Story 26: Con mèo tam thể trên nóc nhà
Đây là câu chuyện kể về tôi - đứa con gái lóng ngóng trong chiếc váy suông màu trắng, đứng giấu mình giữa những đám lá thiết mộc lan cao quá đầu, những bụi hương thảo ngan ngát vừa cao đến hông cùng những dây thường xuân lá nhỏ rủ xuống vai dịu dàng. Và Tuấn, chàng họa sĩ ngồi giữa hỗn độn những họa sĩ phía bên kia đoạn hành lang hẹp ngập nắng, cánh tay dài đưa những nét chì than đầu tiên trên tấm vải trắng.
Xoạt, xoạt... Tiếng đầu bút cào trên mặt giấy đều đặn.
Đầu mùa Đông năm ngoái, khi cây bàng nơi góc phố rụng những chiếc lá đỏ đầu tiên, Tuấn xuất hiện trước cửa nhà tôi với hai cái va li và một tay nải toàn họa cụ lỉnh kỉnh. Khuôn mặt trái xoan, khóa miệng xếch như đang nở nụ cười và mái tóc dài chấm vai làm cậu trông duyên dáng đến ngỡ ngàng. Bộ dạng ấy chẳng có gì giống với một thằng con trai vừa bay qua nhiều múi giờ để đến trước cửa nhà tôi. Diện mạo của cậu làm tôi nhất thời không tìm cho ra từ ngữ phù hợp.
"Con cứ tưởng tượng như mình vừa có thêm anh hoặc em hoặc một cậu bạn là được mà!" - Bố vỗ vai tôi, nói bằng giọng động viên. Sự động viên giống như bức tường với lớp sơn phủ bong tróc, bất lực vì hơi ấm tỏa ra từ sâu bên trong lõi gạch. Theo lời bố, Tuấn là con trai của một người bạn cũ đang ở nước ngoài. Cậu sẽ về nghỉ Hè và sẽ ở nhà tôi một thời gian.
Có ai nghỉ Hè vào giữa tháng 12 đâu - Tôi toan nói ra, nhưng lại thôi, mắt dán chặt vào bức tranh lồng khung kính treo cao qua đầu trên bức tường sau lưng bố. Chúng tôi dành toàn bộ bức tưòng trống ấy để treo những bức ảnh gia đình, nhưng vô thức, ánh mắt tôi luôn bị hút vào bức ảnh treo ở vị trí khuất nẻo ấy. Bức chân dung một người phụ nữ với khuôn mặt đến từ những thập niên trước - đôi mắt với hàng mi dày, đen óng đầy tính kịch, ánh nhìn mơ màng, đôi môi trái tim với khoé miệng hơi nhếch lên thành nụ cười... tất cả nằm hài hòa trên khuôn một trái xoan với mái tóc phi-dê dài chạm vai kiểu cách. Là "gia đình" mà cũng không phải gia đình. Chẳng những thế, trông cậu ta còn giống hệt"bác ấy" trong bức ảnh treo trên tường... - Tôi nghĩ, và tiếp tục giữ phát hiện ấy cho riêng mình.
Không cần những điều ấy, thì bố tôi đã có đủ thứ để phiền muộn rồi.
Thời gian đầu, những giới hạn về ngôn ngữ, và cả sự đề phòng thu hẹp phạm vi giao tiếp của chúng tôi trong một vài cái gật đầu hay vài nhóm câu đơn giản. Tôi và cậu chỉ thực sự "nói chuyện" khi tôi giúp cậu củng cố lại vốn tiếng Việt theo đề nghị của bố.
Không dưới hai chục lần, giữa những buổi ôn luyện, quyển sách học vần trên tay tôi bay vèo qua chiều ngang chưa đầy năm mét của căn phòng, trước khi mất hút ngoài cửa sổ. "Phải kiên trì, kiên trì chứ!" - Bố thường gọi với theo mỗi khi thấy cái dáng chồn núi của tôi chạy vèo qua cửa ra vào. Ước gì bố hiểu vấn đề của tôi không nằm ở sự kiên trì.
Tuấn khiến bất kì ai mới nhìn cậu liên tưởng đến diện mạo của người phụ nữ trong bức chân dung từ quá khứ. Sau hai cuộc hôn nhân ngắn ngủi, bố (và tôi) vẫn chọn khu phố cũ để tiếp tục cuộc sống. Biết đâu những người hàng xóm lâu năm cũng nhận ra sự giống nhau kỳ lạ đó và không ngại ngần đưa ra những suy luận, kết đoán tệ hại, như những điều đã từng xảy ra trước đó. Trong vài lần nói chuyện nghiêm chỉnh giữa hai bố con, thường là khi bố bắt gặp tôi về nhà với đôi mắt đỏ mọng, hoặc khóc rấm rứt định giấu tiệt hết những bức ảnh của mẹ hoặc có mẹ còn sót lại trong nhà. Nhưng khi bố hỏi tại sao thì tôi khăng khăng không chịu mở miệng. Bố bảo, bố không giận mẹ, bố nghĩ mẹ cũng rất đau khổ để tìm ra mình, giới tính thực sự của mình và đi đến quyết định đó. Bố thậm chí còn mang ơn mẹ, vì thực tế, mẹ đã tặng bố món quà tuyệt vời nhất là tôi, và mẹ đã hy sinh rất nhiều khi để tôi lại cho bố... Thế nhưng tôi không-cho-qua được nỗi tủi hổ của một đứa trẻ bị lấy đi cả thời thơ ấu, và phần lớn thời gian của tuổi thiếu niên để chống chọi với những lời bình phẩm. Tôi không hận mẹ. Nhưng tôi không muốn gặp, không muốn nhắc đến quá khứ từng có của bố mẹ cũng như hiện tại của mẹ bây giờ.
Thế nên khi đứng trước cậu, tôi bị mắc kẹt giữa cảm giác phân vân không biết nên cảm thấy bất hạnh vì là đứa trẻ của gia đình không hoàn thiện, hay nên cảm thấy có lỗi vì sự có mặt của mình trên đời gây nên sự không hoàn thiện ấy. Mặc cảm này có thể vô lí, nhưng nó hiện hữu, như một bóng ma đè nặng trái tim tôi. Không cách nào rũ bỏ.
Vậy nên cho đến hết tuần học kèm địa ngục đó, cuốn sách học vần buộc phải vào vai cái bao cát để tôi trút giận.
*
Hãy tưởng tượng cảnh một con mèo béo quay bị bỏ nồi bắc bếp, miệng vẫn ngậm chặt không rời miếng cá khô ăn vụng được. Còn chủ con mèo thì cáu tiết ném hết chiếc dép này đến chiếc dép khác lên nóc nhà để nhóm lửa. Rào cản ngôn ngữ bị xóa bỏ phần nào không khiến Tuấn nói nhiều hơn lúc trước, nhưng biến cậu trở thành người truyền vào đầu tôi những liên tưởng kiểu "giời ơi" như thế.
Thỉnh thoảng Tuấn kéo tay tôi, khi tôi ngồi tựa lưng vào ban công có mái che - xưởng vẽ dã chiến cúa Tuấn, đầu óc chìm nghỉm trong cuốn sách kê trên đùi. Khi tôi ngước mắt lên "Há?" thì cậu sẽ xoay ngược cái cọ vẽ đang cầm trên tay, trỏ về phía mái nhà hàng xóm. Trong đa số các trường hợp, tôi sẽ chẳng buồn quay lưng lại mà đáp luôn: "Con mèo tam thể béo già đau đớn đấy ngày nào chẳng tha cá lên nóc nhà ngồi ăn. Có thấy dép guốc chổi xể la liệt trên cái mái tôn đấy không? Là nhà đó ném đuổi con mèo đấy..." Tôi lười biếng đưa ra câu trả lời, còn Tuấn, ngơ ngác hỏi lại "Muốn truy cập (ối giời ơi, tự hiểu là cậu ấy muốn nói đến "truy đuổi" nhé) mèo là phải ném dép lên nóc nhà hả?"
Logic ngôn ngữ vẫn chưa hoàn thiện của Tuấn đã nhiễm vào tôi như thế. Tới độ chẳng hiểu từ lúc nào, vì mãi cười mà thế giới quanh tôi bỗng chốc lộn tùng phèo, và bóng ma cũng vì thế mà rơi đi đâu mất.
*
Một buổi chiều, tôi và Tuấn cùng nhau vào siêu thị. Hai đứa chúng tôi trông như thể hai chị em gái với Tuấn, đội mũ vải mềm, mái tóc dài quá vai tết gọn sau gáy là chị. Chúng tôi đẩy xe chở hàng đi giữa hai bên là hàng núi hộp quà Tết đủ loại đủ kiểu. Không khí bên trong siêu thị khiến tôi chợt nhớ ra mình sắp bước vào cái tháng bận rộn kinh khủng nhất trong năm. Nào thì chuyện mua bán sắm sửa, rồi thì những người họ hòng với vẻ xởi lởi gượng gạo...Ôi nghĩ đã đau đầu.
"Cậu muốn ăn gì?" - Tôi hỏi Tuấn.
Cái đầu xinh xắn của Tuấn khẽ lúc lắc qua lại, vành môi hơi cong lên. Đoạn cậu ta giành cái xe đẩy từ tay tôi, bắt đầu lựa đồ từ trên giá.
"Này, tớ không biết nấu cái đó đâu! Cậu đừng có lấy mà!" - Thỉnh thoảng tôi lại hốt hoảng hét lên khi thấy Tuấn nhấc từ trên giá xuống, lúc thì một hộp cá mòi, lúc lại là một chai sốt mà nội việc đánh vần cho ra tên của nó đã đủ làm lưỡi tôi xoắn cả lại. Những lúc ấy, Tuấn sẽ quay lại nhìn tôi, và đáp: "Nhưng tớ thì biết."
Chúng tôi đụng đầu "hội phụ nữ" ở đầu quầy hoa quả. Tôi đặt cho họ cái tên này vì đó là hai mẹ con bác chi hội trưởng chi hội phụ nữ phường tôi. Chính là cái nhà có con mèo tam thế ăn vụng.
Con gái bác học cùng lớp với tôi, xinh xuất sắc, giỏi xuất sắc - cái gì cũng xuất sắc trừ cái miệng không biết đâu là điểm dừng của nó.
"Ôi chao, cháu đi chợ đấy à, giỏi quá cơ. Cháu mua gì đấy? Ôi cá ngừ cơ à... [bồ lô ba la...] mà cũng khổ quá cơ ở một mình với bố nên chắc cháu chắc phải vất vả lắm... [bô lô ba la...]"
Tôi thấy thật may vì lúc nãy đã không hứng chí mà mua hộp kem có vị là lạ ở quầy đông lạnh.
Bởi nếu có thì giờ này chắc kem cũng tan chảy hết rồi. Màn độc diễn làm tôi quên mất Tuấn. Chỉ cho đến khi cậu đột ngột ấn vào tay bác chi hội trưởng cả quả dưa hấu, miệng ngoác ra đến mang tai thì tôi mới giật mình.
"Bác ăn thêm dừa đi này!" - Tuấn nói, tiếp tục nhấc thêm một quả dừa từ quầy bên cạnh. Khỏi phải nói bác chi hội trưởng bàng hoàng đến mức nào. Mắt trợn tròn, hàng lông mày xăm vẽ cầu kì nhướn lên, miệng há hốc nhưng tay vẫn cố ôm ngực cho ra kiểu quý phái.
"Cô bé này là ai thế?" - Bác chi hội trưởng có vẻ vẫn chưa muốn buông tha cho hai đứa tụi tôi. "Trông cao ráo xinh xẻo nhỉ?"
Tôi kịp giữ tiếng cười ngay trước khi nó bật khỏi đầu lưỡi. Bên cạnh, Tuấn khẽ hất tóc làm trò, càng khiến người ta tin cậu là "một con bé". Tôi huých khẽ vào tay Tuấn, ra dấu cậu hãy đáp lại. Tuấn nhìn tôi, chân mày nhướn lên kiểu "việc của cậu chứ tớ đâu". Tôi cáu tiết đá cậu một cái, đoạn quay về phía bác chi hội trưởng:
"Là con của bạn bố cháu ạ."
"Ừ... Mà nhìn kĩ thì... Chu choa, trông giống vợ cả của bố cháu nhỉ? Giống y từ cái mặt đến cái miệng í. Đến bác còn nhầm... Hồi đó đám cưới của bố mày với cô ấy là to nhất phố. Ai cũng bảo là đẹp đôi, thế mà... Chẹp..."
"Bác ăn thêm dứa không?" - Tuấn lại hỏi. "Dứa to lắm. Lại còn tươi nữa này." - Cậu giơ cao quả dứa một cách khoa trương trước mặt bác chi hội trưởng.
Lần này thì bác kinh hoàng đẩy xe đi thẳng. Tôi đổ ập vào Tuấn, toàn thân rã rời. Bàn tay lạnh ngắt của con ma đã chạm được vào lưng tôi. Một tôi úp vào ngực áo Tuấn, cố giấu nước mắt giữa những nếp áo thoáng mùi nhựa thông.
Cớ sao trong số hàng tỉ chuyện đã xảy ra trong đời một ai đó, những chuyện đáng để nhớ đến và những điều cần phải quên đi, người ta cứ buộc tôi phải nhớ về những điều không muốn nhớ đến nhất?
Tôi đón tiếp cô trong căn phòng chật hẹp của mình, trên một chiếc bàn gia cố lại từ rương gỗ đựng vài ba món đồ sưu tập. Cuộc trò chuyện như lớp kem đá bào trong nước soda, trôi qua lại giữa hai bên, dần dần biến mất không để lại dấu vết.
Vốn là những câu hỏi cũ. Cuộc sống có khó khăn gì không, có cảm thấy bất ổn về một tâm lí không, cô có giúp được gì không... Tôi thậm chí còn đoán được một số câu hỏi trước khi nó được nói ra. Và cũng như muôn vàn những cuộc gặp mặt giáo viên khác, tôi trả lời các câu hỏi theo kịch bản đã thuộc làu. Cho đến khi câu chuyện rẽ theo chiều hướng mới:
"Các bạn báo cho cô là em đang có quan hệ tình cảm không lành mạnh với một bạn nữ khác và có cử chỉ thân một với nhau ở nơi công cộng."
Đến đây thì tôi bật cười. Mặc kệ sự có mặt của cô giáo, tôi cứ cười mãi, khóc mãi mà không thể dừng lại. Hẳn là tin đồn ấy đã lan ra với những câu bình luận thêm vào kiểu "đúng là mẹ nào con nấy" hoặc "tôi đã nói rồi mà, ngày xưa mẹ nó chỉ lấy bố nó làm bình phong"...
Tôi đã nói điều gì đó với cô, đại loại mọi người cứ ghét tôi đi, cứ nhạo báng tôi đi, nhưng hãy để quá khứ của bố mẹ tôi ngủ yên.
"Nhưng cô đừng nói những gì em vừa nói với cô cho bố em. Bố em có quá nhiều thứ cần phải lo lắng rồi." - Tôi thốt lên trước khi loạng choạng bước ra khỏi phòng.
Xui xẻo thế nào, cái đầu nóng bừng bừng của tôi thu trọn vào mắt hình ảnh Tuấn, mái tóc buộc cao sau gáy, đang hí hoáy với những bức vẽ của mình. Tuấn nhìn tôi, vẫn với khuôn mặt khó dò đoán cảm xúc, và cái nghiêng đầu "có chuyện gì thế?"
"Cả cậu nữa. Cậu cố tình khiến người ta nhớ đến mẹ cậu bằng bộ dạng đó chứ gì? Giờ cậu đạt được mục đích rồi đấy!" - Tôi gào lên, cảm thấy con ma tưởng tượng đang bật cười khoái trá.
*
Có lẽ cô giáo chủ nhiệm vẫn thấy mình có trách nhiệm cần phải nói, hoặc diễn giải lại cơn điên khùng của tôi theo một cách dễ hiểu (và dễ chịu) hơn với một ông bố đơn thân từng bỏ vợ và bị vợ bỏ sống cùng cô con gái đang tuổi mới lớn của mình và một cậu thiếu niên nhìn giống hệt người vợ cũ. Chẳng vậy mà "một cuộc nói chuyện'' như những người trưởng thành đã ngay lập tức diễn ra sau đó, giữa bố và tôi.
Tôi thậm ghét ba thứ: Bác chi hội trưởng hội phụ nữ giống như một cái loa chỉ phát những bản tin cũ, cô con gái của bác - kẻ mà hẳn trí tưởng tượng siêu phàm của nó đã thêu dệt nên cuộc tình thống thiết giữa tôi và Tuấn những ngày qua, và cuối cùng, những cuộc trò chuyên kiểu này. Tôi ghét nó, vì nó chỉ diễn ra khi bố thực sự tức giận với tôi, tức giận tới độ không thể dễ dàng mà tha thứ được. Sau những cuộc nói chuyên kiểu này, tôi sẽ vô thức đề phòng bố hơn một chút, cũng như trong mắt bố, ánh thất vọng sẽ càng rõ nét thêm.
Tóm lại, tôi ghét nó kinh khủng.
Ấy thế nhưng tại một điểm bất thường của không gian và thời gian, bố bắt đầu cuộc nói chuyện giữa chúng tôi bằng câu hỏi:
"Hình như giữa bố con ta đang hiểu lầm nhau chuyện gì đó, đúng không?"
*
Ánh nắng của một ngày đầu Xuân làm mắt tôi hấp háy. Những tàu lá đẫm nước lành lạnh cọ vào sống lưng, vào tay áo để trần, vào má buồn buồn. Đôi lúc tôi khẽ ngọ nguậy. Nhưng tuyệt nhiên không rời khỏi vị trí. Bởi phía bên kia đoạn hành lang hẹp, bên giá vẽ, Tuấn vẫn đang chăm chú đưa những nét cọ màu lên tấm toan. Mùi sơn dầu thoáng tới tận chỗ tôi hăng hắc. Mùi nhựa thông hôm nào tôi ngửi thấy trên áo cậu cũng từ đấy mà ra.
Mái tóc của Tuấn chỉ còn một túm nho nhỏ buộc sau gáy. "Vì mùa Xuân ở xứ này nóng tàn bạo!" - Cậu nhận xét. Rõ ràng là tiếng Việt của Tuấn đã tốt lên rất nhiều. Tiếc là không nhờ công lao sư phạm của tôi.
Mái tóc ngắn làm những đường nét trên khuôn mặt Tuấn trở nên cứng cáp hơn. Giờ đây khi chúng tôi đi cùng nhau trên đường, không ai còn nhầm lẫn thành hai chị em, hay một đôi nữ - nữ nữa.
Sau cuộc viếng thăm của cô giáo và cuộc trò chuyện như những người trưởng thành với bố, khi tôi đi học về vào chiều ngày thứ Hai, Tuấn chào đón tôi bằng mái tóc dài đã bị cắt trụi. Mắt Tuấn buồn buồn, miệng cố ngoác ra thành nụ cười gượng gạo. Có lẽ tại khóe miệng xênh xếch. Nhìn bộ dạng ấy, tôi chỉ biết ôm chầm lấy cậu, òa khóc mà thốt lên ba từ 'Tớ xin lỗi."
"... Đúng Tuấn là con của bác ấy. Nhưng Tuấn ở đây không phải để ép buộc bất kì ai nhớ lại những chuyện buồn trong quá khứ. Câu ấy chỉ đang là chính những gì cậu ấy muốn mà thôi. Bố muốn con giúp Tuấn chuyện này chuyện kia, vì bố muốn hai đứa làm bạn. Bố biết con buồn, nhưng đừng để nỗi buồn ấy ngăn cản con cảm nhận những điều tốt đẹp." - Những lời của bố trong cuộc nói chuyện "như những người trưởng thành" diễu lại qua đầu tôi, không gì hơn càng làm tôi chìm sâu trong cảm giác tội lỗi. Như thể chính tôi vừa bóp nát một món đồ bằng giấy tinh xảo giữa những ngón tay ích kỉ và giận dữ cùa mình. Là hiện tại." - Những lời thì thầm của Tuấn lọt vào tai tôi, giống như thứ thuốc an thần xoa dịu bởi chiến trường của cảm xúc và nước mắt ngập trong bộ não đã gần như quá tải. Mức độ phức tập của cậu nói khiến tôi gần như lập tức tin rằng cậu đã luyện tập nó rất nhiều lần. Để tự thuyết phục bán thân cậu, và để dành cho tôi.
*
Hôm nay đã là mùng Ba Tết. Bố vẫn theo thói quen "tháng Giêng là tháng ăn chơi", đã cùng những người bạn già đi thực tế sáng tác từ sáng sớm. Ngày mai Tuấn và tôi sẽ cùng nhau đi thăm gia đình của mẹ tôi trước khi Tuấn về nước thăm gia đình cậu. Ý tưởng về việc tôi và Tuấn cùng xuất hiện trước bậc cửa hẳn sẽ khiến hai người phụ nữ trong căn nhà của mẹ bất ngờ khiến tôi thấy phấn chấn. Ai chẳng thích những bất ngờ, và có lẽ chẳng bất ngờ nào tuyệt vời với mẹ, hơn việc tôi đã thoát khỏi bóng ma của chính mình
Lại một cơn gió nhẹ nữa thổi qua. Gió cuốn theo mùi
khói đốt vàng mã từ ngôi nhà có con mèo tam thể già hay ăn vụng. Con mèo già vẫn nằm ườn sưởi nắng, đầu gối lên chiếc dép màu xanh da trời.
Phan Hải Anh