Story 39: Ngọn hải đăng

Tôi chỉ ở đó hơn hai tháng. Nhưng lại có cảm giác thực tế lâu hơn thế rất nhiều, như tôi chẳng ở đâu khác nữa ngoài nơi đó. Quãng thời gian ở đó sống động đến mức chỉ cần bất kì điều gì gợi đến, dù chỉ là một mẩu kí ức nhỏ nhất cũng khiến tất cả dần dần hiện lên, từng chút, từng chút, cho đến khi chúng trở thành một bức tranh hoàn chỉnh và lấp lánh.

***

Năm mười tám tuổi, vào mùa hè, sau kì thi Đại học mà tôi không có chút hy vọng nào, tôi theo bố mẹ chuyển nhà đến một thành phố mà trước mặt là biển, sau lưng là một ngọn núi nhỏ. Có những ngôi nhà nằm trên những con dốc thoai thoải cao dần lên, nhà nào cũng trồng một vòm hoa giấy trước cổng. Nhà tôi nằm trong số những ngôi nhà đó. Từ đây để vào trung tâm thành phố và hướng ra bờ biển cũng khá xa. Nhưng di chuyển bằng xe đạp thì rất thích vì xe chỉ việc lao xuống dốc vun vút. Dĩ nhiên lúc đạp về có hơi mệt chút nhưng tôi thường thi vị hóa nó bằng việc dắt bộ để thong thả ngắm cảnh. Ngày đầu tiên chuyển đến, tôi thò đầu ra khỏi chiếc xe tải chuyển đồ, nhận ra thành phố này gần như lúc nào cũng có mùi muối ẩn trong những cơn gió.

Tôi thích căn nhà mới này dù lý do cả nhà tôi phải chuyển đến đây chẳng hay ho gì. Sau nhiều lần tranh cãi, bố mẹ tôi quyết định sẽ cùng nhau thử lại lần cuối ở một nơi mới, xem chúng tôi có thể tiếp tục là một gia đình nữa hay không. Nghĩa là mọi thứ chờ đợi đằng trước không hẳn sẽ là một “kết thúc hạnh phúc”. Cảm giác phải chờ đợi kết quả chẳng dễ chịu chút nào. Nhưng tôi vẫn không thể ngăn mình thích ngôi nhà này. Vì giàn hoa giấy màu trắng nở trước cổng rất dịu dàng, làm mát hẳn cái nắng gắt chói chang ngoài kia. Vì mỗi lần đứng ở cửa sổ, hay ngồi trước cửa chính nhìn ra phía trước, đều thấy biển xanh trước mặt. Vì mùi muối theo gió thổi đầy ắp trong nhà, trốn ngóc ngách nào cũng không thoát được.

Ngoài ra, tôi cũng thích căn phòng áp mái của mình. Tôi có một phòng ngủ hẳn hoi nhưng phần lớn thời gian tôi ở phòng áp mái nhiều hơn. Leo lên những bậc thang kêu cọt kẹt sẽ gặp ngay căn phòng đấy, khá rộng nhưng trần hơi thấp nên căn phòng sẽ khá nóng vào giữa trưa, kiểu nằm ngủ một lát tỉnh dậy sẽ thấy người toàn mồ hôi, nhưng kiểu nóng nào tôi cũng chịu được. Sự yên tĩnh đến mức có cảm giác thời gian như đóng băng ở căn phòng này là điều mà không nơi nào của ngôi nhà có được. Tôi có cảm giác mình không cần phải bận tâm đến bất cứ thứ gì khác khi ở đây vì thời gian đã đứng yên mất rồi. Từ cửa sổ của phòng áp mái, tôi có thể dễ dàng leo lên mái nhà, vào những đêm trời trong nằm ngắm sao thì rất tuyệt. Những đốm sáng lấp lánh nhỏ như không hề biết điểm dừng của mình ở đâu, cứ việc trải dài bất tận.

Tôi dành hầu hết thời gian để làm những việc y hệt nhau. Buổi sáng ngắm biển từ cửa sổ. Buổi tối ngắm sao trên mái nhà. Đọc hết cuốn sách này đến cuốn sách khác. Rồi với chiếc xe đạp đi loanh quanh vô định. Từ nhà tôi đổ xuống theo con đường dốc, rồi cứ thế đi thẳng chừng hai mươi phút nữa là vào trung tâm thành phố. Tôi mải mê chạy và rẽ vào các con hẻm nhỏ, phải trái lẫn lộn tùy thích, mê mẩn nhìn ngắm những ngôi nhà trồng hoa trên ban công, ngẩng đầu nhìn bầu trời bị cắt thành một miếng bánh hình chữ nhật dài màu xanh lơ. Cứ như vậy cho đến khi những con hẻm trở thành một mê cung và tôi không còn nhớ mình phải tìm điểm khởi đầu như thế nào. Nhưng chẳng có gì để lo lắng. Thành phố này khá nhỏ, cứ đi một chốc sẽ tìm được đường về nhà.

Trong một lần lang thang như thế, tôi thấy mình đang hướng về phía biển. Cuối con hẻm tôi đang đi là biển. Xanh ngăn ngắt trước mặt. Phía trước nữa là một dải đất nhô ra từ một hòn đảo, có lẽ vậy, nơi đó người ta để một ngọn hải đăng sơn đỏ.

Vào một buổi chiều khi đang ngắm ngọn hải đăng, tôi gặp một cô gái trồi lên từ mặt biển. Trong một vài giây, tôi đã nghĩ đó là nàng tiên cá, khi mái tóc dài của cô ấy ướt nhẹp lấp lánh trong nắng chiều. Cho đến khi tôi nhìn thấy đôi chân thì mới thực sự tỉnh ra. Cô ấy cứ thế đi ngang qua tôi, vào con ngõ nhỏ mà tôi vừa lao ra khi nãy và biến mất.

Vài hôm sau nữa, tôi lại nhìn thấy cô bạn đó trồi lên từ mặt biển. Lần này cô ấy không đi ngang qua tôi mà dừng lại, nở nụ cười rạng rỡ mà không hề khiến người khác cảm thấy choáng ngợp. Chỉ có cảm giác tin tưởng.

- Này, trông tớ lạ lắm à? Cậu cứ nhìn tớ suốt từ nãy.

Tôi hơi hoảng, như bị bắt gặp đang làm chuyện gì vụng trộm, dù thật sự chẳng có gì cả.

- À không, chỉ là… Tớ đang tự hỏi bạn làm gì mà tớ luôn thấy bạn từ dưới biển lên.

Có vẻ câu hỏi của tôi quá ngớ ngẩn nên cô ấy cười thành tiếng.

- Dĩ nhiên là tớ bơi rồi, người ta còn có thể làm gì ở dưới biển nữa. Tớ bơi đến ngọn hải đăng đằng kia.

- Có xa không?

- Không, mất tầm hai mươi phút bơi thôi. Nước cũng chẳng sâu lắm đâu. Cậu có muốn thử không?

- Tớ bơi không giỏi lắm.

Cô bạn ấy tên Dương. Cái tên thật hợp với thành phố biển này.

*

Và Dương trở thành người bạn đầu tiên, cũng là người bạn duy nhất của tôi kể từ ngày chuyển đến đây.

Nhà Dương ở khá gần ngọn hải đăng, nhưng đi sâu vào bên trong thành phố hơn. Cậu ấy hỏi nhà tôi và sau khi nghe tôi miêu tả sơ qua đã bảo rằng nhà tôi rất dễ nhận ra vì đó là ngôi nhà duy nhất có hoa giấy màu trắng trước cổng. Những ngôi nhà khác đều có ít nhất hai màu hoa giấy chứ chỉ toàn màu trắng thì không. Tôi khá ngạc nhiên vì ở đây cũng gần một tháng rồi mà tôi chẳng để ý lắm đến hàng xóm. Dương vừa bảo tôi vô tâm dễ sợ xong đã cười xòa an ủi ngay, bảo cô ấy biết là do hay giao bánh mì cho khu vực đó nên hay để ý.

Nhà Dương kinh doanh bánh mì nên trước nhà là một tiệm bánh, lúc nào đi qua cũng ngửi thấy mùi bánh mì mới ra lò thơm dễ chịu. Sau này, mùi muối biển và mùi bánh mì nướng trở thành hai mùi yêu thích nhất của tôi. Thỉnh thoảng tôi hay qua đó mua bánh mì trữ sẵn cho những buổi điểm tâm hoặc tối vì khi đã có bánh mì rồi thì bạn chỉ cần thêm trứng là đủ một bữa. Cái chuông sẽ kêu leng keng khi tôi đẩy cửa bước vào bên trong tiệm. Nhưng mục đích chính của những lần đó thật sự là rủ Dương đi chơi. Bố cậu ấy ở trong bếp đang nhào bột sẽ cười bảo con gái đi chơi đi. Mẹ cậu ấy ở quầy thu ngân nghe thế cũng khoát tay cho cô ấy đi. Lúc đó, Dương sẽ đặt bánh lên các khay cẩn thận rồi mới tháo tạp dề ra, dắt chiếc xe đạp đi với tôi. Chúng tôi chỉ đạp xe loanh quanh thành phố rồi hướng ra bờ biển. Dương cùng tôi lặp lại hành trình mà tôi đã làm trong suốt một tháng qua, nhưng mọi thứ lại trở nên thú vị hơn và có điểm đến chứ không chỉ là lang thang vô định nữa. Như việc cậu ấy chỉ ra một tiệm kem có món kem chanh dây rất ngon, cửa hiệu sách cũ có bán cả những đĩa nhạc jazz từ rất lâu...

Tôi không hiểu Dương thích bơi ra ngọn hải đăng làm gì vì theo những gì cô ấy kể thì ngoài đó chẳng có gì đặc biệt. Nhưng thỉnh thoảng cô ấy vẫn cứ để mặc tôi rồi chạy ào xuống biển, bơi ra ngọn hải đăng, rồi một lúc sau sẽ bơi trở lại bờ. Có lần trả lời cho câu hỏi của tôi, Dương bảo chỉ vì cậu ấy thích làm vậy. Có nhiều chuyện khi làm chẳng cần lý do gì đặc biệt cả. Cũng có lần tôi bơi cùng cậu ấy, nhưng không đủ sức bơi ra ngọn hải đăng nên tôi lại bơi ngược vào bờ.

Lần đó, sau khi bơi, tôi kiệt sức nằm dài trên bãi cát ngắm bầu trời. Một lúc sau, Dương bơi trở lại và nằm xuống cạnh tôi.

- Này, đáng nhẽ giờ này cậu phải biết kết quả thi Đại học rồi chứ? Chuẩn bị đồ đạc vào thành phố các thứ?

- Không xem tôi cũng biết mình rớt chắc.

- Kém tự tin thế cơ á?

- Không phải. Tôi rớt là vì cả ba môn thi tôi đều không làm câu nào cả. Một chữ cũng không viết.

- Vì sao?

- Chẳng vì sao cả. Lúc đó đơn giản là tôi không muốn làm. Còn cậu, cũng phải biết kết quả thi Đại học rồi chứ?

- Tớ không thi Đại học năm nay.

- Sao vậy?

Dương không trả lời ngay mà một lúc sau mới chậm rãi nói.

- Mẹ tớ ốm. Nhà tớ cần tiền để chữa bệnh cho mẹ trước đã. Nếu tớ đi học Đại học thì tạm thời không đủ tiền. Tớ có thể học sau, lúc nào mà chẳng được. Việc đó không phải là việc quan trọng nhất với tớ lúc này.

Lúc đó, tôi cảm thấy xấu hổ trước Dương khi không thể nói ra lý do thực sự. Cô ấy biết rõ mình muốn làm gì, điều gì là quan trọng với mình. Còn tôi ngoài mặt thì tỏ vẻ tự đắc, nhưng kì thực chỉ để che giấu bên trong sự chống đối trẻ con. Thật sự là vì tôi muốn bố mẹ phải dằn vặt vì kết quả tôi không đậu được Đại học.

Có một tối, Dương lén trốn ra khỏi nhà để đến nhà tôi theo lời mời ngắm sao. Tôi dẫn cậu ấy rón rén leo lên bậc cầu thang, cố tránh làm mẹ tôi thức giấc. Sau đó chúng tôi leo lên mái nhà, suýt thì trượt chân. Nhưng những đốm sáng lấp lánh bé nhỏ thật đáng giá cho tất cả những lần thót tim đó. Cả cái ngả đầu lên vai của cô bạn gái làm tim bạn đập liên hồi nữa. Lúc đó, Dương nói tôi hãy thật sự nghiêm túc nghĩ về kỳ thi Đại học hoặc bất cứ chuyện gì tôi muốn làm. Thời gian không thật sự đứng yên cho dù tôi có trốn ở phòng áp mái. Trước thái độ kiên quyết của cô ấy, tôi chỉ có thể ngoắc tay hứa mình sẽ nghĩ về nó nghiêm túc.

Sau đó tôi lại trốn khỏi nhà để đưa cô ấy về đến tận cửa rồi mới yên tâm đạp về. Tôi đạp hết tốc lực khi leo lên dốc trở về mà chẳng thấy mệt chút nào.

*

Cuối cùng, bố mẹ cũng đi đến quyết định không thể sống chung với nhau được nữa. Tôi đã biết đây là đáp án chờ đợi mình khi câu hỏi bắt đầu, không thể nào khác được. Bố mẹ nói chuyển đến đây là để cho nhau cơ hội, nhưng cơ hội ở đâu ra khi hầu như chỉ có tôi ở nhà. Bố bảo phải đi công tác, mẹ không đi công tác nhưng cũng không biết đi đâu mà hiếm khi về nhà.

Sau khi để lại cho tôi một thông báo về việc họ sẽ ly dị, bố lại đi công tác và mẹ lại biến mất. Một lần, Dương ghé nhà tôi giao bánh mì vì tôi đã đặt hàng, nhưng lại ốm đến mức không thể ra khỏi nhà. Và khi Dương thay một chiếc khăn ướt lên trán giúp, tôi đã ngồi dậy hôn cậu ấy một cái. Vì khi đó Dương đã bảo cô ấy không thật sự đến giao hàng, lý do thật sự là vì lo lắng tôi mấy hôm nay không thấy ra bờ biển như mọi lần. Vì khi đó trông cô ấy thật sự quá dịu dàng.

Khi lớn lên, bạn sẽ biết nó không hẳn là một nụ hôn thật sự. Nói đúng hơn đó là một cái chạm môi. Nhưng cảm giác váng vất nó mang lại thì không gì có thể phủ nhận.

Mấy hôm sau nữa, khi tôi đã khỏe và gặp lại Dương, tôi giả vờ chẳng nhớ gì về ngày hôm đó. Tôi đã sốt quá cao. Tôi vờ như mình không nhận ra nỗi buồn trong ánh mắt trong veo của Dương, và để mặc cô ấy bơi một mình ra ngọn hải đăng. Mãi một lúc sau Dương mới quay trở lại.

Khi đó, tôi nghĩ đó là lựa chọn tốt nhất mà mình có thể chọn. Mẹ trở về nhà khi tôi sắp khỏi ốm, bảo sẽ đưa tôi sang Mỹ ở với ông bà ngoại. Căn nhà có giàn hoa giấy trắng này sẽ bán đi và bố tôi lại trở về thành phố nơi ông vừa rời khỏi cách đây hai tháng. Tôi không chắc mình sẽ trở lại nơi này được. Vì vậy, tôi đã rời khỏi nơi đó không một lời từ biệt.

*

Cuối cùng, tôi cũng có cơ hội trở về thành phố biển đó sau vài ba năm. Nhưng Dương đã không có ở đó dù chiếc chuông vẫn leng keng khi tôi mở cửa tiệm bánh mì. Cậu ấy lúc này hẳn đã vào thành phố học Đại học. Khi mua một vài chiếc bánh mì, tôi mới nhận ra cửa tiệm đã thay chủ. Qua vài mẩu đối thoại rời rạc, tôi biết mẹ Dương đã không thắng được bệnh tật và sau đó bố Dương đã quyết định cùng cô ấy vào thành phố. Thế nghĩa là cô ấy sẽ có thể chẳng trở lại nơi này nữa.

Tôi đi bộ ra bờ biển nơi chúng tôi vẫn gặp nhau trước đây. Lần đầu tiên sau rất nhiều lần, tôi gắng sức bơi ra ngọn hải đăng. Tôi khoát nước, quẫy chân đạp, cố gắng giữ nhịp và cuối cùng cũng đến nơi. Ở đó đúng là chẳng có gì đặc biệt thật. Chỉ có ngọn hải đăng sơn đỏ cũ kỹ, và biển thì gợi cảm giác mênh mông bất an nhiều hơn khi ngắm ở trên bờ cát.

Kiệt sức đến không thể bơi trở lại bờ ngay, tôi nằm ngửa cổ ngắm bầu trời và vẽ lại nụ hôn đầu đời của mình. Trong kí ức, tôi vẽ nên một kết thúc khác. Lúc đó tôi sẽ nói với Dương.

- Có một số chuyện không cần lý do để bắt đầu, nhưng việc này thì có, là vì tớ thích cậu.

Tôi tha thiết ước ao mình đã nói được một lần rằng “Tớ thích cậu”. Ước ao một lần cô ấy sẽ nghe được điều đó. Không phải để cho mọi thứ có một “kết thúc hạnh phúc”. Chỉ là tôi không muốn tình cảm đó trở thành bí mật.

Và rồi những lời mà Dương đã nói trong một buổi chiều nào đó không xác định được lại vang vọng, rõ ràng đến mức như thể cô ấy vừa chỉ nói hôm qua. “Cậu biết hải đăng được tạo ra là để chỉ lối cho những con tàu không va phải đá ngầm chứ? Tớ mong sẽ có rất nhiều ngọn hải đăng chỉ lối cho cậu, để cậu dù cho có phải bị xây xước chút đỉnh cũng luôn an toàn trở vào bờ”.

Bây giờ, ngọn hải đăng tôi đã từng có ẩn trong nụ cười tươi sáng đầy ắp sự tin tưởng, đã đi đâu mất rồi? Tôi không muốn thay đổi sự lựa chọn năm mười tám tuổi, nhưng ở thời điểm hiện tại này tôi có thể tìm lại ngọn hải đăng đó nếu cố gắng hết sức mình chứ? Chỉ cần nhảy ùm xuống và cố sức bơi là sẽ đến được đích, phải vậy chăng?

Tôi không biết phải trả lời những câu hỏi đó như thế nào. Hoàn toàn không biết.

Fuyu

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện