Ngoại truyện 17: Tế lễ ở Thái Sơn

Mùa xuân năm Dận Chân sáu mươi tuổi, Nhan Tử La nói muốn du ngoạn đến Thái Sơn, khi ấy họ đang ở thành Phượng Hoàng, Hồ Nam. Tiếp tục đi Hồ Bắc, Hàn Nam rồi tới Sơn Đông.

Nhan Tử La rất muốn tới đầm Vân Mộng[1] nổi tiếng trong lịch sử xem sao, nhưng tính toán thời gian thì thấy đành thôi vậy. Song Quy Nguyên tự thì nhất định phải đi, ai bảo ông lão nhà nàng thích tới đó lễ Phật chứ. Hoàng Hạc lâu và Thanh Xuyên các đương nhiên cũng không thể bỏ qua, nổi tiếng biết bao. Mặc dù rất muốn cổ vũ Dận Chân đề thơ, nhưng ngẫm nghĩ, Lý Bạch còn không dám đề, ông lão nhà nàng chỉ là một nhân vật nhỏ bé trong giới văn nghệ mà thôi, bỏ qua đi.

[1] Đầm lầy lớn Vân Mộng: Nằm ở phía Bắc hồ Động Đình, ở tỉnh Hồ Bắc, là nơi chứa lũ của sông Dương Tử.

Thần Nông Giá[2] và núi Võ Đang[3] là nơi mà Nhan Tử La đã mộng tưởng từ lâu, đương nhiên cũng không thể bỏ qua, nàng rất hi vọng có thể gặp được một dã nhân trong truyền thuyết. Đang tiếc nàng không có may mắn ấy!

[2] Thần Nông Giá: Rừng rậm nguyên thủy vùng Tây Bắc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Vùng rừng rậm này nổi tiếng với thuyết về dã nhân, một trong những bí ẩn lớn của nhân loại.

[3] Núi Võ Đang: Còn có tên là núi Thái Hòa, là một dãy núi nằm ở phía Nam thành phố Thập Yển, Tây Bắc của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Nơi đây được coi là một trong những cái nôi võ thuật của Đạo giáo với Thái Cực quyền và Bát Quái chưởng được phát triển từ thế kỷ XIII.

Đi qua Hồ Bắc vào Hà Nam, Nhan Tử La kéo Dận Chân tới Lạc Dương ngắm mẫu đơn, loại mẫu đơn nổi tiếng quý hiếm muôn hồng nghìn tía đó không phải nàng chưa từng nhìn thấy, chỉ có điều nếu ngắm tại Lạc Dương sẽ có cảm giác “nguyên chất” hơn. Điều khiến nàng kinh ngạc mất hai ngày liền chính là Dận Chân mua cho nàng rất nhiều hoa mẫu đơn màu đỏ. Nàng nhìn chàng với vẻ mặt băn khoăn dò hỏi, chàng có phần ngại ngùng nói: “Nhìn gì, không phải thích hoa màu đỏ hay sao!”, sau đó còn độc ác bổ sung thêm hai từ để tổng kết: “Dung tục!”.

Nhan Tử La ôm hoa mẫu đơn cười, không thèm tính toán với chàng, nàng biết ông lão nhà nàng đang xấu hổ.

Vốn là Dận Chân muốn đến Long Môn động[4] và núi Thái Hành[5] nhưng bị Nhan Tử La gạt phắt đi, lý do là nếu tới hai nơi đó thì khi đến Thái Sơn đã là mùa đông mất rồi. Dận Chân bèn chau mày nhìn nàng, không hiểu tại sao nàng đột nhiên lại đòi leo Thái Sơn.

[4] Long Môn động hay còn gọi là hang đá Long Môn. Các hang động này chủ yếu mô tả các chủ đề về Phật giáo, được chạm khắc rải rác dọc theo hai núi Xiangshan (về phía Đông) và Long Môn (về phía Tây).

[5] Núi Thái Hành hay Thái Hàng là một dãy núi chạy từ cạnh phía Đông của cao nguyên Hoàng Thổ ở các tỉnh Hà Nam, Sơn Tây và Hà Bắc của Trung Quốc.

Nhưng cũng vẫn may, tới tháng Chín, họ thuận lợi tới được Thái An[6]. Vì sớm đã có người đi trước lo liệu, nên họ dừng chân tại một trai viện dưới chân Thái Sơn.

[6] Núi Thái Sơn nằm ở tỉnh Sơn Đông, thuộc phía Bắc thành Thái An.

Nghỉ ngơi hai ngày, Nhan Tử La kéo Dận Chân leo Thái Sơn. Vẻ mặt tràn đầy hưng phấn.

Trời còn chưa sáng, Nhan Tử La đã gọi ông lão nhà mình dậy, bọn a hoàn sớm đã thu xếp xong xuôi, những người đi theo ngoài sáng hay trong tối đều đã thắp đèn lồng chuẩn bị leo Thái Sơn.

Leo mãi leo mãi, Dận Chân có chút thắc mắc, bà lão nhà chàng có lẽ chưa từng đến Thái Sơn, nhưng nàng tỏ ra dường như rất thân thuộc đối với nơi này. Họ đi tuyến đường leo núi riêng, đến Hồng Thiên Môn, trời đã bắt đầu sáng. Nhan Tử La nhìn nhìn Dận Chân: “Ông lão, không sao chứ? Phải bắt đầu leo rồi đấy!”.

Dận Chân nhìn nàng một cái: “Ta lại lo cho nàng ấy!”.

“Không cần lo cho thiếp, thiếp rất khỏe!”, Nhan Tử La cười đáp.

Nói thật thì độ cao một nghìn năm trăm mét này thực đúng là khảo nghiệm quá khắc nghiệt đối với con người. Còn chưa tới Thập Bát Bàn[7], Nhan Tử La đã thở hồng hộc. Dận Chân lệnh cho mọi người dừng lại nghỉ ngơi, ngồi xuống bên Nhan Tử La.

[7] Thập Bát Bàn: Đường núi đi từ Đối Tùng Sơn cốc tới Nam Thiên Môn gọi là Thập Bát Bàn. Toàn hành trình có 79 bàn, tổng cộng 1633bậc. 393bậc đầu tiên gọi là Mạn (chậm) Thập Bát Bàn, 767 bậc ở giữa gọi là Bất khẩn (không gấp) bất mạn (không chậm) Thập Bát Bàn, 473 bậc cuối cùng gọi là Khẩn (gấp) Thập Bát Bàn. Người ở nơi ấy có câu truyền miệng: “Khẩn Thập Bát, Mạn Thập Bát, Bất khẩn bất mạn hựu (lại) Thập Bát”.

“Bà lão, ngồi ghế tre[8] đi!”, Dận Chân nói. Bà lão nhà chàng leo Phiêu Miểu Phong mà đã mệt muốn chết rồi, huống hồ là Thái Sơn.

[8] Kiểu ghế có người cõng.

Nhan Tử La lắc đầu: “Thiếp nghe nói leo lên được Thái Sơn, cảnh giới về tinh thần của con người sẽ được nâng cao, thiếp không thể để chuyện tốt thế này nhường cả cho chàng được!”.

“Vớ vẩn!”, Dận Chân nói, “Còn rất xa!”.

“Thiếp biết, đi hết Thập Bát Bàn mới mệt”, Nhan Tử La đáp, “Khẩn Thập Bát, Mạn Thập Bát, Bất khẩn bất mạn hựu Thập Bát. Đại gia, thiếp quên nhắc chàng, khi ấy nếu chàng hạ lệnh san bằng Thập Bát Bàn thì tốt biết bao!”.

“Đừng có suy nghĩ viển vông!”, Dận Chân nói.

“Ha ha, đợi thiếp leo lên tới đỉnh Ngọc Hoàng rồi viển vông sẽ thành thật thôi!”, Nhan Tử La cười nói, sau đó đứng dậy, “Đi thôi, mặc dù chúng ta đều là người già cả, nhưng cũng không nên làm người già mất mặt!”.

Đến Thập Bát Bàn, chân Nhan Tử La thật không thể cử động được nữa, Dận Chân lại bảo nàng ngồi ghế tre, nàng vẫn từ chối, chỉ có điều lần này nàng yêu cầu ông lão nhà nàng cầm tay nàng cùng leo núi. Dận Chân không hề do dự, cầm tay nàng leo song song với nhau. A hoàn, thị vệ mặc dù cúi đầu không nhìn, nhưng lại không dám lơ là ánh mắt đi quá xa, những bậc thang dựng đứng thế này, chẳng ai dám bất cẩn cả!

Sau vô số lần ngồi nghỉ, cuối cùng Nhan Tử La cũng đã đứng được trước Nam Thiên Môn, Dận Chân bèn cười nhìn nàng.

Đến Thiên Nhai, Nhan Tử La đã có thể tự đi vững rồi, nhưng Dận Chân vẫn nắm tay nàng.

“Ông lão, chúng ta thế này nhìn rất tình cảm phải không?”, Nhan Tử La nói khẽ để trêu ông lão nhà mình.

“Ha ha!”, Dận Chân cười, “Lòng bàn tay đầy mồ hôi rồi!”. Tình cảm? Ướt nhẹp thì có!

“Ông lão, trước ngưỡng cửa vào Thái Sơn, chàng không thể nói vài lời khiến thiếp vui hay sao?” Nhan Tử La cấu thật mạnh vào cánh tay Dận Chân thể hiện sự bất mãn của mình.

“Nàng ấy à”, Dận Chân nhìn nàng một cái, “năm mươi mà cứ như mười lăm vậy!”.

“Dung mạo hả?” Nhan Tử La cười.

“Tính cách”, Dận Chân đáp.

Đến đỉnh Ngọc Hoàng, Nhan Tử La buông tay Dận Chân ra, bảo a hoàn và thị vệ lui về phía sau.

“Lại muốn làm gì?”, Dận Chân thắc mắc.

“Không làm gì cả!”, Nhan Tử La cười đáp, “Chàng nói xem, thiếp chưa từng gặp vị hoàng đế nào mà keo kiệt như chàng, chẳng phải chỉ là leo núi Thái Sơn một chuyến thôi sao, có thể tiêu được bao nhiêu tiền chứ? Cùng lắm là mang theo ít người thôi, hơn nữa, dọc đường còn có quan viên chuẩn bị nghênh đón, đâu tới lượt chàng thò tay vào túi mình lôi mấy xâu tiền lẻ ra? Còn phải phiền một bà lão năm mươi như thiếp hầu chàng lần này!”.

Dận Chân không nói gì, chỉ nhìn nàng một cái bằng ánh mắt không tán đồng. Sau đó ngắm biển mây phía xa.

“Nàng cho rằng ta có tư cách đó sao?”, Dận Chân nói.

“Tại sao không có?” Nhan Tử La đi tới sau chàng, “Người khác không biết, nhưng bản thân chàng còn không biết sao? Bạc trong quốc khố đâu phải do gió mang tới, cai trị nghiêm minh cũng không phải do đám quan viên kia phẩm chất cao sang, mà là công cao đức hiển của chàng. Hơn nữa, bốn bể thái bình, bách tính an cư, mặc dù thỉnh thoảng có chiến sự nhưng thiên hạ thống nhất. Chỉ thiếu điềm lành thôi, nhưng, Tiên đế gia đến Thái Sơn ba lần không lẽ lần nào cũng là có điềm lành?”.

Dận Chân không lên tiếng.

“Trước kia không leo, hôm nay thì cần gì phải bày vẽ rình rang nữa. Nhưng thế này lại hợp với tính cách của vị hoàng đế keo kiệt như chàng, tiết kiệm!” Nhan Tử La cười, “Nghi thức đốt lửa để cầu nguyện[9] này giờ không còn linh nghiệm nữa, chàng hãy ra nơi cao nhất kia mà cầu xin Trời ấy, cầu phúc cho chúng sinh đi!”.

[9] Nghi thức đốt lửa cầu nguyện trên núi Thái Sơn: Là nghi thức mà các đế vương cổ đại hay dùng để cầu gió khiển mưa, cầu cho dân chúng bình an.

Dận Chân quay đầu nhìn nàng, sau đó miệng khẽ nhếch lên: “Dù sao cũng đã leo cùng trẫm lên tới đây rồi, làm người tốt làm tới cùng đi!”.

Nhan Tử La cười, đi tới cầm lấy bàn tay mà Dận Chân chìa ra, hai người chầm chậm tiến đến phiến đá cao bên sườn núi.

Dận Chân lẳng lặng cầu nguyện những gì, Nhan Tử La không biết, nàng chỉ yên lặng đứng cạnh chàng thôi.

Đợi Dận Chân không còn ngước mắt nhìn trời nữa, Nhan Tử La mới cười nói: “Sau này thiếp không đến nữa đâu, già rồi, xương cốt sắp gẫy hết cả rồi”.

Dận Chân cũng cười: “Bà lão, về thôi! Ta muốn đến núi Thái Hành”.

“Vẫn còn nhớ cơ đấy?” Nhan Tử La cười, nói: “Vậy được, đi hết Thái Hành sẽ tới Vân Nam, chúng ta tìm một nơi có tên là Shangri-la[10]!”.

[10] Shangri-la vốn là huyện Trung Điện thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, được đổi tên vào năm 2001.

“Được!” Dận Chân đồng ý.

Nhưng, vì tuổi đã cao, nên từ Thái Sơn quay về, xương cốt Nhan Tử La đau nhức mấy ngày liền, hễ động đậy là xuýt xoa đau tới chau mày nhăn mặt. Dận Chân nhìn thấy bèn cười, sau đó nhẹ nhàng bóp cánh tay cho nàng!

“Động tác rất thành thục, thưởng!”, Nhan Tử La nói.

“Thưởng gì?”, Dận Chân hỏi.

“Bóp nốt cánh tay này đi!” Nhan Tử La cười.

Dận Chân dùng lực lên cánh tay đó, Nhan Tử La lại xuýt xoa.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện