Chương 24: Bản trình bày của bên bào chữa bản án
Kính thưa các vị thành viên Hội đồng xét xử. Các vị sẽ quyết định xem Elinor Carlisle có đáng được trắng án hay không?
Nếu sau khi nghe hết lời khai của các nhân chứng các vị vẫn tin rằng Elinor Carlisle đã đầu độc Mary Gerrard, thì xin các vị tuyên bố bị cáo là kẻ có tội.
Còn nếu những giả thuyết khác của bên bào chữa chúng tôi đưa ra các vị thấy có thể chấp nhận được và các vị thấy phù hợp với sự thật thì xin các vị tuyên bố bị cáo vô tội.
Đến phút này, hẳn các vị đã thấy các sự kiện khác hẳn với những gì chúng ta hình dung lúc bắt đầu phiên tòa.
Hôm qua, sau bằng chứng đầy bi thảm do ông Hercule Porot đưa đến, tôi mời các nhân chứng khác, và họ đã chứng minh một cách không thể hồ nghi được, rằng Mary Gerrard chính là con ngoài giá thú của phu nhân Laura Welman. Và như thế có nghĩa, tiếp sau đây sẽ là sự công nhận của Viện quý tộc Hoàng gia Anh sẽ công nhận vị trí quý tộc của tiểu thư đã quá cố Mary Gerrard. Tiểu thư mới là người có quan hệ huyết thống gần nhất của cố phu nhân Laura Welman và được quyền hưởng thừa kế gia tài. Thưa các vị, đấy chính là điểm mấu chốt của vụ án.
Khoản tiền to lớn khoảng hai trăm ngàn bảng thuộc về tiểu thư Mary Gerrard nhưng tiểu thư đến lúc qua đời vẫn chưa biết mình được hưởng quyền lợi đó. Đồng thời cũng chưa biết lai lịch thật của người đàn bà tên là Hopkins. Các vị có thể cho rằng Mary Riley hoặc Draper có quyền chính đáng đổi tên thành Hopkins nhưng tại sao bà ta không công khai nói rõ điều đó ra ở đây?
Sau đây là tất cả những gì chúng ta đã biết: Do bị Hopkins mớm, tiểu thư Mary Gerrard đã làm di chúc để lại toàn bộ tài sản cho ‘Mary Riley, em gái của Elisa Riley’. Chúng ta biết rằng do nghề nghiệp, bà ta có điều kiện có thuốc morphin và apomorphin, và biết tác dụng của hai thứ thuốc này. Hơn nữa, chúng ta đã có đủ bằng chứng để thấy vết rớm máu bà ta bảo là do gai hoa hồng, thật ra là do mũi tiêm dưới da chất apomorphin, giúp bà ta tống ra ngoài chất độc bà ta cho vào nước trà và đã uống cùng với tiểu thư Mary Gerrard. Nhờ vậy, mặc dù hai người uống, nhưng chỉ Mary Gerrard bị chết, bà ta thì không. Chúng ta hẳn còn nhớ lời khai của bị cáo, cho biết lúc bị cáo vào bếp thấy Hopkins có vẻ mệt mỏi và da mặt có màu sắc ‘rất lạ’. Chúng ta dễ dàng hiểu được, chính là bà ta vừa nôn thốc nôn tháo...
Tôi xin chứng minh một điểm nữa: nếu phu nhân Laura Welman sống thêm hai mươi tư giờ nữa, hẳn phu nhân đã để lại di chúc. Nhiều khả năng là trong bản di chúc đó, Mary Gerrard sẽ được hưởng một khoản tiền lớn, tuy chưa phải toàn bộ gia tài, bởi phu nhân nghĩ rằng con gái ngoài giá thú của bà sẽ sống sung sướng hơn, nếu đứng ngoài tầng lớp xã hội của bà.
Lẽ ra tôi không nên đưa ra những bằng chứng kết tội một người nào khác, nhưng tôi buộc phải đưa ra ở đây, chỉ nhằm mục đích chứng minh: ngoài bị cáo, còn có một người khác cũng có động cơ mạnh mẽ không kém gì bị cáo để giết nạn nhân.
Tự đặt mình dưới góc độ đó, thưa các vị thành viên Hội đồng xét xử, tôi xin phép được khẳng định trước tòa rằng lời buộc tội đối với bị cáo Elinor Carlisle đã sụp đổ...”
II
Bài phát biểu của Chủ tọa phiên Tòa, thẩm phán Beddingfeld:
- “... Các vị còn tin rằng bị cáo đã đầu độc Mary Gerrard bằng một lượng moóc-phin nguy hiểm ngày 27 tháng Bảy nữa không? Nếu các vị không còn tin như thế nữa, xin các vị hãy xác nhận bị cáo vô tội.
Bên buộc tội nói rằng người duy nhất có lý do để giết Mary Gerrard là bị cáo.
Nhưng bên bào chữa đã ra sức bác bỏ nhận định trên. Thoạt đầu bên bào chữa cố chứng minh, đây là một vụ tự tử. Lập luận họ đưa ra chỉ là dựa vào bản di chúc của Mary Gerrard lập ra trước khi chết ít ngày. Nhưng lại không có bằng chứng nào nói lên được rằng nạn nhân đau khổ, tuyệt vọng đến mức quyên sinh.
Bên bào chữa còn đưa ra giả thuyết cho rằng có một người nào khác đã lọt vào bếp trong lúc Elinor Carlisle ra ngoài, và chính kẻ này đã rắc bột moóc-phin lên những khoanh bánh mì. Nếu như vậy, mục tiêu kẻ đó nhằm giết hại phải là bị cáo chứ không thể là Mary Gerrard, và nếu như vậy, sự kiện Mary Gerrard nhiễm độc chỉ là kết quả của một sự lầm lẫn của hung thủ.
Giả thuyết thứ ba của bên bào chữa là một người nào khác nữa bỏ moóc-phin vào thức ăn, nếu như thế, chỉ có thể bỏ vào trà chứ không thể vào bánh mì.
Bên bào chữa bèn dẫn đến nhân chứng Littledale, ông này đã xác nhận mẩu giấy tìm thấy trong khe sàn bếp sau bàn là một phần của nhãn dán trên lọ thuốc apomorphin, chứ không phải nhãn thuốc morphin, và apomorphin là một chất gây nôn cực mạnh. Chúng ta đã được xem bản mẫu nhãn này so sánh. Theo tôi, cảnh sát đã có khuyết điểm là không nghiên cứu kỹ. Lẽ ra phải tìm nhãn còn nguyên vẹn để điều tra, đã làm việc thiếu thận trọng, vội vã kết luận một điều không đúng, chưa qua thẩm tra nghiêm túc.
Nhân chứng Hopkins khai rằng bị gai hoa hồng đâm phải, nhưng nhân chứng Wargrave đã kiểm tra cây hoa hồng này không có gai. Và các vị chỉ còn việc xác định thực chất vết rớm máu trên cổ tay bà y tá Hopkins là sẽ tìm ra được nguyên nhân của vết rớm máu đó.
Nếu bên buộc tội thuyết phục được các vị rằng chính bị cáo chứ không phải người nào khác là thủ phạm vụ đầu độc, xin các vị tuyên bố bị cáo là có tội.
Nếu một trong những giả thuyết do bên bào chữa đưa ra được các vị thấy có thể chấp nhận, xin các vị tuyên bố bị cáo vô tội.
Tôi đề nghị các vị đưa ra lời phán quyết một cách chính xác và dũng cảm, hoàn toàn chỉ căn cứ vào bằng chứng các vị đã nghe”.
Elinor Carlisle lại được dẫn vào phòng xét xử.
Các thẩm phán ngồi vào vị trí.
- Thưa các vị! Xin các vị cho biết: đồng ý hay không với bản phán quyết?
- Đồng ý.
- Xin các vị hãy nhìn bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa, và xin nói bà ta có tội hay không có tội?
- Bị cáo vô tội!