưa tới phòng thăm nom giống như những cảnh đã chiếu trên tivi, có lẽ vì muốn ngăn chặn khả năng hai bên trao đổi thông tin thông đồng bịa lời khai, nên lúc này anh không được phép gặp người nhà. Lòng anh đau khổ, từ từ ngồi xuống.
Ngay sau đó cán bộ Hướng nói buổi chiều sẽ có người bên cơ quan chuyên án sang để thẩm vấn, hy vọng anh sẽ phối hợp với họ.
Khi Khương Thượng Nghiêu quay lại phòng giam đã đến giờ cơm trưa, ăn vài miếng cơm với cải trắng, phần còn lại trút hết vào bát cho tên khỉ gầy. Sau bữa cơm trưa là thời gian hóng gió, cánh cửa lớn cạnh nhà vệ sinh được mở ra, bên ngoài là một cái giếng trời khoảng tám, chín mét vuông, có độc một cái cây gầy gò thiếu dinh dưỡng đứng trơ trọi ở đó.
Tên khỉ gầy đưa cho anh điếu thuốc lá loại chất lượng cực kém do địa phương sản xuất, Khương Thượng Nghiêu biết chắc chắn số tiền do người nhà gửi vào đã bị sung vào quỹ chung. Do dự một lát, anh cũng nhận lấy, châm thuốc.
Hai người ngồi xổm trên mặt đất, không nói không rằng.
Thuốc hút được hơn một nửa, tên khỉ gầy mới hỏi: "Nghe nói, mày chơi với bọn Tang Cẩu ở Hà Tây?".
Khương Thượng Nghiêu thoáng giật mình, một là không biết tin đồn này từ đâu ra, hai là anh chỉ sợ gặp phải kẻ thù của Tang Cẩu ở đây thì sẽ phiền phức thêm cho mình.
Anh còn chưa kịp phản ứng thì tên khỉ gầy đã quay sang nhìn anh cười an ủi: "Đừng căng thẳng. Mấy năm trước tao bị giam cùng Tang Cẩu ở trại giam XX còn ở cùng phòng hơn nửa năm, nói ra thì, còn cùng quê với hắn ta nữa".
Tên khỉ gầy đã vào từ ba lần, lần này vẫn do mắc phải tội cũ, ăn cắp và phá hoại thiết bị điện lực. Lần đầu tiên rơi vào cảnh lao lý, cho dù Khương Thượng Nghiêu có không hiểu "luật lệ" trong này thì cũng phải biết cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, Chính vì vậy, anh âm thầm đề phòng, không đưa ra bất cứ lời giải thích nào, chỉ cười cười mà thôi.
"Tên Tang Cẩu đó chưa bao giờ biết điểm dừng, lần này nghe nói hắn gây ra chuyện rất lớn phải không? Tên khốn, chết cả người!" Vẻ mặt tên khỉ gầy rất tự hào, đột nhiên hào hứng kể tiếp: "Thời gian trước khi hắn ở trại giam XX, không hiểu chuyện nên đắc tội với người ta, cũng thiệt thòi nhiều. Sau này hiếu biết ra, liền dứt khoát không làm thì thôi, mà đã làm thì làm cho xong, thu nạp một tên tội phạm mới vào được mấy ngày, sai hắn ta không ít việc, kết quả tên phạm nhân đó bị mưu sát, phải vào bệnh viện của trại giam nằm mất nửa năm, lại còn phải gánh thêm một năm ngồi tù nữa vì tội danh tự sát. Cái thằng bị hắn ta đắc tội kia cũng gan lì, phạt thêm hai năm ngồi tù nữa mà một lời cũng không kêu ca. Chỉ riêng Tang Cẩu, hoàn toàn không sao, sớm đã thu xếp trước với cấp trên, nên thoát. Bọn tao đều biết hành vi của hắn, nhưng không dây, động vào hắn không biết khi nào hắn quấn dây quanh cổ mình, còn mình thì vẫn không túm được sơ hở nào của hắn cả. Lần này đảm bảo là hắn đã bôi dầu dưới gót giày, cao chạy xa bay rồi, còn bọn mày đứng mũi chịu sào cứ từ từ mà ngồi trong tù nhé".
Khương Thượng Nghiêu từng nghe Hoàng Mao nói, Tang Cẩu khi còn ở trong tù bị Nhiếp Đại ức hiếp tới không ra hình người, cài bẫy Nhiếp Tiểu Tứ cũng vì muốn trả thù. Lúc này nghe tên khỉ gầy nói, anh nghĩ chắc chắn người Tang Cẩu đã đắc tội chính là Nhiếp Đại. Tang Cẩu suy nghĩ thiển cận thì cũng thôi, chỉ có điều Cảnh Trình, vì vậy mà mất mạng, thật sự không đáng.
Vấn Sơn không lớn, tám chín người bị bắt đưa vào các khu trại giam khác nhau, tốc độ lan truyền của tin tức thật khiến người ta phải kinh ngạc. Khương Thượng Nghiêu không nắm được tình hình bên ngoài, giờ mới có thời gian bình tâm lại để suy nghĩ, ba mạng người liên quan trong án này quả thật không thể gọi là án nhỏ, hiện trường còn có một khẩu súng K-54. Trước kia anh có nghe Hắc Tử nói kiểu súng K-54 này đã bị quân đội đào thải, số lượng bị tuồn ra ngoài không nhỏ, nhưng nay lại xuất hiện ở hiện trường một vụ án mạng, nghĩ cũng đã thấy tính nghiêm trọng của nó.
Khương Thượng Nghiêu nhét đầu lọc thuốc xuống dưới đế giày để dập lửa, nói: "Tang Cẩu là ai tôi không rõ, tôi nghe người ta nói em trai tôi ở trên đó, nên lên để tìm em. Thật sự là không gặp may!".
Tên khỉ gầy quay sang nhìn anh nháy mắt tỏ vẻ hiểu biết, nói: "Người anh em, tao hiểu mà".
Khương Thượng Nghiêu bất giác cười khổ, tình hình khi ấy dưới con mắt người ngoài làm sao có thể nghĩ anh không liên quan, đương nhiên anh sẽ không chịu nhận tội về mình, nhưng cũng cần phải chứng minh cho bên công an họ tin anh vô tội. Về điểm này chỉ còn biết trông chờ vào lời làm chứng của người khác.
Nghĩ tới đây, anh đột nhiên rùng mình ớn lạnh, không thể khống chế được cảm giác sợ hãi đang dâng lên. Nhưng rồi anh chợt nghĩ, đám đồng bọn của Nhiếp Tiểu Tứ không cần quan tâm, ít ra thì đám người của Tang Cẩu không oán không thù gì với anh, chắc chắn không đến nỗi nhất quyết phải kéo anh xuống nước theo. Như thế, với cuộc thẩm vấn buổi chiều, anh vẫn còn có chút hy vọng. Kết thúc sớm thì được về nhà sớm, Cảnh Trình không còn nữa nhất định nhà đang rất loạn; bà và mẹ buổi tối chắc khó mà ngủ được, Nhạn Lam giờ có lẽ đã khóc sưng húp cả hai mắt?
Trong trại giam cũng có trồng hoa. Cuộc thẩm vấn buổi chiều, Khương Thượng Nghiêu bị đưa đi, khi ra khỏi hành lang vào khu nhà văn phòng, anh còn cố ý quay đầu lại nhìn một lần nữa, những bông hoa bìm bìm màu trắng màu hồng đưa nhau khoe sắc rực rỡ. Rồi anh lại ngẩng đầu nhìn lên trời, sau đó mới theo cán bộ Hướng đi.
Cuộc thẩm vấn buổi chiều đã làm đảo lộn hết những kỳ vọng và dự tính của anh, hai đồng chí công an đến thẩm vấn chiều nay rõ ràng đã nhận được sự chỉ đạo từ trên, nói đi nói lại vẫn là muốn ám chỉ đám người của Tang Cẩu đột nhập vào nhà giết người cướp của, đồng thời, cho dù Khương Thượng Nghiêu có giải thích thế nào cũng không được chấp nhận, họ chỉ lặp đi lặp lại một câu hỏi khô khan cũ rích rằng anh đã theo Tang Cẩu được bao lâu rồi, trước kia từng có tiền án tiền sự gì chưa.
Khương Thượng Nghiêu sắc mặt trắng nhợt năm lần bảy lượt muốn hỏi thẳng là họ làm vậy với mục đích gì; nhưng rồi vẫn cố gắng kiềm chế lại được, cuối cùng đành dùng sự im lặng để trả lời những câu chất vấn đó.
Lúc bị giải về phòng giam, bước chân Khương Thượng Nghiêu ngập ngừng, khi chuẩn bị bước vào cửa khu phòng giam, nghe thấy tiếng cánh cửa sắt ken két kêu lên, ánh mắt u buồn của Khương Thượng Nghiêu rời khỏi chiếc còng số tám ở tay ngoảnh lại nhìn về khoảng trời sáng rực sau lưng, rồi đột ngột quay đầu đi nhanh vào trong bóng tối.
Ngày lệnh bắt chính thức được đưa xuống, Khương Thượng Nghiêu từ chối ký tên. Tên khỉ gầy lắc đầu thở dài lẩm nhẩm một câu: "Thái độ không tốt là tội thêm nặng". Khương Thượng Nghiêu nhăn mặt rút điếu thuốc lá nhăn nhúm ra châm.
Lại phải chịu khổ thêm vài ngày nữa, cuối cùng cũng đợi được đến ngày quy định trong tháng trại giam cho gọi điện thoại về nhà. Đầu dây bên kia bà anh "alô alô" vài tiếng, giọng Khương Thượng Nghiêu khi ấy nghẹn ngào, sau đó nghe thấy bà thảng thốt kêu tên khi đã hết ngạc nhiên: "Phượng Anh, là Nghiêu Nghiêu, là Nghiêu Nghiêu!", rồi bà thận trọng hỏi: "Nghiêu Nghiêu, là bà nội đây, cháu có khỏe không?".
Lồng ngực Khương Thượng Nghiêu phập phồng, vội vàng gật đầu lia lịa, một lúc sau mới nói: "Cháu khỏe. Bà, cháu xin lỗi, cháu đã làm cả nhà phải lo lắng".
"Thằng bé này..." Bên kia bà đang lau nước mắt.
"Nghiêu Nghiêu." Điện thoại được mẹ anh cầm lấy.
"Mẹ!"
Khương Thượng Nghiêu nghe thấy tiếng mẹ hít một hơi thật sâu từ phía đầu dây bên kia: "Nghiêu Nghiêu, mẹ biết con không có nhiều thời gian nói chuyện, mẹ chỉ nói ngắn gọn thôi. Mẹ và bà nội vẫn ổn, chỉ có mẹ của Nhạn Lam là không được tỉnh táo nữa, lúc tỉnh lúc mê, mấy ngày nay Nhạn Lam sống cũng rất vật vờ. Có điều, còn có mẹ đây, con yên tâm. Cần gì, con cứ nói với mẹ, mẹ sẽ cố gắng hết sức để giúp con".
Giọng nói điềm tĩnh của mẹ đã tiếp thêm sức mạnh cho Khương Thượng Nghiêu, anh dần dần bình tĩnh trở lại, từ từ nói với mẹ: "Mẹ, mẹ tìm cho con một luật sư giỏi, có người muốn vụ án này nhanh chóng kết thúc. Còn nữa, mẹ hãy nói với Nhạn Lam, con sẽ sớm được ra thôi".
Sự trấn tĩnh của Khương Phượng Anh rõ ràng đã có chút lung lay, Khương Thượng Nghiêu đợi một lúc, đầu dây bên kia đang vọng lại không biết là tiếng thở hay là tiếng khóc rấm rứt, muốn lên tiếng an ủi mấy câu thì lại nghe thấy giọng mẹ dịu dàng vang lên: "Mẹ biết con không làm sai chuyện gì cả. Con là đứa con do mẹ dạy dỗ và mẹ rất tin ở con. Người khác nói thế nào kệ họ, mẹ tin con".
Khi Khương Thượng Nghiêu nước mắt rơm rớm đặt điện thoại xuống, trong lòng anh bỗng nhiên thấy trống rỗng, giống như có một dải phân cách, cách trở trăm sông nghìn núi, hai đầu dây điện thoại lại là hai thế giới khác nhau, anh đang cô đơn ở đầu dây bên này.
Khương Phượng Anh khi đặt điện thoại xuống cũng ngẩn người ra mất mấy giây, lau những giọt nước mắt mát lạnh đang lăn trên má đi, lấy lại tinh thần nói với mẹ: "Mẹ, tối nay mẹ đừng đi nữa, ở đấy âm khí nặng lắm, gió lại lớn. Mẹ ở nhà giúp con chăm sóc cho mẹ của Nhạn Lam được không? Sáng sớm mai chú Nhạn Lam sẽ đến đón mẹ".
Bà của Thượng Nghiêu chầm chậm gật đầu, rồi lại hỏi: "Tiểu Đức Tử chẳng phải nói mai cũng qua sao? Bảo nó thuận đường đến đón mẹ là được rồi, chú của Nhạn Lam, mẹ thật chẳng thấy vừa mắt chút nào".
Tiểu Đức Tử mà bà nói tới chính là chú Đức, nhưng Khương Phượng Anh cũng thấy chú Đức chẳng vừa mắt tẹo nào, song lại không tiện cãi lời người già, đành nói qua quýt cho xong: "Mẹ, người ta không chê nhà mình, vẫn còn muốn đến cho tận nghĩa, thì chúng ta cứ làm tốt bổn phận, đáp đủ lễ là được rồi. Dù gì cũng chẳng phải người một nhà, không tiện yêu cầu gì nhiều".
"Cũng phải." Bà lão đáp: "Việc ở nhà tang lễ sắp xếp ổn cả chưa?".
"Rồi ạ. Tiền cũng đã nộp rồi, canh đêm có con và Nhạn Lam là đủ."
"Nhà không có đàn ông quả thật cũng bất tiện. Con nói xem chú nó không phải không có lương tâm thì là gì? Bảo anh ta thông báo cho bố Nhạn Lam, thế mà cứ hỏi là chối đây đẩy nói không biết. Đến việc trông đêm trong nhà tang lễ cũng chối là còn phải làm ca đêm. Ôi, Trình Trình không phải cháu ruột anh ta chắc? Có tí tiền vào là lương tâm thối hết cả rồi."
Bà lão mắng chửi người chú của Nhạn Lam một hồi, Khương Phượng Anh lắc đầu thở dài quay về phòng thu dọn đồ đạc.
Sáng sớm hôm sau, hai chị em Khánh Đệ và mấy bạn nam ngày thường chơi khá thân với Cảnh Trình cùng cô giáo chủ nhiệm đến nhà tang lễ. Trong bầu không khí nghiêm trang, Ái Đệ không kìm được bật khóc thút thít, nhìn còn thảm hại đáng thương hơn cả Diêu Nhạn Lam.
Diêu Nhạn Lam gầy tới mức chỉ cần một trận gió cũng có thế thổi bay, ánh mắt đờ đẫn đáp lễ lại những người tới viếng em mình một cách máy móc.
Khánh Đệ nhìn cảnh ấy, xót xa vô cùng, lúc ôm Nhạn Lam để an ủi, cô ghì hai tay chặt hơn, chỉ hận không thể truyền hết nhiệt lượng trong người mình sang cho cô ấy.
Những hiềm khích và đố kỵ trước kia, giờ nghĩ lại chỉ thấy thật nực cười. Bọn họ cùng ngồi trên một con thuyền, nguyện vì tình yêu mà neo lại, và lại đắm say cùng một phong cảnh.
"Nhạn Lam, phải bảo trọng... Cảnh Trình, cậu ấy ở trên trời sẽ phù hộ cho chị."
Nhạn Lam lẳng lặng gật đầu, tâm trạng trong ánh mắt phức tạp.
Khánh Đệ và đám bạn học cùng lớp ra khỏi nhà tang lễ, không ngừng quay đầu lại nhìn, một người đàn ông trung niên đang thắp hương làm lễ, mấy người đứng sau động tác đồng nhất nhìn có vẻ đều là những người có vị trí. Diêu Nhạn Lam cúi người đáp lễ, chiếc cổ thon trắng cúi gập, đôi xương bả vai nhô cao, tâm trí phiêu dạt, cứ như nơi này đơn độc chỉ còn lại mình cô ấy vậy. Cho dù là thế vẻ đẹp toát ra từ người cô gái ấy vẫn khiến mọi người phải thốt lên đầy cảm thán như trước.
"Chị." Ái Đệ kéo cô
Khánh Đệ hoảng hốt quay đầu lại, nhường đường cho người mình vừa không cẩn thận va phải: "Xin lỗi".
Người đó không đáp lời, ném mẩu thuốc lá xuống đất, đi thẳng ra một góc khác. Lưng hơi khom xuống, gió thổi rối tung mái tóc nhuộm vàng của hắn ta.
Ở một khúc uốn cong của sông Tích Sa, có hai chiếc cần câu bắc ngang trên bờ sông. Dưới ô che nắng, chú Đức buông tiếng cảm thán đầy thỏa mãn: "Mùa xuân câu chỗ nước cạn, mùa thu câu cận bờ. Địa điểm này thật không chọn nhầm".
Người ngồi bên cạnh không buồn liếc nhìn phao câu đang nổi trên mặt nước, cầm bình giữ nhiệt trong tay rót đầy tách trà, cung kính đưa cho chú Đức.
"Chú Đức, hôm nay đã có lệnh bắt rồi, tin tức từ trong đó báo ra là, mấy vụ án lớn giết người cướp của trước đó vẫn chưa phá được, nên thành phố rất quan tâm tới vụ án lần này, coi nó là vụ án lớn, phải xử làm án điểm, chỉ đợi có kết quả thẩm vấn là bên Viện kiểm sát sẽ cho khởi tố ngay. Những tội danh bị liệt kê ra không ít, tội cướp của, tội tổ chức băng nhóm xã hội đen, tội cố ý gây thương tích..."
Không đợi người kia nói xong, chú Đức dằn mạnh chiếc cốc trên tay xuống đất, tức tối nói: "Mẹ kiếp Nhiếp Nhị cũng thật quá tàn nhẫn! Cố ý ám hại người ta mà! Chẳng phải muốn bọn chúng chết cả hay sao!", rồi như nhận ra mình đang mất bình tĩnh, chú Đức vội thở phù một hơi, như đang trút cái gì ra vậy, sắc mặt đỡ hơn một chút, hỏi: "Quang Diệu, những việc khác đã sắp xếp xong chưa?".
"Chú Đức yên tâm, đều sắp xếp xong hết cả rồi. Đã cho người vào trại giam số hai, phí cũng đã đưa cả rồi, tin được. Còn bên tòa án, những người có thể chào hỏi cũng đã gặp. Chỉ là... không tiện dùng danh nghĩa của chú, vì vậy sợ đến lúc đây họ lại không nhiệt tình."
"Phía tên Vu béo có động tĩnh gì không?"
"Không thấy gì. Tang Cẩu ngay tối hôm ấy nghe tin đã ôm hết tiền bỏ chạy rồi, mấy vụ án giết chủ hầm mỏ trước đó mà điều tra, thì hắn chắc chắn ngồi bóc lịch trong tù cả đời. Mà cho dù hắn có nhận hết tội về mình, thì tên Vu béo cũng chẳng để cho hắn con đường sống. Chú Đức, tên Vu béo mà đã ra tay là rất tàn nhẫn, hắn cũng có mối quan hệ với bên trên, chúng ta có cần phải chú ý tới hắn một chút không? Không được, cháu phải tìm vài tên bố trí sẵn mới được."
Chú Đức khẽ khoát tay: "Tạm thời lúc này chúng ta đừng tham gia vào, còn chưa đủ loạn hay sao. Đợi tên Vu béo mượn thế làm thân hết với đường dây của Nhiếp Nhị, dính chân vào đấy rồi, Vấn Sơn sẽ lại có một cuộc long hổ tranh đấu nữa. Hắn ta nhắm vào mấy nơi vui chơi giải trí của Nhiếp Nhị, Nhiếp Nhị lại chịu để hắn yên chắc? Thằng Hổ chết rồi, chúng ta muốn thả mấy con chuột đó cũng không dễ, đám huynh đệ của thằng Hổ cậu nên để ý chăm sóc, thuận tiện nhắc nhở chúng, phải hết sức thận trọng, đừng manh động vội! Mạng mình thì mình phải giữ!". Nói rồi chú Đức phóng tầm mắt ra nhìn bóng cá nhảy khỏi mặt nước phía xa xa, ánh mắt khó đoán, điềm đạm nói tiếp: "Chỉ cần tên Vu béo chiếm ưu thế, thì đẩy đám huynh đệ của thằng Hổ ra. Có mấy vụ án giết người cướp của đó, thì tên Vu béo không chết cũng lột da".
"Chú Đức cao kiến!" Trán Quang Diệu lấm tấm mồ hôi, buồn buồn nói: "Còn nữa chú Đức, luật sư Tạ mà nhà họ Khương thuê, nhìn bề ngoài thì danh tiếng rất tốt, nhưng thật ra sau lưng họ giở rất nhiều trò. Chú xem, liệu chúng ta có cần phải ra mặt...".
Đôi lông mày chú Đức nhíu chặt, bất mãn hừ một tiếng: "Phần luật sư không cần phải lo nhiều, chỗ nào thủ tục cần nhét tiền thì thêm nhiều hơn nữa vào. Nếu thật sự không ổn thì mình cũng không lo được nhiều như thế, chỉ cần kéo Nhiếp Nhị vào, dính vào càng sâu càng tốt! ", nói xong cười nhạt: "Hắn ta cũng chẳng còn mấy năm huy hoàng nữa, ôm chân Ngụy Kiệt mà dám mộng tưởng thiên hạ thái bình?".
"Chú Đức, Bí thư sắp về hưu rồi, nghe không ít người nói, vị trí đó, thị trưởng Ngụy là người có hy vọng nhất", Quang Diệu nóng lòng nói.
Chú Đức khịt mũi một tiếng, nghiêm túc cảnh cáo: "Trên Vấn Sơn còn có thành phố Nguyên Châu, trên Nguyên Châu còn có tỉnh! Trước mắt tình hình trên tỉnh đang rất phức tạp, hươu chết về tay ai còn chưa rõ ràng! Quang Diệu, phải biết nhìn xa một chút, phải học cách đứng từ trên cao mà nhìn xuống. Đây chính là điểm yếu của cậu".
Quang Diệu im lặng suy nghĩ một lúc, ánh mắt thoáng hiện lên vẻ thán phục: "Chú Đức, chú nói phải".
Chú Đức không nói thêm gì nữa, mắt nhìn chằm chằm vào chiếc phao nổi trên mặt sông, một lúc lâu sau mới khẽ than: "Có phải cảm thấy chú Đức quá nhẫn tâm không?".
Quang Diệu nhất thời không biết trả lời thế nào, trong lòng anh ta rõ ràng không tán đồng những việc làm của chú Đức. Cục diện hỗn loạn này sớm đã được bố trí từ lâu, giờ ý của chú Đức là khuấy cho nước đục thêm, càng đục càng tốt. Khương Thượng Nghiêu chỉ là cái cớ để chú Đức vịn vào đấy, bất hạnh gặp nạn, nhưng vô duyên vô cớ kéo một người chẳng liên quan gì vào, mặc dù bây giờ chú Đức cũng đang cố kéo Thượng Nghiêu ra, cố gắng giảm thiểu những thiệt hại mà anh phải gánh, nhưng điều dó cũng không thể xóa bỏ được sự thật việc giậu đổ bìm leo của chú Đức.
Quan hệ giữa anh ta và Khương Thượng Nghiêu cũng chỉ là quan hệ xã giao, nhưng dù sao anh ta cũng lớn hơn anh vài tuổi, nên có thể coi là tận mắt chứng kiến Thạch Đầu và Hắc Tử trưởng thành. Hơn nữa anh ta lại rất thích phẩm chất giữ thân trong sạch bằng mọi cách của Khương Thượng Nghiêu, trong mắt người như anh ta, người có được những phẩm chất như thế thật đáng quý.
Gió nhè nhẹ thổi dưới ánh mặt trời ấm áp, phía xa xa từng sóng lúa mạch nhấp nhô trên đồng, hương lúa thơm và ngọt ngào bay lượn trong không khí.
Chú Đức trầm ngâm như đang suy nghĩ điều gì, một lúc sau mới u ám khẽ nói: "Phải để nó sống không bằng một con chó, rồi cho nó sống cuộc sống của con chó thì sau này nó sẽ ngoan ngoãn vẫy đuôi nghe lời như chó vẫy đuôi chạy theo chủ vậy".
Dù nói khá nhỏ, nhưng Quang Diệu đứng cạnh chú vẫn nghe thấy hết. Anh ta đang cúi người rót trà cho chú Đức, mỗi từ như một nhát dao, nhưng bàn tay rót trà của Quang Diệu vẫn điềm tĩnh không dao động. Anh ta cười khổ, trái tim tê liệt đến cảm giác thương xót đồng loại anh ta cũng quên mất rồi.