Story 30: Những cuộc hạnh ngộ

1. Cả trường xốn xáo vì cô bạn lai Pháp mới chuyển về, cô bạn có cái tên rất khó nhớ, luôn bảo mọi người gọi mình đơn giản là Lin.

Mười lăm tuổi, Lin gầy, trắng, thanh thao. Đôi mắt màu nhạt lùi rất sâu. Bờ má lấm chấm nhiều tàn nhang mờ. Mọi thứ đồng lòng gợi tả vẻ mong manh u hoài, chỉ mái tóc xù màu đỏ là ngang nhiên rực rỡ như một mặt trời. Những buổi sáng mùa thu đến lớp, Lin mặc sơ mi trắng - váy xanh đồng phục giản tiện, ăn xôi đậu phộng trước cổng, cởi mở trò chuyện cùng bạn mới bằng thứ tiếng Việt linh láu. Ở những khoảng cách xa, nhìn Lin, lúc bạn ấy xòe mấy lá bàng quạt phơ phẩy, hay đứng kiên nhẫn giữa bát nháo còi xe buổi trưa chờ mẹ đến đón, tôi như thấy một cô tiểu thư Bắc Âu đang loay hoay giữa thành phố xứ nắng đủ thứ khắc nghiệt, nhưng vẫn đài các xinh đẹp, chẳng sao cả.

Khôi hài khi nghĩ đến Lin, nổi bật như thế, rồi mường tượng ra thằng nhóc lớp Mười cùng lớp với bạn ấy là tôi. Thứ duy nhất khiến tôi nổi bật là sự lặng lẽ. Tôi chỉ giỏi đeo cái kính cận lên và ngồi đọc một góc. Có một kệ gỗ lớn ba mẹ gác đầy sách ở nhà, nhiều nhất là văn chương và khoa học thưởng thức, tôi vẫn luôn ghé qua đó mỗi sáng, chọn một cuốn cất vào cặp để dành cho giờ ra chơi.

Ấn tượng ban đầu của Lin về tôi cũng chẳng phải tôi thế này, tôi thế kia, mà bạn ấy thích quyển sách tôi cầm trên tay hôm ấy, Góc sân và khoảng trời, tập thơ nổi tiếng nhất của Trần Đăng Khoa.

"Cậu sẽ đọc cho tớ nghe một bài chứ, Minh?"

Cô bạn đặc biệt ngồi xuống khoảng ghế trống bên cạnh tôi, dãy bàn cuối tách biệt. Ở khoảng cách quá gần, nhiệt lượng mặt trời là không thể hình dung nổi. Những sợi tóc đỏ cứ cọ vào vai làm tôi nóng bừng.

"Hồi ở Pháp, theo gợi ý của mẹ, tớ từng đọc qua bài Hạt gạo làng ta của tác giả này rồi."

Lin chờ đợi. Tôi bối rối giở ngẫu nhiên, trang 97 in bài Chớm Thu. Tôi đọc chậm, Lin gật gù lẩm nhẩm theo.

Nửa đêm nghe ếch học bài

Lưa thưa vài hạt mưa ngoài hàng cây

Nghe trời trở gió heo may

Sáng ra vại nước rụng đây hoa cau

"Tớ chưa bao giờ được nghe ếch đồng kêu thực sự hết đó Minh. Cậu thì chắc rồi nhi? Sở thú chỉ có khỉ và sư tử thôi, chả ai nghĩ đến chuồng heo hay một cái ao ếch!"

"Ừ. Còn ếch ngoài chợ thì người ta buộc thắt cổ, kêu gì nổi. Nhưng mà thật ra cũng không vui lắm đâu, mệt tai lắm. Với lại nó dơ dáy nhớp nháp, chắc Lin cũng ghê ha?!"

"Sờ thôi cũng không sao. Nhưng... hôn thì chả dám đâu. Đó cũng là một phần lí do tó không thích truyện cổ tích. Tớ thích mấy bài thơ này hơn."

"Tức là bạn tin chuyện một con ếch biết học bài hơn khả năng nó có thể biến thành hoàng tử?"

Tôi cố tình đùa một chút, rõ ràng là không vui lắm. Lin vẫn cười.

"Để xem... sáu bảy trừ... năm tám, bác Khoa viết bài này lúc chín tuổi thôi. Cổ tích toàn người lớn kể, trẻ con mới đáng tin."

Trống vào lớp đột ngột vang lên thùng thình, tôi ghét nó.

"Bao giờ xong cho tớ mượn nhé Minh?

"Cậu cứ cầm luôn đi, tớ cũng đọc hết rồi."

"Ừ, mấy hôm nay ngày nào tớ cũng thấy cậu giở nó ra. Cảm ơn Minh."

Bỏ qua những đôi mắt tò mò khó hiểu, thậm chí ganh tị, hướng về cuộc chuyện trò cuối lớp. Bỏ qua ý niệm Lin là ai, cô bạn ấy ra sao. Tôi thấy vui thực sự khi có ai đó quan tâm thứ tôi quan tâm. Không có nhiều người như thế.

"Nghĩ mà chán lắm Minh, tại đủ thứ lí do, trước đây tớ chưa bao giờ được về Việt Nam một lần nào hết. Toàn bộ Việt Nam trong tớ chỉ là nửa dòng máu và một biển thông tin nọ kia lơ mơ trên web. Tớ muốn được gặp gỡ, giao tiếp với mọi thứ đã biết nhưng chưa quen. Rất muốn được lấp đầy một nửa thiếu thời còn rỗng.

Rồi tớ thấy cậu, cầm một quyển thơ quen quen đã từng nghe qua, hình như cất giữ những ký ức vô cùng Việt Nam. Niềm tin khơi khơi mà rất quyết liệt, tớ tin cậu sẽ giúp được tớ. Cậu sẽ có thể rủ tớ đi đâu đó, không phải rạp chiếu phim."

Cuối chuyến xe bọn tôi trở về từ hành trình đầu tiên cùng nhau, Lin đã nói một hơi rất dài, như thế.

2. Có khoảng thời gian như thể một ngày chỉ có mỗi buổi tối, bởi tất cả những gì tôi nhớ lại, chỉ là cảnh căn phòng mình chìm trong bóng tối, nguồn sáng duy nhất đến từ màn hình PC đời cũ đang chạy screen saver. Tôi nằm trên giường, lòng xôn xao chờ đợi một cuộc gọi khuya. Lin đọc quyển thơ mượn tôi, mỗi tối vài bài, rồi bạn ấy sẽ gọi. Để chia sẻ, thường là sự kinh ngạc và phấn khích đến... kích động, trước tư duy bay nhảy phơi phới và "đáng yêu muốn xỉu" (nguyên văn) của cậu bé Khoa ngày ấy. Nhiều lần câu chuyện cũng vượt khỏi khổ sách dọc ngang mấy tấc, chúng tôi nói đôi chút về chính mình với nhau, hay tám chuyện tầm phào.

Cho đến đêm đó, Lin bắt gặp lại những con ếch trong một bài thơ khác rất dễ cưng.

Em đi chọc ếch chiều nay

Giỏ không thoắt đã đựng đầy tiếng kêu

Râm ran suôi cả trời chiều

Tiện mồm em cũng hát theo một bài

Tiện mồm, tôi cũng rủ Lũi đi chơi, về ngoại tôi chơi, nếu may về đúng lúc là được nghe ếch kêu liền.

"Thật không? Mà được không? Có phiền gì cậu với ông bà không?"

"Đi không?"

"Sao không. Hì hì."

Chủ nhật, tôi và Lin đeo hai cái ba lô con, bắt chuyến buýt sớm nhất đến bến xe, vé xe về quê đã đặt sẵn.

Xe khách âm thầm ra khỏi nội thành trước lúc bình minh, khi phố phường còn chưa kịp thức dậy náo động, giả mạo cảm giác của một cuộc chạy trốn.

Mất chừng ba tiếng đi theo những cung đường ngoại ô thưa vắng, chúng tôi đến một thị trấn nằm uốn mình theo cua quẹo dòng sông, cong cong, nên hồi nhỏ tôi tự đặt cho nó tên là Nụ Cười. Ở đó có quán cháo cá lóc mười ngàn một tô mênh mang, húp hoài không hết, hết rồi lại muốn "Cô ơi, con tô nữa". Nhưng mà thôi, để khi khác, không lại lỡ chuyến đò chở khách chở mấy cô mấy dì đi chợ, chỉ chạy hai lượt, sáng - chiều.

Vậy là trôi lênh bênh cùng mấy đám lục bình thêm nửa giờ. Sau đó chỉ phải đi bộ một đoạn ngắn sẽ đến nơi, vậy mà tụi tôi la cà tới gần trưa. Vì giữa đường có cái trường làng, Lin thình lình lôi tôi chạy đến ngồi ngoài vách, học lỏm hết giờ tập đọc. Bọn trẻ con ống quần lấm lem sình đất, thấy hai kẻ lấp ló, chắc nhìn Lin hơi lạ nên tụi nó ngại ngại, rồi thì cũng cười, nụ cười không lấm lem.

"Thơ viết về Bắc Bộ, nên chắc có khác ở đây chút chút nghe Lin."

"Không có tuổi thơ của bác Khoa, thì có tuổi thơ của thằng Minh. Biết đâu còn thích hơn."

Ngoại tôi có một cánh đồng, một vườn cây và một gian bếp.

Đồng ruộng vừa mới xạ lúa, phun thuốc tơi bời để sâu không ăn mạ, hôi rình à, ông không cho ra.

Vườn cây thì rộng mênh mông trồng đủ thứ loài, mỗi loại vài hàng, về mùa nào tìm quả cây mùa ấy. Leo lên hái rồi ngồi ăn luôn trên đó, chả cần rửa, "Mưa nắng vùng này sạch boong sợ gì", ông cười khà khà, dặn vậy. Lin không ăn nhiều, bạn ấy chỉ đi vòng vòng ngắm nghía và sờ nắn, không biết chán. Nhưng biết mỏi. Trưa nằm đòng đưa trên cái võng buộc giữa hai cây măng cụt, Lin mệt rồi nên nhắm mắt lim dim, năn nỉ tôi, kể ba cái chuyện con nít nghe chơi. "Ờ, thì, hồi đó mắc cười lắm. Tối ngày tớ hay...". Từ tán lá trên cao xanh mát, rụng xuống đầy những tiếng chim.

Lin dậy lúc nào đó trưóc tôi. Bạn ấy lăng xăng vô bếp nấu cơm chiều. Ngồi vào bàn ăn, tôi mới được nghe bà kể chuyện hậu trường đằng sau nồi cơm và dĩa cá nướng.

"Con bạn bây nó lì lắm, dì út bây kêu để đó nó mồi lửa cho, mà con nhỏ cứ la 'Thôi khỏi, gần cháy rồi ngoại ơi'. Hai chục cái gần của nó mới tới cái cháy! Chụm lửa cái lò cả một tiếng đồng hồ, cá muốn sình luôn. Vậy chứ tội nghiệp, nó nướng nhìn được lắm à, haha, bây ăn thử coi".

Đó là lời nhân chứng, còn vật chứng là một tấm ảnh, Lin cười nhăn răng giơ máy selfie cùng bà bên cái bếp mù mịt khói. Tóc bạn ấy búi gọn sau đầu, mặt mày đen thui lọ nghẹ, răng cũng đen vì vừa nướng cá vừa ăn chóp chép một mớ trái sắn bọn em họ tôi bẻ đâu đó đem về.

Tôi ngủ quên một giấc mà bỏ hết trơn, không được ăn sắn, cũng không được cười lăn cười bò.

Đến chiều chứng tôi đã phải về, trời bữa đó lại không mưa, cuối cùng thì mục đích đầu tiên của chuyến đi không thành. Lin vẫn chưa được nghe tiếng ếch đồng kêu. Bù lại, bạn ấy được ông tôi cho một cái giỏ tre đựng cặp tình nhân ếch mới bắt được đêm qua mang lên thành phố, tất nhiên không phải để xào sả nghệ rồi.

3. Khi chúng tôi vừa về đến, mẹ Lin đã chờ sẵn ở cổng, rất giận dữ.

"Lạ nước lạ cái mà đi đâu không nói, điện thoại cũng không gọi được! Con ở đâu cả ngày vậy hả? Chút nữa là mẹ đi báo công an rồi đấy!"

Chỗ ngoại tôi sóng viễn thông yếu lắm, gần như ngoài vùng phủ.

Tôi chẳng hề biết Lin đã không xin phép hay thông báo trước về chuyến đi với mẹ. Tôi hoang mang quay qua nhìn Lin. Bất ngờ là, bạn ấy khá bình thản, xin lỗi mẹ, rồi bảo tôi về nhé, Lin nói cảm ơn tôi rất rất nhiều vì ngày hôm nay.

Từ bé đến giờ, Lin chỉ sống cùng mẹ. Chuyện bí mật của người lớn, Lin từng kể với tôi rằng bạn ấy cũng không được biết nhiều.

"Chỉ nhớ là, mẹ bảo mẹ đánh đổi cả tuổi trẻ để có tớ, và luôn luôn dặn, tớ không được giận ba". Vậy đấy, nên sự lo lắng của mẹ Lin là dễ hiểu.

Nhưng tôi tin Lin không phải là một cô con gái lơ đãng hời hợt. Sự thật đúng vậy, bạn ấy chỉ hơi... nổi loạn thôi.

Tôi biết đầu đuôi vào sáng hôm sau đến lớp.

"'Con biết còn lâu mẹ mới cho con đi như thế, với một thằng con trai lạ hoắc mẹ chưa từng gặp. Nhưng con cũng biết luôn, nếu con cứ đi rồi về kể lại, thể nào mẹ cũng bảo: 'Nói với thằng đó là mẹ cho phép nó dắt con đi luôn đấy, bao giờ về cũng được'.'Đấy, toàn bộ lời giải thích đấy. Mẹ chỉ cốc đầu tớ một cái, chứ biết sao nữa giờ."

Tất nhiên chẳng có chuyện muốn là đi, đi bao giờ về cũng được rồi. Mọi việc sau này đều phải xin phép đàng hoàng. Nhưng dù cả ngày đứng ngồi không yên, bà mẹ vẫn không mắng cô con gái quá nhiều, thay vào đó lại gửi lời nó, mời cậu trai đến nhà chơi.

Lời mời ấy bắt đầu một buổi chiều trong rất nhiều buổi chiều có vị bánh nướng Pháp của mẹ Lin, có tiếng xe thi thoảng rồ lên rồi tan nhanh trong con hẻm nhỏ, có một màu đỏ rực ở kề sát bên vai tôi.

Tôi thường ghé tiệm chim cảnh mua một ít sâu bọ hay châu chấu, đem đến nhà Lin thả vào cái bể cá bằng kính đặt trước hiên nhà, cho hai con ếch ăn no phi. Nhìn tụi nó nhảy lóc chóc chán rồi, hai đứa sẽ leo cầu thang lên phòng cô bạn, "cưa sừng thành nghé", làm đủ thứ chuyện. Đọc sách, xem phim, nghe nhạc, chơi đùa.

Tuổi thơ tôi, tôi lục tìm lại cẩn thận từng file trong những folder trí nhớ, copy sang cho Lin.

4. Mưa dọn đến thành phố vào một ngày giữa tháng Ba, chuẩn bị ở trọ suốt mùa dài.

Hôm ấy, mùi mát lành lấp đầy căn phòng và chiếm cả tâm trí của hai đứa bạn ngồi bên cửa sổ. Chúng tôi khép hờ trang sách, ngẩn ngơ nhìn mưa trắng ngoài trời. Vô vàn giọt nước thả mình từ trời cao, tiếp chạm vào những bề mặt khác biệt, vỡ ra thành nhiều tầng thanh âm đủ mọi sắc độ, cộng hưởng nhau trong hợp âm dày dặn, tình tang.

Chỉ thiếu giọng... ếch.

Mưa đệm nhạc, ếch nghe thấy sẽ hát ngay.

Với tất cả háo hức mong ngóng, tôi và Lin chạy ào ra hiên. Chẳng nghe gì hết. Và tệ hơn là, chẳng còn gì cả. Nắp đậy bể kính chệch thành một khoảng hở.

Lin đột ngột lao ra mưa, tôi đuổi theo bạn ấy, ướt nhẹp chạy hết con hẻm dài, ra đến tận đường lớn. Vẫn chỉ có tiếng mưa mà thôi.

Chúng tôi đành trở về ngồi bệt trước hiên.

Chưa bao giờ tôi thấy Lin buồn như thế. Vậy mà, bạn ấy còn cố cười, môi nhạt đi vì ngấm nước.

"Tớ chỉ sợ tụi nó bị xe cán."

"Tháng sau thi xong, rảnh rảnh tớ sẽ về ngoại đấy, cậu đi cùng nữa không? Rồi mình sẽ xin một cặp ếch khác để nuôi, vẫn kịp mùa mưa."

"Người ta có cho đem ếch lên máy bay không? Rồi qua Pháp, nó sống được không?"

Tôi giật mình.

"Không lẽ..."

"Ừ."

Lin sẽ học hết cấp Ba ở Việt Nam trong vài gap-year, trước khi sẵn sàng trở lại Pháp tiếp tục chương trình học thực sự. Năn nỉ riết, bạn ấy đã có được thỏa thuận như thế với mẹ.

Giờ chưa hết một năm, Lin đã phải trở lại Pháp. Vì vài tháng trước, ba mẹ bạn ấy vừa có thỏa thuận khác cùng nhau.

Lin đã định sẽ chỉ cho tôi hay vào phút chót

"Có bao giờ cậu thắc mắc không Minh, tớ yêu Pháp hay Việt Nam hơn?"

"Không. Vì tớ biết."

"Ừ. Nếu chỉ ở Pháp, tớ nghĩ là trước sau gì tớ cũng vô rừng ở thôi, tớ thích như thế, tớ ước như thế. Chỉ có nước vô rừng, ở một mình, mới được sống bình nhiên. Rồi về Việt Nam, tớ lại thèm cuộc sống của ngoại cậu. Tớ muốn ở một ngôi nhà bên sông như thế. Ở đó mọi tồn tại xung quanh dù hay dở gì cũng đều thân thương. Ở đó tớ sẽ được bình nhiên, mà không phải đánh đổi gì cả, không phải chạy trốn gì cả. Không phải một mình."

"Rồi sự trưởng thành sẽ cho cậu quyền quyết định mà."

"Phải, nhưng tớ sợ chính bản thân tớ rồi sẽ thành ra loang lổ. Pháp cho ra Pháp là không được rồi, dù cũng rất yêu nó, nhưng biết làm sao khi tâm trí tớ thở ở Việt Nam. Nhưng cứ xa cách như vầy, chả biết bao giờ tớ mới Việt Nam, hoặc chí ít là đủ Việt Nam để lấn át vẻ bề ngoài nữa.

Tó không được lựa chọn việc sinh ra với hai dòng máu. Tựa tựa như thế, chuyện tó muốn sống một cuộc đời Viêt Nam - một cuộc đời Viêt Nam liền mạch, cũng được định sẵn từ đâu trong gen rồi. Vậy mà, tuổi trẻ của tớ sẽ ở rất xa nơi này.

Mai mốt nếu được ở đây, cũng sẽ không vui đâu, nếu tớ phải sống những tháng ngày bỡ ngỡ..."

Chia sẻ của Lin vượt ngoài những hình dung, những suy đoán và cả những an ủi mà tôi có thể nghĩ ra. Tóc lau khô lâu rồi, vẫn có nước lăn trên má bạn ấy. Tôi đủ biết im lặng.

Tận khi mưa tạnh, hai đứa mới nói thêm mấy câu.

"Trước khi tớ bay, nhất định phải cùng nhau về thăm ngoại thêm một lần nha Minh."

"Thế nào cũng sẽ có đứa bị ngoại chê ướt hơn mít, cho coi."

"Thì hãy đưa tớ ra ngoài ruộng khóc."

5. Buổi sáng, Lin thức sớm, lôi tôi dậy chỉ để khoe mùi tóc, mặt cố tình vênh vênh. Chuyện là chuyến này chúng tôi được ở lại nhà ngoại một đêm. Lin một lần nữa không có duyên với lũ ếch, đương mùa mưa mà qua nay lại không mưa. Dù vậy, nỗi thất vọng không kéo dài, ông trời bù đắp bằng một buổi tối quang mây và trăng bù đắp bằng một vầng rất tròn. Hai đứa tôi cứ nằm ngửa xuống sân gạch trước nhà ngóng lên cao, tóc dính đầy bụi. Trong khi tôi phải dùng hóa chất, Lin được bà vắt nước vỏ bưởi lên đầu rồi gội, sáng dậy tóc thơm như một khu vườn. Thế là bạn ấy được dịp lên mặt với thằng cháu trai bị bà cho ra rìa.

"Có muốn ra ruộng không thì đi nè. Không có để khóc, mà chạy."

Tôi đánh trống lảng. Lin nghệch mặt, lủi thủi đi theo, cuối cùng cũng dẹp cái trò kéo tóc qua mũi làm tôi bối rối phát điên.

"Mỗi đứa một đường bờ mẫu, đích là đường chân trời nghe."

Tôi chỉ tay ra xa.

Để vẽ lại khung cảnh trong mắt chúng tôi khi ấy, chỉ cần chia đôi mảnh giấy bằng một đường kẻ, tô màu lá phía dưới, màu trời phía trên, chú ý đi cọ thành những nét xiên xiên để gió được nhìn thấy. Đơn giản vậy thôi. Chỉ có điều, tôi dám cá bằng tất cả những con cá ở khắp đồng bằng quê ngoại, bạn sẽ không tìm được mảnh giấy nào đủ to để diễn tả trọn vẹn cái bao la bát ngát hết sảy của cảnh thật đâu.

Lin sững sờ chết đứng chắc cũng đến chục phút. Một đàn cò bay qua khiến bạn ấy bừng tỉnh, ngóng mắt nhìn theo. Đến khi những đốm trắng tan mất vào bầu trời, Lin mói quay sang tôi gật đầu.

Chúng tôi bỏ dẹp ra, chia nhau đi về hai bờ mẫu song song.

Ba.

Hai.

Một.

Chạy!

...

Để tôi nói cho bạn nghe cảm giác của tôi khi ấy, đó là, tôi không biết nói thế nào cả. Nó thực sự không thể diễn tả bằng lời. Chỉ biết đó là những giây phút tự do ngạo nghễ nhất tôi từng có trong đòi. Đồng rộng bao la và chân trời ở vô cùng. Tôi tin nếu cứ chạy hoài, tôi sẽ không lớn thêm một phút nào nữa, không buồn phiền thêm một chút gì nữa mãi mãi.

Ở đường chạy bên kia thửa đất, chắc chắn Lin cũng cảm thấy như thế. Bạn ấy dang tay thành một cánh diều. Tóc xù vẫn đỏ như mặt trời, lăn đi rất nhanh ngược chiều gió.

Hẳn chúng tôi sẽ chạy như thế rất lâu, nếu như không có một khoảnh khắc quá khích, Lin nhắm mắt lại, từ con diều đang bay biển thành con cá...mắc cạn. Bạn ấy trượt, bùn nhão dưới ruộng giam mất một chân. Tôi phải chạy đến giải cứu.

Cười lăn lộn một trận xong cũng vừa kịp mệt muốn đứt hơi, chúng tôi lững thững về ngồi gần mấy bụi tre. Lúc ấy bức tranh cánh đồng cần thêm rất nhiều màu vàng, nắng đã đổ dạt dào như sông.

"Cậu bắt buộc được tớ phải quay về rồi đó Minh, với trò này."

"Nhưng mà nếu tớ không nhớ ra kịp và rủ cậu chơi, thì cậu cũng phải trở về vì ông bà tớ chứ nhỉ?!"

"Đâu cần nói."

"Từ cái lần đầu về đây, chả biết trong lúc tớ ngủ quên cậu còn làm trò gì nữa không, mà ông bà vẫn gọi điện cho tớ nhắc về cậu suốt í. Nhắc theo cái kiểu, 'Bây làm sao coi được thì làm à, chứ sau này ngoại thích nó làm cháu dâu của ngoại đó nghe!!!'. Haha...

Thôi, lườm cái gì, nghe tiếp này.

Nói cái chuyện đó, ý là sao biết hông? Như vầy. Miễn một bà mẹ Việt Nam cảm thấy rất hạnh phúc nếu thằng trai cưng cưới được cậu làm vợ, thì cậu còn phải băn khoăn gì nữa về bản thân mình. Những bà mẹ Việt Nam, họ có thể dễ tính với mọi thứ, ngoài chuyện chọn dâu. Biết chưa?"

Tôi nói nhiêu đó mà mắc cỡ muốn đâm đầu xuống mộng luôn.

Nhưng nhất định phải nói.

Đúng lúc ấy, đám em họ đồng loạt gọi điện đúng giờ hẹn. Mấy cái điện thoại tôi gom của cả nhà ngoại, cài nhạc chuông là tiếng ếch kêu, giấu vòng vòng gần đây, giờ đang vang rền. Ếch kêu trong nắng. Lin tìm xung quanh và phát hiện ra rất nhiều con ếch màu trắng núp lấp ló trong cỏ, trong lúa. Những con ếch xếp dễ ợt bằng giấy tập (nhưng thú thật tôi quên mất tiêu, đêm qua phải hỏi lại bọn nhỏ cách làm). Những con ếch phải lấy một ngón tay ấn nhẹ sau lưng mới nhảy được một, hai bước.

Những con ếch không dơ dáy nhớp nháp thấy ghê, có thể hôn được, tôi nói với Lin như vậy. Song bạn ấy bảo, "Không cần hôn nữa đâu. Tớ có rồi"

Hi

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện